Khang Hy Đại Đế - TẬP 3 - Chương 14

14

Theo thời thế nô tỳ mưu cấu kết

Xu nịnh chủ bàn luận lấy hồng nho

Giám sát cuộc thi bác học hồng nho xong, Sách Ngạch Đồ ngay đêm đó trở về phủ, trời đã về đêm. Già Thái gác cửa xách cây đèn trái dưa đang đợi, thấy chiếc kiệu vừa hạ xuống đã vội chạy tới cười nói: “Lão gia, sao về muộn thế, nghe nói hôm nay thi đình xong rồi, ty quan các Bộ đến đông lắm, đợi nghe tin, đến khi trời tối mới giải tán ra về. Đại học sĩ Lý mới vừa đi, thì lão gia đã về...” Sách Ngạch Đồ đi vào phủ, ông ngáp dài nói: “Đi rồi thì tốt, ai chịu được bọn họ quấy rầy suốt cả ngày cả đêm! Bây giờ mới vừa thi xong, thì làm sao có tin tức gì được? Nói là đến nghe tin, thực tế là đến để nịnh nọt!” Già Thái xách đèn đưa chủ đi quanh quẹo vào trong, vừa nói: “Lão gia nói đúng đấy, nhưng ở vườn hoa phía tây vẫn còn một vị! Ngài đã mệt rồi, nô tài xin đi báo ông ta một tiếng, bảo ông ta ngày mai tới”.

“Ai?” Sách Ngạch Đồ dừng bước, dưới ánh đèn không thấy được sắc mặt ông.

“Một người ở xa, xưng danh là Đồng Bảo, em họ của đại nhân Cát Lễ, tổng đốc Giang Nam”. Già Thái nghe giọng nói ông hơi khác, nên cẩn thận trả lời, “Uông tiên sinh và hai anh em nhà họ Trần đều đang chuyện trò với nhau ở đó”.

Sách Ngạch Đồ nghe xong không nói gì, bèn quay người lại đi về phía vườn hoa phía tây. Thấy già Thái bám sát theo mình liền nói: “Ông Thái, ông không cần theo vào hầu, đi bảo nhà bếp bày một tiệc rượu, không nên nhiều món, chỉ cần thanh đạm một chút là được”. Nói xong vội đi ngay, Thái Đại vội đi chuẩn bị tiệc rượu.

Trong phòng khách mịt mù khói thuốc, bốn người, bốn tẩu thuốc ráng sức rít, kêu lên sòng sọc dưới ánh đèn cầy mờ tối. Sách Ngạch Đồ vừa bước vào cửa đã ho lên một tiếng. Mấy người thấy ông bước vào vội đứng cả dậy. Sách Ngạch Đồ dừng lại dưới ánh đèn, ông chau mày khoát tay bảo: “Mở cửa sổ ra cho thoáng, Đồng Bảo, chú vào kinh bao giờ?” Đồng Bảo khoảng trên dưới ba mươi, người thấp, trên khuôn mặt xương xương rỗ chằng rỗ chịt chỉ có đôi mắt tròn đen lánh dưới chân mày rất ít nhấp nháy nhưng lại tỏ ra rất sáng suốt. Anh ta không mặc trang phục nhà quan, chỉ một chiếc áo không tay tròng ra ngoài chiếc áo dài, phía trong vải lót trắng xắn ra ngoài ống tay áo. Đồng Bảo lanh lẹ vái chào, nói: “Hạ quan kính chào cụ lớn Ba! Hạ quan vừa đến đây ngày hôm kia, đã gặp cụ cả Tâm Dục, cụ hai Pháp Bảo. Hai cụ lớn bảo hạ quan tối nay đợi cụ lớn Ba bãi triều, phải đến bẩm với cụ lớn Ba biết về một số việc trong nhiệm sở của gia huynh Cát Lễ trong thư không viết được”.

“Việc ở Nam Kinh bây giờ khoan nói đến đã”. Sách Ngạch Đồ ngồi xuống ghế bưng bát nước trà lạnh lên hớp một ngụm, nói, “Việc ở Bắc Kinh rối beng lên đây! Báo các ngươi biết, Tấn Khanh đưa vào phòng dâng thư sợ e khó, vốn là một chuyện tốt lành, để cho anh dở hơi Minh Châu xen vào, nửa chừng lại tòi thêm ra anh chàng Cao Sĩ Kỳ biết trước như thế này thì lúc đó đường đường chính chính tiến cử Uông tiên sinh đi thi khoa bác học hồng nho, tốt xấu gì trong triều cũng thêm được một người!”

“Chính là tôi không muốn lộ mặt. Trung đường trong triều đâu có thiếu người, chỉ sợ quyến thuộc nhà Vua không hưng thịnh thì khó làm”. Uông Minh Đạo mắt sáng long lanh, nói: “Hoàng thượng nếu không nghe đám Minh Châu mê hoặc, không thay đổi nguyện ước lập Thái tử ban đầu, thì Trung đường không đến nỗi lâm vào tình thế thất bại”. Sách Ngạch Đồ cười nói: “Đâu đến nỗi như vậy, hiện nay bộ Lại đang định cho ta tập tước công bậc nhất, Hoàng thượng đã phê chuẩn. Các người hãy đợi xem, ta vẫn mạnh hơn Minh Châu”. Đang nói thì rượu thịt đã mang lên, Sách Ngạch Đồ lệnh cho bọn hầu nhỏ lui ra, rồi mời bốn người vào tiệc vừa ăn uống vừa bàn việc.

“Không biết bộ mặt thật của Lư Sơn, chỉ có duyên phận với nơi này”. Đồng Bảo gắp miếng thịt ăn, cười nói: “Lời Trung đường làm tôi nhớ lại chuyện năm Khang Hy thứ 8, Trung đường Ngao Bái hôm đó cũng là ngày đầu tiên được tấn phong tước công bậc nhất, ngày hôm sau đã bị Ngụy Đông Đình bắt tại cung Dục Khánh...” Đôi mắt tròn của hắn quét nhìn Sách Ngạch Đồ, rồi bưng chén uống như chẳng có việc gì. Sách Ngạch Đồ thấy rét run trong lòng, mặt trắng bợt. Uông Minh Đạo nhìn hai đệ tử cười ha hả, hắn đặt ly xuống nói: “Lời của Đồng Bảo hơi có chút giật gân nhưng không phải không có lý. Theo lão, bình tĩnh mà xét thì từ sau năm Khang Hy thứ 12, Trung đường đã dần dần bị Hoàng thượng lạnh nhạt. Hồi trước vì Trung đường chủ trương nghị hòa với Ngô Tam Quế đã nhiều lần bị Hoàng thượng quở trách; về sau học sĩ Hàn lâm viện Cố Bát Đại xúc phạm Trung đường, Trung đường vốn muốn biếm truất ông ta, thì ngược lại bị hạ hai bậc; Ngụy Tượng Khu dâng sớ vạch tội Trung đường ‘tham quyền cố vị’ ...”

Sách Ngạch Đồ vốn thản nhiên trong lòng, nhưng nghe họ nói đâm ra bối rối phiền muộn, nghe Uông Minh Đạo còn vênh mặt như nhà tướng số thật sự, bèn cắt ngang: “Nguy Tượng Khu là cái thá gì! Nhờ vào cuộc động đất Hà Nam mà đã dám động đến ta à? Hoàng thượng chẳng đã nhận bảo lãnh sao? Ta vẫn là ta”.

“Hạ quan còn nhớ Hoàng thượng nhận bảo lãnh như thế này: động đất là do Trẫm thất đức gây nên, tu tỉnh phải do Trẫm làm trước!” Đồng Bảo cười nói, “Ngày hôm sau còn gọi ngài và đại nhân Minh Châu vào tuyên dụ: Các ngươi nên súc rửa ruột gan, tự thề trung thành. Từ sau khi được trọng dụng, nhà các quan đều dư dả sung túc, còn câu kết làm lợi riêng, tham lam bừa bãi. Nếu sự việc phát giác, phép nước vẫn còn, quyết không dung thứ! Ngài hãy nghe xem, đức Vạn tuế rất thích ngài chăng?”

“Đó gọi là vua chịu tội thay cho quan”. Trần Thiết Gia cười nói. “Tuy nói bảo lãnh cho ông Ba, nhưng chẳng qua chỉ vì chút công diệt trừ Ngao Bái? Một khi vốn cũ dùng hết rồi, chưa chắc Hoàng thượng vẫn còn khách sáo như xưa”. Trần Tích Gia nghe anh nói, liền tiếp lời: “Đức Vạn tuế anh minh quyết đoán, sâu sắc khôn lường. Cứ cho rằng Cao Sĩ Kỳ tự mình bò đến trước Hoàng thượng, thì cớ sao Vạn tuế lại không chịu dùng Lý Quang Địa? Ngay cả việc giảm khinh giải quyết Trần Mộng Lôi, càng nghĩ ý tứ của bài văn này càng sâu!”

Trước khi Đồng Bảo rời Nam Kinh, có bàn bí mật với Cát Lễ tại phủ tổng đốc, nghe giọng điệu Cát Lễ, hình như Sách Ngạch Đồ có nhờ Cát Lễ làm một việc gì động trời, ngay cả Chu Tam Thái tử bắt được trong tay rồi, Sách Ngạch Đồ còn bí mật chỉ đạo “Dẫn mà không phát, nếu lợi thì dùng”. Lần này về kinh, danh nghĩa là báo cáo công việc, thực ra là để tìm ra thực chất Sách Ngạch Đồ, nếu không sau này phát hiện việc kín bại lộ, thì đầu rơi cũng chẳng biết tại sao, còn Sách Ngạch Đồ thì dùng những lời ba phải để chối trách nhiệm. Nghe tới đây, thấy những người bên cạnh Sách Ngạch Đồ nói thật tình không dấu diếm những lời như đại nghịch này, lòng ông đã có ý định, nhưng tự mình biết các anh em một đời giàu sang đã gắn liền với an nguy của Sách Ngạch Đồ. Ông dự định tới gần Sách Ngạch Đồ hỏi: “Hôm nay đi thăm các vị bác học hồng nho, Hoàng thượng có đưa Thái tử theo không?”

“Có”. Sách Ngạch Đồ tinh thần có hơi không yên, “Còn có cả Bối tử Dận Đề”. Uông Minh Đạo hỏi: “Ông Ba, Dận Chỉ cũng tước vị Bối tử vì sao Hoàng thượng không cùng đưa đi?” Ánh mắt Sách Ngạch Đồ bỗng sáng lên, ông nói: “Người ta mới ba tuổi thôi, có thể vì quá nhỏ, có thể vì bệnh, có thể...” Ông bỗng rùng mình, không nói gì nữa, chỉ ngây người nhìn ngọn nến lung linh. Uông Minh Đạo thở dài với ý nghĩa sâu sắc, nói: “Con không có mẹ có ai thương? Có mẹ ghẻ thì có cha dượng, từ xưa tới nay có biết bao nhiêu chuyện yêu thương thiên lệch dẫn đến thay đổi trưởng thứ, tranh giành ngôi vị? Cụ Võ Tông thời Minh trước là con một, các cung phi quyền thế hậu cung không chịu bỏ qua; Mã hoàng hậu không còn, Kiến Văn Đế lên ngôi nhưng vẫn không trụ vững! Không quên việc trước là thầy dạy của việc sau! Bên cạnh Hoàng Thái tử lại không có sư phụ đáng tin cậy, bên trong không có tể tướng tài phù trợ, ngoài không có tướng giỏi giữ gìn, chung quy là không xong!”

“Tể tướng tài tướng giỏi?” Sách Ngạch Đồ lặp lại những lời Uông Minh Đạo nói, sắc mặt lúc tím lúc tái: “Tể tướng tài” tức là nói mình, nhưng theo mấy người này nói, rốt cuộc Khang Hy tin mình đến đâu, không thể biết đích xác; Hùng Tứ Lý tuy không có ý gì khác đối với Thái tử, nhưng lại trung thành với Khang Hy hơn, vạn nhất Hoàng thượng đổi ý, thì cũng khó bảo đảm là không xuôi chiều trở mặt. Ông suy nghĩ về “tướng giỏi” ngoài biên ải. Lang Đàm đang cầm quân ở Ca Tả, nhưng con người này trước nay không chịu lội nước đục, không hy vọng ở những việc mạo hiểm. Triệu Lương Đống bệnh chết; Thái Dục Vinh vì lén cưới cháu gái Ngô Tam Quế đang bị bắt đưa về kinh; Đồ Hải tuy đang làm Phụ viễn đại tướng ở Thiểm Tây nhưng vì tuổi già đang dâng biểu xin nghỉ hưu; đáng tiếc tổng đốc Quảng Đông Ngô Lục Nhất vừa nhậm chức đã bị Thượng Chi Tín bỏ thuốc độc giết chết. Người này nếu còn, điều về Trực Khang làm tổng đốc thì không gì bằng ... Suy nghĩ hồi lâu, Sách Ngạch Đồ bỗng đập vào lưng ghế, cười nói: “Làm sao ta lại quên mất Châu Bồi Công! Nếu không phải ông ta ngâm thơ trước sạp khi Hoàng hậu mất thì Thái tử không biết sẽ rơi vào tay ai! Uông tiên sinh, đêm nay chúng ta không nói tới việc này nữa. Phiền anh sáng mai viết cho Châu Bồi Công một bức thư, nói tôi đã tâu với Hoàng thượng rút thêm mười đội quân cờ lục người Hán cho anh ta chỉ huy. Chỉ nói đến đây, anh ta là người thông minh biết cả thiên hạ, khi xem thư nhất định hiểu ngay”.

“Hay!” Đồng Bảo vỗ đùi, cười nói, “người này vừa là người tâm phúc của Hoàng thượng, lại là người Thái tử đảm bảo tiến cử, văn thao võ lược không ai sánh kịp, lại cầm quân ở bên ngoài, quả là người hoãn cấp đều dùng được, may mà ông Ba nghĩ ra chỉ nghe nói sau khi đi Phụng Thiên vì không hợp thủy thổ nên mang bệnh không biết thật hư thế nào?” Sách Ngạch Đồ nói: “Anh ta làm gì có chuyện không hợp thủy thổ? Bị Minh Châu cắt phăng đoạn nhân duyên với Cố A Tỏa, lại sai đi ra ngoài quan ải chịu rét, trong lòng phiền muộn là cái chắc”. Nói xong, cười ha hả.

Câu chuyện này không ai biết, bốn người bất chợt đưa mắt nhìn nhau. Uông Minh Đạo trầm ngâm nói: “Vừa rồi Tấn Khanh đến phủ, tôi cùng ông ta nói chuyện khá lâu ở thư phòng, người này tuy bề ngoài có vẻ thanh cao, thực ra trong lòng khát khao danh lợi. Minh Châu bảo đảm cho Trần Mộng Lôi, nhưng trong lòng không mấy dễ chịu tôi xem Trung đường chưa có cách gì để cho anh ta vào nội các. Ừm... còn về Trung đường đại nhân, già này còn có một câu, không biết có nên nói hay không?”

“Hả?”

“Xin nghỉ phép thôi chức, tạm lui ra ngoài cuộc!”

Một lời nói ra, mọi người đều ngạc nhiên. Chỉ riêng Sách Ngạch Đồ trợn mắt, suy nghĩ không chút biểu cảm. Trần Tích Gia nghiêng người nói: “Thưa thầy, lời này học trò không hiểu. Con chỉ hận bây giờ Trung đường đảm đương ít việc quá, chứ việc càng nhiều, quyền càng lớn, người công kích càng ít, làm sao tự mình lại xin rút ra khỏi phòng dâng thư?”

“Uông tiên sinh không hổ là người mưu trí, hay!” Đồng Bảo ánh mắt như hăm dọa, anh vỗ tay than thở: “Quyền lớn chúa nghi! Trung đường rút lui thì có thể nói rõ tâm tình với Hoàng thượng, còn có thể chặn họng những người nói Trung đường lạm quyền cố vị. Minh Châu lập tức trở thành mục tiêu cho bao nhiêu mũi tên của mọi người nhằm vào một hòn đá ném ba con chim, thật là tuyệt diệu!” Sách Ngạch Đồ đứng lên bước mấy bước, rồi quay người nói: “Một hòn đá ném năm con chim chứ! Ta có thể giành thì giờ hầu hạ Thái tử, cũng có thể xem xét tỉ mỉ ai thực tình đối xử tốt với ta! Hừm! Ta hãy nhường cho Minh Châu một ngựa, để ông ta chạy quanh trước Hoàng thượng!”

Không khí trầm lặng vừa rồi bỗng chốc sôi động hẳn lên, mọi người bây giờ mới để tâm tới những món ăn không lấy gì làm phong phú trên bàn. Năm người uống rượu, gọi ban hát gia đình lên hát giúp vui mãi đến canh ba rưỡi mới tàn cuộc. Trở về phòng nghỉ, Đồng Bảo đưa Sách Ngạch Đồ đến tầng cửa thứ ba, nói nhỏ: “Ông Ba, những việc ông anh tôi nói trong thư làm thế nào?”

Giữa tiết trời xuân hơi se lạnh, Sách Ngạch Đồ đứng yên lặng, một hồi lâu mới than nhẹ một tiếng: “Cái ngữ đó có giết chết cũng không có ý nghĩa gì, để lại thì còn có ích, nhưng lại sợ chơi lửa bỏng người, bảo Cát Lễ hãy cẩn thận một chút, đừng có trực tiếp gặp mặt đi lại với nhau, hãy nghe lời ta dặn!” Đang nói thì Thái Đại xách đèn đưa mấy đứa hầu nhỏ đi ra, Sách Ngạch Đồ cười nói: “Tháng sau sinh nhật lão Phật gia, mấy ngày trước bảo ngươi thăm dò thử Minh Châu dâng tặng quà gì, ngươi đã hỏi ra chưa? Tốt xấu gì chúng ta cũng là quốc thích chính thức, không được thua người ta mới phải”.

“Bẩm cụ lớn”, Thái Đại cười nói, “Bà vợ họ Hoàng phòng trà phủ ta là chị của ông quản sự Trương thủ kho bên phủ Minh Châu, nên đã hỏi ra rồi, tể tướng Minh dâng tặng hai cây như ý, một bằng ngọc, một bằng vàng, một bức tranh thọ tỷ Nam sơn khắc trên đá Đại Lý nô tài nghĩ rằng lão Phật gia rất tin phật, pho tượng phật Quan âm nặng đến hơn bảy trăm lạng toàn bằng vàng do diêm đạo Giang Ninh dâng tặng thì cũng bằng của họ rồi. Có điều bây giờ lại thêm một ông Cao, không hiểu ông ta sẽ dâng tặng món quà gì...”

“Thôi đủ rồi”. Sách Ngạch Đồ nói, “Ông Cao Sĩ Kỳ đó không cần lo, ông ta mới vào phòng dâng thư chức quan chỉ là Lang trung, nếu biết moi tiền thì một lúc làm sao đã có được bằng chúng ta?” Nói xong bèn trở về phòng nghỉ ngơi.

Nghỉ một ngày, đến ngày thứ ba là ngày họp duyệt quyển thi khoa bác học hồng nho, Sách Ngạch Đồ dậy rất sớm, đến cửa Tây Hoa xuống kiệu trình thẻ vào đại nội. Thấy Lý Quang Địa từ trong đi ra, Sách Ngạch Đồ bèn dừng lại hỏi: “Mới sớm thế này đã vào? Vội vội vàng vàng đi đâu thế?” Lý Quang Địa vì quen thân nên không giữ lễ, chỉ vòng tay vái một cái nói: “Tối hôm qua, Chúa thượng lệnh cho tôi thảo một chiếu dụ gửi cho Thi Lang, do không hiểu về quân sự nên phải tra đọc sử liệu tại điện Văn Hoa mãi đến sắp sáng mới làm xong. Hoàng thượng còn giữ lại để xem xét, bảo tôi về nghỉ, chiều nay tới gặp nghe thánh dụ”. Sách Ngạch Đồ nghe nói ngơ ngác hỏi: “Giờ này Hoàng thượng đã lâm triều? Các đại thần đã tới chưa?”

“Trung đường không cần tới cửa Càn Thanh”, Lý Quang Địa cười nói, “Hoàng thượng hôm nay duyệt quyển ở điện Dưỡng Tâm. Tối hôm qua Trung đường không tới, Hoàng thượng cùng Cao Sĩ Kỳ, tể tướng Minh, tể tướng Hùng đi thăm vườn Sướng xuân, nói phải rút mấy triệu từ chỗ Hải quan Hổ Thần huynh để trùng tu, làm chỗ di dưỡng cho lão Phật gia!” Sách Ngạch Đồ nghe nói trong lòng ân hận không nên tham một ngày nhàn tản, nhưng mồm lại nói: “Gần đây tôi mệt quá, Hoàng thượng cho tôi nghỉ một ngày, thế anh có đi không?”, “Có đi”. Lý Quang Địa cười, “Còn có các ông Tra Thận Hành đám hàn lâm cùng đi với Hoàng thượng làm thơ giải buồn”. Hai người đang nói thì thấy Cao Sĩ Kỳ dẫn theo hai tên hầu nhỏ khiêng một cái gì đi tới, Sách Ngạch Đồ liền cười nói: “Tôi cứ tưởng một mình tôi đến trễ! Anh mang cái gì vậy, còn phủ lĩnh vàng nữa?”

Cao Sĩ Kỳ cười nói: “Quà mừng thọ lão Phật gia. Trung đường chớ xem, chẳng qua chỉ là hoa, là cỏ. Tôi là một thư sinh nghèo khó, làm sao sánh nổi ngài và tể tướng Minh”. Nói xong hai tay bưng chậu hoa đậy kín theo gót Sách Ngạch Đồ tới điện Dưỡng Tâm. Còn Lý Quang Địa lên kiệu về phủ.

Trong điện Dưỡng Tâm im ắng không có tiếng động, Cao Sĩ Kỳ lặng lẽ đặt hoa trên thềm đỏ, nói nhỏ với Sách Ngạch Đồ: “Lần này Trung đường và Tể tướng Minh đã thiên lệch với chúng tôi rồi, được nghỉ không một ngày! Hôm qua từ vườn Sướng xuân trở về, Hoàng thượng bảo tôi và Tể tướng Hùng xem quyển, mãi tới nửa đêm mới về!” Sách Ngạch Đồ nghe nói Tể tướng Minh cũng không dự xem quyển, trong lòng đã hơi yên tâm, chỉ cười. Cao Sĩ Kỳ đã vén rèm lên, hai người bước vào, một trước một sau.

Khang Hy cầm lấy một danh sách, chau mày đang suy nghĩ, trên bàn có ba chồng quyển đặt ngay ngắn một bên, phía dưới Hùng Tứ Lý và Minh Châu hai người ngồi trên chiếc ghế gỗ yên lặng đợi Khang Hy hỏi. Khang Hy nghe tiếng vén rèm, quay mặt thấy Sách Ngạch Đồ và Cao Sĩ Kỳ bước vào, liền cười nói: “Sách Ngạch Đồ đến đúng lúc, quyển của Nghiêm Thằng Võ là khanh thu giữ, bị mất một trang rồi có phải không?”

“Bẩm Vạn tuế”, Sách Ngạch Đồ vội đáp, “Tên Nghiêm chỉ viết một bài thơ, Toàn cơ ngọc hoành phú không làm văn nên thiếu một bài, việc lớn như thế này, nô tài đâu dám tắc trách?” Khang Hy nhìn Hùng Tứ Lý cười nói: “Chả trách trong danh sách của khanh ghi cấp 1, 2, 3... đều không có tên Nghiêm Thằng Võ”. Minh Châu nói: “Nghiêm Thằng Võ là đại nho, cố ý để sót đề thi không làm, phạm tội bất kính. Nô tài cho rằng Hùng Tứ Lý đưa ông ta ra ngoài danh sách, quả là xác đáng”.

Khang Hy hớp một ngụm trà, vắt chân lên ngồi ở mép sạp, rút ra một quyển thi, nói: “Quyển này của Bành Tôn Duật Đông Viễn xem phải không? Có câu ‘Ứng nghiệm với trời, thì không cần ứng nghiệm với người’ e rằng nói lý chưa chắc đã chu toàn?” Hùng Tứ Lý thấy Khang Hy hạch ra sai sót trong tập quyển do ông duyệt nên vội nói: “Hoàng thượng nói tuy đúng, nhưng xét từ cái lý vốn có của sự việc, trời, người vốn thuộc một đạo lý, ứng nghiệm với bên nào cũng được. Cho nên họ Bành nói tuy còn thiên lệch, thực ra cái lý lớn cũng không phải xằng bậy”. Khang Hy thấy Hùng Tứ Lý biện hộ cho mình, biết là ông ta không hiểu ý tứ của mình, bèn rút ra một tập khác cười nói: “Thôi cho qua. Quyển của Uông Uyển, phía trước viết ‘có hoặc hỏi tôi nói rằng’, phía sau lại viết những lời ‘vâng vâng không không’. Ông ta muốn chỉ con người như thế nào? Là Trẫm hay bản thân ông? Còn nói Trẫm có chỗ nào không thỏa đáng mà không muốn nói thẳng thì tìm cách nói bóng gió chăng?”

Hùng Tứ Lý không ngờ vấp phải cái đinh cứng như vậy nên không dám ngồi mà trả lời. Ông đứng lên cúi người nói: “Cái anh Uông Uyển này Hoàng thượng đã biết rõ, anh ta khâm phục thánh đức vô điều kiện, đâu có ý bóng gió gì? Thể phú vốn có những lời nói tào lao, nhưng thực ra không chỉ rõ một ai, mong Chúa thượng minh xét”.

“Khanh không nên hoảng hốt, cho dù có ám chỉ bóng gió cũng không can gì. Sau này Trẫm sẽ hỏi bản thân ông ta, nếu có gì cứ nói thẳng là xong!” Khang Hy cười khà khà, đặt quyển sang một bên, “Trẫm vốn định khoe khanh và Cao Sĩ Kỳ. Số không hợp thể lệ quá nhiều, đều không lấy được, khoa thi bác học hồng nho lần này là cái gì? Khanh xem, thơ Chu Dị Tôn ‘Hoa hạnh đỏ như lửa, xương bồ lá nhỏ tựa chiếc thoa’, ai đã thấy hoa hạnh đỏ như lửa? Còn lá xương bồ sao lại đem gắn với chiếc thoa?” Nhà vua lật hết quyển này đến quyển khác “... Loại sai khuyết này quá nhiều! Lật hết quyển này, gieo vần với ‘đông’ lại có chữ ‘cung’; Lý Thái Lai lại đem ‘phùng’ với ‘nồng’ gieo vần với nhau; Thi Nhuận Chương rất chặt chẽ về vần thơ cũng sai lầm đưa chữ ‘kỳ’ vào vần ‘chỉ’...”

Minh Châu hiểu biết hạn hẹp về vần trong thơ, đã nhiều lần vấp váp, biết khoe tài không bằng dấu dốt, thấy Khang Hy nhìn mình, ông liền nói: “Hoàng thượng xem quá kỹ! Nhiều văn sĩ bây giờ ít quan tâm những thứ đó. Thơ cận thể vốn khó làm, ngày thường thong dong ngâm nga, còn nhổ đứt mấy sợi râu mới nghĩ ra ấy là, bỗng nhiên có thi đình, làm được như thế này, theo nô tài, cũng đã là khó khăn đối với các vị tiên sinh này”.

“Khanh đâu có biết họ!” Khang Hy cười nhạt nói, “Bọn họ là những thạc nho thời nay hiểu thấu suốt cả thiên hạ! Làm gì có chuyện viết không ra phú, gieo sai vần thơ?” Nhà vua đứng lên, đi qua đi lại mấy bước, rồi tiếp, “Vốn họ không muốn đi thi, nên mới có chuyện dùng sai từ, gieo sai vần trong quyển của họ. Nếu Trẫm cứ theo quyển mà chấm đậu rớt thì những người nổi tiếng nhất đều trượt, người thiên hạ ai dám tin là quyển họ không đạt mà chỉ nói Trẫm không biết người biết của! Còn cứ hồ đồ mà lấy đậu, thì các vị hồng nho lại cười thầm Trẫm không có trình độ, không nhận ra những sai sót trong quyển thi họ cố tình như vậy thì đối với Trẫm quả là hà khắc...” Nhà vua trầm ngâm, lẩm bẩm: “Kể ra thì không thể chỉ dựa vào một cuộc thi mà xét tội họ!”

Minh Châu nghe rất phẫn nộ, nói: “Thật là phụ lòng tốt của Hoàng thượng! Xin hãy thông báo về các tỉnh, phàm những quyển nào sai cách, phạm thể lệ, phạm húy, sai vần, tất cả đều cho trượt không dùng!” Sách Ngạch Đồ cũng nói: “Minh Châu nói đúng!” Hùng Tứ Lý thì ngầm thở dài, nếu như vậy thì khoa bác học hồng nho này chỉ lấy được những nhân vật hạng hai. Khang Hy thấy Cao Sĩ Kỳ không nói gì bèn hỏi: “Cao Sĩ Kỳ, khanh thấy thế nào?”

“Nô tài cho rằng nên lấy tất cả, trước khi thi đã bàn định như vậy rồi”. Cao Sĩ Kỳ ánh mắt nhìn thăm thẳm, “Hoàng thượng đã biết họ không muốn đi thi, cố tình lôi kéo họ về thì họ còn có lòng nào làm thơ, viết văn? Cũng có nhiều người sai do vô ý. Làm như vậy các danh sĩ nổi tiếng đều trượt hỏng, thì có khác gì không mở khoa thi bác học hồng nho? Ta đã phải chuẩn bị khổ sở bao nhiêu năm, chẳng lẽ là uổng phí? Bọn họ trở về tất nhiên không dám chửi đổng, nhưng Hoàng thượng bị mang tiếng là không biết chọn người, mà thực ra cũng bỏ phí nhân tài... cho nên không thể cầu toàn trách bị theo như thể lệ các khoa thi cử khác, phải lấy đủ danh sách, còn những người ngoại ngạch cũng nên cho làm quan. Người không thích làm quan cũng nên cho một danh nghĩa nào đó coi như cho nghỉ...” Khang Hy mỉm cười nghe Cao Sĩ Kỳ nói tràng giang đại hải, nhà vua nói: “Phương pháp của khanh được đấy, chỉ không tránh khỏi bọn họ cười Trẫm không biết xem xét văn chương, cũng không thể chiếu cố hết mọi thứ!” Cao Sĩ Kỳ bật cười: “Đâu có! Hoàng thượng có lời phê ở những chỗ sai bậy bạ trên mỗi quyển rồi phát lại cho họ xem. Cả hơn một trăm người này, có ai không vui lòng khâm phục?”

“Hay!” Khang Hy phấn chấn hẳn lên, nhà vua đập bàn nói: “Trước vua nói ngóng theo kẻ sĩ, trước kẻ sĩ nói ngóng theo thời thế, Trẫm sẽ làm ông Vua ngóng theo kẻ sĩ!”

“Ngóng theo thời thế thì nước mất, ngóng theo kẻ sĩ thì đời hưng!” Cao Sĩ Kỳ ứng khẩu tiếp lời, “Tấm lòng này của Vua ta quả là phúc đức đối với thần dân thiên hạ!”

Khang Hy cười ha hả: “Quyết định như vậy nhé! Cao Sĩ Kỳ, khanh đọc kỹ lại một lượt nữa, có chỗ nào bậy bạ đánh dấu tất cả, chỗ nào viết hay thì dùng bút son khuyên hai khuyên! Truyền chỉ: Cao Sĩ Kỳ bổ sung bác học hồng nho, danh sách đứng đầu ngoại ngạch!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3