Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 19 phần 2

Trong
có mấy ngày, Keng Swee đã báo cáo rằng chính quyền cũ lậm chi vào quỹ dự
trữ và đã dùng hết 200 triệu. Ông dự kiến năm ngân sách 1959 sẽ bị thâm thủng
khoảng 14 triệu. Có thể có những khoản tiết kiệm
nhỏ, nhưng cũng không thể hơn 5 triệu. Do đó các Bộ trưởng được lưu ý tuyệt đối
đừng mơ tới chuyện tài trợ cho các dự án phát triển ngoài những
dự án đã được duyệt, và thậm chí cả những dự án đó cũng sẽ bị cắt xén thẳng
tay. Những bước cần thiết nhằm cân đối ngân sách tất sẽ không được lòng công
chúng lẫn các Bộ trưởng, nhưng điều đó buộc phải vậy nếu như chúng tôi không
muốn kết thúc năm đầu của chính phủ trong nợ nần.

Tôi
đồng ý và nói với ông ta rằng tốt nhất nên tiến hành các biện pháp đó ngay từ
đầu nhiệm kỳ. Vào ngày 12/6, báo chí đăng tải rằng Bộ Tài chính đã ra lệnh sẽ
không có những khoản chi ngoài kế hoạch nếu như không có sự đồng ý của Bộ
trưởng tài chính. Như vậy, trong số những khoản bị ảnh
hưởng sẽ là những đóng góp từ thiện của chính phủ, tiền ứng
cho công chức để họ mua xe và các khoản
học bổng dành cho học sinh, học bổng nghiên cứu và đài thọ du học. Nhưng điều
đó cũng chẳng đạt hiệu quả gì nhiều. Keng Swee đề nghị cắt giảm lương Bộ trưởng
của chúng tôi từ 2.600 đôla xuống còn 2.000 đôla một tháng để làm gương, và
cũng đồng thời cắt giảm luôn các loại phụ cấp của công chức. Một lần nữa tôi
đồng ý với ông ta. Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban về những vấn đề
chung thuộc Liên hội đồng dân chính, nhưng phía nhân viên cơ quan lại không
đồng tình bởi họ chưa được các nghiệp đoàn trao quyền quyết
định. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong nội các và quyết định xúc
tiến việc này bằng bất cứ giá nào. Chính phủ
đã tuyên bố sẽ cắt giảm trợ cấp kể từ ngày 1/7, nhưng vẫn tiếp nhận các ý kiến
của các nghiệp đoàn công nhân viên và các hiệp hội.

Việc
cắt giảm đó rất đáng kể nhưng không gây tai hại, và cũng chỉ ảnh
hưởng đến 6.000 trong số 14.000 công chức. Tất cả những nhân viên có mức lương
từ 220 đôla trở lên sẽ bị mất các khoản phụ cấp, nhưng chỉ có 10 % trong số đó
chịu nhữngkhoản cắt giảm trên 250 đôla một tháng, và chỉ có một
ít ngườilà bị cắt đến mức tối đa là 400 đôla. Khoảng 8.000 nhân viên
có mức lương thấp hơn mức nói trên sẽ không bị cắt giảm gì cả.
Chúng tôi đã phải hành động lẹ làng nếu như chúng tôi muốn xác lập tinh
thần tiết kiệm và kỷ cương tài chính ngay từ đầu. Đã có những thất vọng lớn,
nhất là từ các viên chức thâm niên. Những người Anh học tin rằng chúng tôi đề
ra những giải pháp như vậy là để trừng phạt họ vì đã bỏ phiếu chống lại chúng
tôi. Điều đó chẳng phải động cơ của chúng tôi. Chúng tôi muốn cho mọi người dân
ở Singapore, nhất là khối đa số gồm những người Hán
học, hiểu rằng vì lợi ích chung, những người Anh học sẵn sàng hy sinh, dẫn
đầu là các Bộ trưởng. Tôi nghĩ họ hy sinh như vậy chẳng phải vô lý, bởi điều đó
sẽ giúp chúng tôi làm cho mọi người hiểu rằng trong kỷ nguyên mới này, tất cả
chúng ta sẽ cùng chia sẻ gian nan và cùng hưởng vui sướng như nhau.

Còn
có một lý do khác nữa trong chuyện cắt giảm. Kể từ năm 1952, tôi nhân danh các
nghiệp đoàn, còn Keng Swee và Kenny nhân danh giới công chức, đã thành công
trong việc buộc chính phủ phải trả lương và phụ cấp cao hơn mà chẳng hề để ý gì
đến tình hình kinh tế. Nếu các nghiệp đoàn cứ tiếp tục theo đà này, chúng
tôi sẽ bị khó khăn. Không có cách nào hay hơn cách này để báo hiệu rằng
những ngày ấy đã qua. Mức tiết kiệm hàng năm sẽ là 12 triệu đôla. Keng Swee đã
cải chính con số ước đoán của giới báo chí là từ 20 đến 25 triệu đôla, và nhắc
cho họ nhớ rằng sáu tháng còn lại của năm 1959 sẽ chỉ tiết kiệm được
6 triệu thôi, giúp giảm mức thâm hụt dự kiến từ 14 triệu xuống còn 8
triệu.

Mấy
ngày sau, Ong tuyên bố đình chỉ tất cả các vụ bổ nhiệm mới,
điều đó có nghĩa rằng sẽ không tuyển người cho những chức việc còn trống
nếu không có sự chấp thuận của Bộ trưởng.

Các
nghiệp đoàn công chức lập tức ra tay. Họ tổ chức Hội đồng hành động chung để
đối đầu với chúng tôi, cũng y như chúng tôi đã đối đầu với chính phủ
thực dân Anh, và đấu tranh để phục hồi tất cả các khoản trợ cấp.
Nhưng chúng tôi chẳngphải là chính phủ của thực dân,
ít ra lúc đó chúng tôi cũng đang có được sự ủng hộ của khối đa số là những
người nói tiếng Hoa, và hội đồng đã chẳng thể nào ra tay được gì cả. Tuy nhiên
tôi vẫn thấy bực tức trước hành động của họ. Điều đó cho thấy họ chẳng hiểu gì
về những thử thách nghiêm trọng đang đặt ra cho chúng tôi, và chẳng biết rằng
chúng tôi còn phải ngăn chặn không để cho phe quá khích khai thác những bất mãn
của khối người Hoa, vốn là những người giờ đây có tiếng nói quyết định qua lá
phiếu của họ. Một số viên chức cao cấp phải cho những người hầu gái nghỉ việc –
thật quá tệ, nhưng đất nước đang đứng trước những khó khăn to lớn và những nỗi
hiểm nghèo, và chúng tôi phải thuyết phục mọi người rằng chính phủ này sẽ cai
trị vì lợi ích của tất cả mọi người. Chỉ có như vậy chúng tôi mớicó thể xây
dựng được ý thức công dân Malaysia của người Hoa, và làm cho họ thêm phần
gắn bó và trung thành với đất nước mà họ đã chọn và đó là điều quan trọng
hơn hết vì họ phải thay đổi thái độ của mình trước khi các nhà lãnh đạo ở
Kuala Lumpur đồng ý hợp nhất và cho phép Singapore được độc lập với tư
cách là một phần của Malaysia.

Trong
lần phát biểu đầu tiên tại Quốc hội vào ngày 22/7 với tư cách Thủ tướng, tôi đã
lên tiếng cảnh báo: “Nếu chính phủ PAP thất bại, nó sẽ không lui về thành phe
đối lập để chờ ngày nắm lại chính quyền. Họ sẽ bỏ chạy để giữ lấy thần. Bởi
đằng sau chúng tôi không còn có lực lượng nào khác được
chuẩn bị để xây dựng chế độ dân chủ. Xét cho cùng, nếu chúng tôi thất bại, thế
lực tàn bạo sẽ quay trở lại.” Tôi đã nói rằng do vậy chúng tôi cần những
công chức hợp tác với chúng tôi để thực hiện những điều đã hứa với dân
chúng.

“Tại
sao chúng tôi lại muốn làm tổn thương những người phải làm việc với chúng
tôi? Dưới chế độ dân chủ, phải có lực lượng dân chính làm theo mệnh lệnh của
đảng đã được dân chúng tín nhiệm… Nếu như chẳng có tai họa nào lớn hơn chuyện
bị mất các khoản phụ cấp… các công chức nhà nước có lẽ nên quỳ xuống
mà tạ ơn trời rằng linh hồn của họ đã được cứu rỗi.”

Do
di sản quá khứ, những người Anh học đã đóng một vai trò quan trọng, nên tôi nói
thêm: “Họ có thể giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ thực dân và
tương lai bình đẳng.” Nếu chúng ta không thể xóa đi sự cách biệt giữa những
người nói tiếng Hoa và tầng lớp ưu tú nói tiếng Anh, kết
quả thật tai hại vô cùng. Bởi nếu những
người Hán học cầm quyền, nhữngngười Anh học sẽ thình lình trở nên những kẻ bị
tước đoạt mới dưới một chính quyền tất sẽ
được điều hành bằng tiếng Hoa.

Thỉnh
thoảng tôi vẫn tiếp tục gay gắt với những người Anh học
và hối thúc họ thay đổi cho phù hợp với tương lai. Chúng tôi – Keng Swee,
Chin Chye, Kenny, Raja và tôi – đều là những người
Anh học và là lãnh đạo của họ. Chúng tôi không muốn họ trở
thành một lớp người bị tuyệt chủng, chúng ta
phải cùng nhau cưu mang ít nhất một nửa số
người nói tiếng Hoa đi theo với mình nếu như họ chưa vứt bỏ chúng tôi. Nhưng
những người Anh học lại quá thờ ơ với chuyện chính trị đến độ họ
chẳng hiểu rằng họ đang gặp nguy hiểm. Mặc dù các cắt giảm đã được bãi bỏ vào
năm 1961, nhưng những công chức bị ảnh hưởng cũng vẫn còn bất mãn trong cả một
thời gian dài, và nếu như chẳng có những biến động lớn sau đó ập lên đầu chúng
tôi, có lẽ họ đã bỏ phiếu nhất trí chống lại PAP trong kỳ tuyển cử năm 1963.
Phải nói rằng chính sự đe dọa của phái quá khích vào lúc đó quá rõ rệt đến độ
họ không thể làm gì khác ngoài việc ủng hộ chúng tôi.

Vào
cuối năm chúng tôi đã có thể cân đối được ngân sách, và mức thu không còn bị
giảm sút như Keng Swee đã lo sợ. Nếu phải tuyên bố lại lần nữa, tôi cũng
vẫn sẽ đồng ý với chuyện cắt giảm, nhưng chỉ còn chừng một phần ba so với trước
đây. Chừng đó cũng đủ để thuyết phục khối người nói tiếng Hoa, và mặc dù
các công chức Anh học tất cũng sẽ còn bất mãn, nhưng họ sẽ không còn bị sốc
nữa. Tuy nhiên, giai đoạn này đã cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ về chính
trị và nhu cầu phải định hướng lại cho họ, làm cho họ ý thức hơn về những nguy
hiểm và nỗi khó khăn trước mắt. Điều đó xác nhận quyết định mà Keng Swee, Kenny
và tôi đã có trước khi cầm quyền, là phải lập một trung tâm chính trị để dạy
cho các công chức cao cấp về mối đe dọa lật đổ cùng các vấn nạn về kinh tế và
xã hội của xứ sở. Thế nhưng, để thành công, chúng tôi phải chiếm được lòng tin
của họ và thuyết phục được họ rằng đây chẳng phải là chuyện tẩy não.

Chúng
tôi chọn George Thomson điều hành trung tâm. Thomson đang ở độ tuổi bốn mươi.
Ông là một người rất có lòng, hiểu biết nhiều và là một diễn giả thành thực với
giọng nói nặng âm sắc của người Scotland. Ông giảng dạy về lịch sử và dạy rất
hay bởi ông rất tận tâm với những gì ông giảng dạy. Ông hiểu chúng tôi muốn gì
và chẳng lâu sau đã đảm nhiệm vai trò của mình thật hoàn hảo. Ông đã chọn
Gerald de Cruz, một cựu thành viên của MCP bất đồng với đường lối của họ. Ông
ta đã xoay ra làm thư ký có lương của Mặt trận
Lao động, làm việc cho Marshall và rồi cho Lim Yew Hock.

Với
tư cách là Bộ trưởng Tài chính kiêm phụ trách nhân sự, Keng
Swee lấy một tòa nhà lớn một tầng của chính quyền thực dân
cũ làm trung tâm nghiên cứu. Tôi đứng ra khai mạc trung tâm vào ngày 15/8. Tôi
tuyên bố mục tiêu của trung tâm là “không chỉ để kích thích trí não của các bạn
mà còn để thông tin cho các bạn về những vấn đề bức xúc đang đặt ra cho bất kỳ
chính phủ dân cử nào trong hoàn cảnh cách mạng… Một khi các bạn tiếp cận được
những vấn đề như vậy, các bạn sẽ có thể giúp đỡ
chúng tôi hơn trong việc tìm ra những giải pháp, bằng cách làm cho
chính phủ trở nên nhạy cảm hơn và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu và tâm trạng
của công chúng.”

Một
số Bộ trưởng và tôi đã đến trung tâm để tạo cho trung tâm một lối tiếp cận thực
tiễn, bằng cách thảo luận về những tình huống thực tế mà chúng tôi hiện đang
phải đối phó. Thoạt đầu, các công chức tỏ vẻ nghi ngờ, nhưng các giảng viên rõ
ràng chẳng phải là những người suy nghĩ một chiều, và họ nhanh chóng mất đi nỗi
nghi ngờ ban đầu rằng đây chỉ là một trò nhồi sọ tẩy não. Vì các giảng viên có
cùng một nền tư duy như họ, cho nên họ chấp nhận rằng chính phủ quả là thành thực,
rằng các vấn nạn là có thực và có vẻ như nan giải, và
rằng chúng tôi muốn họ cộng tác với chúng tôi để tìm ra và thực thi các giải
pháp. Trong bốn năm năm kế đó, Thomas đã thành công trong việc giúp họ hiểu
được các lý thuyết chính trị, các giải pháp dân chủ đối với những mâu thuẫn xã
hội và phương pháp chiến tranh du kích. Họ trở nên hiểu biết về những gì đang
xảy ra trong một thế giới rộng lớn hơn, các nguyên nhân của cuộc cách mạng tại
Đông Nam Á, và nhu cầu cần phải có sự thay đổi triệt để về quan điểm và đường
lối nhằm đối phó được với những thách đố mới. Nhưng về lâu về dài thì mối quan
hệ giữa chúng tôi với họ cũng vẫn chưa hẳn là thuận thảo.

Một
vấn đề tôi cũng dự liệu trước là chuyện trở nên quen lờn với quyền hành Tôi đã
chứng kiến những gì xảy ra với Ong Eng Guan tại Hội đồng thành phố,
chuyện những kẻ thất thế đã sử dụng quyền lực lầm lạc ra sao một khi họ thắng
thế. Tôi cảnh giác các Bộ trưởng của mình, các thư ký quốc hội cùng các nghị
viên được phân công để giúp các Bộ trưởng xử lý các khiếu nại của dân chúng là
chớ quá say mê quyền lực và không được lạm dụng
nó. Nói thì dễ hơn làm, và trong nhiều trường hợp, chúng tôi cũng vẫn cứ xung
khắc với các công chức nhà nước.

Chúng
tôi quyết định tận dụng cơ hội và khai thác sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng sau
khi thắng cử. Chúng tôi tổ chức hàng loạt chiến dịch được tuyên truyền rầm rộ
để làm sạch đường phố, dọn dẹp các bãi rác, và phát cỏ dại ở những chỗ đất
trống nhếch nhác. Đó là một bản sao y khuôn cách làm của các nước cộng sản –
vận động rầm rộ mọi người, kể cả các Bộ trưởng, lao động bằng đôi tay của mình
để phục vụ nhân dân. Chúng tôi thấy chẳng có lý do gì chỉ có riêng MCP mới sử
dụng được những phương pháp và động cơ ấy để động viên mọi người, thúc đẩy họ
đạt đến những mức cao hơn về ý thức công dân, sự sạch đẹp chung và sự giữ gìn
tài sản công. Vào Chủ nhật nào đó thì Ong Eng Guan tập trung công chức để
làm vệ sinh bãi biển Changi. Vào Chủ nhật khác thì tôi cầm cây chổi đi quét
đường cùng với các lãnh đạo của cộng đồng địa phương.

Còn
những chuyện khác nữa chúng tôi cũng muốn làm. Keng Swee và tôi đã phác họa và
thành lập Hiệp hội Nhân dân, một mặt trận hợp pháp bao gồm tất cả các tổ chức
xã hội tự nguyện lớn, các câu lạc bộ và các hội thể thao, âm nhạc, múa, vẽ và
nấu ăn. Chúng tôi đã xây dựng được hơn một trăm trung tâm sinh hoạt – những
trung tâm lớn ở thành phố, những cái nhỏ hơn ở nông thôn – dùng làm nơi giáo
dục và giải trí. Bóng bàn, bóng rổ, cầu lông, cờ tướng, học sửa radio, tủ lạnh,
cùng một số lớp dạy về các nghề kỹ thuật là một số hoạt động của các trung tâm
ấy. Chúng tôi còn muốn tạo cho công chúng chuyện gì đó tích cực để làm, và tập
cho họ đứng về phía pháp luật và trật tự. Mỗi trung tâm sẽ có một thư ký tổ
chức để quản lý trung tâm và phục vụ cho nhu cầu của những người sống quanh
vùng. Để giám sát các trung tâm, Bộ Phúc lợi Xã hội sẽ được đổi thành Bộ Phát
triển Cộng đồng.

Chúng
tôi đã tổ chức Lữ đoàn Công chính thu dụng những thanh niên nam nữ thất nghiệp,
khoác cho họ bộ đồng phục bán quân sự, gom họ về sống trong các lán trại gỗ và
dạy cho họ canh tác, làm cầu đường, xây dựng – nói chung là đưa
họ vào kỷ luật và quan trọng nhất là làm cho họ khỏi nhởn nhơ vô tích sự
trên phố.

Chúng
tôi cũng phải tạo kỷ luật cho những người đã có công ăn việc làm, bởi chúng tôi
rất cần phải thu hút và kiểm soát được các nghiệp đoàn để ngăn họ đừng bị cuốn
vào những cuộc đình công chính trị. Do đó, chúng tôi đã thiết lập tòa án trọng
tài kinh tế. Trong thập niên 1950, người Úc sở dĩ đã có những quan hệ chủ thợ
tốt đẹp phần lớn là nhờ có những thủ tục trọng tài có tính cách bắt buộc giúp
kiềm chế được các bất mãn. Theo yêu cầu của chúng tôi, họ đã cử viên thư ký
thường trực của Bộ Lao động là Harry Bland sang giúp chúng tôi. Sau khi tòa
được thành lập, Bộ trưởng có thể ra lệnh cho bất kỳ cuộc đình công lớn nào,
nhất là trong những ngành dịch vụ quan trọng như giao thông công cộng và điện
nước, cũng phải đưa ra trọng tài phân xử. Một khi đã đưa ra trọng tài, việc một
nghiệp đoàn cứ tiếp tục bãi công chờ kết quả là bất hợp pháp, và nếu nghiệp đoàn
đó cứ khăng khăng, họ sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Thêm nữa, trước khi đình
công, phải có một cuộc đầu phiếu kín, chứ không chỉ là giơ tay biểu quyết sau
một bài diễn văn xách động mà tôi vẫn thường thấy.

Mặt
khác, chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm của những người cộng sản là một trong
những lý do khiến Trung Quốc cùng những nước châu Á khác, ngoại trừ Nhật Bản,
rơi vào lạc hậu là do phụ nữ chưa được giải phóng. Họ phải được đặt lên ngang
hàng với nam giới, được hưởng sự giáo dục và có cơ hội đóng góp hết sức cho xã
hội. Trong mùa vận động bầu cử, chúng tôi đã sử dụng một trong những buổi phát
thanh chính trị dành cho chúng tôi nói bằng bốn thứ tiếng – Anh, Malay, Quan
thoại và Tamil – để tuyên truyền cho chủ trương của chúng tôi về quyền lợi của
phụ nữ. Thế nhưng chúng tôi lại chẳng tìm đâu ra một thành viên nữ của PAP ăn
nói lưu loát để đảm trách chương trình bằng tiếng Anh. Sau khi Choo đã thử qua
giọng của hai bà vợ của hai ứng cử viên thuộc Văn phòng Lee & Lee’s, cô
bước vào văn phòng của tôi, nơi tôi đang thảo luận với Keng Swee và Raja, nói
rằng hai người đó nói nhỏ nhẹ quá, không đủ mạnh mẽ. Lúc cô đi ra, hai người
bạn của tôi đã đề nghị là nên giao cho cô. Tôi đã hỏi ý cô, và sau một phút
ngập ngừng, cô đã đồng ý. Raja viết thảo, và cô sửa lại cho giống như là do cô
viết. Bài phát biểu đã được ủy ban chấp hành trung ương thông qua và được dịch
sang các thứ tiếng khác, và cô đã đọc nó bằng tiếng Anh trên đài phát thanh
Radio Malaysia. Có một đoạn thật là quan trọng:

"Xã
hội của chúng ta vẫn đang được xây dựng trên giả định rằng phụ nữ là thấp kém
hơn nam giới về mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Huyền thoại này là chiêu bài
che chắn cho sự bóc lột lao động phụ nữ. Nhiều phụ nữ cũng làm công việc y như
nam giới nhưng lại không được trả đồng mức lương… Chúng tôi đang đưa ra năm ứng
cử viên nữ trong bầu cử kỳ này… Hãy để chúng ta cho họ (những đảng khác) thấy
rằng phụ nữ Singapore đã mệt mỏi trước trò hề và sự lố bịch của họ. Tôi kêu gọi
nữ giới hãy bỏ phiếu cho PAP. Đây là đảng duy nhất có lý tưởng, lòng thành thực
và khả năng để thực thi cương lĩnh bầu cử của mình.”

Đây
là một cam kết rất trọng đại, nếu không tôi đã không đồng ý để cho vợ tôi phát
biểu như vậy trên đài phát thanh. Tôi muốn thực hiện nó thật sớm, mặc dù điều
đó có nghĩa là phải hối thúc nhân viên dự thảo bên các phòng ban của Bộ Tư
pháp. Họ đã lục tìm các tiền lệ lập pháp tại những nước khác, soạn thành Hiến
chương Phụ nữ, và được chúng tôi thông qua thành luật trong vòng một năm. Hiến
chương coi chế độ một vợ một chồng là điều kiện hôn nhân duy nhất và coi chế độ
đa thê, vốn là cung cách phổ biến từ trước tới nay, là một tội phạm – ngoại trừ
đối với những người Hồi giáo, bởi tôn giáo của họ vốn cho phép đàn ông có bốn
vợ. Hiến chương rất bao quát và đã làm thay đổi địa vị của phụ nữ trong xã hội.
Nhưng nó chưa thay đổi nổi được định kiến văn hóa là cha mẹ thích con trai hơn
con gái.

Cộng
thêm vào đó còn có nhiều điều đạt được dễ dàng không cần phải hoạch định gì cả
như hàng loạt vụ nghiêm cấm “chống văn hóa vàng” do Pang Boon, Bộ trưởng Nội
vụ, tiến hành. “Văn hóa vàng” là một cách nói nôm na trong tiếng Quan thoại để
chỉ cung cách sống suy đồi và bạc nhược đã khiến cho Trung Quốc phải quỳ mọp
vào thế kỷ 19: cờ bạc, hút thuốc phiện, sách báo khiêu dâm, đa thê và vợ bé vợ
mọn, bán con gái vào nhà chứa, tham nhũng và thói “một người làm quan cả họ
được nhờ”. Việc bài xích “văn hóa vàng” vốn do các thầy giáo gốc Trung Quốc du
nhập vào Singapore, họ đã tiêm vào đầu óc của học sinh cùng cha mẹ của chúng
tinh thần phục hưng dân tộc, thể hiện rõ ràng qua mỗi chương sách giáo khoa,
cho dù đó là giáo khoa văn chương, lịch sử hay địa lý. Điều đó còn được củng cố
thêm qua các bài báo của báo chí tiếng Hoa cánh tả vốn đang say mê trước những
báo cáo về một nước Trung Quốc cách mạng, trong sạch, trung thực và năng động.

Pang
Boon đã ra tay lẹ làng với một tinh thần thanh sạch sốt sắng. Ông đã ra lệnh
triệt sạch các băng nhóm hội kín người Hoa, và coi chuyện mãi dâm, những màn
trình diễn thoát y, các câu lạc bộ chơi máy bật bóng, cả những bài hát đồi trụy
đều là bất hợp pháp. Điều đó chẳng làm tăng số thất nghiệp và cũng chẳng làm
cho Singapore trở nên kém hấp dẫn hơn đối với du khách. Thế nhưng thủy thủ vốn
là một phần của số dân tạm trú của Singapore, chẳng lâu sau họ cũng mò tìm được
những chốn mua vui nằm nấp trong các xó xỉnh mà chúng tôi đã lờ đi. Nạn mãi dâm
vẫn tiếp diễn trong bí mật, nhưng chúng tôi đã gác tạm
nó sang một bên bởi không thể cấm triệt nó mà không phạm phải những hành vi ngu
xuẩn và kém hiệu quả.

Chương
trình có ý nghĩa nhất của chúng tôi là trong vòng một năm đã giúp cho mọi trẻ
em đều có nơi chốn học hành. Ông anh vợ của tôi, Yong Nyuk Lin, giờ là Bộ
trưởng Giáo dục đã khiến chúng tôi lấy làm hãnh diện: trong vòng 12 tháng, ông
đã khiến cho số học sinh được đi học tăng lên gấp đôi, bằng cách chuyển mỗi
trường thành hai ca học. Ông xúc tiến một chương trình tăng cường đào tạo giáo
viên, và đề bạt nhiều giáo viên kỳ cựu lên làm hiệu trưởng. Ông cũng mở ra
những lớp dành cho người lớn để dạy tiếng Malay vốn giờ đây đã trở thành quốc
ngữ, và phát động phong trào dạy cho người Hoa biết đọc biết viết, lấy tiếng
Quan thoại làm thứ tiếng phổ biến trong số các nhóm phương ngữ Hoa. Dân chúng
muốn cảm thấy họ đang cải thiện chính mình và tương lai của mình, và chúng tôi
đã trao cho họ phương tiện. Chúng tôi vận dụng các phương pháp rất hữu hiệu vốn
là của các đảng cộng sản. Cũng như trong chuyện vận động quần chúng, chúng tôi
cùng thấy chẳng có lý do gì mà MCP mới được quyền sử dụng những kỹ thuật như
vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3