Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 07

7

NHỮNG XUNG ĐỘT ĐẦU TIÊN
VỚI CHÍNH PHỦ

Một
buổi chiều năm 1952, một nhóm gồm ba người Malay và một người Ấn trong đồng
phục nhân viên phát thư đến văn phòng của Laycock & Ong để gặp tôi. Không
còn làm việc trong phòng Laycock nữa, tôi gặp họ ở phòng ngoài – không máy điều
hòa, nóng, ẩm cùng với tiếng ồn ào của xe cộ và những người bán rong. Những
người trong Liên đoàn nhân viên Bưu chính Viễn thông bảo tôi, họ đã đề xuất một
yêu sách về việc xem xét lại lương bổng cho nhân viên nhưng đến giờ vẫn chưa
được giải quyết, và họ được phép thuê một luật sư để thay mặt cho họ. Tôi hỏi ý
John Laycock liệu có nên nhận vụ này không, bởi nó không đem lại nhiều tiền.
Ông ta bảo tôi nên làm vì để tạo thanh danh, vì vậy tôi đồng ý mà không đòi hỏi
thù lao theo quy định. Việc tôi nhận vụ này sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử
nghiệp đoàn và phong trào đấu tranh hợp pháp của quần chúng. Tôi không ngờ rằng
mình sẽ dẫn dắt các lãnh đạo nghiệp đoàn vào một cuộc đình công, mà trong vòng
hai tuần, đã làm thay đổi tình hình chính trị. Nó đặt chính quyền thực dân vào
thế phòng thủ và cổ vũ tính chiến đấu của công nhân viên. Nhưng nó cũng tạo cơ
hội cho những người cộng sản tổ chức lại lực lượng ủng hộ họ.

P.
Govindasamy, một nhân viên bưu điện (một chức vụ cao hơn người đưa thư), tuy
không được học nhiều nhưng đã trình bày ngắn gọn cho tôi về tình hình bằng thứ
tiếng Anh tạm được. Ông ta là một người thích hợp và đáng tin cậy. Sau này ông
ta đắc cử dân biểu ở khu vực bầu cử kế cận của tôi và đã giúp tôi coi sóc khu
của tôi. Việc thương lượng với Sở doanh nghiệp thuộc ban bí thư chính phủ kéo
dài từ tháng 2 đến tháng 5, đem lại kết quả là họ chỉ duyệt theo bảng lương
giống như bảng lương ứng dụng ở Malay, dù tôi đã chứng minh rằng ở Singapore
công việc nặng nề khó nhọc hơn và mức sinh hoạt cũng cao hơn.

Chúng
tôi đã đi đến chỗ phải quyết định hành động. Một buổi sáng Chủ nhật, nghiệp
đoàn tổ chức một cuộc họp trước khi đình công tại cư xá của họ trên đường
Maxwell, nơi các gia đình đông con sống trong những căn hộ một phòng với nhà
bếp và nhà vệ sinh chung. Gần như toàn bộ thành viên nghiệp đoàn gồm 450 người
đã có mặt. Sự có mặt của tôi sẽ củng cố thêm lòng can đảm của họ và đảm bảo với
họ rằng những gì họ đang làm không có gì trái luật cả, đặc biệt là chưa hề có
cuộc bãi công nào được tổ chức ở Singapore từ khi tình trạng khẩn cấp được công
bố năm 1948. Bằng thứ tiếng Malay bình dân, tôi giải thích rõ ràng ý kiến của
mình với tất cả mọi người, đa số là người Malay, số còn lại là người Hoa và Ấn.
Họ quyết định ra tuyên bố bãi công.

Trước
khi cuộc bãi công bắt đầu vào ngày 13/5, Keng Swee, người từ Anh về, chuẩn bị
một bữa ăn tối tại Câu lạc bộ bơi lội người Hoa trên đường Amber để tôi gặp mặt
phó tổng biên tập tờ Singapore Standard, Sinnathamby Rajaratnam.
Raja là một người Malay dòng dõi Jaffna Tamil. Ông ta ở London suốt 12 năm đến
năm 1947, kết giao với một nhóm người Ấn Độ và Phi châu theo chủ nghĩa dân tộc
và những người Anh thiên tả, và viết những bài báo chống thực dân. Ông ta thích
lắng nghe ý kiến người khác. Ngồi ngoài trời cạnh hồ bơi, giữa tiếng nhạc và
tiếng ồn ào của những người đi bơi, tôi trình bày ngắn gọn với ông ta về cuộc
đình công. Ông ta lâu nay đã chờ đợi một vấn đề thuận lợi đối đầu với chính
quyền thực dân, và hăm hở tham gia cuộc chiến đấu cho những người đưa thư.

Trong
khi những người đưa thư đứng gác một cách hòa bình không cho bất cứ ai vào làm
trong buổi sáng đầu tiên diễn ra cuộc bãi công, chính quyền phái một đạo quân
người Gurkha đông đảo trang bị súng lục và dao quắm vào Bưu điện Trung tâm
trong tòa nhà Fullerton trên bến cảng Collyer, phần nổi cộm nhất của khu thương
mại. Người đại diện cảnh sát thông báo rằng cảnh sát mang tiểu liên sẽ đứng gác
tại tất cả các bưu điện cho đến khi cuộc bãi công kết thúc.

Hôm
sau, báo chí đăng ảnh của nhóm Gurkha cùng cảnh sát đi kèm, một cách tương phản
sâu sắc, với một tuyên bố ôn hòa của viên chủ tịch nghiệp đoàn rằng những người
phát thư sẽ tạm ngưng làm hàng rào cản những người muốn vào làm việc cho đến
khi những ý định của họ được hiểu rõ. Dư luận công chúng ủng hộ những người
phát thư. Ngày kế tiếp, chính phủ rút nhóm Gurkha đi và những người biểu tình
tái lập rào cản một cách hòa bình.

Tờ Singapore
Standard
là một tờ báo của người bản xứ với số phát hành ít hơn nhiều
so với tờ Straits Times thân chính phủ Anh, nhưng tiếng nói
của nó về cuộc đấu tranh này rất được quan tâm. Nhiều người bản xứ
đọc nó, khiến cho những viên chức thực dân cũng đọc theo. Trong bài xã luận của
mình, Raja nhạo báng không thương tiếc những thành kiến chủng tộc của chính phủ
thuộc địa, đặt vấn đề về quyền của những người Anh ở thuộc địa được nhận lương
nhiều hơn những người bản xứ, họ được trả thêm 1.000 đôla phụ cấp làm việc tại
thuộc địa, trong khi những người phát thư yêu cầu thêm 10 đôla một tháng thì bị
từ chối.

Trong
khi đó thư từ bị dồn đống, gây khó khăn cho tất cả mọi người. Dân chúng phải tự
vào bưu điện để lọc ra thư từ và bưu kiện của mình. Dù vậy, dân chúng vẫn đứng
về phía những người phát thư vì những hành động ôn hòa của họ và những tuyên bố
mà tôi đã soạn thảo cho họ. Những hàng tựa bài in đậm và các xã luận của Raja
trên tờ Singapore Standard đã giúp ích rất nhiều. Tờ báo bằng
tiếng Malay Utusan Melayu ủng hộ những người đình công, vì
phần lớn người phát thư là người Malay. Các báo tiếng Hoa, Nanyang
Siang Pau
Sin Chew Jit Poh, cũng cùng thái độ vì
trong đó có nhiều phóng viên và biên tập viên thân cộng luôn luôn chống lại
chính phủ.

Tờ Straits
Times,
ngược lại, do người Anh làm chủ và điều hành. Nó có một
tay viết xã luận thật hay, Allington Kennard, ông này cố ra vẻ
trung lập nhưng lại nhận thấy khó mà không đứng về phía chính phủ.

Raja
đang thích chí trước cuộc chiến. Đây là cuộc thánh chiến tuyệt vời nhất – cuộc
chiến đấu vì quần chúng bị chà đạp chống lại bọn thực dân da trắng bóc lột vô
lương tâm. Văn phong chiến đấu của ông ta rất ấn tượng. Nhiều năm giao kết với
người Ấn và Tây Ấn chống đế quốc đã giúp ông ta có một văn phong mạnh mẽ. Ba
năm tranh luận với những sinh viên người Anh đầy thiện chí và thân thiện trong
câu lạc bộ Lao động ở đại học Cambridge đã cho tôi một cách diễn đạt khác và
thích dùng ngôn ngữ ôn hòa dồn nén hơn. Thế là chúng tôi kết thành một đôi,
Raja mạnh mẽ và đầy khí lực, tôi thì mềm mỏng nhã nhặn, nếu có phê phán, thì
luôn mang vẻ buồn phiền hơn là giận dữ. Tôi gọi điện cho ông ta để góp ý, phân
loại những phản ứng từ phía những người ủng hộ chúng tôi,
ông ta kiểm lại mức gay gắt trong bài xã luận của ông với tôi. Ông ta sẽ mang
bản in thử đến nhà tôi để cùng thảo luận, hoặc chúng tôi sẽ nói chuyện trên
điện thoại, thường là sau nửa đêm, ngay trước khi tờ báo của ông lên khuôn in.
Tờ Singapore Standard thông tin rất chi tiết khiến tờ báo của
chính quyền, tờ Straits Times, phải công bố những thư ngỏ của
tôi để giữ được vẻ vô tư.

Gần
cuối tuần đầu tiên, công luận xoay sang chống đối chính quyền dữ dội. Các viên
chức thuộc địa Anh hoặc không quen với việc trình bày tình thế của họ để thu
phục sự ủng hộ của dân chúng, và cũng không quen với việc đối phó với dân bản
xứ, những kẻ đã lịch sự nêu ra những mâu thuẫn, yếu kém và thái độ kiêu ngạo
của họ. Việc bóc trần thái độ kiêu căng của các nhân viên thuộc địa trong cách
đối xử với những người phát thư đã khiến những nghiệp đoàn khác công khai ủng
hộ họ. Ngay cả tổng thư ký của Đại hội nghiệp đoàn Singapore, một tổ chức thân
chính quyền, vốn là cộng sự thân cận của Lim Yew Hock và là ủy viên ban chấp
hành Đảng Lao động Singapore, cũng tham gia cuộc đấu tranh. Ông ta thông báo
quyên góp một ngân quỹ “để giúp nhân viên bưu điện tiến hành bãi công đến kết
thúc thắng lợi". Tờ Singapore Standard kêu gọi công chúng
đóng góp và nhận tặng phẩm từ các nhà hảo tâm.

Chính
quyền đâm ra lo lắng. Viên thư ký thuộc địa đề nghị “tái tục thương lượng ngay
khi các nhân viên trở lại làm việc”. Tôi trả lời rằng nếu các nhân viên ngừng
bãi công và các cuộc thương lượng thất bại lần nữa thì họ sẽ đối mặt với viễn
cảnh một cuộc bãi công thứ nhì. “Cái kiểu này, nếu lặp lại nhiều lần, sẽ khiến
việc bãi công, vũ khí thương lượng cuối cùng của nghiệp đoàn, trở thành một trò
khôi hài.”

Trong
một cuộc họp của Hội đồng lập pháp vào thứ Tư, 20/5, đích thân thống đốc đã
cảnh cáo những nhân viên bưu điện rằng chính quyền sẽ không bị áp lực của việc
đình công khiến phải chấp thuận mọi yêu sách của họ. Hôm sau, Raja đáp lễ trên
tờ Singapore Standard:

“Lần
đầu tiên trong lịch sử phong trào nghiệp đoàn tại xứ sở này, viên chức cao cấp
nhất của thuộc địa đã công khai nghi vấn tính hiệu quả của vũ khí bãi công. Nói
thẳng thắn hơn, ông Nicoll (thống đốc) bảo rằng chính phủ xem áp lực của những
vụ bãi công, dù chính đáng hay không, dù hợp pháp hay không, cũng là điều gì đó
mà chính quyền không thể chịu đựng.”

Điều
này đã gây tác hại, các viên chức Anh thấy nản chí trước diễn biến này. Họ đang
bị công khai tấn công. Viên thư ký thuộc địa đáp ứng bằng cách hứa hẹn với 500
nhân viên tham gia bãi công rằng đích thân ông ta sẽ tiến hành thương lượng với
các đại diện nghiệp đoàn nếu họ trở lại làm việc. Tôi đã thuyết phục các lãnh
tụ nghiệp đoàn nên chọn một giải pháp mới và thông báo tạm ngưng bãi công ba
ngày.

Việc
này cứu vãn thể diện cho viên thư ký thuộc địa và các viên chức của ông ta. Các
cuộc thương lượng tái tục vào ngày 26/5 và kết thúc với một thỏa ước đáng hài
lòng.

Đó
là cuộc bãi công đầu tiên kể từ khi ban hành các quy định về tình trạng khẩn
cấp vào tháng 6/1948, và nó được tiến hành hoàn toàn đúng luật pháp, không hề
có đe dọa, bạo động hay thậm chí lập rào cản mất trật tự. Cuộc chiến đấu là
nhằm giành lấy sự ủng hộ của quần chúng và nghiệp đoàn đã thắng. Sau lần chứng
minh khả năng nghiệp vụ kém cỏi của các viên chức Anh này, dân chúng thấy rằng
chính quyền, khi bị đem ra mổ xẻ, thì cũng rất dễ bị tấn công.

Việc
xuất hiện trên báo chí đã nâng cao uy tín nghề nghiệp của tôi. Tôi không còn là
một luật sư trẻ tự phụ mới từ Cambridge về với những bằng cấp hạng danh dự nữa.
Tôi đã dẫn dắt những công nhân bãi công, lên tiếng nói cho họ và được họ tin
cậy. Tôi đã làm được việc mà không gây đổ vỡ gì. Tôi thu đạt rất lớn trong sự
đánh giá của hàng nghìn công nhân ở Singapore và Malaysia mà không làm giới trí
thức Anh học hoảng sợ. Các bạn tôi và tôi bây giờ tin rằng trong các nghiệp
đoàn, chúng tôi sẽ tìm được cơ sở quần chúng và sức mạnh chính trị mà chúng tôi
đã tìm kiếm từ hồi thảo luận chương trình hành động của mình trong những đêm
dài ở London sau những buổi hội họp tại Malaysia Hall. Chúng tôi đã nhận ra
cách vận động sự ủng hộ của quần chúng.

Các
nhóm phi cộng sản cũng thấy phấn khởi, thậm chí tự tin hơn, trước cuộc biểu
dương lực lượng quần chúng một cách hợp pháp, hòa bình và bất bạo động để bày
tỏ những bất bình chính đáng. Một loạt các nghiệp đoàn và hiệp hội đề nghị tôi
làm cố vấn pháp lý cho họ, và tôi sung sướng có được họ như những lực lượng ủng
hộ chính trị cho mình. Họ trả những khoản lệ phí tượng trưng cho công ty
Laycock & Ong để được ghi tên tôi trên các giấy tờ giao dịch của họ với tư cách
cố vấn pháp lý. Tôi tham dự nhiều bữa tiệc thường niên hay đại hội của họ. Tôi
học được cách hòa đồng với các bang người Hoa, những nhóm nói tiếng Quảng Đông
hay Quan thoại như Nghiệp đoàn công nhân ngành in người Hoa, hay những nhóm chỉ
nói một phương ngữ như Hiệp hội người Hakka ở Singapore.

Điều
đáng phiền là khả năng dùng tiếng Hoa của tôi không tốt lắm. Tôi cảm thấy rất
xấu hổ vì không có khả năng giao tiếp với họ bằng thứ tiếng lẽ ra là tiếng mẹ
đẻ của tôi. Một lần nữa tôi lại cố gắng học tiếng Quan thoại. Tôi tìm một ông
thầy và mua một máy thu băng nhỏ. Tôi cùng Hon Sui Sen, bây giờ làm ủy viên địa
chính, học cùng ông thầy đó tại căn nhà trong cư xá chính phủ của Hui trên
đường Cantonment. Nhưng tôi tiến bộ rất chậm vì có quá ít thời gian và tệ hơn,
chẳng có mấy cơ hội để thực tập.

Tuy
nhiên, tôi chẳng cần đến tiếng Quan thoại trong lần tham gia kế đó của tôi vào
cuộc đấu tranh của công nhân. Tháng 12/1952, khoảng 10.000 công nhân, chủ yếu
là người Ấn, thuộc Nghiệp đoàn lao động khu căn cứ hải quân, đột nhiên ra thông
báo bãi công, và ngày 29/12, các công nhân trong căn cứ quân sự ở Sembawang
không làm việc nữa khiến cả các sỹ quan hải quân chỉ huy ở đó cũng như chính
phủ Singapore hết sức bối rối. Các tàu chiến của Hải quân hoàng gia tham gia chiến
tranh Triều Tiên về đến Singapore – gồm một tàu ngầm, một hàng không mẫu hạm và
hai hộ tống hạm – bị neo lại không sửa chữa được gì cả. Viên thống đốc đã can
thiệp, nhưng sau hai lần gặp gỡ không kết quả, đại diện của cả hai bên đồng ý
đem vấn đề tranh chấp này đến một trọng tài độc lập là John Cameron, Luật sư
hoàng gia thuộc Luật sư đoàn Scotland. Nghiệp đoàn đã yêu cầu tôi đại diện cho
họ.

Tôi
bỏ ra một tuần nghiên cứu các bảng lương và so sánh giữa mức lương do chính
quyền Singapore và do Hải quân hoàng gia trả cho những công việc tương tự nhau.
Buổi tranh luận đối tịch được tổ chức trong phòng riêng của chánh án tại Tòa án
tối cao và kéo dài cả tuần trong tháng 3/1953. Cameron, một luật sư người
Scotland dày dạn kinh nghiệm, vẫn giữ một vẻ vô tư không thiên vị. Bên Hải quân
có một viên chỉ huy kinh nghiệm biết rất rành các bậc lương của mình. Khi
Cameron đưa ra phán quyết vào ngày 11/3, rõ ràng là ông ta đã biết giới hạn
ngân sách của Hải quân và không hề định phá vỡ mức giới hạn đó. Tôi đã đòi hỏi nâng
thang lương của Hải quân lên cho bằng thang lương của chính phủ Singapore,
nhưng Cameron từ chối.

Các
cán bộ nghiệp đoàn không hài lòng, và ông chủ tịch nghiệp đoàn bị áp lực là
phải từ chối phán quyết của tòa. Tôi gặp các cán bộ ấy và thuyết phục rằng thật
bất lợi khi tiếp tục bãi công sau khi đã chấp nhận giải quyết tranh chấp thông
qua trọng tài, rằng đây là nội dung chính của đấu tranh hợp pháp. Quan điểm của
tôi được chấp nhận và sự vụ không gây hại gì cho tôi. Tuy rằng tôi cũng mất đi
ít nhiều uy tín vì chỉ giành được những nhượng bộ nho nhỏ. Tôi đã xác định được
chỗ đứng của mình như một cố vấn pháp lý biết đấu tranh đúng luật và sẵn sàng
thuyết phục khách hàng chấp nhận một phán quyết bất lợi.

Những
cuộc bãi công khác đang âm ỉ ở Singapore và Malaysia. Các viên chức của Nghiệp
đoàn công nhân bưu chính viễn thông Singapore đã ra thông báo rằng họ sẽ bãi
công đòi tăng lương vào ngày 23/3/1953. Đó sẽ là cuộc bãi công đầu tiên chưa
từng có của các viên chức chính phủ. Nghiệp đoàn đề nghị tôi làm cố vấn pháp lý
cho họ. Chính phủ đề nghị đưa ra trọng tài, và sau khi bàn bạc với tôi, nghiệp
đoàn đã đồng ý. Chính phủ đưa ra danh sách sáu thành viên trong hội đồng trọng
tài Malaysia. Một người trong đó hóa ra là Yong Pung How, từng học cùng thời
với tôi ở trường luật Cambridge.

Suốt
trong ba ngày cuộc tranh tụng được đưa tin rộng rãi trên báo chí và đài phát
thanh. Tôi có hai mục tiêu: đạt được một phán quyết có lợi, và quan trọng hơn,
phơi bày được thói trịch thượng và kém hiệu năng của các viên chức thuộc địa
người Anh trong việc đối xử với công chức người bản xứ. Tôi làm được việc này
mà không cần tỏ ra quá khích lắm. Yong Pung How ra phán quyết cho 1.000 viên
chức hưởng truy lãnh 28 tháng lương và những khoản tăng lương khác tổng cộng
lên tới 1 triệu đồng. Kết quả này đã phục hồi uy tín cho tôi đối với giới công
nhân.

Trong
khi đó những công chức người bản xứ cao cấp hơn cũng đang bất mãn. Kenny đang
nung nấu một nỗi bất bình với một quyết định thiên vị dành những khoản phụ cấp
gia đình đặc biệt riêng cho các viên chức Anh phục vụ tại thuộc địa. Hiệp hội
viên chức chính ngạch Singapore đã nhiều lần làm kiến nghị mà không kết quả.
Cuối năm 1951, khi Keng Swee từ Anh về, ông ta vạch ra một chiến lược đơn giản
để tạo được thế mạnh chính trị buộc chính phủ phải nhượng bộ. Thay vì đấu tranh
đòi phụ cấp gia đình tương đương với phụ cấp phục vụ tại thuộc địa cho khoảng
200 viên chức chính ngạch người bản xứ, Keng Swee đã đề nghị họ yêu sách những
phụ cấp tương xứng cho tất cả công chức, nhất là những nhân viên công nhật bậc
4 được trả lương thấp mà rất đông đảo ở đây. Từ 1945, lương công chức đã tăng
rất chậm so với mức lạm phát. Cuộc bãi công của nhân viên bưu điện đã cho thấy
phong trào quần chúng có thể đấu tranh hợp pháp như thế nào, sau đó, các nhân
viên công nhật cũng sôi nổi muốn hành động.

Tháng
7/1952, Keng Swee giúp Kenny thành lập một ủy ban hành động phối hợp để đại
diện cho mọi nghiệp đoàn và hiệp hội của mọi công nhân viên chức với tổng số
thành viên lên tới 14.000 người. Họ đòi hỏi các phụ cấp gia đình tương đương
với lương trả cho các viên chức Anh phục vụ tại thuộc địa. Trong một cuộc biểu
tình vào tháng 11, công nhân viên đã tập trung rất đông để bày tỏ bất mãn đối
với kiểu đối xử phân biệt chủng tộc dành cho công chức người bản xứ. Truyền đơn
của họ in dòng chữ “Có công bằng không? Người Âu gia đình ÍT con hưởng trợ cấp
NHIỀU. Chúng ta có gia đình NHIỀU con và KHÔNG trợ cấp.”

Những
ủy viên dân cử trong Hội đồng lập pháp cảm thấy rằng có thể đạt được uy tín
chính trị bằng cách ủng hộ yêu sách về trợ cấp gia đình cho nhân viên bản xứ,
nhất là những người hưởng lương thấp, và họ bắt đầu lên tiếng ủng hộ điều đó
trong Hội đồng lập pháp. Thống đốc John Nicoll, chủ tọa buổi họp của Hội đồng,
đã hơi bực bội. Ông khuyến cáo họ nên giới hạn vào việc thực thi kiểm soát
“chính sách tổng quát ở tầm cao” và cảnh cáo các công chức rằng “quý vị không
thể gây áp lực đối với các ủy viên hội đồng.”

Ủy
ban hành động phối hợp phủ nhận việc họ tiếp cận các ủy viên hội đồng lập pháp
để yêu cầu ủng hộ, nhưng đã đặt câu hỏi là phải chăng các công chức không có
quyền thảo luận các vấn đề nguyên tắc với các đại diện dân cử của họ sao. Liên
hiệp các nghiệp đoàn công chức Singapore đã gửi thư cho thư ký thuộc địa bày tỏ
“sự mất tin tưởng sâu xa của các công chức người địa phương đối với các công
chức Anh phục vụ tại thuộc địa.”

Đối
mặt với sự chống đối ngày càng tăng và thái độ phản kháng đến ngạc nhiên từ các
công chức và thậm chí từ phía các ủy viên hội đồng lập pháp vốn nhu nhược xưa
nay, viên thống đốc đã tìm cách phân tán sự bất mãn đang tăng này bằng cách cử
ra một ủy ban đặc trách, do F.C. Benham, một nhà kinh tế nổi tiếng, làm trưởng
ban, để “khảo sát xem các bậc lương hiện nay của các viên chức người bản xứ
thường trú có phù hợp hay không”. Sau ba ngày tham vấn, ủy ban này đồng ý với
các nghiệp đoàn rằng họ được quyền hưởng phụ cấp gia đình. Viên thống đốc
choáng váng. Điều này sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Khi ông ta
bác bỏ bản tường trình này, sáu nghiệp đoàn liền đe dọa bãi công. Để ngăn ngừa
bãi công, viên thống đốc hứa sẽ giao vấn đề lại cho một ủy ban độc lập, do Huân
tước Edward Ritson phụ trách. Tháng 3/1953, Ritson đề nghị bãi bỏ các phụ cấp
gia đình cho nhân viên Anh phục vụ tại thuộc địa.

Ủy
ban hành động phối hợp đã làm rung rinh hệ thống thuộc địa. Sau 10 tháng tiếp
tục đàm phán, chính phủ đồng ý một thang lương mới, tăng nhiều cho các cấp chức
vụ lương cao hơn là cho các viên chức bậc trung và bậc thấp. Như vậy chính phủ
thuộc địa đã không cho Keng Swee và Kenny giành được uy tín chính trị đối với giới
công chức cấp thấp mà họ hằng mong muốn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3