Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 03 phần 4
Rồi
bất ngờ, ngày 6/8, một quả bom kỳ lạ nổ ở Hiroshima. Tin này chỉ được đăng
trên tờ Syonan Shimbun ngày 11/8 dưới dạng một tường
thuật đầu trang – “Nhật cực lực phản đối việc tấn công Hiroshima bằng một trái
bom kiểu mới vào thứ Hai qua” – nhưng những người nghe đài BBC đã loan tin rằng
Nhật đã bị trúng một vũ khí phóng xạ cực mạnh. Chúng tôi cảm thấy kết thúc đã
gần kề.
Ngày
15/8, Nhật hoàng ngỏ lời với thần dân và tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi nghe được
chuyện này hầu như ngay lập tức, vì dân chúng đã bạo gan hơn và nhiều người đã
nghe các đài phát thanh của Đồng minh, nhất là BBC. Tin này không hề xuất hiện
trên tờ Syonan Shimbun cho mãi đến ngày 20/8, tờ này đăng toàn
văn “Thông điệp Nhật hoàng”. Cuộc chiến đi tới kết thúc mà không có giao chiến
gì thêm. Chúng tôi thoát khỏi tình trạng đau thương đã từng xảy ra cho Rangoon
và Mandalay.
Ba
tuần sau bản tuyên bố của Nhật hoàng, chưa thấy có dấu hiệu người Anh trở lại.
Đó là một tình huống khác thường. Nó khác xa những gì xảy ra ba năm rưỡi trước
đó, khi người Anh đã đầu hàng và người Nhật chưa nắm quyền kiểm soát thật sự.
Không giống người Anh, người Nhật không bị mất tinh thần vì bị đánh bại trong
trận mạc. Họ tuyệt vọng và bối rối, nhưng vẫn còn nắm quyền và vẫn có khả năng
làm hại chúng tôi. Khi dân địa phương không biết kiềm chế mà tổ chức ăn mừng
việc Nhật bại trận, lính Nhật đi ngang qua có thể tông cửa vào giữa tiệc và
đánh những kẻ dự liên hoan. Quân Nhật chờ đợi người Anh gọi trình diện, và
trừng phạt những tội ác của họ, nhưng cũng thật cay đắng và đáng sợ là dân
chúng có thể sẽ tấn công các sỹ quan khi họ tới gần. Có nhiều tiếng súng trong
khu cư trú của các sỹ quan Nhật, vì một số không chấp nhận được chuyện đầu hàng
và họ muốn tự tử hơn, theo kiểu Nhật, hara–kiri, bằng một lưỡi
dao găm, hay ít đau đớn hơn, bằng khẩu súng lục. Nhưng dân địa phương thì may
mắn. Theo như tôi biết, người Nhật không giết thường dân và cũng không có những
biến cố bạo ác. Họ bỏ mặc dân chúng cho đến khi người Anh tiếp quản. Kỷ luật
quân đội của họ vẫn được giữ vững.
Ba
năm rưỡi Nhật chiếm đóng là rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Nó cho tôi nhìn
rõ cách ứng xử của con người và xã hội, những động cơ và phản ứng ngẫu phát của
họ. Tôi sẽ không có được cách đánh giá chính quyền, và sự hiểu biết về quyền
lực như một phương tiện tạo ra những thay đổi cách mạng nếu không trải qua thời
kỳ này. Tôi đã trông thấy một hệ thống xã hội sụp đổ trước một đội quân cực kỳ
tàn bạo. Người Nhật đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối và hầu như mọi người đã phục
tùng họ. Hầu hết mọi người dân đều thù ghét họ nhưng hết thảy đều ý thức về sức
mạnh của họ nên mọi người phải thích nghi. Những ai chậm hay không muốn thay
đổi để chấp nhận ông chủ mới sẽ phải đau khổ. Họ sẽ phải sống bên lề xã hội
mới, tài sản của họ nằm chết một chỗ hay suy sụp và họ bị mất vị trí xã hội.
Những người mau chóng đánh giá được tình thế mới và biết khai thác những cơ hội
mới bằng cách giúp ích cho các ông chủ mới, đã làm giàu trên sự bất hạnh khủng
khiếp đã ập lên toàn Singapore.
Guồng
máy cai trị quân sự của Nhật đã cai trị bằng khủng bố. Nó không hề khoác một
lớp vỏ cư xử văn minh. Sự trừng phạt nặng nề đến độ rất ít có tội phạm. Giữa
cảnh đói khổ, vào mấy tháng cuối năm 1944, khi dân chúng gần như chết đói, thật
kỳ lạ là mức độ tội phạm vẫn rất thấp. Người ta có thể bỏ ngỏ cửa suốt đêm. Mỗi
nhà có một chủ nhà, mỗi nhóm mười nhà cũng có liên gia trưởng và những người
này có nhiệm vụ tuần tra khu vực của mình suốt ngày đêm. Nhưng đó chỉ là chuyện
hình thức. Họ chỉ mang theo gậy gộc và cũng chẳng có vi phạm gì để báo cáo –
mức trừng phạt đã quá nặng nề. Hệ quả là tôi không còn tin vào những người chủ
trương một phương pháp nhu hòa đối với vấn đề tội phạm và trừng phạt, thường
cho rằng trừng phạt không hề làm giảm được tội phạm. Đó không chỉ là kinh
nghiệm của tôi tại Singapore trước chiến tranh, trong thời Nhật chiếm đóng hay
sau đó.
Sau
cú choáng ban đầu, tôi hiểu ra rằng cuộc sống cứ phải tiếp tục hầu như là bình
thường. Người ta phải ăn, phải cần đến thuốc men và những thứ khác như bàn chải
đánh răng, kem đánh răng, quần áo giày dép, mực giấy bút. Ngay cả dao cạo râu
cũng trở nên rất quý và khó kiếm, nên các lưỡi dao cũ cứ được mài đi mài lại.
Thuốc lá thì giá trị hơn tiền do Nhật phát hành. Một số nghề suy thoái và không
kiếm ra tiền. Chẳng còn mấy ai cần đến luật sư giỏi luật của Anh nữa, vì chẳng
có bao nhiêu hoạt động thương mại, và thiết quân luật đã giải quyết tội phạm
rất gọn gàng. Nghề kế toán cũng đình trệ vì không có kinh doanh gì đáng kể.
Nhưng trái lại, bác sĩ và nha sĩ vẫn cần thiết như xưa vì người ta cứ bệnh và
cứ đau răng, nên những nghề này cứ ăn nên làm ra cho dù khan hiếm thuốc uống và
thuốc tê.
Trong
mười tháng đầu của thời chiếm đóng, người ta cũng thường thấy những nhóm tù
binh chiến tranh người Úc và Anh lao động trong thành phố với một ít lính Nhật
đi theo canh gác. Thường thì họ làm những việc như chuyển hàng từ kho lên xe
tải. Họ có thể lẻn vào một quán cà phê gần đó tìm thức ăn, các ông chủ hay
những bà nội trợ bình thường sẽ cho họ bánh mì, đồ hộp hay ít tiền bạc. Người
Hoa rất có cảm tình với họ. Họ đã gầy đi và trông thật thảm não trong cảnh tù
đày. Đồng phục của họ, thường là sơ mi và quần soọc, thường rách tả tơi. Đến
cuối năm 1942, người ta ít thấy họ hơn, và một năm sau lại càng hiếm. Người ta
cho rằng họ đã bị đưa đi lao động ở nơi khác, Thái Lan, Indonesia hay Nhật. Khi
họ xuất hiện trở lại tại Singapore vào cuối năm 1944 đầu 1945, họ chỉ còn da
bọc xương, những bộ xương sườn lộ rõ đến nỗi có thể đếm được. Họ đã lao động
xây tuyến đường sắt Miến Điện. Một số người chỉ mặc đồ lót, xương hông của họ
lòi ra. Trông họ tội nghiệp, đầy vết viêm loét, sẹo và ghẻ lở, nhất là ở tay
chân. Thực phẩm thì khan hiếm, nhưng không khan hiếm đến độ họ không có đủ cái
ăn. Những chịu đựng của họ vượt xa cảnh ngộ của mọi tù binh chiến tranh
ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Việc
chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Nhật như là thứ ngôn ngữ hành chính và của giới
cầm quyền đã khiến người già rơi vào thế rất bất lợi. Họ không thể học tiếng
Nhật dễ dàng. Những ai nói được tiếng Nhật, như dân từ Đài Loan, trở nên rất có
giá, một số người như thế đã cư ngụ ở Singapore trước
thời chiếm đóng, nhưng một số khác đã theo chân quân Nhật qua đây. Giới trẻ địa
phương học chút tiếng Nhật đủ để kiếm được việc làm, nhưng ngoài ra thì đa số
người dân vẫn đàng hoàng. Họ không muốn cộng tác với kẻ thù. Họ chỉ muốn sống
còn qua ngày, chịu thiệt với giới cầm quyền càng ít càng tốt. Rất ít người dám
chống người Nhật, cho dù trong bí mật.
Có
một số khác, bọn cơ hội và khôn lỏi, chọn con đường ủng hộ và cộng tác với
Nhật. Họ cung cấp lao động, vật tư, thông tin, gái, rượu, thức ăn ngon, và họ
đã làm giàu. Những kẻ may mắn là các nhà thầu cung cấp hàng cho quân đội và
hành nghề xây dựng.
Những
người may mắn nhất và phát đạt nhất như là anh em nhà Shaw, có được giấy phép
mở sòng bạc trong những khu giải trí, như Tân Thế Giới và Đại Thế Giới. Với một
dân chúng thất chí, bị tước đoạt, đang đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt hàng
loạt trong một vài năm trước khi người Anh trở lại và loại bỏ người Nhật, cờ
bạc trở thành một thứ thuốc ngủ tuyệt vời. Dân địa phương tới những khu giải
trí để thử thời vận và tiêu phí tiền bạc, trong khi kẻ khác tới để xem cho hết
thời gian. Thật lạ lùng là người ta đã tiêu hết bao nhiêu là tiền bạc và thời
gian bằng cái cách đơn giản như vậy. Khi không chắc chắn sống còn, thì mọi trò
may rủi đều được đón nhận. Ngay chính cuộc sống cũng trở thành trò may rủi.
Nhưng
dù bạn kiếm được tiền thế nào, điều quan trọng nhất là giữ gìn giá trị của nó
bằng cách đổi thành hàng hóa khác hay tiền thuộc địa Anh. Ngũ cốc và thực phẩm
thì cồng kềnh, bảo quản và xử lý khó. Những món được lùng mua nhiều nhất là
những thứ vẫn còn nguyên giá trị trong tương lai, sau khi người Anh trở lại, mà
hiện tại thì chúng phải nhỏ gọn và dễ cất giấu. Từ năm 1944, tỷ giá đồng tiền
thuộc địa Anh trong thị trường chợ đen tăng vọt từng ngày khi tiền chuối được
in và tung ra ngày càng nhiều. Món tài sản được ưa chuộng kế đó là nữ trang. Để
buôn bán nữ trang, các tay môi giới phải biết phân biệt vàng 24 và vàng 18,
nhận ra kim cương tốt với màu sắc đẹp, không có, hay có rất ít tì vết, và học
biết các đặc tính của các loại đá quý khác.
Những
người có gan hơn và nhiều vốn đã mua bất động sản nhưng giá trị của chúng không
tăng vọt như vàng hay tiền thuộc địa vì chúng không di chuyển được. Việc chuyển
nhượng đòi hỏi thủ tục với luật sư và đăng ký tại Phòng đăng ký chứng thư. Cơ
hội là năm ăn năm thua nếu các chứng từ chuyển nhượng bị hủy hoặc bác bỏ khi
người Anh trở lại. Ngoài ra, còn có nguy cơ là nhà cửa có thể trúng bom và sụp
đổ. Rốt cuộc, chẳng có việc tái chiếm, các chứng thư không bị hủy, nhà cửa
không bị bom đạn. Trong những ngày cuối của thời chiếm đóng, khi Đức đã đầu
hàng và thất bại của Nhật là quá rõ, người ta có thể bán một thùng 12 chai
Johnnie Walker là có đủ tiền mua một cửa hiệu trên đường Victoria. Những người
thương lượng mua được những bất động sản như thế đã trở nên giàu có sau chiến
tranh.
Trong
ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng, tôi đã học được nhiều điều hơn ở bất kỳ trường đại
học nào. Tôi chưa được đọc câu nói của Mao “quyền lực xuất phát từ nòng súng”,
nhưng tôi biết rằng sự tàn bạo, súng, lưỡi lê và trường kiếm của Nhật, cùng với
các trò khủng bố và nhục hình dễ dàng giải quyết vấn đề ai nắm quyền, và có thể
khiến dân chúng thay đổi cách ứng xử, và cả lòng trung thành nữa. Người Nhật
không chỉ đòi hỏi sự phục tùng và được người ta phục tùng, họ còn buộc người ta
thích nghi với viễn cảnh một nền cai trị lâu dài của Nhật,
nên người ta phải dạy con cho phù hợp với chế độ mới, với ngôn ngữ, các tập
quán và giá trị của chế độ đó, để có thể hữu dụng và kiếm sống.
Giai
đoạn thứ ba và cuối cùng, mà có thể họ sẽ đạt được nếu có thời gian, là khiến
chúng tôi chấp nhận họ như những ông chủ mới, như một phần của thứ trật tự
đương nhiên. Đạo đức và công bằng là không quan hệ. Họ đã thắng. Họ ở trên đỉnh
và nắm quyền. Chúng tôi phải tôn thờ thượng đế của họ, ca tụng nền văn hóa của
họ và học theo cách ứng xử của họ. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng hiệu
quả. Tại Hàn Quốc, người Nhật đã gặp sự đề kháng ngay từ khi họ nỗ lực cai trị
xứ này. Họ đã cố gắng đàn áp các bản năng và thói quen của một dân tộc có nền
văn hóa lâu đời, một dân tộc có lòng tự hào cao độ và một quyết tâm chống lại
những kẻ áp bức man rợ. Họ đã giết rất nhiều người Hàn Quốc nhưng không bẻ gãy
tinh thần của người dân đó được.
Nhưng
đó là một ngoại lệ. Tại Đài Loan – do người Hoa, Bồ Đào Nha rồi Hà Lan cai trị
trước khi người Nhật chiếm đóng – đã không hề có thù hận. Nếu người Nhật trụ
lại được ở Singapore và Malaysia, họ có thể, trong vòng 50 năm,
tạo nên một tầng lớp những người ủng hộ như họ đã từng làm thành công tại Đài
Loan. Malaysia quá non trẻ, dân tộc quá đa tạp, và xã hội của nó quá mềm và dễ
uốn nắn nên không thể đề kháng được. Có một số người Malay tham gia lực lượng
du kích kháng Nhật trong rừng núi, do các sỹ quan Anh thuộc binh đoàn 136 huấn
luyện. Nhưng đa số dân chúng hy vọng Nhật sẽ là người bảo hộ mới cho họ, như họ
đã hy vọng chuyện tương tự ở người Anh, khi Anh trở lại thay thế Nhật.
Số
người duy nhất có can đảm và niềm tin để chống lại quân xâm lược là những người
Hoa tham gia Đảng Cộng sản Malaysia (Malaysian Communist Party – MCP), và một
số ít hơn trong phong trào kháng Nhật do Quốc dân đảng lãnh đạo. Cả hai nhóm
đều xuất phát từ tinh thần dân tộc Trung Quốc, chứ không phải tinh thần yêu
nước Malaysia, và họ trở thành mối phiền hà rắc rối cho người Nhật trong thời
chiến, cũng như cho người Anh trong thời bình sau đó.
Trong
giai đoạn hỗn loạn từ khi Nhật đầu hàng vào ngày 15/8/1945 cho đến khi Anh tái
lập kiểm soát ở Singapore vào khoảng cuối tháng 9, các nhóm chống Nhật đã tự
xác lập luật lệ của họ. Họ hành hình, giết chóc, tra tấn, đánh đập những người
chỉ điểm, nhân viên tra khảo và tay sai – hay nghi ngờ là tay sai – của Nhật.
Tôi còn nhớ tiếng giầy nện trên đường khi người ta đuổi bắt nhau giữa ban ngày
trong các ngõ hẻm trên đường Victoria. Tôi nghe tiếng đấm đá và gào thét khi
người ta bị dao đâm và giết chết. Nhưng vào những ngày cuối, nhiều người cộng
tác với Nhật đã biến mất, trốn chui vào chỗ nào đó hay chạy về nội địa Malaysia
hoặc về đảo Riau ở phía Nam.
Cuộc
giải phóng đã không đem lại điều mà mọi người mong muốn: trừng phạt kẻ xấu và
tưởng thưởng người tốt. Không thể có sự đền ân trả oán trọn vẹn. Công bằng và
công lý đòi hỏi phải có đủ tài liệu và những điều tra tỷ mỉ. Không thể tập hợp
mọi nguồn tài liệu để thẩm vấn mọi kẻ tội phạm được, số người này có quá nhiều,
cả người Nhật lẫn dân địa phương. Công lý trừng phạt một số người, nhưng phần
lớn vẫn được tự do.
Có
những phiên tòa, nhưng những phạm nhân chiến tranh người Nhật chủ chốt thì
không bị trừng phạt. Đại tá Tsuji, người đã tiến hành cuộc thảm sát Sook
Ching, đã biến mất. Tướng Yamashita, “Con hổ Malaysia”, trong vai trò chỉ
huy trưởng, đã phê chuẩn chiến dịch Sook Ching, được chuyển sang
Mãn Châu, rồi tới Philippines, tại đây ông ta đầu hàng trước lực lượng của
tướng MacArthur vào tháng 9/1945. Ông ta bị tuyên án và xử tử tại Manila vì đã
tàn phá thành phố này, chứ không phải vì đã đồng ý cho giết từ 50 tới 100 nghìn
người trẻ tuổi vô tội tại Singapore.
Khoảng
200 phạm nhân chiến tranh người Nhật đã bị xử ở Singapore, nhưng chỉ có khoảng
100 người bị kết án và xử tử tuy rằng hàng trăm người ở Singapore, trong đó có
các bạn bè tôi, đã bị giam cầm và tra tấn trong các trụ sở của Kempeitai tại
Singapore. Một trong những người đó là Lim Kim San, sau này trở thành một bộ
trưởng trong nội các từ năm 1963 đến 1980. Ông cho tôi xem điều ông ghi chép về
chuyện của chính ông hồi năm 1944:
“Tôi
bị giam hai lần tại Oxley Rise, lần đầu vào tháng 1/1944 hết nửa tháng, lần thứ
nhì vào tháng 2/1944 trong hơn một tháng. Một thanh niên người Hoa từng đến cửa
hàng của tôi ở đường North Bridge đã khai tôi là người đã cho anh ta tiền để
ủng hộ lực lượng cộng sản. Khi tôi lý luận rằng thật vô lý khi một nhà tư sản
lại là người thân cộng, tôi đã bị quất roi và đấm đá.
Tôi
tỉnh lại khi bị dội nước vào mặt. Tôi thấy mình bị nhốt trong một căn phòng
chừng 15 mét vuông chứa tới 30 người, cả đàn ông lẫn đàn bà.
Có
một chỗ đi vệ sinh trong góc phòng, thứ bàn cầu ngồi xổm có bồn chứa nước phía
trên. Việc dội cầu nhiều lần làm cho nước “sạch” và nước được thu lại qua lỗ rò
trong bồn cầu. Đó cũng là thứ nước bạn dùng để uống và rửa ráy. Nếu bạn bệnh,
bạn sẽ được đưa tới chỗ nào đó chỉ có Chúa mới biết. Tôi đã rợn người khi thấy
vệt máu của một phụ nữ đến kỳ.
Chúng
tôi được cho ăn bằng cháo đặc với các thứ rau phế thải nấu trong một cái thùng
dầu. Tôi không ăn nổi thứ đó và buồn nôn
mỗi khi cố gắng nuốt. Nó làm tôi nhớ tới kiểu mình cho vịt ăn.
Chúng
tôi bị bắt ngồi xệp và không được đổi tư thế nếu không được bọn lính gác cho
phép, đó là những thanh niên địa phương được tuyển mộ và huấn luyện phải cư xử
tàn bạo.
Ngày
nọ, một người Ấn lớn tuổi bị gãy chân được mang vào. Ông ta không thể ngồi và
chỉ có thể di chuyển trong tư thế bò lết kéo theo cái chân gãy. Một trong những
thằng lính gác ấy quẳng một cây gậy đi và ông ta phải lết đi để đem gậy về cho
y. Việc đó cứ lặp lại cho tới khi ông ta kiệt lực và hầu như ngất đi vì đau.
Trong
số những người bị bắt có một thanh niên Teochow (Tiều Châu) chừng mười bảy hay mười
tám tuổi. Cậu ta là lính gác bị tội đào ngũ. Một tối nọ, Kempeitai lấy dây treo
cậu ta trần truồng lên trần nhà. Hai tay cậu bị trói ra sau và dây buộc vào xà
nhà để chân cậu chỉ hơi chạm đất. Thỉnh thoảng cậu phải rướn đầu ngón chân cho
chạm đất để giảm sức căng đè lên vai. Họ để mặc cậu ta suốt đêm không cho ăn
uống. Cậu chửi rủa bọn Nhật rất tục tằn bằng tiếng Teochow với giọng oang oang.
Sáng hôm sau, tiếng chửi rủa trở thành rên rỉ khi một tên Kempeitai dùng gậy
quất vào lưng cậu. Việc đánh đập kéo dài vài tiếng đồng hồ và tiếng rên cứ ngày
càng yếu dần, sau cùng
thì tắt hẳn. Cậu ta đã chết nhưng vẫn bị treo ở đó một thời gian nữa trước mặt
chúng tôi, như để răn đe cả chúng tôi lẫn bọn lính gác.
Một
lần khác, nước từ một cái ống được bơm vào một người đàn ông, khi bụng ông ta
đầy nước, tên tra tấn sẽ nhảy lên ngồi vào đó. Ông ta nôn vọt ra và bất tỉnh.
Mỗi
sáng, chúng tôi run rẩy cả người khi nghe tiếng giày bốt tới gần phòng giam. Đó
là dấu hiệu có ai đó trong chúng tôi sẽ bị thẩm vấn và tra tấn. Có một số người
đi không trở lại.
Tôi
được phóng thích nhờ sự can thiệp của sỹ quan liên lạc người Đài Loan.
Tôi
đã nhìn thấy bản chất thực sự của người Nhật, trong cũng như ngoài nhà tù. Kiểu
cách lịch sự và gập người cúi chào chỉ là lớp màn mỏng che giấu con ác thú.
Chiến thắng của Đồng minh đã cứu châu Á.”
Một
tóm lược xúc động về sự tàn ác của người Nhật được đưa vào diễn văn khai mạc
của Trung tá Colin Sleeman, công tố viên trong vụ xử “Song Thập”, mở tại
Singapore ngày 18/3/1946:
“Để
đưa ra một mô tả chính xác về những tội ác của những con người này, tôi thấy
cần thiết phải diễn tả những hành vi đã đi tới tận cùng sự ngược đãi và lăng
nhục con người. Điều chính yếu trong toàn bộ vụ án này có thể được tóm lại
trong mấy từ – kinh hoàng không tả được.
Kinh
hoàng, hoàn toàn trần trụi, tràn ngập mọi ngóc ngách của vụ này từ đầu tới
cuối, không chút giảm nhẹ hay xoa dịu. Tôi đã tìm tòi, tìm tòi một cách tỷ mỉ,
trong khối lượng khổng lồ những bằng chứng, để khám phá ra đặc điểm bù đắp nào
đó, một yếu tố giảm nhẹ nào đó trong cách cư xử của những con người này, để có
thể đưa chuyện này khỏi tầm của sự kinh hoàng và tàn bạo thuần túy, và để nâng
nó, ít nhất, lên tầm của một bi kịch. Và tôi phải thú thật là mình đã thất
bại.”
Tuy
nhiên, suốt 50 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt, các chính phủ kế tiếp nhau
của Đảng dân chủ tự do Nhật (Liberal Democratic Party – LDP), phần lớn các lãnh
tụ của mọi chính đảng tại Nhật, hầu hết giới học giả và gần như toàn bộ các
phương tiện thông tin đại chúng của họ đã lựa chọn thái độ là không đề cập tới
những hành vi xấu xa ấy. Không như người Đức, họ hy vọng rằng qua nhiều thế hệ,
những hành vi ấy sẽ bị lãng quên, và các tường thuật về chuyện họ đã làm sẽ bị
chôn vùi trong đóng hồ sơ bụi bặm. Khi họ từ chối thừa nhận điều đó với các
láng giềng, người ta chẳng thể làm gì hơn ngoài việc lo sợ rằng họ có thể lặp
lại những việc kinh hoàng ấy. Chỉ đến khi một chính phủ không thuộc đảng LDP
nắm quyền năm 1992 thì mới có một thủ tướng Nhật, ông Morihiro Hosokawa, đưa ra
một lời xin lỗi chưa đầy đủ.