Đường Bác Hồ Đi Cứu Nước - Chương 09
Sáng 2-9 đội tự vệ hai thôn chúng tôi cùng với nhân dân về Ba đình dự lễ Tuyên ngôn độc lập.
Là vùng cơ sở mạnh nên hai thôn chúng tôi được xếp gần khán đài.
Nghe danh sách Chính phủ, lòng chúng tôi cũng náo nức như mọi người, chờ mong vị Chủ tịch đầu tiên của đất nước và các vị khác trong Chính phủ.
Tới khi Chính phủ nhân dân lâm thời ra mắt! Ôi ! Ngạc nhiên quá! Tôi còn đang ngờ ngợ - Chủ tịch Hồ Chí Minh mình đã gặp bao giờ mà quen thế! Chợt mấy anh em tự vệ kêu lên:
- Đúng ông cụ rồi!
- Ông cụ về làng ta là Hồ Chủ tịch rồi !
- Trời ơi! Sướng quá! Đúng ông cụ rồi!
Phải, đúng ông cụ rồi! Tôi, đồng chí Thành, tất cả anh em tự vệ nhận rõ quá rồi. Trông ông cụ hôm nay chỉ khác hôm về làng tôi là mặc bộ quần áo ka ki, còn vẫn cái mũ ấy, vẫn vầng trán, cặp mắt, chòm râu ấy! Nhìn, ngắm Hồ Chủ tịch, lắng nghe bản Tuyên ngôn độc lập lòng tôi bỗng trào lên niềm xúc động không sao tả được.
Hôm ấy, trên đường về, hai thôn Xù, Gạ chúng tôi sôi nổi câu chuyện: Hồ Chủ tịch là ông cụ đã về làng ta. Mỗi lời nói, cử chỉ hình dáng của Hồ Chủ tịch được mọi người say sưa kể lại.
Tôi phấn khởi kể chuyện ấy với ông tôi. Nghe kể xong, ông tôi sung sướng nói :
- Ừ, thoáng qua, tao đã thấy Cụ là người tài đức khác thường lắm! Nước mình có vị Chủ tịch gần dân như vậy, thật là hồng phúc quốc gia lớn lắm!
Suy nghĩ một lát, ông tôi lại nói:
- Cháu ạ! Tao ngẫm xem trước kia Lý Thái Tổ từ Hoa Lư dời ra Thăng Long, dân Việt ta nổi cơ đồ từ đó. Ngày nay, Hồ Chủ tịch từ Tân Trào thuận sông Hồng trở về Hà Nội, trên thuận lòng trời, dưới hợp ý dân. Tao cho cái thế này là thế dân Việt ta bạt núi, ngăn sông, lấp biển không có việc gì khó nữa đâu!
Tôi lúc ấy đang máu thanh niên, nghe thấy câu « trên hợp với lòng trời », thì không đồng ý. Ông tôi bảo:
- Cháu có lý của cháu! Ông có lý của ông! Trước kia Lý Thái Tổ ra Thăng long là rồng vàng bay lên. Bây giờ Hồ Chủ tịch về Hà Nội, dân mở hội treo cờ. Cờ làm cho mây, nước cũng đỏ một màu, như vậy không trên thuận lòng trời, dưới hợp ý dân là gì ? Cháu phải biết lòng dân là ý trời !
*
Gần cuối năm 1946. khoảng sau hội nghị văn hóa toàn quốc, tôi nhớ đúng như vậy, tôi được chị Thanh báo tin:
- Mai, đồng chí Kha ở nhà, chị sẽ lại chơi.
Chị Thanh là cán bộ gây cơ sởở vùng tôi đã lâu. Chị lại là bạn thân của mẹ tôi. Nay chị nấu ăn riêng cho Bác. Nghe chị hẹn về chơi, mẹ tôi mừng lắm! Cả nhà trông đợi chị.
Vào khoảng 9 giờ sáng hôm sau, tôi đang lợp lại mái nhà dưới, thấy có ô tô đỗ trên đê, lối vào nhà mình. Rồi chị Thanh, một đồng chí nữa cùng với Bác đi vào nhà tôi. Tôi mừng quá, vội chạy ra đón.
Bác thấy tôi, Người nhận ra ngay, Bác thân mật hỏi :
- Chú Mai vẫn khỏe?
- Dạ.
Tôi đưa Bác vào nhà, Bác lại hỏi:
- Cái ao đằng trước đâu rồi ?
Bác vẫn nhớ cái ao nhà tôi, nhưng vì nay có đống rạ to che khuất, nên Người không trông thấy. Tôi vội trình bày để Bác rõ, Người cười vui vẻ.
Mẹ tôi và các cháu lớn bé lên chào Bác. Người vui vẻ bắt tay khắp lượt và hỏi:
- Cụ đâu? Người có được khỏe không?
Tôi hơi ngại ông tôi khi gặp Bác - vì ông tôi đã 78 tuổi rồi, đầu óc phong kiến quá nặng, sợ khi nói chuyện có cái gì không đúng. Nhưng Bác đã nói, tôi vội bảo các cháu đi gọi thì cũng là lúc ông tôi đã chống gậy tới. Cũng như năm trước, thẩy ông tôi đến, Bác đã chạy ra dắt vào. Ông tôi thấy Bác, liền chắp tay, cúi rạp xuống vái chào, Bác ngăn lại và nói:
- Giờ là anh em một nhà cả, cụ đừng làm vậy.
Ông tôi trả lời:
- Dạ, thưa Cụ Chủ tịch, bao giờ cũng phải có trên có dưới, thì nước mới cường, dân mới thịnh ạ.
Bác cười, rồi trả lời:
- Các cấp cán bộ của ta đều là đầy tớ của dân cả. Như vậy nước mới cường, dân mới thịnh.
Ông tôi nói:
- Xin vâng lời dạy của Cụ.
Khi đã đông đủ gia đình, Bác bảo chụp ảnh để làm kỷ niệm. Ông tôi sung sướng quá, đứng lặng đi trước vinh dựấy!
Chụp ảnh xong, người dặn:
- Tôi sẽ ăn cơm trưa với gia đình, nhà ăn thế nào, tôi sẽ ăn thế.
Mẹ tôi và chị Thanh có mua thêm con gà làm cơm. Khi mang cơm lên, Bác ngạc nhiên gọi chị Thanh hỏi:
- Cô làm thế nào hóa ra cỗ thế này! Nay cô làm thế này, mai tới nơi khác, cô sẽ bảo nhân dân giết bò, giết lợn để đãi tôi chăng ?
Chị Thanh lo quá. Mẹtôi vội phân trần:
- Đất lề, quê thói, mỗi khi nhà có khách để tỏ lòng kính trọng…
Bác bảo dọn cơm cả gia đình cùng ăn. Nghe lời Bác, gia đình tôi cử thêm người lên cùng ăn cơm với Bác.
Chiều hôm ấy, các đồng chí trong Ủy ban xã và một vài đồng chí cán bộ huyện về công tác cũng tới để chào Bác.
Quen như mọi khi có cán bộ cấp trên tới, chúng tôi chuẩn bị sẵn trong óc báo cáo về tình hình trong xã. Không ngờ mở đầu Bác hỏi:
- Xã các chú có bao nhiêu mẫu ruộng ? Hai vụ chiêm, mùa gieo hết bao nhiêu giống ? Thu hoạch được bao nhiêu ?
Lúc ấy, chúng tôi đã nghĩ gì đến sản xuất! Nên trước câu hỏi của Bác, chúng tôi đành chịu không biết đằng nào mà thưa cả.
Bác lại hỏi:
- Đời sống bây giờ so với trước ra sao? Có bao nhiêu gia đình khá, bình thường, còn đói kém?
Cái này thì có thể hiểu qua được. Chúng tôi báo cáo với Bác con sốước lượng.
Bác không bằng lòng. Người bảo:
- Các chú phụ trách phong trào một xã, mà cái sống còn nhất lại không rõ thì còn nói gì nữa.
Lúc ấy đồng chí Chuyên vừa tới, vào chào Bác, Người hỏi :
- Chú làm công tác gì ?
- Dạ, tuyên truyền ạ.
- Giờ chú tuyên truyền gì ?
- Chương trình Việt Minh ạ.
- Bây giờ phải tuyên truyền vềHiến pháp - Bác bổ sung,
Rồi người căn dặn chúng tôi, tôi nhớ đại ý: Ngoại thành là cái đai của nội thành. Ngoại thành vững vàng thì nội thành chắc chắn. Muốn ngoại thành vững vàng thì cán bộ ta phải chăm lo củng cố đoàn thể. Chăm sóc việc sản xuất, muốn sản xuất tốt thì nên lập quỹ nghĩa sương để giúp đỡ người thiếu thốn, chia công điểm cho tốt.
Trước những lời dạy cùa Bác, ủy ban chúng tôi đều vâng lời. Dặn xong, Bác lại hỏi:
- Tình hình này quân giặc có thể bội ước đánh ta, nếu xảy ra kháng chiến, cô chú sẽ làm gì ?
Chúng tôi đều trả lời:
- Quyết chiến đấu, hy sinh cũng không sợ.
Bác bảo:
- Các cô, các chú quyết tâm đánh giặc như vậy là tốt. Nhưng phải hiểu là: Giặc có nhiều cái mạnh ban đầu, nhưng chúng có cái yếu về gốc rễ. Chính quyền ta vừa lập còn nhiều cái non yếu. Muốn thắng được giặc, phải vừa đánh vừa khắc phục nhược điểm để bồi bổ cho mình thêm khỏe. Do đó, một mình các cô, các chú không đủ để thắng giặc. Phải làm thế nào toàn dân một lòng, quyết tâm chống giặc, khiến cho nó bị đánh ở khắp nơi, bị đánh bằng mọi thứ, mọi cách. Thắng lợi chắc chắn về ta.
Lời Người dạy, sau này mỗi bước gian nan trong kháng chiến, nghĩ lại càng thấy sâu sắc.
Sau khi Bác nói chuyện, đồng chí Tý thay mặt chúng tôi phát biểu ý kiến:
- Thưa Bác...
Bác liền ngắt lời, hỏi ngay:
- Chú muốn gì ?
- Cháu xin chúc ạ
- Chú định chúc gì ?
Đồng chí Tý cuống lên vội nói:
- Cháu xin chúc... Chúc Hồ Chủ tịch muôn năm.
Bác và chúng tôi đều cười. Bác bảo đồng chí Tý:
- Chú định chúc sức khỏe Bác phải không ? Thôi các cô, các chú cứ làm công tác tốt thì Bác sẽ khỏe.[1]
*
Về Hà Nội, chúng tôi ở phố Hàng Ngang. Thành ủy đã bố trí cho chúng tôi ở tại một gia đình cơ sở. Ít hôm sau, có tin Bác đã về. Mấy ngày trước đó, một trung đội Quân giải phóng thuộc chi đội Quang Trung chiến đấu tại Thái Nguyên, đã được lệnh quay gấp lại Tân Trào để đi bảo vệ Bác. Đồng chí đến báo tin nói dọc đường có những lúc Bác phải dùng cáng. Như vậy, chắc Bác còn yếu lắm. Bác vốn không bao giờ muốn làm bận đến người khác ngay cả những khi yếu mệt.
Tình hình đang khẩn trương. Các anh rất mừng. Anh Thọ được cử lên chiến khu đón Bác thì Bác đã về. Anh Ninh và tôi cùng đi lên Phú Gia gặp Bác.
Xe nhanh chóng ra khỏi thành phố. Rặng ổi ven đê quen thuộc. Những làng quanh Hồ Tây phấp phới cờ đỏ. Nhớ lại ngày đi đón Bác ở Đèo Gie. Khi đó, Bác ở Cao Bằng về Tân Trào. Ít ngày sau, Tân Trào đã trở thành thủ đô của cách mạng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, lênh đênh góc bể chân trời, đã có những ngày vui lớn. Đó là ngày Bác tìm thấy con dường giải phóng dân tộc khi đọc Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là ngày thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 mà Bác là một thành viên. Và ngày lịch sử mồng 3 tháng 2 năm 1930, ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương...
Đây lại là một ngày vui lớn nữa đang đến với Bác, đang đến với cách mạng Việt Nam.
Mới đêm nào còn ngồi bên chiếc giường tre, trong căn lán nhỏ, những ngày Bác mệt nặng tại Tân Trào. Vào những giây phút đó mới thấy hết được tấm lòng khát khao cháy bỏng của Bác đối với nền độc lập, tự do của dân tộc. Không phải chỉở những lời Bác dặn dò về công tác cán bộ, cách giữ vững phong trào, « dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do ». Tấm lòng của Bác còn hiện lên rất rõ qua mỗi cử chỉ nhỏ, qua cái nhìn khi Bác chợt tỉnh giữa những cơn sốt, qua sự đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo để giành từng phút, từng giây cho cách mạng.
Theo lời hiệu triệu cùa Đảng, của Bác, suốt mấy ngày nay, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy với sức mạnh như triều dâng, thác đổ. Tại Hà Nội, quần chúng cách mạng đã vượt qua hàng rào sắt, xông vào chiếm Bắc Bộ phủ. Đồng bào già, trẻ, gái, trai, lớn, bé đã siết thành đội ngũ, giương cờ Việt Minh, tiến vào trước họng đại bác xe tăng Nhật ở trại bảo an binh. Xe tăng, súng máy và lưỡi lê cùa quân Nhật phải lùi. Bọn Nhật đành phải trao cho cách mạng toàn bộ kho vũ khí của bảo an binh đóng tại đây. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở khắp các địa phương đang dồn dập bay về...
Chúng tôi vào làng Gạ.
Bác ở một ngôi nhà gạch nhỏ nhưng sạch sẽ. Chúng tôi bước vào, nhìn thấy ngay Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà.
Ngày nào ở Việt Bắc, Bác còn là một ông Ké Nùng. Bữa nay, Bác đã trở thành một cụ nông dân miền xuôi, rất thoải mái, tự nhiên trong bộ áo quần nâu. Bác vẫn gầy nên đôi gò má cao. Những đường gân hằn rõ trên trán và hai thái dương. Nhưng với vầng trán rộng, bộ râu đen, và đôi mắt, nhất là đôi mắt, luôn luôn ngời sáng, một sức mạnh tinh thần kỳ lạ toát ra từ hình dáng mảnh dẻ của Bác. Dù sao, so với những ngày dự hội nghịở Tân Trào, Bác đã khá hơn nhiều.
Cụ chủ nhà thấy chúng tôi tới, giữ ý, mời thế nào cũng không ngồi lại, nói vài câu chào hỏi rồi lánh đi chỗ khác.
Bác tươi cười nhìn chúng tôi nói:
- Trông các chú bữa nay ra dáng người tỉnh thành rồi.
Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Bác ngồi lắng nghe, vẻ mặt điềm đạm. Tính Bác như vậy, khi vui khi buồn đều vẫn bình thản.
Chúng tôi nói với Bác ý Thường vụ muốn tổ chức sớm lễ ra mắt của Chính phủ. Theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào, Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác làm Chủ tịch sẽ trở thành Chính phủ lâm thời.
Với một vẻ vui vui, Bác nói như hỏi lại chúng tôi:
- Mình làm Chủ tịch à ?
Thực ra, một thời kỳ rất vẻ vang nhưng cũng cực kỳ hiểm nghèo của dân tộc đã bắt đầu. Bác đã nhận sứ mệnh khó khăn: Lái con thuyền quốc gia Việt Nam vừa mới hình thành, vượt qua những thác ghềnh nguy hiểm. Bác đã đón nhận nhiệm vụ đó trước lịch sử, trước nhân dân đúng như Bác đã trả lời các nhà báo nước ngoài ba tháng sau đó: « Tôi tuyệt đối không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi gắng phải làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận ».
*
Chúng tôi trở về Hàng Ngang trước để chuẩn bị. Anh Nhân[2] lên sau, ở lại đến chiều cùng về với Bác.
Đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường ba trăm ki-lô-mét từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới dây. Bác đã đi mất ngoài ba mươi lăm năm.
Con đường Bác đã đi không giống bất cứ con đường của một người Việt Nam yêu nước nào đã đi trước Bác.
Bác đã một mình lặn lội, xông pha trên những nẻo đường củahầu khắp các miền khác nhau trên trái đất. Chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển tột cùng của nó, trở nên vô cùng xấu xa. Nó tìm mọi cách xóa nhòa ranh giới giữa trắng, đen, giữa thiện, ác. Nó xuyên tạc mọi giá trị tinh thần chân chính mà loài người đến đó đã thành đạt được. Nó đang bưng bít mọi ánh sáng của công lý, tự do.
Đác đã đi giữa những ngày đông ảm đạm, vòm trời châu Âu, châu Á bị những đám mây đen chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc che phủ.
Thế gian hỗn loạn, đau thương; tội ác của chủ nghĩa đế quốc chồng chất, giữa lúc vàng thau lẫn lộn, giả thật khó phân, Bác đã nhanh chóng nhìn thấy ánh sáng của chân lý. Bác đã đến với chủ nghĩa Lê-nin. Bác đã thấy học thuyết Lê-nin chính là « mặt trời đưa lại nguồn sống tươi vui ». Bác đã thấy ngọn cờ Lê-nin là « tượng trưng cho lòng tin và đuốc sáng của hy vọng ». Từ năm mươi năm trước đây, người yêu nước Việt Nam vĩ đại đã tìm được ở chủ nghĩa Mác — Lê-nin cho đồng bào ta và những người cùng hội cùng thuyền, những dân tộc bị đọa đầy vì chủ nghĩa đế quốc - một con đường giải phóng duy nhất: « Đường kách mệnh ».
Một sự đổi thay lớn lao đã đến trong đời sống của dân tộc.
Mấy ngày trước đây, Hà Nội còn giữ nguyên vẹn bộ mặt một sản phẩm của chế độ thực dân thối nát thời chiến. Cả thành phố chìm đắm trong những hoạt động chợ đen. Cuộc sống tính từng ngày. Những chiếc xe chở rác không đủ để đưa xác những người chết đói ra vùng ngoại ô, đổ xuống những hố chung. Trong khi đó, ở các cửa ô, người đói khắp làng quê vẫn ùn ùn kéo vào. Họ đi vật vờ như những chiếc lá khô buổi chiều đông. Nhiều khi, chỉ một cái gạt tay của viên cảnh sát, cũng đủ làm họ ngã xuống không bao giờtrở dậy.
Lại thêm tháng tám năm nay, nước các triền sông đều lên to. Con « hồng thủy » đã phá vỡ những đê điều từ lâu không được bọn thống trị nhòm ngớ tới. Sáu tỉnh đồng bằng, vựa thóc của cả miền Bắc, bị chìm dưới làn nước trắng. Dịch tả hoành hành. Bao nhiêu tai họa của chế độ thực dân cùng một lúc dồn đến.
Cùng với bọn đầu cơ kinh tế, bọn đầu cơ chính trị cũng đua nhau nổi lên. Chúng vừa hô « Việt Nam độc lập », vừa hô « Đại Nhật Bản vạn tuế ». Thay vào những tên đội xếp Pháp mang dùi cui là những tên hiến binh Nhật đeo kiếm dài, lệt xệt đôi ủng đi trên các hè phố.
Không phải chỉ riêng Hà Nội mà cả dân tộc ta đang sống những giờ phút đau thương.
Thắng lợi vĩ đại của Hồng quân Liên-xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật vào giữa tháng tám, đã đưa lại cho dân tộc ta một thời cơ lớn.
Cách mạng nổi lên như một cơn lốc.
Chỉ trong vài ngày, những vết nhơ, những nỗi nhục nhằn, khổ đau của chế độ nô lệ đã được quét đi khá nhiều.
Sức hồi sinh của cách mạng thật lạ thường. Hôm trước, cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói, vì bệnh dịch, vì sự khủng bố. Hôm sau, tất cả những đường to, ngõ hẻm đã sôi lên. Hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác.
Chính quyền nhân dân cách mạng vừa mới thành lập. Phần lớn đồng bào còn chưa biết những ai là người thay mặt cho chính quyền mới. Nhưng mọi người đã tự động tạo nên một trật tự mới, trật tự của cách mạng. Nạn cướp giật mất hẳn. Trộm, cắp hầu như không xảy ra. Những người ăn xin cũng không còn. Hoạt động buôn bán, hoạt động chủ yếu của thành phố, đã nhường chỗ cho mọi hoạt động mới: hoạt động cách mạng.
Một người đi xe đạp đến đầu phố cầm loa hô lớn : « Mời đồng bào đến tập trung ở địa điểm X tham gia biểu tình ». Không biết người đó là ai, nhưng lời hô hào lập tức được truyền đi. Nhiều người dân tự động vác loa ra đứng giữa đường, làm công tác thông tin. Ai đang làm dở việc gì cũng để lại đấy. Tất cả ào ào kéo đi. Chỉ chốc lát, hàng vạn người có mặt ở địa điểm biểu tình. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà cách mạng cần đến.
Không khí Hà Nội trở nên trong lành, náo nức. «Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc... », những bài ca cách mạng vang lên rộn ràng từ sớm tới khuya. Cờ sao mỗi lúc một nhiều hơn, đẹp hơn. Cờ bay đỏ nhà, đỏ phố. Cách mạng đúng là ngày hội của những người bị áp bức.
Chập tối, Bác đến nhà. Chúng tôi ra đón, nhận thấy trên nét mặt của Bác những dấu hiệu xúc động.
Bác đã về đến Hà Nội. Ít ngày nữa. Hà Nội sẽ trở thành Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên tại Đông Nam châu Á. Hà Nội chưa được san sẻ với chúng tôi hôm nay niềm vui đón Bác trở về. Ngay cả đồng chí lái xe bữa ấy cũng vậy. Mấy ngày sau, anh xin phép nghỉ, lên Thái Nguyên dẫn bố về dự Tết Độc Lập để xem mặt cụ Chủ tịch nước. Đến quảng trường Ba Đình, anh mới biết HồChủ tịch chính là cụ già bữa trước mình đã đánh xe đi đón ở làng Gạ.
*
Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi. Lúc đó, theo sự phân công của Bác, anh Tô[3] và anh Hoan còn ở lại Tân Trào ít lâu. Đối với những người giúp việc trong gia đình và hàng xóm thì Bác và chúng tôi là « các cụ và các ông ở nhà quê ra chơi ». Anh Ninh hồi đó có bộ râu rậm lười cạo nên cũng được coi lầm là một « ông cụ ».
Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết. Bác ngồi viết ở cái bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác được đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh, kê ở góc buồng.
Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn lại đó. Người nằm ở đi-văng. Người ngủ trên những chiếc ghế kê ghép lại. Bác nghỉ trên một chiếc ghế xếp bằng vải trước kia vẫn dựng ở góc buồng.
Ngay từ hôm Bác mới về, những toán quân Tưởng đầu tiên đã xuất hiện ở Hà Nội. Đó là những tên thám báo và tiền trạm. Đứng trên bao lơn, chúng tôi nhìn thấy những toán quân Tưởng lẻ tẻ vẫn tiếp tục kéo đến.
Thật khó mà tin được đây lại là một quân đội vừa chiến thắng. Mặt mũi chúng bủng beo, ngơ ngác. Những bộquân phục màu vàng nghệ rách rưới, bẩn thỉu. Chúng gồng gánh lễ mễ. Có những toán đem theo cả đàn bà và trẻ con. Nhiều đứa kéo lê không nổi cặp chân voi. Chúng xuất hiện như những vết nhơ trên thành phố vừa quét sạch được mùi hôi tanh của bọn thực dân. Nhìn chúng lần này thảm hại hơn nhiều so với lần chúng tôi đã nhìn chúng năm trước tại Côn Minh, Quế Lâm.
Bác chủ tọa phiên họp đầu tiên cùa Thường vụ tại Hà Nội. Cách mạng đã thành công ở hầu khẳp các tỉnh. Nhưng chính quyền cách mạng trung ương vẫn chưa thành lập. Tình hình trong, ngoài lại rất khẩn trương. Thường vụ nhận thấy phải sớm công bố danh sách cùa Chính phủ lâm thời và tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ. Những việc này cần làm ngay trước khi đại quân của Tưởng kéo vào.
Các tỉnh ở phía trên nhận được chỉ thị nhân lúc nước lụt, lấy cớ huy động thuyền bè khó khăn, làm chậm việc chuyển quân của Tưởng thêm ngày nào hay ngày ấy.
Một số đồng chí Quân giải phóng đã được lệnh điều động gấp từ Thái Nguyên về Hà Nội. Nước lụt làm hư nhiều đoạn đường nên anh về chậm. Hà Nội giành chính quyền đã hơn một tuần lễ. Nhưng lực lượng vũ trang cách mạng mới chỉ có những đơn vị tự vệ chiến đấu và một số lính bảo an vừa theo cách mạng. Đó là một điều phải quan tâm.
Sáng ngày 26, có tin hai chi đội Quân giải phóng đã về đến Gia Lâm. Anh Nguyễn Khang cùng anh Vương Thừa Vũ sang đón.
Phải trải qua một cuộc dàn xếp khó khăn, bọn Nhật mới đồng ý để các đơn vị Quân giải phóng vào Hà Nội.
Đội nhạc binh cử những khúc quân hành khi đoàn quân vượt cầu Long Biên. Các chiến sĩ dàn thành hai hàng dọc hai bên đường, súng cầm tay, đạn lên nòng, đi theo tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Sự có mặt ở Hà Nội của những lực lượng vũ trang cách mạng đã trải qua tôi luyện, thử thách làm cho mọi người phấn khởi. Một cuộc duyệt binh của Quân giải phóng và tự vệ thành được tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn trước niềm hân hoan, tin tưởng của đồng bào.
Ngày 28, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí tại Hà Nội. Thành phần của chính phủ nói lên chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc xây dựng đất nước.
Hôm trước đó, Bác đã gặp các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời tại Bắc Bộ phủ. Ông Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, nhìn thấy ở phòng khách một cụ già, mặc chiếc quần « soóc » nhuộm nâu, đội cái mũ bọc vải vàng đã móp, đứng chống cái gậy, tươi cười gật đầu chào mình. Lát sau, ông mới biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ cộng hòa. Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy.
Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.
Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong. Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người.
Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị hòa bình Véc-xây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình.
Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh.
Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người.
*