Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 19 - Phần 1
Chương 19:
Ngàn dặm hương
“Lại đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này… có lấy anh không?” [1]
[1] Ca dao.
Gió thổi qua ô cửa sổ rộng làm ngọn lửa trên chân đèn
tráng men xanh thẫm màu lá sen run lên. Tư Thành tựa một cánh tay vào mép án
thư, tay kia cầm cuốn sách viết về cách bày trận pháp trên sông, đôi lông mày
đen, sắc nét thỉnh thoảng chau lại, thỉnh thoảng lại dãn ra. Nhìn qua mấy con
chữ lần nữa, cuối cùng chàng cũng gập sách, định bụng chuyển qua một cuốn khác
thì bàn tay chạm phải tờ giấy gập tư kẹp giữa hai cuốn thơ Đường. Màu hồng đã
phai trên những nụ hoa. Cảnh tượng hồ sen trên trang giấy vốn đã mờ ảo, giờ còn
nhạt nhòa hơn nữa.
Cũng như kí ức trong lòng người.
Cũng như thời gian trôi chảy.
Câu chuyện bên bờ hồ Ngọc Liên với thiếu nữ hái hoa
sen, với tiếng đàn độc huyền cầm, với câu thơ họa lại: “Ngàn dặm hồng hoa, ngàn
dặm hương” hãy còn tươi nét mực, nếu không vì vô tình đụng phải bức họa này, có
khi Tư Thành cũng lãng quên mất. Hạ về, một mùa sen nữa nở rộ khắp Đông Kinh.
Âu cũng là thế sự xoay vần quanh một câu: hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô
duyên đối diện bất tương phùng. Xoa xoa hốc mắt, thấm trong không khí là hương
hoa đại, hương hoa nhài đưa đến từ sân chùa Huy Văn, quẩn quanh, tan hòa vào
mùi hương nhang ngày rằm. Cây bút đã cầm lên rồi lại đặt xuống, dùng cả hai tay
cọ cọ lớp vải áo trên người, chàng cúi đầu, hít ngửi một hồi. Nực cười ở chỗ
cái Tư Thành ngửi thấy rõ mồn một không phải hương thơm kia mà lại là hương son
phấn nhàn nhạt, là hương sắc mờ ảo như có như không đựng trong chiếc túi gấm
nơi yếm đào. Có lẽ nào đây là điều anh Khắc Xương thường dọa, bảo chàng chớ có
bao giờ bén mảng đến chỗ rừng son núi phấn của các ca nương đề rồi vương phải
cái phong lưu hồng trần của chốn ấy.
- Điện hạ, áo em giặt chưa sạch ạ? – Một cô gái tầm
mười ba, mười bốn tuổi, ăn mặc gọn gàng, gương mặt sáng sủa với đôi mắt đen lay
láy vô cùng lanh lợi đẩy cửa bước vào.
- Ngọc Hồ, cái áo này em giặt mấy lần rồi? – Tư Thành
cau mày nhìn lên, ngờ vực hỏi lại.
- Điện hạ, từ hôm điện hạ đi có việc về đến nay đã gần
nửa tháng rồi. Người bảo em giặt đi giặt lại cái áo đó mấy lần rồi chứ? – Đặt
liễn cháo ăn khuya lên bàn, cái miệng cô nàng liến láu, không có vẻ sợ hãi vị
thân vương trước mặt. Ở chùa Huy Văn này, trong đám nô tì, chỉ có mình Ngọc Hồ
là dám như vậy. – Em còn nhờ cô Thụy An xông hương trầm cẩn thận nữa! Điện hạ
không ưng thì xin người cởi ra, em đi giặt lại. Đến khi nào người vừa lòng thì
thôi.
- Cái con bé này! – Chàng cong ngón tay trỏ, toan cốc
lên trán Ngọc Hồ một cái nhưng thấy nàng rúm người lại, toét miệng cười dù đang
la oai oái liền thôi. – Em nấu gì vậy? Múc cho ta một bát đi, ta đói rồi!
- Đây là cháo gà Ngô tiệp dư nấu riêng cho điện hạ. –
Ngọc Hồ nghiêng đầu, dùng chiếc thìa sứ múc cháo ra lưng lửng cái bát men xanh,
thêm chút ớt bột rồi đặt xuống cạnh nghiên mực. Đôi mắt nàng vừa nhác trông
thấy bức tranh trải trên án thư liền sáng lên những tia nhìn lém lỉnh, không bỏ
lỡ cơ hội mà nói một câu: – Điện hạ, em chưa thấy người vẽ tranh bao giờ, không
ngờ bút pháp cũng xuất quỷ nhập thần như vậy!
Chăm chú lật sách, chăm chú thưởng thức bát cháo trong
tay, Tư Thành nói mà không ngẩng lên:
- Đừng học người ngoài nói mấy chuyện không đâu. Với
cả, thứ này không phải do ta vẽ.
Tuy biết chắc tác giả bức họa hồ sen không phải Tân
Bình vương Lê Khắc Xương, cả nét chữ đề trên tranh kia cũng không chút quen
thuộc nhưng cô gái biết ý, không hỏi gì nữa. Lẳng lặng mang thêm một cây đèn
đặt xuống bàn, Ngọc Hồ kiếm cớ thu dọn những cuốn sách lúc nào cũng được xếp
gọn cho hai tay đỡ nhàn rỗi, lòng thoáng nghĩ đến ngày hôm ấy, khi Bình Nguyên
vương vừa trở về đã cởi ngay áo khoác ngoài quẳng cho nàng, nhắc đi nhắc lại
phải giặt thật sạch. Lúc đó, Ngọc Hồ chỉ đơn giản nghĩ ban chiều vừa mưa, hẳn
áo của ngài ấy bị bẩn. Bình Nguyên vương kĩ tính, cầu toàn thế nào, những người
hầu hạ chàng không phải không biết. Duy chỉ có điều dù nàng có lật đi lật lại
cái áo lụa trắng bao nhiêu lần cũng không thấy dù chỉ là một vết bụi mờ. Chủ
nhân thực ra muốn giặt sạch thứ gì, Ngọc Hồ không đoán định được.
Trong lòng chàng có chút khó chịu rất buồn cười khi
nghĩ hương thơm trên người cô đào nọ đang vương vấn xung quanh. Lật trang sách,
cái hiện ra trước mắt không phải con chữ mà lại là những việc đâu đâu. Ngọc
Huyên đẹp, Tư Thành không phủ nhận. Đó là một cô gái có học thức, điều này
chàng cũng không chối. Chỉ có điều, khi gói tất cả những điều ấy lại trong hai
chữ “ả đào”, chàng lại thấy không tương xứng, lẫn lộn cả thật – giả bên trong.
Và, đáng khó chịu hơn khi đã vài lần, Lê Tư Thành để bản thân mình cuốn theo
thứ phù du, quá nửa là đùa cợt ấy.
- Vẫn còn đọc sách sao con? – Giọng nói nhỏ nhẹ, dịu
dàng vừa vang lên trên ngưỡng cửa, cô hầu gái đã quay lại, nét vui tươi trên
mặt nhường chỗ cho sự kính cẩn, chừng mực. Nàng dường như chỉ chờ có thế để lui
ra ngoài.
- Mẹ! – Tư Thành mỉm cười ngẩng lên, vội đứng dậy, kéo
ghế cho Ngọc Dao. Lúc quay lại bàn, chàng không quên gấp gọn bức tranh lại, làm
như đang thu dọn sách bút một cách hết sức bình thường.
Nhìn qua gian phòng ngăn nắp nhưng nhạt nhẽo, quanh đi
quẩn lại chỉ có những màu trắng trắng, xanh xanh, nâu nâu ảm đạm, Ngọc Dao rót
một chén nước, đưa tới cho con trai, hỏi thẳng:
- Ban nãy con lại nói với Ngọc Hồ mấy chuyện liên quan
đến cô đào ở giáo phường đúng không?
Chiếc thìa sứ đã đưa lên miệng đành miễn cưỡng hạ
xuống. Chàng nghiêng đầu, tắng hắng một hồi rồi mới đáp:
- Thực ra… con…
- Mẹ nói rồi, việc con qua lại nơi ấy không có gì là
xấu xa hay đáng hổ thẹn. Chuyện mình đường đường chính chính làm thì không phải
giấu giếm, phải xấu hổ. – Nàng nhìn thẳng vào mắt Tư Thành, ôn tồn nói: – Cái
gì là chính danh, là lễ, là nhân đức thánh Khổng dạy mẹ cũng biết một chút,
cũng biết tại sao con lại có… thái độ như vậy.
Điềm nhiên coi như không thấy vẻ tảng lờ trên mặt con
trai, Ngọc Dao nhấp môi vào chén nước đặt trên bàn, tiếp tục:
- Tại sao con không ưa người ta, trong lòng con tự
biết. Nhưng nữ nhân sinh ra trên đời vốn đã rất thiệt thòi rồi, điều này con
đâu cần mẹ phải nhiều lời, đúng không?
Đặt cuốn sách xuống, chàng mở miệng toan nói thì đã
thấy Ngọc Dao ấn vào tay mình bát cháo đã được múc đầy. Nàng cười, đưa tay nhẹ
chỉnh lại cổ áo cho con trai:
- Mẹ không muốn tranh luận với con. Mẹ nói không lại
con được. Có điều… Tư Thành, các cụ từ xưa đã có câu ghét của nào trời trao của
ấy. Có không thích người ta thì cũng vừa vừa phai phải thôi.
Bóng người nhàn nhạt đổ dài trên hành lang vắng chan
chứa ánh trăng thanh. Thụy An rút mấy chiếc áo phơi trên sào xuống để khỏi dính
sương đêm, đưa mắt nhìn người phụ nữ, cười cười hỏi:
- Tiệp dư, người nghĩ điện hạ có hiểu hết những điều
người nói hay không?
- Hiểu thì hiểu – Nàng lắc đầu, vành môi hơi cong lên.
– Nhưng chắc chắn sẽ không nghe lời. Tính điện hạ từ xưa là vậy, tự quyết mọi
việc, đâu dễ vì lời nói của người ngoài mà thay đổi. Chỉ là đôi khi đứa bé này
quá bướng bỉnh, quá cứng nhắc. May mà lớn lên trong dân gian, không thì chẳng
biết còn đến thế nào nữa.
Ngồi xuống bậu cửa, Ngọc Dao phe phẩy chiếc quạt mo,
ra hiệu cho Thụy An ngồi xuống cạnh mình. Đôi mắt yên ả như trời thu hướng về
phía mái chùa, thoảng qua trong đáy mắt chút mờ ảo như màn sương mỏng.
- Lúc nãy, điện hạ còn hỏi ta một việc… Là về Dương
thị, thân mẫu của Lạng Sơn vương. Tự nhiên nhắc lại chuyện cũ, trong lòng thấy…
có chút không thoải mái.
- Nô tì thấy Dương thị là người nông cạn, bộp chộp. Cứ
xem cách bà ta kèn cựa với Tiệp dư khi người mới vào cung đã được Tiên đế ban
cung Khánh Phương thì thấy. – Thụy An không nén được sự ấm ức trong lòng, nhỏ
tiếng chen vào: – Nói chuyện mưu kế, tính toán, Dương thị chưa từng là đối thủ
của Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Cùng xuất thân từ dân gian nhưng đúng là khác nhau
như trời với đất.
Phe phẩy chiếc quạt trong tay, Ngọc Dao không can dự
vào những lời bình phẩm của người cung nữ mà xóc xóc cái rá đựng mấy miếng khổ
qua phơi khô để hãm lấy nước uống giải nhiệt.
- Tiệp dư, nô tì nói thế này không biết có phải hay
không… – Thụy An ngập ngừng nhưng rồi vẫn nói cho trọn câu: – Trong số mấy
người con của Tiên đế, vị điện hạ giống Tiến đế nhất chẳng phải là Bình Nguyên
vương sao? Cách điện hạ không thích cô đào kia, nhìn thế nào cũng thấy giống
Thái Tông hoàng đế.
Bật cười thành tiếng, người phụ nữ nghiêng đầu vấn lại
mái tóc dài, nhìn những sợi tóc đen nhánh lướt qua những kẽ ngón tay. Cách đây
lâu đến nỗi không hồi tưởng lại được những cảm giác trong lòng, Ngọc Dao cũng
từng chải tóc như thế, cũng từng nhìn một người qua làn tóc mây của mình như
thế trong một đêm thanh vắng với ánh nến hồng xa xăm. Nàng nhạt giọng cất lời:
- Điện hạ không thích người ta, viện đủ lý do cũng chỉ
vì không muốn thú nhận bản thân mình không nắm bắt được người trước mặt, bị
người trước mặt đẩy vào một mới bòng bong thật giả lẫn lộn. Con gái phong trần
như thế, khôn ngoan như thế đúng là khiến người khác đau đầu. Đàn ông đứng
trước những cô gái như vậy, sự tự tôn của họ không phải bị đả kích lắm sao? Bị
ràng buộc bởi những mưu toan, sắp đặt, nhìn rõ là bị xỏ mũi qua chuyện hôn
nhân, đàn ông trên đời liệu có mấy ai có từ bỏ cái tôn nghiêm của mình để yêu
thích một nữ nhân như thế?
Những lời ấy của người phụ nữ, câu nào nói người, câu
nào nói mình, Thụy An có thể đoán định được hết. Người cung nữ còn nhớ rõ lần
đầu tiên Thái Tông xa giá đến cung Khánh Phương cũng là lần cuối cùng. Ngô Thị
Ngọc Dao chưa từng hy vọng, cũng chưa từng thật lòng, trải qua dâu bể mới hay
may mắn của nàng so với Nguyễn Thị Anh và Dương Thị Bí có lẽ chính là nằm ở
điểm ấy. Nàng cúi mình, xoa nhẹ tay lên hai bàn tay khô ráp, chai sạn của Thụy
An, bờ môi mím lại hồi lâu rồi mới nói:
- Ta còn nhớ khi mình mang thai điện hạ, ngươi từng
nói với ta, chồng có thể không cần nhưng con thì phải giữ thật chắc, phải nuôi
dạy cẩn thận để làm chỗ dựa cả đời. Con cái là của để dành của thầy mẹ, nhọc
công thì ắt sau này được hưởng quả ngọt. Giờ nghĩ lại thấy thật đáng giá!
Người phụ nữ nhìn lên, bờ môi run run mãi mới cất
thành được tiếng:
- Tiệp dư còn nhớ cả những chuyện ấy sao? Những lời
đại nghịch ấy nô tì cũng chẳng hiểu sao lại dám nói cho Tiệp dư nghe. Phúc đức
tại mẫu, điện hạ rồi sẽ khiến lệnh bà được mở mày mở mặt, vinh hiển hơn người.
Dõi mắt nhìn vầng trăng mờ treo trên nền trời về khuya
càng lúc càng thẫm sắc, nàng thở dài, tựa đầu lên khung cửa:
- Năm xưa, ta từng nghĩ mình không hiểu nổi cả Hoàng
thái hậu lẫn Dương thị, trong lòng cũng từng thề không tha thứ cho Nguyễn Thái
hậu. Còn giờ, hình như cũng ngộ ra được vài điều rồi. Chung quy cũng đều vì con
cái cả. Nếu đổi lại vị trí của ba người chúng ta, ta không dám chắc liệu mình
có hành xử như họ hay không. Cũng may Tư Thành hiểu rõ chuyện này nên với
Nguyễn Thái hậu không tỏ thái độ gì chống đối. Ân thì phải báo, oán thì nên
cởi. Huống hồ Hoàng thái hậu đối xử với Bình Nguyên vương không hề bạc bẽo, thế
là may mắn cho điện hạ.
Ngồi nhích lại một chút, Thụy An nhìn trước nhìn sau
rồi nói khẽ vào tai Ngọc Dao:
- Tiệp dư, dạo gần đây ngoài phố người ta lại rộ lên
tin đồn về… huyết thống của quan gia. Người nghĩ xem…
- Chuyện thị phi như vậy về sau đừng nhắc lại nữa. –
Nàng vừa nghe thấy đã rùng mình, nghiêm giọng cắt lời người cung nữ thân tín. –
Những lời ấy mới thực là đại nghịch vô đạo. An nguy của điện hạ, tôn nghiêm của
Hoàng tộc không phải chuyện có thể đem ra đùa được.
Những lời này không phải đến giờ Ngọc Dao mới nghe
qua. Chúng đã âm ỉ suốt trong Cấm thành ngay từ khi Bang Cơ ra đời, giờ chỉ
không hiểu tại sao lại lan tràn ra nơi phố chợ vốn ưa thêm mắm dặm muối như thế.
Và, bản thân nàng từ những ngày xưa ấy đến bây giờ cũng chưa từng tin nửa chữ
trong lời đồn kia là thật.
Ánh chớp nhá lên. Tiếng sầm rền từ bầu trời phía Tây
từ chiều mà chẳng thấy mưa. Oi nồng. Bức bối. Mây lúc tụ lúc tan suốt cả một
ngày, giờ lại kéo đến, thoắt cái đã che khuất trăng sao. Năm nay sấm đói[2], khí trời không thuận, có khi nào lại là điềm
gở?
[2] Theo quan niệm dân
gian, vào mùa hè, khi cơn mưa đầu tiên rơi xuống, người ta căn cứ vào tiếng sấm
vang lên trước hay sau bữa ăn để đoán định vụ mùa năm ấy. Nếu sấm trước bữa cơm
thì là sấm đói và ngược lại là sấm no.
***
- Nhắc lại!
Từ sau án thư sơn son thếp vàng truyền xuống một giọng
nói lạnh lùng, bừng bừng lửa giận, thiếu hẳn vể ôn hòa, chừng mực thường ngày.
- Chúng nô tì không dám. Chúng nô tì chừa rồi. Xin
quan gia giơ cao đánh khẽ, mở lượng khoan hồng! – Hai cung nữ quỳ rạp xuống, bờ
vai gầy chốc chốc run lên, trước sau lặp đi lặp lại lời van xin ấy trong tiếng
nức nở, hoảng hốt.
- NHẮC LẠI!
Tiếng quát lớn vang vọng cả điện Trường Xuân làm viên
hoạn quan già và hai cô gái giật thót mình. Hoàng đế từ khi đăng cơ chưa từng
nộ khí xung thiên nên không ai biết chàng khi tức giận có thể đáng sợ đến thế
nào. Bàn tay nắm chặt đặt trên chồng tấu chương giờ đã trắng bệch, ánh mắt quét
xuống vừa lạnh lẽo vừa chứa sự bàng hoàng, rạn vỡ. Đào Biểu quỳ sụp xuống, run
giọng:
- Quan gia, những lời rác rưởi này xin người bỏ ngoài
tai, chớ tin là thật. Đám tiện nhân này… xin người giao cho hạ thần xử lý
chúng.
- IM! – Bàn tay chỉ thẳng vào gương mặt già nua cắt
không còn hột máu, Bang Cơ trừng mắt nhìn rồi lặp lại với đám cung nữ – Giờ các
ngươi tự nói hay buộc trẫm phải dùng hình?
- Quan gia… chúng nô tì chỉ nghe những… những cung nữ
già xì xào, bán tán với nhau… là… là… quan gia… không phải con của Tiên đế. Là…
là… Hoàng thái hậu có thai… trước khi nhập cung… nên… nên lệnh bà… mới sai giết
hai hoạn quan… Đinh Thắng, Đinh Phúc… vì… vì họ biết bí mật này.
- Điêu ngoa! – Đào Biểu quay sang đay nghiến, chỉ tay
vào gương mặt lem nhem nước mắt, xanh lét như tàu lá chuối của hai ả cung nữ. –
Các người nói những lời như thế mà không sợ trời đánh chết à?
- Quan gia, chúng nô tì ngu dốt, ăn nói hàm hồ! – Cung
nữ còn lại lạy như tế sao, đập đầu xuống nền gạch đến chảy máu, khóc nấc lên. –
Xin quan gia… xin quan gia…
- Cút ra ngoài… Cút hết ra ngoài cho ta! – Bang Cơ gầm
lên, xô đổ chồng tấu chương, quản bút lẫn nghiên mực xuống sàn.
Mạch máu nơi thái dương nổi lên, giần giật. Chàng thả
mình xuống ghế, chống tay lên trán, bất giác bật cười. Tiếng cười dài, khô khốc
vang vọng trong cung điện vắng vẻ, hòa trong tiếng mưa rào đổ xuống mái ngói
mũi hài như trút nước, hòa trong ánh nến run rẩy vì gió thành vẻ rờn rợn. Gió
thổi thốc tới cuốn theo những hạt nước to, hắt vào rát cả mặt người, giật tung
cửa sổ đập vào bức tường kêu “ruỳnh” một tiếng. Viên hoạn quan đưa tay chùi mồ
hôi, cập rập đừng dậy, đi đóng chặt lại từng cánh cửa. Bên ngoài, chớp rạch một
đường sáng chói trên nền trời khiến người ta lóa mắt. Tiếng sấm rền vang truyền
tới như tiếng trống trận.
- Quan gia… xin người nghe lão nói… – Đào Biểu run run
bước lại gần Bang Cơ, trên tay ôm xấp tấu chương đích thân mình xếp gọn. – Lão
xin người, quan gia! Từ xưa, dù quan gia có giận đến thế nào người vẫn nghe Đào
Biểu nói kia mà.
Dùng tay đỡ trán, mi mắt Bang Cơ khép lại khi chàng
lắc đầu:
- Ông biết cả đúng không? Biết từ xưa. Cả ông, cả Hạ
Liên. Có khi cả cung cấm này đều biết. Chỉ có trẫm là không biết.
- Quan gia, những lời ấy đều là dối trá. Xin người
đừng tin, nửa chữ cũng đừng tin! – Người đàn ông quỳ xuống, nghèn nghẹn cất
lời. – Những lời đồn đại ác ý như vậy ngoài dân gian đã nhiều, trong cung còn
thâm độc hơn nữa.
Bang Cơ bật cười chua chát, đăm đăm nhìn người đàn ông
phủ phục dưới chân mình, người đã chăm sóc chàng từ tấm bé, người chàng luôn
coi là người thân của mình.
- Phải, cũng như năm xưa có người bày trò vu oan cho
Ngô Tiệp dư dùng bùa chú hãm hại trẫm chẳng hạn. Cũng đâu phải bà ấy làm, đúng
không?
Lặng yên cả. Chỉ có tiếng mưa rơi trên mái ngói. Chỉ
có tiếng nước bắn tóe lên nơi thềm lát đá xanh. Gió lùa qua hàng cây trước điện
Trường Xuân nghe ào ạt, thô bạo, quăng quật cành lá. Trong ánh lửa rực rỡ nơi
đĩa đèn, một con thiêu thân bốc cháy.
- Kim ấn Thuận thiên thừa vận chi bảo này Tiên đế cho
đúc chỉ để dùng khi truyền ngôi. Giờ…
Những lời ấy vang lên làm Đào Biểu thấy máu trong
người như ngừng chảy. Chống bàn tay run rẩy, gân guốc xuống, người đàn ông khổ
sở nhổm người lên, nhích đầu gối đi đến chỗ án thư. Dùng hai tay mình ngăn
Hoàng đế mở chiếc hộp vàng chạm trổ cửu long cẩn thêm bạch ngọc ra, từ khóe mắt
nhăn nheo điểm những đốm đồi mồi trào ra hai hàng nước mắt chảy xuống hõm má.
Đào Biểu thưa:
- Quan gia, di chiếu năm đó tuyên đọc viết Thái Tông
Văn hoàng đế truyền ngôi cho người. Quan gia đích thực là chân mệnh thiên tử,
là chủ nhân của giang sơn. Xin người ngàn lần, vạn lần không được nghi ngờ.
Huống hồ… huống hồ đám người kia từng hậu hạ Dương thị. Những lời chúng nói là
ngậm máu phun người. Hạng tiểu nhân rắn rết đó ra sao có thể tin được?
- Trẫm luôn tin ông, Đào Biểu. Trẫm luôn tin ông cho
đến hôm nay! – Chàng chăm chú nhìn vào đôi mắt bao nhiêu năm qua lặng lẽ dõi
theo mình, nhìn vào đôi mắt chưa lúc nào thôi lo lắng ấy. Từng lời, từng lời
người ấy từng nói khi Bang Cơ còn thơ bé giờ như mũi kim đâm ngập vào da thịt,
tuy không chảy máu nhưng thực sự đau đến thấu xương.
Đào Biểu nói:
- Quan gia, thần không có gia đình, đàn ông chẳng ra
đàn ông, đàn bà chẳng ra đàn bà, nay được hầu hạ quan gia là phúc phận của
thần. Quan gian là người quan trọng nhất với Đào Biểu, chỉ cần người muốn, thần
có thể làm mọi việc vì người!
Lúc ấy, chàng đã cười hì hì, giơ ngón tay út của mình
ra, bảo:
- Trong cung mọi người đều nói dối, đều nịnh bợ để có
lợi cho mình. Ông ở bên trẫm thì nhất định không bao giờ được giấu giếm trẫm chuyện
gì. Hứa đi!
Nhìn bàn tay người thanh niên rút lại, nhìn chàng phất
tay áo rời khỏi điện Trường Xuân, Đào Biểu đứng như trời trồng, mãi một lúc sau
mới vội vội vàng vàng đuổi theo. Gió giật những cành cây rung lắc. Lá cây rơi
thành lớp thảm dày trên sân điện. Hai vạt áo xanh của viên hoạn quan bay tung,
chẳng mấy chốc cả người ông đã ướt sũng. Hấp háy đôi mắt, bàn tay nhăn nheo đưa
ra níu lấy cánh tay chàng trai trẻ, Đào Biểu rối rít:
- Quan gia, trời đang mưa lớn. Xin người di giá trở về
điện Trường Xuân. Long thể… long thể của người… Người đợi thần chạy đi lấy ô!
Tứ bề vắng lặng. Hoàng đế đã cho đám nội thị, cung nữ
lui hết nên nhất thời người đàn ông không biết phải khuyên ngăn ra sao. Bước
chân Bang Cơ không hề chậm lại, băng băng bước về phía trước. Mưa thấm vào lớp
áo, lạnh nhưng không đủ để làm máu trong người chàng nguội đi. Nước rơi xuống
từ chóp mũi, lăn dài theo đường nét thanh tú trên gương mặt. Chỉ là không còn
ấm áp, không có nét hiền từ, chỉ có sự sửng sốt, uất nghẹn vẹn nguyên trong
mắt.
- Quan gia, long thể của người là thứ có thể dễ dàng
mang ra làm trò đùa như vậy được sao?
Giữa tiếng mưa rơi rào rào trên phiến lá, giọng nói
sang sảng cất lên uy nghiêm làm Đào Biểu cả mừng, cung kính chắp tay:
- Cung nghênh Hoàng thái hậu.
Ánh sáng của những lồng đèn đỏ nhòe nhoẹt trong màn mưa.
Bang Cơ từ từ quay lại, chắp tay hướng về phía Nguyễn Thị Anh, khẽ nói:
- Vì đang có chuyện gấp muốn xin lời dạy bảo của mẫu
hậu nên nhi thần mới phải vội vàng rời điện Trường Xuân đến cung Diên Khánh.
Giờ mẫu hậu đã đến đây rồi, xin người nán lại một lúc.
Lướt qua vẻ mặt hoang mang, dằn vặt, lo lắng của Đào
Biểu, Hoàng thái hậu đoán chừng có chuyện không lành nhưng vẫn ung dung ra lệnh
cho Hạ Liên bung ô, hầu hạ Hoàng đế cẩn thận. Cánh cửa gỗ vừa khép lại, bát
canh gừng nóng hổi vẫn còn đặt nguyên trên bàn, nước nhỏ xuống đều đều từ gấu
áo hoàng bào của Bang Cơ. Chàng tựa lưng vào ghế, ánh mắt đăm đăm dõi vào một
điểm trên cánh cửa sơn son.
Không phải vì lời đám tiếu trong quán rượu ngoài cung
chàng vô tình nghe được, không phải vì lời dị nghị, nhỏ to của đám cung nữ
trong hậu cung mà đột nhiên chàng hồ nghi về thân phận của mình. Cái bóng mờ ảo
len lỏi trong thế giới của Bang Cơ, quấn lấy chàng suốt từ những ngày thơ bé
từng bước, từng bước trở nên rõ ràng, nối kết với nhau thành bức tranh hoàn
chỉnh. Từ những suy nghĩ mơ hồ về bản thân mình, tuy cũng là con của Tiên đế
nhưng chàng chẳng có điểm gì nổi trội so với những thân vương khác, đến những
tranh đoạt giữa mẫu hậu với nào Ngô tiệp dư, Dương chiêu nghi; từ huyết án Lệ
Chi Viên, cái chết của những vị đại thần đến những bóng gió xa xôi về huyết
thống trong lời của Lạng Sơn vương Nghi Dân. Bang Cơ từng nghĩ người anh cả này
giữ khoảng cách với mình là vì cái ghế tại Đông cung tráo qua, đổi lại. Nhưng
giờ, chàng có thể hiểu trọn vẹn cái uất ức, bất phục, căm hờn trong lòng người
ấy.
- Nhi thần có nghe nhiều người nói mẫu hậu có thai
trước khi tiến cung. Người mẫu hậu sinh ra không mang dòng máu của Thái Tông
Hoàng đế. – Bang Cơ chầm chậm cất lời, không còn tức giận, cũng chẳng chứa cung
kính. Đơn giản, trong từng chữ, từng từ chỉ chứa duy nhất một sự thất vọng, mệt
mỏi.
Đôi mắt phượng của Nguyễn Thị Anh liếc ngang sắc lẻm.
Khóe môi tô son đỏ giần giật trước khi nhoẻn thành nụ cười cao ngạo, tôn quý:
- Quan gia, người có thấy những lời ấy rất hoang đường
hay không? Người có thể nghi ngờ mọi cái, nghi ngờ cả người mẹ này nhưng xin
người, đừng bao giờ hoài nghi về huyết thống của mình.
Mở trừng đôi mắt, nàng nhấn giọng vào từng chữ, dứt
khoát như người thợ điêu khắc giáng búa xuống tảng đá, đẽo gọt từng đường nét
sắc sảo. Thở dài, hướng ánh mắt của mình về phía Tuyên Từ, Bang Cơ lắc nhẹ đầu.
Chàng mỉm cười, một nụ cười xa vắng, trống rỗng:
- Nếu đã vậy, tại sao người phải sai Lương Dật, Tạ
Thanh đổ tội mưu sát phụ hoàng cho Ức Trai tiên sinh cùng bà Lễ nghi học sĩ
Nguyễn Thị Lộ? Người không thấy rất buồn cười khi một quan văn lại lập mưu giết
vua trong khi việc ấy không hề mang lại một chút lợi ích nào cho gia đình bọn
họ sao? Hay vì cố Hành khiển đại nhân biết điều gì? Hay mẫu hậu sợ ngài ấy và
bà Thị Lộ sẽ can ngăn phụ hoàng, không để một đứa trẻ mang dòng máu nhơ nhuốc
trở thành Đông cung Hoàng thái tử? Còn Đinh Thắng, Đinh Phúc nữa… nếu mẫu hậu
đường đường chính chính, sao phải giết người diệt khẩu?
Chàng nói nhiều, mỗi lúc một nhanh như con đê vỡ, mặc
cho nước lũ ào ạt xô vào.
- Quan gia! – Hạ Liên khuỵu xuống, thảng thốt: – Xin
người, xin người đừng nói nữa. Những lời người nói ra đủ để giết chết lệnh bà.
Không phải, Hoàng thái hậu không phải…
- Im miệng! – Nguyễn Thị Anh run run đặt chén trà trên
tay xuống, dùng tay trái siết mạnh quanh tay phải của mình, lạnh lùng ra lệnh.
Nàng từ từ đứng dậy, bước về phía trước, mặt đối mặt với sự trống rỗng, sụp đổ
trong đáy mắt Bang Cơ – Ta làm mọi việc vì quan gia, cuối cùng để đổi lại những
lời này, phải không? Được, quan gia đã hỏi thì để ta nói cho người biết: Nếu
mẫu hậu không làm như vậy, người chắc chắn không còn toàn mạng để sống đến ngày
hôm nay. Không phải vì huyết thống, không phải vì những lời càn rỡ bảo ta trộm
long tráo phụng mà vì lòng dạ đàn bà hậu cung hiểm độc. Ta không xuống tay với
họ, họ sẽ xuống tay với người. Người có thể nhân từ nhưng người trong thiên hạ
không phải ai cũng nhân nghĩa. Ta giết Đinh Thắng, Đinh Phúc vì chúng chỉ là
hoạn quan nhưng dám đơm đặt, dối trá, ăn không nói có. Chuyện phòng the của ta
và Tiên đế là điều phải bố cáo cho cả thiên hạ này hay chắc? Chuyện ấy đến lượt
lũ người đó bình phẩm thật, giả chắc? Đó không phải chỉ là sỉ nhục ta mà còn là
sỉ nhục Thái Tông Hoàng đế. Người nói xem, như vậy có đáng giết hay không?
Bang Cơ liếc mắt sáng bên, dừng lại trên gương mặt
buồn rầu của Đào Biểu một chút rồi khẽ nhắm mắt lại:
- Đến cả những hoạn quan thân tín của người như Lương
Dật, Tạ Thanh… về sau cũng đều bị người triệt hạ. Người nói xem, con nên nghĩ
thế nào?
Bờ vai dưới lớp vải gấm rung lên khi người đàn bà ngửa
cổ cười lớn. Nàng liếc nhìn Hoàng đế, cao giọng:
- Hoạn quan là một lũ thấy lợi thì sáng mắt, được tin
dùng liền cợt nhả, coi trời bằng vung, là loại người đừng mong tìm được chữ
trung. Hôm nay chúng vì lợi mà theo ta, sau này chúng có thể phản ta mà hại
quan gia. Quan gia đọc nhiều sử sách, người có thể hỏi quan tu sử Phan Phu Tiên
xem thời Thái Tông hoàng đế phụ hoàng người còn tại vị, có chuyện lũ hạ nhân ấy
tuy là trung quan[3] nhưng lại dám quát mắng lại văn thần hay không[4]? Người
nghĩ ta có thể để những kẻ như thế phụng sự người ư?
[3] Tức hoạn quan.
[4] Theo Đại Việt sử kí
toàn thư, Thiệu Bình năm thứ tư (1437) dưới thời Lê Thái Tông có việc Nguyễn
Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Nguyễn Liễu dâng sớ nói
về việc vua cho hoạn quan Lương Đăng định lễ nhạc là nỗi nhục cho nước. Nội
dung quy định Lương Đặng soạn ra không dựa vào đâu cả. Nguyễn Liễu tâu: “Từ xưa
đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này”.
Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng: “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ?
Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”. Cuối cùng giao Liễu cho hình
quan xét hỏi. Án xử xong, tội đáng chém nhưng được lệnh riêng cho thích chữ vào
mặt, đày ra châu xa.