Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 17 - Phần 1

Chương 17: Ả
đào

“Cổ tay em trắng như ngà

Con mắt em liếc như là dao cau.

Miệng cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.”[1]

[1] Ca dao.

Giữa cánh cửa mở ra ngoài hiên và buồng ngủ phía trong
có một khoảng trống, đặt trên đó tấm bình phong khung gỗ, căng tấm vải trắng
thêu hoa thủy tiên, đóa nào cũng như tỏa hương thơm, ẩn hiện trong làn sương
mỏng trang nhã, êm dịu. Nhìn qua, người ta dễ tưởng đấy khuê phòng của tiểu thư
nhà nào chứ không phải nơi ở của các đào nương. In trên tấm vải thêu ấy là cái
bóng con con mờ mờ, không rõ là thứ gì. Hải Triều ngồi co, vòng tay ôm lấy hai
cẳng chân, dựa lưng vào tường, đầu tựa lên khung gỗ lim. Ánh mắt mơ hồ của nàng
nhìn phần cửa trưng ra ngoài trời đã dần bạc màu theo mưa nắng, nhìn những sợi
vân trắng già nua trên thớ gỗ rồi trông xuống những nụ hồng hồng của cây đào
trồng trên sân giáo phường. Cánh cửa bức bàn mở rộng làm gió lạnh ùa tới, cuốn
mấy sợi tóc mái mềm mại bay lòa xòa nhưng Hải Triều chẳng thèm đưa tay gạt đi.
Cái kiểu ngồi thu lu, im lìm trong góc nhà ấy như một thói quen, càng làm nàng
trông nhỏ bé hơn ngày thường, dọa người không để ý một phen giật mình. Chị
Phượng vẫn bảo đứa bé này y như một con ma xó là vì như vậy.

Mấy đầu móng tay bấm lên cổ chân, tuy qua hai lượt váy
lụa vẫn để lại dấu vết. Mới mấy hôm trước, vụ chém đầu ở pháp trường làm máu
tanh tưới ướt mặt đất, chảy thành dòng mà chỉ quay đi quay lại, cảnh tượng đã
sạch bong như chưa từng có cảnh đầu rơi máu chảy. Lưỡi đao bén giáng xuống, tia
máu tươi phun ra theo đường cầu vồng, bắn lên gương mặt như tượng đồng đen, lên
bộ ngực vạm vỡ để trần của đao phủ. Cái đầu người lăn lông lốc trên nền cỏ úa
làm đám đông nhăn mặt quay đi, xuýt xoa mấy tiếng. Cảnh tượng năm xưa cha bị xử
chết Hải Triều không hay, nhưng chắc chỉ có hơn chứ không thể kém cái chết của
Nguyễn Kiệt. Tuy đứng xa xa nhưng nghĩ lại khung cảnh trong buổi chiều áp Tết
ảm đạm ấy, nàng không khỏi thấy ruột gan lộn lên, chỉ muốn gập người, nôn thốc
nôn tháo.

- Em còn ngồi đấy sao? – Kim Oanh khom người lạy tạ
rồi hạ lễ trên cái bàn thờ tạm bợ. Chị cất giọng nửa như quở trách, nửa lại như
lo lắng khi trông bóng thiếu nữ in trên bức bình phong. Nhìn mấy tầm bài vị của
ông bà chủ, cô đào thở dài rồi lặng lẽ thu xếp các thứ, cất vào rương khóa kĩ.

Đáy mắt đen chỉ thoáng chút xao động khi cánh cửa gỗ
kèn kẹt khép lại. Tiếng vải áo xột xoạt, mùi xạ hương trong chiếc túi lụa màu
quan lục trên cổ Kim Oang đưa tới nồng đậm khi chị ngồi xuống, nắm lấy mấy ngón
tay thon, lạnh ngắt của Hải Triều.

- Người chết thì cũng đã chết rồi, em hà tất phải đau
lòng như vậy?

Đôi hàng mi cong cong rủ xuống tựa lá liễu bên bờ hồ.
Mấy đầu ngón tay trong lòng bàn tay ấm nóng của Kim Oanh cử động rất nhẹ, nếu
không để ý sẽ chẳng nhận ra. Hơi thở như gió lọt qua song, mãi một lúc sau Hải
Triều mới nhỏ giọng nói:

- Người đàn bà ấy nhất định không tha sao? Hôm rồi là
bác Kiệt… Em… thực sự không biết sẽ phải chịu đựng thế nào nếu người đó là chị
hay cô Thịnh.

Giọng nói run run, cánh mũi phập phồng nhưng tuyệt
nhiên không có nước mắt. Dáng vẻ ấy làm cô đào Oanh thoáng rùng mình. Thế mà
khi gương mặt nàng ngẩng lên, môi điểm một nụ cười tươi tắn, đuôi mắt cong
xuống, trên đôi má trắng hồng là lúm đồng tiền mờ mờ. Hải Triều đứng dậy, thay
bộ quần áo nhàu nhĩ bằng mấy lượt áo lụa. Ngoài cửa vọng vào tiếng nhạc cụ,
tiếng bước chân người bước trên sàn gỗ, hồi hộp, phấn khích một cách khẩn
trương nhưng lại không quá ồn ào.

- Hoàng cung ấy là thế nào… hôm nay tiểu thư sẽ biết.
Biết rồi, dù cô quyết định ra sao em cũng vẫn theo, không nửa lời oán thán. –
Kim Oanh giúp nàng chỉnh lại vạt áo, thì thầm.

Hải Triều nghe những lời ấy rồi ngước lên, đôi môi nhẹ
cười, siết bàn tay Kim Oanh trong bàn tay mình:

- Em biết mình đang làm gì mà!

Trong từ đường, hai hàng đào – kép đứng song song, cúi
mình lạy tạ trước hương án. Tĩnh lặng đến mức nghe được cả tiếng gió rất nhẹ
lướt qua làm cánh cửa gỗ đung đưa, tạo thành mấy tiếng kèn kẹt. Những ngón tay
của thầy Nguyễn và ông trùm Tuân mới rời khỏi chân nén nhang, ánh mắt của các
cô đào, anh kép không hẹn mà cùng hướng đến gương mặt nghiêm nghị, trang trọng
của ông cụ tóc bạc phơ búi gọn trên đầu. Đằng hắng mấy tiếng, thầy Nguyễn chầm
chậm bước ra giữa gian nhà, đưa mắt nhìn đám học trò rồi cất giọng. Tiếng nào
của cụ cũng chắc, vang như âm trống cái:

- Giáo phường Khán Xuân có mở mày mở mặt được không
quyết định ở cả đêm nay. Thầy tin các con đều đã đợi ngày này, đã chuẩn bị đủ
để phô diễn tài nghệ bậc nhất của mình trước quan gia và quan lại trong triều.
Có điểm này ta muốn các con nhớ cho rõ: Đêm nay không phải một canh hát như mọi
ngày. Những vị khách từng nghe tiếng đàn, tiếng hát của các con hôm nay không
còn là người từng lui đến giáo phường nữa. Phải trình diễn những ngón đàn tuyệt
nhất, những giọng ca điêu luyện nhất. Phải phô ra cái kiêu hãnh, tươi đẹp, rạng
rỡ không phải của cá nhân ai mà là của giang sơn gấm vóc. Đó chính là giá trị
cho sự tồn tại của chúng ta.

- Thưa vâng! – Mọi người trong từ đường cúi đầu, kính
cẩn muôn phần.

- Bàn tay ta… – Thầy cất giọng sang sảng.

- Bàn tay ta là nghiệp của ta, là quả của ta! –
Đám học trò đáp, đều nhau tăm tắp.

- Bàn tay ta…

- Bàn tay ta là tài của ta, là đức của ta![2]

[2] Theo bộ phim Long Thành cầm giả ca – Đạo diễn
Đào Bá Sơn.

Những lời ấy đến con bé người ở, thằng nhỏ sai vặt
trong giáo phường cũng đều thuộc nằm lòng, là điều đầu tiên những đào, những
kép phải học, đến chết cũng không được quên. Mấy đầu ngón tay nhàn rỗi khẽ miết
vào nhau, Hải Triều nhớ cảm giác cầm que tre gảy xuống sợi dây tơ, nhớ cảm giác
cần đàn cong mảnh trượt đi giữa những ngón tay mình, ngoan ngoãn, vâng lời,
thuận theo sức uốn, thả mà tạo ra những thanh âm rung động đến tận tâm can.
Nàng chợt nghĩ đi đâu. Trong bọc vải được giấu kĩ trong chiếc hòm đặt dưới gầm
giường, hai tờ giấy mỏng nằm lặng lẽ, là một điều gì đó quan trọng lắm, quan
trọng với nàng nhưng lại vô thanh, vô sắc trong mắt người đời, trong dòng đời
cuồn cuộn. Sợ rằng thanh âm của nó còn mỏng manh hơn cả tiếng con chuồn chuồn
kim vỗ đôi cánh trong suốt, màu của nó còn nhạt hơn cả sắc nước giếng ao làng.

Cuộc đời Hải Triều đến giờ từa tựa như một con đường
ngoằn ngoèo trong chạng vạng tà dương, khi mờ, khi tỏ. Dù nàng bước về phía
trước lẫn ngoảnh lại đằng sau đều chẳng có lấy một bóng người. Dường như chẳng
thực sự thích, chẳng thực sự yêu, cũng chẳng thực sự nhớ một điều gì ngoài
những cung đàn, nhưng nàng biết đến lúc chết đi rồi, nàng không muốn cả đời
mình chứa toàn những điều hư ảo, mù mờ. Mẹ không thể ở bên cha làm một đôi phu
thê như chim liền cánh nhưng cuối cùng, những giọt nước mắt của bà cũng đã có
thể rơi trên những con chữ của ông. Cuối cùng, bà cũng cho Hải Triều lời đáp
trung thực nhất cho chính tuổi thơ chênh vênh của nàng, trung thực đến nỗi dù
có cố ru bản thân trong sự ngọt ngào bao biện đến thế nào, nàng vẫn biết mình
đang nói dối. Và giờ, nàng chỉ cần hoàn thành nốt điều duy nhất bản thân có thể
làm cho Mai Loan, hoàn thành nó và tự tìm cho mình đáp án về người nàng gọi
bằng “thầy”.

Cảnh cửa gỗ lim dày cả tấc đóng chìm vào cổng thành
bằng đá, viên nào viên nấy đẽo gọt vuông thành sắc cạnh, đặt khít lên nhau nặng
nề mở ra. Tiếng bánh xe gỗ miết lên nền gạch đá xanh những âm “lục cục” thật
trầm. Cấm binh nghiêm nghị, khuôn mặt ai cũng mang một biểu cảm cứng nhắc như
nhau. Thứ lay động duy nhất chỉ có vạt áo của họ hơi bay lên khi gió lạnh luồn
qua cửa thành mái vòm nghe “ào” tới một tiếng. Trong lúc hai vị đại nhân của
Thái Thường tự cùng thự Đồng Văn trao đổi gì đó với ông trùm Tuân, Hải Triều
ngước lên đọc biển đề ba chữ Bắc Thần Môn[3]. Giáo phường Khán Xuân ở phía Đông kinh thành nên từ lâu, nàng
đã quen với cửa Đông Hoa cùng tường thành phía ấy, quen nhìn phương đình tám
mái với đầu đao long phượng cong cong kiêu hãnh, vút mình trên bầu trời trắng
xanh lồng lộng. Nền trời quang đãng, đến cả mây cũng đứng im được điểm những lá
cờ ngũ sắc phần phật tung bay trong gió. Trừ biển đề, cửa Bắc Thần và cửa Đông
Hoa chẳng mấy khác biệt. Có chăng mạn Bắc kinh sư không náo nhiệt, ồn ào bằng
khu Đông, không khí lại thêm cái thâm u, tĩnh mịch. Ngắm nghía một hồi, Hải
Triều nghĩ đến mình của những ngày trước, đã từng nhìn để mà nhìn cổng thành
vòi vọi ấy. Đám dân đen chân đất mắt toét chẳng ai mường tượng được sau những
cánh cửa Đông, Tây, Nam, Bắc trổ ra trên bức tường Hoàng thành, khung cảnh bên
trong xa hoa, tráng lệ đến nhường nào. Còn bây giờ, nàng chỉ cần bước một bước
chân mà thôi.

[3] Cửa Bắc Thần: cửa phía Bắc của Hoàng thành (vòng thành
thứ hai).

- Xin ông nhẹ tay một chút! – Anh Thuận van vỉ lo lắng
khi cấm binh bước tới, thẳng thừng vạch chiếc túi lụa bao quanh cây đàn đáy
trong tay anh, kiểm tra kĩ càng. Nói cây đàn đó là sinh mệnh của một anh kép
cũng chẳng quá chút nào, nên nhìn những bàn tay thô kệch kia lật qua lật lại
nhạc cụ bằng gỗ mỏng manh, người thanh niên xót lắm nhưng lại không dám nói quá
to bởi sợ quan trên mếch lòng. Anh thở dài mấy lượt, nhăn mặt quay đi.

Trông cảnh tượng ấy chẳng ai nói với ai tiếng nào, mọi
người lẳng lặng mở hết túi vải, cởi bỏ những sợi dây thừng buộc quanh những hòm
đồ để quân lính theo lệ khám xét cẩn thận. Một con kiến, một cọng cỏ cũng không
để lọt. Chỉ là qua một cánh cửa nhưng thế giới bên trong chính là cấm địa, nhất
cử nhất động của những kẻ bên ngoài được phép bước vào đều bị giám sát nghiêm
ngặt, tuyệt đối không được để sơ xuất. Hải Triều đã nghĩ thế khi một cung nữ
già dẫn các cô đào đến cái lều vải dựng tạm, bên trong có đến chục thị nữ trẻ
măng, lạnh lùng, cao ngạo đợi sẵn. Ánh mắt họ xét nét từng đường nét, chi tiết
nhỏ nhất trên cơ thể những người đối diện.

- Cởi quần áo ra!

Bà cung nữ ra lệnh, đôi mắt hẹp quét xuống khiến các
đào nương vội cúi mặt, ngượng ngập làm theo. Mặt đất chẳng mấy chốc đầy những
dải lưng, áo lụa, khăn nhiễu đủ màu. Dù hàng ngày đám con ở vẫn hầu hạ Hải
Triều thay đồ, vấn tóc, nhưng lần đầu tiên bị những người lạ mặt chạm vào người
qua một chiếc yếm mỏng, thiếu nữ không khỏi rùng mình.

- May mà chị Oanh đã dặn cả đám không đứa nào được đeo
túi hương vào cung. Không thì phiền phức phải biết! – Phượng cúi người nhặt
chiếc áo sa mỏng lên, giúp Hải Triều mặc vào, miệng tiếp tục thì thầm – Hương
liệu ấy trong dân gian thì chẳng sao. Nhưng với những nơi thế này, các quan
trên sợ chúng ta bỏ thử độc dược gì vào đó.

- Chị Oanh cái gì cũng biết, lễ nghi đầy đủ nhưng tại
sao đội nữ nhạc trong cung lại…

Phượng mạnh tay siết dải dây lưng quanh eo thiếu nữ,
chớp chớp đôi mắt lúng túng rồi ậm ừ cho qua chuyện:

- Là chị ấy không muốn.

Cuối cùng việc khám xét cũng xong, vị đại nhân của
Thái Thường tự cũng cất giọng nói vỏn vẹn mấy chữ:

- Đi theo ta!

Trời xuân hãy còn rơi rớt cái buốt giá của ngày đông
chưa tàn hẳn. Gió vuốt lên vòm cửa thành bằng đá xanh, luồn vào tay áo còn lạnh
hơn nữa. Người cuối cùng bước qua, cánh cửa gỗ lim cũng chậm chạp đóng lại,
nuốt chửng chút âm thanh phố chợ bên ngoài. Vệt sáng mờ trải trên con đường
xuyên qua cổng thành bị nhuộm sang màu tối và mở ra sắc màu tươi hơn ở đầu bên
kia. Tiếng hơi thở, tiếng những đôi hài vang vọng trong không gian của đá. Bất
giác, hai bàn tay Hải Triều dù lạnh ngắt nhưng lại ươn ướt mồ hôi. Những nha
môn, phủ, bộ… của triều đình đằng sau bức tường Hoàng thành xưa nay nàng chỉ
nghe đồn, cuối cùng cũng đã có thể tận mắt trông thấy, để cái cảm giác thâm
nghiêm tôn quý, tĩnh mịch đến mức lấn át con người xô tới, khiến trong lòng
không khỏi run lên sợ hãi. Sợ hãi và cả nghẹn lời.

“Con đường thầy đã từng đi qua…”

“Bầu trời thầy đã từng ngước nhìn…”

“Không khí thầy đã từng hít thở…”

“U… nơi cả đời u chẳng thể nào trông thấy, giờ con
được tận mắt nhìn rồi!”

“Nơi thầy và tam phu nhân Nguyễn Thị Lộ…”

- Đừng nghiêng ngó linh tinh! Ta không có cả ngày cho
các ngươi đâu! – Vị đại nhân sẵng giọng làm mấy cô đào trẻ giật bắn mình, thôi
đưa mắt tò mò ngắm nghía khắp nơi.

Mũi hài nhẹ bước trên những viên gạch hoa chanh. Gió
lạnh lướt qua đôi gò má nhợt nhạt dưới sắc phấn hồng. Thanh âm của những sợi
dây đàn, nàng chợt muốn nghe thấy những thanh âm tuyệt diệu ấy, muốn tự tay
mình tấu lên những âm sắc ấy. Kí ức tuổi thơ của nàng, thứ kí ức mà Mai Loan
sống trong đó, chỉ cần những sợi dây tơ rung lên sẽ có thể hiện hữu trong đời
thực.

- Huyên… – Kim Oanh khẽ gọi, nhìn thẳng vào gương mặt
thoáng chút suy tư của cô gái đi sát cạnh. Những suy nghĩ trong đầu thiếu nữ
không phải chị không thể nhìn ra, nhưng lại chẳng biết phải nói thế nào mới
đúng, đành lảng sang chuyện khác. – Mẹ của em, chắc chắn bà muốn nhìn thấy em
hôm nay.

- Có lẽ thế!

Lúm đồng tiền mờ mờ hiện lên trên má thắm khi Hải
Triều mỉm cười.

- Cũng… có lẽ không.

Những lời ấy chẳng ai nghe thấy trừ chính bản thân
nàng, như hòa vào tiếng lá cây xao xác, như tan vào sự tĩnh lặng dưới những mái
ngói mũi hài đỏ nâu trầm mặc.

***

Diên Ninh năm thứ ba (1456). Mùa xuân, tháng giêng,
ngày mồng ba, ban đại yến cho các quan, Lạng Sơn vương Nghi Dân dự yến.

Qua cửa Hoàng thành rồi đến vài ba lượt cửa Cung
thành, cuối cùng cánh cửa gỗ son bóng loáng, bên trên vẽ những hình rồng ẩn
trong mây bằng màu vàng kim từ từ mở ra, phô diễn một khung cảnh bề thế, tráng
lệ đằng sau.

- Điện hạ, mời người! – Đào Biểu khom lưng, hướng cánh
tay về phía trước tỏ ý dẫn đường. Miệng ông mỉm cười nhưng trong lòng lại chất
sự lo lắng, bồn chồn cao như núi. Hoàng đế giao cho viên nội quan lo liệu
chuyện tiếp đãi các thân vương tối nay, tuyệt đối không được để ai phật ý. Khẩu
dụ là vậy nhưng Đào Biểu thừa biết người mà Bang Cơ hàm ý nhắm đến chính là anh
trưởng Lê Nghi Dân chứ không phải hai vị hoàng thân quốc thích còn lại. Một
đằng khác, ông cũng biết tự thu xếp làm sao để trở thành tai mắt của Hoàng thái
hậu, thăm dò tâm ý vị phiên vương lớn lên ở nơi rừng núi xa xôi kia.

- Phiền ông rồi, Đào Biểu! – Nghi Dân nhã nhặn đáp rồi
nâng vạt áo màu xanh thẫm tựa như gần chuyển sang sắc đen, bước chân qua ngưỡng
cửa bên.

Cung Đan Phượng gồm hai dãy nhà bề thế, bên trên có
thêm tầng gác, nằm đối xứng nhau qua một chiếc ao vuông mùa hè hoa súng nở rất
đẹp. Tính ra phải có đến cả trăm cây cột gỗ đỡ lấy mái điện lợp ngói ống hoa
cúc, viên nào viên nấy đều nhau chằn chặn, xếp khít tạo nên những đường uốn
sóng nước mềm mại. Sắc đỏ lộng lẫy nhuộm lên không gian nhờ những chiếc đèn
lồng lớn đung đưa trong gió xuân mơn trớn dịu dàng, khác hẳn những gió lốc quất
xuống rát cả mặt người nơi non cao vực thẳm. Môi hơi mỉm cười, Lạng Sơn vương ngẩng
cao đầu, sải những bước chân vững chãi băng qua khoảng sân rộng lát gạch Bát
Tràng màu nâu đỏ, hướng thẳng đến nơi đang tập trung những người là người. Bóng
chàng đổ dài trên nền gạch, to lớn, kiêu hãnh nhưng lại có gì như cô độc. Thứ
không khí tràn ngập hương hoa thanh tao, cao quý đưa qua cánh mũi, không gian
với tầng tầng lầu gác quy củ, tôn nghiêm nơi Cung thành trải ra trước mắt đều
là thực, là nơi Nghi Dân được sinh ra nhưng giờ chàng chỉ thấy xa lạ. Mảnh đất
chưa lúc nào người thanh niên ngừng tưởng nhớ, ngừng mong muốn có thể đặt chân
trở về, đến khi mặt đối mặt lại không gọi tên nổi những cảm giác trong lòng là
vui mừng, hồ hởi hay căm ghét, nghi ngờ. Chưa kịp để bản thân nghĩ kĩ về điều
ấy, chân đã bước lên bậc cấp, miệng đã mỉm cười khách khí khi nhận những cái
vái chào của quan lại trong triều.

- Chúng thần bái kiến điện hạ.

Những lời ấy đập vào tai như tiếng trống trận, mạnh mẽ
và thực tế. Ánh mắt vờ kính cẩn nhưng kẻ này đã nhếch khẽ môi cười mỉa mai; kẻ
kia đã ngầm ước lượng giá trị của chàng hệt như xem một món hàng ngoài phố. Thứ
tôn kính, e sợ giả dối lẫn cả khinh thường lẩn trong không khí trang trọng của
cung Đan Phượng vào một ngày xuân. Còn nghĩ linh tinh gì nữa? Lúc này, chàng là
Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân, giờ chàng đứng đây để đối diện với Lê Bang Cơ thêm
một lần nữa.

- Mừng huynh trưởng trở về! – Khắc Xương cúi đầu tỏ ý
chào rồi ngẩng lên. Nụ cười trên môi người thanh niên hòa nhã, lịch sự đấy
nhưng vẫn lộ ra chút xa cách, dè chừng trong ánh mắt.

- Chú là… – Nghi Dân làm bộ nhíu mày, ngập ngừng như
đang lục lại trong trí nhớ rồi hồ hởi cất lời, khuôn mặt rạng rỡ hẳn ra – Khắc
Xương, là Khắc Xương đúng không? Lâu quá rồi… Vậy còn em chắc là người được
quan gia nhắc đến với anh hồi chiều… Là hoàng tử thứ tư của phụ hoàng – Tư
Thành?

Ánh mắt tối thẫm sáng lên những tia nhìn như mừng rỡ
của chàng dừng lại trên cậu thiếu niên vận áo gấm trắng với hình thêu nổi bằng
chỉ cùng màu, ẩn hiện dưới lớp vải sa mỏng của chiếc áo khoác ngoài cũng tuyền
màu trắng đục. Thắt lưng có những hình trang trí bằng bạc tinh xảo, nhưng nhìn
từ trên xuống dưới chỉ để lại một ấn tượng giản tiện, khiêm nhường. Xem ra
những lời Phan Bang nói lại về cuộc sống chỉ nhận tước phong, không nhận phủ đệ
và bổng lộc của Bình Nguyên vương Lê Tư Thành không hề sai. Hai đứa em trước
mặt Nghi Dân đều là những kẻ thực sự biết giữ mình, đủ tỉnh táo lẫn khôn ngoan
để không biến bản thân thành điểm chú ý trong con mắt ưng diều của Tuyên Từ
Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh muôn phần tôn quý.

- Hoàng huynh! – Tư Thành đứng thẳng dậy, cất lời ngắn
gọn, dùng ánh mắt không quá mừng rỡ cũng không quá xa xôi để đánh giá người
trước mặt. Một sự quan tâm vừa phải, một sự tò mò vừa phải rất hợp với vị thế
đứa con út của vua Thái Tông, vốn được sinh ra trong dân gian nên hoàn toàn xa
lạ với những người anh trai máu mủ của mình.

- Em út của chúng ta đã lớn rồi. – Nghi Dân thuận
miệng đáp, nhìn Khắc Xương rồi lại nhìn Tư Thành – Đây cũng có thể tính là lần
đầu tiên anh em ta gặp mặt. Sau này mong có dịp gặp các em ở Lạng Sơn. Nhất
định lúc đó sẽ thịt con lợn ngon nhất, mở vò rượu thơm nhất để đãi tiệc!

Trước sự sảng khoái, cởi mở của anh trai, Khắc Xương
cũng thấy dễ chịu hơn một chút, gật đầu:

- Em rất nóng lòng!

- Hai vị điện hạ bắt chuyện với Lạng Sơn vương rồi,
chúng ta nên thế nào đây?

Mấy vị đại nhân đứng cách đó một khoảng, miệng thì rôm
rả chuyện trò nào việc ở phủ bộ, chuyện gia đình con cái nay đã đến tuổi dựng
vợ gả chồng, rồi đến cả chuyện đào ao thả cá nhưng tai, mắt lại len lén hướng
về phía các vị thân vương, nghe ngóng tình hình.

- Cứ để xem sao đã! – Một người tắng hắng, nói khẽ –
Có thế nào thì các vị ấy cũng chỉ như người xa lạ, câu chuyện giữa họ liệu kéo
dài được đến bao giờ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3