Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 16 - Phần 2
Cánh cửa ngoài điện Trường Xuân mới mở ra gió lạnh đã ùa cả vào trong. Ánh sáng lọt vào qua song cửa, qua mấy lớp rèm chỉ còn là những vệt mờ đục của một ngày đông dài.
- Thần xin bái kiến quan gia, bái kiến Bình Nguyên vương.
Rời mắt khỏi trang sách, Bang Cơ ra hiệu cho viên nội thị mặt trẻ măng đứng hầu cạnh mang ghế cho quan tu sử họ Phan, mỉm cười đáp:
- Trẫm nói rồi, khanh đã lớn tuổi nên không nhất thiết lúc nào cũng phải hành đại lễ như vậy. Ngồi xuống đi, trời rét mướt thế này mà ái khanh vẫn đến, trẫm rất hài lòng.
Chắp tay lạy tạ về hướng của Thiên tử, Phan Phu Tiên chỉ dám nói mấy câu đại ý rằng không dám nhận lời khen ấy rồi dâng lên một tập giấy được sắp xếp ngay ngắn. Cho nội quang bưng đến thêm một chậu sưởi nữa cùng ấm trà nóng, ánh mắt Hoàng đế sáng lên những tia nhìn mừng rỡ khi nhận được tập bản thảo chữ nào cũng ngay ngắn, mực hãy còn tươi từ tay người đàn ông râu tóc gần như bạc trắng. Lướt mắt qua mấy tờ giấy, Tư Thành hướng sự chú ý vào Phan Phu Tiên, cất giọng thân mật:
- Cùng một lúc vừa đảm đương việc dạy học ở Quốc Tử Giám, vừa trông nom Quốc sử viện, trọng trách trên vai đại nhân thật nặng nề, không khỏi làm đám hậu sinh như ta tự thấy xấu hổ!
- Điện hạ quá khen rồi! – Người đàn ông cười đáp, đôi mắt tinh tường làm cả gương mặt in hằn những nếp nhăn năm tháng tưởng như mệt mỏi trở nên vừa hồn hậu, vừa ẩn sự uyên bác tỉnh táo như thể đang định giá người đối diện. – Thần có nghe thị giảng Kinh Diên Trần Phong cùng các thầy giáo khác hết lời khen ngợi tài học của điện hạ. Thần giờ đã là lá vàng, sao sánh được với lá xanh kia chứ!
Hoàng đế lật giở từng trang giấy, trên môi nụ cười hạnh phúc không thể tắt. Những con chữ hiện lên kia với chàng hẳn quý giá hơn trân châu bảo ngọc cả ngàn vàn lần bởi đó là minh chứng cho sự tồn tại của cả một thời đại anh hùng. Bang Cơ cất tiếng cắt ngang câu chuyện của em trai:
- Lệnh trẫm mới ban xuống từ đầu năm mà khanh cùng các quan tại Quốc sử viện đã có thể làm được đến từng này. Khá lắm!
Nghe những lời ấy, Phu Tiên vội đứng dậy, chắp tay, cúi mình thưa:
- Bệ hạ muốn thần tiếp tục công việc của bậc đại thủ bút như ngài Lê Văn Hưu, chép sử từ thời Thái Tông hoàng đế nhà Trần đến khi sự nghiệp bình Ngô của bản triều ta thắng lợi, đó thực là vinh hạnh lớn nhất với một thần tử. Thần tự thấy bản thân tài hèn đức mỏng, những việc mới làm chưa được bao nhiêu, thẹn không dám nhận lời ban khen của bệ hạ.
Bước xuống những bậc cấp trải thảm đỏ, Bang Cơ đỡ người đàn ông đứng thẳng dậy, nói:
- Trẫm biết khó khăn lớn nhất khi biên soạn Đại Việt sử ký chính là sách vở trong nước sau họa giặc Ngô phần bị tiêu hủy, phần bị cướp đi. Nên giờ Quốc sử viện cần gì, khanh cứ trình tấu, trẫm sẽ xem xét. Giờ trẫm mong các khanh cố gắng hết sức để phục hồi sử sách nước nhà, để hậu thế có căn cứ mà soi chiếu. Trẫm không tin ta có thể đánh đuổi quân Ngô về nước mà giờ lại bó tay chịu trói vì những trò đớn hèn ấy của chúng.
Quan tu sử Phan Phu Tiên vừa đi khỏi, Tư Thành liền chắp tay, tỏ ý khen:
- Quan gia anh minh!
- Bỏ đi! – Chàng bật cười, nhìn dáng vẻ của em trai rồi gạt tay Tư Thành xuống. – Cũng là ý của em cả.
- Em chỉ nói thiên hạ nhờ Thái Tổ, Thái Tông hoàng đế mà giữ vững được. Giờ đã vào thời thái bình thì bên cạnh việc binh cách nên chú tâm đến giáo dục, khoa cử và sách vở. Còn ý định tiếp tục viết Đại Việt sử ký của của anh đấy chứ!
- Khéo nói lắm! Sau khi bộ sử này được hoàn thành, anh sẽ cân nhắc, sắp xếp việc ghi chép những thư tịch, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian theo thỉnh cầu của em. – Bang Cơ ra hiệu cho Tư Thành ngồi xuống rồi nâng chén trà lên. Liếc mắt qua thứ nước màu đã nhạt, lá trà đã nở bung ra hết, chàng khẽ thở dài. Viên nội thị mới cũng gọi là nhanh nhẹn nhưng cái hiểu ý mà chẳng cần chủ nhân mở lời thì đúng là không bằng được một góc Đào Biểu. Nếu như không phải vì mỗi lần nhìn thấy người đã kề cận cạnh mình từ tấm bé nhưng lại giấu giếm những chuyện trời long đất lở, khiến bản thân cảm thấy như bị lừa dối mà đâm ra khó chịu thì Bang Cơ cũng không đến nỗi cứng rắn đến vậy.
- Trời trở lạnh rồi, anh nên để ý sức khỏe một chút, nhất là cổ họng và bàn chân ấy. Mẫu thân có làm một mứt chanh muối để ngậm ho, em dâng lên một ít, anh thử xem. – Sai thằng nhỏ theo hầu mình đưa cái hộp sứ vỏ mỏng, bên ngoài tráng lớp men ngọc mịn màng cho viên nội thị, Tư Thành đưa mắt ra hiệu bảo nó ra ngoài đợi.
Nhìn biểu cảm trên gương mặt Bình Nguyên vương, Hoàng đế định nói gì đó nhưng rồi lại thôi, lảng sang chuyện khác. Đôi hia bằng gấm vàng với những họa tiết thêu rồng tinh xảo dưới tà áo hoàng bào dẫm lên những sọc ánh sáng tọt qua khe cửa, đổ trên nền gạch hoa cúc.
- Từ khi chấp chính đến giờ, anh vẫn thấy mọi việc chẳng thứ nào vào được thứ nào, cứ lung tung hết cả. Thái Tổ hoàng đế thân chinh đánh dẹp giặc giã, đoạt lại giang sở, nối dài vận mệnh xã tắc. Phụ hoàng chỉnh đốn triều cương, dẹp bỏ quyền thần chia bè kéo đảng. Còn bản thân mình… Thực sự nhiều lúc không biết việc phụ hoàng truyền ngôi lại cho anh có đúng không nữa.
- Những lời ấy nói bây giờ cũng đâu được gì. – Tư Thành nghiêng đầu, đan hai bàn tay lại, hướng ảnh mắt vào tấm lưng của hoàng huynh, cất giọng ôn hòa như thể đang bàn luận sách vở. – Anh, mọi chuyện đã an bài rồi. Trong dân gian có một câu rất hay, đó là cờ đến tay ai thì người đó phất. Thế nên làm hết sức mình là được, cuộc đời còn rất dài mà. Những chuyện khác để khi nào nắp quan tài đóng lại, để tùy cho hậu thế định liệu đi. Việc Thái Tổ, Thái Tông hoàng đế lưu danh vào sử sách bởi chiến trận, bởi việc trên quan trường, em vẫn nghĩ một phần là do nhưng thử thách ông trời đặt ra buộc con người phải chinh phục. Nhưng cũng có người bằng con đường khác mà để tiếng thơm muôn thuở. Như việc hoàng huynh lệnh cho đại nhân Phan Phu Tiên kế thừa sự nghiệp của Lê Văn Hưu, chép tiếp những trang sử vẻ vang của Đại Việt ta cũng là một điều đáng để tự hào.
- Em… – Bang Cơ ngoảnh lại, dùng cả hai tay vỗ lên vai Tư Thành – … thực sự là một nhân tài. Chưa nói đến học vấn, chỉ riêng sự tự tin và bản lĩnh của em đã khiến hoàng huynh nhiều khi rất hổ thẹn.
- Bệ hạ, những lời này người nói ra làm thần tổn thọ mất rồi! – Chàng liếc nhìn mũi giày của anh trai, thở ra rồi lạnh giọng nói – Người là Hoàng đế, Hoàng đế có uy nghiêm của Hoàng đế. Bản thân bệ hạ cũng có rất nhiều điều đáng để tự tin, đáng để tự hào.
“Ít nhất anh có lòng tin, có được sự yêu mến của Thái Tông Văn hoàng đế”, Tư Thành đã định nói thế nhưng lại thôi, cũng vừa lúc hoạn quan đứng hầu bên ngoài bẩm báo Tuyên Từ Hoàng thái hậu đến. Chàng nhân đó xin cáo lui trước để đến tòa Kinh Diên.
- Ta nghe nói con đã chuẩn bị rất nhiều vật phẩm quý giá cho mẹ con Dương Thị Bí, không những thế còn viết thư triệu kiến Lạng Sơn vương. Mùng ba Tết Nguyên Đán sắp tới, đại yến tại cung Đan Phượng, ta nói đúng chứ?
Trà rót ra hãy còn bỏng giãy, ngồi chưa ấm chỗ nhưng Tuyên Từ đã đưa mắt liếc con trai, cất giọng lạnh lùng, rõ ràng thái độ không chỉ được miêu tả bằng một từ “phật ý”. Phớt lờ thái độ của mẹ, Bang Cơ chấm đầu bút vào mực son, tiếp tục phê duyệt tấu chương, đáp:
- Lạng Sơn vương là con trai trưởng của phụ hoàng, là anh trai con. Dương Thị Bí tuy chỉ là một cung tần bị phế nhưng vẫn là thân mẫu của phiên vương đương triều. Nói thế nào cũng không thể đối đãi quá bạc bẽo. Hơn nữa, mối hận trong lòng họ con không muốn dùng uy quyền Thiên tử để trấn áp mà muốn từ từ hóa giải.
- Hận? – Người đàn bà cười dài, hướng ánh mắt sắc như dao về phía gương mặt điềm đạm của con trai. – Vậy quan gia có nghĩ đến nỗi hận của ta không? Có nghĩ đến năm xưa ta phải làm những gì để bảo vệ quan gia không? Có nghĩ những kẻ đó chỉ có một mong muốn duy nhất là dùng máu của mẹ con ta tưới lên Cung thành này không?
Nhìn bàn tay dưới lớp vải gấm vàng run lên, nhìn ánh mắt đau đáu nửa phẫn nộ, nửa đau thương của Nguyễn Thị Anh, Bang Cơ cảm thấy như có ai đặt cả một hòn giả sơn màu xám lạnh lẽo, nặng trĩu lên trái tim mình. Bàn tay đẹp đẽ từng nâng niu chàng kia, từng chỉ từng con chữ trên sách, từng thắt lại dải thắt lưng lại là bàn tay vung lên đoạt mạng ba họ nhà Nguyễn Trãi cùng bao nhiêu người khác nữa chỉ để chàng có thể ngồi trên ngai vàng này. Vở kịch năm xưa giá họa cho người, những mưu đồ làm trong phút chốc Hoàng đế thấy xung quanh ngập ngụa mùi máu tanh đến mức làm ruột gan nôn nao. Nhấp một ngụm trà để trấn áp cảm giác kinh hãi dâng lên đến cổ họng ấy, Bang Cơ đứng dậy, nhìn xuống bên dưới:
- Mẫu hậu, chuyện của nhi thần, nhi thần sẽ có cách thu xếp. Giờ nhi thần phải đến Kinh Diên nghe giảng.
- Quan gia! – Tuyên Từ Hoàng thái hậu gọi lớn, đanh giọng – Ai cũng được nhưng Lê Nghi Dân thì không được. Ta không cho phép hắn bước dù chỉ là một ngón chân qua cửa hoàng cung. Hắn là giặc! Quan gia nói hắn là anh trai người. Được! Vậy mẫn thân này chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau ra quan gia, người đặt ta ở đâu?
- Mậu hậu đừng ép nhi thần thành một hoàng đế bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa! – Chàng ngoái lại, ngẩng cao đầu nhìn người đàn bà đứng trước mặt mình, không hề chớp mắt rồi phất tay áo rời đi.
Cánh cửa đập mạnh vào khung gỗ dưới sức đẩy của Hoàng đế, để lại một khoảng sáng bị cắt nát trên thềm. Vừa thấy chàng đi khỏi, Hạ Liên vội chạy đến đỡ lấy Nguyễn Thị Anh, dìu nàng về phía chiếc ghế gần nhất. Đôi mắt đẹp, sắc sảo giờ như chứa nước của người phụ nữ nhìn ngọn lửa trong chậu than, đôi môi đỏ nhếch lên:
- Đúng là người tính không bằng trời tính. Là ta không lường được sẽ có ngày này. Quan gia ơi là quan gia, uy thế đế vương này của ngài…
- Lệnh bà, nô tỳ sẽ báo ngay cho người của ta ở Lạng Sơn biết để theo dõi nhất cử nhất động của mẹ con Dương chiêu nghi. – Hạ Liên thì thầm.
Bấm những móng tay mình vào bàn tay nữ tì thân tín, cuối cùng người phụ nữ đã có thể ngồi thẳng dậy, vươn cao chiếc cổ thanh nhã:
- Gọi đến cung Diên Khánh mười võ sĩ thiện chiến nhất, thân thủ nhanh nhẹn. Ta muốn từng khắc Lạng Sơn vương có mặt tại Đông Kinh không nằm ngoài tầm mắt của ta. Hạ Liên, xem ra ngươi phải giúp ta lựa lấy mấy món đồ cho Dương Thị Bí coi như làm quà đoàn viên rồi. Quan gia muốn sao thì ta sẽ chiều theo như vậy!
Cảm giác bấp bênh như thể Bang Cơ đang giấu chuyện gì làm Bình Nguyên vương suy nghĩ mãi từ lúc bước chân qua bậu cửa điện Trường Xuân. Hoàng đế là người nhân từ, với người trong hoàng tộc lẫn quần thần đều dùng đức mà giáo hóa, đối đãi, nghiêm khắc nhưng cũng đủ khoan dung, mềm mỏng. Tư Thành đến giờ đã không còn cho anh trai mình là người nhu nhược, để mặc cho người ta giật dây. Bao nhiêu năm giao giang sơn cho Hoàng thái hậu ngồi sau tấm rèm cùng các đại thần phụ chính, việc ngự trên ngai vàng lúc thượng triều của Bang Cơ xem ra không phải chỉ là làm cho có. Nếu là một kẻ nhạt gan, phụ thuộc, chắc chắn Hoàng đế sẽ không bao giờ dám đường hoàng trả lại chức tước cho Trịnh Khả ngay trước mặt Nguyễn Thị Anh như thế, càng không dám đích thân công khai nối lại quan hệ với Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân. Có điều, chủ ý của Bang Cơ những kẻ khác sẽ đón nhận thế nào lại là việc khác.
- Điện hạ…
Giọng nói khe khẽ quen thuộc vang lên sau lưng làm chàng ngoái lại. Vừa nhìn thấy gương mặt lo lắng của Đào Biểu, Tư Thành cười ngay:
- Lời ông nhờ chuyển đến quan gia về việc giữ sức khỏe, ta đã nhắn rồi. Ta thật không hiểu nổi người hiểu tâm ý quan gia như ngài Đào Biểu đây đã làm gì để đến mức khiến hoàng huynh tức giận đến vậy? Nhưng xem chừng chẳng mấy bữa nữa quan gia sẽ lại yêu cầu ông theo hầu thôi.
- Điện hạ, người lại an ủi ông già này rồi. Sợ rằng vì chuyện lần ấy, bệ hạ không còn muốn nhìn mặt thần nữa. – Đào Biểu thở dài, những chữ sau nói ra rất nhỏ rồi lặng lẽ theo hầu sau lưng chàng, trong một thoáng hình như có liếc nhìn khi cánh cửa điện Trường Xuân đóng lại.
Vờ như không nghe ra câu cuối cùng của viên hoạn quan già, Tư Thành thở dài khi trông thấy gương mặt nhăn nheo thiếu hẳn vẻ vui tươi thường thấy ấy, đoán chừng sự việc xảy ra giữa ông ta với Hoàng đế chắc chắn không phải là chuyện nhỏ. Chàng tự nhiên nói sang việc khác:
- Ông cứ đợi xem ta nói có đúng không. Đại yến đầu xuân cách chả còn mấy bữa nữa, đây cũng là lần đầu tiên Lạng Sơn vương hồi kinh. Ông đã hầu hạ các vị chủ nhân lâu như vậy, chắc chắn để chuẩn bị mọi việc chu toàn, hoàng huynh sẽ lại cho gọi ông theo hầu thôi.
Quả đúng với dự đoán, vừa nghe thấy ba chữ Lạng Sơn vương, Đào Biểu đã thở hắt một hơi, khẽ lắc đầu. Chắp tay sau lưng, ngước mắt nhìn những tầng mây xám nặng nề trên đầu, Tư Thành nói:
- Đến đây được rồi, trời cũng sắp nổi gió, ông nên về điện Trường Xuân đi. Đào Biểu, ông theo hầu hoàng huynh ta từ khi còn là Đông cung Hoàng thái tử, không phải không hiểu tính khí anh ấy. Những lỗi lầm ông gây ra tuy ta không biết là gì nhưng ta dám chắc hoành huynh đã tha thứ rồi, chỉ là cần chút thời gian để điều chỉnh lại cảm xúc của mình thôi. Ông còn nhớ lời ta nói cách đây khá lâu không, khi chúng ta xuất cung cùng quan gia đi nghe hát ở bên hồ Dâm Đàm ấy.
Những nếp nhăn như chân ruộng mùa cạn nơi đuôi mắt ông lão giãn ra khi ông mở lớn mắt. Đào Biểu chầm chậm gật đầu. Sự tin tưởng Hoàng đế đặt vào ông và Hạ Liên không hề nhỏ, sự tận tâm tận sức phụng sự ông vốn chẳng nề hà, chỉ sợ duy nhất một điều: bản thân đã đánh mất lòng tin nơi Hoàng đế mất rồi.
Viên hoạn quan mới đi khuất, qua khỏi lối rẽ, Tư Thành đã thấy Phan Phu Tiên đang đứng dưới một tán cây nghỉ mệt, bên cạnh chỉ có một viên hoạn quan tay ôm chiếc tráp gỗ sơn son đựng bản thảo Đại Việt sử ký theo hầu.
- Đại nhân không khỏe sao? Để ta cho người đến Thái y viện ngay! – Chàng bước nhanh lại, lo lắng cất lời.
- Không dám phiền đến điện hạ, tại thần tuổi cao sức yếu, đi có mấy bước đã thở không ra hơi. Nghỉ một chút là thần lại có thể đi về đến Quốc sử viện thôi mà. – Ông xua xua tay, khách khí đáp.
Hỏi xa xôi chuyện công việc, sức khỏe rồi gia đình, chợt Tư Thành đổi đề tài, hỏi:
- Chẳng hay gần đây đại nhân có qua lại chỗ Chuyết Am[5] tiên sinh, Cúc Pha[6] tiên sinh và ngài Trình Thuấn Du hay không? Ba vị đại nhân người thì giữ những chức quan tại Kinh Diên, người làm ở Quốc Tử Giám nên ta mới gặp đôi lần, giờ muốn được thỉnh giáo thêm về kinh sách và chuyện thời thế.
[5] Tên hiệu của Lý Tử Tấn.
[6] Tên hiệu của Nguyễn Mộng Tuân. Cả Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân và Trình Thuấn Du đều là những bậc danh nho, nhà tư tưởng, từng giữ những chức vụ rất cao trong triều đình, trải ba đời vua (Từ Thái Tổ đến Nhân Tông).
Vuốt chòm râu, Phan Phu Tiên suy nghĩ gì một lúc, không phải không nhận ra ý tứ sâu xa bên trong lời nói của cậu thiếu niên. Ông đáp:
- Vậy thì điện hạ nên nhanh dời gót đến Kinh Diên. Thần nghe nói hôm nay Chuyết Am tiên sinh có giờ giảng ở đó. Nói gì thì nói đám lão thần như chúng thần chỉ còn thú vui với sách vở, với chuyện thời thế đều thành kẻ lạc hậu mất rồi. Nếu điện hạ có nhã hứng thì có thể tìm đến nhà của Cúc Pha tiên sinh. Người này văn thao võ lược, lại vào hàng trọng thần khai quốc, vinh hiển hiếm người sánh được. Chỉ mong có thể yên vui tuổi già, tránh được cảnh… cây to tất đón gió lớn mà thôi.
Những lời lẻ chừng mực, nghe qua tưởng như vô hại nhưng đã xác nhận những nghi vấn trong lòng Tư Thành. Lão thần thuộc hàng quan văn như Lý Tử Tấn hiệu Chuyết Am và Trình Thuấn Du tuy đều là bậc danh nho túc học nổi tiếng khắp nước thì bị đẩy vào chỗ nhàn, rất lâu rồi không còn tiếng nói trong triều. Còn người công cao tước lớn như ngài Nguyễn Mộng Tuân hiệu Cúc Pha kia, chưa luận công trạng trải ba đời Hoàng đế, chỉ riêng mối quan hệ tương đối khăng khít với Nguyễn Trãi đã đủ để ông nằm trong tầm ngắm của nhiều người[7].
[7] Nguyễn Mộng Tuân là bạn thơ, bạn rất thân với Nguyễn Trãi.
- Đại nhân, giờ học tại Kinh Diên cũng sắp đến rồi, ta xin phép đi trước. – Tư Thành ngẩng đầu nhìn trời rồi cất lời, đoạn liếc thằng nhỏ đứng sau lưng, dặn – Bưởi, ngươi theo hầu đại nhân đi về cẩn thận nghe chưa?
Chỉnh lại chiếc áo ngoài bị gió lạnh thổi bay, người đàn ông khẽ ngoái đầu nhìn theo dáng người của vị thân vương tuổi thiếu niên trong chớp mát đã khuất sau những tán cây mọc ngang. Phan Phu Tiên gật đầu rồi chầm chậm cất bước. Việc của sử quan chính là dùng ngòi bút để chép những chuyện đã qua, chép những điều đang diễn ra mà ngay ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ. Công việc ấy nghe có vẻ thật nhàm chán vì quanh đi quẩn lại với toàn những sự kiện đã an bài. Hiếm ai biết được rằng vinh hạnh của một quan tu sử ngoài chuyện khen chê nơi đầu bút thẳng, không vướng chút tư tình còn là được tận mắt nhìn, nghe, tiếp xúc với những người mà vài chục, vài trăm, vài nghìn năm nữa rất có thể sẽ thành những người khiến hậu thế không ngớt bình luận. Hay cũng được mà dở cũng được, chỉ nội sự tồn tại của một người vượt qua được cả thời gian, khiến kẻ hậu sinh phải nhắc đến đã là một điều kì diệu rồi. Và, trong thâm tâm mình, Phan Phu Tiên linh cảm Bình Nguyên vương Lê Tư Thành mà ông gặp hôm nay chính là một người để hậu thế khen, chê như thế. Nếu có thể sống để dùng ngòi bút chép về những con người ấy, trong một kiếp nhân sinh hữu hạn, há chẳng phải may mắn lắm sao?
***
Ánh đèn lồng đỏ rực lần lượt được thắp lên khi chiều sa xuống. Lẫn giữa tiếng chúc tụng, tiếng những đôi đũa son lách cách, tiếng những chiếc bát sứ men trắng hoa lam thượng hạng hết nâng lên lại đặt xuống là âm thanh của đàn đáy, là tiếng thanh phách gõ xuống, tiếng hát ngân nga trầm bổng của các đào nương. Gương mặt như hoa, ánh mắt ướt át đa tình, lại thêm dáng điệu thanh nhã, hát đã hay lại còn biết nghề nói bỡn. Trái tim nam nhân trong tay các cô tựa như quả chanh, hòn sỏi đám con gái dùng để chơi chuyền, thích tung thì tung, thích bắt thì bắt. Thật thật, giả giả lẫn lộn hết cả, duy chỉ có cái hay của nhạc lý, của thanh âm là thực mà thôi.
Người ta vẫn bảo nữ nhân trên đời chỉ cần hiền lương thục đức, giữ nếp tam tòng, chu toàn tứ đức thì tất được hưởng phúc. Đời người đàn bà chung quy nói xuôi nói ngược cũng chỉ nằm trong mấy chữ thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con. Người ta đã sống thế và sẽ tiếp tục sống thế đến mãi về sau, để tự cho mình quyền nhìn những kẻ trót nằm ngoài cái vòng tròn trĩnh ấy bằng một vẻ khinh thường, dè bỉu.
Cuộc đời của một cô đào cuối cùng có bao nhiêu người đàn ông? Họ không biết khi đêm nào cũng cười với quá nhiều người, đẩy đưa ánh mắt với quá nhiều người, nhìn đấy nhưng liệu nhớ được bao nhiêu? Nhiều kẻ ngoài kia chỉ có một mong ước duy nhất là tìm cho được một ai đó khiến bản thân có thể toàn tâm toàn ý yêu thương, một đời thật lòng thật dạ. Với những nữ nhân ngày ngày thoa phấn, điểm trang này, liệu nguyện ước ấy là thật hay chăng?
Đã từng có.
Đã từng không.
Hay có rồi lại bị tầng tầng phấn sáp, lụa là, bị ngàn vạn thanh âm đè lên cả để rồi “tình” không đủ dày, chẳng đủ mạnh bằng một chữ “nghề”, một chữ “nghiệp”. Đào nương thì phong lưu, khách quan lại đa tình, nếu chỉ biết lấy chữ “yêu” làm mục đích e rằng sẽ khiến trái tim này cả một kiếp người không biết đã bị đâm nát bao lần mới đủ? Cứ nghĩ nữ nhân không yêu được ai, không được ai yêu thì cuộc đời coi như bỏ, sợ đã tự khiến nhân gian xung quanh trở nên ấu trĩ và hạn hẹp mất rồi.
Kim Oanh đã nghĩ như thế khi đào Phượng ghé vào tai báo rằng, vị khách quen mặt của giáo phường Khán Xuân đang ngồi phòng bên vừa cho gọi một đào nương mới vào hầu. Cầm ly nước đầy sánh cả ra tay, nàng hơi quay người đi uống cạn, khóe môi nhếch lên, ánh mắt lạnh giá rơi vào đáy nước. Chỉ mới nghĩ đến gương mặt người đàn ông đó thôi Kim Oanh đã thấy buồn cười, cười chính sự ngây ngô của mình ngày trước. Cái nông nổi tuổi trẻ của cô đào với trái tim chưa từng bị ai đâm cho mấy nhát may mà được người ấy dạy cho một bài học để đời, đủ để biết thể nào gọi là sao dời vật đổi. Những tưởng những tình cảm trao cho đều là chân thật, cuối cùng nàng cũng ngộ ra người đàn ông đẹp đẽ, tài hoa đó với đào nương nào cũng đối đãi như thế, hết yêu chiều người này rồi khi đã chán ngán bèn tìm đến một đóa hoa mới, nào có thấy thương xót, nhớ nhung.
- Ngày đó là chị em mình ngu ngốc, vì một gã đàn ông như vậy mà đấu đá với nhau. – Phượng cười khe khẽ, kiềm chế lắm mà bờ vai vẫn run lên. Cô nhúng tay vào chén nước, vẽ ra mấy hình nhăng cuội trên mặt bàn gỗ chân quỳ đặt phía trước hai người. – Giờ thì đã biết đàn ông không có cũng được, chỉ cần một cây đàn cùng với chị em là đủ sống rồi.
- Ta phải về. Cảm ơn các cô vì buổi tối hôm nay! – Lê Đắc Ninh ra hiệu về phía cửa, nhấc thanh kiếm cạnh mình lên.
- Để em tiễn ngài! – Kim Oanh theo nếp đứng dậy, đặt cây đàn tì bà xuống rồi lặng lẽ đi theo. – Khi nào rảnh rỗi, ngài lại chơi đàn nhị nữa nhé. Tiếng đàn của ngài thực sự rất hay.
- Cô đang giễu ta? – Đắc Ninh chỉnh lại cổ áo, nhìn sang chăm chú. – Khách quen đều biết cô đào Oanh chơi đàn tì bà giỏi một thì chơi đàn nhị giỏi mười. Ta không dám múa rìu qua mắt thợ.
- Chuyện này… – Bờ môi mới cử động định trả lời thì đã khựng lại khi cánh cửa gian phòng kế bên bật mở. Đôi mắt đen lấp lánh những tia nhìn mừng vui giả dối nhưng lại lấp lánh, đủ khiến người ta ngây ngất dừng lại trên gương mặt người đàn ông mới xuất hiện.
- Hóa ra là đại nhân Đắc Ninh, thất lễ, thất lễ rồi! – Người ấy chắp tay lạy một cái rồi đưa mắt nhìn nàng, không thèm che đậy sự thật đôi bên từng qua lại, thoải mái buông lời – Kim Oanh đúng là càng ngày càng xứng với danh xưng Đại Kiều đất Đông Kinh, không còn là cô đào mới ra nghề nữa rồi. Chẳng hay nàng có thể uống với ta một chén rượu coi nhưng mừng ngày tái ngộ, ôn lại chuyện xưa tích cũ được không?
Chén rượu thơm nồng mới được đưa đến, ánh mắt kia xoáy mạnh vào gương mặt thản nhiên, vừa khinh bạc vừa bất cần của nàng. Lời từ chối chưa kịp nói ra, mắt đã mở lớn khi thấy chén rượu chuyển từ tay người này sang tay người khác. Kim Oanh ngước nhìn Đắc Ninh cấm chén lên, ngửa cổ uống cạn, không quên vui vẻ cất lời:
- Ly này ta uống hộ Kim Oanh. Ngài là người am hiểu ca trù hơn ta, vậy mà lại đi mời rượu một cô đào, thế có phải là làm khó nàng ấy hay không? Đào nương là đào nương, đào rượu là đào rượu. Nghệ sĩ và gái làng chơi rất khác nhau. Thưởng hoa mà không biết hoa đẹp thì thật là uổng phí. Ta đi!
Hai từ cuối cùng người đàn ông trẻ bỏ lại khiến cô gái giật mình, vội cúi đầu xuống một cái coi như tạm biệt rồi nhẹ nhàng đi theo.
- Ta tưởng cô sẽ phải nói lại hắn ta mấy câu cơ đấy! – Chàng ngoái lại, nửa đùa nửa thật, chăm chú nhìn gương mặt rõ ràng là đắc ý của cô đào đi phía sau.
- Em không được cái miệng như Phượng. Nếu là nó thì có khi thế thật. Đại nhân, cảm ơn ngài vì đã nói những lời tốt đẹp như vậy cho một ca nương.
- Nàng xứng đáng mà. Hơn nữa cổ họng là sinh mạng của một cô đào, ta chỉ thương hoa tiếc ngọc thôi! – Cách xưng hô đột ngột thay đổi làm Kim Oanh ngẩn người, chưa kịp phản ứng thì đã thấy bàn tay của mình bị Đắc Ninh nắm lấy, cố rút ra cũng không được – Để ta làm khách quen của nàng được không? Để ta trở thành người đàn ông của nàng được không?
Chút bối rối thoảng qua rồi nhanh chóng như mớ tóc rối bị gió cuốn đi. Kim Oanh mỉm cười, đưa bàn tay kia gạt chùm tua rua dưới cây đèn lồng sang bên, không hiểu do vô tính hay cố ý làm ánh sáng chao qua chao lại khiến người đàn ông đối diện nheo nheo mắt.
- Đại nhân, người uống say rồi. Khi nào tỉnh rượu, ngài sẽ thấy những điều mình vừa nói chẳng giống mình mọi khi chút nào. Ngài trả tiền để Kim Oanh hát, cả hai chúng ta đều vui vẻ và chỉ nên dừng lại ở đó thôi. Phúc phận này thực sự em không nhận được.
- Nàng nghĩ đây chỉ là yêu thích nhất thời? Hay địa vị của ta không được như những vị khách khác của nàng, không mang lại được cho nàng nhiều thứ như họ?
- Đại nhân, người say rồi! Lần sau chúng ta nói chuyện tiếp. Kim Oanh đợi ngài.
Những ngón tay dần dần lơi lỏng, để buông bàn tay mềm mại kia ra. Người đàn ông ngửa cổ để cơn gió lạnh thổi trên gương mặt nóng bừng vì rượu của mình, chợt thấy khoan khái và tỉnh táo. Nhìn bóng người không chút xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu ấy đi khuất, cô gái từ từ chỉnh lại mấy lượt áo, mỉm cười nhè nhẹ khi thấy hương rượu không vương trên người mình, vừa định cất bước thì dừng lại.
- Vậy mà em cứ tưởng chị thích ngài ấy. Từ lúc em đến giáo phường Khán Xuân đến giờ, em chỉ thấy thái độ khi chị tiếp ngài Đắc Ninh là có chút khác biệt. – Hải Triều tay bưng chén trà nóng bốc một làn khói mờ lại gần, cất giọng nhỏ nhẹ. Nàng nói vốn chỉ để đấy, không hề tỏ ý muốn nghe lời đáp.
- Chị hơn em tám, chín tuổi nhưng xem ra không nhìn nổi nhiều thứ như em rồi! – Kim Oanh lắc đầu cười. – Còn em thì sao, đã bao giờ chị thấy em để tâm đến ai đâu? Người tài hoa, phong lưu hay mực thước em gặp không ít, người thực sự mến tài của em cũng chẳng hiếm. Bậu cửa nơi trái tim không phải đã bị tôn lên quá cao rồi đấy chứ?