Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 11 - Phần 2

Những lời ấy trôi qua tai, tạm thời lắng xuống khi Bang Cơ bước trên con đường mà lần trước Tô Mộc từng dẫn chàng đi qua. Từ lúc tự mình coi chính sự, mẫu hậu cũng ít quản thúc chuyện của chàng hơn lúc trước, hoặc cũng có thể người đã lựa chọn một phương cách khác kín kẽ hơn. Sáng thiết triều, vừa tan buổi chầu là đến Kinh Diên nghe giảng, tối phê duyệt tấu chương, ngày nào cũng như vậy, Bang Cơ dần nhận ra cuộc sống của một Hoàng đế thực sự rất nhàm chán mà nghĩa vụ thì lại rất nhiều. Trong muôn vàn những nghĩa vụ ấy có cả việc một tháng đôi lần gặp mặt mấy cô tiểu thư con nhà quyền quý, nói cười những chuyện thi họa đàn ca. Việc chấm lựa cung nhân, gây dựng hậu cung, sinh người nối dõi cũng là điều vị Hoàng đế mười bốn tuổi cần phải nghĩ đến một cách nghiêm túc. Ấy là lẽ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chính giữa những kim chi ngọc diệp mặt hoa da phấn, mắt không bao giờ nhìn thẳng, cười không để lộ răng, bao giờ cũng duyên dáng, khép nép, Tô Mộc chợt trở thành một điểm thú vị. Một cô nhóc bình thường ấy lanh chanh, lắm mồm và hệt như sắc hoa mộc miên[8] rơi trên thềm gạch. Chẳng biết vì lẽ gì để đến mãi sau này, Bang Cơ luôn nghĩ về nàng ấy như thế.

[8] Hoa gạo.

“Ngươi… à… cô là ai?”

Đó là lời đầu tiên họ nói với nhau khi chàng nhác thấy đứa con gái không giống cung nữ, càng chẳng giống tiểu thư quý tộc đi lại trong vườn hoa trước cung Diên Khánh.

“Tôi… à… thần nữ là con gái ngự y Dương Đán. Chẳng hay công tử là…?”

Nên nói đó mà một cô bé ngốc, hoàn toàn không hiểu nam nhân có thể ra vào nội cung chỉ có Hoàng đế, các thân vương, cấm quân, quan lại khi được triệu kiến và những kẻ- có- vẻ- giống- nam- nhân như Đào Biểu chẳng hạn. Nhìn dáng vẻ cố sức làm thục nữ khuôn phép của đứa bé đó, nhìn cái cách đôi mắt đen láy len lén nhìn người đối diện để xét đoán nặng nhẹ, chàng không khỏi muốn phì cười.

“Ta là học trò ở Kinh Diên, đến tìm quan gia có chút chuyện.” – Bang Cơ nhìn xuống bộ thường phục của mình, nói trơn tru, thầm thắc mắc có phải tại chơi với Tư Thành nên mới có thể làm việc-không-nói-rõ-toàn-bộ-sự-thật này ngon lành đến thế hay không – “Nhưng xem ra người rời khỏi cung Diên Khánh mất rồi. Cô tên gì nhỉ?”

“Sao tôi phải nói cho công tử biết?” – Con bé cãi ngay dù giọng nói vẫn vờ như mềm mỏng, khiêm nhường lắm.

“Ngự y họ Dương, vị này nghe tên cũng quen quen. Hình như ta cũng có biết qua” – Bang Cơ chắp tay sau lưng, khom người để nhìn tận mặt cô gái trước mắt – “Ta cũng biết tiếng Dương gia nữ tử nhà ông ấy, nếu cô nói sai tên thì đúng là mạo nhận rồi. Ta sẽ gọi cấm binh đến bắt cô ngay!”.

Bàn tay cô bé siết lại. Ngẩng phắt mặt lên, nàng nói rành mạch:

“Tôi đương nhiên họ Dương, là Dương Tô Mộc!”

“Tô… Mộc? Tên gì nghe kì quặc vậy? Đâu giống tên người Đại Việt?”

Nhìn vẻ mặt đầy sự thắc mắc của cậu thiếu niên, đôi môi hồng hồng sắc hoa đào mỉm cười tự mãn. Nàng hơi vênh mặt lên, liến thoắng:

“Đương nhiên rồi, vì đó là tên một vị thuốc bắc. Nhà tôi có lệ trẻ con sinh ra, ngày hôm đó phụ thân bốc vị thuốc nào đầu tiên thì sẽ lấy đó làm tên”.

“Không phải tên mấy chị em nhà cô có cả nhân sâm, kì tử, đại táo đó chứ?”

“Vớ vẩn! Trên tôi có chị Hoàng Cầm, chị Bách Diệp[9], dưới có Địa Du. Tôi là con gái thứ ba. Mà này, anh bảo biết Dương gia nử tử cơ mà, sao giờ lại lộ ra là chẳng hề biết tên ai thế?”

[9] Cây trắc bách diệp. Tên ba cô gái đều là tên các vị thuốc bắc.

Ậm ừ trong cổ họng, Bang Cơ vờ đưa mắt đi đâu rồi lảng sang chủ đề khác, cũng kịp nhận ra cô gái trước mặt đã lại đổi cách xưng hô thêm một lần nữa.

“Hóa ra là tứ nữ bất bần. Cái tên Tô Mộc của cô… nghe quen quen!” – Chàng suy nghĩ lung lắm, lục lọi trong trí nhớ rồi chợt “à” lên một tiếng, mắt sáng rực như khi nghĩ ra một ý văn hay – “Tô mộc còn gọi là cây vang, chuyên dùng để nấu nước rửa hài cốt khi người ta cải táng đúng không?”

Nếu lúc đó cô gái trước mặt đang uống nước, chắc chắn ngụm nước trong miệng nàng sẽ phun thẳng vào mặt Bang Cơ. Rất may đó chỉ là giả thiết nhưng sự sửng sốt của Tô Mộc thì cũng ngang ngửa vậy. Thiên địa thánh thần có mắt, thằng em Lê Tư Thành giời đánh của Bang Cơ đúng là giỏi giang, biết nhiều, và trong số những cái biết nhiều nó từng kể cho chàng nghe cũng chứa cả những chuyện quái dị mà lần đầu gặp gỡ nữ nhân, chẳng ai lại nói huỵch toẹt ra như thế. Khuôn mặt Tô Mộc đỏ lựng lên gần bằng chiếc áo lụa nàng mặc trên người. Dậm dậm chân, nàng nói lớn trước khi bỏ đi:

“Phải đấy, sao không? Nói cho anh biết, gỗ tô mộc nấu được nước màu đỏ rất đẹp, dùng để nhuộm vải bông mặc trên người, làm cả đồ mỹ nghệ và đương nhiên trị được cả bệnh nữa. Đừng có lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chuyện…”

Bỏ lửng câu nói ở đó, cô gái quay ngoắt lại, ngẩng cao đầu bước đi mất. Dáng vẻ tự ái đó làm Bang Cơ thấy chột dạ, đánh liều đuổi theo. Đường đường là Hoàng đế đương triều, đuổi theo một cô gái ư? Coi như kiếp trước Dương Tô Mộc kia cũng gọi là có tu nhân tích đức nên giờ mới được hưởng phúc phận này.

“Này, ta… xin lỗi!” – Bang Cơ ngập ngừng, không suy nghĩ gì nhiều khi níu tay áo nàng lại.

“Ai cần anh xin lỗi chữ?” – Tô Mộc gắt nhưng nhác trông thấy vẻ mặt thành thật đến mức có chút thảm thương của người đối diện thì lại bật cười lớn, tiếng cười giòn tan – “Vậy cũng tin sao? Tôi hơi đâu mà đi giận anh. Thân phụ tôi bảo, tuy cái tên này hơi kì quái một chút nhưng, phàm là thuốc để chữa bệnh cứu người thì thuốc nào cũng quý. Dương Tô Mộc cũng sẽ trở thành một người có giá trị như vậy!”

“Cô… giống con trai nhỉ?” – Chàng nhìn dáng vẻ dương dương tự mãn, kiêu hãnh của nàng, đột nhiên buột miệng nói ra những lời ấy.

“Lại nữa rồi. Là anh thật thà hay là ngốc đây?”

Tự mỉm cười với bản thân mình, Hoàng đế trẻ tuổi gập cây quạt trúc trong tay lại, nheo nheo mặt đọc tấm biển đề hai chữ “Khán Xuân” treo trên cửa chính. Khắc Xương từng nói với chàng giáo phường là nơi thế nào nên lần đầu tiên Tô Mộc kéo chàng đến đây, trong lòng không tránh khỏi chút ngượng ngập. Con gái nhà gia giáo chẳng ai làm cái việc qua lại với ả đào, kép đàn nhưng có lẽ vì Tô Mộc không như vậy nên mới tìm nguồn vui của mình ở chốn này.

“Dương Đán, ngự y họ Dương của Thái y viện…” – Bang Cơ tự lẩm nhẩm cái tên đó trong đầu, ánh mắt chợt thoảng qua chút u ám khi bước chân qua cánh cổng. Nhưng rồi, dưới ánh sáng mùa hạ trong trẻo, trong đáy mắt kia dường như chỉ còn lại sự bình yên cố hữu chẳng lúc nào đổi khác.

- Một bầy tang tình con nhện… Ơ… ớ ơ ớ mấy giăng tơ. Giăng tơ ố mấy đi tìm… em nhớ thương ai… Duyên nợ khách tang bồng… Duyên nợ…

Tiếng trẻ con nghêu ngao hát khúc dân ca hòa cùng tiếng hát vừa trong vừa mượt của những cô đào. Tiếc là chen vào giữa những lời hát ấy là tiếng đàn tranh không được hay cho lắm. Bang Cơ đứng trên hiên, thấy lũ nhóc vỗ vỗ tay vào mặt trống cơm, nô đùa xung quanh mấy người của giáo phường, mắt bất giác tìm kiếm một bóng áo đỏ.

- Em chịu thôi! – Tô Mộc đặt cây đàn tranh trên đùi mình xuống, nhăn nhó.

- Bình tĩnh, đâu còn có đó. Em nhìn chị làm lại này.

Tà áo lụa trắng ngà tha thướt, những ngón tay thon vuốt trên những sợi dây đàn. Tiếng nhạc như nước chảy, mỗi nốt ngân lên đều rực rỡ, tươi vui. Người con gái ấy chỉ khẽ mỉm cười, đôi mắt êm êm nhìn lướt qua cũng khiến người ta ngơ ngẩn. Phiêu theo điệu nhạc, Bang Cơ thực không ngờ bài hát dân ca của đám trẻ con khi được chơi trên cây đàn tranh lại có thể mang một dáng vẻ thanh tao đẹp đẽ nhường ấy, chẳng thua những khúc nhã nhạc được tấu lên nơi Cung thành hoa lệ.

- Thử lại đi em! – Hải Triều ngoảnh sang đề nghị nhưng đã thấy cô nhóc áo đỏ cạnh mình đứng vụt dậy, vẫy tay chào nồng nhiệt.

- Ê, Lê Tuấn! Không bị lạc đường sao? Xem chừng anh cũng thông minh đấy nhỉ?

- Có một quãng đường ngắn thôi mà! – Bang Cơ tự nhiên bước xuống, tiện tay gõ cây quạt lên trán Tô Mộc.

- Lạy cậu ạ! – Hải Triều nhìn sơ qua y phục của chàng trai trước mặt liền khép tay mình lại, cúi đầu tỏ ý cung kính chào.

Đó là lần đầu tiên hai người chạm mắt, lẫn trong không khí đẫm hương son phấn, hương hoa quyến luyến là dư âm rất riêng của những vị thuốc bắc.

Đời người cuộn chảy, có duyên hạnh ngộ hay lại là một mối ác duyên?

***

Xuân qua, hạ đến, lại thêm một mùa sen nữa.

Trong lầu bát giác dựng sát mép hồ có chàng trai trẻ dường như vừa mới bước qua tuổi thiếu niên đang nhàn tản tựa lưng vào cây cột gỗ sơn son, chân gác thoải mái lên thanh lan can bằng gỗ. Tà áo lụa trắng thả buông khẽ lay động trong cơn gió cuốn hương sen thấm đẫm vào từng lớp vải. Ánh mắt đang chăm chú đọc những dòng chữ trong cuốn sách đột nhiên di chuyển về phía hồ sen, thoảng qua chút ngơ ngẩn. Nhìn gương mặt tuấn tú, trầm ngâm ấy, lắm thiếu nữ có thể ngây ra nhìn ngắm rồi ôm một giấc mộng của tuổi hoa niên. Chỉ là, đằng sau vẻ đĩnh đạc trầm ổn ấy, đằng sau vẻ nhàn tàn ung dung kia, trước muôn sắc sen hồng trong một buổi sớm mùa hạ tươi đẹp, người tinh ý sẽ nhìn ra dường như không hề có dù chỉ là một chút mê say như cái người ta thường hay trông thấy ở những văn nhân.

Là không rung động hay bởi che giấu quá tài?

Gió luồn vào trang sách đặt trên chiếc bàn đá gần đó, lật giở từng trang nghe xột xoạt. Tư Thành hơi cúi mình, hạ bút viết mấy câu thơ. Đầu bút lông lướt đi trên tờ giấy Bưởi[10], ý thơ tuôn chảy như thể vốn đã có sẵn trong đầu, chỉ cần hợp cảnh, hợp người thì tự nhiên xuất hiện. Hai cặp câu đề, thực[11] đã xong, bút đã chấm vào nghiên mực nhưng lại chần chừ chưa đặt xuống. Chàng nghiêng đầu, thong thả gác bút, đột nhiên cảm thấy bốn câu thơ còn lại nếu viết ra sẽ làm cả bài thơ nhìn qua thì đẹp nhưng ngẫm kĩ lại rất tầm thường.

[10] Một loại giấy nổi tiếng ở Đông Kinh (Thăng Long). Tên gọi gắn với địa danh, tạm hiểu là giấy làm ở vùng Bưởi, nhưng cả tổng Bưởi chỉ có làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã là làm giấy mà thôi.

[11] Trong thơ thất ngôn bát cú (thơ gồm tám câu, mỗi câu bảy chữ), cứ hai câu hợp thành một cặp, cả bài thơ gồm bốn cặp tên gọi: đề, thực, luận, kết.

Là thiếu một điều gì đó.

Khoanh tay trước ngực, tựa vai vào cây cột gỗ, Tư Thành phóng tầm mắt vào vùng xa rộng bạt ngàn những đóa hoa sen hãy còn e ấp. Mặt trời chưa lên cao, không khí hãy còn ẩn dư vị mát lành trong trẻo. Những phiến lá xanh tròn như những đồng xu đung đưa trong gió, mọc cao đến độ nếu không nhìn kĩ sẽ chẳng nhận ra giữa hồ sen rộng thực sự có người. Tiếng khỏa nước, tiếng con gái ríu rít vẳng từ xa đưa gần trở lại khiến chàng chú tâm.

Chiếc thuyền nan chòng chành trên mặt hồ, khi ẩn, khi hiện sau những cành lá xanh. Thiếu nữ đưa cánh tay trắng như ngà vin nhẹ cành hoa, lật giở chiếc lá sen bọc ngoài nụ từ chiều hôm trước. Ngắm nhìn cảnh tượng ấy, Tư Thành chợt mỉm cười. Hóa ra trà ướp hoa sen còn có kiểu cầu kỳ như vậy, hoàn toàn khác thứ được tiến cống vào cung mỗi độ hè về. Cẩn trọng thả từng búp trà vào trong nụ sen rồi lấy lá bọc lại, phơi sương một đêm để rồi đổi lại một chén nước con con cho người đời lưu luyến, còn gì sánh được nếu tất cả những việc tỉ mỉ ấy được giao cho những thiếu nữ xinh đẹp đương phơi phới xuân xanh. Nhìn qua những chiếc yếm nhuộm sơ sài, chỉ có sắc trắng hay màu nâu non trên những thân người yểu điệu thì đây chắc không phải là con nhà có của ăn của để. Mấy cô gái ấy nói gì chàng không nghe rõ, chỉ thấy họ cười rất vui vẻ, gò má ai cũng phơn phớt một sắc hồng tươi thắm.

Duy chỉ có người con gái vin cành hoa sen ban nãy là chẳng nói tiếng nào, thỉnh thoảng ngước lên, trên môi điểm một nụ cười rất nhẹ. Suối tóc đen nhánh không vấn bỏ đuôi gà mà buộc trễ hờ hững đặt sang bên vai, để những sợi tóc như tơ bay bay trong gió. Chẳng hiểu do ánh sáng hay bởi khoảng cách từ lầu bát giác ra đến chỗ nàng cũng chẳng gọi là quá gần mà khiến hình ảnh ấy đọng lại mờ ảo rồi như trong vắt, tan hòa vào mây nước. Hít vào một hơi, Tư Thành xoay người đề nốt bốn câu thơ lên tờ giấy rồi đi mất, để lại một khoảng mênh mông sau lưng.

- Tối nay chúng ta có được thưởng trà ngắm trăng không? – Cô đào Phượng cất tiếng lanh lảnh.

- Khối ra đấy, trà này đứa nào dám táy máy để xem ông trùm có để yên cho không?

- Pha trà, làm thơ, tấu nhạc… Huyên à, đến mùa hè là các chị không tranh không giành được với em rồi! Đúng là gái già thì không thể sánh được với gái tơ xinh đẹp, giỏi giang. – Có cô cất giọng bông đùa: – Con bé kia, sao còn không về đi?

Ngẩng lên khỏi tờ giấy trong tay, Hải Triều cười trừ:

- Các chị về trước đi, em còn chút chuyện.

Nhìn dáng vẻ chăm chú của cô gái, mấy cô đào cũng không tiện thúc giục thêm nên lẳng lặng mang chỗ trà ướp ra về. Nhìn xuôi nhìn ngược những con chữ đẹp đẽ, ngay ngắn còn chưa khổ hẳn trên trang giấy, Hải Triều thầm đoán tác giả hạ bút viết những dòng thơ này là người thế nào. Trong giáo phường, ngoại trừ ông trùm Tuân, thầy Nguyễn ra thì anh kép Thuận cũng là người hay chữ, từng bảo với nàng rằng, nhìn nét chữ có thể đoán tính người. Cau mày một cái, ngoài sự cứng cỏi, mạch lạc ra, nhất thời Hải Triều chưa nhìn được ra thêm điều gì thú vị.

Trên tờ giấy Bưởi, thơ đề:

Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương

Hồ thanh sắc ánh mặt dường gương

Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc

Chàm nhuộm nên màu tán chửa giương

Lạt biếc mới khai mày Thái mẫu*

Thắm hồng còn kín má Vương Tường**

Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ

Mười trượng hoa thì mười trượng hương.[12]

[12] Nộn liên (hoa sen non) – Lê Thánh Tông. Trích trong Hồng Đức quốc âm thi tập (tập thơ chữ Nôm của Lê Thánh Tông).

*Thái Mẫu: Dương Quý Phi

** Vương Tường: Vương Chiêu Quân

Thực chất, đây là bài thơ tả cảnh, dùng bút pháp ước lệ, mượn vẻ đẹp của hai trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc để miêu tả vẻ đẹp của hoa. (theo isis hiểu)

Ở trong bối cảnh Độc huyền cầm, ý của isis là: Bốn câu thơ cuối Lê Tư Thành thay đổi so với ý tưởng ban đầu, viết ra là bởi chàng nhìn thấy Hải Triều. Là mượn sen đẹp để nói người hay mượn người đẹp để tả sen, tùy mỗi người cảm nhận.

So với bốn câu thơ đầu, hai câu luận, hai câu kết đặc sắc hơn rất nhiều. Trong bốn câu hay hơn cũng chỉ có một câu khiến nàng thực sự cho là đáng giá nhất. Xưa nay Hải Triều vẫn quen nhận những câu thơ bằng chữ nho, nhận những bài thơ làm bằng thể Đường luật khuôn mẫu chỉn chu, nhận và hát những lời thơ như thế. Còn bài thơ trên tay nàng lúc này được viết bằng chữ nôm, từ ngữ thuần thục, trong cảnh có bóng người, trong người có cảnh, cũng gọi là một bức tranh đẹp. Lầu bát giác cạnh hồ Ngọc Liên còn được gọi là Thi đình, là nơi văn nhân, thi sĩ hay bậc thức giả ở Đông Kinh hay ghé quá ngắm cảnh, làm thơ nên giấy, mực chẳng lúc nào không để sẵn. Thơ nhiều đến nỗi người ta phải dựng một căn nhà cách lầu bát giác không xa để có thể cất những tác phẩm tức cảnh sinh tình ấy. Nghe đồn đâu đây cũng là chốn tài tử giai nhân gặp gỡ, là nơi tri âm tri kỷ tìm thấy nhau qua cảm hứng thi ca.

Góc tờ giấy phơ phất trong cơn gió mát lành. Cả một vùng bạt ngàn sen hồng thu vào đôi mắt tĩnh lặng như mặt hồ nước ngủ. Hải Triều gác bút, cuộn hai tờ giấy vào nhau rồi vui tay tháo dải lụa mềm trên mái tóc mình xuống, buộc ra ngoài. Bóng nàng đổ trên những nhành cỏ mọc chen giữa lớp đá cuội rải trên con đường dẫn đến kho thơ. Tùy tiện đặt cuộn giấy vào một chỗ, Hải Triều khẽ mỉm cười rồi đội nón lên đầu, rời đi ngay.

Cái tên Lê Hạo đề dưới những vần thơ ấy thoảng qua như gió thổi, như một sắc hoa rồi thôi. Cuộc sống của đào nương tràn ngập tiếng tơ tiếng trúc, tràn ngập những ý tứ thi nhân, một người đến, một người đi nhanh như vậy, thực tình sao có thể nhớ hết.

Ở đời vốn chẳng có duyên phận và nàng thì càng chẳng tin vào hai chữ nhân duyên ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3