Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 07 - Phần 1
Chương 7:
Tàn hoa
“Hoa nở, hoa tàn.
Trăm kiếp vạn kiếp chỉ mong đổi lấy
… một khoảnh khắc thanh xuân.”
Mùng một, chùa làng tấp nập kẻ ra người vào.
Các bà các mẹ một tháng đôi lần, thu xếp việc đồng áng
để mang hương hoa cúng Phật. Trong đám đông ấy, người ta chú ý đến một đứa bé
gái nhỏ nhắn, mình mặc áo tứ thân màu nâu non bên ngoài chiếc áo cánh trắng
đang sụp lạy trước tam bảo. Đôi môi hồng hồng của nó rì rầm khấn vái những gì
người ta không nghe rõ nhưng có vẻ thành tâm lắm. Khói hương vấn vít bay lên
trong không gian tràn ngập màu nâu thẫm của gỗ, sắc đỏ son của đồ thờ tự, làm
những tầng tầng tượng gỗ trước mắt thêm hư ảo, thâm nghiêm. Tiếng gõ mõ trầm
trầm, tiếng thỉnh chuông ngân ra theo chiều rộng của không gian, tiếng các sư
thầy tụng kinh tô đậm một không gian có âm thanh nhưng lại tịch mịch. Đứa bé
gái vẫn chắp tay trước ngực, vẫn quỳ trên nền gạch, ngước đôi mắt trong lên
nhìn những pho tượng tam thế, tượng Di Đà, tượng Thích Ca…, ánh mắt như dán lấy
những gương mặt nhẹ mỉm cười, hiền từ, tĩnh tại ấy. Đôi lông mày hơi nhíu lại
khi con bé thở ra một hơi thật dài. Cuối cùng, nó lạy tạ lần cuối rồi xách cái
bị đặt bên cạnh ra ngoài.
Ánh sáng rọi xuống làm đôi mắt đang quen với không
gian u tịch bên trong nheo lại. Trên sân chùa đầy hoa đại rơi, thả vào không
khí có mùi cây cỏ, mùi gỗ, mùi hương trầm thêm một hương thơm dìu dịu, thanh
tao. Hải Triều vén tà áo ngồi xuống một bậu cây, ngửa cổ nhìn bầu trời qua vòm
lá xanh với những chùm hoa mọc nơi đầu cành. Xung quanh con bé, mấy đứa trẻ lít
nhít đang thơ thẩn chơi, muốn chạy nhảy nhưng vì cái lừ mắt của người lớn mà
chán nản, đành nghịch tạm mấy cây cảnh trong vườn chùa. Ngày trước nó thường
theo Phùng đi lễ, dạo gần đây mới đi một mình, không tránh khỏi trong lòng dâng
lên chút suy nghĩ. In trong đôi mắt đen là đóa hoa năm cánh mịn màng, giữa sắc
trắng là màu vàng tươi tắn xoay xoay giữa những ngón tay. Hải Triều nhẹ mỉm
cười nhưng ấy lại là một nụ cười buồn khi con bé đưa tay đặt lại bông hoa vô
tình rơi vào lòng mình xuống đất. Mẹ vẫn bảo những thứ ở chùa dù chỉ là một cái
lá, một cánh hoa cũng không được tự tiện nhặt đem về, nếu làm vậy chắc chắn sẽ
bị Đức Phật trách tội. Con bé chẳng biết điều đó có đúng hay không, trong lòng
cũng không hẳn sợ hãi nhưng vẫn ngoan ngoãn nghe theo.
- Chào! – Một giọng nói như ẩn tiếng cười vang lên.
- Đằng ấy lại lên chùa gặp sư cụ sao? – Hải Triều
ngẩng lên, lớp sương mỏng trong đôi mắt tan đi khi nó mỉm cười tươi tắn hơn một
chút.
Thế Vinh gật đầu xác nhận, trên tay còn ôm khư khư mấy
quyển kinh phật bìa đã cũ như thể đấy là vật gì quý giá lắm. Cô bé nheo mắt đọc
tựa sách, thầm “à” một tiếng trong đầu. Hóa ra cậu bạn đang đọc kinh Bát
Nhã. Không cần câu nệ lễ tiết cái gì mà nam nữ thụ thụ bất thân, Thế Vinh
thoải mái ngồi xuống chỗ trống bên cạnh cô bé. Đôi mắt lanh lợi thoáng nhìn cái
bị của Hải Triều, nhận ra bên trong có mấy gói thuốc bắc, một ít bồ kết, ít vỏ
bưởi phơi khô dùng để nấu nước gội đầu.
- Bác gái vẫn chưa hết bệnh?
Thế Vinh nhỏ giọng hỏi rồi nhận được một cái lắc đầu
nên cũng không dám nói gì thêm. Hải Triều luôn kiệm lời như thế, hệt như một
căn phòng với cánh cửa đóng kín nhưng lại không tìm thấy khóa hay một thanh gỗ
nào chắn ngang. Trên sân gạch, bóng hai đứa trẻ đổ dài, như chạm vào nhau. Đứa
con trai ngồi cạnh ngày càng cao lớn, tưởng như chớp mắt một cái đã cao hơn Hải
Triều đến hơn một cái đầu. Bằng tuổi nhau nhưng tại con trai lớn nhanh như thổi
hay tại nó cứ nhỏ bé mãi? Người ta nghe con bé bảo năm nay đã mười tuổi mà cứ
cười cười như thể nó đang nói đùa. Thực ra đến cả chị Đào thân thiết với nó như
vậy mà thỉnh thoảng cũng thở ngắn than dài bảo, phải lâu lắm mới thấy Hải Triều
cao thêm một chút. Con gái đến tuổi này đã không còn là trẻ con nữa, cơ thể sau
chiếc yếm trắng dần dần phổng phao, có những đổi thay mềm mại, ưa nhìn. Hải
Triều không ưa gì cái Trinh nhưng cũng nhận ra điều ấy, trong lòng không khỏi
thắc mắc lẫn ghen tị. Đến cả Lam Ninh hồi xưa còn nhỏ người hơn cả con bé, giờ
chỉ cần nhìn một cái đã thấy khác biệt lắm rồi. Còn nó, nhìn trước nhìn sau, từ
trên xuống dưới, từ dưới lên trên kiểu gì cũng giống một đứa bé bảy, tám tuổi,
không hơn. Đem chuyện ấy hỏi mẹ, bà chỉ đơn giản nói: “Không cần phải vội”.
Chống tay đỡ lấy một bên má, đôi mắt đen nheo lại có ý
trêu chọc, Hải Triều hỏi:
- Sao, nịnh bợ được sư cụ để người cho vào kho sách
của chùa xem mộc bản[1] chưa? Cái đợt lần trước dám lẻn vào, nếu không phải có
mình đứng ngoài canh cho thì chết rồi nhé!
[1] Ván khắc bằng gỗ dùng để in sách.
Đưa tay gãi đầu, thằng bé cười hì hì, đoạn thò tay vào
trong túi áo lấy ra một củ khoai bẻ làm đôi, chia cho con bé một nửa.
- Chỉ có thế thôi hả? – Nó dài giọng nhưng vẫn đưa tay
nhận lấy, im lặng một hồi nghe tiếng ve kêu xa xa rồi mới lên tiếng. – Vinh
này, thật sự có thể thoát khổ được như trong giáo lý nhà Phật không? Chỉ cần
nhìn thấu nhân gian vô ngã, vô thường, nhìn thấu nguồn cơn của đau khổ thì sẽ
có cách diệt khổ? Niết bàn thì mình không nói, chỉ cần bớt đau đớn là đủ rồi.
Đăm đăm nhìn vẻ mặt trầm mặc của cô bé, Thế Vinh im
lặng. Không phải cậu không trả lời được mà là không biết phải dùng những điều
mình hiểu ra sao để giải đáp những khúc mắc trong lòng người bạn này. Nói chữ
theo sách vở bao giờ cũng thật dễ dàng.
- Về lý thuyết là vậy! – Cậu vươn người. – Nhưng ở đời
không thể chỉ có khổ đau hoặc sung sướng. Mình vẫn nghĩ không có cái này thì
cũng không có cái kia. Phật bảo đời là bể khổ nhưng mình thì không
cho là vậy. Nghe thế… hơi bi kịch quá nhỉ?
- Nói như các thầy chùa, đằng ấy như vậy là khổ nhưng
lại không biết là mình khổ. – Cô bé cười. – Vậy cũng chẳng có gì là xấu. Thôi,
mình về đây. Phu nhân với tiểu thư đi lễ xong rồi.
Bước xuống từ mấy bậc cấp là cô con dâu cả của quan
lớn, trên tay cầm mâm đồ lễ. Đi sát bên cạnh người thiếu phụ là Lam Ninh. Trong
ánh nắng, chiếc áo tứ thân màu trắng ngà trên người cô bé tiệp màu với chiếc áo
cánh màu hồng nhàn nhạt bên trong nom xa dường như tỏa thứ ánh sáng mờ ảo. Đôi
gò má ửng màu hoa đào, đôi mắt đen dịu dàng như tìm kiếm ai trong đám đông.
- Nhìn cái gì thế? – Hải Triều nghiêng nghiêng người
trông theo ánh mắt của Thế Vinh. Do con bé thấp hơn nên kiễng chân, nghển cổ
một hồi mới phát hiện ra thứ đang thu hút sự chú ý của cậu bé bên cạnh. – À,
hóa ra đằng ấy không phải chỉ biết mỗi việc chơi và mấy cuốn sách. Nhìn trúng
tiểu thư Lam Ninh rồi à?
- Không có, không có! – Thế Vinh xua tay, nhìn xuống
mũi bàn chân của mình rồi chuyển ánh mắt nhìn cô bạn, nghiêm túc vào thành thực.
– Đã nói từ xưa rồi mà, sau này sẽ mang võng điều đến đón ấy về làm vợ.
Con bé nghe thấy vậy liền bật cười lanh lảnh, đuôi mắt
cong xuống, gật gật đầu:
- Nhớ rồi! Sau này đằng ấy trở thành tân khoa trạng
nguyên sẽ đến cưới mình, để mình làm phu nhân quan trạng đúng không? Chớ có
nuốt lời. Về thật đây!
Lách người qua đám phụ nữ đi lễ về, Hải Triều thoắt
cái đã đến bên người thiếu phụ, nhanh tay quàng cái bị lên vai rồi đỡ lấy mâm
đồ lễ. So với lúc đi, giờ nó không phải đội mâm lên đầu, cũng đỡ phiền hơn một
chút. Lam Ninh nhìn cô bạn, định hỏi gì đó nhưng chợt nhớ ra mẹ đang ở đây,
cũng không có giấy bút để viết nên đành hạ bàn tay đang định giật giật ống tay
áo Hải Triều xuống.
Ánh mắt mênh mang của cô bé cứ nhìn theo mãi vào trong
đám đông.
***
Lần đầu tiên sau cái đận cùng Phùng về quê, Hải Triều
mới gặp một người lạ.
Xưa nay con bé chỉ quen nhìn mẹ mình cúi đầu, quỳ lạy
trước mặt người khác, đến cả trong mơ cũng chưa bao giờ nghĩ một ngày sẽ có
điều ngược lại xảy ra. Thế mà trong buổi trưa hôm ấy, khi tất cả đám gia nhân
trong nhà kẻ thì hầu hạ mấy vị chủ nhân ở nhà trên, người thì ra đồng gặt lúa
cho kịp, trong gian nhà ngang vắng vẻ, con bé đã nhìn thấy qua ô cửa sổ khép hờ
một người phụ nữ xa lạ quỳ trước mặt mẹ nó. Dù giọng nói của người ấy đã bị đè
xuống nhưng vẫn nghe ra đang gọi Phùng một tiếng: “Phu nhân”. Rút ra từ trong
tay nải hai tờ giấy dó mỏng manh ghi những con chữ vuông vắn san sát nhau,
người phụ nữ nọ cẩn trọng trao cho mẹ Hải Triều.
Lần gần nhất, cách đây cũng đã vài năm, Phùng rơi nước
mắt là khi đứa con gái ngã xuống giếng. Cái lần xa xôi hơn nữa là khi con bé
mới lên ba. Lắm lúc Hải Triều cũng tự hỏi mẹ mình có biết khóc hay không, hay
người thực sự đã chuyển tất cả những mặn chát ấy vào sợi dây đàn. Thế mà hôm
nay, bà khóc rất nhiều, khóc rất thương tâm. Chưa bao giờ con bé thấy mẹ như
thế, về sau cũng không lần nào thấy nữa. Bàn tay gầy gầy run rẩy đưa ra như sợ
hãi, sợ chỉ chạm vào mép trang giấy kia, mọi thứ sẽ vỡ tan hệt như giấc mộng.
Ghì chặt hai tờ giấy vào ngực, thân hình gầy gò của bà như cái cây trước gió
lớn mà đổ rạp xuống. Bờ vai người run lên từng hồi, tiếng khóc nghe rất khẽ nhưng
nức nở, nửa đau buồn, nửa lại như hạnh phúc.
- Phu nhân, sau khi đại nhân cùng gia quyến bị xử
trảm, tất cả sách vở, tác phẩm của người đều bị triều đình tịch thu, đốt bỏ
bằng sạch. Đến cả những mộc bản cũng không giữ được. Nô tì… nô tì trước khi rời
phủ chỉ nhặt được lại từng này thôi! – Người phụ nữ lạ mặt nói, nghèn nghẹn mãi
mới cất được lời.
- Đại nhân… cuối cùng… cuối cùng… Mai Loan cũng tìm
được người rồi. Con bé không sao cả, giọt máu của đại nhân vẫn còn đây. Những
gì thiếp làm được đều đã làm cả rồi. Con bé còn sống thì đại nhân… cũng còn
sống!
Hải Triều không rõ mẹ mình có nghe hết những lời người
kia thưa hay không nhưng những điều bà nói ngay sau đó, đến chết con bé cũng
không thể nào quên được. Nắng buổi quá trưa từ vòm trời xanh ngắt hắt xuống sân
gạch nhức nhối. Hải Triều đứng tựa lưng vào bức tường đất, tay nắm chặt đến nỗi
trong lòng bàn tay in hằn cả những vết tích, có làm vậy thì cái bị mới không
rơi xuống đất. Đôi mắt con bé mở lớn, nhìn trân trân cảnh tượng bên ngoài.
Không ai dò ra trong nền đen ấy liệu có chứa những xao động hay chăng, đến cả
bản thân đứa bé gái cũng không hiểu lúc ấy mình nghĩ những gì, mình cảm thấy
gì. Tự nhiên một lúc lâu sau, nó lại mỉm cười, nhè nhẹ bước ra ngoài sân rồi
làm bộ như vừa đi lễ chùa về, cất tiếng trong veo:
- U ơi, con về rồi! Con đi sắc thuốc rồi nấu cơm u con
mình ăn nhé?
Trong nhà có tiếng xột xoạt của vải áo thô cọ vào
nhau. Hai người phụ nữ không nói thêm một tiếng nào, cố làm ra vẻ bình thản
nhất để đón đứa bé gái. Con bé cười cười, khoanh tay chào khách, dường như
không nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của mẹ, càng không nhìn thấy hai tờ giấy bà vẫn
đang giữ chặt trong tay. Phùng khom người, nói khẽ:
- Con mệt rồi, đi rửa chân tay đi. Hôm nay nhà có
khách, để u đi nấu cơm cho.
- U còn chưa khỏi bệnh mà, cứ để đấy con làm. U vào
nhà nghỉ đi! – Hải Triều ngước mắt nhìn lên rồi lễ phép nói với khách: – Cô
ngồi chơi, cháu chạy xuống bếp một loáng là xong ấy mà!
Nó nhanh tay giằng lấy rá gạo với rổ rau trong tay
Phùng rồi đi ra ngoài giếng nước, bỗng chốc muốn né tránh đôi mắt của mẹ, né
tránh cả kiểu biểu cảm bản thân không hiểu nổi hiện lên trên gương mặt người
phụ nữ kia. Bám tay vào thành giếng, Hải Triều thở hắt ra như thể mới chạy một
quãng đường dài. Trên mặt nước tròn vành vạnh bên dưới là bầu trời xanh tươi
sáng không có lấy một gợn mây, là hình bóng một đứa con gái nhỏ nhắn với gương
mặt không biết phải miêu tả thế nào. Là bàng hoàng, sửng sốt hay thờ ơ, khép
kín? Là hoang mang hay đang tự mỉa mai chính mình? Con bé dường như nhìn chỉ để
mà nhìn bản thân mình nơi đáy nước mà thôi. Cái gầu rơi mạnh xuống kêu “tang”
một tiếng vang vọng, khô khốc. Chẳng mấy mà những ảo ảnh phản chiếu vỡ tan khi
Hải Triều nhoài người, khua sợi dây trong tay một vòng để nước tràn vào gầu rồi
kéo lên. Nó sắn tay áo, bặm môi kéo chậu quần áo ngâm trong nước bồ hòn nặng
trịch sang một bên để bắt đầu vo gạo, rửa rau. Nhìn qua cảm tưởng như con bé
chuyên chú lắm nhưng thực chất trong đầu lại đang nghĩ những điều xa xôi khác.
Hóa ra tất cả những điều nó mơ hồ cảm thấy từ ngày còn
thơ bé đến giờ đều là thật. Bức tường mẹ dựng lên xung quanh dày đến nỗi Hải
Triều không thể bước qua. Trước nay nó đều tự an ủi mình, tự hoang đường nghĩ
bản thân từng chút, từng chút một đã có thể chạm đến trái tim đương đập của
Phùng. Giờ mới chấp nhận rằng mọi điều là sai cả. Những yêu thương, những kỉ
niệm chạy lướt qua tâm trí làm con bé hoang mang. Đâu là thực, đâu là hư nó đều
không biết. Đứa bé gái đã nghe ra nhiều điều trong khúc nhạc của mẹ, đã linh
cảm thấy hết nhưng vẫn tự dối gạt bản thân mình.
“Đời bà đến đấy coi như đã hỏng, đã chẳng thể cứu vãn
được gì. Mẹ sợ sinh mạng của tôi vỡ nát không phải vì bản thân tôi mà bởi, nếu
tôi chết, cha trong mắt mẹ cũng sẽ mất, cha sẽ chẳng còn lưu lại được chút gì
trên đời. Khúc nhạc bà chơi nếu chỉ đơn giản là đau khổ, là ai oán thì đi một
nhẽ. Đằng này không phải. Trong nỗi buồn được dệt ra từ phần sâu thẳm nhất
trong trái tim, nó lại chảy tràn ra xung quanh những yêu thương đau đáu, những
chờ đợi, những hy vọng đến tuyệt vọng. Cả đời bà chưa bao giờ có được cha nên
tự nhiên, bà giữ chặt tôi trong tay mình. Đứa con gái này đột nhiên trở thành
hình bóng người đàn ông cả đời bà mơ tưởng. Là tôi ngốc nghếch vờ như không hay
điều đó mà thôi!”.
Ý nghĩ ấy tràn ngập đầu óc đứa bé còn gương mặt kia
dần dần trở lại dáng vẻ thường ngày. Trong bụi cây cạnh cầu ao, có con chim
chợt cất tiếng hót véo von.
***
Đặt sách vở lên bàn, Hải Triều chạy vù xuống bếp bắc
siêu thuốc xuống, đổ vào cái bát sứ rồi cẩn thận bê lên nhà. Sau gần một năm
bệnh lên bệnh xuống, hôm nay tự nhiên sắc mặt của Phùng hồng hào hơn hẳn, đã có
thể nhúc nhắc làm việc này việc khác.
- U uống thuốc đi cho nóng! – Con bé cười nhẹ, đặt bát
lên bàn cạnh chiếc chõng tre, ngoan ngoãn lại gần người phụ nữ. – Con đun nước
bồ kết rồi, tẹo con giúp u gội đầu nhé?
- Khổ cho con quá! – Phùng mỉm cười, xòe bàn tay Hải
Triều ra. Đôi lông mày thoáng cau lại khi bà nhìn những vết chai, một hồi sau
mới khép những ngón tay con bé vào. – Con lấy cái lược gỗ lại đây, u chải tóc
cho.
Khoanh chân ngồi xuống cạnh mẹ, nó cười tươi rói khi
đưa tay gỡ mái tóc xuống, bỏ vuông vải nâu dùng để vấn tóc ra. Mái tóc đen dài
ỏng ả, sợi nào cũng mềm, cũng mảnh như sợi tơ tằm đổ xuống bờ vai thon. Phùng
nghiêng đầu chăm chú chải tóc cho con bé, nhẹ nhàng từng chút một, ngắm nghía
nó từng chút một. Đôi tròng mắt như nước hồ thu luôn trầm mặc u buồn, cái mũi
xinh xinh, khóe môi chỉ cần nhếch lên một chút là tựa đóa hoa hé nở… Tất cả đều
nhỏ nhắn, thanh nhã, mỏng manh như nét bút đưa lướt trên vuông vải trắng. Nén
tiếng ho, người phụ nữ hạ giọng hỏi:
- Con tên là gì?
Mấy từ ấy làm đôi mắt Hải Triều mở lớn ngạc nhiên.
Nhìn gương mặt héo hon, gầy mòn vì ốm đau nhưng bình tĩnh của mẹ, con bé trong
lòng thực sự không hiểu nhưng vẫn đáp bằng giọng e dè:
- Là… Nguyễn Thị Huyên.
- Không phải! – Phùng lắc đầu, những ngón tay gầy vuốt
nhẹ lên suối tóc của con bé.
- U, vậy là sao?
Bà cúi sát xuống, thì thầm vào tai nó:
- Nhỡ kĩ lời u nói. Thầy con là Nguyễn Trãi, từng là
đại thần trong triều. Trước nay u luôn giữ kín, giờ mới nói ra vì con không còn
nhỏ nữa. Thầy đặt tên cho con là Nguyễn Hải Triều. Vì có nhiều chuyện phức tạp
liên quan đến mạng người nên những điều này con không được để cho bất kì ai
biết nếu muốn toàn mạng. Nhưng đã là tên thầy đặt, là thầy sinh ra con, những
chuyện về người tuy ngoài miệng không được nói ra nhưng phải ghi tạc trong
lòng, hiểu không?
Bàn tay đặt trên đùi của con bé hơi run lên, đôi môi
mấp máy mãi mới thành tiếng:
- Hải… Triều?
- Con nói luôn muốn có một cái tên đẹp như tên của u
còn gì? – Bà mỉm cười, ánh mắt xa xăm nhìn đến chỗ nào đó mơ hồ sau lưng đứa bé
gái – Cái tên “Hải Triều” của con là tên chữ của làng nơi u sinh ra.
Chút hạnh phúc mong manh lướt qua đôi mắt đầy những
vết chân chim chợt tan biến khi Phùng nhìn xuống cô con gái vẫn đôi phần ngơ
ngác cạnh mình. Áp bàn tay lên nước da của Hải Triều, người phụ nữ chầm chậm
nói, từng chữ, từng chữ đều như muốn in hằn lên đầu óc non nớt của đứa trẻ:
- Sau này lớn lên, con sẽ được nghe nhiều chuyện, mỗi
người nói mỗi khác. Nhưng có một sự thật, dù ai thêu dệt thế nào con cũng phải
nhớ thầy con và tam phu nhân Nguyễn Thị Lộ một đời quang minh chính đại.
Riêng điều này, nó gật đầu ngay không cần băn khoăn
bởi thầy là người đàn ông mẹ đã yêu cả một đời người. Với tay mở nắp chiếc hòm
gỗ tróc sơn, lục tìm trong đống quần áo, Phùng lấy ra một bọc lụa màu tía thắt
sợi dây tết đỏ tươi. Nằm giữa lớp lụa mịn màng là sợi xà tích bằng bạc trắng
đẹp hơn tất cả những sợi xà tích Hải Triều từng trông thấy các cô ngoài chợ
đeo, đẹp hơn cả món đồ trang sức của các tiểu thư nhà quan lớn. Những hình chạm
nổi bách hoa[2] ẩn mình trong sương vô cùng tinh xảo, bên dưới còn đính
chùm chuông nhỏ rung lên những tiếng leng keng vui tai khi có ai đụng vào. Đặt
vật ấy vào lòng bàn tay con bé, người phụ nữ cười:
- Thứ này là đích phu nhân cho con lúc con mới đầy
tháng. Phu nhân bảo trong nhà chỉ có mình Hải Triều là con gái yêu của thầy nên
nhất định phải có một món trang sức tương xứng. Mẹ cả rất thương con nên sau
này phải hiếu lễ với người, phải hương khói cho người đầy đủ, hiểu không?
[2] Một trăm loại hoa. Ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Những lời ấy như những mảnh vỡ của một bức tranh mà
người ta cố tình vì lẽ này hay lẽ khác giấu đi những phần quan trọng nhất,
không để đứa trẻ hay biết. Những mảnh rời rạc ấy bám riết lấy đầu óc Hải Triều
khiến đôi lần nó bị thầy dạy nhắc nhở vì lơ đãng, nói trước quên sau. Lam Ninh
nghiêng đầu thấy bóng người đàn ông đi khuất liền giật giật tay áo cô bé ngồi
cạnh, tay khua khua một hồi có ý hỏi han.
- Em không sao đâu. Tiểu thư đừng lo. À… chúng ta đi
xem chèo đi!
Lam Ninh cau mày nhìn ra ngoài trời. Đang là buổi
chiều, làm gì có ai rảnh rỗi đến thế kia chứ? Nhưng chưa kịp nói gì thêm, cô bé
đã thấy mình bước theo cô bé trước mặt. Giấu bộ quần áo bằng lụa đắt tiền vào
trong cái bồ, đôi môi cô tiểu thư nhoẻn cười khi nhận lấy xấp váy áo Hải Triều
đã chuẩn bị sẵn. Vải tuy không mịn màng, trơn láng nhưng mặc lên lại thấy thoải
mái, cảm giác như có thể ngồi ở bất kì đâu, làm bất kì điều gì mà chẳng ai dõi
theo để mà nghiêm khắc chê trách, suốt ngày lải nhải tiểu thư phải thế nọ, tiểu
thư phải thế kia. Lam Ninh có nghe người lớn kể về những chiếu chèo tại sân
đình khi tối trời, sau mỗi vụ gặt hay lúc nông nhàn; cũng từng nghe phong thanh
tiếng làng trên xóm dưới cứ đến tầm đó lại í ới gọi nhau rộn ràng như đi hội.
Nhưng cụ thể thế nào thì cô bé chưa từng được tận mắt nhìn thấy.
Nơi Hải Triều dẫn Lam Ninh đến không phải đình làng mà
là một cái nhà tuềnh toàng, bỏ không dựng lên ở khoảnh đất giữa cánh đồng và
đường làng làm chỗ cho người ta nghỉ chân. Lúc hai cô bé đến, bên trong đã có
một đám trẻ con lít nhít đủ mọi lứa tuổi đang xôn xao chuyện trò, vẻ như quen
với những lần tụ tập này lắm. Hải Triều chỉ cho tiểu thư một chỗ ở ngay hàng
đầu, đưa tay cởi hai tà áo tứ thân buộc phía trước ra rồi nói:
- Ở đây nhé! Mình đi có việc một chút.
“Có việc” – hai từ ấy làm Lam Ninh chột dạ, vừa định
nhổm đứng dậy thì đã thấy tiếng trống ếch vang lên, tuy không được như trống
cái nhưng nghe cũng vui tai phết. Gõ mạnh vào mặt da rồi vào tang trống, cậu bé
tên Lương Thế Vinh quét mắt nhìn khắp lượt đám trẻ, mặt hơi vênh lên, chiếc dùi
trống trong tay chỉ về phía trước theo nhịp bước chân, vui vẻ cất giọng dõng
dạc:
- Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tứ cảnh hòa trung
Nghe tôi giáo trống,
Trường không phong động
Cũng bởi trống tôi
Làng đã vào ngồi
Tôi xin diễn tích[3].
[3] Bài giáo trò của tôn sư Từ Đạo Hạnh – người theo Lương
Thế Vinh là tác giả viết tích chèo nổi tiếng đầu tiên (theo Hý phường phả
lục).