Danh Tướng Việt Nam - Chương 77: Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng

II. Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng – hai vị danh tướng tiên phong của sự nghiệp đánh đuổi quân Minh

1. Vài dòng về lai lịch

Trần Ngỗi (tức Trần Quỹ), con thứ của Hoàng Đế Trần Nghệ Tông (1370-1372) nhưng sinh vào năm nào và thân mẫu là ai thì chưa rõ. Dưới thời Trần Nghệ Tông. Trần Ngỗi được phong làm Giản Định Vương, đến thời nhà Hồ (1400-1407), Trần Ngỗi được phong là Nhật Nam Quận Vương. Khi quân Minh tràn sang xâm lược nước ta và cuộc kháng chiến đo nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại, Trần Ngồi liền rời kinh thành Thăng Long vào vùng Ninh Bình ngày nay và quyết tâm chiêu mộ lực lượng để đánh giặc.

Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), tức là sau khi toàn bộ những nhân vật quan trọng nhất của triều đình nhà Hồ đã bị quân Minh bắt hết về Trung Quốc, để tạo ra ngọn cờ chính thống cho cuộc chiến đấu giành độc lập, tại đất Mô Độ (thuộc châu Trường Yên xưa – nay thuộc Tam Điệp, Ninh Bình) Trần Ngỗi đã chính thức lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Sử cũ và truyền thuyết vẫn thường gọi ông là Giản Định Đế. Trần Quý Khoáng (cũng đọc là Trần Quý Khoách), con thứ của Mẫn Vương Trần Ngạc, cháu gọi Hoàng Đế Trần Nghệ Tông là ông nội và gọi Trần Ngỗi là chú ruột. Hiện chưa rõ Trần Quý Khoáng sinh vào năm nào. Khi quân Minh xâm lược nước ta, Trần Quý Khoáng đã lập tức rờ kinh thành Thăng Long và đi vào khu vực phía nam để tìm cách xây dựng lực lượng đánh giặc cứa nước. Ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), tại đất Chi La (nay thuộc Đức Thọ, Hà Tĩnh), Trần Quý Khoáng đã lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Trùng Quang. Sử cũ cũng như truyền thuyết vẫn thường gọi ông là Trùng Quang Đế.

Do chỗ Giản Định Đế Trần Ngỗi và Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đều có chung một nguồn gốc xuất thân là quý tộc họ Trần, có chung một nghĩa cả rất thiêng liêng là đánh giặc cứu nước, và cũng do chỗ cả hai cùng xưng là Hoàng Đế nên đời vẫn thường gọi đây là nhà Hậu Trần. Giản Định Đế Trần Ngỗi mất năm 1409 còn Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng thì mất năm 1413, nhưng vì chưa biết năm sinh nên cũng chưa rõ là khi mất, hai bậc Hoàng Đế này được hưởng thọ bao nhiêu tuổi.

2. Trần Ngỗi – người đầu tiên giương cao ngọn cờ đại nghĩa chống quân Minh xâm lược

a) Lên ngôi Hoàng Đế và đánh trận đầu ở Mô Độ

Ngay sau khi quân của nhà Hồ bị đại bại, Trương Phụ (tướng tổng chỉ huy quân Minh xâm lược) liền yết bảng truy bắt con cháu họ Trần, vì lẽ đó, (Trần) Ngỗi phải tạm lánh đến Mô Độ ở TrườngYên. Do xuất thân là quý tộc họ Trần nên vừa đặt chân đến khu vực Mô Độ, Trần Ngỗi đã lập tức được nhân dân các địa phương đón tiếp rất nồng hậu. Trong số các bậc hào kiệt có công giúp rập sớm nhất đối với Trần Ngỗi, nổi bật hơn cả là Trần Triệu Cơ.

Thư tịch cổ không hề cho biết gì về lai lịch của nhân vật Trần Triệu Cơ, ngoại trừ một chi tiết khẳng định duy nhất rằng sinh quán của ông là vùng Thiên Trường (Nam Định). Người họ Trần mà quê ở Thiên Trường thì thường là thuộc dòng dõi của quý tộc họ Trần và nếu quả đúng như vậy thì có lẽ Trần Triệu Cơ nhiều lắm cũng chỉ là hậu duệ của một chi thứ nào đó nên mới không có chức danh hoặc là tước vị gì đáng kể. Trước khi tìm đến với Trần Ngỗi, Trần Triệu Cơ đã chiêu mộ được một lực lượng khá lớn và chính ông là người đã tôn lập Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng Đế ở Mô Độ.

Lên ngôi ngày mồng 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407) thì đúng hai tháng sau (đầu tháng 12 năm 1407), Trần Ngỗi đã buộc phải đối đầu với một cuộc tấn công có quy mô rất lớn của quân Minh. Bấy giờ, do quân mới được chiêu mộ, lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm thì rất dồi dào nhưng trình độ chiến đấu và nhất là kinh nghiệm trận mạc thì còn quá ít ỏi, cho nên, Trần Ngỗi đành phải cam chịu thất bại. Trần Ngỗi cùng với những bộ hạ thân tín đem tàn binh chạy vào tận Nghệ An.

b) Trần Ngỗi với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân: Cuộc gặp gỡ quân thần tương đắc và cảm động

Chạy đến Nghệ An, khi tình thế của nghĩa quân đang lúc khó khăn chồng chất thì tháng 4 năm 1408, Trần Ngỗi đã may mắn được Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đem lực lượng tới phò tá, riêng Đặng Tất còn đem cả con gái của mình tiến dâng cho Trần Ngỗi. Khác với nghĩa quân của Trần Triệu Cơ, đội ngũ tướng sĩ dưới quyền của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân từng được huấn luyện khá cẩn thận, cho nên, năng lực và hiệu quả chiến đấu của họ cũng cao hơn hẳn. Trần Ngỗi rất lấy làm vui mừng, phong Đặng Tất tước Quốc Công, dùng Nguyễn Cảnh Chân làm Tham Mưu Quân Sự và cho cả hai người được cùng với Trần Ngỗi dự bàn việc lớn. Đó thực sự là một cuộc gặp gỡ rất tương đắc của những người cùng có chí cả.

Tại đất Nghệ An, sau khi có thêm vây cánh mới là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, thanh thế của nghĩa quân Trần Ngỗi nổi lên rất nhanh chóng. Để khẳng định sức mạnh và tạo dựng ảnh hưởng ngày một rộng lớn hơn, ông đã có hai quyết định rất quan trọng.

- Một là nghiêm trị những kẻ đã cam lòng đầu hàng và hợp tác với quân Minh xâm lược. Thực hiện quyết định này, Trần Ngỗi đã bắt giết Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu cùng với hơn 500 thuộc hạ của hai nhân vật này. Đây là một quyết định vội vã, tả khuynh và hoàn toàn không cần thiết, nhất là khi mà thế và lực của nghĩa quân Trần Ngỗi còn rất non yếu. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã hoàn toàn có lí khi viết lời bàn rằng: “Giết (Trần) Thúc Dao và (Trần) Nhật Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ thì lẽ ra nên vỗ về rồi dùng, chúng nhất định sẽ vì vậy mà cảm kích, suốt đời luôn mang ơn đội đức, được như thế chẳng phải là tốt hơn sao?”

- Hai là táo bạo cho quân vượt biển tiến ra Bắc, tấn công thật bất ngờ vào khu vực bến Bình Than (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Các tướng lĩnh như Trần Nguyên Tôn, Trần Dương Đình, Trần Ngạn Chiêu và Phạm Chấn được Trần Ngỗi tin cậy giao việc chỉ huy thực hiện. Xem xét kế hoạch bài binh bố trận lúc bấy giờ, chúng ta có thể thấy ý đồ chủ yếu của Trần Ngỗi là tìm cách chia cắt lực lượng đối phương, nhằm tạo cơ hội thuận tiện cho một cuộc tấn công khác lớn hơn, do đích thân Trần Ngỗi cầm đầu, dọc theo đường bộ từ Nghệ An đánh ra.

Nhưng, quả đúng là lực bất tòng tâm kế hoạch của Trần Ngỗi và các vị tướng tâm phúc trong bộ chỉ huy nghĩa quân không thực hiện được. Lực lượng vượt biển để bất ngờ đánh mạnh vào khu vực bến Bình Than dã gặp phải sức đề kháng và phản công quyết liệt của quân Minh, cho nên, chẳng bao lâu sau đó đã bị tan vỡ phải rút chạy về hành tại ở Nghệ An. Trong khi đó ở Nghệ An, Trần Ngỗi cũng bị Trương Phụ đem đại quân vào đàn áp rất quyết liệt. Được sự hợp tác đắc lực của viên thổ quan phản bội là Mạc Thuý, Trương Phụ đã đánh rất cấp tập, Trần Ngỗi “vì quân ít, không thể chống đỡ nổi nên đành phải lui về Hoá Châu. Giặc Minh đuổi theo đến tận cửa biển Bố Chính.” Đúng vào giờ phút rất nguy nan đó, Phạm Thế Căng đã ra đầu hàng và lập tức Trương Phụ trao cho chức Tri Phủ ở phủ Tân Bình (đất phủ Tân Bình nay thuộc Quảng Bình cộng với hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị).

c) Trận Bô Cô – đỉnh cao chói lọi nhất về nghệ thuật cầm quân của Trần Ngỗi

Sau khi hoàn thành việc chỉ huy trận càn lớn vào đại bản doanh của Trần Ngỗi, tướng tổng chỉ huy của giặc là Trương Phụ được lệnh phải lên đường trở về Trung Quốc, một viên tướng giặc khét tiếng khác là Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh được mang ấn Chinh Di Tướng Quân và đem thêm năm vạn quân sang thay. Nhân khi Mộc Thạnh còn đang trên đường hành quân, Trần Ngỗi cùng bộ chỉ huy nghĩa quân đã quyết định chủ động tổ chức phản công mà mục tiêu đầu tiên là tiêu diệt bọn tay chân thân tín của giặc ở khu vực Tân Bình và Thuận Hoá. Diệt được bọn tay chân thân tín và rất nguy hiểm này cũng có nghĩa là đã diệt được cơ sở xã hội của quân Minh.

Ngày 16 tháng 6 năm Mậu Tí (1408), nghĩa quân Trần Ngỗi đã đánh vào cửa biển Nhật Lệ, tên phản bội Phạm Thế Căng cùng cháu của hắn là Phạm Đống Cao bị bắt và bị giải về hành tại của Trần Ngỗi (lúc này đã chuyển về Nghệ An) rồi bị giết. Trận thắng lớn này đã làm nức lòng nhân dân các địa phương, bọn tay sai của giặc cũng vì thế mà không dám lộng hành quá quắt như trước nữa.

Tháng 10 năm Mậu Tí (1408), Trần Ngỗi quyết định mở một cuộc tấn công lớn vào Đông Đô. Tất cả nghĩa binh đóng rải rác ở Thuận Hoá, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu và Thanh Hoa đều được gấp rút huy động vào cuộc tấn công có quy mô rất lớn này.

“Những bề tôi cũ và hào kiệt các nơi, không ai là không hưởng ứng.” Ngày 14 tháng 12 năm 1408, một trận ác chiến đã diễn ra tại Bô Cô (nay thuộc Ý Yên, Nam Định) giữa nghĩa quân Trần Ngỗi với quân Minh do Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh chỉ huy. “Hoàng Đế tự tay cầm dùi đánh trông, hạ lệnh cho ba quân thừa cơ xông trận, đánh mãi từ đầu giờ Tị đến cuối giờ Thân. Quân Minh thua chạy. Ta chém được Binh Bộ Thượng Thư Lưu Tuân, Đô Ti Lữ Nghị cùng các loại quân cũ mới nhiều đến hơn 10 vạn. Chỉ có Mộc Thạnh là chạy thoát về thành Cổ Lộng.”

Trận Bô Cô là trận điển hình về nghệ thuật phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh với thuỷ binh, về năng lực chỉ huy các lực lượng mới từ nhiều địa phương và khu vực khác nhau đến hội quân. Trận Bô Cô cũng chính là trận hiên ngang mặt đối mặt đầu tiên giữa lãnh tụ của nghĩa quân với tướng tổng chỉ huy quân Minh xâm lược. Với trận đại thắng ở Bô Cô, tên tuổi của Trần Ngỗi trở nên lừng lẫy. Và, kể từ sau trận Bô Cô, quân Minh chẳng những không dám cói thường mà còn kính nể tài thao lược của Trần Ngỗi.

d) Người giỏi chẳng phải lúc nào cũng giỏi

Ngay sau trận đại thắng vang lừng ở Bô Cô, tiếc thay, giữa lãnh tụ Trần Ngỗi với hai tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đã bắt đầu nảy sinh sự bất đồng. Trần Ngỗi cho là phải nhân thế chẻ tre, thẳng tiến ra Đông Quan. đánh mạnh vào tận sào huyệt kiên cố cuối cùng của giặc, trong khi đó Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân lại chủ trương rằng phải ổn định đất mới giành lại được, diệt trừ bọn giặc còn sót để tránh hậu hoạ lâu dài. Đang lúc đôi bên chưa đủ lí lẽ chắc chắn để thuyết phục được nhau thì giặc ở Đông Quan đã vào giải cứu được Mộc Thạnh, đã thế, bọn Nguyễn Quỹ và Nguyễn Mộng Trang lại nhân đó mà buông lời gièm pha. Trần Ngỗi đã dại dột bắt giết cả Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Chuyện đau lòng này xin được trình bày ở phần viết về Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.

Chỉ trong vòng một năm mà Trần Ngỗi đã có đến hai lần thể hiện sự quá tả của mình. Với việc giết hại hơn 500 thuộc hạ của Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu (tháng 12 năm 1407), Trần Ngỗi đã tự đẩy mình vào thế bị cô lập. Đến đây (tháng 12 năm 1408), với việc đồng thời bắt giết cả hai vị tướng cao cấp và tài năng nhất là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, kể như Trần Ngỗi đã tự chặt đứt hai cánh tay của mình rồi vậy. Cánh cửa vinh quang của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc tưởng chừng như sẽ được trang trọng kết đầy những trận thắng vang dội, nhưng, vừa mới chợt hé mở đã lập tức bị đóng chặt lại.

Vẫn biết rằng người giỏi không phải lúc nào cũng giỏi, song, sự nông nổi trong nhất thời của Trần Ngỗi đã gây nên những hậu quả quá đau lòng. Trong ông, khí khái và vội vã chừng như lúc nào cũng song hành với nhau. Giá mà … Nhưng, ai lại “giá mà” với lịch sử bao giờ. Thôi thì đành ngậm ngùi cầm bút ghi nhận rằng, sau tột đỉnh vinh quang ở trận Bô Cô, vai trò của Trần Ngỗi kể như không còn gì đáng kể nữa.

3. Trần Quý Khoáng – người quả cảm đảm nhận sứ mạng kế tục sự nghiệp của Trần Ngỗi

Bấy giờ, cái chết oan ức của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đã khiến cho khá đông nghĩa sĩ của Trần Ngỗi bị hoang mang và không ít người trong số họ đã mất hẳn niềm tin vào lãnh tụ của chính mình mà điển hình hơn cả có lẽ là Đặng Dung (con của Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân). Hai ông tuy không hề từ bỏ lí tưởng xả thân đánh giặc cứu nước nhưng cũng không thể chấp nhận tiếp tục làm tướng cho Giản Định Đế Trần Ngỗi là người đã giết hại cha mình. “Con Nguyễn Cảnh Chân là (Nguyễn) Cảnh Dị và con của Đặng Tất là (Đặng) Dung, vì giận về nỗi cha họ bị chết oan nên đã đem quân Thuận Hoá về Thanh Hoa, đón quan Nhập Nội Thị Trung Trần Quý Khoáng về Nghệ An rồi tôn lập làm Hoàng Đế.” Ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), tại Chi La (nay đất này thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Trần Quý Khoáng đã chính thức lên ngôi Hoàng Đế và đặt niên hiệu là Trùng Quang. Trong guồng máy triều đình hoàn toàn mới mẻ này, Nguyễn Suý là Thái Phó, Nguyễn Cảnh Dị là Thái Bảo, Đặng Dung là Đồng Bình Chương Sự, Nguyễn Chương là Tư Mã …

Một cuộc khởi nghĩa, một kẻ thù chung, một sự nghiệp lớn chỉ mới bắt đầu, khó khăn đang chồng chất, vậy mà tiếc thay, nghĩa sĩ và nhân dân yêu nước đương thời đã có đến hai vị Hoàng Đế. Trên khắp thế gian này, một trong những nỗi lo lắng thuộc vào hàng đáng kể nhất có lẽ là … thừa Vua! Bấy giờ, chính quyền của Trần Ngỗi đóng ở Ngự Thiên còn Chính quyền của Trần Quý Khoáng thì đóng ở khu vực Chi La. Trên thực tế thì giữa hai guồng máy chính quyền của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng lúc bấy giờ cũng đã bắt đầu có những biểu hiện rất đáng phải bận tâm. Để giải quyết sự bất hoà có xu hướng ngày một tăng, Trần Quý Khoáng đã mật sai Nguyễn Suý đem quân ra, bất ngờ đánh úp Trần Ngỗi ở Ngự Thiên rồi bắt sống Trần Ngỗi đem về. Tại Chi La. Trần Ngỗi được Trần Quý Khoáng tôn làm Thái Thượng Hoàng! Cách tiến hành hợp nhất hai lực lượng theo lối áp đặt thô bạo này, dù sử cũ có cố gắng tìm lời biện minh thì vẫn không thể nào che khuất hết sự khiên cưỡng. Và, một trong số những người phản kháng quyết liệt nhất lúc ấy lại chính là thân mẫu của Trần Ngỗi. Sử cũ chép: “Ngày 7 tháng 4 năm Kỉ Sửu (1409 – NKT) Hưng Khánh Thái Hậu cùng với Hành Khiển là Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh ngầm bàn việc khởi binh ở Hát Giang để mà tiến vào đánh úp Trùng Quang Đế, nhưng có người quê ở Nghệ An là Nguyễn Trạo đã tiết lộ việc này. Trùng Quang Đế bèn sai bắt giết bọn Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh, còn thì đều tha hết cả.”

Tháng 6 năm Mậu Tí (1409), thân mẫu của Trần Ngỗi (tức là bà Hưng Khánh Thái Hậu) vì bị bệnh mà qua đời, mối hiềm khích giữa đôi bên kể như không còn gì đáng kể nữa, thanh thế của nghĩa quân nhờ đó mà cũng hồi phục khá nhanh. Từ Hà Tĩnh, Trần Quý Khoáng liên tiếp tổ chức những cuộc tấn công ồ ạt ra Bắc. Tài năng quân sự của Trần Quý Khoáng bộc lộ rõ nhất chính là ở những cuộc tấn công này. Tướng tổng chỉ huy quân Minh lúc ấy là Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh vì quá lo sợ nên cử Hoàng La làm sứ giả, đến xin gặp Trần Quý Khoáng để đôi bên cùng thương lượng nhưng Trần Quý Khoáng không tiếp, chỉ sai người tới gặp Hoàng La ở Nỗ Giang.

Tháng 7 năm 1409, Trần Quý Khoáng đã cho quân tiến thẳng ra khu vực Hạ Hồng (nay thuộc Hải Dương) và hiên ngang đặt đại bản doanh của mình ở bến Bình Than. Trần Ngỗi cũng có mặt bên cạnh Trần Quý Khoáng. Dân khắp các địa phương nô nức hưởng ứng, quan lại từng hợp tác với nhà Minh cũng nườm nượp theo về, duy chỉ có Đỗ Duy Trung (Tri Phủ của phủ Tam Giang) là không chịu.

Quân Minh lâm vào một tình thế rất quẫn bách, tướng tổng chỉ huy của giặc là Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh chỉ còn biết đóng chặt cửa thành và gấp cho người về Trung Quốc khẩn thiết kêu cứu. Nhân cơ hội này, hào kiệt các nơi cũng đã thi nhau chiêu mộ nghĩa sĩ và chủ động tổ chức tấn công, đập tan chính quyền của giặc ngay tại địa phương mình. Sử cũ cho biết:

- Đồng Mặc ở Thanh Hoa, xưng là Lỗ Lược Tướng Quân, đã đánh diệt được giặc “nhiều không kể xiết”, bắt sống được tướng giặc là Tả Địch, khiến cho viên tướng khác của giặc là Vương Tuyên vì ở vào thế quẫn bách mà phải tự tử.

- Nguyễn Ngân Hà (cũng người Thanh Hoa) là “bậc nổi trội trong đám hào kiệt” (chữ của các tác giả ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ) cũng đã đánh cho quân Minh nhiều trận thất điên bát đảo.

- Lê Nhị ở Thanh Oai (nay thuộc tỉnh Hà Tây) đã đánh và giết được tướng giữ chức Đô Ti của nhà Minh là Lư Vượng ở cầu Ngọc Tản, sau đó còn táo bạo đem quân về đánh và chiếm được huyện Từ Liêm (Hà Nội).

- Lê Khang là người quê ở huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã vận động nhân dân địa phương nổi dậy đánh cho quân Minh ở đấy rất nhiều trận lớn.

- Đỗ Cối và Nguyễn Hiệu ở Trường Yên cũng hô hào nhân dân nơi này vùng lên.

Như vậy là Trần Quý Khoáng vừa tự mình cầm quân đánh mạnh vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ, vừa khích lệ hào kiệt và nhân dân các địa phương vùng dậy đánh giặc tuỳ khả năng và cách thức riêng của mình. Tuy chưa thật là ch bặt chẽ và tuy vẫn còn thiếu hẳn cả một bộ chỉ huy thống nhất, nhưng dẫu sao thì chính Trần Quý Khoáng cũng đã có công đặt nền tảng đầu tiên cho quá trình nhận thức về việc huy động sức mạnh cũng như trí tuệ của toàn dân vào sự nghiệp cứu nước.

4. Cuộc đối đầu với Trương Phụ ở Hàm Tử – nghĩa khí dẫu mạnh cũng chẳng đủ để đè bẹp thế giặc hùng hậu và bạo tàn

Nhận tin kêu cứu rất khẩn thiết của Mộc Thạnh, triều đình Minh Thành Tổ (1402-1424) đã một lần nữa, buộc phải sai Trương Phụ cầm quân đi giải nguy. Tháng 9 năm Bính Tuất (1406), khi tham gia chỉ huy cuộc xâm lăng nước ta, Trương Phụ chỉ mới được trao chức Chinh Di Hữu Phó Tướng nhưng được quyền đeo ấn Chinh Di Tả Phó Tướng, tước Tân Thành Hầu. Tháng 8 năm Đinh Hợi (1407), Trương Phụ cùng với Mộc Thạnh được lệnh gấp rút trở về Trung Quốc. Đến đầu năm Mậu Tí (1408), Trương Phụ lại được lệnh phải lập tức đem quân sang một lần nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, việc cầm quân đánh dẹp được giao lại cho tướng Mộc Thạnh còn Trương Phụ thì phải quay về triều đình. Và lúc này (tháng 7 năm 1409), là lần thứ ba (trong vòng chưa đầy ba năm) Trương Phụ sang nước ta. Với chuyến xuất quân lần thứ ba này. Trương Phụ dược triều đình Minh Thành Tổ cho làm Tổng Binh, đeo ấn Chinh Di Tướng Quân và được phong tới tước Anh Quốc Công. Điều này cũng có nghĩa là Mộc Thạnh đã bị mất hết chức quyền cũ.

Tháng 7 năm 1409, ngay trong trận đụng độ đầu tiên với quân sĩ của Trần Ngỗi tại Thiên Quan, Trương Phụ đã ở thế áp đảo. Trần Ngỗi nhanh chóng bị bắt và bị giết hại. Tháng 8 năm 1409, Trương Phụ dò biết được đại binh của Trần Quý Khoáng đang ở Bình Than nên lập tức cho quân tới tấp tấn công. Bấy giờ, nhiệm vụ tổ chức chống đánh quân Minh ở Hàm Tử, ngăn không cho Trương Phụ tiến vào khu vực Bình Than đã được Trần Quý Khoáng trao cho tướng Đặng Dung. Nhưng vì “quân ít mà lương ăn thì cũng đã cạn”, Đặng Dung không thể nào cầm cự nổi. Trần Quý Khoáng thấy rõ nguy cơ bị thất bại hoàn toàn nên đã cấp tốc hạ lệnh rút về Nghệ An. Tức tối vì không bắt được Trần Quý Khoáng, Trương Phụ đã tiến hành những cuộc đàn áp dân lành rất tàn khốc. “Trương) Phụ đi đến đâu là giết chóc đến đó. Có nơi xác người chất thành núi, có nơi chúng mổ bụng lấy ruột người quấn vào thân cây hoặc lấy mỡ người đem rán. Có nơi thì chúng lấy người đem đốt hoặc nướng làm trò chơi. Thậm chí có nơi chúng mổ bụng đàn bà đang mang thai, cắt lấy hai tai của hài nhi để về giao nộp … Dân khắp mọi vùng từ kinh thành đến các lộ đều phải lần lượt chịu hàng. Ai chưa bị giết thì chúng bắt làm nô tì rồi đem đi bán, mỗi người một nơi, tan tác hết cả.”

Về tội ác “trời không dung đất không tha” của Trương Phụ, các sử thần của Quốc Sử Quán triều Nguyễn nghiêm phê rằng: “Trương Phụ học được từ Minh Thành Tổ thủ đoạn tàn khốc là một người phạm tội dây dưa đến mười họ nên mới dám bạo ngược giết chết dân của trời như thế. Kẻ bất nghĩa tất nhiên là cuối cùng sẽ chuốc lấy cái chết, dùng sức mạnh để cướp nước người có phải là dễ đâu.”

Sau khi Trần Quý Khoáng rút về Nghệ An. toàn bộ chính quyền của nhà Hậu Trần từ Thanh Hoa trở ra Bắc cũng lần lượt bị tan rã và do vậy, khó khăn của nghĩa quân Trần Quý Khoáng ngày càng thêm chồng chất.

5. Ba lần sai sứ – ba lần bế tắc

Nhẫn tâm đi cướp nước và tàn hại không biết bao nhiêu dân lành mà vẫn chẳng chút ghê tay nhưng nhà Minh lại luôn tuyên bố rằng chúng là đội quân nhân nghĩa. Bám lấy những lời lừa mị đó, Trần Quý Khoáng đã quyết định mở thêm một mặt trận tấn công mới vào kẻ thù, đó là mặt trận ngoại giao. Nhìn về hình thức, quyết định này có vẻ như rất táo bạo và cũng rất lợi hại, nhưng xét kĩ mới thấy rõ Trần Quý Khoáng đã thiếu hẳn tính khả thi. Không thề nói khác hơn rằng, vào thời điểm cụ thể đó, trong mối tương quan thế và lực còn rất bất lợi đó, việc sai sứ cầu phong là điều không thể thành công được. Tuy nhiên, dẫu sao thì Trần Quý Khoáng cũng hi vọng rằng từ thực tiễn rất sinh động của mặt trận này, ông muốn làm cho trăm họ nhận thức ngày một sâu sắc hơn về bản chất xấu xa của quân Minh xâm lăng. Bấy giờ, Trần Quý Khoáng đã ba lần sai sứ đến tận hang ổ của giặc để trực tiếp đấu trí với chúng nhưng cả ba lần đều hoàn toàn bị bế tắc và không thu được kết quả gì.

Lần thứ nhất là vào mùa hè năm Tân Mão (1411). Trong lần thứ nhất này, quan Hành Khiển Nguyễn Nhật Tư được cử làm Chánh Sứ và quan Thẩm Hình Lê Ngân được cử làm Phó Sứ. Hai ông đã cùng với đoàn tuỳ tùng lặn lội sang tận kinh thành của nhà Minh, nhân danh là người được cử làm đại diện cho hoàng tộc của nhà Trần, bám chặt lấy ngọn cờ chính trị giả hiệu là “phù Trần diệt Hồ” mà Minh Thành Tổ đã từng cho giương lên trước đó để xin cầu phong cho Trần Quý Khoáng. Minh Thành Tổ tức giận, sai bắt giam và giết hại cả Chánh Sứ và Phó Sứ.

Lần thứ hai là vào tháng 9 năm Tân Mão (1411). Lần này, quan Hành Khiển Hồ Ngạn Thần được cử làm Chánh Sứ và quan Thẩm Hình Bùi Nột Ngôn được cử làm Phó Sứ. Ngoài tờ biểu văn xin cầu phong, phái bộ sứ giả này còn mang theo khá nhiều phẩm vật quý giá để dâng tiến. Rất tiếc là viên Chánh Sứ Hồ Ngạn Thần đã không đủ năng lực và phẩm hạnh để có thể làm tròn bổn phận được giao nên khi về nước liền bị Trần Quý Khoáng sai bắt giam rồi giết chết.

Lần thứ ba là vào tháng 4 năm Quý Tị (1413). Bấy giờ, Trần Quý Khoáng đóng ở Hoá Châu còn đất Nghệ An thì tướng tổng chỉ huy của quân Minh là Trương Phụ chiếm giữ. Lần này, người được cử làm Chánh Sứ là Nguyễn Biểu và khi đến khu vực đặt đại bản doanh của Trương Phụ tại Nghệ An, Nguyễn Biểu đã bị Trương Phụ giết chết.

Tóm lại, chỉ trong vòng hai năm (từ mùa hè năm 1411 đến mùa hè năm 1413), Trần Quý Khoáng đã ba lần chủ động sai sứ giả ra đi nhưng cả ba lần đều bị bế tắc và thất bại. Các vị Chánh Sứ hoặc Phó Sứ như Nguyễn Nhật Tư, Lê Ngân, Nguyễn Biểu … đều bị giặc giết hại. Riêng Hồ Ngạn Thần, với những hành vi và lỗi lầm thật khó bễ tha thứ khi đi sứ, tiếng là sau đó bị Trần Quý Khoáng giết mà thực lại chẳng khác gì tự ông đã giết chết chính ông.

Với Trần Quý Khoáng, ba lần sai sứ là ba lần bế tắc và thất bại nhưng với toàn thể nhân dân yêu nước và đặc biệt là đối với các bạc hào kiệt ưu thời mẫn thế lúc bây giờ, thực tế thất bại của cả ba lần ấy đã để lại một bài học rất lớn, đó là khi thực lực chưa đủ mạnh thì không thể nào tranh biện lẽ đúng sai cùng quân cướp nước được.

6. Thân dẫu mất vẫn ngời ngời tiết tháo

Mùa xuân năm Quý Tị (1413), Trần Quý Khoáng đã cố gắng mở một cuộc tấn công ra Bắc nhằm làm thay đổi tương quan thế và lực giữa đôi bên. Từ Nghệ An, Trần Quý Khoáng cùng với Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị đã dẫn quân ra Vân Đồn rồi từ Vân Dồn, tổ chức các trận đánh bất ngờ vào khu vực duyên hải Bắc Bộ, vừa tiêu hao sinh lực của địch, vừa thu gom lương thực cho nghĩa quân. Nhưng, rời Nghệ An vào tháng giêng thì chưa đầy hai tháng sau (ngày 4 tháng 3) Trần Quý Khoáng đã phải quay về Nghệ An và “quân lính khi đi mười phần, lúc về chỉ còn lại ba bốn phần.” Nói khác hơn, Trần Quý Khoáng đã cam chịu thất bại. Tháng 6 năm Quý Tị (1413), Trương Phụ họp các tướng lại để bàn kế hoạch đánh trận quyết định cuối cùng với nghĩa quân Trần Quý Khoáng ở Hoá Châu.

“Mộc Thạnh bàn rằng:

- Hoá Châu có núi cao biển rộng, chưa dễ gì lấy được đâu.

Trương Phụ nói:

- Tôi sống là vì Hoá Châu, chết làm ma cũng là vì Hóa Châu. Hóa Châu chưa dẹp được, tôi còn mặt mũi nào trông thấy Hoàng Thượng nữa.”

Nói xong, Trương Phụ liền dẫn thuỷ quân đi và 21 ngày sau thì đến Thuận Hoá. Tháng 9 năm 1413, cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa quân Minh với lực lượng của Trần Quý Khoáng đã diễn ra tại sông Thái Gia (cũng tức là Sái Già). Tại đây, phục binh Trần Quý Khoáng đã đánh cho thuỷ quân Trương Phụ một trận tơi bời. Trương Phụ nhờ may mắn mới được thoát chết.

Vốn là một trong những viên tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc nên ngay sau trận này, Trương Phụ đã gấp rút chấn chỉnh đội ngũ và cấp tập tổ chức phản công. Tháng 11 năm 1413, Trương Phụ bắt được hai vị tướng xuất sắc của Trần Quý Khoáng là Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung. Không còn cách nào khác, Trần Quý Khoáng đành phải bỏ đất Hoá Châu. định men theo đường núi rồi chạy ngược lên vùng Lão Qua nhưng đang trên đường rút lui thì bi quân sĩ của Trương Phụ bắt được. Sự kiện này diễn ra vào tháng 12 năm Quý Tị (1413). Cùng bị bắt với Trần Quý Khoáng còn có một số tướng lĩnh cao cấp khác của nghĩa quân.

Tháng 4 năm Canh Ngọ (1414), Trương Phụ sai quân dùng thuyền đưa Trần Quý Khoáng về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường bị áp giải, ông đã nhảy xuống biển tự tử. Danh tướng Đặng Dung cũng cùng nhảy xuống biển tự tử với ông.

Với lịch sử giữ nước kiên cường của cả dân tộc, Trần Quý Khoáng thực sự xứng đáng vị danh tướng quả cảm, là một trong những người đầu tiên đã có công tham gia dựng cờ xướng nghĩa chống ách đô hộ của quân Minh. Ông ngã xuống khi sự nghiệp lớn chưa thành nhưng tiếng thơm về tiết tháo anh hùng của cuộc đời ông thì vẫn mãi còn với núi sông, vẫn mãi còn với muôn đời con Hồng cháu Lạc. Tổng Tài Quốc Sử Viện thời Lê Sơ là Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên từng có lời bàn về Trần Quý Khoáng như sau: “Trong lúc loạn li mà Trùng Quang Đế dám lây quân một lữ để mưu khôi phục đất nước, việc ấy thật chẳng khác gì dùng một cây gỗ nhỏ để chống đỡ một ngôi nhà lớn đã đổ, há chẳng lẽ là ông lại không hề biết rằng tình thế đã đến lúc không thể nào cứu vãn được hay sao? Nhưng, cần phải cố làm hết bổn phận phải làm, có vậy mới mong cứu vãn được mệnh trời.

Đến khi bị lũ giặc bắt giải đi, lòng quyết giữ nghĩa chứ không chịu nhục, thà cam lòng nhảy xuống biển để cùng chết với nước non, thật đúng là bậc Hoàng Đế đã hiến thân cho xã tắc.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3