Danh Tướng Việt Nam - Chương 71: Triệu Túc, Phạm Tu và Tinh Thiếu
Phụ lục 3. Tiểu truyện về Triệu Túc, Phạm Tu và Tinh Thiều
Tiểu dẫn: Sát cánh với Lý Bôn trong cuộc chiến đấu ngoan cường và gian khổ nhằm đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi còn có khá nhiều tướng lĩnh xuất sắc, trong đó, nổi bật hơn cả là Triệu Quang Phục (tức Triệu Việt Vương), Triệu Túc, Phạm Tu và một số nhân vật giàu tài năng khác. Tuy chưa thật đầy đủ nhưng dẫu sao thì cuộc đời và sự nghiệp của Triệu Quang Phục cũng đã được thư tịch cổ ghi chép khá nhiều, số nhân vật còn lại đều nói chung là không có được cơ may đó. Tuy nhiên, khảo sát linh hồn của một số sự kiện và hiện tượng toát lên từ những dòng ghi chép rất ngắn ngủi và hiếm hoi của sử cũ, chúng ta cũng có thể bước đầu phác thảo vài nét về tiểu truyện của ba nhân vật quan trọng là Triệu Túc, Phạm Tu và Tinh Thiều.
1. Triệu Túc
Triệu Túc là một trong những vị Tù Trưởng nổi tiếng của huyện Chu Diên[614], gia thế có ảnh hưởng khá mạnh ở vùng đất này. Khi Lý Bôn chiêu tập hào kiệt bốn phương để chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương thì Triệu Túc là một trong những người đầu tiên hồ hởi đến tham gia. Cùng có mặt bên cạnh Lý Bôn đồng thời với Triệu Túc còn có anh trai ông là Triệu Quang Thành và con trai ông là Triệu Quang Phục. Là người giàu nghĩa khí, lại vốn xuất thân là Tù Trưởng nên Triệu Túc rất được Lý Bôn coi trọng và ngay từ đầu, Triệu Túc đã thực sự là chỗ dựa rất tin cậy của Lý Bôn.
Bấy giờ, Thái Thú của nhà Lương ở Giao Châu là Lâm Vũ Hầu Tiêu Tư do từng nghe tiếng nên cũng có phần nể sợ Triệu Túc, bởi vậy ngay khi vừa nhận được tin Triệu Túc theo về với Lý Bôn thì Tiêu Tư đã thực sự hất hoảng. Sau vài trận giáp chiến, vì tự thấy khó bề chống cự nổi, Tiêu Tư đã tìm đường chạy trốn về Trung Quốc.
Trong những trận đọ sức đầu tiên với quân nhà Lương, Triệu Túc đã có những đóng góp rất to lớn, được Lý Bôn trân trọng ghi nhận và đánh giá rất cao. Tháng giêng năm Giáp Tí (544), khi Lý Bôn lên ngôi Hoàng Đế và xưng là Lý Nam Đế thì Triệu Túc được phong làm Thái Phó tức là người có phẩm hàm lớn nhất trong triều đình lúc bấy giờ. Triệu Túc chính là một trong những trụ cột quan trọng nhất của nhà nước Vạn Xuân.
Tháng 6 năm Ất Sửu (545), nhà Lương sai Dương Phiêu cùng các tướng Trần Bá Tiên và Tiêu Bột đem đại quân sang đàn áp Lý Nam Đế. Các trận ác chiến giữa đôi bên đã diễn ra tại thành Tô Lịch rồi sau đó là ở thành Gia Ninh. Và, trong những trận đọ sức quyết liệt đầu tiên này, Lý Nam Đế đã phải chịu hai tổn thất rất lớn, đó là cả Triệu Túc lẫn Phạm Tu đều anh dũng hi sinh.
Nghĩa quân mới nhóm họp, lực lượng không đông, trang thiết bị thiếu thốn, kinh nghiệm chưa nhiều, trong lúc đó thì kẻ thù vừa hung hãn và thiện chiến lại vừa rất hùng mạnh, cho nên, tổn thất của nghĩa binh Lý Nam Đế bởi sự ra đi của Triệu Túc và Phạm Tu là không có gì bù đắp nổi. Trần Bá Tiên biết rất rõ điều đó nên đã triệt để tận dụng cơ hội thuận lợi này để thừa thắng mà đánh tới tấp khiến cho Lý Nam Đế không thể nào chống đỡ nổi. Trận ác chiến diễn ra tại khu vực hồ Điển Triệt cũng có thể coi là cố gắng cuối cùng, cũng là cố gắng cao nhất của ông.
Sau thất bại của cuộc giao tranh ở hồ Điển Triệt, Lý Nam Đế đã trao binh quyền cho con trai của Triệu Túc là Triệu Quang Phục. Với gia đình Triệu Túc thì trường hợp này quả đúng là “hổ phụ sinh hổ tử.” Hiện chưa rõ Triệu Túc sinh vào năm nào nên cũng chưa rõ là khi mất, Triệu Túc được hưởng thọ bao nhiêu tuổi.
2. Phạm Tu
Phạm Tu là một trong những bậc hào kiệt đầu tiên đã nhiệt liệt hướng ứng và có mặt bên cạnh Lý Bôn, trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của chính quyền nhà Lương. Theo ghi chép của thần tích đền Thanh Liệt thì Phạm Tu người làng Thanh Liệt, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội), sinh năm 481, mất năm 545, hưởng thọ 64 tuổi. Phạm Tu là người có tài năng quân sự bẩm sinh và khi đến tụ nghĩa dưới ngọn cờ cứu nước của Lý Bôn, tài năng quân sự bẩm sinh đó của Phạm Tu đã có cơ hội để phát huy một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Ông là nanh vuốt của Lý Bôn, là vị tướng cầm quân rất xuất sắc. Tài năng quân sự của Phạm Tu thể hiện tập trung nhất qua mấy trận đánh lớn sau đây:
- Năm 542: Cùng với Lý Bôn và một số tướng lĩnh khác, trực tiếp tham gia chỉ huy cuộc tấn công vào sào huyệt của quân đô hộ nhà Lương trên đất nước ta, khiến cho toàn bộ chính quyền của giặc do Thứ Sử Giao Châu, tước Lâm Vũ Hầu là Tiêu Tư cầm đầu, phải hốt hoảng tháo chạy.
- Tháng 1 năm 543: Cùng với Lý Bôn trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công bất ngờ và rất dũng mãnh vào sâu trong lãnh thổ của giặc, đập tan hoàn toàn lực lượng quân đội của nhà Lương đang tập trung ở Hợp Phố. Đây chính là đội quân đang chuẩn bị đi đàn áp Lý Bôn do Thứ Sử Giao Châu là Tôn Quýnh và Thứ Sử Tân Châu là Lư Tử Hùng cầm đầu. Trật tự ở khu vực biên giới phía Bắc nhanh chóng được khẳng định. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng do bị đại bại thảm hại ngay khi chưa kịp xuất quân nên đã bị cả triều đình nhà Lương hết sức tức giận, khép vào tội buộc phải chết.
- Tháng 5 năm 543: Tổng chỉ huy lực lượng nghĩa sĩ đánh vào Cửu Đức trừng trị đích đáng hành vi quấy phá của quân Champa, khiến cho tình hình biên giới phía Nam được yên ổn.
Nhờ những cống hiến xuất sắc nói trên. tháng giêng năm Giáp Tí (544), khi Lý Bôn lên ngôi Hoàng Đế và xưng là Lý Nam Đế, Phạm Tu được phong làm Đại Tướng, nắm quyền đứng đầu các võ quan của triều đình.
Năm Ất Sửu (545), trong cuộc đọ sức quyết liệt với lực lượng quân sĩ nhà Lương đi đàn áp do tướng Trần Bá Tiên cầm đầu, Phạm Tu dã anh dũng hi sinh. Tổn thất nặng nề đó đã khiến sức đề kháng của triều đình Lý Nam Đế suy giảm rất nhanh.
3. Tinh Thiều
Tinh Thiều là người cùng quê với Lý Bôn. Ngay từ lúc tuổi còn rất trẻ, Tinh Thiều đã nổi tiếng là người võ nghệ cao cường và văn hay chữ tốt nên được người đương thời không ngớt lời khen tụng. Theo ghi chép của ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (Ngoại kỉ, quyển 4, tờ 15-a) thì chính Tinh Thiều cũng tự thấy mình có tài nên đã không quản đường xa dặm dài, lặn lội sang tận kinh đô của nhà Lương là Kiến Khang (nay thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) xin dự thi để mong được bồ nhiệm làm quan. Đến Kiến Khang, ông đã chứng tỏ được tài năng thực sự của mình, nhưng quan Lại Bộ Thượng Thư của nhà Lương là Sài Tốn cho rằng họ Tinh trước đó chưa từng có ai hiển đạt, tức là không thuộc vào hàng sĩ tộc, nên chỉ bổ cho Tinh Thiều chức gác cổng ở cửa Quảng Dương. Vì quá nhục nhã và uất hận, Tinh Thiều lập tức bỏ về và quyết chí tìm cách trả thù quân Lương. Tinh Thiều hồi hương đúng vào lúc Lý Bôn cũng vì quá bất mãn với chế độ sĩ tộc của chính quyền đô hộ nhà Lương mà từ bổ chức Giám Quân ở châu Cửu Đức để trở về quê chiêu tập hào kiệt và nhân dân vùng dậy. Tinh Thiếu đã có mặt bên cạnh Lý Bôn ngay trong buổi dầu trứng nước của quá trình chuẩn bị này và ông đã trở thành một trong những chỗ dựa quan trọng nhất của Lý Bôn. Trong bộ máy chỉ huy của cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn phát động và lãnh đạo, Tinh Thiều lãnh trách nhiệm soạn thảo mọi văn kiện và giấy tờ. Nhờ có văn võ song toàn lại lập được nhiều công lao trong cuộc chiến đấu đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương, cho nên vào năm 544, khi Lý Bôn lên ngôi Hoàng Đế và xưng là Lý Nam Đế, Tinh Thiều được phong làm Thái Sư, đứng đầu tất cả các văn quan của triều đình. Năm 545, trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống lực lượng đi đàn áp của nhà Lương. Tinh Thiếu đã anh dũng hi sinh. Do chưa rõ năm sinh nên cũng chưa rõ khi mất, Tinh Thiều được hưởng thọ bao nhiêu tuổi.