Con tầu trắng - Chương 02
Nó gọi Ban-têc, con chó xồm lười nhác kinh khủng. Ô-rô-zơ-kun vẫn luôn luôn đe sẽ bắn chết con chó: nuôi con vật như thế làm quái gì. Nhưng ông vẫn cố nài y thư thư ít lâu: cần kiếm một con chó chăn cừu, rồi sẽ đem Ban- têc đi bỏ ở một nơi nào đó. Còn Ban-têc thì thây kệ mọi sự đời: no thì nó ngủ, đói thì nó cứ quấn quýt bên một người nào đó, bất kể là người nhà hay người lạ, cốt sao người ta quẳng cho nó cái gì ăn. Nó thế đấy, con chó Ban- têc ấy. Nhưng đôi khi buồn tình nó cũng chạy theo những chiếc ô tô. Thực ra chỉ một quãng ngắn thôi. Nó lao vút lên rồi quay ngoắt lại và lon ton chạy về nhà. Một con chó không đáng tin cậy. Nhưng dù sao đuổi theo ô tô có con chó chạy theo bên cạnh vẫn thú hơn chạy một mình gấp một trăm lần. Gì thì gì vẫn cứ là có một con chó…
Lén lút, không để người bán hàng nhìn thấy, thằng bé ném cho con chó một cái kẹo.”Liệu chừng nhé,- Nó báo trước cho con chó. – Ta sẽ chạy lâu đấy”.
Ban-têc khẽ ăng ẳng, ve vẩy đuôi: nó vẫn còn chờ đợi. Nhưng thằng bé không dám vứt cho nó cái kẹo nữa. Không thể làm người bán hàng phật lòng, chú ấy cho nó một vốc kẹo không phải để ném cho chó.
Vừa hay ông nó đến. Trước đó ông già đi ra chỗ nuôi ong, ở chỗ nuôi ong thì không nhìn thấy gì phía sau nhà. May sao ông về kịp thời, xe bán hàng chưa đi, chỉ là sự tình cờ. Không thì cháu ông đã không có cái cặp.
Hôm ấy thằng bé gặp may.
Ông già Mô-mun được những người tinh khôn lõi đời đặt cho cái biệt hiệu là lão Mô-mun nhanh nhảu. Cả vùng đều biết ông già, còn về phần ông, không một người nào là ông không biết. Cái biệt hiệu đó rất đúng với Mô- mun: ông luôn luôn niềm nở với bất cứ ai, dù chỉ là quen biết sơ sơ, bao giờ ông cũng sẵn long làm một việc gì giúp bất kì người nào cần đến. Tuy nhiên, chẳng ai quý trọng cái nhiệt tâm của ông, cũng như vàng không còn là của quý nữa nếu như bỗng nhiên nó được đem ra phát không. Chẳng ai tôn trọng Mô-mun như người ta thường đối xử với những bậc già cả vào tuổi ông. Người ta đối xử với ông không giữ lễ gì hết. Nhiều khi, trong những bữa tiệc tang linh đình nhân dịp một bậc già cả quyền quý nào đó của bộ tộc Bugu tạ thế,- mà Mô-mun gốc gác là người Bugu, ông rất tự hào về điều này và không bao giờ bỏ qua những bữa cỗ tang như thế, người ta giao cho ông mổ thịt gia súc, đón các vị khách danh dự, đỡ họ xuống ngựa, bưng trà, có khi cả bổ củi, xách nước. Trong đám cỗ tang lớn, bao nhiêu khách khứa khắp nơi về dự, công việc bề bộn biết chừng nào? Bất kể được giao việc gì, Mô-mun đều làm một cách nhanh chóng, dễ dàng. Song cái chính là ông không thoái thác như những người khác. Những phụ nữ nông dân trẻ tuổi trong bản có nhiệm vụ tiếp đãi đám khách khứa đông đảo ấy, khi thấy Mô-mun đảm đương công việc đó chu tất như thế nào, họ nói:
- Không có lão Mô-mun nhanh nhảu thì bọn ta xoay sở sao nổi!
Có khi ông già từ xa đến, cho cả cháu đi theo, vậy mà ông lại làm chân phụ việc cho gã gighit đun ấm xa-mô-va. Người khác ở địa vị ông già Mô-mun hẳn phải phát uất lên vì cảm thấy bị xỉ nhục. Thế mà ông già Mô-mun cứ điềm nhiên như không!
Và chẳng ai lấy làm lạ về việc ông già Mô-mun nhanh nhảu hầu hạ khách khứa: có thế suốt đời ông mới là ông già Mô-mun nhanh nhảu. Ông mang danh là lão Mô-mun nhanh nhảu thì chính là lỗi tại ông thôi. Nếu có người lạ nào đó tỏ ý ngạc nhiên về nỗi ông già cả như thế mà lại đi chạy việc vặt cho bọn đàn bà, chẳng lẽ trong bản hết cả trai tráng rồi sao, thì Mô-mun trả lời: "Người quá cố là anh em của tôi. (Bất cứ người Bugu nào cũng được ông coi là anh em của mình. Nhưng họ cùng là chỗ "anh em" không kém gần với các khách khác.) Ngày cỗ đám người anh em của tôi, tôi không làm thì ai làm kia chứ? Người Bugu chúng ta thảy đều là dòng dõi của bà cụ tổ Mẹ Hươu sừng của chúng ta mà. Mẹ Hươu sừng chí linh thánh đã căn dặn chúng ta phải yêu thương anh em cả khi còn sống cũng như khi đã khuất…”
Ông già ấy thế đấy, lão Mô-mun nhanh nhảu!
Già trẻ lớn bé đều gọi ông là “lão”, kẻ nào cũng có thể bỡn cợt ông: ông già vốn hiền lành. Chẳng cần coi trọng ông: bao giờ ông cũng nhẫn nhịn.
Chẳng thế mà thiên hạ bảo rằng người đời chẳng hề dung tha những kẻ không biết bắt kẻ khác phải tôn trọng mình. Mô-mun lại không biết làm việc đó.
Ông biết làm nhiều thứ trên đời. Ông đã từng là thợ mộc, thợ làm yên cương, đã từng là người đánh đống cỏ khô. Hồi còn chưa già lắm, ở nông trang ông đã đánh những đống cỏ khô đẹp đến nỗi mùa đông dỡ ra người ta thấy tiếc: trời mưa, nước cứ chuội đi như chạm vào lông ngỗng, tuyết xuống đọng lại thành mái hai dốc. Thời chiến tranh ông là người lính trong đội quân lao động Magni-tô-gorxk, ông xây tường nhà máy và đã được tặng danh hiệu chiến sĩ Xtakha-nô-vitx. Sau chiến tranh trở về, mấy ngôi nhà ở xóm gác rừng đều do ông dựng nên, ông làm thợ rừng. Tuy chỉ là thợ phụ, nhưng chính ông trông coi rừng, còn Ô-rô-zơ-kun, con rể ông, thì luôn có người mời mọc, thành thử cứ đi vắng suốt. Chỉ khi nào bất thình lình có cấp trên về, khi ấy Ô-rô-zơ-kun mới thân hành đưa khách đi thăm rừng, tổ chức săn bắn, khi ấy y đứng ra làm chủ. Mô-mun chăm nom gia súc, nuôi ong, suốt đời ông làm lụng từ sáng tới tối, lúc nào cũng lo âu bận bịu, may mà không biết cách làm cho người khác phải trọng mình.
Ngay cả vẻ bề ngoài, Mô-mun cũng không ra dáng một Ăc-xa-kan tí nào.
Không có phong thái đạo mạo, không uy nghi, không nghiêm nghị. Ông là người đôn hậu, thoạt nhìn đã đoán ngay được ông có cái đức tính bất lợi ấy của con người. Thời buổi nào người ta cũng vẫn răn dạy những kẻ như vậy:
“chớ có nhân từ, phải ác mới được. Nhớ lấy,ghi tạc vào long! Phải ác mới được.” Thế nhưng, tai hại thay,ông vẫn cứ là người tốt bụng, không sao sửa đổi được. Nét mặt ông tươi cười, và nhăn nheo, con mắt lúc nào cũng như dò hỏi: “Anh cần gì? Anh muốn tôi giúp anh việc gì chăng? Tôi xin làm ngay, chỉ cần bạn cho tôi biết bạn cần gì”.
Mũi ông mềm, kiểu mũi vịt, hầu như không có sụn. Vóc dáng ông lão lại bé nhỏ, nom ông lanh lẹn như một chú bé.
Còn râu lại chẳng ra râu. Chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Cằm trơn nhẵn lơ thơ mấy sợ màu hung nhạt: cả bộ râu chỉ có thế.
Sự thể sẽ khác hẳn nếu như ta thấy một ông già quắc thước đi trên đường, râu rậm lòa xòa, mình mặc áo da lông thùng thình, ve áo lốt lông cừu non, đội chiếc mũ chùm đắt tiền, con ngựa ông cưỡi lại là con tuấn mà mang bộ yên nạm bạc, ai không bảo đấy là bậc hiền triết, là đấng tiên tri, có rạp mình xuống chào một người như thế cũng không thẹn mặt, người như thế đến đâu cũng được tôn kính! Còn Mô-mun sinh ra đời chỉ là lão Mô-mun nhanh nhảu. Có lẽ ưu thế duy nhất của ông là ông không sợ hạ mình trước bất cứ ai. (Ông ngồi không đàng hoàng, nói năng không chững chạc, trả lời không thỏa đáng, mỉm cười vụng về, không đúng cách, không khéo, vụng về…)
Xét theo ý nghĩa này, Mô-mun là người hạnh phúc hiếm có, tuy đó là điều chính ông không ngờ tới. Nhiều người chết vì bệnh tật thì ít, mà chủ yếu là vì một tham vọng bất trị, đeo đẳng họ suốt đời, làm họ héo mòn mãi đi, cứ muốn cho mình lớn lao hơn con người thực của mình. (Ai không muốn được tiếng là người thông minh, xứng đáng, đẹp đẽ, thêm nữa lại là người đáng gờm, công bằng, kiên quyết? …)
Nhưng Mô-mun không phải là người như thế. Ông là người kì quặc, và người ta đối xử với ông như một kẻ gàn dở.
Điều duy nhất có thể khiến Mô-mun uất giận ghê gớm là người ta quên không mời ông đến dự cuộc họp gia tộc bàn về việc ma chay cho một người nào đó… Khi ấy ông giận lắm và coi đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng, nhưng không phải vì người ta lờ ông đi- trong cuộc họp bàn, dù sao ông cũng chẳng quyết định gì, chỉ ngồi cho có mặt- mà duyên do là vì cái bổn phận vốn có tự ngàn xưa đã không được tôn trọng.
Mô-mun cũng có những rủi ro và những nỗi chua xót khiến ông đau khổ, khiến đêm đêm ông phải phát khóc. Người ngoài hầu như không biết gì về chuyện đó. Nhưng người nhà thì biết.
Khi Mô-mun thấy cháu đứng cạnh chiếc ô tô bán hàng, ông hiểu ngay rằng thằng bé có điều gì buồn phiền. Nhưng vì người bán hàng là người ở nơi khác đến, nên ông chào hỏi người đó trước. Ông nhanh nhẹn nhảy trên yên xuống, giơ cả hay tay về phía anh ta.
- Axalam-a-lây-kum, nhà đại khách thương.- Ông nói nửa đùa nửa thật.
Thương đoàn của ông tới nơi bình an chứ, việc buôn bán của ông phát đạt chứ ạ?- Mô-mun hớn hở lắc tay người bán hàng. – Đã bao nhiêu nước chảy qua cầu kể từ lần gặp gỡ trươc đây! Thật là vạn hạnh!
Người bán hàng cất tiếng cười giễu cợt những lời lẽ trịnh trọng và hình dạng xấu xí của ông già- vẫn đôi ủng giả da đã quá tàng ấy, chiếc quần vải thô ấy do bà lão may cho, chiếc áo vét- tongo sờn rách, cái mũ dạ dãi dầu mưa nắng đã ngả màu nâu. Anh ta trả lời lão Mô-mun:
- Thương đoàn không suy suyển. Khốn nỗi thương gia đến mà các ông tránh mặt, bỏ vào rừng và xuống lũng hết. Các ông lại căn dặn vợ giữ gìn từng xu như giữ gìn linh hồn trước khi chết. Như thế thì dù có chất đầy hàng hóa ở đây cũng không ai bỏ tiền ra mua.
- Xin lượng thứ cho, ông bạn quý hóa. – ông già Mô-mun ngượng ngùng xin lỗi. –Nếu biết anh đến thì chúng tôi chẳng tản tác đi như vậy đâu. Còn tiền đã không có thì chẳng moi đâu ra được. Mùa thu này chúng tôi bán được khoai thì…
- Đừng nói chuyện hươu vượn! – Tôi biết các người rồi, những ông nhà giàu thối tha ơi. Các ông ngồi trong núi, đất đai, cỏ khô bao nhiêu cũng có.
Xung quanh toàn rừng là rừng, có cưỡi ngựa đi vòng quanh ba ngày cũng chưa hết. Ông có nuôi gia sức chư? Có nuôi ong chứ? Vậy mà một xu cũng không dám bỏ ra, cứ bo bo giữ tiền. mua cái chăn lụa này đi, máy khâu còn một chiếc đây này…
- Tình thực là không có tiền mua những thứ ấy, - ông già Mô-mun thanh minh.
- Ông nói thế thì tôi biết thế. –Ông sẻn nhặt tích tiền, ông già ạ. Định dùng vào việc gì?
- Tình thực là không có, tôi xin viện Mẹ Hươu sừng ra mà thề.
- Này, lấy tấm nhung kẻ này đi, may lấy chiếc quần mới.
- Xin thề có Mẹ Hươu sừng, tôi sẽ mua ngay nếu như…
- Hừ, nói chuyện với ông rõ chán! Người bán hàng phảy tay. – Tôi đến thật uổng công. Thế Ô-rô-zơ-kun đâu?
- Anh ấy đi từ sáng, đâu như đến Ắc-xai thì phải. Có việc cần gặp những người chăn cừu.
- Như vậy là gã được mời đi đánh chén đấy. – Người bán hàng tỏ ra thông hiểu.
Một lúc yên lặng ngượng ngập.
-Xin đừng giận, anh bạn thân mến ạ. – Mô-mun lại lên tiếng. – Nhờ trời, đến mùa thu, chúng tôi bán được khoai…
- Còn lâu mới đến mùa thu.
- Thôi thì anh bỏ qua cho. VÌ long mến Chúa, mời anh vào dùng chén trà.
- Tôi đến đây không phải để ngồi uống trà.- Người bán hàng từ chối.
Anh ta bắt đầu đóng của xe và chợt nhìn thấy thằng bé đứng cạnh ông già, tùm một tai con chó, sẵn sàng chạy theo xe, anh ta nói luôn:
- Này, thế thì mua lấy chiếc cặp vậy. Thằng bé cũng đến tuổi đi học rồi chứ nhỉ? Nó mấy tuổi?
Ông lão Mô-mun vồ ngay lấy sự gợi ý ấy: dù sao ông cũng phải mua cái gì cho anh chàng bán hàng gan lì này, vả chăng cháu ông cũng cần cái cặp thực, mùa thu này nó đến trường rồi.
- Ờ phải đấy, -Mô-mun quýnh lên. – Thế mà tôi không nghĩ ra. Đúng vậy, nó hơn bảy tuổi rồi còn gì. Lại đây, cháu. – Ông gọi thằng bé.
Ông cụ lục túi, lấy ra đồng năm rúp cất giữ cẩn thận.Hẳn là nó nằm trong túi ông lão đã lâu lắm rồi.
- Cầm lấy này, chú bé tai to. – Người bán hàng nháy mắt với thằng bé một cách ranh mãnh và giao cho nó chiếc cặp. – Bây giờ chịu khó học đi nhé.
Chứ không thông chữ nghĩa thì rồi sẽ suốt đời ru rú trong núi với ông thôi.
- Nó sẽ học giỏi chứ! Cháu tôi sáng dạ lắm mà, - ông già khẽ nói, Bàn tay rắn chắc, nặng chịch của ông dịu dàng chùm lên đầu thằng bé.
Thằng bé bỗng cảm thấy tắc nghẹn trong họng, cảm quan nhạy bén khiến nó thấy rõ ông gầy quá, nó ngửi thấy mùi áo quần quen thuộc của ông. Ở ông nó tỏa ra mùi cỏ khô và mùi mồ hôi của người làm lụng vất cả. Ông là người ruột thịt thân tín của thằng bé, có lẽ là người duy nhất trên đời hết lòng yêu thương nó, vậy mà đấy là một ông già chất phác, hơi gàn dở được những người tinh khôn đặt cho cái biệt hiệu là lão Mô-mun nhanh nhảu…
Thì đã sao? Gì thì gì, vẫn cứ là có ông có cháu, có ông là thú rồi.