Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 20

Khi quyết định xét nghiệm huyết thống giữa hai cha con, ba mẹ tôi không hề có ý định giấu tôi. Thật ra muốn giấu cũng không được vì tôi thường xuyên chứng kiến những màn đấu khẩu dai dẳng trong nhà, đã nghe thấy tất cả những gì lẽ ra một đứa bé như tôi không được phép nghe.

Hôm đi làm thủ tục đăng ký ở chính cái bệnh viện mà ba tôi là lái xe, ông quyết định đi một mình. Ba tôi chỉ nhét vào túi xách cuốn sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của tôi và một bì thư trong đó đựng ba sợi tóc vừa được bứng khỏi cái đầu đầy sẹo của tôi. Ông bảo ông sẽ trực tiếp cung cấp mẫu máu còn phần tôi, theo lời bác sĩ chỉ cần ba sợi tóc là đủ. Tôi đoán ba tôi không dẫn tôi theo vì không muốn tôi phải lấy máu. Ông không muốn tôi sợ hãi khi nhìn thấy mũi kim tiêm lùi lũi xuyên vào da mình.

Bây giờ nhớ lại, tôi không biết phải diễn tả thế nào tâm trạng của tôi trong những ngày sau đó. Tôi sống chung với cảm giác bồn chồn trong nhiều ngày, hy vọng xen lẩn với lo âu, giống như một nhân vật bị đọa thấp thỏm chờ nàng tiên tốt bụng đến giải lời nguyền cho mình, vừa hoang mang không biết nàng có sẽ đến hay không, thậm chí cũng không chắc có một nàng tiên như thế ở trên đời.

Sau một tuần, ba tôi đến bệnh viện để nghe bác sĩ thông báo kết quả. Lúc ba tôi dắt xe ra, mây đen không biết từ đâu kéo về rợp trời. Từ sáng sớm, gió đã thổi u u trong rặng tre. Các cành cây ngã rạp qua một bên. Rất nhiều bụi cỏ khô bị gió bứng lên và thồi lăn lông lốc trên đường.

Trời bắt đầu chuyển mưa khi ba tôi ra khỏi nhà. Trước khi đi, ông quay lại bảo tôi “Hôm nay con ở nhà đi. Lát nữa mưa lớn, thế nào nhà trường cũng cho học trò nghỉ học”.

Sáng hôm đó, tôi ngồi thu lu trước hiên nhà ngắm những con mối cánh liệng trong màn mưa, nôn nao chờ ba tôi về. Tôi đã mong ngày này lâu lắm rồi. Tôi không muốn tiếp tục làm chứng nhấn bất đắc dĩ cho những cuộc cãi vã triền miên giữa ba tôi và bà nội tôi. Tôi không muốn bất lực nhìn những giọt nước mắt của mẹ tôi âm thầm lăn dài trên má.

Ba tôi quay về nhanh hơn tôi nghĩ. Mưa vẫn chưa ngớt hạt khi ba tôi chạy xe vào cổng. Tôi ngồi trước hiên nhưng có vẻ ba tôi không nhìn thấy. Ông bước ngang qua tôi như đi ngang qua một cục gạch hay một mô đất.

Tôi đứng lên nhưng không dám bước vào nhà. Tôi nép mình bên cửa, rụt rè ngó vào bên trong. Ba tôi ngồi xuống ghế và tôi thót bụng lại khi thấy ông cầm lên bình trà. Tôi biết ông sắp sửa dốc chiếc bình mạnh đến mức nếu mẹ tôi không lén cột nắp bình vào quai cầm, chắc chắn chiếc nắp sẽ văng ra và vỡ tan trong chớp mắt. Hình ảnh kinh hãi đó đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài và bây giờ một lần nữa nó chuẩn bị đâm vào trí não tôi. Đúng như tôi lo sợ, ba tôi điên cuồng nốc hết ly nước này đến ly nước khác, như thể làm vậy ông có thể nuốt trôi được sự bực bội đang tích tụ trong người.

Một nỗi lo lắng mơ hồ dâng lên trong tôi, và tôi nghe tim mình quặn thắt khi thấy ba tôi cầm điện thoại lên. Tôi không biết ông gọi cho ai vì tôi đứng khá xa chỗ ông ngồi. Mãi đến khi thấy mẹ tôi tất tả bước vào nhà lúc chiều tối, khi cơn mưa ngoài trời vân còn mờ mịt, tôi mới biết ông gọi cho mẹ tôi.

Bà nội tôi và hai cô tôi có mặt từ rất sớm, vào lúc trời hãy còn trưa, trước khi mẹ tôi từ Đồng Nai quay về. Lúc vừa nhác thấy ba bóng người xuất hiện ở cổng, tôi đã luống cuống chạy vòng ra sau hè, chui vào nhà bếp nấp sau kẹt cửa, chỗ trú ẩn quen thuộc của tôi. Tôi nơm nớp chôn mình trong chỗ khuất, bỏ cả cơm, mặc cho ba tôi gọi khản cả co.

Cũng chẳng ai buồn cầm đũa trong buổi trưa hôm đó. Sau khi ba tôi rầu rĩ thú nhận kết quả xét nghiệm cho biết tôi không phải là con ông, tôi có cảm giác mưa gió ngoài trời đã tràn cả vào trong nhà và lồng lộn quét sạch mọi thứ.

Những gì xảy ra trong ngày hôm đó quả thật đến bây giờ vẫn làm tôi run lên mỗi khi nhớ lại.

Bà nội tôi như một chiếc vòi đột ngột hỏng khóa, đã tuôn ra không ngừng những lời thóa mạ nặng nề dành cho cả ba tôi lẫn mẹ tôi. Ba tôi dĩ nhiên bị mắng về tội ngu, còn mẹ tôi bị mắng về tất cả các tội xấu xa nhất trên đời cộng lại. Nếu bà tôi không kịp nhớ ra những từ ngữ độc địa và sắc bén để băm nát số phận của mẹ tôi thì đã có hai cô tôi nhiệt tình lục tìm, cung cấp và phụ họa.

Trừ ba tôi ngồi chôn mình trên ghế, những người khác mặc sức nói, chẳng ai buồn để ý cơm canh đã nguội ngắt trên bàn.

Tôi co ro trong chỗ của mình, vừa đói vừa sợ đến không thở được và mệt mỏi thiếp đi trong tiếng mưa lẫn tiếng mắng nhiếc và chỉ thức dậy khi những âm thanh phát ra từ miệng bà tôi và các cô tôi bỗng vút lên, chói tai như tiếng kèn đồng. Đó là lúc mẹ tôi đặt chân qua ngưỡng cửa.

Tôi cứ tưởng bà tôi và các cô tôi thao thao suốt cả buổi chiều sẽ không còn hơi sức nhưng khi mẹ tôi xuất hiện như một tấm bia bằng thịt, cả ba bỗng giống như các khẩu súng vừa được nạp đạn, thay nhau xả vào mẹ tôi vô số những lời lẽ mang tính sát thương cao đến mức tôi nghĩ cái chết của mẹ tôi xảy ra sau đó vài giờ chắc chắn là hậu quả nặng nề của trận tổng công kích này.

Tôi nhớ rõ gương mặt của mẹ tôi trong lúc đó. Đó là một gương mặt ngơ ngác, bàng hoàng, thất thần, được nhuộm bởi thứ ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn nê-ông tỏa ra từ trên cao trông lại càng tuyệt vọng. Từ đầu đến cuối, mẹ tôi đứng tựa lưng vô vách nhà, áo mưa vẫn còn quấn quanh người, ấp úng tiếng được tiếng mất. “Mẹ ơi”… “Con không hề làm gì có lỗi”… “Chắc có nhầm lẫn gì ở đây”…

Bà tôi gằn từng tiếng:

- Chồng cô đã cẩn thận hỏi đi hỏi lại bác sĩ rồi. Chẳng có nhầm lẫn gì ở đây hết. Nó chỉ nhầm lẫn khi lấy cô mà thôi!

Bà tôi quay sang ba tôi:

- Còn thằng ngu này nữa! Sáng mai mày làm đơn ly hôn ngay cho tao!

Ba tôi vẫn ngồi lặng thinh từ trưa đến giờ. Ông không nói, cũng không hề nhúc nhích, trông ông giống như pho tượng được đẽo từ các tảng đá hoa cương tôi từng nhìn thấy ở xưởng làm của mẹ tôi. Chỉ có nếp nhăn trên mặt ông mỗi lúc một hằn sâu như thể nỗi đau đang cày lên mặt ông những đường cày vô hình. Nếu thỉnh thoảng ba tôi cử động chỉ là để cầm lên bình trà nhưng rồi lại đặt ngay xuống khi nhớ ra không còn giọt nước nào bên trong.

Cứ tưởng ông sẽ bất động và thinh lặng như vậy cho đến mai nhưng khi bà tôi kêu ông làm đơn ly hôn với mẹ tôi, bất thần ông gầm lên:

- Đủ rồi! Chuyện nhà con để con lo! Mẹ và hai chị về đi!

Tôi không biết tiếng quát dồn nén của ba tôi xuất phát từ điều gì, từ việc phải nhẫn nại căng mình nghe bà tôi và hai cô tôi luận tội mẹ tôi suốt năm, sáu tiếng đồng hồ như một màn tra tấn tinh thần hay vì kết quả xét nghiệm ADN đã đánh gục ông, đã dồn ông vào ngõ cụt của cuộc đời khiến ông không giữ nỗi bình tĩnh.

Tiếng hét giận dữ của ba tôi lớn đến mức tôi cảm giác cánh cửa tôi đang nép mình rung bần bật và tôi hoảng sợ đến mức đột ngột ngất đi.

Khi tôi tỉnh dậy, đã không thấy một người nào trong nhà. Bà nội tôi và hai cô tôi chắc đã ra về, nhưng ba mẹ tôi cũng không biết đi đằng nào.

Mưa ngoài sân vẫn rả rích như một điệu nhạc buồn. Tôi chạy ra cổng, vừa khóc vừa gào “Ba ơi”, “Mẹ ơi” nhưng đáp lại tôi chỉ có tiếng gió rên rỉ trong các nhành cây, tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà và trên tàu lá chuối trong vườn lẫn tiếng ếch nhái uôm uôm vọng vào từ phía nghĩa trang và từ những cánh đồng quanh nhà.

Tôi ngạc nhiên khi bụng không thấy đói dù từ trưa đến giờ tôi chưa ăn gì nhưng rồi tôi mang máng nhô ra lúc tôi nữa tỉnh nửa mê có người đã đút cơm cho tôi ăn. Chắc chắn người đó là mẹ tôi. Tôi nhớ hình như mẹ tôi đã khóc. Tôi nhớ tôi đã trệu trạo nhai vừa cảm thấy rỗ rệt những giọt nước ấm nóng tí tách rơi trên mặt tôi. Và tôi nghe cả tiếng mẹ tôi rót vào tai: “Mẹ thương con nhiều lắm”.

Ba tôi xộc vào như cơn lốc khi tôi đang ngồi bệt giữa nhà, nước mắt nhòe trên má.

- Ba đi đâu về vậy, ba? - Tôi mếu máo hỏi.

- Ba đi tìm mẹ con.

- Ba tìm được mẹ không?

- Không. Ba không biết mẹ con đi đâu.

Đêm đó, hai cha con ngồi thu lu bên nhau như hai chiếc bóng câm nín. Mưa đã ngớt hạt nhưng giông bão vẫn đang vần vũ trong lòng hai con người khốn khổ. Tuy còn bé nhưng tôi vẫn đau đớn biết chuyện gì đang xảy ra trong gia đình mình. Có bao nhiêu điều tôi muốn hỏi ba tôi nhưng tôi đã cố nhịn, phần vì sợ hãi phần vì tôi không muốn những thắc mắc của mình khoét vào vết thương của ông một lần nữa. Đến sáng thì tin tức của mẹ tôi bay về. Người làng tìm thấy thi thể của bà bập bềnh ở khúc sông chảy ngang qua làng. Vài người nhanh chân chạy đến nhà tôi, sốt sắng báo tin:

- Chú Bảy ơi! Thím Bảy chết đuối ngoài sông.

- Thằng Hợi vớt thím lên rồi. Đang khiêng về!

Trái tim tôi đã phập phổng bất an từ tối hôm trước với những linh cảm không lành nhưng khi nghe tin dữ, tôi lập tức đổ sụp xuống nền nhà. Nhát rìu số phận đã hạ gục tôi, đã khiến thế giới chung quanh tôi đột nhiên đen ngòm dù sáng hôm đó trời bắt đầu hửng nắng.

Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại buổi sáng nghiệt ngã đó, tôi chỉ có một niềm an ủi duy nhất là không ai trong làng biết được sự thật về cái chết của mẹ tôi.

Nhà tôi ở cách xa khu dân cư, những cuộc cãi vã trong gia đình tôi dù âm ĩ cỡ nào cũng chỉ là những tiếng ồn ngoài hoang đảo, không vọng vào đất liền được.

Nhiều người tin rằng mẹ tôi bị sẩy chân, chỉ có số ít cho rằng mẹ tôi tự tìm đến cái chết do không chịu được tính tình hà khắc của bà nội tôi. Số ít này nhanh chóng chuyển thành số nhiều một tuần lễ sau đó, không phải vì lý do sau thuyết phục hơn mà đơn giản là dư luận bao giờ cũng cần bi kịch như một thứ mồi ngon để có thứ mà nhâm nhi, bàn tán, phẩm bình, và cả xót thương. Rất may, cho đến khi những lời xì xào lắng xuống theo thời gian, vẫn không ai hay biết gì về chuyện xét nghiệm ADN của hai cha con tôi. Dù vậy, những ngày tiếp theo quả là một gánh nặng quá sức với một đứa bé như tôi. Tôi không biết hồi đó tôi làm thế nào để sống tiếp và sức mạnh vô hình nào đã nâng đỡ và dắt dìu tôi qua quãng đời u buồn đó.

Đầu óc trống rỗng, sau đám tang mẹ, tôi mệt mỏi lê chân đến trường như đang kéo theo một cục bột là tôi. Cái cục bột đó yếu ớt đến mức chỉ cần đứa nào đụng khẽ là tôi sẵn sàng ngã lăn ra.

Nhỏ Khuê đã thay đổi hẳn thái độ với tôi sau khi mẹ tôi mất. Kể từ ngày bị thằng Quyền trêu chọc một cách thô lỗ, Khuê đã không còn chặn tôi ngay cửa lớp để bắt tôi kêu nó bằng “chị” nữa. Khuê cũng thôi trò vật nhau với tôi. Tuy vậy, nó cũng không thân thiết với tôi hơn trước là mấy. Giống như một kẻ tị nạn trong chính ngôi trường của mình, tôi luôn bị tụi bạn đẩy ra bên lề cuộc vui chung.

Cũng như những đứa khác, nhỏ Khuê không bao giờ đến gần tôi, trừ những lúc sai vặt hay nhờ vả. Nhưng trong những ngày tôi lủi thủi đến lớp với tấm băng tang trước ngực áo, Khuê thỉnh thoảng đến ngồi bên cạnh tôi trên chiếc ghế đá kê dưới cây đa ở góc sân. Nó cứ ngồi im lìm như vậy, không nói tiếng nào. Tôi và nó giống như hai pho tượng đặt cạnh nhau, chỉ nhúc nhích khi có tiếng chuông vào lớp. Bây giờ nhớ lại, tôi cảm động đoán ra hành động bất thường đó của nhỏ Khuê có lẽ xuất phát từ ước muốn chia sẻ nỗi đau trong lòng tôi. Nhưng trong thời điểm đó, tôi không muốn ai đến gần. Tôi không tha thiết gì chơi đùa, chỉ muốn ngồi lặng yên một mình, nghĩ đến mẹ tôi và khóc.

Nhỏ Khuê không hiểu tâm trạng của tôi. Nó tròn mắt sững sờ khi một hôm tôi nổi khùng lên với nó:

- Mày đi chỗ khác đi! Đừng lại gần tao!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3