Chiến Tranh Tiền Tệ - Phần 2 - Chương 02
Chương 2
Nước Anh đỉnh cao của quyền lực tài chính
Ai kiểm soát cán cân quyền lực trên thế giới?
Ai thống trị Quốc hội của chúng ta, đó là những người theo chủ nghĩa tự do hay theo chủ nghĩa bảo hoàng?
Ai đã thức tỉnh những người Tây Ban Nha yêu nước không biết đến sợ hãi?
Ai sẽ giúp thế giới duy trì một trật tự cũ trong khi vẫn tạo ra một kỷ nguyên mới, dù đó là nỗi đau hay niềm vui?
Ai là kẻ xoay vần chính trị trong lòng bàn tay?
Đó có phải là hình bóng hiên ngang, dũng cảm của Napoléon Đại đế?
Không, đó là Rothschild – một người Do Thái và cộng sự của ông, Barings – một tín đồ Cơ-đốc giáo.
- Byron -
CHỈ DẪN CHƯƠNG
Kể từ khi chủ nghĩa tư bản thương nghiệp phát triển vào thế kỷ XVI, nước Anh đã tận dụng ưu thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa; tận dụng triệt để quá trình mở rộng thương mại ở nước ngoài và bành trướng thuộc địa, nhanh chóng tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp mà nổi bật là động cơ hơi nước Watt vào những năm 1870, sức sản xuất của Vương quốc Anh tăng nhanh chóng. Việc thành lập Ngân hàng Anh năm 1694 là một sự kiện lớn trong lịch sử. Cuối cùng các chủ ngân hàng Anh đã khám phá ra sức mạnh của tín dụng và dự đoán đó sẽ là một bộ phận quan trọng của lưu thông tiền tệ. Nhờ năng lực sản xuất vượt trội, nguồn năng lực tài chính của Vương quốc Anh được khuếch đại lên gấp nhiều lần. Sự kết hợp toàn diện giữa Cách mạng tín dụng, Cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa tư bản thương nghiệp đã tạo nên sự giàu có thịnh vượng chưa từng thấy, một đế chế “Mặt trời không bao giờ lặn” hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử nhân loại.
Thế kỷ XIX là một giai đoạn lịch sử quan trọng đối với sự phát triển và mở rộng của các ngân hàng quốc tế. Mô thức trỗi dậy của họ ở Anh, Pháp, Đức và Mỹ là hoàn toàn khác nhau và đặc biệt là ở Anh. Do thực lực vốn tư nhân hết sức hùng hậu, sự phát triển của các ngành như dệt may, luyện kim, khai thác than, vận tải, đường sắt, sản xuất máy móc và công nghiệp quân sự trước Cách mạng công nghiệp đều chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư của các ngân hàng tư nhân và vốn huy động trong nước. Không những cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu vốn của Cách mạng công nghiệp, lượng vốn của Vương quốc Anh vẫn còn dư thừa. Thêm vào đó, ngoài nhu cầu tài trợ nợ công của Anh và nước ngoài, nhu cầu vốn cho phát triển công nghiệp trong nước đối với các ngân hàng quốc tế vẫn chưa đủ mạnh. Mặc dù luật pháp của Anh tương đối mềm mỏng, nhưng tình trạng dư thừa vốn làm cho các ngân hàng cổ phần phát triển tương đối chậm. Ngân hàng tư nhân vẫn là nguồn lực chủ đạo trong ngành tài chính của Anh, và giữ bí mật trở thành một trong những truyền thống cốt lõi của ngành tài chính Vương quốc Anh.
Có tổng cộng 17 gia tộc ngân hàng tư nhân đứng sau bức rèm bí mật và chi phối toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng nước Anh, thậm chí ngay cả khi Ngân hàng Anh tiến hành quốc hữu hóa năm 1946, mọi chuyện vẫn như vậy. Trong đó các đại diện nổi bật là Barings, Rothschild, Schroeder. Họ nắm giữ các kênh tài chính để phát hành trái phiếu ở Anh và thậm chí ở châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, họ còn lũng đoạn phương hướng lưu chuyển các dòng vốn và tín dụng trên thế giới. Sau khi sở hữu những khối tài sản khổng lồ, họ bắt đầu từng bước ảnh hưởng đến các quyết định nội bộ và ngoại giao của các chính phủ. Họ âm thầm kích động tranh chấp giữa các quốc gia, ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp quân sự, rót vốn tài trợ chiến tranh cho cả hai bên, nhúng tay kích động các cuộc đảo chính, tiến hành “trong ứng ngoài hợp” để nắm quyền sắp xếp các khoản bồi thường chiến tranh. Lợi ích của họ đôi khi cũng xảy ra xung đột, và mỗi phe đều có những người phát ngôn chính trị riêng. Họ lao vào tranh giành các dự án lớn, và trong trường hợp cực đoan, họ sẽ quyết đấu với nhau trên thị trường tài chính.
Ở đâu có tiền, ở đó sẽ có canh bạc lợi ích. Ở đâu có nhiều tiền hơn, ở đó sẽ có những cuộc đấu tranh quyền lực, và khi đã kiểm soát quyền lực thì chắc chắn sẽ có nhiều tiền hơn.
FRANCISCO: NGƯỜI SÁNG LẬP TRIỀU ĐẠI BARINGS
Gia tộc Barings có xuất thân lâu đời hơn so với gia tộc Rothschild. Khi Ngân hàng Barings tiến hành huy động vốn ở London cho các cường quốc châu Âu thì gia tộc Rothschild vẫn đang phải kiếm chác qua từng thương vụ nhỏ ở thị trường tài chính Frankfurt. Với tư cách là một ngân hàng Cơ-đốc giáo, gia tộc Barings thuộc nhóm thiểu số trong danh sách các ngân hàng quốc tế, nhưng họ lại là gia tộc khởi nghiệp sớm nhất và có ảnh hưởng sâu sắc nhất. Họ đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình mạng lưới ngân hàng đa quốc gia hiện đại mà sau này gia tộc Rothschild đã theo chân.
Gia tộc Barings có nguồn gốc từ Bắc Đức, và tổ tiên đầu tiên của họ sống ở Groningen, chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng Cơ-đốc giáo Luther. Những người thuộc thế hệ sau đó đa phần đều là mục sư của dòng Cơ-đốc giáo Luther, và cũng có người làm công chức chính phủ, mãi đến thời của John Barings mới bắt đầu kinh doanh. Năm 1717, John chuyển đến vùng Exeter – Anh. Đến năm 1723, ông kết hôn với con gái của một doanh nhân giàu có ở địa phương và bắt đầu lịch sử huyền thoại của gia tộc Barings.
Người thực sự mang lại hào quang cho gia tộc Barings là Francis Barings. Trong suốt thế kỷ XVIII, do châu Âu tăng cường thâm nhập vào tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á và Viễn Đông, cộng thêm việc thị trường Bắc Mỹ đang trên đà lớn mạnh, lĩnh vực thương mại quốc tế mà trọng tâm là châu Âu, vô cùng phát triển. Một mặt do nhu cầu cấp thiết của thị trường, mặt khác là năng lực chế tạo sản phẩm đang có những bước tiến nhảy vọt, đồng thời ngành vận tải hàng hải cũng sẵn sàng, thế nhưng ngành tài chính phục vụ toàn bộ quá trình thương mại quốc tế lại tụt lại phía sau. Vì vậy, Francis quyết định chuyển đổi phương hướng kinh doanh của gia tộc, từ sản xuất và thương mại truyền thống sang hoạt động tài chính. Ở hai đại bản doanh của mình là Exeter và London, ông thiết lập cơ cấu kinh doanh có thể hỗ trợ lẫn nhau, mở rộng phạm vi sang các nghiệp vụ thương mại, công nghiệp và chiết khấu hóa đơn, tạo ra một mô hình kinh doanh mới. Và 25 năm sau đó, mô hình này đã được sao chép bởi gia tộc Rothschild ở châu Âu.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi táo bạo của Francis sang ngành tài chính không mấy suôn sẻ, các quyết sách của ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chi nhánh Exeter. Do sự khác biệt trong triết lý kinh doanh và xung đột lợi ích, anh em gia tộc Barings đành phải ký một thỏa thuận chia tách vào năm 1777. Francis làm chủ sở hữu doanh nghiệp gia tộc chi nhánh London. Khi đó London đang nhanh chóng thay thế Amsterdam trở thành trung tâm tài chính của thế giới, và Francis đã dẫn dắt gia tộc Barings bước lên vũ đài lịch sử.
Sau khi chia tách, Francis muốn sải cánh tung bay và thực hiện những bước đi táo bạo trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, những thay đổi trong tình hình quốc tế dường như không mấy thuận lợi cho tham vọng của Francis. Việc Mỹ giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập không chỉ khiến cho Đế quốc Anh mất đi sức mạnh quân sự hùng mạnh, mà còn làm nền kinh tế Anh tuột dốc không phanh. Chi nhánh Exeter của gia tộc Barings cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đến năm 1790 thì gần như không còn hoạt động nữa. Chi nhánh tại London của Francis cũng khó thoát khỏi tình cảnh khó khăn. May mắn thay, vợ ông là người thừa kế của cựu Tổng Giám mục Canterbury và rất giỏi kinh doanh, bà đưa ra rất nhiều quyết sách giúp cơ nghiệp của họ vượt qua khủng hoảng. Bà Barings quán xuyến mọi việc cực kỳ tài tình, kiểm soát chi phí vận hành kinh doanh của gia tộc ở mức 800 bảng mỗi năm. Chính vì lẽ đó mà sau khi vợ qua đời, ông Francis đã cảm thán rằng: “Trong thời điểm khó khăn đó, nếu không có tài năng quán xuyến của vợ tôi thì chi phí vận hành chắc chắn sẽ lên tới 1.200 bảng mỗi năm, và cơ nghiệp của cả gia tộc sẽ không bao giờ gượng lại được.”24
24 George Gordon Byron, Don Juan, 1821.
Cuộc khủng hoảng qua đi, công việc kinh doanh của gia tộc thuận lợi hơn, lợi nhuận tăng từ 3.400 bảng năm 1777 lên tới 10.300 bảng vào năm 1781, và đến năm 1788 thì đạt đến kỷ lục là 12.000 bảng. Năm 1776 là giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, số vốn của công ty chỉ là 19.452 bảng, đến khi chiến tranh kết thúc năm 1783, con số đó đã tăng lên 43.951 bảng.25Đến năm 1780, các chi nhánh quan trọng của gia tộc Barings phủ khắp ba quần đảo lớn của Anh và lục địa châu Âu, ngoại trừ hai chi nhánh của gia tộc ở Amsterdam – trung tâm tài chính thế giới khi đó. Tại đại bản doanh Exeter, London, St. Petersburg, Cartagena của Tây Ban Nha và Legone của Ý đều có một chi nhánh. Gia tộc Barings đã tạo nên một mạng lưới tài chính kết nối tất cả các dòng vốn, hậu cần và dòng thông tin của châu Âu. Đám mây của triều đại tài chính Barings đã lan rộng ra khắp châu Âu vào thời điểm này.
25 Philip Ziegler, The Sixth Great Power, Alfred A. Knopf, 1988.
HÀ LAN: ĐỈNH CAO CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THƯƠNG MẠI
Trước khi London trỗi dậy, Amsterdam đã từng là trung tâm tài chính châu Âu. Hà Lan phất lên nhờ kinh doanh thương mại với phương Đông, dựa vào sức mạnh của ngành công nghiệp đóng tàu, họ cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha để nắm giữ thị trường thương mại phương Đông. Từ năm 1605 đến 1665, các nhà máy đóng tàu của Hà Lan đều sử dụng các loại máy móc hỗ trợ giúp tăng nhanh tốc độ đóng tàu, mỗi tàu có thể được hoàn thành trong gần một ngày. Thời điểm đó, Hà Lan có hàng chục nghìn tàu, chiếm 3/4 tổng lượng vận tải đường biển châu Âu. Hầu hết các loại hàng hóa thương mại trên khắp thế giới đều do các tàu buôn Hà Lan vận chuyển. Hà Lan trở thành “phu xe ngựa trên đại dương”. Tổng số thủy thủ ở Hà Lan lên tới 250.000 người. Trong khi đó, Bồ Đào Nha chỉ có khoảng 300 đội tàu vận chuyển và 4.000 thủy thủ. Trải qua 60 năm cạnh tranh thương mại và xung đột vũ trang, cuối cùng Hà Lan đã đánh bại Bồ Đào Nha vào nửa cuối thế kỷ XVII, kiểm soát Mũi Hảo Vọng và biến nó thành nút giao thương mại Đông Tây. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty Đông Ấn Hà Lan có 15.000 chi nhánh và hoạt động thương mại chiếm một nửa tổng số giao dịch của thế giới. Hơn 10.000 tàu buôn treo cờ ba màu Hà Lan đi khắp bốn đại dương, và Hà Lan đã trở thành nòng cốt của thế giới tư bản thương mại.
Sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại Hà Lan tạo ra nhu cầu cực lớn đối với các dịch vụ tài chính. Năm 1609, ngân hàng quốc gia đầu tiên trên thế giới – Ngân hàng Amsterdam được thành lập.
Một trong những lý do quan trọng cho việc thành lập ngân hàng Amsterdam là để quy hoạch lại ngành tài chính vốn rất hỗn loạn vào thời điểm đó. Có hai quần thể lớn trong ngành tài chính ở Amsterdam, một là các ngân hàng Do Thái của những ông chủ di cư từ Antwerp, hai là các ngân hàng địa phương do những ông chủ thuộc phái Kitô hữu quản lý. Nghiệp vụ chủ yếu của các ngân hàng Do Thái là kỹ năng “giữ nhà” truyền thống của họ: trao đổi tiền tệ, chiết khấu hóa đơn, thu giữ tiền gửi và phát hành khoản vay. Một vấn đề hết sức trọng yếu tồn tại trong những nghiệp vụ này đó là sự khác biệt cực lớn về lãi suất và sự hỗn loạn trong quản lý.
“Lý do chính thanh lập Ngân hàng Amsterdam không phải là để cung cấp tín dụng, mà là để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tràn lan trong quá trình trao đổi tiền tệ và chiết khấu hóa đơn, từ đó cung cấp (cho thương mại) một môi trường dịch vụ tài chính hiệu quả và ổn định. Điểm mấu chốt của Ngân hàng Amsterdam (BAR) là nó công khai hơn các ngân hàng tư nhân, chứ không phải là cơ cấu quản lý của nó.”26
26 Stephen Zarlenga, The Lost Science of Money, American Monetary Institute 2002.
Trong hơn 100 năm kể từ khi thành lập, ngân hàng Amsterdam đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại Hà Lan, củng cố vị thế của Hà Lan như một trung tâm thương mại của thế giới, tạo ra sự phồn vinh và thịnh vượng chưa từng có cho Hà Lan. Một số gia tộc thuộc hạng “cự phú” (cực giàu) đã xuất hiện, và gia tộc Hope là một trong những đại diện nổi bật.
Tổ tiên của gia tộc Hope là một thương nhân người Scotland. Ông tham gia vào các hoạt động vận chuyển, kho bãi, bảo hiểm và tín dụng ở Amsterdam và Rotterdam, Hà Lan. Ông điều hành hoạt động cho các tín đồ giáo phái di cư đến lục địa mới ở Rotterdam và thực hiện các thương vụ buôn bán nô lệ ở Amsterdam. Việc giúp các tín đồ giáo phái di cư, giáo hội sẽ trả công là 60 đồng. Còn việc buôn bán nô lệ thì do trong quá trình vận chuyển trên biển, các nô lệ bị đối xử hết sức tàn nhẫn, mức độ tử vong bình quân là 16%. Trong toàn bộ Chiến tranh Bảy năm (1756-1763), gia tộc Hope đã kiếm bội tiền nhờ hoạt động đầu cơ này.
Sau khi Chiến trah Bảy năm kết thúc, gia tộc Hope bước chân vào lĩnh vực tài chính quốc tế và thu xếp các khoản vay cho chính phủ Thụy Điển, Nga, Bồ Đào Nha và Bavaria. Họ dẫn dắt các tập đoàn Anh - Hà Lan bảo lãnh những khoản nợ quốc gia này, và bản thân Hope tự trích ra 5% - 9% phí hoa hồng. Gia tộc này cũng tập trung vào việc cho các chủ trang trại vùng Tây Ấn vay tiền để nhận lại đường, cà phê và thuốc lá, sau đó bán chúng trên thị trường Amsterdam. Gia tộc Hope đã cho hoàng gia Bồ Đào Nha vay một khoản lớn, nên chính phủ Bồ Đào Nha nhượng quyền cho Hope vận hành việc buôn bán kim cương ở Brazil, biến Amsterdam thành trung tâm buôn bán kim cương của châu Âu.27
27 Schama, S., Patriots and Liberators, Revolution in the Netherland 1780-1813.
Khách hàng quan trọng nhất của gia tộc Hope là nữ hoàng Nga – Catherine Đại đế, và cũng vì Hope cho chính phủ Sa hoàng vay một khoản vốn lớn, nên Catherine Đại đế cho phép ông độc quyền nhập khẩu đường từ Nga và đại diện cho Nga kinh doanh lương thực và gỗ trên thị trường châu Âu. Thông qua việc điều hành các nghiệp vụ thương mại và tài chính, Hope gần như trở thành gia tộc giàu nhất châu Âu thời bấy giờ. Họ không chỉ nắm quyền kiểm soát công ty Đông Ấn và công ty Tây Ấn của Hà Lan, mà còn liên kết với Vương quốc Anh tạo nên tập đoàn Ngân hàng Anh - Hà Lan, dùng sức mạnh tài chính tác động đến các vấn đề chính trị và đối ngoại của các nước châu Âu và Mỹ.
Từ năm 1779, Henry Hope trở thành người đứng đầu của gia tộc Hope. Năm 1786, Adam Smith dành tặng ấn bản thứ tư của cuốn sách vĩ đại The Wealth of Nations28 cho Henry Hope:
Tôi không thay đổi bất kỳ điều gì cho phiên bản thứ 4 này. Song, bây giờ tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải cảm ơn ngài Henry Hope của Amsterdam. Với một đề tài hết sức thú vị và quan trọng như Ngân hàng Amsterdam, chính nhờ người đàn ông này mà tôi có được những thông tin độc đáo và sâu rộng. Trước khi ông ấy ngỏ lời giúp tôi, các tư liệu liên quan đến Ngân hàng Amsterdam không thể làm tôi hài lòng, thậm chí là rất khó lý giải. Ở châu Âu, không ai không biết đến tên tuổi của người đàn ông này. Bất luận là ai có được những thông tin như vậy từ ông ấy đều sẽ cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Tôi rất muốn dành lời cảm ơn tới Henry Hope, tôi sẽ có vinh hạnh làm điều đó trong những trang đầu tiên của phiên bản mới nhất của tác phẩm này, coi như là lời quảng cáo tốt nhất cho ấn phẩm.29
28 Adam Smith, Của cải của các dân tộc, NXB Giáo dục, 1997.
29 Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, 4th Edition.
Trong cộng đồng ngân hàng châu Âu vào thời điểm đó, việc thiết lập mối quan hệ kinh doanh với gia tộc Hope cũng đồng nghĩa với việc có được tấm giấy thông hành để đi thẳng đến sự giàu có và quyền lực. Francis Barings là một trong những người may mắn.
LIÊN MINH VỚI GIA TỘC HOPE: BARINGS LEO LÊN VỊ TRÍ “ĐỆ NHẤT PHÚ HÀO” CỦA CHÂU ÂU
Vẻ ngoài lạnh lùng, tính cách điềm tĩnh và luôn coi trọng chữ tín của Francis đã dần giành được sự tín nhiệm lớn trong giới tài chính. Công việc kinh doanh của ông cũng có những bước tiến lớn trong cuộc chiến Napoléon. Năm 1771, Francis được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Trao đổi tiền tệ Hoàng gia (The Royal Exchange Assurance). Hiệp hội này có mối quan hệ chặt chẽ với gia tộc Hope, và chính vị trí đó đã giúp ông mở ra cánh cửa hợp tác với gia tộc Hope. Một cơ hội tuyệt vời giúp ông phát triển và mở rộng cơ nghiệp của bản thân.
Gia tộc Hope muốn phát hành trái phiếu ở Anh nhằm khai thác thị trường này, Francis đã nắm lấy cơ hội ngàn năm có một và nhanh chóng giải quyết vấn đề phát hành trái phiếu trị giá 15.000 bảng của gia tộc Hope. Kể từ đó, hai gia tộc dành cho nhau những tình cảm nồng hậu và kết thành liên minh. Chủ ngân hàng người Pháp John Mallet đã bình luận về câu chuyện này: “Gia tộc Hope cảm động sâu sắc không chỉ bởi sự nhiệt tình và khả năng hành động của Barings, mà còn bởi danh dự tuyệt vời và nguồn lực dồi dào của ông ấy. Kể từ giây phút đó, gia tộc Barings trở thành một trong những người bạn quan trọng của gia tộc Hope.” Năm 1790, William Hope đã nói lời xin lỗi vì viết thư cho Francis chậm trễ do công việc bận rộn của mình: “Thưa quý ngài kính mến, mối quan hệ giữa chúng ta cũng gần gũi và thân mật như các thành viên trong gia đình với nhau vậy. Thực tế, sự thân mật này dựa trên cảm tình chúng ta dành cho nhau.”30
30 Philip Ziegler, The Sixth Great Power, Alfred A. Knopf,1988.
Kể từ đó, bất cứ khi nào người của gia tộc Hope có chuyến thăm tới London, họ luôn ở trong dinh thự của gia tộc Barings. Năm 1796, một thân tín của gia tộc Hope đã kết hôn với con gái của Francis Barings, và cuộc hôn nhân giữa hai gia tộc đánh dấu sự hình thành Liên minh Barings-Hope.
Tháng 1 năm 1794, Henry Hope viết cho Francis: “Tôi cảm thấy Vương quốc Anh và Hà Lan luôn có mối quan hệ rất tốt đẹp với nhau, như thể môi hở răng lạnh vậy. Khi thăm thú ở Anh (Bahraini), tôi luôn có cảm giác như ở nhà.”31
31 Ibid.
Một năm sau, sự phát triển của thời cuộc đã xác minh lời nhận xét của Henry Hope. Năm 1795, quân Cách mạng Pháp tiến vào Hà Lan, gia tộc Hope nháo nhác chạy trốn và lánh nạn ở London. Dưới tác động của gia tộc Barings, hải quân hoàng gia đã điều một chiếc pháo hạm để hộ tống họ. Con trai của Francis – Alexander Barings nhận lệnh ở lại văn phòng Ngân hàng Hope cho đến khi nghe thấy tiếng giày của lính Pháp rầm rập vang lên ở Amsterdam mới được thoát ly và chạy về London.
Năm 1802, khi Hiệp ước hòa bình Amiens được ký kết, chiến sự ở châu Âu tạm thời kết thúc, gia tộc Hope quay trở lại Amsterdam để tiếp tục công việc cũ. Ngân hàng gia tộc Hope khai trương trở lại và phần lớn số vốn vẫn nằm trong tay gia tộc Barings. Vào thời điểm này, Alexander đã đến Mỹ để phát triển sự nghiệp riêng. Ông làm trái với ý chí của cha mình – Barings, và không muốn quay lại Hà Lan để hợp tác với Hope nữa. Những diễn biến thời cuộc sau này đã chứng minh rằng Alexander có một tầm nhìn xa trông rộng. Chẳng bao lâu sau, chiến sự ở châu Âu bùng nổ trở lại, quân đội Pháp một lần nữa tiến vào Hà Lan và tài sản của gia tộc Hope tổn thất nặng nề. Đến năm 1813, gia tộc Hope chỉ còn là cái bóng của chính họ, Alexander – người đứng đầu của gia tộc Barings chỉ mất 250.000 bảng để mua lại toàn bộ sinh kế của gia tộc Hope. Cân nhắc đến mối quan hệ mật thiết giữa gia tộc nhà nên ông mới không nỡ thôn tính toàn bộ sản nghiệp của gia tộc Hope. Gia tộc Hope tiếp tục tồn tại dưới sự che chở của Barings như một đối tác thương mại lớn. Hope không còn là một lực lượng tài chính độc lập, và hai gia tộc về cơ bản là một.
THƯƠNG NHÂN TUYỆT ĐỈNH: CHẾ ĐỘ CỔ PHẦN CỦA QUYỀN LỰC TÀI CHÍNH
Nhờ liên minh với Hope, công việc kinh doanh của gia tộc Barings ngày càng phát triển. Khi thực lực đã trở nên hùng mạnh, họ bắt đầu lấn sân sang chính giới. Năm 1786, Francis viết thư cho hầu tước Lansdowne (trước là bá tước của Shelburn): “Tôi chủ yếu quan tâm đến ba việc: một là kinh doanh gia tộc, hai là các vấn đề công cộng và ba là Công ty Đông Ấn…” Lúc này, ánh mắt của ông đổ dồn vào sự nghiệp thực dân của Đế quốc Anh, ông rất nhạy bén khi phát hiện ra vô số cơ hội kinh doanh béo bở ở đó.
Năm 1787, trong một bức thư gửi Henry Dundas, thư ký hải quân của thủ tướng William Pitt, ông đã liệt kê những lợi ích của một hiệp ước thương mại với Hà Lan: “Hà Lan vốn lập quốc trên nền tảng thương mại, họ có thể giúp các sản phẩm của chúng ta xâm nhập và phát triển tại thị trường Ấn Độ. Điều này hết sức có lợi cho chúng ta. Ngoài ra, họ còn có thể hỗ trợ cho chúng ta về chính trị, bởi vì hai nước có chung một hệ thống ý niệm cơ bản, tương hỗ về mặt lợi ích. Ngay kể như đất nước chúng ta, lợi ích cốt lõi là duy trì sự ổn định lâu dài của đế chế, tiếp đến là lợi ích thương mại. Không có mâu thuẫn lợi ích cơ bản giữa hai bên, hơn nữa lại có tính tương hỗ hết sức mạnh mẽ về mặt kinh tế, vì vậy cần phải duy trì hợp tác chiến lược.”32 Bức thư này bề ngoài thì cân nhắc vì lợi ích quốc gia, nhưng thực chất là đề cập đến lợi ích của liên minh Barings-Hope.
32 Ibid.
Nhưng nhân vật thực sự đưa Francis vào con đường chính trị là John Dunning. Dunning là luật sư trưởng của công tước xứ Lancaster. Ông là bạn thân với đại tá Issac Barré – từng là trợ lý cho Thủ tướng William Pitt. Ba người “kết nghĩa đào viên”, dựa vào thế lực của hầu tước xứ Lansdowne – William Petty, tạo thành một liên minh khiến bất cứ ai cũng phải nể sợ.
Dunning giúp Francis tham gia chính trị là để trả món nợ ân huệ khi ông rơi vào bẫy nợ và không đủ khả năng hoàn trả. Từ năm 1783, Francis giúp Dunning trả khoản nợ 5.000 bảng/năm trong suốt sáu năm.
Thủ tướng Pitt đã coi Francis như thượng khách, lắng nghe và tiếp thu những quan điểm của Francis về các vấn đề buôn bán nô lệ Senegal, ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, đồn trú Gibraltar, cải cách hải quan... Còn Francis cũng tích hợp lợi ích kinh doanh của gia tộc mình với lợi ích của Vương quốc Anh, giúp cho sự nghiệp chính trị của bản thân ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Quá trình gieo hạt giống chính trị của gia tộc Barings cuối cùng cũng có trái ngọt. Mối quan hệ chặt chẽ và đáng tin cậy với các bộ trưởng giúp gia tộc Barings thường xuyên nuốt trọn những miếng bánh lớn của Chính phủ. Khi đó, chiến sự Bắc Mỹ hết sức căng thẳng, việc tiếp tế cho binh sĩ ở tiền tuyến thường xuyên bị gián đoạn. Barings được giao trọng trách hỗ trợ hậu cần cho tiền tuyến, và hầu tước Lance Daun lại thu về một món hời từ việc cung cấp khẩu phần ăn cho tướng sĩ. Với tài năng trác việt của mình, Barings đã tiết kiệm 70.000 bảng cho người nộp thuế ở Vương quốc Anh, còn bản thân ông đã kiếm được khoản hoa hồng trị giá 11.000 bảng.
Năm 1780, Chính phủ Anh muốn tìm một ngân hàng gia tộc để huy động nguồn vốn phục vụ chiến tranh Bắc Mỹ, một ngân hàng sử dụng tốt nhất nguồn lực tài chính của mình, hoặc của khách hàng và nhà đầu tư bên ngoài để thu mua trái phiếu chiến tranh. Đây là một thương vụ rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng cao, Francis chờ đúng cơ hội và ra tay một cách dứt khoát và giành lấy nghiệp vụ bảo lãnh phát hành này. Trong giai đoạn 1780-1784, ông huy động được 1,9 triệu bảng từ trái phiếu chiến tranh Bắc Mỹ. Con số này trông có vẻ không nhiều, nhưng cũng đủ để thỏa mãn nhu cầu của chính phủ và giúp cho Francis tạo dựng một hình tượng tốt đẹp trước Chính phủ Anh. Họ hiểu và tin tưởng Barings, họ thích và tôn trọng khả năng của Francis, họ luôn cảm thấy như đang mang nợ ông. Điều đó sẽ giúp Barings có thêm nhiều hợp đồng của Chính phủ.
Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, Vương quốc Anh thường xuyên phát động chiến tranh, chi phí quân sự rất lớn và lượng phát hành trái phiếu chính phủ tăng nhanh khủng khiếp. Đây là cơ hội giúp các gia tộc ngân hàng như Barings kiếm bội tiền nhờ bảo lãnh phát hành trái phiếu chiến tranh. Trong suốt 16 năm từ năm 1799 đến năm 1815, có tới 12 năm gia tộc Barings là người bảo lãnh chính cho trái phiếu chính phủ Anh, kiếm được 190.000 bảng. Danh tiếng của gia tộc Barings đạt đến đỉnh cao tại thị trường tài chính London. Các quốc gia có nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ đều nhao nhao tìm đến.33
33 Norman Baker, Government and Contractors: The British Treasury and War Suppliers, 1971.
Tháng 3 năm 1797, giữa thời điểm cuộc chiến chống Pháp ở châu Âu đang diễn ra hết sức khốc liệt, một vị thân vương Brazil của Bồ Đào Nha đã đến London để tìm cách huy động 1,2 triệu bảng. Ông định bảo đảm bằng lợi nhuận buôn bán kim cương và xì gà của Brazil, nếu không đủ sẽ thế chấp thêm “quốc đảo giàu có Mozambique”. Francis rất có hứng thú với thương vụ này, nhưng trước tiên ông phải hỏi ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng Pitt đáp rằng “việc vận chuyển hàng hóa ở Bồ Đào Nha sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, và tỏ ra không mấy hứng thú với thương vụ này. Song, nếu Barings đứng ra tài trợ như một công ty tư nhân thì ông cũng không phản đối, nhưng chính phủ sẽ không hỗ trợ. Cân nhắc đến ý kiến của Pitt, Barings đành phải từ bỏ cơ hội này.
Năm 1801, người Bồ Đào Nha rất cần một khoản tiền lớn để thanh toán cho các khoản chi phí chiến tranh, vấn đề đi vay vốn một lần nữa lại được đề xuất. Lần này thủ tướng Pitt tạm thời bị cắt chức, và Francis quyết định sẽ bỏ qua chính phủ để tự mình theo đuổi thương vụ này. Francis nói với con rể của mình, Pierre Cesar Labouchére – một vị thân tín của gia tộc Hope rằng: “Trong thời buổi rối ren này, chúng ta không nên thảo luận với các bộ trưởng về khoản vay của Bồ Đào Nha. Con cũng biết rồi đấy, hầu hết các bộ trưởng đều không mấy hiểu biết về lĩnh vực tài chính quốc tế.”
Dưới sự chỉ đạo của Francis, Pierey Repochel và George Barings được điều đến Lisbon để thảo luận chi tiết về vấn đề cho vay. Hai người đàn ông này phải ngồi xe lừa kéo trên quãng đường hết sức gập ghềnh, khó khăn lắm mới tới được Lisbon. Quá trình đàm phán sau đó cũng khó khăn chẳng kém. Pierri Lepocher phàn nàn rằng người Bồ Đào Nha “liên tục thay đổi chủ đề của cuộc đàm phán, không những vậy còn toàn dùng những ngôn từ mà tôi không hiểu gì cả, quả thực khiến cho tôi đau đầu nhức óc.”
Năm 1802, một số chủ ngân hàng Do Thái cũng đổ xô đến Lisbon để tham gia tranh cướp hợp đồng này, nhưng George Barings đã báo lại rằng “Mặc dù những người Do Thái này có thể coi là đối thủ đáng gờm, nhưng cũng không cần phải lo lắng quá nhiều. Nền tảng tài chính của họ khá yếu nên không thể đưa ra mức giá như chúng ta.” Cuối cùng, thương vụ lớn này rơi vào tay tập đoàn Hope-Barings, trong đó Barings chịu trách nhiệm bảo lãnh cho 5 triệu guilder Hà Lan.
Đã kiếm được bội tiền, Barings nghiêm túc xem xét đến sự cần thiết của việc trở thành một “doanh nhân hàng đầu”. Danh tiếng của các chủ ngân hàng không mấy tốt đẹp, nên bấy lâu nay hình tượng của họ trong mắt công chúng chẳng khác gì những kẻ tàn nhẫn, khắc nghiệt. Chỉ khi là một chính trị gia, bạn mới có thể trở thành một thành viên của giai cấp thống trị, và xây dựng cơ nghiệp kinh doanh của gia tộc trên nền tảng vững chắc. Sau khi hạ quyết tâm, Francis chi 3.000 bảng cho việc vận động hành lang và được bầu làm thành viên của hạ viện. Và suốt 150 năm tiếp theo, gia tộc Barings luôn có một ghế trong Quốc hội.
MẠNG LƯỚI QUAN HỆ XUYÊN ĐẠI TÂY DƯƠNG
Francis từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của thị trường Mỹ trong tương lai. Từ năm 1774, ông thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh với Thomas Willing và Robert Morris ở Philadelphia, Mỹ. Thomas Welling sau đó trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Mỹ – ngân hàng trung ương tư nhân đầu tiên ở quốc gia này. Robert Morris là một thành viên gia tộc ngân hàng nổi tiếng nhất của Mỹ và là được coi là một trong những cha đẻ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Những mối quan hệ cực kỳ có trọng lượng này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển tiếp theo của gia tộc Barings tại Mỹ.
Vào cuối thế kỷ XVIII, trong tình thế hỗn loạn của cuộc Cách mạng Pháp, gia tộc Barings tạm thời chuyển trọng tâm kinh doanh sang thị trường Bắc Mỹ. Năm 1795, đại sứ Mỹ tại Lisbon, David Humphreys đàm phán với chính quyền Berber của Bắc Phi (cướp biển Bắc Phi) về vấn đề cho phép các tàu buôn Mỹ qua lại tự do ở vùng biển Địa Trung Hải. Chính phủ Mỹ rất cần tiền nên họ muốn gia tộc Barings phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 800.000 đô-la với mức lãi suất 6%/năm. Và chỉ sau một tháng, gia tộc Barings đã huy động được 200.000 đô-la cho Mỹ giải quyết nhu cầu cấp bách của đại sứ quán Lisbon. Rufus King, sau đó là đại sứ Mỹ tại Anh, viết một lá thư chúc mừng gửi tới Barings vì đã “giúp Humphreys đạt được thành công trong một vấn đề hệ trọng như vậy với khí chất khảng khái và kỹ năng lão luyện của mình.” Ngoài ra ông còn nói: “Tôi đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Tài chính của chúng tôi để thông báo về những việc làm của ngài và chúng tôi đảm bảo rằng Chính phủ Mỹ sẽ luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của ngài trong vấn đề này.”34
34 Ibid.
Vào thời điểm đó, cuộc xung đột giữa Mỹ và Pháp dần lên đến cao trào. Gia tộc Barings đã đầu tư 45.000 đô-la cho Mỹ mua 10.000 súng trường và 330 khẩu pháo, đủ để trang bị cho một đội quân lớn. Vào cuối thế kỷ XVIII, mặc dù gia tộc Barings không phải là người đại diện của Chính phủ Mỹ tại châu Âu, nhưng một khi cần huy động tiền từ châu Âu, chính phủ Mỹ sẽ luôn tìm đến Barings.
Barings tin rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư châu Âu trong trường hợp Cách mạng Pháp gây bất ổn ở châu Âu, thế nên ông tích cực dẫn dắt các nhà đầu tư Anh tham gia thị trường chứng khoán Mỹ. Đến năm 1803, một nửa thị trường chứng khoán Mỹ do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (khoảng 32 triệu đô-la). Các nhà đầu tư Anh rót tiền vào chứng khoán Mỹ, và Mỹ sẽ phải trả cổ tức cho Vương quốc Anh, từ đó tạo nên một mạng lưới tài chính xuyên Đại Tây Dương, và trung tâm của mạng lưới đó không ai khác, chính là gia tộc Barings.
Bắt đầu từ năm 1790, Thomas Welling là đồng minh trung thành của gia tộc Barings và là đại diện tài chính của gia tộc Barings tại Mỹ. Còn gia tộc Barings gần như chính thức trở thành đại diện của chính phủ Mỹ. Rufus King, đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh nói với Barings rằng, Chính phủ Mỹ đã quyết định bổ nhiệm một “gia tộc ngân hàng Anh với danh dự và sự ổn định bậc nhất” làm đại diện, thường xuyên “huy động những khoản vốn lớn cho hội nghị đại lục” và tài trợ cho các sứ đoàn ngoại giao của Mỹ tại các quốc gia khác. Công việc này thường rất rắc rối mà hoa hồng không đáng kể, nhưng danh tiếng có được từ nó lại vô giá. Năm 1803, gia tộc Barings được chính thức bổ nhiệm làm đại diện tài chính của chính phủ Mỹ tại Anh.
HUY ĐỘNG VỐN LOUISIANA: ĐIỂN PHẠM TÀI CHÍNH ĐÁNG KINH NGẠC NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Sự kiện giúp cho gia tộc Barings vươn lên đỉnh cao trong ngành tài chính thế giới, không gì khác chính là thương vụ huy động vốn quy mô lớn giúp Chính phủ Mỹ mua lại Louisana.
Khu vực Louisiana nằm giữa sông Mississippi và dãy núi Rocky, phía bắc giáp với Canada, phía nam kéo đến Vịnh Mexico, và có diện tích tương đương với diện tích của 13 tiểu bang ở Trung Tây nước Mỹ hiện nay. Trong lịch sử, Louisiana là thuộc địa của Pháp và nhượng lại cho Tây Ban Nha sau Chiến tranh Bảy năm. Năm 1800, Đế quốc Pháp dưới sự dẫn dắt của Napoléon đang trong thời thịnh trị, nên Tây Ban Nha bất đắc dĩ phải trả lại thuộc địa cho Pháp. Nghĩ đến việc một đội quân Pháp hùng mạnh sắp sửa xuất hiện ngay trước cửa nhà mình, Chính phủ Mỹ đứng ngồi không yên. Vương quốc Anh đề nghị với Mỹ rằng họ sẽ thôn tính thuộc địa này trước, và bàn giao lại cho Mỹ sau khi chiến tranh châu Âu lắng xuống. Đối với người Mỹ, đề xuất này thậm chí còn đáng sợ hơn việc quân đội Pháp sắp xuất hiện. Vì vậy, Tổng thống Jefferson đã cử một đặc phái viên đến Paris thăm dò thái độ của hoàng đế Napoléon, xem liệu ông có thể bán một phần Louisiana cho Mỹ hay không. Thật vui mừng khôn xiết là Napoléon có ý định bán toàn bộ thuộc địa Louisiana cho Mỹ. Vấn đề còn lại là việc thương lượng. Ban đầu, Pháp khăng khăng đòi 15 triệu đô-la, nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý với mức giá 11,25 triệu đô-la.
Thực ra Napoléon cũng đang có chỗ khó nói. Khi đó, Napoléon phái 20.000 binh lính đi xâm chiếm Haiti nhưng kết cục thảm bại, và đang rất cần tiền để huy động một đội quân mới. Ngoài ra, Napoléon đã tính toán rằng, nếu Mỹ và Anh thành lập liên minh cùng chống lại Pháp, chắc chắn Anh sẽ tấn công khu vực Louisiana, thay vì để vùng đất đó rơi vào tay kẻ thù, tốt hơn hết là bán cho Mỹ. Hơn nữa nếu bán khu vực này, Pháp có thể giải tỏa nỗi lo về sau, dốc toàn lực để kiểm soát châu Âu. Tháng 4 năm 1803, Mỹ và Pháp ký hiệp ước hòa bình, theo đó Mỹ dễ dàng có được khoảng 2,6 triệu km2 đất (diện tích gấp 3,85 lần Pháp), với mức giá chưa tới 5 đô-la/km2.
Vấn đề bây giờ là: khoản tiền đó tìm ở đâu ra? Đáp án là “đã có sẵn”. Ngay từ khi Pháp và Mỹ đàm phán số tiền giao dịch tại Paris, Alexander Barings đã xuất hiện với tư cách là đại diện của gia tộc Barings để điều phối. Chính nhờ nỗ lực của Alexander, Pháp đã đồng ý giảm giá giao dịch xuống còn 11,25 triệu đô-la. Kết thúc thỏa thuận, như một lẽ tất nhiên, Barings-Hope lại nhận nhiệm vụ huy động vốn và phát hành trái phiếu cho chính phủ Mỹ. Họ giúp chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lợi tức 5% trên thị trường châu Âu, trong đó gia tộc Hope chịu 40% và gia tộc Barings chịu 60%. Điều này có nghĩa là, liên minh tài chính Barings-Hope đã mua lại đất từ Pháp và sau đó bán lại cho chính phủ Mỹ.
Tháng 6 năm 1803, cuộc chiến tranh chống Pháp của Anh đã được tái khởi động, hai nước Anh - Pháp ở trong tình trạng đối đầu quân sự. Thủ tướng Addington không thể chịu đựng việc một ngân hàng Anh trả hàng triệu franc mỗi tháng cho kẻ thù của mình, gián tiếp giúp Napoléon chuẩn bị cho cuộc chiến. Do đó ông ép gia tộc Barings phải tạm đình chỉ thanh toán cho Pháp. Gia tộc Barings đã khéo léo né tránh rủi ro chính trị bằng một cách đơn giản là giao lại trách nhiệm thanh toán cho đồng minh của mình, gia tộc Hope ở Amsterdam.
Vào thời điểm này, việc liên lạc giữa gia tộc Barings và gia tộc Hope đã bị theo dõi, trong bức thư hồi đáp gia tộc Barings về việc yêu cầu ông đứng ra làm đại diện thanh toán cho chính phủ Pháp, ông đã nói rằng “Chúng tôi không phản đối lệnh cấm tiếp tục thanh toán cho Pháp, vì vậy chúng tôi không thể thực hiện theo yêu cầu của ngài (về việc làm đại diện thanh toán).” Ý kiến của hai bên có vẻ mâu thuẫn với nhau, nhưng trên thực tế, Barings biết rằng Hope chắc chắn sẽ trả tiền cho Pháp. Hope cũng biết chẳng qua Barings chỉ từ chối ngoài miệng như vậy thôi, tất cả chuyện này chỉ là một “màn diễn” cho chính phủ Anh xem. Cuối cùng, Hope và Barings kiếm được món hời lớn trị giá 3 triệu đô-la trong thương vụ mua Louisiana.
CHIẾN TRANH ANH - MỸ NĂM 1812: GIA TỘC BARINGS “ĂN HAI MANG”
Năm 1806, cựu Phó Tổng thống Mỹ Aaron Burr bị buộc tội âm mưu phá hoại nước Mỹ, tất cả mọi người đều tin rằng ông muốn Mỹ tiếp tục bị đặt dưới quyền cai trị của Anh. Chỉ trong phút chốc, tâm lý thù địch của dân chúng hai nước bỗng dưng tăng vọt, và đám mây chiến tranh lơ lửng trên bầu trời hai bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra, cuộc chiến giữa Anh và Pháp khiến Vương quốc Anh phải thực thi chính sách cấm biển nhằm phong tỏa đại lục châu Âu. Điều đó đã khiến thương mại giữa Mỹ và Pháp bị ảnh hưởng rất lớn. Hải quân của Anh còn thường xuyên tiến hành chấp pháp ở khu vực cách bờ biển Mỹ chỉ khoảng 3 dặm, đây là một hành động vi phạm trắng trợn lãnh hải của Anh. Phía Mỹ tìm đủ phương cách đàm phán, nhưng phía Anh vẫn một mực làm theo ý mình. Nguy cơ xung đột giữa hai nước lại càng tăng cao.
Một nguyên nhân khác dẫn đến cuộc xung đột này là vấn đề liên quan đến Ngân hàng Thương mại Thứ nhất (First Commercial Bank) của Mỹ. Đây là ngân hàng trung ương tư nhân đầu tiên ở Mỹ, thành lập năm 1791 và gia tộc Barings là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng này. Thomas Welling là chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Thứ nhất, ông và Barings đã là đối tác kinh doanh của nhau trong gần 30 năm.
Khi Chính phủ Mỹ cho phép thành lập Ngân hàng Thứ nhất năm 1791, thời hạn hoạt động của nó là 20 năm, tức là hết hạn vào năm 1811. Ngay từ đầu, trong nội bộ Chính phủ Mỹ đã có một cuộc tranh luận gay gắt về việc thành lập Ngân hàng Thứ nhất, nhưng cuối cùng ý kiến của phe đối lập đã thắng thế. Ngày 3 tháng 3 năm 1811, Chính phủ Mỹ ngừng gia hạn cho Ngân hàng Thứ nhất, vậy là ngân hàng này chính thức đóng cửa. Đối với các chủ ngân hàng Anh đang nắm 70% cổ phần kiểm soát tại Ngân hàng Thứ nhất rõ ràng là một cú sốc cực lớn. Lợi ích cốt lõi của các gia tộc như Barings và Rothschild bị thách thức nghiêm trọng.
Đối với gia tộc Barings, đây cũng là một cơ hội hiếm có. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có cơ hội. Đặc biệt đối với các chủ ngân hàng như gia tộc Barings thì họ có thể ăn cả hai phía Anh và Mỹ. Chiến tranh nổ ra, việc phát hành nợ quốc gia của cả Anh và Mỹ chắc chắn sẽ tăng vọt. Thời điểm này, Barings thống trị nghiệp vụ bảo lãnh trái phiếu hai bờ Đại Tây Dương, nếu thương vụ này thực hiện trót lọt thì trong phút chốc họ sẽ đạt đến mức độ giàu chưa từng có. Đồng thời, chiến tranh nổ ra khiến cho nền kinh tế yếu kém của Mỹ buộc phải mắc nợ, do đó tăng thêm sự phụ thuộc vào gia tộc Barings trong vấn đề tài chính, không có tiền làm sao có thể tiến hành chiến tranh? Cuối cùng Chính phủ Mỹ phải chịu khuất phục trong vấn đề chính trị, đồng ý cho các ngân hàng tư nhân hoạt động dưới sự kiểm soát của các chủ ngân hàng Anh. Lúc này, Barings sẽ xuất hiện, đóng vai “người tốt”, khuyên bảo hai bên, qua đó tạo mối quan hệ tốt đẹp với cả Anh và Mỹ.
Năm 1812, cuộc chiến Anh - Mỹ nổ ra. Tình hình không nằm ngoài dự liệu. Đến năm 1814, Mỹ đã phải gánh khoản nợ và trái phiếu chiến tranh trị giá 6 triệu đô-la, rao bán trên thị trường vào tháng 7 với mức chiết khấu rẻ đến mức thê thảm âm (80%). Vấn đề tài chính thu không đủ chi của Chính phủ không chỉ xảy ra trong năm đó, mà vấn đề kinh phí chiến tranh cho năm 1815 cũng chưa được giải quyết. Bộ trưởng Hải quân Mỹ William Jones phải thốt lên rằng: “Chúng ta buộc phải hành động khẩn trương và nhanh chóng! Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cục diện chưa từng có trong lịch sử, đó là duy trì lục quân và hải quân mà không cần tiền, không những vậy còn phải lao vào một cuộc chiến cực kỳ gian khổ.” Vị Bộ trưởng Hải quân đáng thương này thậm chí phải đi lục lọi mọi ngóc ngách của kho bạc chẳng khác gì một gã ăn mày, cố gắng tìm ra số tiền để duy trì một số hoạt động phòng thủ quân sự cấp bách nhất. Việc chiêu mộ các thủy thủ của hải quân hoàn toàn bị đình trệ vì các thủy thủ nhất quyết không chịu lên tàu nếu như không có tiền.
Tình hình ở Bộ Chiến tranh cũng chẳng hề sáng sủa. Nhà máy quân sự Springfield đã hoàn toàn đóng cửa do thiếu vốn. Tiểu bang Virginia “dân chủ nhất” tại Mỹ cũng xảy ra binh biến vì thiếu tiền và lương thực.
Bang New Hampshire cạn kiệt tiền mặt, phải chuyển đổi thành trái phiếu để phát cho những binh lính giải ngũ khiến cho họ cực kỳ căm phẫn Chính phủ. Quân đội ở các khu vực khác còn tuyên bố rằng nếu không thể cấp tiền lương cho họ kịp thời, họ sẽ chiếm trại quân đội và bán tài sản của Chính phủ với giá rẻ mạt. Thời gian nợ lương của binh sĩ đã lên tới 6-12 tháng, một số khu vực khác thậm chí còn dài hơn, ngay cả mức lương bèo bọt 30 đô-la/năm, các binh sĩ cũng chẳng nhận được. Ở nhiều khu vực xảy ra nạn đào ngũ số lượng lớn. Các sĩ quan không chỉ không có tiền để truy bắt binh lính đào ngũ, mà ngay cả việc phát tờ rơi tại địa phương nhằm vận động người dân trình báo binh lính đào ngũ cũng chẳng có kinh phí để tiến hành. Nhà tù quân sự ở New England bị giải tán vì không có tiền hoạt động, còn thuốc men và vật tư y tế trong các bệnh viện dã chiến ở New York đã cạn kiệt từ lâu. Các quan chức chính phủ và quan chức quân đội đôi khi còn phải đi vay tiền của những người khác để có chi phí cho các vấn đề thiết yếu.35
35 Donald R. Hickey, The War of 1812: The Forgotten Conflict, University of Illinois Press, 1990.
Chiến tranh luôn là một cỗ máy ngốn tiền. Việc tiến hành một cuộc chiến lâu dài mà không có tiền quả là một ảo tưởng ngu muội. Xét từ một quan điểm khác, tiền là chủ nhân của chiến tranh. Nó vừa là mục tiêu của chiến tranh vừa là công cụ để kiểm soát chiến tranh. Hiểu rõ điều này nên các chủ ngân hàng quốc tế cực kỳ yêu thích chiến tranh. Họ không những có thể hưởng lợi rất nhiều mà còn kiểm soát chính phủ, kiểm soát chính sách sau chiến tranh và đạt được mục tiêu chiến lược là lợi nhuận lâu dài.
Với tư cách là một công dân Anh, Barings đương nhiên không thể công khai tài trợ cho Mỹ tại thị trường London, thế nhưng việc phát hành trái phiếu của Mỹ ở các thành phố khác của châu Âu thông qua những bên bảo lãnh phát hành là điều mà chẳng ai có thể quản được. Gia tộc Barings không chỉ chủ động lên kế hoạch trở lại thị trường Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh, mà còn tiếp tục trả cổ tức cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Mỹ trong thời chiến.
Tháng 7 năm 1813, Chính phủ Mỹ cử một phái đoàn đến châu Âu để đàm phán hòa bình với Anh. Người Mỹ nghĩ rằng Anh sẽ đánh giá cao việc Nga đứng ra làm trung gian hòa giải, thế nên đầu tiên họ đến St. Petersburg.
Con trai của Francis – Alexander Barings, xuất hiện rất đúng lúc nhằm “lấy lòng” cả hai phía chính phủ Anh - Mỹ. Ông đứng ra làm điều phối viên giữa người đứng đầu phái đoàn Mỹ, Gallantin và Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Castlereagh. Ông nói với người bạn Mỹ của mình rằng người Anh không bao giờ chào đón người Nga làm trung gian hòa giải, ông chỉ ra trong thư: “Trong các cuộc tranh chấp gia tộc, sự can thiệp của người ngoài chỉ khiến mọi việc càng thêm tiêu cực.” Gallantin đến London vào tháng 3 năm 1814. Con trai ông – James phàn nàn rằng: “Tôi thấy London nhàm chán hơn nhiều so với Paris và St. Petersburg. Chúng tôi đang ở một nơi mà chúng tôi không được chào đón, chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời, nhưng lần nào tham dự cũng cảm thấy gò bó. Nơi duy nhất khiến chúng tôi thực sự thoải mái và luôn chào đón chúng tôi là nhà của ngài Barings.”
Ở một mức độ nào đó, chính nhờ cảm hứng “yêu chuộng hòa bình” lan tỏa từ gia tộc Barings mà đến năm 1815, Vương quốc Anh và Mỹ cũng đạt được thỏa thuận đình chiến. Barings và các chủ ngân hàng Anh khác đã thành công trong việc kiếm bội tiền. Chính phủ Mỹ chịu khuất phục trước sức ép từ các ngân hàng quốc tế, và họ hứa sẽ thành lập một ngân hàng trung ương tư nhân thứ hai vào tháng 12 năm 1815, lấy tên là Ngân hàng Thứ hai. Mong muốn của Barings đã trở thành hiện thực. Vài thập kỷ sau khi Chiến tranh Napoléon kết thúc, ông đã kiểm soát đường dây thương mại và tài chính xuyên Đại Tây Dương giữa Anh và Mỹ.
BỒI THƯỜNG SAU CHIẾN TRANH CỦA PHÁP: BARINGS THĂNG CẤP TRỞ THÀNH THẾ LỰC CƯỜNG QUYỀN THỨ SÁU Ở CHÂU ÂU
“Ngày nay có sáu thế lực cường quyền ở châu Âu: Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ và gia tộc Barings”
Thủ tướng Pháp Richelieu
Năm 1815, Pháp bị đánh bại, Napoléon bị lưu đày. Theo “Hòa ước Vienna”, Pháp phải trả 700 triệu franc bồi thường chiến tranh, ngoài ra phải chịu mọi chi phí cho 150.000 binh lính thuộc liên minh chống Pháp (đang đồn trú tại Pháp) trong vòng 5 năm. Người xưa có câu “Họa vô đơn chí”, năm 1816, nông nghiệp Pháp bị mất mùa, quốc khố trống rỗng. Triều đại Bourbon khôi phục sau chiến tranh không nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của các tập đoàn tài chính trong nước. Họ bất đắc dĩ phải cầu cứu Barings – gia tộc Anh hùng mạnh nhất châu Âu giúp họ sớm thanh toán hết khoản bồi thường chiến tranh cho các nước thắng trận, để các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng mau chóng rời khỏi lãnh thổ của mình.
Với sự hỗ trợ của đại sứ Anh tại Pháp – công tước Wellington và thủ tướng Pháp – công tước Richelieu (cháu nội của Hồng y Louis XIV Richelieu), Gabriel-Julien Ouvrard đã thay mặt Hoàng đế Louis XVIII đến London diện kiến gia tộc Barings. Ouvrard từng là cố vấn tài chính cho Napoléon. Ông liên tục vào tù ra tội vì sự thiếu minh bạch trong vấn đề thu chi. Nhân vật này rất thạo quyền biến, có tài hùng biện. Ouvrard có mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Richelieu và Hoàng đế Louis XVIII. Nói chung, ông thuộc hình mẫu “dẻo mỏ”.
Ouvrard nói với gia tộc Barings rằng Thủ tướng Richelieu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Corsetto ủy thác cho mình toàn quyền đàm phán một khoản vay với tập đoàn tài chính Anh - Hà Lan. Ban đầu, gia tộc Barings không để tâm tới vấn đề này, vì “người trung gian” vô danh tiểu tốt này có vẻ không đáng tin cậy, thế nên họ cũng không thể hiện thái độ rõ ràng.
Trở về nước, Ouvrard thêm mắm dặm muối nói với các bộ trưởng Pháp rằng gia tộc Barings và Hope quan tâm đến vấn đề này như thế nào và rất có thể họ sẽ đồng ý cho vay. Thủ tướng Richelieu và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghe vậy thì vui mừng khôn xiết. Với sự trí trá tài tình của Ouvrard, hai bên phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, biến giả thành thật và bắt đầu đàm phán chi tiết khoản vay. Tại địa điểm đàm phán ở Tuileries nước Pháp, gia tộc Barings và Hope bị bao vây bởi những người phản đối khoản vay, gia tộc Hope dừng lại lắng nghe những ý kiến phản đối, nhưng gia tộc Barings chỉ nhún vai và tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận cho vay. Xuất phát từ ý đồ tư lợi cá nhân, ngoại trưởng Pháp Talleyrand không muốn chứng kiến thương vụ này trót lọt, còn Hoàng đế Louis XVIII thì bày tỏ sự sẵn sàng chào đón Barings tại Paris.
Đến tháng 12 năm 1816, cuộc đàm phán tiến triển đáng kể và Công tước Wellington chính thức viết thư thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao Anh Castlerea rằng, tổng nợ công của Pháp là khoảng 300 triệu franc (tức 12 triệu đô-la), tương đương với 2 triệu bảng Anh trái phiếu của Chính phủ Pháp sẽ được phát hành trên thị trường tài chính London. Gia tộc Barings có sự ủng hộ của các chính trị gia chủ chốt của châu Âu như Thủ tướng Áo Metternich cũng thi nhau mua trái phiếu Chính phủ Pháp do gia tộc Barings bảo lãnh. Gia tộc Barings, cùng đối tác Jacques Laffitte của Paris hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo lãnh phát hành và huy động được 315 triệu franc cho Chính phủ Pháp trong ba giai đoạn.
Trong quá trình huy động vốn đó, các tập đoàn tài chính Pháp trước đây không tin tưởng hoàng gia, cũng bắt đầu tài trợ các khoản nợ công của Pháp dưới tác động của gia tộc Barings. Trong hai đợt huy động đầu, họ đặt mua 1/4 số nợ công. Đến giai đoạn thứ ba, giá trị họ đặt mua lên tới một nửa. Gia tộc Barings nhất thời thống trị thị trường tài chính Pháp. Trong một lá thư gửi cho một người bạn, Công tước Wellington đã bình luận: “Barings thực sự nắm thị trường tài chính Pháp trong tay và nợ công của Pháp cũng như cá gặp nước trên sàn giao dịch Anh. Barings gần như đã kiểm soát thị trường tài chính của thế giới. Barings sẽ cảm nhận được uy quyền của mình, và bất cứ hành động nào chống lại ông ta đều rất khó thành.” Là một lão tướng từng trải trăm trận, những câu nói của Wellington vừa như lời tán dương, vừa hàm ý cảnh cáo.
Trong toàn bộ thương vụ đại diện Chính phủ Pháp bồi thường chiến tranh, các nước liên minh chống Pháp nhận được khoản chiến phí, Pháp được giải thoát khỏi gánh nặng chiếm đóng của nước ngoài; còn gia tộc Barings thì đút túi 720.000 bảng, không chỉ kiếm bội tiền mà địa vị chính trị của họ cũng lên đến đỉnh cao, có thể coi là “cả nhà cùng vui”. Gia tộc Barings vừa thu được khoản hoa hồng cực kỳ hậu hĩnh, vừa nâng tầm danh tiếng cao hơn bất kỳ gia tộc ngân hàng nào khác. Thủ tướng Pháp Richelieu còn phải thốt lên rằng: “Có sáu thế lực cường quyền ở châu Âu hiện nay: Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ và gia tộc Barings.”
Sự nghiệp của gia tộc Barings đã đạt đến đỉnh cao.
Nhưng cũng giống như tất cả những thứ đạt đến đỉnh cao, khoảnh khắc rực rỡ nhất thường là điểm khởi đầu của sự suy thoái. Như Công tước Wellington nói, có những gia tộc ngân hàng khác sẵn sàng lật đổ vị trí bá chủ “một tay che cả bầu trời” như gia tộc Barings. Một trong những đối thủ mạnh mẽ nhất, đáng sợ nhất của họ là gia tộc Rothschild nổi lên từ cuộc chiến Napoléon. 10 năm sau, chính gia tộc Rothschild đã kéo Barings ra khỏi ngai vàng tài chính.
HỢP ĐỒNG NỢ CÔNG CỦA PHÁP: HAI THẾ LỰC KẾT MỐI THÂM THÙ
Năm 1815, qua sự trui rèn của tinh thần “lửa và máu” từ cuộc chiến Napoléon, gia tộc Rothschild lợi dụng mạng lưới tình báo tài chính phát triển rộng khắp của mình, biết kết quả trận chiến Waterloo sớm hơn thị trường. Họ tích cực bán khống trái phiếu của Anh, khi giá trái phiếu giảm phi mã thì họ lại mua vào với số lượng lớn. Đến lúc tin tức chiến trường truyền về London, gia tộc Rothschild dễ dàng đoạt quyền định giá trái phiếu Anh trên thị trường. Đây là một ví dụ kinh điển trong lịch sử tài chính thế giới.
Gia tộc Rothschild làm mưa làm gió trong cuộc chiến Napoléon, họ trỗi dậy nhanh chóng trên thị trường tài chính châu Âu. Đến khi cuộc chiến này kết thúc, họ đã nuôi đủ tham vọng và thực lực để giành quyền bá chủ tài chính thế giới. Trong cuộc tranh giành hợp đồng nợ công của Pháp với kình địch Barings, Rothschild đã khơi mào cho cuộc chiến giành ngôi vương tài chính có ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử thế giới hiện đại.
Trong lúc gia tộc Barings đang đàm phán với Chính phủ Pháp, gia tộc mới nổi Rothschild cũng hoạt động hết sức tích cực. Họ sử dụng mạng lưới các ngân hàng Do Thái năng nổ và hiệu quả của gia tộc ở Frankfurt, Vienna, Paris và London với quyết tâm chia sẻ khoản hoa hồng khổng lồ nhờ bảo lãnh nợ công của Pháp.
Tình hình ban đầu có vẻ thuận lợi hơn với gia tộc Rothschild. Rothschild từng cung cấp một khoản vay lớn cho quá trình khôi phục Vương triều Bourbon ở Pháp và người bạn cũ của gia tộc Rothschild – Ngoại trưởng Pháp Talleyrand, cũng đóng vai trò nòng cốt trong chính quyền của triều đại Bourbon. Tầm ảnh hưởng của gia tộc Rothschild trong hoạt động triều chính Pháp là hết sức rõ rệt. Song, viễn cảnh tốt đẹp này không kéo dài lâu. Talleyrand từ chức, Pháp thành lập chính phủ mới, đứng đầu là Công tước Richelieu – người đang cố gắng làm suy yếu địa vị của gia tộc Rothschild ở Pháp. James Rothschild cố gắng tiếp cận thư ký của Thủ tướng Richelieu và viên thư ký này cũng thường xuyên cung cấp những ý đồ thực sự có giá trị của chính phủ cho gia tộc Rothschild. Tuy nhiên, thu đông năm 1816, Chính phủ Pháp đã ủy quyền việc bảo lãnh nợ công cho tập đoàn tài chính Barings-Hope. Gia tộc Rothschild càng thêm chán nản khi Barings- Hope loại trừ hoàn toàn Rothschild ra khỏi thương vụ lớn này. Trong cơn tuyệt vọng, James tìm cách gia nhập tập đoàn tài chính Barings- Hope để xin bảo lãnh một phần trái phiếu Chính phủ Pháp trong đợt chào bán thứ ba. Cuối năm 1817, các cuộc đàm phán đều đổ bể và Rothschild chẳng thu được kết quả gì. James tức tối tột độ và chỉ trích Barings là “lũ lật lọng, dối trá”.
Từ Paris trở về London, Solomon – đứa con thứ hai của gia tộc Rothschild lại tỏ ra vô cùng “ngưỡng mộ” trước những thủ đoạn của gia tộc Barings, “Barings là một nhân vật phản diện theo đúng nghĩa đen. Hôm nay, anh ta và Lafayette đến dùng bữa cùng chúng tôi... chúng tôi phải để mắt đến nhất cử nhất động của anh ta. Việc vận dụng và thao túng sức ảnh hưởng của anh ta cũng lão luyện như chúng tôi. Không có chính trị gia nổi tiếng nào ở Paris không có mối quan hệ mật thiết với Barings... Đại sứ Nga tại Paris – Pozzo di Borgo ủng hộ Pháp và đang hành sự dưới sức ảnh hưởng của Barings… Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp có mối lợi chung với Barings, họ cấu kết cùng nhau làm bao chuyện gian trá, và quả thực ông ta là kẻ tham lam vô độ nhất trong số các bộ trưởng.”
Song, James buộc phải thừa nhận trong một lá thư gửi cho Solomon vào tháng 3 năm 1817: “Anh từng khuyên tôi đừng quá lo lắng về Barings, vì không ai có thể một tay che cả bầu trời, nhưng anh không biết họ thông minh đến mức nào đâu.” Vài ngày sau, James gặp con rể của Hope – Dockary Repocher đang đứng đầu gia tộc Hope. James nghĩ rằng Repocher là một “người tốt và thông minh”, và nói với ông ta rằng: “Tôi chưa bao giờ gặp một người như ông ta. Tôi đảm bảo với ngài rằng họ đều thông minh tuyệt đỉnh và là chuyên gia kinh doanh. Điều không may là họ đã phát triển quá mạnh, đến mức những người khác khó có thể sống sót.
Sau những nỗ lực liên tục trong thương vụ bảo lãnh nợ công của Pháp năm 1817, gia tộc Rothschild chỉ được phân bổ vỏn vẹn 50.000 bảng. Barings lạnh lùng nói rằng chỉ có từng đó thôi. Vào thời điểm này, đối tác chính của Barings tại Paris là gia tộc Laffite (Jacques Laffitte).
Trong lá thư gửi cho Solomon, James nói ông đã đến thăm Lafayette: “Ông ta hứa với tôi rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị loại ra trong lần bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ tiếp theo... Nhưng tôi không thể tin tưởng bất cứ lời nào tuôn ra từ miệng gã người Pháp này.” Vài tháng sau đó, Alexander Barings đến thăm gia tộc Rothschild và thăm dò bằng cách đề nghị trao cho gia tộc Rothschild một lượng trái phiếu Chính phủ Pháp tương đương với tập đoàn tài chính Barings-Hope. Nhưng đến cuối năm, Barings lại tiếp tục lấy cái cớ mà họ đã dùng vô số lần để khéo léo từ chối gia tộc Rothschild: “Chỉ cần đối tác của tôi – Repocher đồng ý là chúng ta có thể chia đôi lượng trái phiếu Chính phủ Pháp, nhưng Repocher lại cho rằng mình vĩ đại hơn cả Đấng Cứu Thế. Anh ta muốn một mình xử lý hết đống trái phiếu này.” Mỗi lần bội tín của gia tộc Barings đều khiến gia tộc Rothschild gần như phát điên.
Barings từng có dạo chấp nhận cho gia tộc Rothschild hợp tác với đối tác kinh doanh của họ là Laffitte, nhưng vào thời điểm này, họ đã thay đổi ý định, không tiếc hy sinh vũ khí mang tên chủ nghĩa bài Do Thái, họ nói với các đối tác của mình rằng nếu không có sự cho phép thì tuyệt đối không được làm ăn với người Do Thái. Rothschild nghe tin này thì phát điên thực sự và quyết tâm tổ chức liên minh chống lại tập đoàn tài chính Barings-Hope, thách thức quyền bá chủ tài chính của Barings.
Chúng ta có thể nhận thấy thái độ của hai bên trong một số thư từ tìm thấy trong kho lưu trữ của hai gia tộc Barings và Rothschild. Rothschild oán trách Barings là “bè lũ tráo trở”, “tự cao tự đại”; còn Barings thì mắng nhiếc Rothschild là “ác độc”, “dối trá”. Công bằng mà nói, một số trong những cáo buộc lẫn nhau này thực sự là những đánh giá khách quan dành cho họ.
Ngày 30 tháng 5 năm 1818, Barings-Hope tiếp nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu trị giá 265 triệu franc. Họ ủy thác bảo lãnh cho Laffitte 20 triệu franc, nhưng chỉ cho Rothschild vỏn vẹn 10 triệu franc. Cùng năm đó, tập đoàn tài chính Barings-Hope cũng nắm quyền trong thương vụ rao bán trái phiếu Chính phủ Áo trị giá 3 triệu bảng. Rothschild nhận được lời mời cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhưng lại không có quyền tự xử lý khoản vay. James phàn nàn: “Những người này thực sự kiêu ngạo đến mức không thể tin nổi. Hôm qua, tôi đang trò chuyện với Bethmann ở Bộ Nội vụ, và Repocher đi ngang qua không thèm chào hỏi lấy một câu...” Kể từ đó, hình ảnh “người tốt” của Repocher hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí James.
Người con thứ tư của gia tộc Rothschild ở Berlin – Calmann đưa ra một nhận xét nặng tính triết học về sự giận dữ của anh trai: “Đầu tiên chúng ta là người Do Thái, thứ hai chúng ta sinh ra không phải đã là triệu phú và cuối cùng chúng ta đang cạnh tranh quyết liệt với gia tộc Barings. Trong trường hợp này, tại sao anh lại đề nghị họ trở thành bạn tốt của chúng ta cơ chứ?”
Bất kể ai đúng hay sai, năm 1818 gia tộc Rothschild thực sự bị chọc giận, Barings tự tạo ra một kẻ thù mạnh mẽ và đáng sợ cho chính mình. Rothschild sắp bắt đầu trả thù.
BÀY MƯU KỸ LƯỠNG, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT: ROTHSCHILD CUỐI CÙNG TRỞ THÀNH BÁ CHỦ
Đối với gia tộc Rothschild, điều quan trọng nhất vào năm 1818 là làm thế nào ráng một cú thật đau vào gia tộc Barings. Tất nhiên không thể phủ nhận, gia tộc Rothschild cũng có bản lĩnh và khả năng “tấn công” cực kỳ điêu luyện.
Trước tiên họ mua lượng lớn trái phiếu của Pháp trên thị trường do gia tộc Barings bảo lãnh phát hành và đẩy giá lên cao. Sau đó, đúng thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Aachen của các nước đồng minh được tổ chức, họ bắt đầu rao bán toàn bộ số trái phiếu này, mức giá chạm ngưỡng sụp đổ, thị trường ngay lập tức rơi vào hoảng loạn. Không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, gia tộc Barings phải mua lại số trái phiếu này để bình ổn giá, nhưng tốn công vô ích. Do dòng tiền bị rút kiệt trong thời gian ngắn nên gia tộc Barings gần như phá sản. May mắn thay, các nhà lãnh đạo chính trị các nước lớn tham gia Hội nghị thượng đỉnh không muốn chứng kiến làn sóng khủng hoảng châu Âu từ sự sụp đổ nợ công của Pháp. Metternich và Phổ, Hoàng thân Nga và các thủ tướng đều đứng ra hỗ trợ chính trị cho gia tộc Barings, vì tài sản của họ cũng đem đầu tư vào các khoản nợ công Pháp do Barings làm đại diện. Xét cả công lẫn tư, họ chỉ có thể dốc sức mà ủng hộ Barings lẫn trái phiếu của Pháp. Ngân hàng Pháp quyết định mạnh tay điều chỉnh lại thị trường tài chính và kiềm chế đầu cơ, những động thái này đã giúp ổn định tình hình. Giá trái phiếu Chính phủ Pháp có đà tăng ổn định. Barings cuối cùng cũng thoát khỏi kiếp nạn, nhưng được một phen toát mồ hôi lạnh. Nhìn chuyện xưa mà ngẫm chuyện nay, chúng ta không thể biết sự kiện của Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 rốt cuộc là đòn phản công của ai.
Đây chỉ là một thử nghiệm nhỏ của gia tộc Rothschild nhằm tấn công gia tộc Barings. Chiến lược thực sự của họ là, nếu tập đoàn tài chính Barings-Hope đã lũng đoạn quyền bảo lãnh trái phiếu bồi thường chiến tranh của Pháp, thì gia tộc Rothschild cần tìm cách trở thành đại diện tài chính của “Liên minh thần thánh” Nga-Phổ-Áo. Sau khi tích hợp ba đế quốc châu Âu này vào mạng lưới tài chính của mình, rồi nhắm đến ngai vàng của Rothschild trên thị trường trái phiếu Anh và tung ra những đòn tấn công hủy diệt vào mạng lưới tài chính của gia tộc Barings. Cuối cùng là đẩy bật thế lực của gia tộc Barings ra khỏi vị trí trung tâm của đấu trường tài chính châu Âu.
Sau 25 năm đằng đẵng của cuộc chiến tranh chống Pháp, tất cả các nước châu Âu đã bị tàn phá, khắp nơi đều là những đống đổ nát hoang tàn, và họ rất cần một số tiền lớn để khôi phục nền kinh tế quốc gia. Là lực lượng chính, là chiến trường chính của cuộc chiến chống Pháp ở châu Âu, Phổ, Áo và Nga không phải là ngoại lệ, họ đang rất cần huy động vốn với quy mô lớn ở các thị trường tài chính phát triển như Anh và Pháp.
Như lời phát ngôn Thủ tướng Anh Disraeli đã nói nhiều năm sau đó: “Sau 25 năm chiến tranh đẫm máu, châu Âu phải có tiền để duy trì hòa bình... Pháp cần rất nhiều tiền, Áo cần nhiều hơn, Phổ cần ít hơn một chút, còn Nga thì cần hàng triệu.” Còn lúc đó, tất cả các nguồn lực và tài chính của thế lực cường quyền thứ 6 – gia tộc Barings đã đổ vào thương vụ rao bán trái phiếu chiến tranh của Pháp, nên họ hoàn toàn không còn tâm trí đâu để dòm ngó. Gia tộc Rothschild nắm bắt cơ hội chiến lược này và giành được thỏa thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc gia với Phổ (1818), Áo (1820) và Nga (1822), nhanh chóng buộc chặt liên minh thần thánh khuynh đảo châu Âu này vào mạng lưới tài chính của mình. Ba quốc gia này cũng tỏ ra ngạc nhiên trước khả năng kiểm soát thị trường tài chính London của gia tộc Rothschild: “Rothschild có tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến tất cả các hoạt động tài chính của London. Mọi người đều nghĩ rằng, và thực tế cũng là họ có toàn quyền kiểm soát lãi suất chuyển đổi trên sàn giao dịch tài chính London. Với tư cách là một gia tộc ngân hàng, quyền lực họ nắm trong tay gần như là vô hạn.”
Ảnh hưởng của Rothschild đối với Liên minh thần thánh là hết sức sâu rộng, mối quan hệ vô cùng mật thiết, đến nỗi mọi người đã buộc tội Nathan Rothschild là một “nhà môi giới bảo hiểm” của Liên minh thần thánh, giúp đỡ Liên minh thần thánh dập tắt ngọn lửa chính trị (làn sóng của chủ nghĩa tự do) ở châu Âu. Thậm chí, năm 1821, Nathan đã nhận được một lá thư dọa giết vì mối liên hệ của ông với các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn đối với Áo, giúp cho Chính phủ Metternich lên kế hoạch đàn áp sự tự do của châu Âu.
Thế lực của Rothschild bỗng chốc tăng vọt, và vị thế “cường quyền thứ sáu” gia tộc Barings đang bị lay chuyển dữ dội.
Chính trong giai đoạn hệ trọng này, tố chất kinh doanh và tinh thần dám nghĩ dám làm của gia tộc Barings lại trên đà suy thoái. Sự quan tâm của các thành viên chủ chốt trong gia tộc Barings giờ không còn thiên về chính trị, mà chuyển hướng sang đời sống văn học nghệ thuật và những trò cưỡi ngựa xem hoa. Ngay cả bản thân nhân vật cốt lõi của gia tộc – Alexander cũng ngày càng ít hỏi han công việc kinh doanh, ông tập trung vào việc ngắm sơn họa thủy, theo đuổi nghệ thuật và tranh đấu chính trị trong hạ viện. Gia tộc Barings không phải là người Do Thái nên họ có nhiều cơ hội hơn trong chính giới châu Âu (có truyền thống tâm lý bài trừ Do Thái). Điều đó khiến gia tộc Barings dồn rất nhiều tâm sức đến các cuộc đấu tranh chính trị, mà quên bẵng đi công việc kinh doanh tài chính của mình. Rõ ràng, điều tối kỵ khi giao chiến với kẻ địch chính là phân tâm.
Hướng đầu tư của gia tộc Barings cũng phạm nhiều sai lầm. Đầu tiên là họ dồn tiền đầu tư bất động sản, nhưng do lún vào quá sâu nên bắt buộc phải rút vốn từ ngân hàng để duy trì đầu tư nhà đất. Kết quả là khoản vốn sở hữu tại Ngân hàng Barings từ con số 622.000 bảng tụt xuống chỉ còn ⅓ trong vòng hai năm. Nếu đem ra so sánh thì Rothschild có nhiều tiền hơn và mạng lưới chi nhánh rộng hơn để hỗ trợ hoạt động đầu tư của họ. Trong khi đó, hoạt động đầu tư của gia tộc Barings tại khu vực Mỹ Latinh lại liên tục thất bát, tổn thất cực lớn, làm suy yếu sức mạnh tài chính của Barings.
Một xu hướng lớn đáng chú ý khác là, giai đoạn 1809 - 1939, trong 31 chủ ngân hàng đầu tư với giá trị hơn 1 triệu bảng trên thế giới có 24 người Do Thái, chiếm 77,4% trên tổng số, còn các tín đồ Anh giáo chỉ có 4 người, chiếm 12,9%, và Barings là một trong số đó. Suốt thế kỷ XIX, các chủ ngân hàng Do Thái bắt đầu khởi nghiệp ở Đức và nhanh chóng lan rộng ra thế giới, với nòng cốt là gia tộc Rothschild; ở Anh có gia tộc Lange; ở Đức bao gồm Oppenheimer, Mendelssohn, Brace Muff, Warburg, Erlanger; ở Pháp có các gia tộc Fould, Heine, Beret, Worms, Stern; ở Mỹ là gia tộc Belmont, Seligman, Schiff, Warburg, Lehman, Kuhn, Loeb, Goman. Những gia tộc này tạo nên một hình thái tác chiến tập đoàn, tương hỗ lẫn nhau, liên hôn với nhau, gắn kết lợi ích, dần dần hình thành một mạng lưới tài chính quy mô lớn và dày đặc, ngày càng khó khăn hơn cho những kẻ ngoài cuộc bước vào vòng tròn này. Đương nhiên, gia tộc Barings ngày càng ít có cơ hội kinh doanh trong mạng lưới rộng lớn thống trị bởi các chủ ngân hàng Do Thái.
Dậu đổ bìm leo, sự suy yếu của gia tộc Barings tạo đà cho gia tộc Rothschild trỗi dậy. Và quả thực gia tộc Rothschild tận dụng rất tốt cơ hội này. Đầu tiên, họ giành được thương vụ bảo lãnh 6,5 triệu bảng trái phiếu nợ công của Nga năm 1822, trong khi giai đoạn trước hoạt động này luôn do tập đoàn tài chính Barings-Hope độc quyền. Vì lẽ đó, Barings-Hope đã cáo buộc Rothschild mua chuộc Đại sứ Nga tại London – Hoàng tử Levin, nẫng tay trên thương vụ này.
Năm 1824, Chính phủ Pháp chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc gia và gia tộc Rothschild đã “từ khách thành chủ”. Gia tộc Barings bị giáng cấp, trở thành một bên tham gia thay vì là người quyết định. Khi đó, James Rothschild đang ở trụ sở tại Paris, ông triệu tập một cuộc họp với anh em họ của mình ở London, Thủ tướng Pháp, gia tộc Barings và Lafayette. Ông đề xuất một kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ của Pháp. Rothschild và Lafayette hoàn toàn không tin tưởng vào ý đồ của Barings. Do đó, hai người họ thêm một vào điều khoản bổ sung của thỏa thuận: Nếu Barings rút khỏi thỏa thuận thì hai gia tộc còn lại sẽ tự xử lý khoản nợ công của Pháp, đẩy gia tộc Barings ra khỏi nòng cốt. Trong lá thư từ đối tác của Barings đã nói với Alexander Barings – người đang ở trong một cơn lốc chính trị rằng: “Nhìn chung, gia tộc Rothschild có kế hoạch chu toàn, cực kỳ thông minh và thủ đoạn lão luyện, song cũng giống như Napoléon trong thời kỳ chiến tranh, một khi có tình huống bất ngờ xảy ra, họ cũng sẽ rớt đài và trở nên tầm thường như bao người khác thôi. Tôi thực sự hy vọng chúng ta có thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của họ.”
Đến năm 1825, cục diện ngày càng rõ ràng hơn, và không còn nghi ngờ gì nữa, gia tộc Rothschild trở thành bá chủ mới trên thị trường tài chính quốc tế. Thời điểm này, vốn chủ sở hữu của Chi nhánh Rothschild tại London lên tới 1,14 triệu bảng, trong khi gia tộc Barings chỉ là 490.000 bảng, chưa bằng một nửa so với họ. Tổng số vốn của Ngân hàng gia tộc Rothschild là hơn 5 triệu bảng. Đến tháng 7 năm 1825, Ngân hàng Barings nhận khoản cổ tức 120.000 bảng, nhưng lại lỗ tới 56.000 bảng chỉ một năm sau đó, ngay cả vị trí thứ hai của gia tộc Barings cũng không vững. Mặc dù xét trên giá trị sổ sách, nguồn vốn của Barings vẫn vượt qua tất cả các gia tộc ngân hàng khác, ngoại trừ Rothschild, nhưng công ty Brown Brothers ở Baltimore, New York và Boston đang trỗi dậy với tốc độ chóng mặt, họ đang bám sát Barings với số vốn 350.000 bảng và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Mặc dù Barings miễn cưỡng giữ vị trí thứ hai và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động huy động tín dụng quốc tế và quan hệ quốc tế, nhưng giờ đây Rothschild đã trở thành nhân vật chính của vũ đài này.
TÀI CHÍNH GIA VÀ CHÍNH TRỊ GIA
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính trị và tài chính luôn luôn song hành với nhau
- Rothschild36 -
36 Niall Ferguson, The House of Rothschild: The World’s Banker 1849-1999, Volume 2, 369.
Kể từ nửa sau thế kỷ XIX, gia tộc Rothschild ngày càng củng cố vị thế bá chủ của mình trong lĩnh vực tài chính thế giới, bắt đầu leo lên đỉnh cao quyền lực. Ảnh hưởng và vai trò của họ trong chính giới tăng lên rõ rệt. Họ tạo dựng mối quan hệ cá nhân hết sức gắn kết với những chính khách hàng đầu của các quốc gia, tham gia vào việc hoạch định và thực hiện các vấn đề đại sự của quốc gia. Từ phía sau bức rèm và không bao giờ xuất đầu lộ diện, “bậc thầy Rothschild” trở thành một thế lực mới nổi mà không một đảng phái hay lực lượng chính trị nào dám coi thường và dốc sức tranh giành.
Nhà lãnh đạo Đảng Tự do Anh – Grande Granville, đã long trọng nói với Nữ hoàng Anh rằng Rothschild đại diện cho một tầng lớp đặc biệt với vị thế tài chính vững mạnh vô cùng, đầu óc xuất chúng, có mối quan hệ xã hội rộng khắp và tầm ảnh hưởng không thể coi nhẹ đến nhiều ghế trong Hạ viện. Tốt hơn hết là cần nhanh chóng kết nạp họ vào tầng lớp quý tộc để họ không bị Đảng Bảo thủ lôi kéo.
Mối quan hệ cá nhân giữa gia tộc Rothschild và Thủ tướng Anh Disraeli là hết sức mật thiết. Disraeli thắng cử phần lớn là nhờ vào sự hỗ trợ từ phía sau của gia tộc cự phú Rothschild. Disraeli nhiều lần ca ngợi gia tộc Rothschild và các nhà tài phiệt Do Thái khác vì lòng trung thành của họ đối với Đảng Tự do. Trong thời gian cầm quyền, Chính phủ Anh đã mở rộng ra nước ngoài và hỗ trợ phong trào Zionist (Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái) hết mức. Rothschild và Thủ tướng Disraeli còn gọi nhau là “Người bạn thân nhất của tôi”, “Người bạn tốt nhất và đáng tin cậy nhất của gia tộc chúng tôi”.
Thủ tướng Anh Disraeli cũng là người Do Thái, và đã hoạt động trong đời sống chính trị của Anh suốt hơn 30 năm. Ông gặp Rothschild năm 1838 và trở thành thân tín của gia tộc Rothschild. Ông được bầu làm thủ tướng lần đầu tiên năm 1848. Năm 1846, Lionel Rothschild đã giúp Disraeli triển khai thương vụ đầu cơ tuyến đường sắt Pháp. Thủ tướng tuy là một chính trị gia cao cấp, một nhà văn với rất nhiều tác phẩm đồ sộ, nhưng ông lại vô cùng xui xẻo về tài chính cá nhân và luôn phải đối mặt với một mớ hỗn độn của nợ nần. May nhờ sự giúp đỡ của Lionel, năm 1846, Disraeli đã trả hết món nợ hơn 5.000 bảng.
Khi đó, dân tình đồn đại rằng tình hình tài chính cá nhân của Disraeli cực kỳ tồi tệ và nợ nần rất nhiều. Và túi tiền của gia tộc Rothschild luôn theo sát phía sau và giúp Thủ tướng xử lý các khoản nợ. Gia tộc Rothschild một mực bác bỏ tin đồn này, đồng thời liệt kê danh sách thu nhập riêng của Thủ tướng, đặc biệt là tiền nhuận bút từ lượng lớn các tác phẩm của ông cũng đủ để trả hết nợ. Thật vậy, với tư cách là chủ nợ nên chắc chắn gia tộc Rothschild phải có sự hiểu biết tốt nhất về tình hình tài chính của Thủ tướng.
Disraeli và vợ – bà Marian không có con, họ gần như coi năm đứa con của gia tộc Rothschild như con ruột của mình. Tất cả các ngày nghỉ trong năm, họ đều đến ở chung với gia tộc Rothschild. Mùa hè năm 1845, Marian tuyên bố cô con gái 6 tuổi của Nathan Rothschild – Evelina là người thừa kế duy nhất cho toàn bộ tài sản của Disraeli. Phu nhân của Nathan – bà Charlotte rất ngạc nhiên trước tấm thịnh tình này và khéo léo từ chối. Nhưng bà Marian đã viết xong di chúc: “Từ lâu chúng ta đã là người một nhà.” Không chỉ vậy, bà còn chỉ định tặng cho Evelina món trang sức hình cánh bướm yêu thích nhất của mình.
Đây quả là một mối giao tình không hề tầm thường.
Disraeli rất sùng tín đạo Do Thái và coi Lionel là một người tri kỷ trong tôn giáo của mình. Hai người họ đã vô số lần dốc bầu tâm sự về lý luận chung về chuyện quốc gia đại sự và chính trị .
Trong tiểu thuyết nổi tiếng nhất Corningsby của Disraeli, nhân vật nam chính là sự kết hợp dựa trên hình tượng của Lionel và Disraeli. Từ xuất thân, nghề nghiệp, niềm tin tôn giáo, tính cách đến ngoại hình của nhân vật nam chính rõ ràng là bản sao của Lionel.37
37 Benjamin Disraeli, Coningsby, or the New Generation, Coningsby at Project Gutenberg, 1844.
Ngoài Thủ tướng Disraeli, một Thủ tướng Anh khác là Bá tước Archibald Primrose xứ Rosebery còn trở thành con rể của gia tộc Rothschild, ông kết hôn với Hannah Rothschild. Năm 1884, Archibald là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Ngân hàng gia tộc Rothschild ở London trích ra 50.000 bảng từ khoản vay nợ mới của Ai Cập cho Archibald sử dụng. Khoản tiền gửi trực tiếp vào tài khoản của Hannah. Ngân hàng gia tộc Rothschild ngày càng có khả năng quán xuyến hết mọi chuyện trong thiên hạ, từ chuyện quốc gia đại sự đến chuyện gia tộc của mình.
Từ mối quan hệ chu đáo với giới chính trị, nên trong giai đoạn 1865 - 1914, nước Anh phát hành tổng cộng 4 tỷ bảng trái phiếu quốc gia, gia tộc Rothschild nhận bảo lãnh ¼ trong số đó. Ngay cả ngân hàng Barings trước đó, tập đoàn Morgan sau này và Seligman của Mỹ cùng thời kỳ đó cũng rất khó vươn tới tầm của Ngân hàng Rothschild trên thị trường tài chính thế giới, vị trí của họ là không thể lay chuyển.
Đối với tất cả các chính trị gia mà nói, chiến tranh chắc chắn sẽ rất đắt đỏ. Năm 1899, nhà văn kiêm chủ ngân hàng người Ba Lan – Ivan Blauchi ước tính rằng chi phí khai chiến giữa các nước lớn ở châu Âu là khoảng 4 triệu bảng mỗi ngày. Năm 1902, nhà kinh tế học người Anh – John Hobson nói rằng, chừng nào Ngân hàng Rothschild và các chi nhánh của nó còn từ chối, không một quốc gia châu Âu nào có thể gánh vác nổi chiến tranh.38
38 Lewis Samuel Feuer, Imperialism and the Anti-imperialist Mind, Transaction Publishers, 1989.
KÊNH ĐÀO SUEZ: ĐÒN TẬP KÍCH TÀI CHÍNH CỦA ROTHSCHILD
Với Vương quốc Anh, con đường tốt nhất từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ – thuộc địa lớn nhất ở nước ngoài của họ, là từ eo biển Gibraltar, đi qua Malta đến Ai Cập, rồi từ Ai Cập đến Ấn Độ. Đây là “huyết mạch của đế chế” mà người Anh không bao giờ chấp nhận bất cứ sự thách thức nào. Với tư cách là một đế chế hàng hải, Anh buộc phải dựa vào Hải quân, trong khi hải quân cần phải dựa vào một căn cứ kiên cố ở nước ngoài. Ở Đại Tây Dương có Philipfax và Bermuda ở Canada, ở Ấn Độ Dương có Mumbai và Trincomalee, ở Thái Bình Dương có Hồng Kông (Trung Quốc) và Esquimat bờ biển phía tây Canada, ở Biển Đỏ có cảng Aden. Các căn cứ hải quân này nằm ở những vị trí yết hầu của các đại dương, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường thủy quan trọng khắp thế giới. Tuy nhiên, Suez của Ai Cập dù là khu vực quan trọng dẫn đến Ấn Độ, nhưng lại là liên kết yếu nhất trong huyết mạch của đế chế.
Ai Cập đã đuổi được quân đội của Napoléon ra khỏi bờ cõi vào năm 1801. Năm 1805, Muhammad Ali chấp chính và thành lập đế chế của người Ả Rập. Năm 1840, ông buộc phải chấp nhận Hiệp ước London và bắt đầu con đường bán thuộc địa. Trong giai đoạn cai trị của hoàng đế Abbas I thuộc Vương triều Ali (1849-1854), các thế lực thực dân phương Tây nhanh chân xâm nhập vào đất nước này. Năm 1851, Vương quốc Anh giành được đặc quyền xây dựng tuyến đường sắt từ Alexandria đến Suez. Năm 1854, Pháp nhận hợp đồng nhượng quyền xây dựng và sử dụng kênh đào Suez. Năm 1869, kỹ sư người Pháp – Ferdinand Lexeps xây dựng kênh đào Suez nổi tiếng với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Pháp, nối biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ thành một thể thống nhất. Nó rút ngắn đáng kể quãng đường vận chuyển từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương và trở thành tuyến đường thủy vàng có giá trị chiến lược. 70% đội tàu đi qua kênh đào này mỗi năm là của Vương quốc Anh và 50% giao dịch thương mại giữa Anh và Ấn Độ được thực hiện thông qua kênh đào Suez. Không có gì lạ khi kênh đào Suez được Bismarck gọi là “cột sống của Đế quốc Anh”.
Tuy nhiên, cột sống của đế chế này có thể bị chặt đứt bởi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ – Pháp. Đó là lý do quan trọng khiến người Anh luôn lo lắng đến quên ăn quên ngủ.
Khi thủ tướng Anh Disraeli nhậm chức, ông ủy nhiệm cho một người bạn cũ – Lionel Rothschild đến Pháp để thăm dò xem liệu có thể mua lại kênh đào Suez hay không, nhưng Chính phủ Pháp từ chối thẳng thừng.
Ngày 14 tháng 11 năm 1875 rơi vào đúng ngày Chủ nhật và Thủ tướng Disraeli đến làm khách tại gia tộc Rothschild. Trong lúc chủ và khách đang vui vẻ trò chuyện thì nhận được một bức mật thư gửi từ chi nhánh Paris. Đọc thư xong, Lionel nói với Disraeli rằng Thống đốc Ai Cập đang gánh món nợ rất lớn và cần rao bán 177.000 cổ phiếu của kênh đào Suez. Ông ta chuyển lời đề nghị đến Chính phủ Pháp trước tiên, nhưng lại rất không hài lòng với tốc độ phản hồi và mức báo giá từ phía Pháp. Ông ta muốn có được số tiền nhanh chóng, càng sớm càng tốt.
Disraeli và Lionel nhận ra đây là một thời cơ lớn. Suy nghĩ một hồi lâu, Disraeli chỉ hỏi một câu: “Bao nhiêu?” Lionel ngay lập tức gửi điện cho chi nhánh Paris để hỏi mức giá mà đối phương đưa ra. Thấp thỏm chờ đợi, Disraeli chẳng còn tâm trạng thưởng thức bữa tối “ngon nhất London” của gia tộc Rothschild. Lúc rượu Brandy được bưng lên bàn tiệc, tin cấp báo của gia tộc Rothschild cũng kịp tới nơi, đối phương ra giá 4 triệu bảng Anh.
Disraeli nói không chút do dự: “Chúng ta phải mua bằng được kênh đào này.” Lionel không thể hiện thái độ gì. Điều ông cần làm lúc này là xác minh thông tin. Đến sáng thứ Hai, thông tin được chứng thực.
Bây giờ, ưu tiên hàng đầu của họ là hoàn thành thỏa thuận ngay lập tức nhân lúc các quốc gia khác chưa kịp phản ứng, ra tay nhanh chóng và giữ bí mật tối đa. Song, Quốc hội đang trong kỳ nghỉ, nếu triệu tập họp rồi tiến hành tranh luận kéo dài thì e rằng sẽ vuột mất thời cơ ngàn năm có một này. Thủ tướng cũng không thể đến Ngân hàng Anh. Phản ứng của “Bà già” (Ngân hàng Anh) xưa nay vốn hết sức chậm chạp, hơn nữa họ cũng không có nhiều tiền mặt như vậy và luật pháp quy định rằng Ngân hàng Anh không có quyền cho Chính phủ vay tiền trong các ngày nghỉ của Quốc hội. Tìm đến một ngân hàng cổ phần cũng không ổn, bởi lẽ họ phải họp hội đồng quản trị và thảo luận từng bước đúng theo tinh thần của giới quý tộc Anh. Nếu huy động vốn trên thị trường tài chính, một số tiền lớn trong một thời gian ngắn là rất khó và thông tin rất dễ bị rò rỉ. Chỉ duy nhất Ngân hàng Rothschild có thể làm điều này.
Thủ tướng Anh Disraeli ngay lập tức triệu tập một cuộc họp gồm các bộ trưởng Nội các của ông. Chủ đề là cho phép vay tiền từ gia tộc Rothschild. Disraeli phái thư ký riêng thân cận của mình đứng đợi bên ngoài phòng họp Nội các, chỉ cần đạt được nghị quyết là ông lập tức thò đầu ra ngoài và nói “Ok”, thì lập tức lên xe ngựa đợi sẵn ngoài cửa và đến gặp Lionel Rothschild. Khi nhìn thấy Lionel, viên thư ký thở không ra hơi, nói: “Thủ tướng cần gấp 4 triệu bảng, ngày mai phải có ngay.” Lionel nhặt một quả nho trước mặt thong thả ăn, nhổ vỏ xong mới hỏi: “Thủ tướng lấy gì để đảm bảo?” Câu trả lời là: “Chính phủ Anh.” Lionel nói giọng nhẹ tênh: “Được rồi, các ngài sẽ có được khoản tiền đó.”
Khi Disraeli báo cáo với Nữ hoàng, ông không giấu nổi sự phấn khích và kích động: “Lần này Pháp đã bị gạt ra ngoài, họ hết đất diễn rồi. 4 triệu bảng! Có thể lấy ra ngay lập tức! Chỉ có một ngân hàng có thể làm điều này, Rothschild!”39
39 Niall Ferguson, The House of Rothschild : The World’s Banker 1849-1999, Volume 2.
Việc Rothschild khảng khái mở ví rút tiền như vậy đương nhiên không phải là vì muốn “ra tay hiệp nghĩa”, nếu mức lãi suất của khoản đầu tư này không đáp ứng mục tiêu của ông thì đừng nói là lấy Chính phủ Anh ra đảm bảo, mà ngay cả đem Nữ hoàng ra thế chấp, gia tộc Rothschild cũng chưa chắc đã chịu làm. Lý do khiến cho Lionel gật đầu đồng ý cho vay đó là khoản lãi suất đầu tư: cho vay 3 tháng với mức lãi 150.000 bảng, tương đương 15% mỗi năm, đây là một khoản đầu tư an toàn và không có rủi ro!
Hơn nữa, ý nghĩa sâu xa từ hành động này của Rothschild không liên quan đến tiền. Thông qua việc huy động tài chính để mua lại kênh đào Suez, Rothschild có được sự thăng cấp hiếm có, tiếp cận gần hơn với việc đưa ra những quyết sách cốt lõi với các vấn đề nội chính và ngoại giao của Anh. Sau khi xuất ra khoản tiền này, tiếng nói của gia tộc Rothschild với các sự vụ và chính sách đối ngoại giữa Vương quốc Anh và Ai Cập sẽ “có trọng lượng” một cách danh chính ngôn thuận. Đây đúng là một bước ngoặt chiến lược. Tầm ảnh hưởng và sự can dự của Rothschild vào các chính sách và vấn đề công của Anh bắt đầu vượt qua Ngân hàng Barings – trước nay luôn được coi là “chủ soái chính trị”.
Vương quốc Anh rất quan tâm đến dự án kênh đào Suez, để kiểm soát toàn bộ nền kinh tế - chính trị Ai Cập. Với sự thâm nhập sâu rộng của thế lực Anh ở Ai Cập, Ngân hàng Rothschild đã thuận nước đẩy thuyền, đưa toàn bộ hoạt động tài chính vào đất nước này. Từ năm 1885 đến năm 1893, Ngân hàng Rothschild và Breslauer liên kết với nhau, chủ yếu ở London, Paris và Frankfurt và bao thầu toàn bộ bốn thương vụ phát hành trái phiếu kho bạc lớn nhất của Ai Cập, với tổng trị giá gần 50 triệu bảng.
Trên “trạm dừng chính trị”, Rothschild và các chủ ngân hàng Do Thái khác đã lựa chọn Đảng Tự do và ủng hộ mạnh mẽ chính sách bành trướng ra nước ngoài, tức “Chủ nghĩa đế quốc” của đảng này.
Cuối thế kỷ XIX, Vương quốc Anh mở rộng một cách mạnh mẽ thế lực ở nước ngoài, dựa vào nguồn cung tiền bạc cực kỳ dồi dào của các chủ ngân hàng Do Thái. Với cơ hội từ việc mở rộng thuộc địa của Anh, các chủ ngân hàng Do Thái do gia tộc Rothschild đứng đầu không chỉ thu được lợi nhuận kinh tế lớn, mà còn luồn sâu “bàn tay vàng” của mình vào hệ thống huyết mạch tài chính của thế giới.
CỨU RỖI NGÂN HÀNG KÌNH ĐỊCH - BARINGS
Những năm 80 của thế kỷ XVIII, các thế lực mới ở Nam Mỹ bỗng chốc nổi lên, nền kinh tế của họ phát triển nhanh chóng dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản phong phú (cà phê và cao su của Brazil, mỏ photphat và đồng của Chile, quặng sắt của Argentina). Trong số đó, Argentina có đà tăng trưởng và tiềm lực tốt nhất, một mình xưng bá cả khu vực. Các quốc gia Nam Mỹ cũng nhanh chóng mở rộng các ngành công nghiệp, năng lực sản xuất và chỉ số phát triển kinh tế liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Các ngân hàng Anh, dẫn đầu là Ngân hàng Barings, nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của các quốc gia Nam Mỹ, nhiều nhất là trái phiếu Argentina, trong khi Rothschild thì đánh giá cao trái phiếu của Brazil.
Năm 1888, Nathan Rothschild – người đứng đầu Ngân hàng London, liên tục bày tỏ nỗi lo lắng của mình với Argentina. “Kinh tế Argentina đang phát triển quá nóng”, “Mức tăng trưởng kinh tế thực tế của Argentina giờ không thể bù đắp khoản nợ của họ”. Ông còn dự đoán rằng “Thị trường vốn Argentina sẽ sụp đổ và cuộc khủng hoảng này sẽ nhanh chóng lan sang các nước khác.”
Hai năm sau, tức năm 1890, bong bóng kinh tế Argentina vỡ tung, khủng hoảng kinh tế lan nhanh và trái phiếu của đất nước này lao dốc không phanh. Người đầu tiên chịu ảnh hưởng là Ngân hàng Barings. Do sự mất giá của trái phiếu Argentina, cộng thêm với việc Chính phủ Nga đổ thêm dầu vào lửa, đột ngột rút một lượng tiền lớn tại Ngân hàng Barings, khiến cho Ngân hàng Barings liên tiếp hứng chịu những cú sốc nặng nề, dòng tiền cạn kiệt và bỗng chốc rơi vào bờ vực phá sản.
Ngân hàng Anh ngay lập tức tiến hành giải cứu Ngân hàng Barings, kêu gọi các ngân hàng lớn cùng chung tay cứu lấy Barings. Nathan Rothschild hưởng ứng một cách tích cực: “Nếu Ngân hàng Barings sụp đổ, hầu hết các tổ chức tài chính của London cũng sụp đổ theo. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn thảm họa.” Cuộc khủng hoảng Barings ngày càng nghiêm trọng, Ngân hàng Rothschild – chi nhánh London khẩn cấp điều động 2 triệu bảng tiền mặt và lượng vàng trị giá 1 triệu bảng từ chi nhánh Paris hai lần trong một tháng để giúp Ngân hàng Anh đối phó với tình trạng thiếu tiền.
Thời gian để giải cứu Ngân hàng Barings chỉ còn tính bằng từng giờ. Ngân hàng Anh phải triệu tập các đại gia trong lĩnh vực ngân hàng đốc thúc kế hoạch giải cứu. Số phận của Barings rơi vào tay của Rothschild hết lần này đến lần khác. Nathan liên tục tỏ ra do dự tại cuộc họp khẩn cấp và nói rằng cần tham khảo ý kiến của anh em khác. Sau khi Corey – một đại gia ngân hàng khác quyết định tham gia kế hoạch giải cứu, Ngân hàng Anh không còn đủ kiên nhẫn và liên tục gây áp lực với Nathan: “Không có ngân hàng của ngài, chúng tôi vẫn phải tiếp tục (cứu ngân hàng Barings).” Cuối cùng, Nathan đành miễn cưỡng gật đầu.
Với việc Ngân hàng Rothschild và Corey dẫn đầu, các ngân hàng khác cũng lần lượt đầu tư vào quỹ cứu trợ Barings. Trước thời hạn chót 24 giờ, quỹ cứu trợ đã lên tới 10 triệu bảng và sau đó tăng lên 17 triệu bảng.40
40 Philip Ziegler, The Sixth Great Power, Alfred A. Knopf, 1988.
Ngân hàng Barings được cứu sống khi sinh mệnh của họ đã như mành chỉ treo chuông.
Liên quan đến vai trò của gia tộc Rothschild trong cuộc khủng hoảng của Ngân hàng Barings năm 1890, cần đặt ra ba câu hỏi: Thứ nhất, có “bàn tay Do Thái” trong cuộc khủng hoảng này không? Tất cả mọi người đều biết, gia tộc Rothschild và Barings là những cây đa cây đề trong thế giới tài chính, và họ là kẻ thù cũng như đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nhau. Nathan thậm chí đã dự đoán được cuộc khủng hoảng của Barings từ hai năm trước đó, liệu có phải chính tay ông đã bóp cò khẩu súng chĩa vào Barings? Thứ hai, chính xác điều gì đã thúc đẩy Nathan đi đầu trong việc giải cứu Barings? Thứ ba, tại sao Ngân hàng Rothschild không phải chịu đựng kiếp nạn giống như của Ngân hàng Barings?
Đối với hai câu hỏi đầu tiên, Alfons Rothschild, người phụ trách Ngân hàng Rothschild – chi nhánh Paris nhận xét rằng, Ngân hàng Barings về cơ bản đã trở thành nền tảng tín dụng cho toàn bộ doanh nghiệp và nền kinh tế Anh. Một khi Barings sụp đổ, tín dụng của Anh trên thế giới sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Từ quan điểm bảo vệ lợi ích của chính mình, Ngân hàng Rothschild cuối cùng đã quyết định làm hết sức mình để cứu Barings.
Liên quan đến câu hỏi thứ ba, Ngân hàng Rothschild trả lời rằng họ nắm giữ nhiều trái phiếu Brazil hơn Argentina. Mặc dù cuộc khủng hoảng Argentina quét qua Nam Mỹ, nhưng Ngân hàng Rothschild đã bán hầu hết trái phiếu Brazil từ trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Năm 1886, trái phiếu Brazil chỉ chiếm 2,4% tài sản Ngân hàng London của gia tộc Rothschild. Ngoài ra, tình trạng nợ của Ngân hàng Rothschild vượt trội hơn nhiều so với Ngân hàng Barings. Ngay cả trong thời kỳ lớn nhất và nóng nhất của bong bóng kinh tế Nam Mỹ, gia tộc Rothschild vẫn giữ được sự tỉnh táo và bình tĩnh, không để dư nợ quá cao, trong khi đó gia tộc Barings lại quá nóng vội và mạo hiểm.
Dù sao đi nữa, Ngân hàng Barings cuối cùng đã được giải cứu, nhưng nó chỉ sống thoi thóp trong một thời gian rất dài, mãi vẫn không gượng dậy nổi. “Kình địch thế kỷ” của gia tộc Rothschild cuối cùng đã đến hồi tàn lụi.
Năm 1995, Ngân hàng Barings cuối cùng bị một thương nhân trẻ 27 tuổi, Nick Leeson phá hủy hoàn toàn. Chuyện này chúng ta sẽ bàn tới sau.
GIÁ THẬP TỰ BẰNG VÀNG
Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sự lưu chuyển dòng vốn quy mô lớn của Vương quốc Anh chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phát triển của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, hệ thống tiền tệ thế giới được chuyển đổi từ tiêu chuẩn kép bản vị vàng- bạc sang thành bản vị vàng41 và liên kết với đồng bảng Anh với vai trò là loại tiền tệ dự trữ của thế giới. Vai trò của gia tộc Rothschild trong quá trình chuyển đổi trọng đại này xưa nay luôn bị đánh giá thấp.
41 Bản vị vàng hay kim bản vị là chế độ tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn được ấn định bằng hàm lượng vàng. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt (ở dạng giấy bạc hay tiền xu) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu. Các chính phủ sử dụng thước đo giá trị cố định này nếu chấp nhận thanh toán cả tiền mặt của chính phủ nước khác bằng vàng sẽ có liên hệ tiền tệ ấn định (lượng tiền mặt lưu hành, tỷ giá quy đổi, v.v.)
Trong 20 năm cuối thế kỷ XIX, sự hứng thú và lợi ích đến từ việc mở rộng khai thác các mỏ vàng của gia tộc Rothschild tăng lên nhanh chóng. Tuyệt đại đa số trái phiếu nước ngoài họ xử lý trong 20 năm đó đều thuộc về các quốc gia áp dụng bản vị vàng.
Sau khi nội chiến Mỹ kết thúc, gia tộc Rothschild và người đại diện của họ ở Mỹ, August Belmont cùng với gia tộc Seligman đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình xóa bỏ loại tiền xanh Lincoln và tái sử dụng vàng.
Mùa thu năm 1874, Ngân hàng Rothschild chi nhánh London và chủ ngân hàng Do Thái ở New York, Joseph Seligman cùng nhau bảo lãnh cho lượng trái phiếu trị giá 5 triệu đô-la. Sau đó, tập đoàn Morgan và ngân hàng quốc dân đầu tiên của New York cũng tham gia vào, tổ chức phát hành 25 triệu đô-la trái phiếu và Ngân hàng Rothschild chiếm 55% trong số đó. Từ năm 1873 đến 1877, các ngân hàng của Rothschild ở London và Phố Wall đã phát hành tổng cộng 267 triệu đô- la trái phiếu Mỹ. Những khoản vay này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tài chính của Mỹ và đặt nền tảng để Mỹ áp dụng bản vị vàng trong tương lai.42
42 Niall Ferguson, The House of Rothschild: The World’s Banker 1849-1999, Volume 2.
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 1877, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tại cuộc họp lần thứ 45 nhằm kích hoạt lại bản vị bạc43 làm tiền tệ hợp pháp. Với dự luật đó, Belmont cực kỳ phẫn nộ, coi đó là “hành động trộm cắp công khai” và là “một chuyện ngu ngốc, điên rồ từ những kẻ có mắt như mù”. Dưới áp lực của Ngân hàng Rothschild, Mỹ phải xác định lại rằng bản vị bạc chỉ lưu hành trong một phạm vi rất hạn chế và không dùng để trả lãi cho khoản vay của Ngân hàng Rothschild. Năm 1899, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ John Sherman đồng ý ký kết lại khoản vay trị giá 50 triệu đô-la với Ngân hàng Belmont và Ngân hàng Rothschild, được kết toán bằng vàng. Giao dịch này trở thành một bước ngoặt quan trọng đối với gia tộc Rothschild trong việc cố gắng thúc đẩy thực thi định chế bản vị vàng tại Mỹ kể từ năm 1879.
Tháng 3 năm 1893, để duy trì khả năng trao đổi của đồng đô-la trong thời kỳ dự trữ vàng quốc gia của Mỹ giảm mạnh, Tổng thống Cleveland đã cố gắng phát hành khoản vay vàng trị giá 50 triệu đến 60 triệu đô-la. Mặc dù tập đoàn Morgan rất háo hức tham gia, nhưng Rothschild lại tỏ ra rất do dự. Kể cả sau khi Cleveland hứa sẽ bãi bỏ “Đạo luật mua bạc Sherman” – vốn có tác dụng hạn chế tối đa việc lưu hành đồng bạc, Alfred Rothschild vẫn rất không hài lòng. Kỹ năng đàm phán của anh em nhà Rothschild thực sự rất tuyệt vời, cuối cùng họ đã ký kết được một thỏa thuận đảm bảo lợi ích phi thường của gia tộc Rothschild. Gia tộc Rothschild sẽ đứng ra bảo lãnh cho lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 62,3 triệu đô-la với mức giá 104,5 đô-la/trái phiếu và bán cho các nhà đầu tư đang có nhu cầu cấp bách ở mức 112,25 đô-la/trái phiếu (và sau đó tăng lên 119 đô-la). Sự kiện này đã tạo nên một câu chuyện huyền thoại kiếm được khoản lợi nhuận 6 triệu đô-la trong 22 phút.44 Thương vụ này đã bị bàn tán và chỉ trích nặng nề ở Mỹ, cuối cùng dẫn đến ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 1896 là William Jennings Bryan, chứ không phải là Cleveland.
43 Bản vị bạc là hệ thống tiền tệ của một quốc gia lấy bạc làm thước đo giá trị và phương tiện lưu thông tiền tệ. Bản vị bạc là hệ thống tiền tệ phổ biến trước thế kỷ XIX, sau này nhiều quốc gia thay thế bằng bản vị vàng.
44 Ibid.
Năm 1868, chỉ có Vương quốc Anh và một số ít các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào Anh như Bồ Đào Nha, Ai Cập, Canada, Chile và Úc áp dụng bản vị vàng. Pháp, Nga, Ba Tư và một số quốc gia Mỹ Latinh áp dụng bản vị kép. Phần còn lại của thế giới, bao gồm đa số các quốc gia Trung Âu vẫn áp dụng bản vị bạc. 40 năm sau, chỉ có Trung Quốc, Ba Tư và một số quốc gia Trung Mỹ vẫn sử dụng bản vị bạc. Trên thực tế, vàng đã trở thành tiêu chuẩn của hệ thống tiền tệ thế giới.
Trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ của các nước lớn ở châu Âu, Đức áp dụng bản vị vàng vào năm 1871 - 1873, Pháp năm 1878, Nga năm 1897 và Ý năm 1881 - 1882. Ngân hàng Rothschild đã phát huy một vai trò rất quan trọng trong quá trình này. Ngân hàng Rothschild chi nhánh London và Paris thực sự trở thành ngân hàng trung ương thứ hai tại các quốc gia này. Mạng lưới Ngân hàng Rothschild có lượng luân chuyển tín dụng và tiền tệ rất lớn trên thị trường tài chính quốc tế. Chỉ khi chấp nhận tuân theo định chế bản vị vàng do Rothschild làm chủ đạo thì các quốc gia mới có thể tránh được rủi ro của biến động tỷ giá hối đoái, trong khi đó nghiệp vụ chính của họ – giao dịch nợ công lại đòi hỏi phải đảm bảo sự trao đổi tự do tiền tệ giữa các quốc gia, thế nên việc thống nhất các quốc gia theo bản vị vàng sẽ có lợi cho việc triển khai nghiệp vụ của gia tộc Rothschild. Do địa vị độc quyền của gia tộc Rothschild trên thị trường vàng, nên nó cũng gián tiếp hình thành sự khống chế đối với ngân hàng trung ương của các quốc gia khác. Vào cuối thế kỷ XIX, Ngân hàng Rothschild không tiếc nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện bản vị vàng, và ý định chiến lược của họ là ở đây.
TIẾN QUÂN VÀO TRUNG QUỐC
Rothschild là một gia tộc hết sức độc đáo, họ không ngừng tranh cãi với nhau, nhưng khi phải đối phó với thế giới thì họ lại đoàn kết như một
*
Charles Dürk, nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Anh, tháng 3 năm 1879
Kể từ lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc ký hợp đồng vay nợ của nước ngoài vào năm 1874, họ đã dựa vào hai tổ chức của Anh để huy động vốn ở nước ngoài: HSBC (Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải) và Jardine Matheson. Đồng thời, chính phủ Anh chính thức nắm quyền kiểm soát hải quan của Đại Thanh bằng cách bổ nhiệm ngài Robert Hart làm Tổng giám. Tháng 3 năm 1885, Alphonse Rothschild khi đó đang phụ trách chi nhánh Paris, nghe tin Bismarck “có ý định can thiệp vào Trung Quốc”. Mạng lưới tình báo của Rothschild nhanh chóng xác nhận: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức – David Hansemann đã đề xuất rằng Rothschild và HSBC sẽ lần lượt đại diện cho Đức và Vương quốc Anh chia đều nghiệp vụ tài chính liên quan đến các dự án đường sắt và những dự án khác của Chính phủ Trung Quốc. Alfons ngay lập tức bày tỏ sự tán đồng, cho rằng “Đức nên khuếch trương thế lực của mình sang vùng Viễn Đông như vậy từ lâu, đó là một hướng đi vô cùng chính xác.” Vấn đề duy nhất là Hansman lại muốn chiếm được nhiều hơn 50% quyền lợi trong liên minh này. Trong quá trình tháp tùng Đại sứ Trung Quốc tại London đi thăm Đức, Nathan Rothschild đã kêu gọi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh cần “đảm bảo rằng các nhà sản xuất Anh chiếm tỷ lệ hợp lý trong các giao dịch và hợp đồng trong tương lai với chính phủ Trung Quốc.”
Khi Hansmann ra mắt Wilhelm Carl vào tháng 2 năm 1889 để thành lập Ngân hàng Đức - Asiatische, 13 ngân hàng cốt lõi của Đức, bao gồm cả ngân hàng Rothschild chi nhánh Frankfurt, đã gia nhập vào ngân hàng này. Oppenheimer được chọn làm đại diện đến Trung Quốc khảo sát tình hình kinh tế, còn Ngân hàng Rothschild chi nhánh London chịu trách nhiệm tài trợ hoạt động này.
Trên bàn cờ lợi ích ở khu vực Viễn Đông, người Anh độc bá một phương, và đối thủ cạnh tranh với họ là người Pháp và người Nga. Bất chấp ảnh hưởng và thế lực ngày càng tăng của Nga ở khu vực Viễn Đông, trong cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894, cuối cùng Nhật Bản vẫn đánh bại Trung Quốc, và sự kiện này đã mang tới cho Berlin và London một cơ hội tuyệt vời để làm việc cùng nhau. Rothschild và Hansman là những nhà hoạch định chính đằng sau. Thiết kế của họ là: thúc đẩy sự hợp tác giữa Ngân hàng HSBC và Ngân hàng Đức, với sự hậu thuẫn của chính phủ Anh và Đức, nhằm khắc chế sự mở rộng hơn nữa của thế lực Nga tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng của các chủ ngân hàng và ý tưởng của các nhà ngoại giao hoặc chính trị gia luôn có sự mâu thuẫn cực lớn. Một số quan chức chính trị của Đức thúc giục Đức đứng về phía Nga và Pháp chứ không phải Vương quốc Anh, và họ phản đối Nhật Bản sáp nhập bán đảo Liêu Đông vào tháng 4 năm 1895. Một số quan chức khác thì nghi ngờ rằng Rothschild muốn đẩy các ngân hàng Đức ra khỏi thị trường Trung Quốc. Trong khi đó HSBC đương nhiên không muốn từ bỏ quyền lũng đoạn bấy lâu đối với chính phủ Trung Quốc về mặt tài chính. Sự tính toán của Rothschild và Hansman đã không thành hiện thực. Tháng 5 năm 1895, triều đình nhà Thanh tuyên bố vay 15 triệu bảng Anh từ Nga để bồi thường chiến tranh cho Nhật Bản, chứ không cần khoản vay đa quốc gia mà Rothschild và Hansman đã nhiệt tình đề xuất. Alfons cho rằng sự kiện này là một “liều thuốc đắng” với chính phủ Anh và Đức.
Trên thực tế, Nga hoàn toàn không có tiền cho nhà Thanh vay, bởi ngay chính họ cũng đang nợ nần chồng chất. Vì vậy, khoản tiền này thực chất là một khoản vay từ Pháp, được ba ngân hàng lớn của Pháp như ngân hàng Paris cùng móc hầu bao chi ra, lợi ích thu lại thì Nga và Pháp sẽ chia đều. Nga có thể sửa chữa tuyến đường sắt xuyên Siberia đến Mãn Châu và Pháp có quyền xây dựng đường sắt của Trung Quốc. Nhân đà thuận nước đẩy thuyền, năm 1896, chủ ngân hàng người Nga, ông Rothstein sử dụng nguồn vốn của Pháp để thành lập một ngân hàng Nga - Trung mới, ngoài ra ông còn xúc tiến để thành lập một liên minh Nga - Trung.
Tận mắt chứng kiến Nga độc chiếm chiếc bánh lớn Trung Quốc rồi thỏa sức mà ăn, Hansman vừa lo lắng vừa tức tối, còn Rothschild thì rất nôn nóng muốn vơ cho bằng được chiếc bánh cho vay hấp dẫn của Trung Quốc về tay mình, hai người họ liền tăng tốc thúc đẩy HSBC và Ngân hàng Đức - Asiatische chính thức ký thỏa thuận hợp tác vào tháng 7 năm 1895. Lần này công sức bỏ ra không còn là vô ích, bởi họ đã bắt kịp khoản vay thứ hai của Trung Quốc vào năm 1898 trị giá 16 triệu bảng. Thế nhưng vấn đề nan giải lại xuất hiện, chính phủ Anh không sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này, dẫn đến việc rất khó để xác định tỷ lệ vay của Vương quốc Anh trong tổng giá trị khoản vay. Trong khi đó, chính phủ Anh lẫn chính phủ Đức lại không tin tưởng lẫn nhau, họ đều hoài nghi dã tâm của đối phương đối với lãnh thổ Trung Quốc. Giữa thời điểm này, HSBC và Hansman nổ ra cuộc xung đột gay gắt về quyền triển khai tuyến đường sắt ở tỉnh Sơn Đông. Và điều này khiến cho Alfred và anh em Nathan cực kỳ lo lắng. Hai người họ phải đứng ra điều đình và vỗ về Ngân hàng HSBC và Hansman, cuối cùng cũng làm nguôi cơn giận của cả hai bên vào tháng 8.
Alfred đích thân ra mặt, mời tất cả các chính trị gia quan trọng của Anh và Đức đến tham dự bữa tối của gia tộc Rothschild ở London, để phía Đức sử dụng một phương thức “thân thiện, riêng tư và phi chính thức” để giãi bày nỗi khổ, kể lể những điều oan ức của họ trong vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trong khi đó phía HSBC thì nổi trận lôi đình, cáo buộc ngân hàng Đức bội tín bội nghĩa. Nathan phải vội vã đứng ra điều đình giữa Hansman và HSBC. Sau một số công việc bận rộn, đầu tháng 9 năm 1898, các chủ ngân hàng và chính trị gia cuối cùng ngồi lại với nhau tại bàn hội nghị ở London và đạt được thỏa thuận chia đều quyền triển khai đường sắt ở Trung Quốc. Các chủ ngân hàng Anh được quyền triển khai tuyến đường sắt dọc sông Dương Tử, các chủ ngân hàng Đức thì được triển khai tuyến đường sắt của bán đảo Sơn Đông, Thiên Tân đến Tần Hoàng Đảo. Nathan lên giọng và nhắc lại rằng “xét đến lợi ích thương mại của Trung Quốc, thủ tướng Đức rất sẵn lòng hợp tác với Vương quốc Anh, Mỹ và Nhật Bản.”45
45 Niall Ferguson, The House of Rothschild: The World’s Banker 1849-1999, Volume 2.
Thỏa thuận tuy đã đạt được, nhưng sự tranh chấp, nghi kỵ và mâu thuẫn giữa các bên không hề dừng lại. Năm 1900, sau cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn, Đức gửi quân đến Trung Quốc. Nga thì trực tiếp xâm chiếm Mãn Châu. Cả hai bên thấy tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, bèn nhờ Rothschild gửi lời truyền đạt. Gia tộc Rothschild một mặt chuyển thư “Người Nga đảm bảo rằng sẽ không khai chiến” với chính phủ Anh, một mặt phải đứng ra làm cầu nối để Anh và Đức ký một vòng thỏa thuận mới về vấn đề Trung Quốc, duy trì sự hoàn chỉnh của Vương triều nhà Thanh và thúc giục họ phải “mở cửa” giao thương với nước ngoài. Dưới sự vận động hành lang tích cực của gia tộc Rothschild, Vương quốc Anh và Đức đã đạt được một thỏa thuận chính trị chưa từng có trong việc phân chia lợi ích ở Trung Quốc. Năm 1902, Nathan và Hansman tổ chức một cuộc họp tại Berlin có sự góp mặt của các chủ ngân hàng lớn để thành lập Syndicat Bắc Kinh (một trong những hình thức tổ chức độc quyền), chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến việc hợp tác kinh doanh tại Trung Quốc. Đối với hàng loạt vấn đề này, Anh, Đức và Nga đều coi Rothschild là “kênh giao tiếp ngoại giao an toàn và hiệu quả nhất”.
Với tư cách là bá chủ thị trường tài chính thế giới, ngay từ đầu thế kỷ XIX, gia tộc Rothschild đã bắt đầu xâm nhập vào Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình chính trị, kinh tế và chiến tranh của Trung Quốc. Năm 1979, gia tộc Rothschild một lần nữa tiến vào Trung Quốc. Chỉ là trong lần này, họ đến một cách hết sức “lặng lẽ”.