Chiếc Lồng Xương Thịt - Chương 147

 

Chương 55

Chịu ngồi xuống tức là thái độ đã có chút lơi lỏng.

Trần Tông thừa cơ thúc ép: “Hoan Bá, các ông mở quán, thuê nhà ở đây, chẳng qua là muốn dùng tôi làm tấm khiên thịt chắn Giang Hồng Chúc thôi.

Cô ta hận tôi thấu xương, còn thuê người muốn lấy mạng tôi nữa, đúng không?”

Nói đến cuối câu, anh nhìn chằm chằm vào mắt Hà Hoan, ánh mắt sắc bén đầy hàm ý, nhưng tuyệt đối không nói thẳng, để mặc đối phương tự suy đoán.

Hà Hoan có chút không thoải mái, rũ mi mắt, tránh đi ánh nhìn của Trần Tông.

“Tôi mạo hiểm lớn như vậy, chỉ muốn hỏi chút chuyện thôi, chắc cũng không quá đáng?

Tôi đi hỏi Tam Lão, người ta cũng sẽ kể.

Tìm ông chẳng qua là kiếm một cái cớ, kết giao một chút.

Xem ra, Hoan Bá không muốn kết giao với tôi rồi.”

Dứt lời, anh thở dài một tiếng, lộ vẻ thất vọng, uể oải đứng dậy.

Hà Hoan vốn đã thấp thỏm, lại bị anh ta châm chọc bóng gió một phen, càng thêm phiền muộn: “Ngồi xuống, cậu ngồi xuống đi.”

Trần Tông lập tức ngồi xuống ngay, mấy trò tâm lý này đối với anh mà nói, chỉ là chuyện vặt vãnh—từ khi còn mặc quần hở đáy, anh đã được tẩm bổ mánh khóe kinh doanh trong tiệm của Trần Thiên Hải rồi, kiểu khách nào mà chưa từng gặp qua chứ!

Anh an ủi Hà Hoan: “Yên tâm đi, chuyện cũng đã ba mươi mấy năm rồi, dù có nghiêm trọng đến đâu cũng sớm qua thời hạn truy cứu rồi.

Huống chi, Giang Hồng Chúc vẫn chưa chết, các ông năm đó có làm gì mờ ám đi nữa, bây giờ cũng có thể mang ra phơi nắng cho thoáng rồi.”

Lời này khiến Hà Hoan thấy chói tai: “Cậu biết cái gì, chẳng có cái ‘mờ ám’ nào cả!

Chúng tôi cũng đâu có làm gì…”

Trần Tông không nhịn được bật cười: “Không làm gì? Hoan Bá, con người tự bảo vệ mình là chuyện bình thường, nhưng bảo vệ đến mức phải tẩy trắng hoàn toàn… có hơi quá rồi đấy.”

Hà Hoan nói: “Thật sự mà.

Vì người tham gia chuyện này đông lắm, hơn mười mấy người.

Người càng đông, lại càng không ai muốn làm kẻ ra tay cả, cậu hiểu không?”

***

Thời xưa có thể dùng bang quy, thi hành tư hình, nhưng thời hiện đại, giết người là phạm pháp, không cẩn thận là ăn kẹo đồng ngay, ai mà chẳng có chút lo lắng?

Huống hồ, người càng đông thì ai cũng muốn đùn đẩy trách nhiệm, cố gắng dính líu ít nhất có thể.

Nói trắng ra, dù chuyện bại lộ mà bị bắt đi chăng nữa, tội đồng phạm cũng nhẹ hơn chủ mưu nhiều.

Thế nên, cứ đùn qua đẩy lại mãi, thịt đã đặt lên thớt mà vẫn chưa quyết được ai là người xuống dao.

Cuối cùng, họ quyết định đưa Giang Hồng Chúc đến Vân Nam, đến Yểm Sơn.

Trần Tông nghe vậy, tưởng là chữ Diễn trong “diễn xuất”, cảm thấy cái tên này thật kỳ lạ: “Sao lại gọi là Diễn Sơn, có ý nghĩa gì à?”

Hà Hoan đáp: “Là chữ Yểm trong ác mộng (魇), là nơi thờ Yểm Thần.”

Thì ra là vậy, vậy thì hợp lý rồi.

Bảo sao chứ, núi non của dân tộc thiểu số bên Vân Nam, tên núi thường mang màu sắc huyền bí, có điển tích đàng hoàng, làm gì có chuyện dính dáng gì tới diễn kịch chứ.

Yểm Thần chắc cũng cùng một dạng với Ôn Thần thôi—tổ tiên thờ phụng mấy vị thần này, mục đích thực sự là cầu mong họ mau chóng biến đi, “đừng có bén mảng tới đây”.

Hà Hoan nói: “Vân Nam lắm núi, Yểm Sơn cũng khá cao. Bề ngoài nhìn vào thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng bên trong núi có sơn tràng—tràng ở đây chính là ‘ruột’ trong ‘ruột non, ruột già’ ấy.”

Trần Tông: “Là lạp xưởng làm trong núi à?”

Hà Hoan cạn lời, đành phải khoa tay múa chân giải thích.

***

Sơn tràng có nghĩa là bên trong ngọn núi có một hệ thống đường hầm quanh co, uốn lượn lên xuống, tựa như ruột trong cơ thể.

Những đường hầm này có độ rộng hẹp khác nhau, có đoạn có thể ngồi xổm mà bò qua, có đoạn lại chỉ có thể nằm rạp mà lách vào.

Có khi đường hầm thông suốt, vào một cửa rồi đi vòng vèo như mê cung, đến khi ra thì đã là cửa núi phía bên kia.

Nhưng cũng có khi là ngõ cụt, đi đến đáy rồi thì chỉ có thể quay đầu trở lại.

Trần Tông nhớ đến sơ đồ giải phẫu cơ thể người mà mình từng học hồi trung học, dù cảm giác có hơi buồn nôn, nhưng không thể phủ nhận là khá giống thật.

Người ta còn phân loại sơn tràng dựa trên số lượng—có núi chỉ có một đường ruột, có núi lại có đến chín đường, còn được gọi là Cửu Khúc Hồi Tràng.

Riêng Yểm Sơn chỉ có một đường duy nhất, được gọi là Một Đường Đi Đến Tận Cùng Bóng Tối.

Một là vì con đường này là ngõ cụt.

Hai là vì… bên trong núi tối om, không có bất kỳ nguồn sáng nào, càng đi càng tối, tối đến mức triệt để.

Hơn nữa, trong đường hầm có những đoạn bị đứt gãy, gọi là Can Tràng Thốn Đoạn (肝肠寸断), ý chỉ một số đoạn đột nhiên đứt lìa, bên dưới sâu không thấy đáy.

Nếu sơ ý bước hụt thì rơi xuống là nát xác ngay.

Vậy nên, ở những đoạn đứt thường có phương tiện kết nối, chẳng hạn như ván gỗ bắc ngang hoặc xích sắt để bám vào.

Trần Tông nghe mà bật cười: “Nghe có bài bản hẳn hoi, thành cả một hệ thống luôn ấy chứ. Những cái tên này là ai đặt vậy?”

Hà Hoan hời hợt đáp: “Là người thông thạo ngọn núi ấy.”

Chắc hẳn là mấy vị thám hiểm thời xưa, những Từ Hà Khách (徐霞客, nhà du ký Trung Hoa nổi tiếng) của vùng núi này, đã ghi chép lại những kết cấu kỳ lạ bên trong bằng quan sát trực quan nhất.

Hà Hoan nói tiếp: “Đi hết đường sơn tràng thì không gian lại rộng rãi hơn, cậu cứ tưởng tượng là cuối đường ruột có một khối u to đùng, chính là miếu thờ Yểm Thần thời xa xưa.”

Ác mộng—ngay cả tiên dân thời xưa cũng không thể nói rõ nó là gì, chỉ cảm thấy đó là một nơi quanh co khúc khuỷu, tối đen như mực. Khi cúng tế, họ phải vác lễ vật trên lưng, gian nan vượt qua "ruột núi" để đến được ngôi thần miếu như cõi âm, vĩnh viễn không thấy ánh mặt trời.

Có lẽ do vị trí hẻo lánh, cách thức thờ phụng Yểm Thần cũng vô cùng độc đáo.

Trong những ngôi miếu hay thần điện thông thường, sẽ có một bệ thờ cao, trên đó đặt tượng thần ngồi uy nghi.

Nhưng miếu Yểm Thần thì không có bệ thờ.

Ở trên cao, người ta giăng một tấm lưới, không rõ là bằng đồng xanh hay xích sắt, kết thành một mạng nhện, bên trên có một bức tượng Yểm Thần—đầu người, thân nhện.

Trần Tông ban đầu nghe rất hào hứng, nhưng đến đây thì không khỏi rùng mình, không phải vì sợ mà vì hình dung trong đầu quá sống động. Tượng thần kiểu gì chẳng làm, lại cứ phải là thân nhện tám chân!

Không ngờ Hà Hoan còn sửa lại: "Nói sai rồi, không phải mặt người, mà là đầu người, đầu của một phụ nữ."

Yểm Thần chính là một cái đầu phụ nữ tóc dài kết hợp với thân nhện. Hốc mắt của nó gắn hai viên xích ngọc, tức là loại mã não Nam Hồng theo cách gọi ngày nay.

Lễ vật mà tiên dân mang đến cúng tế rất đa dạng. Tương truyền Yểm Thần có thể nuốt chửng những thứ đáng sợ trong ác mộng, nên nếu muốn những thứ ấy không còn xuất hiện trong giấc mơ nữa, phải mang chúng đến để Yểm Thần ăn sạch.

Nói cách khác, mơ thấy rắn thì mang rắn đến, mơ thấy sói thì mang sói đến, mơ thấy ác nhân mà không có khả năng mang đến thật, thì có thể dẫn theo một nô lệ, hóa trang hắn thành ác nhân để thay thế.

Ngoài ra, việc cúng tế phải diễn ra vào ban ngày, ban đêm không được bước vào miếu, vì khi đêm xuống, Yểm Thần sẽ hành động—gặp gì nuốt nấy.

Dĩ nhiên, hình thức tế lễ ngu muội này chỉ có ở thời thượng cổ, về sau dần dần thay đổi. Có một thời gian, người ta chuyển sang hiến tam sinh, kiểu như đầu bò đầu lợn. Sau đó, khi biên giới xảy ra chiến tranh, ngôi thần miếu này bị bỏ hoang suốt một thời gian dài. Nhiều năm sau, do cơ duyên trùng hợp, nó được "Nhân Thạch Hội" tiếp quản—hay nói đúng hơn, Nhân Thạch Hội cần một nơi không có đạo đức và không thể phơi bày dưới ánh sáng, có thành viên đề xuất nơi này.

Chính họ cũng thừa nhận là "thiếu đạo đức", chứng tỏ những chuyện xảy ra ở đó thực sự rất ghê tởm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3