Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Chương 4-08
Đúng như tôi nghĩ, chị em nhỏ Lan không biết chú tiểu Khôi là anh của tụi nó. Thất bại trong việc khuyên con trai hoàn tục, hẳn vợ chồng ông Hoạch quyết định giữ kín bí mật về thân thế của con trai mình.
Đến trường, tôi tò mò quan sát nhỏ Lan, thấy thái độ nó đối với chú tiểu Khôi không có gì khác lạ. Tôi ghé nhà tụi nó chơi, nó và nhỏ Phượng vẫn trò chuyện với tôi bình thường như trước đây. Sau tết, nhỏ Phượng dường như lớn lên một chút. Nó không còn kêu tôi trèo cây hái khế cho nó nữa. Dạo này nó đâm ra thích đọc sách.
-Anh có sách gì hay không, cho em mượn đọc với!
Mặt tôi vênh lên:
-Tưởng gì chứ sách hay, nhà anh có cả đống!
Sách ông ngoại tôi mua cho tôi lúc này đã khá nhiều. Mặt bàn không đủ chỗ để xếp sách theo chiều thẳng đứng, tôi phải đặt sách nằm ngang, xếp chồng cuốn này lên cuốn kia.
Cứ vài ba ngày, tôi lại đem sách cho nhỏ Phượng mượn. Lần nào nó cũng xuýt xoa:
-Nhà anh nhiều sách ghê!
Tới lần thứ mười, nó không khen nhà tôi nhiều sách nữa. Nó đổi mẫu câu làm tôi suýt ngất:
-Anh thích chị Thắm hả?
Tôi hoàn toàn không chờ đợi ở nhỏ Phượng một câu hỏi như vậy. Bất giác tôi thót bụng lại như tránh mũi kiếm của Tây Môn Xuy Tuyết.
-Làm gì có! - Mặt đỏ nhừ, tôi hấp tấp chối phăng.
Nhỏ Phượng dòm lom lom vào mặt tôi, tủm tủm:
-Anh nói dối.
-Ai bảo em là anh thích chị Thắm?
Nhỏ Phượng cười hi hi:
-Cái này bảo em nè.
Vừa nói nó vừa rút từ trong cuốn sách trên tay ra một tờ giấy huơ lên trước mặt tôi. Đó là bức tranh chú tiểu Khôi vẽ nhỏ Thắm dạo nào. Mỗi khi nhớ nhỏ Thắm, tôi vẫn lôi bức tranh này ra ngồi ngắm, không ngờ lại nhét vào trong cuốn sách này. Tôi nhìn bức tranh, quai hàm cứng đơ, mồ hôi ứa ra lấm tấm trên trán.
-Công nhận anh vẽ đẹp ghê! - Nhỏ Phượng trầm trồ.
Tôi chà tay lên chóp mũi:
-Bức tranh này không phải do anh vẽ.
-Chứ ai vẽ?
Nhìn vẻ mặt của nhỏ Phượng thỉnh thoảng vẫn nghịch ngợm nhắc lại chuyện bức tranh để trêu tôi. Nó vừa trêu vừa cười khúc khích nên tôi không cảm thấy nhột nhạt. Tôi biết nó mến tôi như mến một người anh trai.
Nhỏ Lan không trêu. Nhưng thỉnh thoảng nó bóng gió nghe muốn nhức xương:
-Hồi trước có anh Thắng "ngồi họa hình người tình vào bãi cát vàng", bây giờ có người họa hình người tình lên giấy rồi kẹp vô sách, lạ ha!
Nhỏ Thắm không phải là "người tình" của tôi. Thậm chí tôi ghét cay ghét đắng chữ "người tình", nghe nó sến sến thế nào. Nhưng tôi không cãi nhỏ Lan. Đến bây giờ thì tôi biết chắc nhỏ Lan thích tôi và chuyện tôi vô tình để lộ bức tranh nhỏ Thắm chắc làm nó buồn lắm. Khi một đứa con gái đang buồn, ta không nên gây hấn. Nếu nỗi buồn đó chính ta đem lại, ta không những không nên gây hấn mà càng phải tránh xa. Tôi dặn mình như vậy và mỗi khi nhỏ Lan cất lên những lời lẽ xa xôi là tôi len lén chuồn qua nhà bà nội tôi. Cho yên thân.
Chú tiểu Khôi có vẻ phiền muộn khi thấy tôi cứ phi xuống nhà bà tôi hoài. Nhưng về sau này, chú không ngăn tôi nữa. Có lẽ chú sợ tôi lại hùng hồn phun câu "Nếu chú có bà nội, chú sẽ thường xuyên ghé chơi với bà chú giống như tôi, trừ khi chú không yêu bà". Bây giờ thì chú tiểu Khôi đã biết ba mẹ mình là ai. Chú còn biết chú không còn bà nội. Nhưng cho dù bà chú còn sống hay đã mất, chú vẫn chưa nghĩ ra cách khắc chế câu thần chú "trừ khi chú không yêu bà" của tôi.
Sau tết, mối quan hệ giữa tôi và nhỏ Thắm có vẻ càng tệ đi. Sự xa cách trong một thời gian dài khiến tôi sống thu mình lại, trong khi đó nhỏ Thắm dường như cũng ngày càng khép kín bản thân. Tôi không còn bắt gặp ánh mắt nó nhìn trộm tôi trên lớp nữa và phát hiện đó khiến tôi thấy các giờ học trôi qua lê thê như có ai kéo dài ra.
Thằng Phan cụng đầu vào đầu tôi:
-Mày và nhỏ Thắm nghỉ chơi với nhau luôn thật à?
-Tao cũng không biết nữa.
-Sao mày không làm lành với nó?
Nếu như trước đây, tôi đã quát lên "Tại sao tao phải làm lành?" nhưng bây giờ lòng tôi nguội ngắt nguội ngơ. Ngay cả khi tôi muốn bỏ qua chuyện cũ, tôi cũng không biết tôi sẽ làm lành với nhỏ Thắm bằng cách nào. Vết thương nhỏ thằm gây ra cho tôi đã kéo dài quá lâu. Nó đã thành sẹo trong tâm hồn, bác sỹ thời gian không tẩy xóa được, chỉ làm cho nó chai đi.
Cho đến tận lúc này tôi vẫn không hiểu tại sao nhỏ Thắm đã nổi khùng lên với tôi trong buổi trưa hôm đó. Cái cách truy vấn gắt gao của nó làm tôi tổn thương ghê gớm. Có đáng gì đâu một trận đòn oan, so với tờ giấy chú tiểu Khôi lén dán lên vách nhằm giải cứu nó khỏi lời hứa hẹn ngông cuồng của ba nó một thời trai trẻ. Vậy mà nó đùng đùng đi kiếm tôi để "hỏi tội". Tôi lại vẩn vơ nghĩ đến những ông bố gia trưởng và thích dùng đòn roi ở thị trấn quê tôi. Đòn roi chỉ khổ cho con cái. Khổ cho cả bạn bè của con cái.
Tôi nhớ những lần ba tôi vụt roi vào lưng chị Hoài và lưng tôi mỗi khi hai chị em tôi làm điều gì lầm lỗi. Những lúc đó mẹ tôi không bao giờ dám can ngăn, chỉ đứng bên cạnh khóc lóc van xin. Suốt thời thơ ấu dài lâu, những đứa trẻ thị trấn đã dìu nhau lớn lên dưới những trận mưa roi của người bố và mưa nước mắt của người mẹ.
Tôi cố hình dung trận đòn roi mà nhỏ Thắm phải chịu khi ba nó nghi nó để lộ chuyện hôn ước lỳ quặc kia ra ngoài, cố mường tượng cảnh nó nước mắt đẫm má trên nền những hòa âm đớn đau nức nở. Chắc hôm đó ba nó đánh nó đau lắm, có khi nó suýt gãy tay nữa không chừng! Tôi cố đẩy trí tưởng tượng đi thật xa để vịn vào đó bào chữa cho thái độ của nó hôm nọ. Để cho nguôi ấm ức. Để cho lòng khuây khỏa. Để cho tôi không phải mệt đứt hơi vì cứ phải hầu hạ cơn giận của mình.