Càng Độc Lập Càng Cao Quý - Chương 05

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “PHỤ NỮ ĐẲNG CẤP” VÀ “PHỤ NỮ HÈN KÉM”

Vài ngày trước, khi đang dọn dẹp các file trong máy tính, tôi nhìn thấy vài bức ảnh cũ, trong lòng bỗng trào dâng cảm giác man mác buồn, đặc biệt là khi thấy bức ảnh chụp chung của tôi và M. Nghĩ tới vài năm qua chẳng còn giữ liên lạc, quả thực cũng có chút cảm khái, nhưng tôi tuyệt không hối hận.

M từng là bạn tốt của tôi, lớn hơn tôi sáu tuổi. Năm đó tôi vừa tốt nghiệp, còn chị ấy đã gần ba mươi và vẫn độc thân. Nhân duyên của M không tốt lắm, cũng bởi tính cách bộc trực, khi nói chuyện thường ít để ý tới cảm xúc của đối phương nên từ trước tới nay không được lòng nhiều người.

Tôi lại không hề để tâm tới tính cách đó. Quá thẳng thắn mặc dù không phải là một ưu điểm, nhưng đối với tôi như vậy vẫn tốt hơn nhiều so với khối kẻ khẩu phật tâm xà.

M vô cùng xinh đẹp, đặc biệt là làn da mịn màng trắng muốt, không những thế, đó còn là vẻ đẹp tự nhiên không qua bất kỳ mỹ phẩm, hóa chất nào. Tôi không giấu nổi sự ngưỡng mộ dành cho chị ấy, thế nhưng không rõ vì sao chị ấy lại không có duyên với người khác giới, trước giờ chưa gặp được mối nhân duyên nào phù hợp cả.

Như bạn biết đấy, xã hội này thường có quá nhiều dị nghị dành cho người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi chưa lập gia đình. Từng có không ít cô gái mang ý giễu cợt mà hỏi M định bao giờ mới chịu kết hôn? Độc thân cả đời là không ổn đâu nhé. Nói gì thì nói, phụ nữ vẫn nên có một tấm chồng mới được…

M không phải kiểu người mang suy nghĩ “một điều nhịn bằng chín điều lành”, những lúc bị hỏi như vậy, chị ấy sẽ bực bội đáp trả: “Làm sao mà không ổn? Ảnh hưởng đến nồi cơm nhà cô à? Có thời gian rảnh thì tự quản chuyện nhà mình cho tốt đi rồi hãy lo chuyện người khác!”

Đối phương bị hắt cho một gáo nước lạnh đến chẳng còn mặt mũi, thế là “cộng đồng anti” của M lại có thêm một thành viên mới. Tuy vậy, tôi hiểu tâm trạng M, ba mươi tuổi chưa chồng chưa con, chị ấy chắc hẳn phải chịu áp lực cực kỳ lớn, từ người thân, xã hội, lại còn phải đón nhận sự “quan tâm” chẳng hề mang ý tốt từ những người xung quanh, rơi vào cảnh ấy mà còn vui vẻ đáp lễ được mới là lạ đấy!

M thường ca cẩm với tôi: “Cô nói xem mấy người đó có phải ăn no rửng mỡ quá rồi không? Chị cưới chồng hay không cũng có làm bớt đi của họ đồng tiền nào đâu?

Càng buồn cười hơn là bọn họ người thì chồng ngoại tình, người thì sống tủi sống nhục, sao vẫn còn lo hộ thiên hạ được nhỉ? Loại đàn ông như chồng họ ấy mà, có cho tiền chị cũng chẳng thèm lấy.”

Tôi chỉ có thể khuyên bảo chị ấy đừng để tâm đến lời của những kẻ đó, cứ vui vẻ hưởng thụ cuộc sống mới là quan trọng nhất.

Cơ duyên thế nào mà hai năm sau, M đã gặp được bạch mã hoàng tử của đời mình. Năm đó, khi đạt ngưỡng ba mươi hai tuổi, chị ấy chính thức khép lại quãng đời độc thân.

Kết hôn muộn một chút cũng có cái lợi, ít nhất thì bạn có thể nhẹ nhõm về phương diện kinh tế, hai người cùng gom góp tiết kiệm, mua một căn hộ một trăm mét vuông, tổ chức lễ cưới đơn giản, rồi từ đó bắt đầu cuộc sống hôn nhân của mình.

Kể từ khi M kết hôn, những lời “hỏi thăm” đầy bỡn cợt kia cũng không còn nữa. Mặc dù đôi lúc vẫn có những kẻ tỏ ra thương cảm mà chúc mừng M cuối cùng cũng lấy được chồng rồi, nhưng đa số vẫn là đã tiếp nhận chị ấy, đã coi chị ấy cũng giống mình.

Khi ấy, tôi cuối cùng đã hiểu vì sao nhiều người lại cắn răng chấp nhận một cuộc hôn nhân miễn cưỡng. Trong con mắt người đời, chỉ khi kết hôn bạn mới được coi là một người “bình thường”, nếu nội tâm không đủ mạnh mẽ bạn sẽ không gánh vác nổi thứ áp lực nặng nề ấy, dẫn đến việc thật khó nghe theo tiếng nói của trái tim mình, để rồi đành lòng thuận theo số đông.

Yên ổn chưa được bao lâu, M lại phải đối mặt với một nỗi phiền não khác: những người trước đây kết hôn giờ đã rục rịch chuyện sinh nở.

Người này nói: “M à, cô đã cưới muộn thì chớ, đàn bà phụ nữ lại có thời, phải nhanh nhanh tranh thủ thời gian đi thôi!”

Người khác lại kêu: “M à, cưới nhau mà không có con thì còn gì là gia đình trọn vẹn? Phụ nữ phải có con chứ, đợi lúc lớn tuổi rồi sinh con ra có nhiều vấn đề lắm, cô phải chuẩn bị ngay đi!”

Thật tình không hiểu nguyên cớ gì, M kết hôn đã tròn hai năm rồi nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh. Tôi lại chẳng để tâm đến chuyện đó lắm, cứ tưởng chị ấy đơn giản là muốn dành hai năm tận hưởng thế giới riêng của hai vợ chồng thôi. Mãi cho tới ngày nọ, chị ấy mới lén lút chạy tới tìm tôi, hỏi: “Chẳng phải ngày trước cô có đứa bạn mãi không có con, cuối cùng tìm một thầy Đông y sắc thuốc cho uống, nửa năm sau có tin song thai? Cô giúp chị nghe ngóng thông tin nhé, chị cũng muốn đi xem thử.”

Lúc này tôi mới vỡ lẽ, hóa ra M vẫn luôn mong ngóng có con, có khi chính vì đôi lúc càng muốn có con, tâm lý căng thẳng thành ra lại càng không có được cũng nên!

Tôi bèn đưa cho chị ấy liên lạc của người bạn kia. Từ đó, M cũng bắt đầu uống thuốc điều chỉnh, không biết là do tâm lý đã thoải mái hơn hay do được tiếp thêm niềm tin mà chỉ chưa đầy một năm, M đã có tin vui, năm sau đó đã sinh được một bé trai kháu khỉnh.

M thỏa ước nguyện khiến tôi cũng vui lây. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy chị ấy càng ngày càng xa lạ.

Trước đây, chị ấy phải chịu áp lực kinh khủng từ những lời thúc giục cưới chồng, trong lòng bức bách cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng từ khi kết hôn rồi sinh con xong, mỗi khi gặp một cô gái đứng tuổi độc thân nào đó là chị ấy bắt đầu hỏi chuyện bao giờ cưới chồng. Có những lúc rõ ràng biết đối phương sẽ xấu hổ nhưng chị ấy vẫn cố chấp truy vấn. Nhìn M, tôi dường như thấy ở đó hình ảnh của chính những người khi xưa đã buông lời “quan tâm” chị, từng lời thăm hỏi đều không một chút thiện ý.

Khi chưa kết hôn, M ghét cay ghét đắng loại người ỷ thế là phụ nữ có chồng mà đi hỏi người khác chuyện cưới xin, nhưng đến lượt bản thân chị ấy lập gia đình thì chị ấy cũng lại thích thú nhất việc đó. Tôi không thể hiểu nổi đây là cái kiểu tâm lý gì, chẳng phải Khổng Tử đã có câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”1 đó sao?

1 Có nghĩa là: đừng đùn đẩy cho người khác những gì mà bản thân không thích. Ở đây còn có thể hiểu theo nghĩa: đừng bắt người khác phải chịu đựng lại những bất hạnh mà bạn đã trải qua.

Khi chưa sinh con, M không đội trời chung với kiểu người ra vẻ ta đây có con mà ngày ngày thúc giục người khác sinh đẻ, làm người ta bất an lo lắng. Nhưng đến khi bản thân sinh con rồi, chị ấy cũng lại rất hào hứng đi hỏi người ta định “kế hoạch” đến bao giờ. Thậm chí, tôi cảm nhận được trong đôi mắt M những ánh nhìn đầy ác ý.

Người ta vẫn nói bạn bè làm gì có ai thập toàn thập mỹ, nhưng quả thực tôi không thể thích nổi bộ dạng của M lúc này, thà rằng chị ấy cứ thẳng thắn bộc trực như xưa, dù chưa chồng chưa con nhưng không mảy may vướng chút tà niệm.

Sau khi kết hôn tôi vẫn chưa muốn có con ngay. Thời gian đó, tôi hoàn toàn không biết mình có thể sinh con hay không, chỉ đơn giản là chưa muốn có, cảm thấy hai vợ chồng sống với nhau cũng là rất tốt rồi. Vậy mà M cứ liên tục giục giã tôi, nói phụ nữ mà không có con là thiếu sót lớn. Tôi vốn nhạy cảm nên có thể lập tức nhận ra đối phương có ý tốt hay ý xấu.

Thật đáng tiếc, trong câu nói của M tôi chỉ nghe ra sự hả hê khi nghĩ người khác kém may mắn, chị ấy thường vô thức thể hiện ra cái thái độ “Có phải cơ thể cô có vấn đề rồi không?” trước mặt tôi.

Từ đó, tôi dần giữ khoảng cách với M. Kể cả nếu chị ấy thật sự không có ác ý, tôi cũng không thích việc người khác áp đặt ý chí và cách sống của họ lên mình.

Nhắc đến M, không thể không nhắc đến một người bạn chí cốt nữa của tôi, cùng tầm tuổi với M mà mãi vẫn chưa kết hôn. Tôi quen chị ấy từ khi mới hơn hai mươi tuổi rồi sau đó cả hai trở nên cực kỳ thân thiết.

Xung quanh chúng tôi có rất nhiều người kết hôn muộn, không phải vì họ ghét chuyện hôn nhân mà vì chưa gặp được đối tượng phù hợp, không muốn miễn cưỡng. Nếu ai đó tự cho rằng bản thân đã ngần này tuổi còn chưa có nơi có chốn, chị ấy sẽ chỉ cười nhẹ mà đùa theo: “Cô còn trẻ hơn tôi chán. Tôi chưa vội thì cô lo cái gì? Đừng quan tâm chuyện người ta nói, cảm giác của bản thân mới là quan trọng nhất.”

Khi người khác cuối cùng cũng lập gia đình, chị ấy không chút khó chịu, luôn thành tâm dành những lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho họ.

Tôi năm nay đã hơn ba mươi tuổi mới muốn có con. Nói thật lòng, người thân bạn bè bên cạnh tôi hầu hết đều thúc giục, chỉ có chị ấy khác họ. Khi tôi nói chưa muốn có con, chị ấy cũng rất thấu hiểu: “Chẳng sao cả, chưa thích có con thì thôi. Chuyện con cái phải thận trọng, một khi sinh con ra phải xác định có trách nhiệm cả đời, nên tốt nhất là đợi khi bản thân thật sự muốn thì hãy sinh con.”

Thời gian mang bầu, tôi báo tin vui cho chị ấy, chị ấy ngay tức thì gửi quà cho tôi: “Cô với Ngạn tổng gen đẹp như thế, chắc chắn sẽ sinh ra một bảo bảo thông minh lại đáng yêu cho xem.”

Có thể nói, mỗi lúc ở cạnh chị ấy tôi đều vô cùng thoải mái, không có một chút cảm giác áp lực hay ác ý nào.

Bởi thế, ngay cả khi ở cách nhau mấy nghìn cây số, chúng tôi vẫn tìm cách để gặp nhau, thường ngày không thể gặp trực tiếp thì sẽ nói chuyện trên WeChat, tình cảm trước nay chưa từng thay đổi.

Tôi vẫn luôn cho rằng, chị ấy mới là người phụ nữ đẳng cấp và ưu tú nhất, vì chị ấy biết tôn trọng từng cách sống khác nhau, cũng như thấu hiểu cách chọn lựa của từng người khác nhau.

Vì sao có nhiều người lại bị ghét đến thế? Vì họ luôn thích áp đặt suy nghĩ và cách sống của bản thân lên người khác. Một khi người khác không tiếp nhận, họ liền bộc lộ ra sự xấu xí nhỏ mọn của mình, những kẻ thích giục giã người khác lấy chồng sinh con kia chính là một ví dụ điển hình.

Phụ nữ hèn kém vĩnh viễn cầu xin sự đồng thuận của số đông, thấy bản thân sống không giống người khác, thấy người khác sống tự do hơn, tiêu sái hơn liền nghĩ cách làm sao để kéo người ta xuống thấp như mình. Còn phụ nữ đẳng cấp thì sao? Tất nhiên họ hiểu rõ mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau, truy cầu khác nhau, sở thích khác nhau, chỉ cần không làm hại người khác thì ai cũng được quyền chọn lựa bất cứ cách sống nào họ muốn. Những người phụ nữ đẳng cấp luôn khiến người ta cảm thấy được tôn trọng, được thấu hiểu như một người bạn tri âm.

TỪ KHI MANG BẦU ĐẾN KHI SINH CON, PHỤ NỮ NHẤT ĐỊNH PHẢI HIỂU RÕ ĐIỀU NÀY

Thời gian trước, tôi từng tham gia vào một nhóm của các mẹ bầu trên mạng xã hội, đôi lúc cũng vào đó xem mọi người nói chuyện gì.

Hôm qua, có một mẹ bỉm sữa hai con vào nhóm tố cáo mẹ chồng: “Ban đầu, tôi vốn không có ý định sinh thêm đứa nữa, nhưng mẹ chồng bảo sinh một đứa thì nó sẽ rất cô đơn, sau này không có anh chị em để bầu bạn, giúp đỡ, một đứa trẻ phải cùng lúc gánh trên vai trách nhiệm lo toan cho bốn người già, áp lực quá khủng khiếp. Nếu có anh chị em thì khác, trên đời này nó sẽ có thêm một người thân, đến lúc cha mẹ đi rồi nó sẽ coi anh chị em nó là người thân nhất. Bà ấy còn nói mau tranh thủ lúc bà chưa già yếu, có thể giúp trông cháu thì hãy sớm sinh một đứa nữa đi, chứ đợi sau này sức bà không làm gì nổi nữa, có muốn giúp cũng lực bất tòng tâm. Tôi bị bà thuyết phục nên cũng động lòng, mang thai thêm đứa nữa. Kết quả thì sao? Bà ấy mê phải mấy trò nhảy múa ở quảng trường ấy, ngày nào cũng đi khiêu vũ, có chịu giúp tôi trông cháu đâu, lại còn nói bà chẳng còn sống được mấy năm, vãn

niên muốn hưởng thụ cuộc sống của mình. Các cô nói xem, gặp phải bà mẹ chồng thế này thì phải làm sao?” Những người khác ngoài an ủi cô ta ra thì cũng chẳng nghĩ được cách nào, dù sao cũng không ai giúp cô ta trông con được cả. Bây giờ, vì yêu cầu của công việc nên chồng cô ta phải đi công tác thường xuyên, cô ta một mình chăm hai đứa nhỏ, mỗi ngày đều như phát điên, cảm thấy tất cả đều do mẹ chồng hại mà ra.

Bà mẹ bỉm sữa này còn nói, sau này khi mẹ chồng già rồi nhất định cô ta sẽ để mẹ chồng nếm mùi cay đắng, bây giờ không chăm con cho cô ta, về sau đừng mong chờ được cô ta chiếu cố.

Chúng ta hãy xem xét một chút, bà mẹ chồng này có sai hay không? Chắc chắn có. Thứ nhất, không nên can thiệp vào kế hoạch gia đình của con cháu. Thứ hai, không nên mạnh miệng hứa hẹn ôm đồm rồi lại nuốt lời.

Thế nhưng, giao quyền chủ động quyết định cuộc sống của mình vào tay người khác lại là việc cực kỳ thiếu sáng suốt. Hiện tại, vì mẹ chồng ham thích khiêu vũ ở quảng trường nên cô con dâu này mới bực tức đến thế, vậy giả dụ mẹ chồng không phải vì ham khiêu vũ mà vì sức khỏe không tốt thì sao? Chẳng lẽ ép bà một thân mang bệnh còn phải chăm cháu?

Nói thêm một chút về câu chuyện của tôi nhé.

Lúc tôi mang bầu chưa tới bốn tháng, ông xã đã giúp tôi đi tìm các bệnh viện hoặc trung tâm hậu sản, tới khi tôi mang bầu tháng thứ năm đã quyết định được nơi đến, chỉ chờ ngày em bé chào đời.

Chúng tôi nghĩ bản thân đã sắp xếp ổn thỏa rồi, cứ thế tự lực cánh sinh, chủ động gánh vác trách nhiệm của chính mình.

Nhưng mẹ và các cô tôi lại nghĩ thời gian đầu sau khi sinh tôi có thể ở nhà ngoại, ở đó đông người, vui vẻ, không cần thiết phải tới những trung tâm lạnh lẽo kia. Nếu tôi cảm thấy điều kiện nhà ngoại chưa đủ tốt, thì cũng có thể nghỉ ngơi tại nhà để họ tới chăm sóc tôi và trông nom cháu, chứ tôi mà chọn mấy trung tâm kia thì họ lại không thể giúp được gì.

Tiếp nữa, họ đều là người không muốn phí tiền vào những chỗ không cần thiết. Dù vợ chồng chúng tôi đã tự kiếm ra tiền cả, họ vẫn cho rằng khoản phí dịch vụ khi tới trung tâm có thể dành để tiết kiệm thêm, sau này sinh con ra còn phải chi tiêu nhiều.

Cô cả nhà tôi giận dỗi nói: “Con nha đầu thối này bây giờ đủ lông đủ cánh rồi, đâu cần đến mấy bà cô này nữa? Có khi nó còn mong mình đừng có tìm nó làm phiền ấy!”

Cô út cũng chêm vào: “Hồi xưa lúc mẹ mới sinh cháu ra toàn là cô chăm cả đấy, tay nghề cũng không tồi đâu, trình độ của cô cứ phải gọi là không thua kém gì mấy người chuyên trông trẻ nhé.”

Mẹ tôi thì tỏ ra phiền não: “Để con đến mấy trung tâm hậu sản thì người ta sẽ nói mẹ thế nào? Còn tưởng mẹ không chịu giúp con, đến nỗi con chỉ còn nước dựa vào trợ giúp bên ngoài đấy. Con nói xem mẹ biết giấu mặt mũi vào đâu nữa?”

Vì chuyện này mà mỗi lần gặp tôi, mẹ và các cô đều càu nhàu, trách tôi sao lại chọn cái trung tâm xa xôi như thế, muốn đến thăm cũng khó nữa.

Bây giờ nhớ lại, tôi phải tự khen mình khi xưa đã đúng đắn, kiên quyết giữ vững lập trường.

Vài ngày trước, cậu em họ tôi bắt đầu bước vào kỳ nghỉ đông, hào hứng cùng vài người bạn mang ván trượt ra quảng trường chơi, kết quả kẻ chạy người đuổi thế nào mà được một lúc thì không giữ được thăng bằng, ngã đập xuống đất, hồi lâu vẫn không gượng dậy được, khóc ầm ĩ cả lên. Không chần chừ một giây, cô út phải vội vã đưa đi bệnh viện kiểm tra. Cậu nhóc thành ra bộ dạng thê thảm, xương thì gãy đến mức phải bó bột, mặt mũi thì bầm dập.

Cô út gọi điện xin lỗi tôi, nói cậu ấy gãy xương phải điều trị hơn ba tháng, có lẽ cô không cách nào chăm sóc tôi được rồi.

Tôi trả lời: “Không sao không sao, dù gì bên trung tâm người ta cũng sắp xếp ổn cả, cô cứ yên tâm chăm sóc cậu ấy là được.”

Cô út an ủi tôi: “Dù cô không giúp được, nhưng còn có cô cả và mẹ cháu nữa!”

Kết quả, không lâu sau cha chồng của cô cả qua đời, tập tục và luật lệ ở quê tôi lại rắc rối. Theo đó, để tránh xung đột về tâm lý, những người có gia đình vừa trải qua tang sự thì trong vòng ba tháng không được tới thăm những gia đình có hỷ sự.

Lần này tới lượt cô cả gọi điện cho tôi: “Lẽ ra là ngày cháu sinh em bé cô nhất định sẽ tới được, thế mà bây giờ cô lại không thể đi nữa, chỉ sợ mang xui xẻo vào nhà cháu…”

Không hiểu sao mẹ tôi lại rất vui mừng khi biết các cô không thể đến được. Bà luôn canh cánh trong lòng vì đã không dành đủ tình yêu thương cho tôi khi tôi còn bé, chỉ hy vọng đến lúc tôi sinh cháu có cơ hội bù đắp. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, bà bị sỏi mật, trước đây không ít lần tôi từng khuyên bà tranh thủ làm phẫu thuật sớm đi, nhưng bà cứ cho rằng không thấy đau thì chẳng việc gì phải rước phiền phức vào thân. Ai ngờ đúng ngày hôm đó, mẹ tôi bắt đầu lên cơn đau, lưng không thẳng nổi, khó chịu vô cùng, bất đắc dĩ phải vào viện khám. Bác sĩ hỏi vì sao không đi khám sớm hơn, bây giờ bệnh chuyển nặng thế này, chỉ còn cách làm phẫu thuật.

Mẹ áy náy nói với tôi: “Con chỉ còn mười mấy ngày nữa là sinh rồi, mẹ vừa làm phẫu thuật nên cũng không đến chăm nổi, phải làm sao đây?”

Tôi vội tiếp lời: “Mẹ cứ yên tâm nghỉ ngơi đi, việc của con sớm đã lo liệu ổn thỏa rồi.”

Mẹ cảm khái: “Vẫn là con nhìn xa trông rộng, nếu không thời gian sau sinh chẳng biết phải làm sao nữa.” Thật ra, tôi có “nhìn xa trông rộng” cái gì đâu, trước đây nghĩ thế nào tôi cũng không ngờ được cả ba người muốn đến chăm tôi và trông cháu lại đồng thời gặp chuyện, trùng hợp thay, điều đó thật sự đã xảy ra.

Tôi không hề trách cứ họ, vì tất cả những chuyện này đều chẳng ai mong muốn, hơn nữa sự vắng mặt của họ cũng không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.

Ban đầu tôi nghĩ, tốt nhất là bản thân tìm một trung tâm hậu sản ổn một chút, mẹ và các cô thỉnh thoảng ghé thăm chơi với cháu, nếu bận rộn quá thì tôi và ông xã sẽ tự cố gắng cùng nhau qua giai đoạn đặc biệt này. Vì thế, tình hình lúc bấy giờ chẳng qua cũng chỉ rơi vào trường hợp cuối cùng trong tính toán của chúng tôi mà thôi.

Tôi cũng khá mừng vì bản thân vốn không có tính ỷ lại vào người khác, bằng không lúc bấy giờ chưa biết chừng đã oán khí ngút trời rồi. Vì sao? Vì trước đấy ai nấy đều nói hợp tình hợp lý lắm, tranh giành nhau chăm cháu chăm con, rồi đến phút chót ngay cả một người cũng chẳng thấy tăm hơi, tình huống xoay chuyển 180 độ làm tôi trở tay không kịp. Thậm chí nếu không tính trước, có khi quãng thời gian này đã biến thành ác mộng cuộc đời tôi rồi cũng nên. Nhưng rốt cuộc tôi lại chẳng phải chịu chút bực tức nào, chỉ là cảm thấy trên đời đúng là chuyện gì cũng xảy ra được, bao gồm cả những chuyện bạn ít ngờ tới nhất, chỉ khi bản thân bạn có đủ năng lực mới có thể vượt qua được từng thử thách của cuộc đời.

Từ xưa tới nay tôi chưa bao giờ cho rằng chúng ta cần vạch rõ giới hạn với thế hệ đi trước hoặc việc gì cũng phải tự thân vận động, đây không phải độc lập mà chỉ là sĩ diện. Song chúng ta cũng không thể gặp chuyện gì cũng dựa dẫm vào người đi trước, không thể rơi vào tình trạng nếu không có họ thì sẽ biến thành cỗ máy không ai vận hành.

Cách làm tối ưu là: nếu các mẹ đã muốn giúp một tay thì bạn hãy để họ được thoải mái, như vậy cũng tốt cho cả bạn nữa. Nhưng trong trường hợp không có họ, bạn cũng không được quá bị động. Đối với những người đã trưởng thành mà nói, sự giúp đỡ đến từ bất cứ người nào cũng chỉ nên coi là thêu hoa trên gấm mà thôi. Nếu ỷ lại, chính bạn sẽ có ngày phải uất ức mà nhận quả đắng từ cuộc đời.

Giống như người mẹ bỉm sữa hai con mà tôi kể. Giả dụ trước khi đưa ra chọn lựa, cô ta nghĩ rộng hơn một chút: “Nếu không có sự giúp đỡ của người khác, thì một mình mình có đủ thời gian và sức lực để tự trông đứa trẻ không?” Khi đó, cô ta sẽ không đến nỗi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như bây giờ.

Những người trưởng thành đều hiểu rõ một đạo lý: không ai có thể thay chúng ta chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Cha mẹ sẽ già yếu, sẽ ra đi, người yêu đâu biết liệu có ở cạnh ta mãi. Dù là kẻ hạnh phúc nhất đi nữa, trên đường đời cũng không tránh khỏi những tháng ngày phải độc bước tiến lên.

Bởi vậy, chúng ta có thể hưởng thụ tình cảm ấm áp mà người khác dành cho mình, nhưng xin đừng quên cách dựa vào chính đôi cánh của bản thân mà đương đầu với phong ba bão táp.

CHẲNG CÓ CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP NÀO TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG

Sau khi viết bài “Từ lúc mang bầu đến khi sinh con, phụ nữ nhất định phải hiểu rõ một điều”, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả. Trong đó, có một kiểu phản hồi khiến cho người khác phải cạn lời, đã thế lại còn rất hay gặp.

Chẳng hạn: Tôi tất nhiên là biết phụ nữ thì cần độc lập rồi. Cô có thể độc lập được là vì cô có điều kiện kinh tế, chứ giả dụ cô vừa không có tiền chi trả phí dịch vụ cho trung tâm hậu sản, cũng không có tiền thuê người trông trẻ xem, lúc ấy cô độc lập kiểu gì?

Hoặc chẳng hạn như: Có ai không muốn sống theo ý mình cơ chứ? Nhưng cũng do vận số nữa, cô có thể tự làm chủ cuộc sống của bản thân cô là vì số cô may mắn. Nếu vận số đen đủi thì cô tính sao?

Lại chẳng hạn tiếp: Cô viết thì dễ lắm, tìm được cả trung tâm hậu sản thì chứng tỏ điều kiện gia đình cũng chẳng phải dạng vừa. Nhưng cô nên biết có rất nhiều người phụ nữ góa chồng, một thân một mình sinh con, cô sao có thể hiểu được nỗi đau khổ của họ chứ, vĩnh viễn cũng không thể hiểu đâu.

Khi tôi đăng bài viết đó lên WeChat Moments, đến cả cô bạn thuở nhỏ cũng để lại lời nhắn như sau: Cậu có số hưởng, tìm được anh chồng tốt, sự nghiệp của bản thân lại thuận lợi nên cậu đương nhiên có thể muốn làm gì thì làm. Nhưng không phải ai cũng đều có cuộc sống may mắn như cậu đâu.

Những người khác tôi đều lướt qua không thèm để bụng, nhưng đối với cô bạn thuở nhỏ này, tôi vẫn kiên nhẫn hồi đáp: Người khác không hiểu được quá trình trưởng thành của mình, cảm thấy mình đứng nói chuyện thì sao thấy lưng đau cũng cho qua đi, nhưng chẳng lẽ đến cả cậu cũng không biết quãng đường đó mình đã phải trải qua thế nào sao? Cậu thật sự thấy đó là vì mình “có số hưởng” sao?

Cô ta đáp lại: Còn không phải à?

Tôi trả lời: Nếu cậu không giận, chúng ta có thể nói một chút về chuyện này.

Cô ta nói sẽ không nổi giận. Sau khi nhận được sự đảm bảo, tôi bắt đầu câu chuyện.

Chúng tôi chào đời vào cùng một năm. Thời đó, điều kiện của cả hai gia đình chúng tôi không hơn kém nhau là bao. Về sau, cha mẹ tôi sa chân vào cờ bạc, một gia đình đang hạnh phúc yên ổn bỗng dưng chồng chất nợ nần. Trong khi đó, cha cô ta hoàn toàn trái ngược. Hồi ấy người ta đổ xô đi chạy xe chở hàng, cha cô ta cũng không chịu đi sau thời đại, bèn mua một chiếc xe tải về, ngày ngày cần mẫn làm việc, thu nhập cũng rất khả quan. Chưa đến vài năm sau, gia đình cô ta đã mua được một căn nhà ở trung tâm thành phố, còn tôi khi ấy vẫn chỉ có thể đi học ở vùng hẻo lánh thôn quê.

Vì ông bà nội của cô ta vẫn ở quê nên mỗi dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ cô ta lại về chơi, thành thử chúng tôi vẫn thường xuyên được gặp nhau. Có một lần, cô ta về quê mang theo một đôi hoa tai rất đẹp, tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là đôi hoa tai bằng đá thạch anh tím mà cha cô ta đi Thượng Hải mua về, giá khoảng mười ba tệ. Thấy tôi đặc biệt thích đôi hoa tai ấy, cô ta liền tháo ra đưa cho tôi đeo thử. Nghĩ lại thì bây giờ tôi làm nghề liên quan tới đá quý, cũng có thể là do sự yêu thích được ươm mầm từ thời trẻ thơ ấy cũng nên!

Nhìn tôi thích thú với đôi hoa tai, cô ta nói: “Cho cậu đấy, lần sau mình bảo cha mua tiếp một đôi khác là được.”

Tôi vô cùng cảm kích tấm lòng hào hiệp của cô ta nhưng vẫn dằn lòng từ chối. Món đồ này không thuộc về tôi, sau này chẳng lẽ mỗi lần thích cái gì tôi lại đòi người khác cho mình hay sao?

Một thời gian sau, chúng tôi đều lên cấp hai, cô ta đương nhiên học ở thành phố, còn tôi vẫn tiếp tục học ở quê nhà. Tôi biết, ngoài việc phải học cho tốt ra mình chẳng còn con đường nào khác, vì thế tôi không ngừng nỗ lực, thành tích đạt được cũng không tồi.

Đợt đó, khi về quê chơi cô ta nói nhỏ với tôi rằng đã thích một bạn nam rồi. Tôi kinh ngạc hỏi, nhiệm vụ hàng đầu của mình bây giờ không phải là lo mà học sao, nói chuyện yêu đương sớm thế làm gì? Cô ta phản pháo, trong tình yêu đâu có gì là sớm hay muộn. Mặc cho tôi khuyên nhủ lấy học hành làm trọng rồi về sau có thời gian hãy yêu, cô ta vẫn bỏ ngoài tai, từ đó trở đi số lần cô ta về quê cũng thưa thớt hẳn.

Rồi một ngày, tôi thấy mẹ cô ta phàn nàn rằng thành tích học của con gái xuống dốc một cách thảm hại, không hiểu là đang gặp chuyện gì. Tôi biết rõ, nhưng không thể nói ra.

Đợt thi vào đại học, cô ta không đủ điểm đỗ, cha mẹ cô ta vô cùng phẫn nộ, quyết định để cô ta học lại một năm. Năm sau đó, cô ta cũng coi như vào được đại học dù điểm đậu chỉ là vớt vát, hoàn toàn không có cơ hội vào những ngôi trường tốt. Mẹ cô ta tự giễu: “Thôi bỏ đi, con bé này không có năng khiếu học hành, sau này có cái bằng đại học là được rồi, hy vọng gì vào được trường tốt chứ.”

Nghe mẹ ca cẩm, cô ta cũng chẳng nói chẳng rằng, thực ra bản thân đã vô cùng chán ghét việc học rồi.

Thời gian học đại học, cô ta vẫn chỉ chăm chăm lo chuyện yêu đương, cũng hay hỏi tôi có người yêu chưa. Tôi đáp chưa có, cô ta liền tỏ ra tiếc nuối: “Thời sinh viên mà không yêu, cậu cứ như bị cầm tù ấy nhỉ? Bây giờ cậu đang học ở Thượng Hải, mà Thượng Hải thì tư tưởng thoáng thế nào cậu biết rồi đấy. Mình thấy cậu chắc vì ở quê lâu ngày nên bị ngố quá rồi.”

Mặc dù học lại một năm nhưng cô ta vẫn tốt nghiệp cùng năm với tôi. Tôi ứng tuyển vào làm việc cho một công ty, còn cô ta được cha dựa vào quan hệ mà kiếm được một công việc tốt.

Bắt đầu đi làm, cha cô ta vì muốn cổ vũ tinh thần cho con gái mà mua tặng một chiếc xe hơi, một năm sau lại mua thêm căn hộ một người ở. Tôi thường nghĩ, những thứ mà cô ta có ngày hôm nay không biết tôi phải phấn đấu bao nhiêu năm mới với tới được đây? Nhưng tôi biết, nếu cố gắng, ít ra tôi vẫn sẽ có một chút cơ hội chạm tay vào nó, còn không cố gắng thì dù chỉ một tia hy vọng cũng chẳng còn.

Sau này, chúng tôi đều có gia đình riêng, cô ta là người có em bé trước, khi sinh xong cũng được mẹ đẻ lên chăm sóc và giúp trông cháu. Chỉ có điều hai mẹ con cứ xảy ra mâu thuẫn liên miên, cuối cùng trong cơn tức giận, cô ta nóng nảy đuổi mẹ về, bản thân thì bỏ việc, xin ở nhà nuôi con. Trước mặt chúng tôi, mẹ cô ta bừng bừng phẫn nộ mắng con gái là tùy tiện, vô phép, công việc đang yên ổn mà nói nghỉ là nghỉ luôn, muốn vào làm lại có phải dễ dàng đâu. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng có thể tự thân chăm con cũng tốt, cô ta có lựa chọn của cô ta, vậy thôi.

Sau vài năm, đứa trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, bấy giờ cô ta mới rộng rãi thời gian, tôi cứ ngỡ cô ta sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình. Nhưng không, cô ta nói với tôi rằng từ đó tới giờ vẫn chưa đi làm, mà mới học được trò mạt chược, hầu như ngày nào cũng có hội chơi cùng. Ban đầu chồng cô ta không ý kiến gì, nghĩ rằng để vợ chơi vài ván cho vui cũng không phải chuyện to tát. Song lâu dần anh chồng cũng bắt đầu không vui, thái độ đối với cô ta ngày một tệ đi, đặc biệt là khắt khe hẳn trong vấn đề chi tiêu, cũng bởi vậy mà hai người thường xuyên cãi vã.

Cha mẹ cô ta cũng đã già, chẳng còn hơi sức đâu mà giúp con gái nữa. Tâm tình càng bức bách, cô ta lại càng đắm chìm trong những ván bài kia, mãi cho đến tận hôm nay.

Sau khi tôi nói xong những lời này, cô ta im lặng hồi lâu. Cảm thấy hơi bất an, tôi bèn nhắc: Trước khi mình kể chuyện cậu đã nói sẽ không giận rồi.

Một lúc sau, cô ta mới đáp lời: “Không phải mình giận, mà là đang nghĩ lại. Cậu nói không sai, dường như cả nửa đời của hai đứa đều được cậu tóm gọn lại hết rồi. Khởi đầu của mình thực ra dễ dàng hơn cậu rất nhiều, vậy mà hôm nay cậu đã bỏ lại mình phía sau quá xa. Mình cũng không biết làm sao mình có thể đi đến bước đường này nữa. Thật lòng mà nói, tình cảnh của mình bây giờ không ổn một chút nào.”

Tôi không rõ cụ thể cô ta đang sống ra sao, nhưng một cuộc sống phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác tuyệt đối chẳng phải dễ chịu gì.

Cô ta hỏi tôi mình nên làm thế nào.

Tôi nói: “Trước hết, tranh thủ lúc cậu chưa mất tất cả thì hãy bỏ mạt chược đi. Có thể thời gian đầu cậu cảm thấy chơi mạt chược rất dễ dàng, nhưng càng về sau sẽ càng thấy khó khăn, còn cuộc sống mà bản thân cố gắng có thể khó khăn lúc đầu thì về sau lại thấy dễ dàng hơn, cậu sẽ hài lòng với mọi thứ.”

Dường như được tiếp thêm sức mạnh, cô ta nói đúng là bản thân nên bỏ mạt chược thật, bất luận là vì con hay vì chính mình cũng đều nên bỏ.

Tôi không biết cô ta có thực hiện được không, nhưng ít nhất cô ta cũng đã hình thành ý niệm trong đầu. Chúng tôi dẫu sao cũng là bạn thuở nhỏ, bao năm thân thiết với nhau, hy vọng cô ta được sống hạnh phúc.

Rất nhiều người cứ gặp khó khăn là đổ lỗi cho tác nhân bên ngoài, lại không biết rằng tất cả đều đặt trong mối quan hệ tiền nhân hậu quả. Phía sau cuộc sống hiện tại của bạn chính là con đường mà ngày trước bạn lựa chọn đặt chân lên. Bạn nỗ lực hay là dựa dẫm? Câu trả lời bạn có thể lừa dối người khác, cũng có thể tự lừa dối mình, nhưng không cách nào lừa dối được cuộc sống.

Đa số chúng ta khi sinh ra đều không nắm chắc trong tay bất cứ thứ gì, bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào, kết quả phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân.

Có những người chỉ để mặc cho cuộc sống vùi dập, cũng có những người có thể dựa vào ý chí của bản thân mà đối mặt với những khó khăn trong đời. Người ở vế trước luôn cho rằng người ở vế sau may mắn, lại không chịu hiểu để có được may mắn ấy người ta đã phải khắc phục bản tính ì trệ thường có, bỏ ra nỗ lực gấp đôi người khác, mới có thể thoát khỏi những bất kham mà cuộc đời giáng xuống.

Còn thật lòng, về lời nhắn của những vị độc giả kia, tôi quả thực không hiểu được nỗi khổ mà họ phải nếm trải, cũng không muốn tìm hiểu làm gì. Tất cả cố gắng của tôi chẳng phải đều là để bản thân không phải hiểu nỗi khổ đó hay sao? Cũng vì thế, tôi hy vọng các cô gái sau khi đọc bài viết này sẽ sớm chuẩn bị tư trang để đối mặt với khó khăn trong cuộc đời, vĩnh viễn không phải trải qua nỗi khổ kia.

VÌ SAO NGƯỜI TỪNG TRẢI KHUYÊN BẠN KHÔNG NÊN CƯỚI KIỂU ĐÀN ÔNG NÀY?

Khoảng thời gian về nhà ngoại, mỗi sáng cô út thường dẫn tôi đi ăn vằn thắn ở cửa tiệm nọ, món vằn thắn ở đó thật sự rất ngon.

Cửa tiệm không rộng lắm, chỉ đặt đủ sáu chiếc bàn, phía bên ngoài là hai nồi hấp vằn thắn. Anh chủ quán là người vùng khác tới làm ăn. Sau khi làm xong món ăn ở bên ngoài, một người phục vụ nhanh nhẹn sẽ lập tức bê từng bát vằn thắn nóng hôi hổi đưa vào cho khách. Chị vợ chủ quán đang ở phía sau bế con, cả gia đình ai nấy đều lộ rõ vẻ vất vả nhọc nhằn.

Tôi không khỏi cảm khái: “Mỗi người đều sống không dễ dàng nhỉ!”

Cô út không đồng tình cho lắm: “Cháu đừng coi thường người ta. Họ ban ngày bán vằn thắn, ban đêm làm bánh rán, một tháng thu nhập cũng được bốn, năm mươi nghìn đấy, không thua kém gì mấy người đi làm văn phòng đâu. Chắc cháu không biết rồi, gia đình họ đã mua được một căn nhà và một cửa hàng ở đây, sống sung túc lắm đấy!”

Tôi ngạc nhiên nhìn quanh. Cái tiệm ăn bé tẹo này mà một năm cũng thu về được năm, sáu trăm nghìn á?

Cô út tiếp tục nói: “Trường hợp của họ vẫn chưa là gì đâu. Phía trước kia còn có nhà mở một quầy bán đồ ăn nhanh, có khi cháu cũng ăn ở đó rồi, đã hoạt động được mười mấy năm nay. Nhà á, người ta cứ mua hết căn nọ đến căn kia luôn, còn mua được hẳn một cửa hàng lớn! Trên đời này chỉ cần cháu chịu khổ chịu khó mà làm việc thì không nghèo nổi đâu!”

Lời nói vô tình của cô, tôi cũng coi là hợp lý.

Nhớ lại trước đó không lâu, tôi từng chứng kiến một chuyện ở quê mình.

Đó là một ngày cuối tuần, tôi đang nằm phơi nắng ngoài ban công, các mẹ các cô đang ngồi cắn hạt dưa buôn chuyện phiếm, trong đó có một thím họ hàng xa chợt thở dài: “Con gái em sắp làm em tức chết rồi, nằng nặc đòi cưới bằng được cái thằng nghèo kiết xác ấy, nói thế nào nó cũng không nghe. Em làm sao có thể giương mắt nhìn nó nhảy vào biển lửa cơ chứ, thế mà nó không chịu nghe lời em, nói nhiều thì lại nổi cáu. Làm sao mới ngăn được nó đây?”

Mẹ tôi khuyên nhủ: “Ai da, bọn trẻ bây giờ ý thức tự quyết lớn lắm, không chịu nghe cô đâu. Con bé nhà tôi lại chẳng thế à, có bao giờ chịu nghe tôi nói gì đâu? Có lúc tôi nói đông nó còn cố mà lái sang tây, tôi cũng chẳng có cách nào. Thôi thì tùy ý chúng nó đi.”

Bà thím nói: “Giống đâu mà giống, nếu đổi lại là Tình Tình thì kiểu đàn ông ấy có quỳ trước mặt cầu xin con bé cũng không thèm đâu. Con bé nhà em ngu dại, sống chết đòi cưới cái thằng đấy. Em dám đảm bảo, nếu con gái em mà gả vào nhà nó, về sau thể nào cũng có lúc khóc lóc kêu khổ cho xem.”

Sau đó, thím bắt đầu kể lể nỗi bất mãn đối với anh chàng nghèo kia.

Năm nay anh ta hai mươi chín tuổi, tốt nghiệp đại học đã được năm năm, cũng từng nhảy việc hơn chục lần. Thời gian đầu, gia đình thím hoàn toàn không phản đối chuyện yêu đương của con trẻ, thậm chí khi anh chàng kia nhảy việc còn tận tâm tận lực giúp đỡ, trong đó có hai nơi mà họ phải dùng quan hệ để tìm cho anh ta.

Kết quả, mới được vài tháng anh ta đã bỏ việc, nếu không lấy lý do công việc không tạo được hứng thú, thì lại mượn cớ chê bai đãi ngộ không đủ tốt, hoặc đồng nghiệp không thoải mái, tóm lại là không hài lòng, không làm nữa.

Vì thế dù đã đi làm được sáu năm, anh ta vẫn chẳng có chút kinh nghiệm gì. Thêm vào đó, cha mẹ anh ta cũng là kiểu người chỉ biết hôm nay không quản ngày mai, chẳng lo lắng bận tâm điều gì, trong đầu luôn quan niệm “con cháu tự có phúc của con cháu”, nghe nói hai ông bà còn đang nợ một khoản tiền.

Thím lại tiếp tục: “Em làm sao có thể gả con gái cho một gia đình như thế cơ chứ? Em cũng không phải người không biết điều, ban đầu em không phản đối gì cả. Nhưng càng nhìn càng cảm thấy không thuận mắt, bây giờ đã thấy trước thảm cảnh về sau rồi.”

Đúng lúc ấy, một ông chú họ cũng chen lời: “Em nói chị dâu này, chị có vẻ hơi thiên vị rồi đó. Người ta nghèo thì coi thường người ta, phải gặp người giàu chị mới chịu chấp nhận đúng không?”

Thím tỏ ra không vui, mỉa mai: “Ôi, tôi quên mất, không cẩn thận lại vơ cả chú vào nữa rồi.”

Xét về độ bần cùng, ông chú này của tôi so với anh chàng mà cô gái kia đòi cưới thì chỉ có hơn chứ không có kém, cả một đời lười nhác. Cả huyện thành chúng tôi ai nấy đều trọng nghĩa trọng tình, họ hàng giúp đỡ lẫn nhau là chuyện thường thấy. Ông chú này cũng được anh em thân thích giới thiệu cho không ít chỗ làm, ông ta không những không cảm kích còn tự cho rằng mình đang bị người đời sỉ nhục.

Ví dụ, vì ông ta biết lái xe nên có người trong nhà giới thiệu để ông ta làm tài xế cho một sếp lớn nọ, ông ta hừ mũi nói: “Bảo tôi lái xe cho hắn? Hắn dựa vào cái gì chứ? Dựa vào vài đồng tiền ấy hả? Não hắn còn chẳng bằng một sợi tóc của tôi, chẳng qua là chó ngáp phải ruồi, cậu tưởng người có tiền thật sự thông minh hả?”

Người đưa lời giúp đỡ ấy hậm hực nửa ngày trời, nhưng giận rồi cũng để đấy, trong lòng vẫn mong ông ta có được công việc ổn thỏa, thế là lại giới thiệu cho ông ta công việc tiếp thị sản phẩm. Lần này ông ta nghe xong lại càng phẩy tay: “Đến Tổng giám đốc tôi còn không muốn làm, lại còn bảo đi làm tiếp thị? Có nhầm không đấy? Chẳng qua tôi đây chưa gặp thời thôi nhé, đợi đến lúc vận số phất lên sẽ khác, các người cứ chờ đấy mà xem!”

Người họ hàng kia vẫn không nỡ lòng, lại nhờ người khác giới thiệu cho ông ta một công việc trong cơ quan chính phủ, nghĩ bụng làm việc ở đây dù không chính thức vào biên chế nhưng cũng coi như có thể diện. Ai ngờ ông ta lại nói: “Vào đó làm công việc thời vụ ấy hả? Bảo tôi làm cán bộ tỉnh tôi còn suy xét, tài nghệ như tôi đây họ có dùng được hết không?”

Cứ thế về sau chẳng còn ai thèm quan tâm ông ta nữa. Dù vậy, tình nghĩa huyết thống lại là thứ kỳ lạ vô cùng, mặc cho có thất vọng thế nào, có hận sắt không rèn nổi thành thép đến đâu, mọi người vẫn không thể thật sự bỏ mặc ông ta. Cách đây không lâu, em họ của ông ta lại ngỏ ý giới thiệu ông ta vào làm cho công ty mình, đãi ngộ không tồi, công việc cũng không nặng nhọc, về sau còn được đóng bảo hiểm. Người nhà ông ta nghe xong thì vô cùng cảm kích, kết quả ông ta lại khoát tay: “Không đi, cơ quan chính phủ tôi còn không thèm thì đi đâu? Mấy việc này toàn mấy đứa ngu mới làm, lại còn bị người ta quản thúc, có điên tôi mới chịu.”

Người em họ kia tức đến mức mắng cho ông ta một trận. Cứ như vậy, ông ta ôm tiếp giấc mộng ban ngày của mình, chờ đợi một lúc nào đó thời cơ đến rồi ông ta sẽ một bước lên hương, tất cả mọi người đều sẽ phải bái phục ông ta, ngưỡng mộ ông ta.

Chỉ đáng thương cho vợ con ông ta, cả một đời chịu nghèo chịu khổ đã đành, lại còn phải chịu đựng sự vô sỉ của chồng. Nói vậy nhưng ở quê tôi tỷ lệ ly hôn rất thấp, hầu hết phụ nữ đều chọn nhẫn nhịn cả đời.

Cho nên, có là người bề trên đi nữa thì mỗi lần nhìn thấy ông ta tôi vẫn chẳng buồn phản ứng, bởi tôi cảm thấy người như vậy không xứng có được sự tôn trọng của thế hệ con cháu. Trong mắt tôi, một cuộc sống bần hàn tuyệt vọng, cô đơn đến già mới là thứ mà ông ta đáng được “hưởng”.

Vài năm trước, bài viết “Nghèo quá lâu là lỗi của bạn” mà tôi chấp bút đã gây bão trên mạng. Bên cạnh rất nhiều lời tán dương cũng nhận về không ít lời nhiếc mắng, họ cho rằng bài viết là sự kỳ thị dành cho những người nghèo khó, đặc biệt là kỳ thị đàn ông nghèo.

Kỳ thực, chỉ cần là người đọc kỹ bài viết thì sẽ hiểu, nghèo chỉ là một loại kết quả. Đối tượng mà bài viết ấy đả kích không phải người nghèo, mà là người không có ý chí tiến lên.

Có những vùng miền mà người dân ở đó bất đắc dĩ sống chung với đói nghèo, ví dụ như không ít làng bản nơi miền núi xa xôi, đương nhiên hoàn cảnh tồi tàn, tài nguyên học tập thiếu thốn, những khái niệm như tư tưởng làm giàu, thế giới quan hay tầm nhìn xa trông rộng… đối với họ thật quá đỗi xa vời. Họ chỉ có thể dựa vào sức lực của mình để bản thân và gia đình không phải chết đói chết khát, dù có nỗ lực đến bao nhiêu đi nữa, cuộc sống vẫn bần cùng tuyệt vọng. Ngoài ra còn có những người gặp phải thiên tai hay bị hãm hại, chỉ trong nháy mắt bị đẩy vào cảnh trắng tay. Hai kiểu nghèo khó này chúng ta không những không nên kỳ thị, mà còn cần dốc lòng dốc sức giúp đỡ những con người đã dũng cảm đương đầu với số phận mà sống ấy.

Tuy nhiên, kiểu nghèo khó mà tôi gặp nhiều hơn cả tuyệt nhiên không phải do gặp thiên tai, do bị hãm hại, mà là nghèo do tâm tính.

Tôi là người xuất thân từ vùng huyện, nhưng vùng huyện này lại thuộc một thành phố rất phát triển miền duyên hải. Không nói đến những người giàu nứt đố đổ vách, nếu muốn một cuộc sống đủ đầy dư dả thì chỉ cần nỗ lực một chút cũng có thể đạt được thôi. Ví dụ một đôi vợ chồng cùng ra ngoài kiếm tiền, bỏ công sức một chút là thu nhập cả tháng cũng đến chục nghìn tệ, về sau có con phải chi tiêu nhiều hơn, mặc dù không đến mức đại phú đại quý thì cũng có thể sống trong sung túc.

Vậy mà quê tôi vẫn rất nhiều người nghèo, thậm chí nghèo tới mức đi đến đâu vay tiền đến đó. Nguyên nhân cũng bởi chính họ không chịu nỗ lực, không chịu được khổ, chỉ muốn chẳng cần làm gì mà tiền vẫn chảy vào túi. Loại nghèo này thì quả thật là đáng đời lắm!

Trước kia, tôi là người theo chủ nghĩa tôn sùng tình yêu, cho rằng chỉ cần có tình yêu, dẫu phải rau cháo qua ngày cũng là hạnh phúc, chỉ cần có tình yêu, gian nan nào cũng có thể vượt qua.

Còn bây giờ, tôi chỉ muốn nhắn gửi một lời khuyên cho các cô gái. Không phải đàn ông nào nghèo cũng không thể cưới, nhưng bạn nhất định phải làm rõ được vì sao anh ta lại nghèo. Đằng sau sự nghèo khó có rất nhiều nguyên nhân, nếu là do gặp phải một sự cố lớn, trong chốc lát đã mất tất cả thì bạn có thể suy xét thêm trong trường hợp yêu sâu đậm. Nếu anh ta xuất thân từ vùng thôn quê đặc biệt nghèo khó nhưng nhân phẩm cực kỳ ưu tú, bạn lại bằng lòng cùng anh ta chịu khổ, vậy cũng không vấn đề gì.

Tuy nhiên, nếu sự nghèo khó không xuất phát từ hai nguyên nhân trên, bạn cần suy nghĩ thật kỹ càng. Trong trường hợp sống ở khu vực phát triển, không gặp phải thiên tai, không bị người hãm hại vẫn nghèo rớt mồng tơi thì ít nhất cũng đã nói lên được hai nguyên nhân. Một là, anh ta không đủ cố gắng, không đủ ý chí, cưới kiểu đàn ông này về sau bạn sẽ phải sống thế nào chắc tôi không cần nói thêm nữa. Hai là, cha mẹ anh ta không đủ cố gắng, không đủ ý chí, vậy về sau mặc cho hai vợ chồng bạn có bạt mạng kiếm tiền thế nào đi nữa, phải chăm nom cho kiểu cha mẹ chồng này cũng đủ khiến bạn phiền muộn rồi.

Nghèo chỉ là một kết quả, nó không hề đứng cô lập một mình. Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề từ nó: ý chí, đầu óc, tầm nhìn… mà tất cả chúng đều là những thứ không thể thiếu của một con người. Các cô gái của tôi à, bạn tuyệt đối không thể đem hạnh phúc cả đời ra đánh cược vào một canh bạc mà bạn đã nhìn thấu sự thất bại của bản thân.

LIỆU CÓ NÊN CƯỚI NGƯỜI THẬT THÀ?

Một người bạn tên N gọi điện cho tôi, nói với tôi bằng giọng điệu cực kỳ kinh ngạc: “Cậu biết gì chưa? Quân Quân ly hôn rồi đấy, chồng cô ấy đề nghị trước. Thật không ngờ ông chồng này vừa leo lên được chức Phó tổng liền đòi ly hôn rồi, thật chẳng ra làm sao cả. Có vẻ như đàn ông cứ có tiền là biến thành xấu xa thật, đúng là chân lý ngàn đời mà. Cậu nghĩ xem, anh ta vốn là người ngoại tỉnh, chẳng có chút quan hệ hay điều kiện gì ở vùng này, yêu đương mấy lần cũng toàn bị người ta chê không nhà không xe mà bỏ. Rốt cuộc có mỗi Quân Quân không chê bai anh ta, cố sống cố chết đòi cưới anh ta bằng được, lại còn biết quan tâm chăm sóc, dịu dàng hiền thục, luôn ở cạnh ủng hộ cho sự nghiệp của anh ta. Không có cô ấy liệu anh ta có được thăng tiến như ngày hôm nay không?”

Thấy tôi không có phản ứng gì, cô ấy lại tiếp tục bất mãn: “Sao cậu không có chút ngạc nhiên gì hết vậy, có phải sớm đã biết chuyện rồi không? Cậu biết rồi mà không nói cho mình, chẳng hiểu bạn bè kiểu gì nữa.

Đấy cậu xem, mình vừa biết tin đã lập tức gọi điện báo cho cậu.”

Tôi trả lời rằng tôi không biết, nhưng tôi cảm thấy kết cục ngày hôm nay hoàn toàn không nằm ngoài dự kiến nên không bất ngờ.

N còn cảm khái: “Đúng là không tin nổi gã đàn ông nào trên đời. Trai giàu thì quá hút gái, vệ tinh lúc nào cũng rình rập, chưa biết chừng một lúc nào đó hắn cho mình cắm sừng cũng nên. Còn trai thật thà mà không giàu thì kết quả cũng lại đòi ly hôn thế này. Thật tình…”

Quân Quân bằng tuổi tôi, trước đây chúng tôi học cùng trường, sau đó lại gặp nhau ở cùng một công ty, cũng coi như là có duyên với nhau.

Cô ấy và chồng vốn là đồng nghiệp cùng chỗ làm. Năm đó anh ta đã có người yêu là một cô gái khác, họ yêu nhau cũng được một năm rồi, nhưng đến lúc bàn chuyện cưới xin thì lại bị gia đình cô gái kịch liệt phản đối. Lý do cũng giống như N nói, anh ta là người ngoại tỉnh, không nhà không xe, cha mẹ cô gái kia lại không đành lòng nhìn con gái lấy chồng rồi vẫn phải thuê nhà ở, thế là hai ông bà kiên quyết bắt họ chia tay.

Ban đầu, cô bạn gái vẫn kiên trì lắm, nhưng trước sự phân tích và áp lực không ngừng của cha mẹ, dần dần cũng buông bỏ được anh ta. Anh ta vẫn nỗ lực dùng mọi cách có thể, hứa hẹn với gia đình của cô gái là trong vòng ba năm sẽ mua được nhà, cũng thề thốt với bạn bè của cô gái cả đời này sẽ đối tốt với cô, những gì mà người khác có thì anh ta sẽ dốc hết sức để cô cũng có được.

Nhưng cô gái ấy vẫn quyết chia tay, cô ấy nói rằng vì thanh xuân của người con gái quá quý giá, cô ấy không thể chờ được, càng không muốn đánh cược vào một tương lai không chắc chắn.

Sau khi chia tay, anh ta sa sút tinh thần một thời gian, may sao được cấp trên động viên: “Thằng nhóc này, chẳng phải chỉ là thất tình thôi sao? Đàn ông sợ gì không lấy được vợ? Người ta chê cậu nghèo thì cậu cố mà làm việc, sống cho ra hồn đi, đến khi thành công rồi thì còn sợ không kiếm được ai sao? Cái tinh thần sa sút này của cậu mới thật sự là trò cười cho người ta đấy. Tôi mà là cậu thì đã quyết chí đứng lên cho mấy kẻ dám coi thường mình phải hối hận rồi!”

Không rõ có phải anh ta được khai sáng bởi những lời này của cấp trên hay không, mà rất nhanh sau đó anh ta đã lấy lại phong độ, làm việc hăng say gấp đôi khi trước, thậm chí đến mức quên ăn quên ngủ.

Sự khác biệt lớn nhất giữa tình yêu và sự nghiệp chính là: tình yêu có thể quay lưng với mọi nỗ lực bạn bỏ ra, còn sự nghiệp chắc chắn sẽ dùng thành quả để hồi đáp lại chúng.

Cũng vì biểu hiện xuất sắc trong công việc mà chỉ trong một năm, anh ta đã được thăng chức hai lần. Anh ta rất ít khi nói chuyện, chỉ âm thầm lặng lẽ mà làm việc của mình, kể cả gặp phải bất công cũng không thích đi so đo tranh giành quyền lợi. Trong mắt mọi người, anh ta là kiểu người thật thà, chăm chỉ.

Về sau, chuyện anh ta từng bị gia đình bạn gái từ chối đã lan truyền tới tai mọi người, rất nhiều trong số đó tỏ ra bất bình thay anh ta, không những thế còn giúp anh ta giới thiệu mối mới. Quân Quân cũng là một trong số những đối tượng được giới thiệu ấy.

Cuối cùng, anh ta đã chọn Quân Quân. Mặc dù khi ấy anh ta vừa được thăng chức liên tục hai lần, nhưng dựa vào điều kiện của hai bên thì Quân Quân vẫn hơn anh ta nhiều.

Vốn dĩ câu chuyện này chỉ là mọi người tán gẫu cho vui vậy thôi. Nhưng một lần nọ, anh ta lại chủ động nói: “Họ (ám chỉ cô bạn gái cũ và cha mẹ cô ấy) chê bai tôi là người ngoại tỉnh, nên tôi đã hạ quyết tâm, nhất định phải cưới cho được một người vợ bản địa lại có điều kiện tốt hơn họ cho họ xem. Bây giờ thì tôi đã làm được rồi.”

Rất nhiều người khen anh ta có bản lĩnh, có cốt cách. Còn tôi thì ngược lại, nghe xong những lời đó chỉ thấy người đàn ông này thật đáng sợ, lại càng nghi ngờ sự hiền lành, trung thực của anh ta mà thôi.

Mọi người không hề để ý tới điều đó, trong mắt họ, anh ta vẫn là một thanh niên năm tốt, tràn đầy ý chí và nỗ lực vươn lên.

Hồi đó, cha mẹ Quân Quân vẫn còn do dự chưa quyết cũng vì thân phận người ngoại tỉnh của anh ta. Tuy nhiên lúc này anh ta đã không còn như xưa nữa, dù chưa mua nhà nhưng trong tay đã có đủ khả năng để mua, dù vẫn còn ở tầng lớp trung lưu nhưng tương lai vô cùng rộng mở.

Vì thế, sau một thời gian ngắn chần chừ, cuối cùng cha mẹ Quân Quân cũng đồng ý cho hai người kết hôn.

Sau khi cưới, Quân Quân và chồng vẫn thuê nhà ở bên ngoài một năm rồi mới dọn về sống trong căn hộ ba phòng ngủ mới. Vào cuối năm đó, anh ta được thăng chức làm trưởng phòng, bước lên một bậc đãi ngộ cao hơn.

Tất cả đều diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp. Mọi người ai cũng khen Quân Quân có mắt nhìn người, tìm được một anh chồng có tiềm năng. Chẳng bao lâu sau, Quân Quân mang bầu, vì cơ thể suy nhược nên cô đành nghỉ việc để ở nhà yên tâm dưỡng thai.

Lúc này, công ty tiến hành tái cơ cấu các bộ phận, mở thêm một bộ phận mới. Tổng giám đốc rất coi trọng sự phát triển của bộ phận mới này, bèn quyết định chọn ra một trong những lãnh đạo bấy giờ để làm người phụ trách. Chồng Quân Quân chính là người đầu tiên xin được chuyển tới bộ phận mới, đồng thời khẳng định trong thời gian ngắn nhất sẽ mang đến thành tích cho bộ phận này.

Lãnh đạo tối cao vốn đã thích ý chí làm việc hăng hái của anh ta từ trước, trong số những ứng viên được chọn, anh ta đúng là xuất sắc và phù hợp hơn cả. Thế là, anh ta được ủy nhiệm làm phụ trách bộ phận mới, chức tước lại tăng thêm một cấp nữa, lương năm cũng gần đến hàng triệu.

Thường trong những lúc bạn bè tụ họp, chúng tôi thỉnh thoảng cũng nhắc tới anh ta. Nhiều người nói đùa rằng xem ra phía sau một người đàn ông thành đạt đúng là phải có một người phụ nữ làm xúc tác mới được, nhìn chồng Quân Quân ấy, chỉ trong mấy năm đã bước chân vào tầng lớp thượng lưu, lại còn mới hơn ba mươi tuổi chứ, về sau thể nào tiền đồ cũng rộng mở hơn cho xem.

Tôi chỉ nghĩ thầm trong bụng, nếu sự nghiệp của anh ta cứ dừng lại ở mức này thì hôn nhân còn có thể duy trì được, nhưng nếu cứ thăng chức tiếp, vậy xem chừng lành ít dữ nhiều.

Sở dĩ tôi có suy nghĩ này là bởi vài ngày trước, tôi có gặp bạn của Quân Quân, cô ấy tức tối kể với tôi: “Cậu đừng nghĩ Quân Quân sống vui vẻ lắm, thật ra cậu ấy rất đáng thương. Thu nhập và chức vị càng cao, anh ta lại càng đối xử tệ với vợ, thậm chí cả cha mẹ vợ cũng bị anh ta coi không ra gì. Anh ta lúc nào cũng nói ngày xưa người khác coi thường mình, vậy mà bây giờ lại đòi xúm vào nịnh bợ. Quân Quân là một cô gái hiền lành, nhưng càng hiền thì anh ta càng quá đáng. Cậu gặp cô ấy rồi sẽ thấy cô ấy sống không ổn chút nào. Nghe nói anh ta còn qua lại với một ả nào đó. Nói chung cuộc hôn nhân của họ tan vỡ rồi.”

Tôi không thể phủ nhận rằng trên phương diện sự nghiệp, người đàn ông này quả rất có năng lực, chỉ trong ba năm dưới sự dẫn dắt của anh ta, phòng ban mới đã gặt hái được thành tích, thành công nối tiếp thành công, thậm chí vượt qua cả mong đợi của cấp trên.

Còn anh ta lại thăng tiến không ngừng, được lên chức Phó tổng, cũng ngày càng cảm thấy vợ không xứng với mình.

Trên thực tế, anh ta của ngày hôm nay quả thật khác hẳn so với một anh nhân viên năm nào, bất luận là cách nói năng, cử chỉ hay vẻ bề ngoài cũng đều toát lên thần thái của kẻ thành đạt.

Thời gian đầu, anh ta sợ ảnh hưởng đến công việc nên không đề nghị chuyện ly hôn, nhưng lại duy trì chiến tranh lạnh với vợ mình, hy vọng đẩy sự chủ động sang cho Quân Quân. Nào ngờ Quân Quân trước nay vẫn coi trọng truyền thống, ngày qua ngày nếm mật nằm gai, nhất mực chịu đựng mặc cho hôn nhân đã không thể vãn hồi.

Cuối cùng, gã chồng không kiên nhẫn nổi nữa, đòi ly hôn. Quân Quân đáng thương bất luận có khóc than hay khẩn cầu vẫn không thể khiến người đàn ông này mềm lòng. Cha mẹ Quân Quân cũng không cầm được hai dòng lệ trên má: Một người hiền lành trung thực ngày nào sao có thể thay đổi thành ra như giờ chứ?

Các cô gái ở đây có lẽ không ít người muốn tìm một anh chàng thật thà để cưới, vì họ mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn, không làm tổn thương ta, kết quả sau khi cưới anh chàng kia về, phát hiện đối phương không như mong đợi thì lại tổn thương gấp bội. Thế là, các cô gái sẽ than ngắn thở dài rằng cưới người thật thà đúng là quá thiệt, nếu dù sao cũng chịu tổn thương thì thà kiếm một anh phong lưu hài hước, chí ít cuộc sống còn có chút ý vị. Thậm chí, các cô còn cho rằng người đàn ông càng thật thà càng nguy hiểm.

Thật ra, áp đặt những suy nghĩ này lên người thật thà thì oan uổng cho họ quá. Rất nhiều cô gái đến cả định nghĩa thế nào là người thật thà cũng còn không phân biệt nổi, đã mừng vui hớn hở kết hôn với người các cô cho là có tính cách ấy. Các cô có lẽ không biết, rất nhiều “người thật thà” thực chất không thật thà chút nào, chỉ là họ kìm nén bản tính của mình khi chưa có gì trong tay mà thôi. Đến khi có thứ bản thân muốn, một bộ mặt khác sẽ bị lộ ra ngoài, mà đây mới đích xác là bộ mặt thật của họ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3