Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 22
Sự phục tùng
Bạn là một cá thể độc lập mạnh mẽ, không chịu phục tùng chỉ trừ những trường hợp cần thiết.
Chỉ cần có một chút áp lực từ xã hội hoặc từ một nhân vật có thẩm quyền là đã có thể khiến bạn bị khuất phục, bởi vì phục tùng là một trong những bản năng sinh tồn.
Tháng Tư năm 2004, một người đàn ông tự nhận là cảnh sát Scott đã gọi điện tới một cửa hàng McDonald’s ở Mount Washington, bang Kentucky. Hắn nói với người nghe điện thoại, phó quản lý Donna Jean Summers, rằng đã có một vụ trộm cắp và Louise Ogborn là nghi phạm.
Ogborn, khi đó 18 tuổi, là nhân viên trong cửa hàng McDonald’s này. Kẻ tự nhận là cảnh sát viên Scott đã yêu cầu Donna Jean Summers đưa Ogborn vào văn phòng của cửa hàng, khóa cửa lại, và lột hết quần áo của cô ra trong lúc một phó quản lý khác đứng nhìn. Sau đó hắn yêu cầu Summers phải miêu tả chi tiết về cô thiếu nữ. Sự việc này diễn ra trong vòng hơn một giờ đồng hồ, cho tới khi Summers nói với cảnh sát Scott rằng cô cần phải trở lại làm việc. Scott hỏi rằng liệu Summers có thể gọi chồng sắp cưới của mình tới cửa hàng để tiếp tục hay không, và cô ta đã gọi chồng sắp cưới tới. Anh này đến, nhận điện thoại, và tiếp tục làm theo chỉ dẫn của Scott. Hắn bảo anh ta yêu cầu Ogborn phải nhảy múa, thực hiện các động tác thể dục, đứng lên các đồ vật trong phòng. Anh ta đã làm theo. Ogborn cũng làm theo. Càng về sau các yêu cầu của cảnh sát Scott càng trở nên kỳ dị. Hắn bắt chồng sắp cưới của Summers phải yêu cầu Ogborn ngồi lên đùi và hôn anh để có thể ngửi hơi thở của cô ấy. Khi cô gái từ chối, Scott đã bảo anh ta đánh vào mông cô, và anh ta đã làm theo. Ba tiếng kể từ khi sự việc bắt đầu, Scott đã thuyết phục được chồng chưa cưới của Summers cưỡng ép Ogbom thực hiện khẩu dâm trong khi hắn nghe qua điện thoại. Sau đó hắn yêu cầu gọi một người đàn ông khác vào để tiếp tục. Một nhân viên bảo trì đã được gọi tới; tuy nhiên khi nhìn thấy sự việc trong căn phòng, anh ta đã nghi ngờ và hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Scott lập tức dập máy.
Đây là một trong hơn 70 cuộc gọi tương tự do một kẻ giả danh cảnh sát thực hiện trong vòng 4 năm. Hắn gọi tới các cửa hàng đồ ăn nhanh ở 32 bang khác nhau và yêu cầu những người nghe điện thoại phải tự làm nhục hoặc thực hiện các hành vi đồi bại với người khác, có lúc thì ở chỗ riêng tư nhưng cũng có lúc ở ngay trước mặt khách hàng. Với mỗi cuộc gọi, hắn đều tự xung là đang làm việc với công ty chủ quản, hoặc là lãnh đạo của những cửa hàng này. Hắn luôn nói rằng một vụ vi phạm pháp luật đã xảy ra, và đôi khi còn bổ sung thêm rằng cảnh sát và các điều tra viên đang trên đường tới. Những nhân viên xấu số nghe máy đã làm theo từng lời chỉ đạo, thoát y, tạo dáng, và tự làm nhục mình để thỏa mãn những ý đồ xấu xa của hắn. Cuối cùng thì cảnh sát cũng đã truy bắt được David Stewart, một giám ngục tại Florida. Hắn sở hữu một chiếc thẻ điện thoại được dùng để gọi tới các cửa hàng đồ ăn nhanh, trong đó có một cửa hàng nằm trong danh sách bị lừa. Stewart đã phải hầu tòa vào năm 2006, tuy nhiên hắn được xử trắng án bởi thẩm phán cho rằng không có đủ chứng cứ để kết tội. Sau phiên tòa thì không còn vụ gọi điện nào xảy ra nữa.
Điều gì đã khiến cho rất nhiều người tuân theo mệnh lệnh từ một người mà họ chưa bao giờ gặp và không có gì để chứng thực mình là một cảnh sát?
Nếu bây giờ tôi đưa cho bạn một tấm bìa có hình vẽ một đoạn thẳng, sau đó đưa cho bạn một tấm nữa vẽ ba đoạn: một đoạn có độ dài như đoạn thẳng ở tấm trước, một đoạn ngắn hơn, và một đoạn dài hơn; liệu bạn có thể chỉ ra đâu là đoạn thẳng khớp với đoạn ở tấm bìa thứ nhất không?
Chắc chắn là có rồi. Ai cũng có khả năng so sánh và tìm ra những đoạn thẳng có độ dài bằng nhau chỉ trong vài giây. Vậy giờ tưởng tượng là bạn ở trong một nhóm, các bạn cần phải tìm ra tiếng nói chung, nhưng đa số thì lại chọn đoạn thẳng ngắn hơn. Bạn sẽ phản ứng thế nào?
Năm 1951, nhà tâm lý học Solomon Asch đã thực hiện thí nghiệm trên với nhiều nhóm. Khi không có sự tác động nào đặc biệt thì chỉ 2% số người tham gia trả lời sai. Trong lần thí nghiệm tiếp theo, Asch đã cài các diễn viên vào mỗi nhóm. Khi được hỏi xem đoạn nào có độ dài bằng, ngắn, hay dài hơn, những diễn viên này sẽ kết hợp với nhau đua ra câu trả lời sai để khiến cho đối tượng tham gia thí nghiệm trở thành người duy nhất có ý kiến khác biệt.
Có thể bạn đang nghĩ rằng mình sẽ bất chấp tất cả và lắc đầu vì không thể tin nổi chuyện đó? Bạn chắc rằng mình sẽ nghĩ thầm: “Sao những người này lại có thể ngốc vậy chứ?” Tuy nhiên, các thí nghiệm đã cho thấy rằng cuối cùng thì bạn cũng sẽ bị khuất phục thôi. Trong thí nghiệm của Asch, 75% số người tham gia đã đổi ý trong ít nhất một câu hỏi. Họ nhìn vào những đường kẻ này, biết rằng câu trả lời chung của đa số là sai nhưng vẫn đồng tình. Họ không chỉ đơn thuần thỏa hiệp một cách miễn cưỡng, mà còn chối bỏ hoàn toàn sự thỏa hiệp đó lúc trả lời câu hỏi cuối buổi. Khi những người thực hiện thí nghiệm chỉ ra câu trả lời sai, những người tham gia đã bịa ra những lý do bào chữa và tự trách chính mình. Không có phần thưởng hay hình phạt nào dành cho việc bất chấp và giữ vững quan điểm trong những thí nghiệm này; tuy nhiên những con người thông minh như bạn cũng đã phải chịu thua. Khi đối mặt với áp lực xã hội lớn, khả năng bạn bị khuất phục là rất cao.
Asch tiếp tục thí nghiệm với tỷ lệ diễn viên và đối tượng tham gia thực sự chênh lệch. Ông nhận thấy rằng khi chỉ có một hoặc hai diễn viên trong mỗi nhóm, thì hiệu quả sẽ không lớn, nhưng từ ba người trở lên là đã có thể khiến cho một số nhất định bị khuất phục và bắt đầu thỏa hiệp. Số người thỏa hiệp tỷ lệ thuận với số người trong nhóm đồng tâm đưa ra ý kiến trái ngược với họ. Khi một nhóm chỉ gồm toàn diễn viên và một đối tượng thí nghiệm, thì chỉ còn 25% là giữ vững quan điểm và đưa ra đáp án chính xác.
Hầu hết mọi người, nhất là đối với những người chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, có xu hướng coi bản thân mình là những cá nhân độc lập, là một người có cá tính riêng. Có lẽ bạn là người như vậy. Bạn đánh giá cao cá tính của mình, tự thấy bản thân là một người không chịu phục tùng và có những ý kiến riêng. Nhưng hãy thử tự hỏi xem tính độc lập của bạn lớn tới mức nào. Bạn có đang sống trong một căn lều tự dựng từ răng nanh lợn rừng trên sa mạc Arizona và từ chối sử dụng hệ thống nước sạch công cộng? Bạn có đang sử dụng ngôn ngữ do bạn và em gái tạo ra hồi còn nhỏ? Khi mọi người vỗ tay, bạn có lấy chân đập vào nhau và miệng thì la ó? Từ chối chấp hành mọi quy tắc xã hội và văn hóa nơi bạn sống là điều không tưởng. Bạn có thể là một người khác biệt, không chấp nhận chiều hướng suy nghĩ chung, nhưng bạn cũng hiểu rõ rằng phục tùng các quy tắc là một phần trong trò chơi mang tên cuộc đời. Khả năng lớn là bạn sẽ tránh xung đột và cứ để kệ nhiều thứ không vừa mắt. Khi đi du lịch tới một quốc gia khác, bạn nhìn vào cách mà những người xung quanh hành xử để làm theo. Khi tới nhà của người khác, bạn thực hiện đúng phương châm nhập gia tùy tục. Trong giảng đường, bạn ngồi im lặng và ghi chép. Khi tham gia vào một câu lạc bộ thể hình hay tới chỗ làm mới, việc đầu tiên bạn làm là quan sát và học hỏi cách mà những người khác đang hành xử. Bạn cạo râu và lông chân. Bạn dùng lăn khử mùi. Bạn phục tùng các chuẩn mực chung.
Nhà tâm lý học Noam Shpancer đã giải thích trên blog của mình: “Chúng ta thường không nhận ra mình đang phục tùng. Đó là chế độ mặc định của chúng ta.” Shpancer cho rằng bạn làm vậy là bởi mong muốn được xã hội chấp nhận vốn đã được lập trình sẵn trong bộ não. Để có thể sinh tồn và phát triển, trong vô thức, bạn biết rằng mình cần đồng minh. Bạn có được khái niệm rõ ràng hơn về thế giới khi thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Bạn cần bạn bè bởi những kẻ lạc loài thường không được nhận những tài nguyên quý giá. Bởi vậy mà khi ở bên cạnh những người khác, bạn học cách hành xử sao cho phù hợp, bạn dùng những thông tin thu được từ họ để đưa ra những quyết định tốt hơn. Khi tất cả những người xung quanh đều giới thiệu cho bạn một ứng dụng điện thoại tuyệt vời, hay khuyên bạn đọc một cuốn sách, bạn sẽ bị lung lay. Nếu tất cả bạn bè đều bảo bạn nên tránh xa một khu vực nào đó trong thành phố, hay đừng mua một nhãn hiệu phô mai bất kỳ, bạn sẽ làm theo lời khuyên của họ. Phục tùng là một trong những bản năng sinh tồn của con người.
Thí nghiệm nổi tiếng nhất về sự phục tùng được thực hiện bởi Stanley Milgram vào năm 1963. Ông đã cho những người tham gia ngồi trong một căn phòng và làm theo mệnh lệnh từ một nhà khoa học mặc áo blouse trắng. Họ được phổ biến rằng trong thí nghiệm này, họ sẽ dạy những cặp từ vựng và đặt câu hỏi cho một người tham gia khác ngồi ở phòng kế bên. Với mỗi câu trả lời sai, người dạy sẽ phải trùng phạt người học bằng cách giật điện. Nút bấm để trừng phạt nằm trên một chiếc máy trông rất phức tạp có những công tắc và nút gạt thể hiện độ mạnh của dòng điện. Có các mức từ giật nhẹ, giật vừa, giật mạnh, và cuối cùng là dấu XXXX ám chỉ mức độ chết người. Người đàn ông mặc áo blouse sẽ luôn hối thúc đối tượng tham gia phải nhấn nút giật điện. Sau mỗi lần nhấn, sẽ có tiếng thét vang lên từ phòng bên cạnh. Sau một khoảng thời gian, nhà khoa học sẽ yêu cầu người tham gia phải tăng mức độ giật điện lên. Tiếng thét cũng sẽ trở nên to và đau đớn hơn, và dần dần họ sẽ nghe thấy nhân vật ở phòng bên cạnh cầu xin được dừng cuộc thí nghiệm. Hầu hết những người tham gia đều hỏi là liệu họ có thể dừng lại không. Họ không muốn tiếp tục giật điện con người tội nghiệp ở phòng bên, nhưng nhà khoa học sẽ yêu cầu họ tiếp tục, trấn an rằng không có gì đáng lo lắng cả. Họ sẽ được nghe những câu đại loại như: “Bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục”, hay “Thí nghiệm này là như vậy, bạn phải làm tiếp.” Trước sự ngạc nhiên của những người tạo ra thí nghiệm, có tới 65% số người tham gia đã bị thuyết phục tiếp tục giật điện người ở phòng bên cho đến mức ở ngay dưới mức XXXX. Thực ra thì không có vụ giật điện nào cả, người ngồi ở phòng bên chỉ là một diễn viên giả bộ như đang bị hành hạ một cách đau đớn. Thí nghiệm Milgram đã được lặp lại rất nhiều lần với các điều kiện khác nhau. Số người thực hiện tới mức cuối cùng giảm xuống 0% khi không có sự xuất hiện của nhân vật quyền lực, và nó tăng đến khoảng 90% khi một ai đó đảm nhiệm việc dạy các cặp từ và đặt câu hỏi, còn đối tượng tham gia thí nghiệm chỉ cần bấm nút để giật điện nạn nhân. Có một điểm cần nhấn mạnh là trong thí nghiệm Milgram, người tham gia không phải chịu hình phạt hay được nhận phần thưởng gì – tất cả chỉ thuần túy là sự phục tùng.
Thí nghiệm của Milgram đã cho thấy khi coi hành động của mình đơn thuần là các hành động phục tùng mệnh lệnh, đặc biệt là với các mệnh lệnh từ một nhân vật có quyền lực, có tới 65% khả năng bạn sẽ tiến sát ranh giới của việc giết người. Nếu có thêm sự trừng phạt hay một mối nguy tới bản thân treo lơ lửng trên đầu, khả năng bạn phục tùng sẽ càng tăng cao. Công trình này của Milgram là một nỗ lực nhằm lý giải cuộc diệt chủng người Do Thái mà Đức Quốc xã gây ra. Ông muốn biết liệu có phải tiêu chuẩn đạo đức của cả một quốc gia có thể thực sự bị phá vỡ hoàn toàn, hay sự phục tùng trước quyền lực mới là gốc rễ của tội ác kinh khủng này. Milgram đã kết luận rằng những đối tượng trong thí nghiệm của mình, và có lẽ là hàng triệu người khác nữa, đã tự xem bản thân mình là một công cụ chứ không phải là con người. Khi họ nằm dưới sự điều khiển của người khác để làm những chuyện tồi tệ, họ gạt lý trí của mình sang một bên để giữ cho nó trong sạch. Đây chính là chìa khóa để tạo ra và lợi dụng sự phục tùng. Kẻ chủ mưu chỉ cần thuyết phục những người khác rằng họ là công cụ chứ không phải là con người thì họ sẽ sẵn sàng tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào.
Đó là điều mà những nhân viên bị cảnh sát Scott lừa đã khai. Scott bắt đầu bằng những yêu sách nhỏ và nâng dần mức độ, cũng giống như những cú giật điện trong thí nghiệm của Milgram. Cho tới khi chúng đã trở nên kỳ quặc thì mọi chuyện đã đi quá xa. Các nhân viên sợ bị trừng phạt nếu không tiếp tục nghe theo những yêu cầu mới, và một khi đã bước qua lằn ranh của sự phi đạo đức, họ sẽ tự loại bỏ tính cách và lý trí của mình để trở thành một công cụ của pháp luật.
Hãy cảnh giác, bản năng phục tùng của bạn rất mạnh mẽ và nằm sâu trong tiềm thức. Đôi khi, ví dụ như khi ở trong một bữa ăn gia đình, mong muốn giữ hòa khí và hòa nhập với mọi người là điều tốt. Nó giữ bạn ở gần và liên kết với chuẩn mực xã hội, nhờ đó bạn có thể dễ dàng sống chung với những người khác hơn trong thế giới hiện đại. Nhưng bạn cần đặc biệt cảnh giác với mặt tối của sự phục tùng. Đừng bao giờ sợ đặt ra câu hỏi nghi ngờ những kẻ có quyền lực khi hành vi của bạn có khả năng gây hại cho bản thân hay cho người khác. Thậm chí là trong cả những tình huống đơn giản, lần tới khi bạn thấy một dòng người xếp hàng chờ trước cửa phòng học, rạp chiếu phim, hay quán ăn, đừng ngần ngại phá bỏ quy tắc – hây thử mở cửa mà nhìn vào xem chuyện gì đang xảy ra ở trong.
Sự bùng phát
cuối cùng
Khi bạn ngừng thực hiện một thói quen xấu, thói quen đó sẽ dần dần biến mất khỏi cuộc đời bạn.
Bất cứ khi nào bạn cố gắng bỏ một tật xấu, bộ não sẽ nỗ lực lần cuối để đẩy bạn trở về lối cũ.
Bạn đã từng trải qua chuyện đó rồi mà.
Bạn quyết tâm nghiêm túc giảm cân và bắt đầu theo dõi thực đơn hàng ngày của mình. Bạn đọc hết tất cả thông tin dinh dưỡng trên mọi thứ đồ mình mua, tích trữ rau quả, đến phòng tập. Mọi việc diễn ra một cách tốt đẹp. Bạn cảm thấy tuyệt vời như thể mình là một nhà vô địch. Bạn vẫn tưởng: “Ôi, dễ mà.” Rồi một ngày, bạn tự chiều mình một chút và ăn vài chiếc kẹo, một chiếc bánh vòng, hay một chiếc burger phô mai. Có thể bạn sẽ mua một túi khoai rán, hay là một đĩa mỳ Ý. Tối đó, bạn quyết định bạn sẽ không chỉ ăn mọi thứ mình muốn, mà còn phải tự thưởng thêm một cốc kem thật đầy. Và thế là chế độ ăn kiêng của bạn kết thúc một cách thảm khốc.
Chuyện quái gì vừa xảy ra vậy? Làm thế nào mà quá trình chuyển đổi chế độ ăn uống vốn đang êm thấm của bạn lại bất ngờ chui tọt xuống hố ga như vậy chứ? Thứ mà bạn vừa mới trải qua chính là sự bùng phát cuối cùng (extinction burst).
Một khi đã quen với việc được nhận phần thưởng, bạn sẽ rất khó chịu khi thiếu nó. Thức ăn đương nhiên cũng là một loại phần thưởng hấp dẫn mạnh mẽ. Nó là một yếu tố tối cần thiết cho sự tồn tại. Bộ não con người thì lại không được tiến hóa trong điều kiện dư dả thức ăn, bởi vậy mỗi khi bạn tìm thấy một thứ giàu năng lượng, nhiều chất béo, hay nhiều muối, bản năng sinh tồn khuyên bạn phải ăn thật nhiều và tiếp tục tìm đến nó trong tương lai. Nếu bạn loại bỏ một phần thưởng mà tiềm thức đã quen thì bộ não sẽ phản đối dữ dội.
Sự bùng phát cuối cùng là một phần trong việc dập tắt các thói quen hay hành vi, là một trong những nguyên tắc của phản xạ có điều kiện. Phản xạ có điều kiện, hay điều kiện hóa, là một trong những yếu tố cơ bản nhất hình thành nên cách mà mọi sinh vật – kể cả bạn – phản ứng với các tác động từ thế giới bên ngoài. Nếu nhận được phần thưởng từ một hành động nhất định, khả năng lớn là bạn sẽ tiếp tục lặp lại nó. Còn nếu bị trừng phạt, bạn sẽ dừng lại. Dần dần, bạn sẽ hình thành khả năng dự đoán trước phần thưởng và hình phạt bằng cách liên kết những chuỗi sự kiện với nhau để tìm ra kết quả cuối cùng.
Bạn biết rằng khi muốn ăn gà viên chiên, bạn không thể chỉ búng ngón tay là chúng sẽ xuất hiện một cách thần kỳ ở trước mặt. Bạn sẽ cần phải tham gia vào một chuỗi dài những hành động – học ngôn ngữ, kiếm tiền, mua xe, sắm quần áo, mua xăng, học lái xe, học cách tiêu tiền, tìm hiểu xem gà viên bán ở đâu, lái tới chỗ đó, sử dụng ngôn ngữ, trao đổi tiền tệ, v.v. Chuỗi những hành động này có thể được chia ra thành những phần nhỏ hơn nếu bạn thực sự muốn đi sâu phân tích tất cả những khía cạnh của điều kiện cần có trước khi có thể bốc gà viên bỏ vào miệng. Riêng việc lái xe từ A tới B cũng đã là một nhiệm vụ phức tạp, chỉ có thể được tự động hóa sau hàng trăm giờ thực hành. Hàng triệu những hành động nhỏ, mỗi hành động là một bước trong toàn bộ quá trình, chúng tập hợp lại thành một nhiệm vụ lớn mà bạn biết sẽ đem đến thành quả. Hãy nghĩ về những con chuột bị nhốt trong mê cung và phải học những bước đi phức tạp – rẽ trái hai lần, rẽ phải một lần, trái, phải, trái – tất cả để tới được chỗ có miếng phô mai. Thậm chí phản xạ có điều kiện cũng có thể được tạo ra cho vi sinh vật, làm chúng phản ứng lại trước các tác động nhất định và dự đoán kết quả.
Có một khoảng thời gian, điều kiện hóa được coi là lời giải đáp cho tất cả mọi thứ trong lĩnh vực tâm lý học. Trong khoảng những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Burrhus Frederic Skinner đã trở nên nổi tiếng sau khi làm cho cả nước Mỹ run sợ trước phát minh mang tên phòng gây điều kiện, hay còn có tên khác là Hộp Skinner. Bên trong chiếc hộp kín này bao gồm cần gạt, bình chứa thức ăn, sàn dẫn điện, bóng đèn, và loa phát thanh. Các nhà khoa học cho động vật thí nghiệm vào trong hộp và thưởng cho chúng thức ăn hoặc trừng phạt chúng để khuyến khích hoặc kìm hãm một số hành vi nhất định. Lấy chuột làm ví dụ: Chúng có thể học cách gạt cần khi bóng đèn xanh bật sáng để nhận được những mẩu thức ăn. Skinner đã biểu diễn cách dạy một con chim bồ câu xoay tại chỗ theo lệnh bằng cách chỉ cho nó ăn khi nó xoay theo một hướng nhất định. Ông giữ thức ăn và nhử con chim xoay theo một phía. Dần dần, ông đã tập được cho nó xoay liên tục tại chỗ. Thậm chí Skinner còn dạy được con chim phân biệt hai từ mổ và xoay rồi thực hiện theo. Đúng vậy, nói theo một cách nào đó thì ông ta đã thành công trong việc dạy chim đọc.
Skinner đã khám phá ra rằng chúng ta có thể dạy cho chim câu, chuột hay các con vật khác làm những nhiệm vụ phức tạp thông qua việc thưởng thức ăn để khuyến khích chúng thực hiện các chuỗi hành vi với độ dài tăng dần. Ví dụ, nếu bạn muốn dạy một con sóc lướt ván trên mặt nước, bạn sẽ cần phải bắt đầu từ những bước cơ bản và tầng dần độ khó. Một số nhà nghiên cứu đã cho thêm những hình phạt vào phương trình và phát hiện ra chúng cũng có tác dụng xúc tác như những hạt thức ăn. Dần dần, Skinner đã tin rằng phản xạ có điều kiện là nguồn gốc của mọi hành vi, và suy nghĩ lý trí không có tác động gì lên cuộc sống cả. Ông đã kết luận rằng nội quan chỉ là một sản phẩm phát sinh từ các phản xạ có điều kiện.
Một số triết gia và nhà tâm lý học vẫn giữ quan điểm rằng con người thực chất chỉ là cỗ máy tự động phức tạp, giống như một con nhện hay một con cá vậy. Bạn không có tự do, cũng không có ý chí độc lập. Bộ não của bạn được tạo nên từ những phân tử, nguyên tử, và do đó, chúng sẽ phải tuân theo các quy tắc vật lý và hóa học. Bởi vậy một số người tin rằng tâm trí đã bị lập trình và khóa chặt trong các quy tắc hoạt động của vũ trụ. Tất cả những suy nghĩ, cảm xúc mà bạn từng có, mọi hành động mà bạn đã làm trong cuộc đời đều là hệ quả toán học tự nhiên sau vụ nổ Big Bang. Đối với trường phái tâm lý học này, bạn là một thực thể chẳng khác gì loài côn trùng. Chỉ là bạn sỡ hữu một bộ máy thần kinh phức tạp hơn, cho phép bạn đưa ra những phản ứng sâu rộng hơn khi gặp các tác động từ thế giới bên ngoài. Những phản ứng này tạo ra ảo giác về ý thức tự chủ. Tuy nhiên, bạn cứ yên tâm đi bởi đây là một ý tưởng gây rất nhiều tranh cãi. Nó đã xuất hiện từ thời của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, những người tưởng tượng rằng tiềm thức là những cỗ xe ngựa được điều khiển bởi phần lý trí bậc cao. Nhưng nói gì thì nói, dù bạn có thực sự sở hữu ý thức tự chủ hay không, thì phản xạ có điều kiện vẫn là một thứ có thật, và ảnh hưởng của nó thì không thể bị phớt lờ.
Có hai dạng của điều kiện hóa – cổ điển và điều chỉnh hệ quả. Trong điều kiện hóa cổ điển, thứ vốn không có tác động trực tiếp sẽ trở thành yếu tố kích hoạt phản xạ. Giả sử bạn đang tắm và có người xả nước bồn cầu khiến cho dòng nước bỗng đột ngột trở nên nóng rát, bạn sẽ bị điều kiện hóa và từ những lần sau, bạn sẽ giật mình nếu nghe thấy tiếng xả nước trong khi đang tắm. Điều kiện hóa cổ điển là như vậy. Thứ vốn trung tính – tiếng xả bồn cầu – đã bị gắn một ý nghĩa và sự trông đợi nhất định. Đây là điều mà bạn không thể điều khiển được. Bạn sẽ co người tránh khỏi dòng nước mà không cần dừng lại xử lý thông tin: “Mình phải tránh khỏi dòng nước nếu không muốn bị bỏng.” Nếu đã từng bị đau bụng hay ngộ độc sau khi ăn một món mà bạn vốn thích, khả năng là bạn sẽ chần chừ và tránh món đó trong tương lai. Chỉ mùi hương hay thậm chí là ý nghĩ về món đó cũng đủ làm bạn nôn nao. Đối với tôi, đó là rượu tequila. Ôi… Ghê quá. Điều kiện hóa cổ điển giúp bạn sống sót. Bạn nhanh chóng học hỏi để tránh những mối nguy tiềm tàng và tìm kiếm những thứ có khả năng đem lại sự thoải mái, giống như trùng biến hình⦾ vậy.
Những hành động phức tạp mà Skinner đã dạy cho động vật thí nghiệm là kết quả từ quá trình điều kiện hóa điều chỉnh hệ quả. Loại điều kiện hóa này thay đổi ham muốn của bạn. Các xu hướng hành vi của bạn trở nên mạnh mẽ hơn thông qua việc củng cố, hoặc yếu đi sau những hình phạt. Bạn đi làm và nhận lương. Bạn bật điều hòa và không bị đổ mồ hôi nữa. Bạn không vượt đèn đỏ, và do đó không phải nhận vé phạt. Trả tiền thuê nhà và bạn không bị tống cổ ra đường. Tất cả những điều này là điều kiện hóa điều chỉnh hệ quả – phần thưởng và sự trừng phạt.
Và giờ thì ta cũng có thể quay lại với yếu tố thứ ba – sự dập tắt. Khi bạn trông chờ một phần thưởng hay một hình phạt mà lại không có gì xuất hiện, phản ứng có điều kiện của bạn sẽ dần trở nên nhạt nhòa. Nếu bạn dùng không cho mèo cưng ăn nữa, dần dần nó cũng sẽ không còn luẩn quẩn quanh bát thức ăn và kêu meo meo. Hành vi này của chú mèo sẽ bị dập tắt. Nếu bạn đi làm mà mãi chả được nhận lương, đến một thời điểm, bạn cũng sẽ nghỉ việc. Đây là lúc mà sự bùng phát cuối cùng xảy ra, ngay trước khi hành vi quen thuộc này trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ bạn sẽ không chỉ đơn giản là nằm nhà và không tới chỗ làm nữa. Thay vào đó bạn sẽ xông vào văn phòng của sếp và yêu cầu một lời giải thích. Nếu mọi chuyện không đi tới đâu sau những lời la hét và những cái vung tay điên loạn, có lẽ bạn sẽ hất tung bàn của ông sếp và bị lôi ra ngoài với đôi còng trên tay.
Ngay trước khi bạn chuẩn bị từ bỏ một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, bạn sẽ hoảng loạn. Đó là nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của phần não cổ xưa nhất trong bạn để giành lấy phần thưởng. Bạn để quên chìa khóa trong phòng và khóa trái cửa, nhưng bạn cùng phòng thì lại đang say ngủ. Bạn bấm chuông và gõ cửa nhưng không ai trả lời. Bạn cứ mãi bấm chuông trong vô vọng. Và cuối cùng bạn đập cửa rầm rầm. Nếu máy tính của bạn bỗng dưng bị treo, bạn sẽ không đơn thuần đứng dậy và bỏ đi làm việc khác. Bạn sẽ bấm chuột và các phím loạn xạ, cố làm nó hoạt động trở lại, thậm chí có thể bạn còn đi xa tới mức đập mạnh vào chiếc máy tội nghiệp. Nếu một đứa trẻ không được phép lấy kẹo trong khi xếp hàng chờ ở quầy thu ngân, nó có thể dỗi và ăn vạ bởi vì trong quá khứ, hành động đó đã khiến bố mẹ phải đầu hàng và mua kẹo cho nó. Tất cả những ví dụ trên đều là sự bùng phát cuối cùng – sự tăng trưởng đột ngột tạm thời của những thói quen hay hành vi cũ, một lời cầu xin từ sâu thẳm trong tâm trí bạn.
Nào hãy trở lại với kế hoạch ăn kiêng ban đầu của chúng ta. Bạn đang cố gắng để loại bỏ một phần thưởng tuyệt vời trong cuộc đời mình: những món ăn ngon lành tuyệt diệu chứa đầy calorie. Ngay khi bạn sẵn sàng từ bỏ chúng vĩnh viễn, sự bùng phát cuối cùng nổ ra và đe dọa sẽ phá hỏng mọi nỗ lực trong thời gian qua. Bỗng dung bạn trở thành một đứa trẻ trong cơn giận dỗi, và nếu bạn đầu hàng trước những yêu sách này, quá trình điều kiện hóa sẽ diễn ra và chuỗi hành vi sẽ được củng cố. Ăn nhiều một cách mất kiểm soát là một trạng thái của một tâm trí bất ổn, đẩy sự nghiện đồ ăn tới giới hạn cho tới khi phát nổ. Tình trạng ăn nhiều cưỡng chế (compulsive overeating) là một dạng rối loạn tâm lý – những con nghiện ăn uống bị bọc kín trong áp lực tới khi vỡ òa.
Để từ bỏ việc ăn quá độ, hút thuốc, chơi cờ bạc, trò World of Warcraft, hay bất kỳ thói quen xấu nào được xây dựng từ điều kiện hóa, bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần để đương đầu với vũ khí bí mật trong tiềm thức của chính mình – sự bùng phát cuối cùng. Hãy tự trở thành Bảo Mẫu Siêu Việt hay Người Huấn Luyện Chó⦾ cho bản thân. Hãy tìm kiếm những phần thưởng thay thế và những sự khuyến khích tích cực. Đặt ra mục tiêu rõ ràng, và khi bạn đạt được chúng, hãy tự thưởng cho mình thứ gì đó tuyệt vời. Đừng hoảng sợ khi mọi thứ trở nên khó khăn. Những thói quen hình thành là bởi bạn không thực sự thông minh, và chúng cũng có thể dần biến mất cũng vì chính lý do đó.
Sự lười biếng xã hội
Khi làm việc nhóm để đạt được mục tiêu chung, bạn sẽ làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn.
Khi nằm trong một nhóm, bạn có xu hướng ít nỗ lực hơn, bởi vì bạn biết rằng công sức mình bỏ ra sẽ bị gộp chung vào với thành quả của những người khác.
Khi cần đạt được một mục tiêu lớn, một thứ yêu cầu phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian, ví dụ như là khởi nghiệp, hay sản xuất một bộ phim ngắn, bản năng sẽ nói với bạn rằng thuê được càng nhiều người thì hiệu quả công việc sẽ càng cao và bạn sẽ càng chóng chạm tới đích. Nhưng sự thật là khi nhiều người phối hợp và cùng hướng tới mục tiêu chung, tất cả sẽ đều có xu hướng lười biếng hơn lúc phải làm việc một mình. Khi ý thức được rằng bạn không bị đánh giá trên phương diện một cá nhân độc lập, bản năng sẽ khiến bạn hòa mình vào hậu cảnh.
Để chứng minh điều này, nhà tâm lý học Alan Ingham đã phá hỏng trò kéo co. Trong thí nghiệm ông thực hiện vào năm 1974, Ingham đã bịt mắt các đối tượng tham gia và cho họ nắm một sợi dây thừng. Đầu kia của sợi dây này được gắn vào cỗ máy mang hình dáng như có nguồn gốc từ thời Trung cổ. Nó có nhiệm vụ giả lập sức kéo của đội đối thủ. Những người tham gia được phổ biến rằng họ có rất nhiều đồng đội và được yêu cầu phải kéo hết sức. Trong lượt kéo thứ hai thì họ lại được yêu cầu phải kéo một mình. Thực ra thì ở cả hai lượt, những người tham gia đều chỉ có một mình. Và theo như kết quả đo lường thì ở mức trung bình, sự nỗ lực của đối tượng tham gia sẽ giảm khoảng 18% khi nghĩ rằng mình đang làm việc trong một nhóm.
Phiên bản này của sự lười biếng xã hội (social loafing) đôi khi được gọi là hiệu ứng Ringelmann, theo tên của kỹ sư người Pháp Maximilien Ringelmann. Năm 1913, Ringelmann đã khám phá ra rằng khi cho một nhóm người kéo trên máy đo sức căng thì tổng lực kéo họ bỏ ra sẽ ít hơn tổng lực kéo của từng cá nhân. Hai công trình nghiên cứu của Ingham và Ringelmann đã đem khái niệm về sự lười biếng xã hội vào bộ môn tâm lý học: trong cùng một công việc, nỗ lực bạn bỏ ra khi làm việc nhóm sẽ ít hơn nỗ lực bỏ ra khi làm việc độc lập.
Trong một buổi biểu diễn, khi ca sĩ yêu cầu khán giả hét to hết mức có thể, và rồi hỏi lại một lần nữa: “Tôi chẳng nghe thấy gì cả! Các bạn có thể hét to hơn thế mà!” Bạn có nhận ra lần thứ hai đám đông sẽ hét to hơn rất nhiều so với lần đầu? Tại sao mọi người không hét hết sức ngay trong lần đầu tiên? Một số nhà khoa học thú vị đã nghiên cứu vấn đề này vào năm 1979. Latane, Williams, và Harkins tới từ Đại học Bang Ohio đã yêu cầu những người tham gia thí nghiệm hét to nhất có thể theo nhóm và rồi sau đó hét một mình, hoặc ngược lại – hét một mình trước rồi mới hét theo nhóm. Và đúng như dự doản, tổng mức âm lượng của một nhóm nhỏ hơn so với tổng mức âm lượng của từng thành viên khi hét một mình. Bạn thậm chí còn có thể nhìn rõ được sự sụt giảm này trên biểu đồ – càng nhiều thành viên trong nhóm thì mức độ nỗ lực của mỗi người lại càng nhỏ đi. Biểu đồ vẽ nên một đường cong mềm mại đi xuống như là dốc trượt tuyết trên một sườn đồi vậy. Bạn luôn thực hiện hành vi lười biếng xã hội này, nhưng không phải là bạn đang cố tình trốn tránh, à tất nhiên là trừ lúc mà bạn chỉ giả bộ hát theo bài mà tất cả mọi người đều đang hòa giọng. Trong tất cả những thí nghiệm này, yếu tố then chốt là không cho người tham gia nắm được điều gì đang thực sự xảy ra. Chỉ cần bạn nghĩ rằng mình đang nằm trong một nhóm, tiềm thức sẽ khiến bạn bỏ ra ít nỗ lục hơn. Không ai nhận ra điều này và cũng chẳng ai thừa nhận là mình làm vậy.
Hành vi lười biếng này có khả năng xuất hiện cao hơn khi nhiệm vụ phải thực hiện là một việc đơn giản. Đối với những công việc phức tạp, rất dễ để nhận ra ai là người đang thực sự lười biếng. Và một khi bạn biết rằng người khác có thể nhìn thấy sự lười nhác của mình, bạn sẽ cố gắng nhiều hơn. Đây là kết quả của một hành vi tâm lý khác gọi là sự lo âu khi bị đánh giá, thực chất là tên gọi mỹ miều của việc bạn sẽ cẩn thận hơn khi biết rằng mình đang bị quan sát. Nỗi lo lắng của bạn sẽ giảm xuống khi biết rằng nỗ lực của mình sẽ được tính chung với của những người khác nữa. Và bạn sẽ trở nên thư giãn hơn. Bạn trượt theo sườn đồi.
Những nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực thể thao từ lâu đã cảnh báo các huấn luyện viên về hiện tượng này, vậy nên ngày nay, tất cả các đội thể thao lớn đều tách riêng các thành viên trong đội khi đánh giá. Thậm chí họ còn làm chặt tới mức theo dõi từng người trong các trận đấu bằng máy quay riêng để họ không bị tụt phong độ bởi sự lười biếng xã hội. Hiện tượng này đã được quan sát trong mọi tình huống liên quan tới nỗ lực nhóm. Các hợp tác xã luôn đạt sản lượng thấp hơn nông trại tư nhân. Những nhà máy có công nhân làm những việc lặp đi lặp lại nhưng không bị giám sát chặt chẽ luôn kém hiệu quả hơn những nơi đặt chỉ tiêu sản phẩm cho từng người.
Hãy cẩn thận, ngày nay hầu hết mọi tổ chức đều đã nắm rõ về sự lười biếng xã hội; ở đâu đó trong chuỗi quản lý, một nhà tâm lý học đã chỉ điểm bạn. Bởi vậy, khả năng cao là năng suất lao động của bạn luôn bị theo dõi và đánh giá, nhất là khi bạn làm việc trong các tập đoàn lớn; và bạn sẽ được phổ biến về điều này để tự phải cố gắng hơn. Họ nắm rõ được rằng khi làm việc nhóm, bạn chẳng thông minh lắm đâu.