Thiên đường bình yên - Chương 03 - Phần 1

3

Anh chớm bước sang
tuổi hai mươi thì tóc đã bắt đầu ngả muối tiêu, điều này khiến bạn bè sinh ra
hay trêu chọc. Đó không phải là một quá trình thay đổi chậm, không phải lác đác
vài sợi chuyển dần sang bạc. Đúng hơn là, tháng Một năm này đầu anh hãy còn đen
nhánh, thế mà tháng Một năm sau đó đã không còn sót lấy một sợi đen. Hai anh
trai anh lại không bị như thế, tuy vài năm lại đây tóc mai của họ cũng đã điểm
bạc. Cả bố và mẹ anh đều không thể lý giải được chuyện này; tất cả những gì họ
hiểu là Alex Wheatley không giống bên nội mà cũng chẳng giống bên ngoại.

Lạ một điều, chuyện
đó chẳng khiến anh phiền lòng. Trong quân đội, thỉnh thoảng anh còn cho rằng đó
là lợi thế của mình. Anh tham gia Đội Điều tra Hình sự, viết tắt là CID, đóng ở
Đức và Georgia,
điều tra tội phạm quân đội trong suốt mười năm: tất cả các tội từ đào ngũ tới
trộm cắp, bạo hành gia đình, cưỡng bức, hay thậm chí giết người. Anh được lên
mai đều đặn, cuối cùng nghỉ hưu ở tuổi ba hai khi đang mang hàm thiếu tá.

Sau khi quyết định thay đổi cuộc
sống và giải ngũ, anh chuyển tới Southport,
quê vợ. Thời điểm ấy anh vừa kết hôn và đã có con đầu lòng, và dù ý nghĩ ngay
lúc bấy giờ của anh là xin vào Sở Tư pháp, bố vợ lại đề nghị nhượng công việc
kinh doanh của gia đình lại cho anh.

Đó là một cửa hàng kiểu cũ ở nông
thôn, với vách ván sơn trắng, cửa chớp xanh da trời, mái hiên dốc và một băng
ghế dài trước sân, kiểu cửa hàng trước đây khá lâu rất thịnh hành nhưng giờ hầu
như không còn nữa. Khu sinh hoạt của gia đình ở tầng hai. Một cây mộc lan cổ
thụ tỏa bóng bên hiên nhà, và mặt tiền là một cây sồi. Chỉ nửa bãi đỗ xe được
rải nhựa đường - nửa còn lại rải sỏi - nhưng bãi hiếm khi trống. Bố vợ anh khởi
nghiệp kinh doanh từ khi Carly còn chưa chào đời, khi xung quanh ông hầu như
chẳng có gì ngoài đồng ruộng. Nhưng ông tự hào mình rất hiểu người, và muốn dự
trữ bất kể thứ gì mà người ta rồi sẽ cần đến, những thứ ấy chất đầy trong cửa
hàng này. Alex cũng cảm thấy như thế và anh giữ cửa hàng phần lớn như cũ. Năm
sáu lối đi giữa các sạp bày hàng tạp hóa và đồ dùng trong nhà tắm, khu đồ lạnh
ở sau cùng đầy ứ mọi thứ từ soda, nước tới bia rượu, và như trong mọi cửa hàng
tiện nghi gia dụng khác, cửa hàng này cũng có những túi khoai tây chiên, kẹo và
những đồ ăn vặt mà mọi người có thể thuận tay với lấy khi đứng gần quầy thanh
toán. Nhưng sự tương đồng chỉ có vậy thôi. Ở đây còn có đủ loại cần câu cá trên
các giá, mồi tươi, và khu đồ nướng được cung cấp bởi ông Roger Thompson, người
từng làm ở Phố Wall nhưng giờ đã chuyển về Southport để tìm kiếm cuộc sống
thanh bình hơn. Khu đồ nướng có bánh hamburger, sandwich, xúc xích, và còn có
cả một chỗ để ngồi. Có đĩa DVD cho thuê, rất nhiều loại quân trang quân dụng,
áo mưa và ô, một góc nhỏ bày những cuốn tiểu thuyết kinh điển và bán chạy. Cửa
hàng bán cả bugi, đai truyền động quạt, bình ga, và Alex có thể đánh chìa khóa
bằng một cái máy để ở phòng trong. Anh có ba máy bơm xăng, và một máy nữa ở bến
neo thuyền dành cho thuyền bè cần tiếp đầy nhiên liệu, nơi duy nhất làm được
việc này ngoại trừ bến tàu. Từng hàng hộp dưa chuột muối, thì là, lạc luộc và
giỏ rau tươi đặt cạnh quầy thanh toán.

Đáng ngạc nhiên là việc kiểm kê
hàng hóa lại không khó. Một số mặt hàng bán chạy đều đặn, số khác thì không.
Giống bố vợ, Alex có trực giác tốt về khách hàng, anh biết họ cần gì ngay khi
họ bước vào cửa hàng. Anh luôn để ý và ghi nhớ những thứ mà người khác không
cần, phẩm chất này đã hỗ trợ đắc lực cho anh trong những năm tháng làm việc cho
CID. Giờ đây anh không ngừng thay đổi hàng hóa dự trữ để nỗ lực bắt kịp với sự
thay đổi thị hiếu của khách hàng.

Trong đời, anh chưa bao giờ tưởng
tượng mình sẽ làm việc gì như thế này, nhưng đó là một quyết định đúng đắn, ít
nhất là ở chỗ công việc đó giúp thời gian coi sóc bọn trẻ. Josh đã tới trường,
nhưng Kristen thì phải tới mùa thu mới đi học, nên con bé ở cả ngày với anh
trong cửa hàng. Anh làm một chỗ để chơi sau quầy tính tiền, ở chỗ đó cô con gái
lanh lợi và mau mồm của anh dường như được hạnh phúc nhất. Dù mới lên năm, con
bé đã biết cách sử dụng máy quét hàng và tính tiền, đứng trên ghế đẩu sắt để
với các nút trên máy. Alex luôn thích thú trước vẻ mặt của khách hàng khi con
bé bắt đầu quét hàng họ chọn.

Nhưng đó không phải là một tuổi thơ
lý tưởng với con bé, dù rằng nó cũng không biết cuộc sống nào khác. Khi thật
lòng với chính mình, anh phải thừa nhận là việc chăm lo cho các con và cửa hàng
đã tiêu hao hết năng lượng của mình. Đôi khi, anh cảm thấy như mình chỉ còn có
thể gắng gượng - làm bữa trưa cho Josh và đưa thằng bé tới trường, đặt hàng các
nhà cung cấp, gặp những người bán lẻ, phục vụ khách hàng, trong lúc đó vẫn phải
chơi với Kristen. Nhưng đó mới là món khai vị thôi. Với anh thì nhiều khi buổi
chiều tối còn bận rộn hơn. Anh cố sắp xếp dành nhiều thời gian nhất ở bên bọn
trẻ - tập xe đạp, thả diều và đi câu với Josh, nhưng Kristen lại thích chơi búp
bê và làm thủ công - những thứ mà anh chưa bao giờ giỏi. Chưa kể anh còn phải
chuẩn bị bữa tối và lau nhà, và phân nửa thời gian, đó là tất cả những gì anh
có thể làm để giữ mình không gục ngã. Ngay cả khi cuối cùng cũng dỗ được bọn
trẻ đi ngủ, anh vẫn thấy gần như không thể nghỉ ngơi bởi vì luôn còn những việc
phải làm. Anh không chắc mình còn biết nghỉ ngơi là như thế nào nữa không.

Sau khi bọn trẻ lên giường, anh
dành thời gian còn lại của buổi tối ở một mình. Dù biết hầu hết mọi người trong
thị trấn, anh cũng chỉ có vài người bạn thực sự. Những cặp vợ chồng mà anh và
Carly thi thoảng tới tổ chức liên hoan hay ăn tối dần dà rời xa anh. Một phần
là do lỗi của chính anh - công việc ở cửa hàng và việc chăm sóc bọn trẻ chiếm
phần lớn thời gian của anh - nhưng đôi khi anh cảm giác mình khiến họ thấy
không thoải mái, như thể mình nhắc họ nhớ ra rằng cuộc đời này thật khó lường
và đáng sợ và rằng mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ chỉ trong chốc lát.

Đó là một lối sống mệt mỏi và đôi
khi cô độc, nhưng anh vẫn còn Josh và Kristen để quan tâm. Dù đã giảm bớt so
với trước đây, cả hai đứa vẫn thường gặp ác mộng với chuyện Carly mất. Khi các
con thức dậy vào nửa đêm, cứ thổn thức không ngừng, anh sẽ ôm chúng trong tay
và thì thầm những lời an ủi cho tới khi chúng ngủ được tiếp. Cách đây không
lâu, bọn trẻ từng phải gặp bác sĩ tư vấn; chúng đã vẽ tranh và nói về cảm giác
của mình. Việc đó không giúp được nhiều như anh hy vọng. Những cơn ác mộng cứ
thế kéo dài suốt gần một năm. Thỉnh thoảng, khi anh đang tô màu tranh với
Kristen hoặc đi câu với Josh, bọn trẻ t nhiên im bặt và anh biết các con đang
nhớ mẹ. Kristen đôi khi nói nhiều như trẻ con, giọng run rẩy, nước mắt chảy
tràn trên má. Khi điều đó xảy ra, anh như nghe thấy tiếng trái tim mình vỡ nát,
bởi vì anh biết mình chẳng thể nói hay làm gì để mọi việc tốt đẹp hơn. Bác sĩ
tư vấn đã đoan chắc với anh là bọn trẻ rất dũng cảm và rằng chừng nào chúng còn
thấy mình vẫn được yêu thương thì cuối cùng những cơn ác mộng cũng sẽ qua đi và
nước mắt sẽ vơi dần. Thời gian đã chứng tỏ lời vị bác sĩ tư vấn là đúng, nhưng giờ
Alex lại phải đối mặt với một dạng mất mát khác, một nỗi niềm khiến anh đau đớn
không kém. Anh biết bọn trẻ vui lên là bởi vì ký ức của chúng về mẹ đang phai
nhạt đi dần dần nhưng rõ ràng. Khi mất mẹ, chúng còn quá nhỏ - đứa lên bốn, đứa
lên ba - và điều đó có nghĩa rồi sẽ có ngày mẹ chúng chỉ còn là một ý niệm chứ
không phải một người thực đối với chúng. Điều đó là không thể tránh được, tất
nhiên, nhưng sao Alex lại thấy bất công đến thế khi nghĩ rằng chúng sẽ chẳng
bao giờ nhớ đến tiếng cười của Carly, sự dịu dàng của nàng khi bế con thưở
chúng mới sinh và cũng chẳng bao giờ biết nàng đã từng yêu chúng sâu sắc nhường
nào.

Anh chưa bao giờ giỏi chụp ảnh.
Carly luôn là người cầm máy, thành ra giờ đây có rất nhiều ảnh của anh với các
con. Chỉ mấy bức có mặt Carly, và mặc dù rất muốn vừa lật từng trang album cho
Josh và Kristen xem vừa kể cho chúng nghe về mẹ, nhưng anh ngờ rằng những câu
chuyện rồi cũng chỉ là những câu chuyện mà thôi. Cảm xúc gắn với những câu
chuyện ấy giống như những lâu đài cát khi triều lên, chầm chậm bị cuốn ra biển
cả. Chuyện tương tự cũng xảy ra với bức chân dung Carly treo trong phòng ngủ
của anh. Năm đầu sau khi lấy nhau, anh đã sắp xếp để nàng chụp bức ảnh này, dù
nàng phản đối. Anh mừng vì mình đã làm vậy. Trong bức ảnh, nàng trông thật xinh
đẹp và tự chủ, người phụ nữ kiên nghị đã chiếm trọn trái tim anh, và buổi đêm,
khi các con đã ngủ, thỉnh thoảng anh lại ngắm nhìn ảnh vợ, cảm xúc vô cùng xáo
động. Nhưng Josh và Kristen hầu như không bao giờ để ý đến bức chân dung này.

Anh thường xuyên nghĩ về nàng, nhớ
tình gắn kết mà họ chia sẻ và tình bạn đã làm nền tảng vững chắc cho cuộc hôn
nhân của họ. Và khi thành thật với bản thân, anh biết mình muốn lại có những
thứ đó. Anh cô đơn, dù anh cảm thấy phiền muộn khi thừa nhận điều đó. Trong
nhiều tháng trời sau khi vợ mất, anh không tài nào tưởng tượng được việc bắt
đầu một mối quan hệ khác, chứ đừng nói gì tới chuyện xem xét khả năng yêu ai đó
một lần nữa. Thậm chí đến một năm sau, đó vẫn là kiểu suy nghĩ anh tống ra khỏi
tâm trí mình. Nỗi đau còn vẹn nguyên, ký ức quá sống động. Nhưng mấy tháng sau,
anh đưa bọn trẻ tới công viên thủy cung và khi chúng đứng trước bể cá mập, anh
đã bắt chuyện với một phụ nữ duyên dáng đứng ngay cạnh. Giống anh, cô đưa các
con đi chơi, và cũng như anh, cô không đeo nhẫn cư trên tay. Các con cô cũng
sàn sàn tuổi Josh và Kristen, và trong khi bốn đứa trẻ chỉ trỏ con cá, cô bật
cười khi anh nói điều gì đó, anh cảm thấy một tia lửa điện lôi cuốn xẹt qua, nó
nhắc anh nhớ đến những gì mình từng có. Sau cùng cuộc nói chuyện kết thúc và họ
mỗi người một ngả, nhưng khi ra khỏi thủy cung, anh lại trông thấy cô. Cô vẫy
vẫy anh và trong một thoáng anh đã muốn chạy về phía xe cô, xin cô số điện
thoại. Nhưng anh đã không làm vậy, và một lát sau, xe cô rời bãi đỗ. Anh không
bao giờ gặp lại cô nữa.

Đêm ấy, anh chờ cảm giác hối tiếc
và tự trách mình xuất hiện, nhưng lạ thay, nó không đến. Cũng không có cảm
giác sai trái. Ngược lại, cảm giác thế là... hợp lý. Không quả
quyết, không vui sướng, nhưng hợp lý, và chẳng hiểu sao anh biết điều đó có
nghĩa cuối cùng vết thương lòng của mình đã bắt đầu lành lại. Tất nhiên, điều
đó không có nghĩa anh đã sẵn sàng lao đầu vào cuộc sống độc thân. Cái gì phải
đến sẽ đến. Còn nếu nó không đến thì sao? Anh nghĩ nếu thế mình cũng sẽ chịu
đựng được. Anh sẵn lòng chờ đợi cho tới khi gặp được người phù hợp, một người
không chỉ mang niềm vui trở lại cuộc đời anh mà còn yêu các con anh nhiều như
anh yêu chúng. Có điều, anh nhận ra rằng, trong thị trấn này, khả năng tìm được
người đó là rất mong manh. Southport quá nhỏ
bé. Hầu hết những người anh quen đều đã kết hôn hoặc đã nghỉ hưu hoặc vẫn còn
đi học. Quanh đây không có nhiều phụ nữ độc thân, chứ chưa nói tới người phụ nữ
muốn gặp một người đầy rắc rối lại còn đám con nhỏ. Và tất nhiên, đã có yếu tố đó
thì mối quan hệ phải chấm dứt thôi. Có thể anh cảm thấy cô đơn, anh cần người
bầu bạn, nhưng anh không định hy sinh các con mình để đạt được điều đó. Chúng
đã phải chịu đựng đủ rồi và chúng sẽ luôn là ưu tiên số một của anh.

Nhưng… anh cho là vẫn còn một khả
năng. Có một người phụ nữ khác đã thu hút anh, dù anh hầu như không biết gì về
cô, trừ một điều là cô độc thân. Cô tới cửa hàng vài lần một tuần kể từ đầu
tháng Ba. Lần đầu gặp, anh thấy cô xanh xao hốc hác, gầy thảm hại. Bình thường
thì anh sẽ không liếc nhìn cô tới lần thứ hai. Những người vãng lai qua thị
trấn này thường dừng ở cửa hàng anh mua soda, xăng hoặc đồ ăn vặt; anh hiếm khi
thấy lại những người ấy lần nữa. Nhưng cô không mua những thứ như thế; thay vì
vậy, cô đi thẳng tới gian đồ tạp hóa, như thể cố để không ai nhìn thấy, một
bóng ma đội lốt người. Thật không may cho cô, làm thế chẳng ích gì. Cô quá
quyến rũ để có thể bỏ qua. Anh đoán chừng cô ở cuối độ tuổi hai mươi, mái tóc
nâu chớm vai cắt hơi lộn xộn. Cô không trang điểm, gò má cao và đôi mắt to tròn
tạo cho cô vẻ ngoài thanh lịch dù hơi mong manh.

Ở quầy thanh toán, anh nhận ra nhìn
gần cô còn xinh đẹp hơn. Mắt cô màu ục điểm vàng, nụ cười bối rối, thoáng qua
của cô biến mất nhanh như khi nó xuất hiện. Ở quầy thanh toán, cô đặt xuống toàn
những nhu yếu phẩm: cà phê, gạo, yến mạch, mì ống, bơ lạc và đồ phòng tắm. Anh
cảm giác mình mà hỏi chuyện cô sẽ không thoải mái nên bèn lặng lẽ bắt đầu nhặt
từng món hàng của cô lên quét. Đang làm thế thì anh nghe thấy giọng cô lần đầu
tiên.

“Anh có đậu khô không?”, cô hỏi.

“Xin lỗi cô,” anh đáp. “Tôi không
hay trữ các loại đậu trong kho.”

Trả lời xong, anh cho các món hàng
của cô vào túi, khi ấy anh mới để ý thấy cô đang nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ,
lơ đễnh cắn môi dưới. Không hiểu sao, anh có một cảm giác lạ lùng là cô sắp
khóc.

Anh hắng giọng. “Nếu đó là thứ cô
thường xuyên cần đến thì tôi rất vui khi dự trữ trong cửa hàng. Tôi chỉ cần
biết cô muốn loại nào thôi.”

“Tôi không muốn làm phiền anh.”
Giọng cô khi trả lời chỉ lớn hơn tiếng thì thầm một chút.

Cô thanh toán hóa đơn rồi cầm túi
hàng lên, rời khỏi cửa hàng. Trước sự ngạc nhiên của anh, cô đi thẳng ra khỏi
bãi đỗ xe, phải tới khi ấy anh mới nhận ra là cô không đi xe, điều đó chỉ khiến
anh thêm ngạc nhiên.

Tuần sau đó, có đậu khô trong cửa
hàng. Anh lấy về ba loại: đậu rằng, đậu tây, đậu lima, dù mỗi thứ chỉ một túi, và lần tiếp
theo cô tới, anh lưu ý cô là có đậu khô ở giá cuối cùng trong góc, gần chỗ để
gạo. Mang cả ba túi đậu ra quầy thanh toán, cô hỏi liệu anh có hành khô không.
Anh chỉ vào một túi nhỏ để trong cái giỏ nan gần cửa ra vào, nhưng cô lắc đầu.
“Tôi chỉ cần một củ thôi,” cô nói nhỏ, nụ cười ngần ngại vẻ có lỗi. Tay cô run run khi cô đếm tiền, và một lần nữa, cô đi bộ
về.

Từ hôm đó, đậu khô luôn có trong
cửa hàng, có sẵn cả hành khô để lẻ, và sau hai lần tới cửa hàng, trong những
tuần tiếp theo, cô như đã trở thành khách quen. Dù vẫn lặng lẽ nhưng qua thời
gian, cô dường như bớt mong manh, bớt căng thẳng hơn. Những quầng thâm quanh
mắt dần dần biến mất và nước da cô tươi tắn lên do thời tiết gần đây rất đẹp.
Cô lên cân - không nhiều, nhưng đủ để làm mềm những đường nét thanh tú của cô.
Giọng cô cũng khỏe hơn, và dù đây không phải dấu hiệu thể hiện sự để ý đến anh,
nhưng thực sự cô đã nhìn anh lâu hơn một chút trước khi rời cửa hàng. Họ không
tiến thêm được gì nhiều hơn kiểu hội thoại Cô tìm được những thứ cần
thiết rồi chứ?
rồi Vâng, tôi tìm được rồi. Cảm ơn anh, nhưng
thay vì hối hả rời cửa hàng như một con hươu bị săn, đôi khi cô lang thang một
chút giữa các dãy kệ, và thậm chí còn bắt đầu nói chuyện với Kristen khi chỉ có
hai cô cháu với nhau. Đó là lần đầu tiên anh thấy những lớp phòng vệ quanh
người phụ nữ này biến mất. Thái độ hòa nhã và vẻ cởi mở ấy cho thấy cô rất yêu
trẻ con, và ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu anh là anh vừa thoáng thấy con
người cô trước đây, và con người ấy có thể sẽ trở lại lần nữa, chỉ cần hoàn
cảnh phù hợp. Kristen dường như cũng để ý thấy cái gì đó khác biệt ở người phụ
nữ ấy, bởi vì sau khi cô ra về, Kristen bảo với anh là con bé đã có bạn mói,
tên cô ấy là Cô Katie.

Nhưng điều đó không có nghĩa là
Katie thấy thoải mái với anh. Tuần vừa rồi, sau khi cô trò chuyện vui vẻ với
Kristen, anh thấy cô đọc bìa sau của những cuốn tiểu thuyết anh bày trong cửa
hàng. Cô không mua cuốn nào, và khi đang thanh toán, anh tự nhiên hỏi cô có đặc
biệt yêu thích tác giả nào không thì lại thấy nét căng thẳng trước đây ở cô.
Anh giật mình khi nhận ra rằng đáng lẽ không nên để lộ bí mật là mình đã quan
sát cô. “Đừng bận tâm,” anh vội nói thêm. “Không có gì quan trọng đâu.” Tuy nhiên
trên đường ra cửa, cô dừng lại một thoáng, túi hàng vẫn lủng lẳng trên khuỷu
tay. Cô hơi quay lại hướng anh và nói khẽ, Tôi thích Dickens. Nói
xong, cô liền mở cửa bước ra, đi bộ xuống đường.

Từ đó cô hiện lên trong tâm trí anh
thường xuyên hơn, nhưng đó là những suy nghĩ rất mơ hồ, nó được viền quanh bởi
sự bí ẩn và mang màu nhận thức rằng anh muốn biết rõ hơn về cô. Dù vậy anh vẫn
không biết phải làm thế nào. Ngoài những năm đi tán tỉnh Carly, anh chưa bao
giờ giỏi chuyện hẹn hò. Ở trường đại học, vừa phải đi học vừa tập luyện bơi lội
nên anh ít có thời gian đi chơi. Trong quân đội, anh tận lực vì công việc, làm
việc hàng giờ đồng hồ, chuyển từ sở này sang sở khác qua những lần lên lon. Khi
anh đi chơi với mấy cô gái, họ rất thiếu lãng mạn, thành ra phần lớn các cuộc
hẹn hò chỉ bắt đầu và kết thúc trong phòng ngủ. Đôi khi, nhìn lại cuộc đời
mình, anh khó có thể nhận ra con người mình trước đây, và anh biết Carly chính
là người phải chịu trách nhiệm cho sự thay đổi này. Đúng thế, đôi khi cuộc đời
thật khắc nghiệt, và phải, anh thấy cô đơn. Anh nhớ vợ, và dù chưa từng nói với
ai, nhưng có những phút giây anh dám thề rằng anh cảm nhận được sự hiện diện
của vợ mình bên cạnh, nàng đang nhìn ngắm anh, cố trấn an anh rằng rồi anh sẽ
sống tốt thôi

Thời tiết đẹp tuyệt, cho nên Chủ
nhật này cửa hàng đông khách hơn thường lệ. Khi Alex mở cửa vào lúc bảy giờ thì
đã có ba chiếc thuyền neo ở bến chờ cây xăng hoạt động. Như thường lệ, trong
lúc trả tiền xăng, những người chủ thuyền nhặt những túi khoai tây chiên, đồ uống,
bịch đá lạnh chất lên thuyền. Roger - người quản lý gian nướng, như thường lệ -
không hề nghỉ ngơi kể từ lúc khoác tạp dề lên, các bàn thì đông nghẹt khách tới
ăn bánh quy kẹp thịt và hamburger kẹp pho mát, hoặc tới xin lời khuyên về lĩnh
vực đầu tư chứng khoán.

Như thường lệ, Alex đứng quầy thanh
toán tới tận trưa rồi mới bàn giao lại cho Joyce, cũng giống Roger, bà gần như
là một nhân viên của cửa hàng, là người làm cho cửa hàng hoạt động trơn tru hơn
rất nhiều. Joyce, người đã làm việc ở tòa án tới tận ngày nghỉ hưu, đã “tới đây
để làm việc”, có thể nói vậy. Bố vợ anh đã thuê bà từ mười năm trước và giờ
đây, ở cái tuổi thất thập, bà vẫn chưa hề tỏ ra xuống sức. Chồng qua đời từ
nhiều năm trước, con cái đều đã thoát ly cả, bà xem khách hàng như gia đình
thực sự của mình. Joyce yêu quý cửa hàng này cũng nhiều như yêu quý từng món
hàng trên các kệ vậy.

Hơn thế nữa, bà hiểu rằng Alex cần
có thời gian rời cửa hàng này để ở bên các con, mà bà thì cũng chẳng câu nệ khi
phải làm việc vào Chủ nhật. Vừa đến cửa hàng là bà bước ngay ra sau quầy thanh
toán và bảo Alex là anh có thể đi, bằng giọng đúng hơn là của bà chủ chứ không
phải là nhân viên. Joyce cũng là bảo mẫu cho các con anh, bà là người duy nhất
anh tin tưởng giao con nhờ trông khi có việc phải rời thị trấn. Chuyện này
không thường xảy ra - chỉ có hai lần trong hai năm vừa qua, khi anh gặp lại một
đồng đội cũ ở Raleigh
- nhưng anh dần cảm thấy Joyce là một trong những thứ tốt đẹp nhất trong cuộc
đời mình. Khi anh cần bà nhất, bà luôn có mặt vì anh.

Trong lúc chờ Joyce tới, Alex đi
một vòng quanh cửa hàng, kiểm tra các giá. Hệ thống máy tính hoạt động xuất sắc
trong việc kiểm kê hàng, nhưng anh biết những dãy số không phải lúc nào cũng
nói lên mọi điều. Đôi khi, anh cảm thấy mình sẽ có được cảm nhận tốt hơn khi tự
lướt một vòng qua các giá để xem ngày hôm trước bán được những gì. Việc bán
hàng thành công hay không đòi hỏi phải xem xét hàng tồn thường xuyên hết mức,
và điều đó có nghĩa là đôi khi anh đưa ra những mặt hàng mà không bách hóa nào
khác có. Anh mang về nhiều loại mứt và thạch nhà làm; bột nghiền theo “những
công thức đặc biệt” để tẩm thịt lợn thịt bò; cùng rất nhiều loại trái cây và
rau củ đóng hộp từ các vùng. Ngay cả những khách hàng lâu năm của các bách hóa
lớn như Food Lion hay Piggly Wiggly cũng thường n đường về nhà ghé qua cửa hàng
của Alex để mua những món đặc sản địa phương mà anh cất công lấy về.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3