Anna Karenina (Tập 1) - Phần 3 - Chương 05
12
Xe cỏ
khô đã buộc chặt. Ivan nhảy xuống đất và cầm cương con ngựa lực lưỡng, béo tốt.
Cô vợ vứt cào lên xe và vung vẩy tay nhanh nhẹn bước theo, nhập bọn với đám phụ
nữ. Ivan ra đến đường cái, liền ngồi vào xe. Các thôn nữ, vác cào lên vai, quần
áo sặc sỡ và đi sau đoàn xe chuyện trò vui vẻ. Một giọng thô cất lên lĩnh xướng
một bài hát và cứ tới điệp khúc lại có chừng năm mươi giọng lanh lảnh bắt vào,
tiếng trầm khàn xen lẫn tiếng trong dịu. Đám phụ nữ vừa hát vừa lại gần Levin;
chàng có cảm tưởng một đám mây hoan lạc như vũ bão đang tiến lại. Đám mây đuổi
kịp chàng, bao bọc lấy chàng, và thế là đống rơm chàng đang nằm, cùng những
đống rơm khác, cùng những xe ngựa, cùng tất cả cánh đồng cỏ với những thửa
ruộng xa xa, tất cả đều như linh hoạt lên và lắc lư theo nhịp điệu bài hát man
dại, vui tươi xen lẫn tiếng í ới gọi nhau, tiếng hò hét và huýt sáo. Levin thấy
thèm không khí hoan hỉ đó; chàng muốn tham gia, cùng với họ bộc lộ lòng yêu đời
ấy. Nhưng không được, chàng đành nằm dài mà ngắm nhìn và lắng nghe. Khi đám ca
hát đi khuất và tiếng hát tắt dần, Levin cảm thấy lòng trĩu nặng một cảm giác
cô đơn, vô công rồi nghề và hằn học với cả thế gian này. Mấy người mugich vừa
nãy tranh cãi gay gắt nhất với chàng về việc chia cỏ khô, hoặc bị chàng làm
nhục hoặc định lừa dối chàng, giờ đây lại vui vẻ chào chàng và rõ ràng không
còn chút giận hờn hoặc hối hận nào: họ cũng không còn nhớ đã định lừa dối chàng
nữa. Mọi cái đó đều chìm vào niềm vui lao động chung. Chúa đã ban cho họ ánh
ngày và thể lực. Cả hai cái đó đều dùng vào lao động và được đền bù ngay trong
lao động. Nhưng họ làm việc cho ai? Kết quả lao động sẽ ra sao? Đó chỉ là những
ý niệm phù phiếm và không quan trọng. Levin vẫn thường khâm phục cuộc sống đó
và ghen với những người tham dự vào đó, nhưng hôm nay, với ấn tượng Ivan
Pacmenov và cô vợ trẻ gây cho chàng, lần đầu tiên Levin nghĩ rằng: nếu muốn đem
cuộc sống cá nhân, giả tạo và trống rỗng đang khiến mình phiền não đổi lấy cuộc
sống lao động chung xiết bao bọc trong sạch và quyến rũ kia, cái đó hoàn toàn
tùy chàng thôi. Ông già ngồi ban nãy nói chuyện với chàng đã về nhà từ lâu; mỗi
người đi mỗi ngả. Những người ở quanh đây thì về nhà, những người ở xa tới thì
thu dọn ngủ lại đêm và sửa soạn nấu ăn tối. Levin lẻn đến nằm dài trên đống cỏ
khô, ngắm nhìn, nghe ngóng, suy nghĩ. Đám nông dân ở lại hầu như không ngủ tí
nào trong cái đêm hè ngắn ngủi này. Trong bữa ăn tối, chỉ nghe thấy tiếng nói,
tiếng cười vui vẻ, rồi tiếng hát và sau đó lại tiếng cười. Ngày lao động dài
dặc không để lại dấu vết gì khác ngoài niềm vui. Trước rạng đông một lát, tất
cả chìm vào yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng ếch nhái kêu ran dưới đầm lầy và đàn
ngựa thở phì phò trong đồng cỏ giữa sương mù dâng lên trước sáng. Levin bừng
tỉnh, đứng dậy, và, nhìn trời cao, chàng biết đêm đã tàn. “Nào, làm gì đây? Làm
cách nào đây?”, chàng tự nhủ, cố diễn đạt tất cả những cảm nghĩ trong cái đêm ngắn
ngủi vừa qua. Tất cả những điều chàng suy nghĩ và cảm thấy, chia làm ba dòng.
Dòng thứ nhất là từ bỏ cuộc sống dĩ vãng và vốn học vấn vô dụng. Sự khước từ
này hiển nhiên đưa đến niềm vui sướng thật sự và không khó khăn gì đối với
chàng. Một số ý nghĩ khác liên quan đến cuộc đời chàng định sống từ nay. Chàng
cảm thấy sâu sắc sự giản dị, trong sạch, chính đáng của cuộc sống đó và chàng
biết chắc sẽ tìm thấy ở đó sự mãn nguyện, yên ổn và nhân phẩm mà chàng đau xót
cảm thấy mình đang thiếu. Nhưng loại tư tưởng thứ ba lại xoay quanh cách chuyển
từ cuộc sống cũ sang cuộc sống mới như thế nào. Và về điều này, chàng không
thấy có sẵn một biện pháp nào rõ ràng “Lấy vợ. Tìm việc làm, đặt mình vào thế
bó buộc phải làm việc. Rời Pocrovxcoie? Mua một khoảnh đất? Trở thành ủy viên
hội đồng xã? Lấy một cô nông dân? Làm cách nào đây? Chàng lại tự hỏi lần nữa mà
vẫn không tìm được câu trả lời. “Vả lại, suốt đêm không chợp mắt, mình không
thể suy nghĩ cho minh mẫn được, chàng tự nhủ. Để sau này sẽ hay. Có điều chắc
chắn là: đêm nay đã quyết định số phận mình. Tất cả mộng tưởng cũ về hạnh phúc
vợ chồng chỉ là chuyện ngu xuẩn, vấn đề không phải như thế. Cứ thế này lại giản
dị và hoàn hảo hơn nhiều...” “Đẹp quá! Chàng thầm nghĩ, nhìn lên đám mây trắng
nhỏ ngay trên đầu vần vũ giữa bầu trời thành hình vỏ hến màu xà cừ. Mọi vật sao
mà tuyệt diệu trong cái đêm tuyệt diệu này! Cái vỏ hến kia thành hình từ lúc
nào mà nhanh thế nhỉ? Mình vừa nhìn lên trời chỉ thấy có hai dải mây trắng bay
ngang. Phải, ý niệm của mình về cuộc sống cứ biến đổi lúc nào không biết, theo
cách như thế đấy!” Chàng rời cánh đồng cỏ và đi ra đường về làng. Gió hiu hiu
thổi, mọi vật nhuốm một màu xám xỉn. Đó là giây phút ảm đạm thường thấy trước
bình minh, lúc ánh dương chiến thắng đêm tối. Levin co ro cả người vì lạnh, vừa
vội vã bước nhanh vừa nhìn xuống đất. “Cái gì vậy? Ai đến đấy nhỉ?”, chàng nghĩ
thầm khi nghe thấy tiếng nhạc ngựa và ngẩng đầu lên. Cách khoảng bốn mươi bước,
trên đường cái lớn lún phún cỏ, một cỗ xe du lịch bốn ngựa đang chạy ngược lại phía
chàng. Đàn ngựa nép sát càng xe để tránh một ổ gà, nhưng gã xà ích khéo léo,
ngồi chếch một bên ghế, đã hướng càng xe vào ngay ổ gà nên bánh xe vẫn chạy
trên đất bằng.
Levin
không thấy gì khác và cũng không tự hỏi xem ai đang đến, chỉ lơ đãng nhìn vào xe.
Một bà
già ngủ gà ngủ gật trong góc xe, nhưng ngồi sát cánh cửa là một thiếu nữ, rõ
ràng vừa tỉnh giấc, hai tay cầm dải băng chiếc mũ đội đêm. Nét mặt bình thản và
tư lự, phản ánh một đời sống nội tâm thanh tao, phức tạp và xa lạ với Levin,
nàng đăm đăm nhìn phía mặt trời mọc, trên đỉnh đầu chàng. Đúng lúc hình ảnh đó
biến mất thì cặp mắt trong veo dừng lại nhìn chàng. Nàng nhận ra chàng và mặt
nàng ngời lên một vẻ ngạc nhiên vui sướng. Chàng không thể lầm được. Đôi mắt đó
là duy nhất trên đời này, đối với chàng chỉ có một người trên đời này có thể
thâu tóm tất cả ánh sáng và ý nghĩa cuộc sống. Đó là nàng. Đó là Kitti. Chàng
biết nàng từ ga xe lửa tới và về Ergusovoi. Và tất cả những gì đã khuấy động
Levin trong cái đêm trắng vừa qua, tất cả những quyết định chàng đã sắp sẵn,
trong nháy mắt bỗng tan thành mây khói. Chàng ghê sợ nhớ lại cái ý định lấy một
cô nông dân. Kia, trong chiếc xe đang vùn vụt bon xa và đã chạy sang bên kia
đường cái, kia cũng là câu trả lời duy nhất có thể giải đáp điều bí ẩn vẫn giày
vò chàng trong thời gian gần đây. Nàng không ló mặt ra nữa. Tiếng lò xo không
nghe rõ nữa, chỉ còn văng vẳng tiếng nhạc ngựa. Tiếng chó sủa làm Levin biết xe
đã chạy qua làng... chỉ còn lại cánh đồng hoang vắng bốn bề, xóm làng mãi xa xa
và riêng mình chàng, cô đơn, xa lạ với hết thảy, một mình thui thủi đi trên
đường cái lớn vắng tanh. Chàng nhìn bầu trời, hi vọng thấy lại chiếc vỏ hến đã
ngắm ban nãy, nó như thể hiện mọi diễn biến tư tưởng và tình cảm trong đêm qua.
Vòm trời chẳng còn cái gì giống vỏ hến cả. Trên kia, trong khoảng cao xanh vô
tận, một biến hóa thần bí đã diễn ra. Không còn thấy dấu vết vỏ hến, chỉ có tấm
thảm phẳng lì những đám mây xôm xốp mỗi lúc một nhỏ hơn, trải suốt nửa bầu
trời. Bầu trời càng xanh hơn, càng sáng hơn và câu trả lời nó đem lại cho cái
nhìn dò hỏi của Levin vẫn dịu dàng nhưng vẫn bí hiểm như trước. “Không, chàng
tự nhủ, cuộc sống lao động bình dị này dù đẹp đến thế nào chăng nữa, mình cũng
không thể quay về với nó được. Mình yêu nàng.”
13
Trừ
những người thân cận, không ai ngờ Alecxei Alecxandrovitr, bề ngoài có vẻ lạnh
lùng và mực thước đến thế, lại mắc một nhược điểm trái hẳn với bản tính: ông
không thể dửng dưng nhìn đàn bà hoặc trẻ con khóc lóc. Thấy nước mắt là ông bối
rối không còn làm gì được nữa. Chánh văn phòng và thư ký của ông biết rõ nhược
điểm đó, thường căn dặn những bà đến cầu cạnh đừng có khóc, nếu họ không muốn
làm lỡ việc. “Ông ấy sẽ cáu và không nghe các bà nói nữa đâu”, hai người thường
bảo họ như vậy. Thực vậy, sự bối rối của Alecxei Alecxandrovitr khi thấy nước
mắt thường biểu hiện bằng giận dữ. “Tôi không thể giúp gì được. Xin mời bà đi
ra!”, ông thường quát lên trong những trường hợp tương tự. Ở trường đua ngựa
về, khi Anna thú nhận đã dan díu với Vronxki, và ngay sau đó lấy tay che mặt
khóc òa lên, mặc dầu căm ghét vợ, Alecxei Alecxandrovitr vẫn cảm thấy bối rối
như mọi lần nhìn thấy nước mắt. Biết thế và hiểu rằng biểu hiện tình cảm lúc đó
sẽ đâm ra lạc lõng, ông cố nén không tỏ vẻ gì. Do đó, mặt ông có cái vẻ cứng đờ
như xác chết làm Anna rất kinh ngạc. Khi về tới trước cửa nhà, ông đỡ nàng
xuống xe và gắng kiềm chế mình. Ông cáo từ với vẻ lịch thiệp thường ngày và nói
vài câu lửng lơ không hứa hẹn gì. Ông nói ngày mai sẽ báo cho biết quyết định
của mình. Những lời vợ nói đã xác nhận mối nghi ngờ tệ hại của ông là đúng và
khiến ông vô cùng đau đớn. Nỗi đau khổ ấy càng tăng thêm do cái cảm giác thương
hại kỳ lạ về mặt thể xác khi nhìn thấy vợ khóc. Nhưng khi còn một mình trong
xe, Alecxei Alecxandrovitr ngạc nhiên và vui sướng thấy mình hoàn toàn dứt bỏ
được cả lòng thương hại đó lẫn những nghi ngờ và đau khổ vì ghen tuông vẫn giày
vò ông thời gian gần đây. Ông có cái cảm giác của một người vừa nhổ được cái
răng sâu từ lâu. Sau phút đau buốt ghê gớm, tưởng như bị nhổ ở hàm ra một cái
gì đồ sộ, to hơn cả đầu mình, người bệnh, - tuy chưa dám tin hẳn vào niềm hạnh
phúc đó, - đột nhiên cảm thấy cái vật bấy lâu vẫn đầu độc đời mình, thu hút tất
cả sự chú ý của mình, nay không còn nữa, và anh ta lại có thể sống, suy nghĩ và
quan tâm đến chuyện khác ngoài cái răng đau. Đó chính là cảm giác của Alecxei
Alecxandrovitr. Nỗi đau đớn thật kỳ lạ và ghê gớm, nhưng giờ đã tiêu tan; ông
thấy lại có thể tiếp tục sống và suy nghĩ những cái khác ngoài vợ mình. “Đó là
một phụ nữ hư hỏng, vô liêm sỉ, vô lương tâm, vô đạo! Xưa nay ta vẫn biết, vẫn
thấy rõ điều đó, nhưng vì thương hại cô ta mà phải cố tự dối mình”, ông tự nhủ.
Và ông thành thực tưởng xưa nay vẫn thấy rõ điều đó: ông nhớ lại mọi chi tiết
trong quãng đời đã qua, những chi tiết xưa kia ông thấy có vẻ vô tội; giờ đây
những chi tiết đó lại bộc lộ rõ ràng là vợ ông xưa nay vẫn hư hỏng sẵn. “Ta đã
mắc sai lầm đem gắn bó đời mình với cô ta, nhưng sai lầm này không có gì đáng
chê trách, cho nên ta không thể đau khổ được. Không phải ta phạm tội mà chính
cô ấy, ông tự nhủ. Ta không việc gì phải bận tâm vì cô ấy. Đối với ta, cô ấy
không còn nữa.”
Tất cả
những gì dính dáng đến vợ, đến con trai (đối với nó, tình cảm ông đồng thời
cũng thay đổi) đều không làm ông quan tâm nữa.
Việc
duy nhất làm ông lo lắng là tìm cách tốt nhất, thích hợp, tiện lợi nhất và do
đó, đúng đắn nhất, để rửa vết bùn nhơ do người vợ sa ngã vấy lên và để tiếp tục
cuộc sống hữu ích, hoạt động và lương thiện. “Ta không thể đau khổ vì việc làm
nhơ nhuốc của một người đàn bà đáng khinh; ta chỉ cần tìm lối thoát tốt nhất
cho hoàn cảnh oái oăm này mà cô ấy dồn ta vào. Và ta sẽ tìm thấy lối thoát đó,
ông tự nhủ, mặt mỗi lúc một sa sầm. Ta không phải người đầu tiên và cũng không
phải kẻ cuối cùng.” Và ngoài những thí dụ lịch sử, như câu chuyện “Nàng Helen xinh đẹp, vợ gã Menelax xấu số”,
vừa được gợi lại trong trí nhớ mọi người, Alecxei Alecxandrovitr nhớ tới hàng
loạt ông chồng trong xã hội thượng lưu có vợ bội bạc: “Darialov, Pontavxki,
hoàng thân Caribanov, bá tước Paxcudin, Dram... Phải, cả Dram nữa... một người
có năng lực và chính trực như thế, Xemionov, Tsaghin, Xigonin... Cứ cho là họ
mắc vào một cái lố bịch phi
lý, nhưng về phần ta, bao giờ ta cũng coi đó là nỗi bất hạnh đáng thương”,
Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ; thực ra đâu phải thế, chưa bao giờ ông thương
xót cho những nỗi bất hạnh tương tự, và trước đây, càng thấy nhiều gương xấu vợ
phụ bạc chồng, ông càng tự đánh giá mình cao hơn. “Đó là điều bất hạnh mà ai
cũng có thể gặp. Bây giờ đến lượt ta. Vấn đề hiện nay là tìm cách tốt nhất đối
phó với tình cảnh này.” Và ông điểm lại thái độ những người đã lâm vào hoàn
cảnh tương tự như mình... “Darialov đã đấu súng...” Hồi còn trẻ, những cuộc đấu
súng rất lôi cuốn Alecxei Alecxandrovitr, chính vì, về mặt thể chất, ông vốn
nhát và biết rõ điều đó. Alecxei Alecxandrovitr không thể hình dung một khẩu
súng lục chĩa vào mình mà không khiếp sợ, và suốt đời ông chưa hề dùng bất cứ
thứ vũ khí nào. Nỗi sợ đó thường khiến ông nghĩ tới chuyện đấu súng và tính
trước những trường hợp ngẫu nhiên có thể buộc ông phải liều mạng một keo. Từ
khi thành đạt và củng cố được địa vị chắc chắn, ông quên bẵng cảm giác đó:
nhưng thói quen lại ngóc đầu dậy và nỗi sợ về tính nhút nhát của chính mình hôm
nay bùng lên mãnh liệt đến nỗi Alecxei Alecxandrovitr phải hình dung một cuộc
đấu súng dưới mọi khía cạnh và mơn trớn giả định đó trong đầu, mặc dầu biết
trước đó là bất cứ trong trường hợp nào, ông cũng không dám đọ sức. “Rõ ràng xã
hội ta còn quá dã man (chứ không như bên Anh) nên còn nhiều người (trong đó có
cả những người rất được ông coi trọng ý kiến) tán thành việc đấu súng; nhưng
hậu quả ra sao? Cứ giả dụ ta thách hắn đấu súng; Alecxei Alecxandrovitr nghĩ
thầm, và mường tượng thấy rõ ràng cái đêm thao thức sau lúc thách đấu và khẩu
súng lục chĩa vào mình, ông run bắn người và biết chắc sẽ không bao giờ làm như
vậy. Cứ giả dụ ta thách hắn đấu súng. Giả dụ có người dạy ta ngắm, ta bóp cò và
giết chết hắn, ông nhắm mắt thầm nghĩ. Ông lắc đầu xua đuổi ý nghĩ ngu ngốc đó.
Muốn biết phải xử sự với người vợ tội lỗi và đứa con ta như thế nào, mà lại đi
giết người thì hỏi còn có nghĩa lí gì? Sau đó, ta vẫn phải quyết định cách đối
xử với vợ. Và - điều này dễ xảy ra hơn và có thể nói là chắc chắn nữa - nếu
chính ta bị giết hoặc bị thương ư? Thế lại càng phi lý! Hơn nữa, về phía ta,
thách đấu như vậy là một hành động không trung thực. Ta há lại không biết bạn
bè sẽ không đời nào cho phép ta đấu súng hay sao? Họ không cho phép một chính
khách hữu ích cho nước Nga thí mạng như vậy. Thế thì sao? Biết trước việc đó
nhất định không thành, ta có thách đấu thì cũng chỉ là muốn tự tô điểm bằng ánh
hào quang giả dối thôi! Như thế là không trung thực, giả đạo đức, là lừa dối
mình và lừa dối người khác. Nhất thiết không thể đấu súng và cũng không ai mong
ta làm việc đó. Mục đích của ta là bảo toàn thanh danh cần thiết cho ta tiếp
tục sự nghiệp không trở ngại.” Công việc quốc gia mà lúc nào ông cũng coi
trọng, giờ đây trước mắt Alecxei Alecxandrovitr lại càng có ý nghĩa lớn lao
hơn. Sau khi đề cập và loại trừ chuyện đấu súng, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ
đến chuyện ly hôn, một giải pháp khác đã được một số ông chồng vừa điểm tới,
lựa chọn. Nhớ lại tất cả những vụ ly hôn nổi tiếng (vốn rất nhiều trong xã hội
thượng lưu), Alecxei Alecxandrovitr không thấy trường hợp nào có mục đích giống
như mục đích ông đề ra. Trong mỗi trường hợp đó, người chồng hoặc nhường hoặc
bán vợ đi, và nhờ đó người vợ tội lỗi mất quyền kết hôn có thể ăn ở với một
người coi như là chồng trong một cuộc hôn nhân coi như chính thức. Còn việc ly
hôn hợp pháp đưa đến kết quả thẳng tay gạt phăng người vợ phụ bạc, Alecxei
Alecxandrovitr thấy không thể dùng cách đó. Hoàn cảnh sống phức tạp của ông
không cho phép viện ra những chứng cớ thô bỉ theo yêu cầu của pháp luật để xác
minh tội lỗi vợ; mà dù có chăng nữa, sự lọc lõi nổi tiếng của xã hội này cũng
ngăn ông sử dụng chứng cớ đó, chưa kể nó sẽ làm dư luận quần chúng đánh giá ông
tồi tệ hơn vợ(52). Việc yêu cầu ly hôn chỉ dẫn đến
kiện cáo điếm nhục, tạo cơ hội thuận tiện cho những kẻ kình địch lợi dụng phỉ
báng và hạ thấp địa vị ông trong xã hội. Thành thử mục đích chính của ông: giải
quyết hoàn cảnh mình sao cho đỡ phiền phức, cũng sẽ không đạt được bằng ly hôn.
Ngoài ra nếu ông ly hôn, hoặc chỉ cần phát đơn tố tụng ly hôn là chắc chắn vợ
ông sẽ cắt đứt mọi quan hệ với chồng và sống luôn với tình nhân. Vậy mà, mặc
dầu tưởng đã hoàn toàn khinh bỉ và không thiết vợ, trong thâm tâm Alecxei
Alecxandrovitr vẫn còn một thứ tình cảm: ông sợ rằng vợ mình có thể đường hoàng
ăn ở với Vronxki và tội lỗi đâm có lợi cho nàng. Chỉ riêng ý nghĩ đó cũng đủ
khiến Alecxei Alecxandrovitr tức giận đến phát rên lên vì đau khổ, làm ông phải
đứng dậy đổi chỗ ngồi trong xe và cau mày chăm chú hồi lâu bọc đôi chân run
rẩy, gầy gò vào tấm chăn mềm. Ngoài ly hôn, còn có thể làm như Caribanov, Paxcudin
và Dram, con người đôn hậu: sống riêng rẽ, ông nghĩ tiếp khi đã nguôi nguôi:
nhưng giải pháp này cũng có điều bất tiện như ly hôn và nhất là nó sẽ đẩy vợ
ông vào trong tay Vronxki. “Không, dứt khoát không thể được! Không thể được!
Ông nói to và lại quấn chặt chăn vào chân. Ta không thể đau khổ đã đành nhưng
cả vợ ta lẫn hắn cũng không được phép sung sướng!” Máu ghen vẫn giày vò ông khổ
sở trong thời gian còn nghi hoặc, nay biến mất cùng nỗi đau khi chiếc răng đã
nhổ, khi Anna thú nhận. Nhưng máu ghen nhường chỗ cho một tình cảm khác: ông
muốn chẳng những vợ không giành được phần thắng mà còn phải đền tội. Điều đó,
ông không dám thú nhận với bản thân, nhưng trong thâm tâm, ông muốn nàng phải
đau khổ vì tội phá hoại yên ổn và danh dự của ông. Sau khi duyệt lại mọi khía
cạnh của việc đấu súng, ly hôn, sống riêng rẽ, và gạt bỏ mọi việc đó, Alecxei
Alecxandrovitr hiểu rằng chỉ còn lối thoát duy nhất: giữ vợ ở lại, giấu không
cho mọi người biết chuyện xảy ra, dùng mọi biện pháp trong phạm vi quyền hạn
mình để cắt đứt quan hệ bất chính đó, và nhất là (ông cũng không dám thú nhận
với bản thân điều này) trừng phạt nàng. “Ta phải bảo cho cô ấy biết quyết định
của ta: nói cho cô ấy biết là sau khi suy nghĩ về hoàn cảnh ê chề mà cô ấy đẩy
gia đình lâm vào, mọi lối thoát khác ngoài việc giữ nguyên hiện trạng đều tai hại cho cả hai
bên và ta sẵn sàng duy trì hiện trạng đó với điều kiện nghiêm ngặt là cô ấy
phải chiều theo ý muốn của ta, nghĩa là chấm dứt mọi sự đi lại vói tình nhân.”
Để củng cố quyết định mà ông đã dứt khoát chọn, Alecxei Alecxandrovitr đưa thêm
một lập luận khác: “Chỉ có cách đó mới là hành động đúng giáo lý, ông tự nhủ,
như thế ta đã không ruồng bỏ người đàn bà tội lỗi, mà còn tạo cho nàng khả năng
hối cải, thậm chí còn hiến một phần sức lực để chuộc tội và cứu vớt cô ấy, dù
điều đó làm ta rất khổ tâm. Mặc dầu Alecxei Alecxandrovitr biết mình không thể
có chút ảnh hưởng nào với vợ, mọi dự định đó chỉ dẫn đến dối trá, mặc dầu trong
những giây phút đau đớn đó, ông không hề lúc nào nghĩ đến chuyện tìm chỗ dựa ở
tôn giáo, giờ đây, khi cảm thấy quyết định của mình phù hợp với đòi hỏi giáo lý
- ít nhất cũng là theo quan niệm của ông nó cũng làm ông hoàn toàn mãn ý và
phần nào yên tâm. Ông khoan khoái nghĩ rằng ngay cả trong trường hợp nghiêm
trọng như thế này, cũng không ai có thể trách ông không hành động phù hợp với
quy tắc của thứ tôn giáo vẫn được ông giương cao cờ giữa sự thờ ơ và lãnh đạm
của mọi người. Nghĩ thế, Alecxei Alecxandrovitr càng thấy không có lý gì quan
hệ của ông với vợ lại không thể giữ gần nguyên như cũ. Tất nhiên không bao giờ
ông quý trọng nàng nữa nhưng cũng không có và không thể có lý do nào khiến ông
phải đảo lộn cuộc sống và đau khổ vì vợ bội bạc. “Phải, thời gian qua đi sẽ an
bài tất cả, quan hệ vợ chồng của ta sẽ trở lại như xưa. Nghĩa là sao cho ta đỡ
cảm thấy rầy rà trong cuộc sống. Chính cô ta phải đau khổ, còn ta, ta không gây
ra tội, cho nên không việc gì mà đau khổ.”
(52) Theo pháp luật nước Nga cũ,
người phạm lỗi trong ly hôn không được phép kết hôn nữa và muốn ly hôn phải có
chứng cớ cụ thể bắt quả tang thông dâm.