Anna Karenina (Tập 1) - Phần 2 - Chương 13

33

Kitti
làm quen với bà Stan, và quan hệ của cô với bà ta, cũng như tình bạn với
Varenca, không những có ảnh hưởng lớn mà còn làm khuây khỏa nỗi buồn của cô.
Nhờ tình bạn ấy, cô khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới không giống chút nào
với quá khứ của cô; một thế giới thanh cao, tuyệt diệu, đứng trên đó ta có thể
bình tĩnh ngắm lại quá khứ. Cô khám phá ra là ngoài cuộc sống bản năng mà trước
nay cô vẫn tự buông trôi theo, còn có đời sống tinh thần nữa. Người ta đi vào
cuộc đời đó bằng con đường tôn giáo, nhưng là một thứ tôn giáo không giống chút
nào với thứ tôn giáo Kitti được biết từ hồi thơ ấu, quanh quẩn chỉ có nghĩa là
đi dự các buổi lễ chầu và lễ thức ở Nhà Cứu tế quả phụ, ở đấy có thể gặp người
quen và phải học thuộc lòng những đoạn văn tiếng Xlav cổ với linh mục nhà thờ;
đây là thứ tôn giáo cao thượng huyền bí, gắn liền với những tư tưởng và tình
cảm cao cả: không những có thể tin vì đó là điều bắt buộc, mà còn có thể yêu
thứ tôn giáo này. Kitti hiểu tất cả điều dó không phải qua ngôn từ. Bà Stan nói
với cô như với một đứa trẻ ngoan ngoãn mà bà mến, vì cô gợi bà nhớ lại thời son
trẻ; chỉ có một lần, bà ám chỉ đến niềm an ủi mà chỉ có tình yêu và lòng tin
mới đem lại cho những đau khổ của kiếp người và nói thêm rằng không có đau khổ
nào là không đáng kể đối với Chúa Cơ đốc lòng lành vô cùng, thế rồi bà lái sang
chuyện khác ngay. Nhưng trong mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn “thiên
thần” của bà, như Kitti thường nói, và nhất là trong câu chuyện cả cuộc đời bà
ta do Varenca kể lại, Kitti đã khám phá ra “cái gì là quan trọng”, điều mà cho
tới nay cô chưa hề biết. Tuy nhiên, dù tính nết bà Stan có cao thượng đến đâu,
câu chuyện cuộc đời bà cảm động đến bao nhiêu lời nói của bà cao cả và dịu ngọt
đến mức nào chăng nữa, Kitti vẫn vô tình bắt gặp những nét cá tính làm cô hoang
mang. Cô thấy khi hỏi thăm về gia đình cô, bà Stan đã mỉm cười khinh thị, một
thái độ trái với lòng nhân Cơ đốc giáo. Có hôm, gặp một linh mục công giáo ở
nhà bà, cô còn thấy bà Stan đã thận trọng quay mặt vào trong bóng tối của cái
chụp đèn để giấu một nụ cười kỳ lạ. Những nhận xét này dù không đáng kể thật
song cũng khiến cô bối rối, và Kitti bắt đầu nghi ngờ bà Stan. Trái lại, chỉ có
Varenca một mình trơ trọi, không cha mẹ bạn bè, với nỗi thất vọng u sầu, không
tham vọng, không tiếc nuối, là sự hoàn mỹ trọn vẹn mà Kitti cho phép mình chỉ
được mơ ước thôi. Nhờ có Varenca, cô hiểu người ta chỉ cần biết quên mình và
yêu mến người khác là được thanh thản, sung sướng và tốt đẹp. Điều Kitti mong
muốn chính là như thế. Bây giờ cô đã hiểu rõ cái gì là điều quan trọng nhất, nên Kitti không
những say mê khâm phục, mà còn lập tức đem cả tâm hồn hiến dâng cho cuộc đời
mới đang mở ra trước mắt. Dựa theo những chuyện Varenca kể cho nghe về hoạt
động của bà Stan và những người khác được Varenca nhắc đến tên, Kitti tự vạch
ra một chương trình cho cuộc sống tương lai. Theo gương Alin, cháu gái bà Stan
mà Varenca đã kể cho cô nghe rất nhiều, dù sống nơi nào, cô cũng sẽ đi tìm
những người bất hạnh giúp đỡ họ đến mức tối đa, cô sẽ phân phát kinh Phúc âm,
sẽ đọc kinh Phúc âm cho kẻ ốm đau, kẻ tội lỗi và người hấp hối. Ý nghĩ được đọc kinh Phúc
âm cho một kẻ tội đồ như Alin, đặc biệt cám dỗ Kitti. Nhưng đó là mơ ước thầm
kín mà cô không nói cho mẹ hay Varenca biết. Vả lại, trong khi chờ đợi ngày
thực hiện chương trình đó trên quy mô rộng rãi hơn, ngay từ giờ, ở suối nước
này với biết bao người bệnh và kẻ khốn cùng, Kitti cũng dễ dàng tìm được dịp áp
dụng những nguyên lí mới của mình, theo gương Varenca. Thoạt tiên, phu nhân chỉ
thấy Kitti đang chịu ảnh hưởng đối tượng ham mê của cô, như bà thường nói,
nghĩa là ảnh hưởng của bà Stan và Varenca. Bà thấy Kitti không những bắt trước
việc làm của Varenca mà còn vô tình bắt chước cả cách đi, cách nói và cách nháy
mắt của bạn. Tiếp đó, bà nhận thấy con gái đang trải qua những thay đổi nội tâm
nghiêm trọng không lệ thuộc vào sự phù phép nọ. Tối đến, Kitti đọc quyển kinh
Phúc âm bằng tiếng Pháp của bà Stan cho, điều trước đây cô không bao giờ làm;
cô tránh gặp người quen trong giới thượng lưu và chỉ đi lại với những bệnh nhân
được Varenca chăm sóc, nhất là với gia đình một họa sĩ nghèo và ốm đau tên là
Pêtrôp. Rõ ràng cô tự hào được làm nhiệm vụ bà phước trong gia đình ấy. Tất cả
những việc đó đều đáng khen, và phu nhân không phản đối vào đâu được, hơn nữa
vợ Pêtrôp lại là một thiếu phụ rất đứng đắn, và cả bà quận chúa người Đức cũng
chú ý đến việc làm của Kitti, đã khen ngợi và gọi cô là “nàng tiên an ủi”. Tất
cả những cái đó đều tốt đẹp cả thôi nếu không đi đến chỗ quá đáng. Thế nhưng,
phu nhân lại thấy con gái đi quá xa và bà nói điều ấy với con.

- Không
bao giờ nên làm điều gì thái quá, - bà nói.

Con gái
bà không trả lời gì cả; trong thâm tâm, cô chỉ nghĩ rằng về mặt đời sống tôn
giáo thì không thể nói có gì là thái quá được. Có gì là thái quá trong việc
theo đúng lời răn hãy chìa má phải khi bị tát vào má trái và cho nốt chiếc sơmi
khi đã bị lột mất áo khoác? Nhưng sự thái quá đó làm phật ý phu nhân và bà càng
phật ý hơn khi thấy Kitti không chịu tâm sự với mình. Thực vậy, Kitti vẫn giấu
mẹ những quan niệm mới và tình cảm mới của cô. Cô giấu không phải vì không kính
trọng hay không yêu mến mẹ, mà chỉ vì đó là mẹ cô. Cô có thể ngỏ nỗi niềm với
bất kỳ ai còn hơn với mẹ.

- Mẹ
thấy hình như lâu lắm rồi, Anna Paplôpna không đến chơi nhà ta, - một hôm phu
nhân nói với con khi nhắc tới vợ Pêtrôp. - Mẹ đã mời chị ta đến. Thế mà chị ta
có vẻ không bằng lòng.

-
Không, con không thấy thế, mẹ ạ, - Kitti nói, mặt đỏ bừng.

- Con
đến thăm họ đã lâu chưa?

- Ngày
mai con sẽ đi chơi núi với họ, - Kitti nói.

- Ừ,
được, cứ đi đi, - phu nhân đáp, vừa nhìn kĩ nét mặt bối rối vừa cố đoán nguyên
nhân nỗi khích động của con.

Cùng
hôm ấy, Varenca đến ăn cơm và báo tin Anna Paplôpna ngày mai sẽ không đi chơi
nữa. Và phu nhân thấy Kitti lại đỏ mặt.

-
Kitti, có gì không hay đã xảy ra giữa con và gia đình Pêtrôp chăng? - phu nhân
hỏi khi chỉ còn hai người. - Tại sao chị ta không cho lũ con lại và không đến
thăm ta nữa? - Kitti trả lời là giữa hai người không hề xảy ra chuyện gì và cô
hoàn toàn không hiểu tại sao Anna Paplôpna lại có vẻ giận mình. Cô nói đúng sự
thật hoàn toàn. Cô không biết lý do sự thay đổi thái độ của Anna Paplôpna đối
với mình, nhưng cô đoán biết. Điều cô đoán, cô không thể nói với mẹ vì chính cô
cũng không dám tự thú với mình. Đây thuộc loại chuyện tuy mình biết, nhưng
không dám nói thành lời với chính mình, vì nếu nhầm thì thật ghê sợ và nhục
nhã. Cô ôn đi ôn lại mãi trong đầu tất cả mối quan hệ giữa cô và gia đình ấy.
Cô nhớ lại niềm vui sướng ngây thơ ánh lên trên khuôn mặt tròn trĩnh phúc hậu
của Anna Paplôpna khi hai người gặp nhau, những câu chuyện kín đáo của họ về
người ốm, những cố gắng nhằm lừa cho người ốm đừng làm những việc bác sĩ dặn
phải kiêng và đưa anh ta đi chơi; rồi sự quyến luyến của đứa con út vẫn bi bô
gọi “cô Kitti của cháu” và chỉ chịu đi ngủ khi cô bế vào giường. Tất cả những
chuyện ấy mới thú vị làm sao! Tiếp đó cô nhớ lại hình dáng gầy giơ xương của
Pêtrôp, cái cổ dài ngoãng và cái áo đuôi tôm màu gụ, mái tóc thưa và quăn, cặp
mắt xanh dầy vẻ dò hỏi, những hôm đầu đã làm cô hoảng sợ, cùng những cố gắng bệnh
hoạn của anh ta muốn rả vẻ nhanh nhẹn và vui tươi khi có mặt cô. Cô nhớ lúc đầu
mình phải hết sức dằn lòng để dẹp nỗi ghê sợ khi dứng trước anh ta cũng như
trước mọi người lao khác và phải chật vật mới tìm ra đầu đề để nói chuyện. Cô
nhớ lại anh ta rụt rè và âu yếm nhìn mình, và cảm giác thương xót, lúng túng kỳ
lạ của mình lúc đó, sau này được thay thế bằng ý thức về đức hạnh của chính
mình. Tất cả những chuyện ấy mới dễ chịu làm sao! Nhưng đó là buổi đầu. Còn giờ
đây, nghĩa là trong mấy ngày vừa qua, mọi chuyện đột nhiên đâm xấu đi. Anna
Paplôpna tiếp Kitti với một vẻ vồn vã giả vờ và luôn theo dõi cả cô lẫn chồng
mình.

Lẽ nào
nỗi vui mừng cảm động của Pêtrôp khi có mặt Kitti lại là lý do do khiến thái độ
của Anna Paplôpna trở nên lạnh nhạt? “Phải, cô tự nhủ, ở Anna có cái gì gượng
gạo, không giống với sự hối hận của chị, khi chị ấy cau có nói với mình hôm
kia:

- Nhà
tôi đợi cô mãi, cô chưa đến thì anh ấy không chịu uống cà phê, tuy anh ấy yếu
đi nhiều.”

“Ừ, có lẽ chị ta cũng khó
chịu khi mình đưa cho anh ấy cái mền phủ chân. Việc tuy rất bình thường mà anh
ấy cũng lúng túng, cảm ơn rối rít, làm mình phát ngượng. Lại còn bức chân dung
anh ấy vẽ mình nữa, bức tranh đẹp quá. Nhưng nhất là cái nhìn âu yếm và bối rối
của anh ta!... Phải, phải, đúng thế thật! Kitti sợ hãi thầm nhắc đi nhắc lại.
Nhưng không, không thể thế được, việc đó không thể được! Anh ấy đáng thương làm
sao!”, cô nghĩ thêm.

Nỗi ngờ
vực đó phá hoại cái huyền diệu cuộc sống mới của cô.

34

Gần
cuối đợt điều dưỡng, lão quận công Serbatxki sau khi rời Kaclơxbat đi Bađen và
Kixinghen, thăm những người đồng hương ở đó để “đắm mình vào không khí Nga” như
ông nói, trở về với vợ và con gái. Những ý nghĩ của lão quận công và phu nhân
về đời sống ở nước ngoài hoàn toàn đối lập nhau. Phu nhân thấy cái gì cũng
tuyệt cả, và mặc dầu đã có địa vị vững vàng trong xã hội Nga, khi ở nước ngoài
bà vẫn cố làm ra vẻ phụ nữ Âu Tây - tuy không phải thế, vì bà là người Nga - và
luôn luôn có những bộ tịch khiến chính bản thân mất cả thoải mái. Lão quận
công, trái lại, thấy cái gì cũng khả ố; lối sống Âu Tây làm ông khó chịu, ông
giữ nguyên tập tục Nga và khi ở nước ngoài, dốc sức làm ra vẻ ít Âu Tây hơn là
trong thực tế. Lão quận công lúc trở về có gầy đi, mí mắt chảy xuống, nhưng rất
hào hứng. Tâm trạng vui vẻ này càng tăng khi ông thấy Kitti đang hồi phục. Tình
thân giữa Kitti với bà Stan và Varenca cùng những nhận xét phu nhân nói lại về
sự thay đổi của con gái, làm lão quận công bối rối và gợi lên ở ông cái cảm
giác ghen tức quen thuộc vẫn có đối với tất cả những gì có thể cướp mất con gái
ông cũng như nỗi sợ là Kitti sẽ thoát khỏi ảnh hưởng ông để đi vào những lĩnh
vực ông không thâm nhập nổi. Nhưng những tin tức không hay này chìm dưới sự đôn
hậu và vui tính bao la như biển cả ông vẫn mang trong lòng, nhất là từ ngày ở
Caclơxbat về. Ngay sau hôm về tới nơi, lão quận công mặc áo bành tô dài, mặt
húp híp, nhăn nheo, đặc Nga, cằm lút trong cổ cồn hồ cứng, cùng con gái đi ra
suối nước trong một tâm trạng rất vui vẻ. Buổi sáng hôm ấy rất đẹp trời; dãy
nhà sạch sẽ và vui tươi với mảnh vườn nhỏ, cảnh những cô hầu người Đức béo tốt
vì rượu bia, mặt và tay đỏ ửng, đang vui vẻ làm việc, ánh nắng rực rỡ, mọi thứ
đều làm tâm hồn khoan khoái; nhưng càng đến gần suối, hai người càng gặp nhiều
người ốm, và trong khung cảnh quen thuộc của đời sống vốn rất có tổ chức của
người Đức, sự có mặt những người ốm đó càng gây ấn tượng nặng nề. Sự tương phản
này không còn làm Kitti ngạc nhiên. ánh nắng rực rỡ, cây cối xanh tươi, tiếng
nhạc, đối với cô đều là khung cảnh tự nhiên của những bộ mặt quen thuộc kia và
những thay đổi thăng giảm trong bệnh trạng của họ, cô đều theo dõi. Nhưng đối
với lão quận công, ánh nắng tươi vui buổi sáng tháng sáu này và tiếng dàn nhạc
đang chơi một điệu vanxơ thời thượng rất lôi cuốn và nhất là cảnh những cô hầu
khỏe mạnh cạnh các thây ma lang thang kia, từ khắp xó xỉnh châu Âu lê tới đây,
đối với ông thật chướng mắt và quái đản. Mặc dầu niềm tự hào và cảm giác hồi
xuân xâm chiếm ông khi khoác tay con gái yêu đi chơi, bây giờ ông lại khó chịu
và xấu hổ vì dáng đi vững chắc và tay chân khỏe mạnh, nung núc thịt của mình.
Ông có cảm giác gần giống như người không mặc quần áo đứng trước đám
đông.

- Con
hãy giới thiệu ba với các bạn mới của con đi, - ông nói và áp chặt cánh tay cô
vào người mình. - Ba bắt đầu yêu cái thành phố Xôđen gớm ghiếc này của con vì
nó đã chữa cho con khỏi bệnh. Nhưng ở đây buồn quá. Ai kia? - Kitti kể cho bố
rõ tên những người quen cũng như không quen gặp trên đường đi. Ở cổng vườn, họ
gặp bà Béc mù cùng người trông nom bà và lão quận công vui sướng thấy vẻ trìu
mến của bà cụ người Pháp khi nhận ra tiếng Kitti. Bà cụ liền nói chuyện ngay
với ông, với cách vồ vập hơi thái quá, đặc biệt của người Pháp và khen ông có
cô con gái đáng yêu, và gọi cô là “kho vàng”, là “hạt châu” và “nàng tiên an
ủi”.

- Nếu
thế thì đây là nàng tiên số hai, - lão quận công mỉm cười nói.

- Cháu
nó bảo tiểu thư Varenca là nàng tiên số một.

- Ồ!
Tiểu thư Varenca quả thực là một nàng tiên, đúng thế! – bà Béc nhấn thêm.

Ở hành lang, họ gặp chính Varenca. Cô thoăn thoắt bước
về phía họ, tay cầm một cái túi đỏ trang nhã.

- Đây
là ba tôi vừa mới tới! - Kitti nói giản dị và tự nhiên. Như trong mọi việc cô
làm, Varenca phác một cử chỉ nửa như cúi đầu chào, nửa như nhún chân xuống tỏ ý
kính cẩn và bắt chuyện luôn với lão quận công bằng giọng nói thoải mái và thanh
thoát cô vẫn dùng với mọi người.

- Khỏi
phải nói vì tôi biết tiểu thư rồi, và biết rất kĩ nữa, - lão quận công mỉm cười
nói và Kitti rất mừng vì qua nụ cười đó, cô biết bạn mình đã được lòng bố. -
Tiểu thư đi đâu vội thế?

- Mẹ
tôi ở đây, - cô nói với Kitti. - Cả đêm mẹ mất ngủ và bác sĩ khuyên nên ra
ngoài. Tôi đem đồ khâu đến cho mẹ.

- Vậy
ra nàng tiên số một đây, - lão quận công nói khi Varenca đi rồi. Kitti thấy bố
như muốn chế giễu Varenca một chút nhưng không làm nổi, vì cô gái đã làm ông
đẹp lòng.

- Nào,
ta đi gặp tất cả các bạn của con đi, - ông tiếp... - kể cả bà Stan, nếu bà chịu
nhận ra ba.

- Thế
ba cũng quen bà ấy à, hở ba? - Kitti lo sợ hỏi bố, nhận thấy cái tia châm biếm
lóe lên trong mắt lão quận công khi nhắc đến tên bà Stan.

- Trước
ba có quen chồng bà ta, và cả bà ta, ba cũng quen sơ sơ trước lúc bà ta gia
nhập phái kiền tín(49).

(49) Một giáo phái trong đạo Tin
lành, thịnh hành ở vài nước Đông Âu, chủ trương khổ hạnh, phục tùng ý Chúa
chống độc quyền hành giáo của nhà thờ v. v... (piétisme).

- Người
theo phái kiền tín là thế nào, hở ba? - Kitti hỏi, sợ hãi thấy điều cô vẫn đánh
giá cao ở bà Stan cũng mang một cái tên.

- Ba
cũng không biết đích xác nó là cái gì nữa. Ba chỉ biết là bà ta cảm ơn Thượng
đế về tất cả mọi cái, về tất cả những tai ương xảy đến với mình... thậm chí còn
cảm ơn Thượng đế cả về cái chết của ông chồng nữa. Thật là khôi hài, vì họ
không hòa thuận gì cả... Ai kia? Con người đáng thương làm sao! - ông hỏi khi
thấy một bệnh nhân ngồi trên ghế dài, mặc áo đuôi tôm màu gụ và quần trắng dúm
lại thành nếp kì lạ trên đôi chân gầy đét. Ông này ngả mũ rơm ra, để lộ mớ tóc
thưa, quăn và vầng trán cao đỏ ửng lên vì đội mũ.

- Đó là
họa sĩ Pêtrôp, - Kitti đỏ mặt đáp. - Và kia là vợ ông ta, - cô nói tiếp và chỉ
Anna Paplôpna vừa lúc chị này như chủ ý đứng dậy chạy theo một đứa trong lũ con
khi họ lại gần.

- Trông
đáng thương quá và anh ta có bộ mặt rất đáng yêu, - quận công nói. - Tại sao
con không lại? Anh ấy muốn nói gì với con đấy.

- Vâng,
thì ta lại! - Kitti nói, quả quyết quay gót lại. - Hôm nay, ông có khỏe không?
- cô hỏi Pêtrôp.

Pêtrôp
chống gậy đứng lên và rụt rè nhìn lão quận công.

- Con
gái tôi đấy, - lão quận công nói. - Xin phép được làm quen với ông. Họa sĩ cúi
chào và mỉm cười, để lộ hàm răng trắng bóng lên kỳ lạ.

- Thưa
tiểu thư, hôm qua chúng tôi đợi cô, - anh nói với Kitti. Anh lảo đảo trong khi
nói vậy và lặp lại cử chỉ đó để mọi người tưởng anh cố ý làm như vậy.

- Tôi
cũng muốn đến, nhưng chị Varenca nói Anna Paplôpna đã cho báo trước là ông bà
không đi chơi nữa.

- Sao!
- Pêtrôp đỏ mặt nói và liền đó ho luôn. Anh đưa mắt tìm vợ.

-
Annet! Annet ơi! - Anh gọi to và gân nổi lên như dây thừng trên cái cổ trắng
nhỏ.

Anna
Pêtrôp bước lại.

- Tại
sao em đi nói với tiểu thư là chúng ta không đi chơi? - anh bực dọc thì thầm
hỏi vợ, gần như mất hẳn tiếng.

- Chào
tiểu thư, - Anna Paplôpna nói với một nụ cười gượng gạo khác hẳn sự niềm nở
trước kia. - Rất sung sướng được biết cụ, - chị ta nói với lão quận công, -
chúng cháu mong đợi cụ từ lâu rồi, thưa quận công.

- Tại
sao em lại nhắn tiểu thư là chúng ta không đi chơi? - họa sĩ khàn khàn nhắc
lại, càng giận dữ, và rõ ràng đâm nổi nóng thật sự vì điều đó lộ ra rành rành
trong giọng nói mà anh không thể uốn cho có được âm sắc mong muốn.

- Ồ!
Lạy Chúa! Nhưng em lại ngỡ chúng ta định không đi chơi thật, - vợ anh bực tức
trả lời.

- Sao
lại thế được, khi... - anh lại ho và khoát tay một cách bất lực. Lão quận công
ngả mũ và cùng cô con gái bước đi.

- Ôi,
ôi! - ông thở dài đánh thượt. Ôi! Tội nghiệp cho họ quá!

- Đúng
thế, ba ạ, - Kitti đáp. - Họ có ba con, không có đầy tớ và gần như chẳng có tý
của cải gì! Anh ta lĩnh được ít tiền của Viện Hàn lâm, - cô sôi nổi kể, cố
nén nỗi xúc động do thái độ thay đổi lạ lùng của Anna Paplôpna gây ra. - Bà
Stan kia kìa, - cô nói, tay chỉ cái xe nhỏ trong có một hình người bọc kín quần
áo màu xám và xanh da trời, chung quanh chất đầy gối, ngồi dưới chiếc dù. Đó là
bà Stan. Đằng sau bà, một người Đức lực lưỡng, mặt khó đăm đăm, đẩy xe. Đi cạnh
là một bá tước người Thụy Điển tóc vàng mà Kitti chỉ biết tên. Nhiều bệnh nhân
chậm bước ngang qua cái xe, nhìn bà ta như nhìn một cái gì kỳ lạ lắm. Lão quận
công bước về phía bà, và Kitti liền thấy ngay mắt bố lóe lên một ánh châm biếm
làm cô bối rối. Ông lại gần bà Stan và bắt chuyện bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo,
hết sức thanh lịch và tao nhã mà ngày nay rất ít người nói được như thế.

- Tôi
không rõ bà còn nhớ tôi không, nhưng tôi phải đến ra mắt để cảm ơn lòng tốt của
bà đối với con gái tôi, - ông nói, ngả mũ chào rồi cứ cầm ở tay.

- Quận
công Alecxei Serbatxki, - bà Stan nói, ngước cặp mắt thiên thần nhìn ông, và
Kitti thấy cái nhìn thoáng có vẻ không bằng lòng. Tôi rất sung sướng. Tôi mến
con gái ông lắm!

- Bà
vẫn không được khỏe lắm?

- Ồ!
Giờ thì tôi quen đi rồi, - bà Stan nói và giới thiệu vị bá tước người Thụy Điển
với quận công.

- Trông
bà không thay đổi mấy, - quận công nói. - Kể có tới mươi mười năm rồi tôi không
được hân hạnh gặp bà, phải không?

- Vâng.
Chúa ban nỗi khổ và cũng ban cho cả sức lực để chịu đựng nỗi khổ đó! Tôi thường
hay tự hỏi tại sao một cuộc đời như thế này cứ kéo dài mãi được. Đằng này cơ
mà! - Bà gắt với Varenca đã không quấn mền phủ chân đúng như ý bà.

- Có lẽ
là để làm điều thiện, - quận công nói, cặp mắt tươi cười.

- Chúng
ta không được quyền phán xử đâu, - bà Stan nói, bắt gặp vẻ giễu cợt trên nét
mặt quận công. - Thế nào, ông sẽ gửi quyển sách ấy cho tôi chứ, bá tước thân
mến? Cảm ơn ông lắm, bà nói với người Thụy Điển trẻ tuổi.

- A! A!
- quận công thoáng thấy ông đại tá người Moxcva ở quanh đó, liền reo lên và
chào bà Stan rồi cùng con gái đi với ông đại tá vừa nhập với họ.

- Lớp
quý tộc chúng ta vốn thế đấy, quận công ạ! - ông đại tá nói, giọng mỉa mai, khó
chịu về việc bà Stan không chịu kết giao với ông.

- Bà ấy
vẫn như xưa, - quận công nói.

- Ngài
có quen bà ta hồi chưa mắc bệnh không, thưa quận công? Tôi muốn nói trước khi
bà ta phải nằm liệt giường?

-
Không, chúng tôi biết nhau đúng vào lúc bà ta bắt đầu bị liệt giường, - quận
công nói.

- Nghe
nói từ mười năm nay bà ta không dậy được.

- Bà ta
nằm vì chân ngắn quá. Thân hình bà ta rất xấu xí.

- Ba,
không thể có chuyện đó được! - Kitti gào lên.

- Những
kẻ độc miệng đều cả quyết như vậy, con gái yêu của ba ạ. Cô Varenca của con hẳn
phải nếm đủ mùi khổ nhục, - ông nói thêm... - Ôi! Những cái bà bệnh tật
này!

- Ô!
Không đâu, ba! - Kitti sôi nổi cãi, - Varenca rất yêu bà ta. Và bà ấy đã làm
biết bao điều thiện! Ba có thể hỏi bất kỳ người nào! Mọi người đều biết bà ta
và Alin.

- Có
thể, - ông nói, siết chặt cánh tay con gái vào người. - Nhưng khi người ta làm
điều thiện thì tốt nhất là đừng để cho ai biết cả.

Kitti
nín lặng, không phải vì đuối lý, mà vì cô không muốn nói với bố những ý nghĩ
thầm kín. Thế nhưng, kì lạ thay, tuy cô đã quyết tâm không để bố lung lạc mình,
không để bố xâm phạm vào thành đường của mình, cô vẫn cảm thấy hình ảnh cao cả
của bà Stan suốt một tháng nay cô hằng ấp ủ trong lòng, đã tiêu tan không sao
cứu vãn nổi, cũng như hình dáng tưởng tượng của một chiếc áo quẳng hú họa biến
mất khi người ta chợt hiểu ra nó đã được xếp sắp như thế nào. Chỉ còn lại một
người đàn bà chân ngắn tũn, nằm lì trên giường vì thân hình xấu xí và hay mắng
mỏ Varenca hiền dịu mỗi khi cô không đắp chân bà ta cho ngay ngắn. Và không một
cố gắng nào của trí tưởng tượng còn có thể làm sống lại bà Stan ngày trước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3