Anna Karenina (Tập 1) - Phần 1 - Chương 07
14
Nhưng
đúng lúc ấy, phu nhân bước vào. Mặt bà lộ vẻ hãi hùng khi thấy chỉ có hai người
bàng hoàng đứng với nhau. Levin lặng lẽ cúi chào bà. Kitti nín thinh, mắt nhìn
xuống. “Đội ơn Chúa, nó từ chối rồi”, bà mẹ nghĩ thầm và mặt sáng lên nụ cười
quen thuộc, nụ cười tiếp khách những tối thứ năm. Bà ngồi xuống và bắt đầu hỏi
Levin sống ở nông thôn ra sao. Chàng đành ngồi lại, chờ khách đến đông để lẻn
về khỏi lộ.
Năm
phút sau, một bạn gái của Kitti, mới lấy chồng mùa đông năm ngoái, bước vào: nữ
bá tước Norxton.
Đó là một thiếu phụ dễ khích động, người khô đét, da vàng
bệch, mắt đen, vẻ ốm yếu. Bà ta mến Kitti và lòng ưu ái đó, giống như ở mọi
người đàn bà có chồng yêu thích các thiếu nữ, thể hiện rõ trong ý muốn kiếm cho
Kitti một người chồng phù hợp với lý tưởng về hạnh phúc của bà: bà ta muốn
Kitti lấy Vronxki. Bà ta thường gặp Levin ở nhà Serbatxki hồi đầu mùa đông và
bao giờ cũng ác cảm với chàng. Mỗi khi gặp Levin, bà chỉ thích chế giễu chàng.
- Tôi
thích thấy anh ta nhìn tôi bằng nửa con mắt hoặc cắt đứt câu chuyện vì thấy tôi
ngu dốt quá, hoặc hạ cố nói chuyện với tôi. Tôi rất thích thấy anh ta hạ mình
xuống! Tôi rất thú vị thấy anh ta không chịu được tôi, - bà nói. Bà ta không
nhầm: quả thật, Levin không thể chịu được bà, và điều chàng khinh miệt lại
chính là những cái bà ta thường khoe khoang và dương dương tự đắc: tính dễ
khích động, vẻ khinh khỉnh và dửng dưng lọc lõi của bà đối với tất cả những gì
cục cằn và vật chất. Giữa nữ bá tước Norxton và Levin, hình thành cái quan hệ
thường gặp khá nhiều trong giới thượng lưu: quan hệ giữa hai người bề ngoài vẫn
là bè bạn nhưng khinh nhau đến mức không thèm để ý, không thèm đả kích nhau
nữa. Nữ bá tước Norxton lập tức tấn công Levin.
- A,
Conxtantin Dimitrievitr! Thế là ông lại trở về giữa thành Babilon(19) đồi trụy của chúng tôi rồi, - bà ta vừa chìa bàn
tay gầy nhẳng và vàng bệnh cho chàng bắt, vừa nói, có ý ám chỉ câu của Levin
vào một hôm đầu mùa đông: càng bảo Moxcva là một thứ Babilon. - Thế nào, phải
chăng Babilon đã cải hóa hay chính ông đã hư hỏng vậy? - bà nói tiếp, và đưa mắt
cười cợt nhìn Kitti.
(19) Một thành phố thời thượng cổ
thành lập năm 2106 trước Công nguyên. Hiện nay vẫn còn di tích trên sông Ơfrat
cách Bátđa (thủ đô Irắc) 160 cây số về phía Đông Nam. Nổi tiếng về những công
trình kiến trúc mỹ lệ và sự xa hoa đàng điếm.
- Thưa
nữ bá tước, tôi rất lấy làm vui thích thấy bà còn nhớ kĩ câu tôi nói đến thế, -
Levin đáp, chàng đã kịp trấn tĩnh và ngay từ đầu đã lấy lại cái giọng mát mẻ
thường dùng để nói chuyện với nữ bá tước Norxton. - Hẳn nó đã gây ấn tượng mạnh
mẽ đối với bà.
- À!
Chứ sao nữa? Tôi đã ghi lại tất cả. Này Kitti, cô vẫn đi trượt băng đấy à?
Và bà
liền quay sang nói chuyện với Kitti. Mặc dầu thấy rút lui sớm quá cũng không
tiện, Levin vẫn ưng phạm điều khiếm nhã đó hơn là ngồi lại cả buổi tối cạnh
Kitti; thỉnh thoảng cô lại liếc trộm chàng trong khi vẫn tránh cái nhìn của
chàng. Chàng định đứng dậy, nhưng phu nhân thấy chàng lặng thinh, liền
hỏi:
- Cậu
có định ở lại Moxcva lâu không? Hình như cậu làm ở tòa án hòa giải hội đồng tự
trị địa phương phải không? Chắc cậu không ở lại lâu được nhỉ?
- Thưa
phu nhân, không ạ, tôi không ở trong hội đồng nữa, Levin nói. - Tôi đến đây vài
hôm thôi ạ.
“Hắn ta
đang có chuyện gì đây”, nữ bá tước Norxton nghĩ thầm, nhìn kĩ bộ mặt nghiêm
nghị và khắc khổ của Levin, “hắn không lao vào những chuyện thuyết lý thường
lệ. Nhưng mình sẽ có cách khiến hắn phải nói như mọi khi. Mình rất thích làm
cho hắn đâm ra lố bịch trước mặt Kitti và mình sẽ làm được như vậy!”
- Ông
Conxtantin Dimitrievitr, - bà nói với Levin, - ông là người am hiểu mọi chuyện
sau, xin ông cắt nghĩa giùm tại sao ở tỉnh Kaluga chúng tôi, bọn mugich và vợ
con chúng có bao nhiêu tiền là uống rượu sạch và không còn gì để nộp tô cho
chúng tôi nữa? Thế nghĩa là thế nào? Ông thường vẫn khen ngợi bọn mugich ghê
lắm kia mà...
Giữa
lúc đó, một bà khác bước vào phòng và Levin đứng dậy.
- Thưa
nữ bá tước, xin lỗi bà, tôi không rõ tình hình ra sao nên không thể trả lời
được, - chàng nói và ngoảnh nhìn một sĩ quan theo sau bà vừa tới. “Chắc đây là
Vronxki”, Levin nghĩ thầm và để chắc chắn hơn, chàng liếc nhìn Kitti. Cô đã kịp
trông thấy Vronxki và lại đưa mắt về phía Levin. Chỉ một cái nhìn đó và đôi mắt
cô gái long lanh cũng đủ cho Levin hiểu cô yêu người đàn ông đó, hiểu chắc chắn
như cô đã lớn tiếng thú nhận với chàng vậy. Nhưng anh chàng này là người thế
nào đây?
Bây
giờ, nên hay không nên, Levin cũng không thể không ở lại, chàng cần biết kẻ
được Kitti yêu là người thế nào.
Có
những người khi gặp kẻ tình địch may mắn hơn mình, thì sẵn sàng phủ nhận tất cả
những gì tốt đẹp, mà chỉ nhìn thấy cái xấu ở anh ta thôi; trái lại có những
người trước hết muốn tìm cho ra ở kẻ tình địch tốt số những ưu điểm khiến anh
ta thành công, và, lòng đau như xé, chỉ nhìn thấy mặt tốt của anh ta. Levin
thuộc vào loại người này. Nhưng chàng chẳng phải mất công mới khám phá ra những
gì quyến rũ ở Vronxki. Điều đó nổi bật trước mắt. Vronxki tóc nâu, người tầm
thước, rất cân đối, khuôn mặt đẹp hồn hậu, vẻ rất bình tĩnh và tự tin. Trên
khuôn mặt và toàn thân chàng, từ mớ tóc nâu cắt ngắn, chiếc cằm cạo nhẵn cho
đến bộ đồng phục mới may rất chỉnh, tất cả đều vừa giản dị vừa sang trọng. Sau
khi né ra nhường lối cho một bà cùng vào với mình, Vronxki tiến lại gần phu
nhân rồi đến chỗ Kitti.
Khi đi
về phía cô gái, cặp mắt đẹp của chàng ngời lên một ánh trìu mến và một nụ cười
sung sướng thoáng nở, vừa nhũn nhặn vừa đắc thắng (theo cảm giác của Levin),
chàng cúi chào Kitti và chìa bàn tay thon thả nhưng rộng cho cô bắt. Sau khi
chào mọi người và nói với mỗi người vài câu, chàng ngồi xuống, không nhìn
Levin, trong khi Levin vẫn không rời mắt khỏi chàng.
- Cho
phép tôi giới thiệu hai vị với nhau, - phu nhân vừa nói vừa chỉ Levin, - ông
Conxtantin Dimitrievitr Levin, bá tước Alecxei Kirilôvich Vronxki.
Vronxki
đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt Levin, vẻ thân mật và bắt tay.
- Tôi
đã tưởng là mùa đông vừa qua chúng ta được cùng ngồi ăn với nhau kia đấy, -
chàng nói với Levin, mỉm cười giản dị và thành thật. - Nhưng đột nhiên ngài lại
bỏ về nông thôn mất.
- Ông
Conxtantin Dimitrievitr khinh miệt và ghét bỏ thành phố này cùng những người ở
đấy, - nữ bá tước Norxton nói.
- Chắc
những lời tôi nói đã có ấn tượng mạnh mẽ đối với bà, nên bà mới nhớ kĩ đến thế,
- Levin nói, và chợt nhớ mình đã nói câu này một lần rồi, liền đỏ mặt.
Vronxki
nhìn Levin và nữ bá tước Norxton rồi mỉm cười.
- Ngài
vẫn sống ở nông thôn? Mùa đông, ở đó chắc buồn lắm?
- Khi
bận công bận việc thì không thấy buồn, vả lại, tôi cũng chẳng bao giờ buồn vì
chỉ rỗi có một mình, - Levin trả lời, giọng cộc cằn.
- Tôi
rất thích nông thôn, - Vronxki nói, như không để ý đến giọng Levin.
-
Nhưng, thưa bá tước, chắc ông không thích ở nông thôn suốt đời chứ? - nữ bá
tước Norxton nói.
- Tôi
không biết, tôi chưa ở nông thôn lâu ngày bao giờ. Tôi đã từng có một cảm giác
kỳ lạ, - Vronxki nói tiếp. - Chưa bao giờ tôi thấy nhớ nông thôn, nhớ miền nông
thôn Nga với những người mugich đi giày vỏ cây, như cái hồi sau khi sống qua
một mùa đông ở Nixo cùng mẹ tôi. Nixo, Xorento thì cũng chỉ có thể chịu được ít
bữa thôi. Chính ở đó người ta mới thấy nhớ nước Nga mãnh liệt nhất. Thật y như
là... - Chàng nói, lúc với Kitti, lúc với Levin, cặp mắt điềm đạm và hòa nhã,
hết nhìn người này sang người kia; rõ ràng chàng đã nói ra những gì chợt đến
trong đầu.
Nhận
thấy nữ bá tước Norxton muốn nói điều gì, chàng dừng lại giữa câu và chăm chú lắng
nghe bà ta.
Câu
chuyện vẫn không ngớt đi phút nào, phu nhân không cần đưa ra hai đề mục lớn:
món cổ học với những trường chuyên nghiệp và chế độ quân dịch, mà bà luôn dự
trữ phòng khi thiếu đầu đề nói chuyện và nữ bá tước Norxton cũng không có dịp
trêu chọc Levin. Levin không thể tham gia vào cuộc nói chuyện chung, mặc dầu
chàng rất muốn; lúc nào chàng cũng tự bảo: “Mình phải đi ngay mới được”, nhưng
vẫn ngồi lại, chờ đợi một cái gì. Câu chuyện chuyển sang vấn đề bàn xoay và
vong hồn, và nữ bá tước Norxton, vốn tin ở thuật gọi hồn, liền bắt đầu kể lại
những điều kỳ diệu bà ta đã mục kích.
- A! Nữ
bá tước, xin bà hãy vì Chúa, dẫn tôi đến nhà những người đó với! Tôi chưa bao
giờ được thấy điều gì phi thường cả, mà tôi thì chỉ ước muốn có thế thôi, -
Vronxki mỉm cười nói.
- Đồng
ý, thứ bảy sau nhé, - nữ bá tước Norxton đáp. - Nhưng còn ông, Conxtantin
Dimitrievitr, ông có tin thế không? - bà ta hỏi Levin.
- Tại
sao bà lại hỏi tôi điều đó? Bà thừa biết là tôi sẽ trả lời như thế nào rồi.
- Nhưng
tôi thích nghe ý kiến của ông kia.
- Ý kiến tôi, - Levin trả
lời, - chỉ đơn giản là chuyện những chiếc bàn xoay kia chứng tỏ cái xã hội gọi
là học thức chẳng văn minh gì hơn những người mugich của chúng tôi cả. Họ tin ở
chuyện mất vía, ở chuyện phù chú, bùa chài, còn chúng tôi...
- Vậy
ông không tin thế ư?
- Thưa
nữ bá tước, tôi không thể tin được.
- Nhưng
nếu chính mắt tôi đã trông thấy thì sao?
- Các
bà nông thôn cũng đã kể họ trông thấy thần Đômôvôi(20).
(20) Tiếng Nga, là vị thần trong nhà,
theo chuyện cổ dân gian Nga, giống như vua bếp của ta.
- Vậy
ông cho là tôi bịa đặt chăng? - Và bà cười gượng.
- Không
đâu, Masa ạ, anh Conxtantin Dimitrievitr chỉ nói anh ấy không tin chuyện gọi
hồn, - Kitti xen vào, cô đỏ mặt ngượng thay cho Levin; chàng cảm thấy điều đó
và nổi nóng định đáp lại; nhưng Vronxki, với nụ cười thân ái và cởi mở, liền
xen vào cuộc tranh luận đang đe dọa chuyển thành mỉa mai chua chát.
- Ngài
hoàn toàn không thừa nhận là có thể như thế ư? - Vronxki hỏi. - Tại sao vậy?
Chúng ta đã thừa nhận là có điện lực, mà về điều này chúng ta cũng chẳng hiểu
gì hết... tại sao lại không thể có một sức mạnh mới chưa ai hiểu nổi,
nó...
- Khi
khám phá ra điện, - Levin sôi nổi ngắt lời Vronxki, - người ta mới chỉ nhận
thấy một hiện tượng mà chưa biết rõ nguồn gốc và tác dụng; hàng thế kỉ sau,
người ta mới nghĩ đến cách áp dụng nó. Trái lại, những kẻ gọi hồn bắt đầu bằng
sai khiến những chiếc bàn chỉ ra hậu vận và gọi vong hồn, rồi sau đó mới nói
đến một sức mạnh chưa ai hiểu nổi.
Như các
lần trước, Vronxki chăm chú lắng nghe Levin, coi bộ rất quan tâm đến những ý
kiến của chàng.
- Phải,
nhưng bây giờ những kẻ gọi hồn nói: “Chúng tôi không hiểu sức mạnh đó ra sao,
tuy nhiên nó vẫn tồn tại và đây, các vị hãy xem nó hoạt động trong những điều
kiện như thế nào. Việc khám phá nội dung của nó, xin dành cho các nhà bác học.”
Không, tôi không rõ tại sao không thể có một sức mạnh mới, nếu...
- Tại
vì, - Levin lại ngắt lời chàng lần nữa, - nói về điện lực, mỗi lần ngài lấy len
xát vào miếng nhựa cây, ngài đều đạt được một hiện tượng nhất định, còn như cái
trò gọi hồn, không phải bao giờ cũng có kết quả. Cái đó không thể là một hiện
tượng tự nhiên được. - Hẳn Vronxki nghĩ câu chuyện đã trở nên quá trang nghiêm
đối với một phòng khách, nên không trả lời gì; để lái sang chuyện khác, chàng
vui vẻ mỉm cười và quay về phía các bà.
- Ta
hãy thí nghiệm luôn xem, thưa nữ bá tước, - chàng nói tiếp. - Nhưng Levin lại
muốn tiếp tục chứng minh nốt ý kiến của mình.
- Theo
tôi, - chàng nói, - cái mưu toan của bọn gọi hồn định giải thích phép mầu bằng
một sức mạnh mới, nhất định thất bại. Họ nói đến sức mạnh tinh thần mà lại muốn
bắt nó trải qua thí nghiệm vật chất.
Tất cả
đều chờ chàng nói hết, chàng chợt nhận ra điều đó.
- Thế
mà, tôi lại cứ tưởng ông có thể làm một cô đồng cừ khôi kia đấy, - nữ bá tước
Norxton nói, - ông quả có một cái gì thật sôi nổi.
Levin
mở miệng toan trả miếng, nhưng đỏ mặt lên và không nói gì.
- Ta
đem bàn ra thử gọi hồn luôn xem sao, - Vronxki nói. - Thưa phu nhân, bà cho
phép?
Và
chàng đứng dậy, đưa mắt tìm chiếc bàn tròn.
Kitti
đứng dậy và bắt gặp cái nhìn của Levin khi đi qua trước mặt chàng. Cô hết lòng
thương hại chàng và càng thương hơn vì chính cô là nguyên nhân nỗi đau đớn.
“Nếu có thể xin anh tha thứ cho em, cái nhìn của cô nói vậy... em đang sung
sướng biết bao!” “Tôi căm thù mọi người, cả cô, cả bản thân tôi nữa!” Cái nhìn
của Levin trả lời vậy, và chàng định tìm mũ ra về. Nhưng số chàng chưa thể rời
căn phòng này được. Trong khi người khác xúm lại ngồi quanh bàn tròn và chàng
sắp sửa ra đi, thì lão quận công bước vào. Ông chào các bà và quay về phía
Levin.
- A! -
ông nói, giọng vui vẻ. - Cháu đến đây lâu chưa? Thế mà bác không biết là cháu ở
đây nữa kia. Tôi rất vui mừng được gặp cậu. - Quận công lúc gọi Levin bằng cháu,
lúc bằng cậu. Ông ôm hôn chàng và trong khi nói với chàng, ông không chú ý mảy
may đến Vronxki lúc này đã đứng dậy và bình tĩnh chờ ông nhận ra sự có mặt của
mình. Kitti cảm thấy sau câu chuyện vừa xảy ra, thái độ thân ái của cha hẳn
càng làm Levin khổ tâm. Cô cũng thấy cha cuối cùng đã lạnh lùng đáp lại lời
chào của Vronxki và thấy Vronxki nhìn ông cụ vẻ vừa ngạc nhiên lại vừa buồn
cười tựa hồ như tự hỏi: quái quỷ tại sao người ta lại có thể xử tệ với mình
thế; Kitti đỏ mặt.
- Thưa
quận công, xin bác trả lại Conxtantin Dimitrievitr cho chúng cháu, - nữ bá tước
Norxton nói. - Chúng cháu đang định làm một thí nghiệm.
- Thí
nghiệm gì thế? Xoay bàn à? Xin quý bà và quý ông thứ lỗi cho, nhưng theo ý tôi
thì chơi trò chồn đèn(21) còn thú vị hơn, - lão quận công vừa nói vừa nhìn
Vronxki và đoán rằng chính chàng ta đã đầu têu ra cái trò này. - Trò chồn đèn
ít ra cũng có một ý nghĩa nào đó. - Vronxki nhìn quận công một cách điềm đạm và
ngỡ ngàng, rồi chàng thoáng mỉm cười và quay ngay sang nói chuyện với nữ bá tước
Norxton về cuộc khiêu vũ lớn sẽ tổ chức vào tuần sau.
(21) Một trò chơi tập thể trong đó
mọi người ngồi quanh chiếc bàn tròn, luồn cái vòng vào sợi dây dài và chuyển nó
từ chỗ này qua chỗ khác, tượng trưng cho con chồn đèn đang lẩn trốn người săn.
Một người làm người đi săn cố tìm cách bắt được cái vòng.
- Tôi
hi vọng cô sẽ đến dự chứ? - chàng hỏi Kitti.
Khi lão
quận công vừa rời chàng ra, Levin vội lẻn ra không để ai thấy, mang theo trong
lòng hình ảnh cuối cùng của đêm tiếp tân đó: vẻ mặt tươi cười hớn hở của Kitti
khi đáp lại câu hỏi của Vronxki.
15
Buổi
tiếp tân kết thúc, Kitti kể lại với mẹ câu chuyện giữa cô với Levin; tuy thương
hại chàng, cô vẫn
sung sướng khi nghĩ mình vừa được một người cầu hôn. Cô tin chắc mình đã xử sự
hợp lý. Nhưng nằm vào giường rồi, cô trằn trọc mãi không ngủ được. Một hình ảnh
không buông tha cô: hình ảnh khuôn mặt Levin, lông mày nhíu lại, đứng nghe lão
quận công nói và đăm đăm nhìn cô, nhìn Vronxki bằng con mắt tối sầm và buồn bã.
Cô thương chàng đến trào nước mắt. Nhưng ngay lập tức, cô nghĩ tới người thay
thế chàng. Cô nhớ lại rõ ràng bộ mặt kiên nghị và trai tráng, vẻ tự tin rất
hiên ngang, sự đôn hậu lộ rõ trong mọi cử chỉ người ấy; cô nhớ đến mối tình mà
người cô yêu đã đem lại và tâm hồn cô dạt dào niềm vui; cô áp đầu trên mặt gối
mỉm cười sung sướng. “Chuyện ấy làm mình khổ tâm thật. Nhưng biết làm thế nào?
Đâu có phải lỗi tại mình?”, cô nghĩ vậy, mặc dầu một tiếng nói trong lòng bảo
ngược hẳn lại. Cô cũng không biết mình hối hận vì đã quyến rũ Levin hay vì đã
từ chối chàng nữa. Nhưng niềm vui sướng của cô bị mối nghi ngờ làm gợn. “Lạy
Chúa, xin Chúa hãy rủ lòng thương con! Lạy Chúa, xin Chúa hãy rủ lòng thương
con!”, cô nhắc đi nhắc lại trước khi ngủ thiếp đi. Trong lúc ấy, ở dưới nhà,
trong phòng nhỏ làm việc của lão quận công, đang diễn ra một trong những cảnh
cãi cọ quá thường xuyên giữa cha mẹ Kitti về chuyện cô con gái rượu.
- Có
chuyện gì à? Rồi bà sẽ biết! - quận công quát lớn, hai tay vung lên rồi khép
ngay vạt áo ngủ lót da sóc lại. - Có chuyện là bà chẳng có chút tự tôn, cũng
chẳng có chút phẩm cách nào hết; bà đã bôi nhọ và làm hỏng con gái bà vì cái
lối lố bịch, tầm thường là đi kiếm chồng cho nó đấy!
- Nhưng
mà lạy Chúa, tôi đã làm gì hở ông? - phu nhân nói như sắp khóc.
Sau khi
nói chuyện với con gái, bà sung sướng và mãn nguyện vào chúc quận công ngủ ngon
như thường lệ. Tuy không có ý định cho chồng biết việc Levin hỏi cưới và Kitti
đã từ chối, bà vẫn nói xa xôi cho ông hiểu bà coi đám cưới của con gái với
Vronxki là chắc chắn rồi và mọi việc sẽ quyết định ngay sau khi bà bá tước tới.
Bà vừa nói tới đó, thì quận công nổi trận lôi đình và gay gắt trút lên đầu vợ
những lời không êm tai lắm.
- Bà đã
làm gì à? Để tôi nói cho bà biết: một là, bà đã quyến rũ một vị hôn phu: Moxcva
sẽ bàn tán chuyện ấy và bàn tán là phải. Trong các buổi tiếp tân, bà nên mời
tất cả mọi người, chứ đừng mời riêng cái bọn rắp ranh bắn sẻ theo ý bà chọn
lựa. Cứ việc mời tất cả cái bọn nhãi
nhép ấy (quận công vẫn gọi đám thanh niên ở Moxcva như vậy), thuê lấy một
tên chuyên đập phá và cứ việc khiêu vũ đi, nhưng đừng có bố trí những cuộc gặp
gỡ như tối hôm nay. Trông thấy thế tôi buồn nôn lắm! Và thế là bà đạt được mục
đích rồi, bà làm con bé đâm mê loạn! Thằng Levin còn hơn cái thằng kia gấp
nghìn lần. Những ngài chủ nhãi ở Peterburg này, người ta sản xuất ra chúng hàng
loạt, thằng nào cũng giống thằng nào: toàn đồ vô tích sự hết. Và dù cho thằng
này có là hoàng tử chính tông, con gái tôi cũng không cần!
- Nhưng
tôi đã làm gì nào?
- Bà...
- quận công thét lên giận dữ.
- Nếu
nghe ông, - phu nhân ngắt lời chồng, - thì chả bao giờ ta lo được cho con gái
thành gia thất. Thà về quê ở cho xong.
- Thế
còn hơn!
- Nhưng
ông hãy nghe tôi đã nào! Tuyệt nhiên tôi không hề chạy theo anh ta. Có một
người trẻ và đẹp mê con gái mình, và tôi cảm thấy hình như con mình cũng...
- Phải,
bà cảm thấy! Và ngộ nhỡ con mình mê thằng kia thật, ngộ nhỡ thằng cha chẳng
tính đến chuyện lấy vợ hơn gì tôi bây giờ thì sao?... Ôi! Tôi muốn không có mắt
cho xong!... - “Ôi chao! Phép gọi hồn. Ôi chao! Nixo! Ôi chao! Khiêu vũ!...”
(và quận công, cứ sau mỗi tiếng, lại bắt chước vợ cúi chào một cái). - Và thế
là ta làm khổ con Kitti, nếu nó thật sự có ý định...
- Nhưng
sao ông lại nghĩ như vậy chứ?
- Tôi
không nghĩ gì cả, tôi biết; về những chuyện ấy, chúng tôi có mắt nhìn, còn đàn
bà thì mù cả. Tôi thấy một người có ý định đứng đắn: đó là Levin, và tôi thấy
một con công: đó là thằng cha hợm hĩnh chỉ nghĩ đến chuyện vui chơi thôi.
- Thôi
đi, ông cứ nghĩ ra thế...
- Bà sẽ
hối hận thôi, nhưng lúc đó muộn rồi, như với con Doli ấy.
- Thôi
được, thôi được, không nói chuyện ấy nữa, - phu nhân ngắt lời chồng, chạnh nhớ
đến chuyện Doli xấu số.
- Được!
Chào bà! - Hai vợ chồng làm dấu thánh giá và hôn nhau, nhưng cảm thấy mỗi người
vẫn giữ lập trường riêng, và chia tay. Phu nhân mới đầu vẫn tin chắc buổi tiếp
tân đã quyết định số phận Kitti và không nghi ngờ gì về ý định của Vronxki;
nhưng lời chồng nói làm bà bối rối... Bà về phòng riêng, lòng đầy sợ hãi trước
tương lai xa lạ, và cũng như Kitti, bà thầm nhắc đi nhắc lại lời cầu nguyện từ
đáy lòng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy rủ lòng thương con. Lạy Chúa, xin Chúa hãy rủ
lòng thương con.”