Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 14
Ý:
Ăn Ý
Ẩm thực những vùng khác nhau ở Ý rất dễ
phân biệt. Ở miền bắc (Milan, Venice, Bologna, Turin...) thức ăn có xu hướng
dẻo như kem và béo hơn, trong khi dân địa phương miền trung (Florence, Perugia,
Siena...) dùng rất nhiều dầu ô liu và rau thơm, thức ăn cũng đơn giản, thanh
đạm và tươi hơn. Càng về phía nam (Rome, Naples, Catanzaro...), những món ăn Ý càng nóng và cay hơn đáng kể...
Còn
cà phê Ý? Caffè latte là một phiên bản rất giống cafè au lait của Pháp, cũng
sữa nóng đầy ắp những tách lớn, pha ít cà phê đen. Nâng tách lên, khói nghi
ngút phả lên mặt khiến tỉnh cả người, rất hợp để trị "hangover"
(chứng nhức đầu sau khi uống nhiều thức uống có cồn). Còn espresso là một thức
uống tao nhã, trong một tách nhỏ xíu như chung uống trà của những cụ già
Việt Nam hay Trung Hoa. Trong tách sóng sánh cà phê đen với lớp bọt
mỏng li ti nâu vàng, thơm ngào ngạt, uống muỗng đầu tiên những ai không quen dễ
nhăn mặt vì vị đắng đọng lại trong cổ họng, nhưng đến khi hết tách, mùi cà phê
thơm lừng còn thoảng qua rất dễ nghiền.
Những
có lẽ "quốc hồn quốc túy"
của nước Ý vẫn là cà phê cappuccino có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới. Khó
ai từ chối lời mời đi uống cappuccino ở một trong những quán cà phê vỉa hè ở Ý,
có hoa tươi mọc trên cửa sổ, bên con kênh êm đềm với những ngôi nhà xưa nghiêng
mình. Ở đó, thật "đã" khi nhấm nháp tách cappuccino sủi bọt dày, rắc
quế xay li ti màu nâu trên mặt, hớp lớp bọt nhuyễn mịn và béo như kem kèm nước
cà phê nóng thơm và hơi đắng bên dưới, ăn kèm bánh tiramisu màu nâu sôcôla kẹp
những lớp kem mỏng trắng muốt mịn màng.
Trên
đây chỉ là ba loại cà phê nổi tiếng nhất của Ý, nhưng nếu đã cất công đến nơi
này, bạn nên thử các loại khác cũng không kém phần thú vị như caffè corretto có
kèm vài giọt rượui congac, caffè freddo bỏ đá lạnh gợi nhớ cà phê đá Sài Gòn,
hay caffè d'orzo có ít cacao mà tôi có dịp uống trong một quán cà phê khuất gần
quảng trường lớn ở Verona.
Trên
đảo Murano cách trung tâm thành phố Venice nửa giờ đi phà, tôi được thưởng
thức món bánh pizza vừa ra lò nóng bỏng tay. Rìa bánh giòn tan nhưng chính giữa
lại mềm và dẻo nhờ lớp phó mát tươi, trên phủ những miếng thịt pepperoni đỏ au
và mấy trái ô liu xắt lát mỏng. Ăn món này đúng kiểu Ý không phải trong một nhà
hàng sang trọng mà phải ngồi bệt xuống chân một trong những cây cầu giữa trời
nắng chang chang, gặm pizza gói trong một lớp giấy nâu. Cũng như ăn ốc luộc
chấm mắm gừng đúng điệu ở Hà Nội phải ngồi vỉa hè trong con hẻm đầy gió thổi
hun hút lạnh lẽo vậy.
Những
bữa hải sản ở một nhà hàng gần ga Santa Lucia ở Venice thì chỉ có thể
miêu tả bằng một từ: hoàn hảo. Hai bên cầu đầy những nhà hàng Ý (ristorante
hoặc trattoria) với bàn ghế kê sát con kênh nước chảy loang loáng trong ráng
chiều, đầy dân địa phương tóc xoăn tít và ngoại hình rất Ý đang cười nói ồn ào.
Nhà hàng không hề có thực đơn, khách vào không có chọn lựa nào hết vì ai cũng
được dọn lên những món như nhau, món nào cũng ngon chết mê chết mệt. Nào sò
tươi rói trộn thịt heo băm nhuyễn và rau thơm, nhồi trong vỏ sò xanh to bằng ba
ngón tay. Nào bạch tuộc kho đẫm cà chua tươi đỏ. Nào tôm và mực nang bọc bột
chiên giòn. Tôi thích nhất món gỏi cá nướng than thoang thoảng mùi khói, xé nhỏ
trộn thứ nước xốt từ chanh, cà chua và kem. Tất cả được ăn kèm với món bánh
polenta vàng ruộm làm từ bắp tươi xay nhuyễn trộn bơ và những thứ gia vị chỉ
người Ý mới biết, vừa thơm vừa dẻo, nhấm nháp với rượu vang trắng thật ngon
lành. Bữa ăn hết 50 euro cho hai người, có lẽ là phần “xa xỉ” nhất trong chuyến
đi đối với túi tiền sinh viên hạn hẹp của chúng tôi, nhưng thật đáng và “có lý”
hơn nhiều so với những menu turistico (thực đơn cho khách du lịch) của những
nhà hàng gần quảng trường Thánh Marco.
Đến
Verona cổ kính, nổi tiếng với chuyện tình Romeo và Juliet, buổi tối đầu tiên
tôi và ba người bạn sinh viên mới quen ở cùng nhà trọ thanh niên rủ nhau ra
quảng trường thành phố, vào một quán ăn đông kín người. Cả ba bạn mới đến Ý
ngày đầu tiên nên chọn ngay món pizza, riêng tôi gọi món linguine trộn tôm.
Ngồi chờ dài cổ nửa tiếng đồng hồ, uống hết mấy ly nước vẫn không thấy thức ăn
đâu, chúng tôi sốt ruột gọi ngay cô phục vụ đang chạy tất bật từ bàn này sang
bàn khác. Cô cười bảo: “Chờ chút xíu thôi nhé” nhưng mãi gần mười phút sau mới
chạy lại, bảo nhà hàng đã làm mất miếng giấy ghi món ăn của bàn tôi. (Lúc đó
tôi mới biết vì sao Ý là một cường quốc nhưng người Ý lại khét tiếng khắp châu Âu
vì khả năng tổ chức và sắp đặt rất luộm thuộm, đúng như trong bài
“Paris ẩm thực” có nhắc đến). Thêm mười phút nữa, ba đĩa pizza được dọn
lên nhưng món linguine của tôi vẫn không thấy đâu, cô phục vụ bảo “Hay thay
bằng pizza luôn nhé, sẽ có ngay, còn linguine phải chờ thêm nữa”. Đến lúc này
tôi đã vừa mệt vừa đói, mất hết kiên nhẫn. Tôi chỉ còn chưa đến bốn mươi tám
tiếng đồng hồ ở Verona, và đáng lẽ lúc này tôi phải ngồi trên một bậc thềm bằng
đá ở quảng trường nghe những ca sĩ đàn hát những bản nhạc tiếng Ý du dương,
không phải sưng sỉa xem trận đấu Inter Milan và AS Roma phát lại trên màn hình
TV khi xung quanh mọi người đang hào hứng ăn uống ngon lành. Đến lúc dọn đĩa
linguine ra, ba bạn tôi đã ăn hết nửa phần pizza, biết tôi giận cô phục vụ cười
rất tươi “Spiacente! Buon apetio!” (Xin lỗi! Chúc ngon miệng!) Tôi cũng cười
đáp lại, nhưng có lẽ nụ cười khá mếu máo nên cô đi mà mặt vẫn băn khoăn.
Nhưng
khi ăn miếng đầu tiên, tôi tha thứ cho sự chậm trễ đó ngay lập tức. Đĩa
linguine rải những cọng mì vàng nhạt, tươi rói, sần sật trong miệng, thoảng nhẹ
mùi trứng, ăn kèm tôm bóc vỏ hồng nhạt trộn xốt và rắc zucchini xanh cắt sợi.
Có lẽ đó là món mì Ý ngon nhất tôi từng được ăn trong đời. Vì vậy, khi anh
chàng phục vụ đẹp trai như Paolo Maldini (phải tội mặt mũi hớt hơ hớt hải vì
phải phục vụ nhiều bàn) chậm đem hóa đơn thanh toán ra, tôi cũng tươi cười vui
vẻ như thường.
Có lẽ
sẽ là thiếu sót rất lớn nếu viết về ẩm thực Ý mà quên nhắc đến gelato - món kem
Ý béo ngậy, lạnh buốt răng có mặt khắp năm châu. Khách du lịch đến đây ăn kem
que nhiều đến nỗi một số cửa hàng bán đồ lưu niệm phải treo biển bên ngoài “Vui
lòng không ăn kem khi vào đây”. Một tuần ở Ý, tôi ăn không biết bao nhiêu cây
kem ốc quế trên những xe kem có mặt khắp nơi với hàng dãy kem đủ mùi vị: crema
fiorentina, pistachio, vanilla... Cắn miếng ốc quế dòn tan kèm với lớp kem dày,
béo ngậy, vị ngọ thanh còn đọng lại trong cổ lành lạnh thật hợp với những ngày
tháng bảy ở Ý nóng bức.
Ở các
nhà ga xe lửa Ý, bạn rất dễ thấy bảng thông báo những tuyến đường xuyên quốc
gia với những cái tên tiếng Ý du dương và êm đềm: Torino - Milano - Vicenezia -
Venezia, Alessandria - Piacenza - Parma - Firenze, Genova - Pisa - Roma -
Napoli... Những cái tên ấy dễ gợi nhớ đến giải Series A với những ai mê bóng đá
ngoại hạng Ý; riêng với những ai lỡ có “tâm hồn ăn uống”, những cái tên ấy lại
dậy lên trong lòng ý muốn được thưởng thức những món ngon địa phương trong một
trattoria hay ristorante có hoa tươi nở trên đầu vào một buổi chiều mùa hè nước
Ý đầy nắng và gió.
Verona, phố xá mơ màng…
Tôi không dự định đi dến Verona trong
chuyến đi Ý của mình, nhưng Venice dù yêu kiều xinh đẹp mấy cũng làm
tôi chán. Ở đây quá phát triển du lịch và một nơi có lực lượng du khách “hùng
hậu” cùng những dịch vụ kéo theo dễ làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, sau ba
ngày không gặp được bóng dáng người địa phương nào ở phố cổ có những con kênh
xanh với thuyền gondola xuôi dòng, tôi quyết định gửi vali lại chỗ cô lễ tân
vui tính ở khách sạn tôi ở, chỉ đem theo ít đồ cần thiết trong ba lô rồi leo lên
tàu đi Verona.
Thật
không may cho tôi khi đến Verona vào chiều chủ nhật, văn phòng dịch
vụ du lịch ở nhà ga đã đóng cửa trong khi tôi không có lấy một cuốn sách hướng
dẫn trong tay để tìm chỗ ở qua đêm. Bên ngoài văn phòng có một máy vi tính để
truy cập thông tin những khách sạn địa phương (Intranet, không phải Internet),
nhưng những khách sạn này giá thấp nhất cũng đã bảy tám chục euro, vượt quá ngân sách của
tôi nên tôi đi loanh quanh nhà ga một lúc. Cuối cùng, tôi quay trở lại văn
phòng, gí mắt vào sát
tấm gương và tình cờ đọc được bảng chỉ dẫn về nhà trọ thanh niên tên biệt thự
Francescatti dán bên trong. Vui mừng, tôi quay ra trạm xe buýt ngồi chờ.
Một gã
trẻ tuổi ốm nhom ốm nhách trông bộ dạng không mấy lương thiện đang lảng vảng
xung quanh khách chờ xe buýt. Tôi không lạ gì những chuyện như thế này nữa,
kinh nghiệm xương máu ở Áo trước giáng sinh đã khiến tôi tâm niệm “Ở đâu cũng
có anh hùng. Ở đâu cũng có... thằng khùng thằng điên”, và trở thành chuyên
nghiệp trong việc cảnh giác mất cắp, đến nỗi đạo chích Paris hay Venice (những
nơi vốn khét tiếng về nạn móc túi du khách) cũng không “làm ăn” được gì với tôi
huống chi giang hồ tỉnh lẻ. Tôi liếc xéo gã một cái, ra điều “ta đây biết rồi,
đừng hòng giỏ trò móc túi ở đây” rồi đeo ba lô ra trước ngực, ôm khư khư vào
lòng. Nhắm thấy con mồi không phải tay vừa, gã bỏ đi.
Anh
chàng lái xe buýt từ nhà ga trung tâmVerona đến nơi tôi ở cũng như hầu hết
những người Ý ở đây, tóc xoăn tít và mặc quần tây áo sơ mi thật lịch lãm, đeo
kiếng đen hiệu Gucci trông đẹp trai hơn cả Ben Affleck. Nhưng anh chàng không
biết tiếng Anh nên sau một hồi giải thích nơi muốn đến trong vô vọng, tôi bước
xuống ngồi ở giữa xe. Thật may mắn, đôi bạn trẻ lên xe cùng lúc với tôi đang
đứng với mớ ba lô túi xách to tướng cũng đến cùng nhà trọ nên tôi thở phào nhẹ
nhõm. Qua trò chuyện, tôi được biết hai bạn người Hà Lan, vừa đến sân bay
Milan vào buổi trưa và đã quyết định không vào thành phố mà đáp xe lửa
thẳng đến Verona. Quả là một quyết định đúng đắn vì Milan là một trong những
thành phố xấu nhất nước Ý. Trừ khi bạn là phóng viên muốn dự tuần lễ thời trang
hoặc là cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt của Inter hoặc AC Milan, có rất ít lý
do để bạn đến đây.
Nhà trọ
thanh niên Villa Francescatti là một biệt thự cổ duyên dáng nằm trên đồi, trong
khu vườn rộng xanh um cây lá và đài phun nước mát rượi bên thảm cỏ tươi tốt
mượt mà. Những căn phòng rộng của biệt thự xưa đã được biến thành một dạng ký
túc xá sinh viên với những chiếc giường tầng và cửa sổ hướng ra vườn chim hót
ríu rít. Bạn phải ở chung với bảy người khác và nhà trọ có lock-out period bắt
buộc bạn phải ra khỏi phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Phòng ốc ở đây rất
sạch sẽ yên tĩnh, không gian trong lành và giá chỉ 13,5 euro mỗi người có cả ăn
sáng nên chúng tôi không lấy đó làm phiền.
Buổi
sáng đầu tiên bước ra khỏi biệt thự, thấy ban mai trong suốt như một giọt
sương. Con đường hẹp quanh co từ ngọn đồi chúng tôi ở vẫn còn ngái ngủ, thưa
thớt người, những cửa sổ cạnh bao lơn nở hoa đỏ tím li ti khép hờ. Có tiếng
chim hót (không biết có phải từ “bụi mận gai” nào quanh đây) làm lòng tôi thật
thư thái nhẹ nhàng, vừa tản bộ vừa ngắm những ngôi nhà Verona tư lự, tường gạch
tróc lở vết thời gian và những mái ngói nâu hồng mang vẻ đẹp hài hòa và mơ
màng. Biệt thự Francescatti đã có mặt hơn năm trăm năm trước nhưng tuổi đời so
với những nhà hàng xóm vẫn còn thua xa. Verona ra đời từ thế kỷ 1 trước
công nguyên, và đã được công nhận là di sản UNESCO do những phát triển đô thị
trải qua hơn hai thiên niên kỷ vẫn còn giữ lại rất nhiều thành trì, pháo đài
thời La Mã cùng những kiến trúc Trung cổ và Phục hưng.
Chúng
tôi băng qua cây cầu bắc ngang sôngAdige trong xanh bên sườn đồi trồng đầy
cây bách reo trong gió sớm. Thành phố sáng đầu tuần vắng lặng, ngay cả ở khi
trung tâm. Những ngôi nhà tinh khiết ở đây giống như vừa bước ra từ một bức
tranh sơn dầu với những gam màu hồng đậm nhạt pha trắng và ban công bằng sắt
uốn lượn như dải lụa. Một tờ báo ở Anh đã gọi Verona là thành phố sắc hồng, quả
thật đúng. Màu hồng là chủ đạo trên những ngôi nhà xưa duyên dáng nơi đây. Ngay
cả những ngôi nhà sơn màu vàng nhạt hay nâu vẫn điểm những giàn hoa tươi ửng
hồng đẫm sương đêm và chiếc xe đạp dựa hờ hững lên tường đá cũng được sơn hồng
cánh sen. Cô gái Hà Lan đi cùng thốt lên: “Thích thành phố này quá đi!” và chúng
tôi cùng gật đầu đồng ý.
Tôi
quyết định chia tay hai bạn để làm một chuyến shopping. Ở Venice gì
cũng đắt đỏ và toàn đồ cho du khách nên tôi không mấy hứng thú mua. Tuy nhiên,
ở đây có những shop giản dị và “điền viên” hơn nhiều, bán đồ ăn địa phương: mì vàng
ươm, cà phê bột thơm lừng, xí muội kiểu Ý là lạ, hạt sôcôla trắng nhỏ li ti
đựng trong túi lưới màu kem cột nơ xinh xắn..., quần áo ở Ý cũng đẹp và giá vừa
phải (trừ khi bạn muốn mua đồ Armani, Gucci, Versace hay D&G...) nên tôi
thích thú rảo một vòng ngó nghiêng những cửa hàng nhỏ nhắn trên đường tĩnh
lặng. Sau khi ghé mua một số đồ làm quà cho mình và cho mẹ, cho chị ở nhà, tôi
lại ra khu phố chính, đứng tần ngần nhìn những nghệ sĩ lang thang chơi guitar
và thổi sáo bên cạnh một shop bán trái cây tươi ngoài vỉa hè.
Đã sang
trưa, du khách bắt đầu túa ra từ những khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố, Verona đã mất vẻ ngái
ngủ ban sáng. Tôi băng qua những con đường hẹp, tình cờ thấy trên ban công căn
nhà nhỏ nhắn trong hẻm nhỏ, một bà cụ đang đạp bụi hai trăng lưỡi liềm vàng
nhồi bông, có lẽ là đồ chơi các cháu nhỏ của bà. Thấy tôi cười tủm tỉm cười vừa
ngước nhìn từ bên ngoài đầu hẻm, bà ngừng tay đập, cũng cười với tôi.
Trong
lòng vui và nhẹ nhõm, tôi rảo bước đến thăm một trong những sức hút lớn nhất của
Verona: nhà nàng Juliet. Nhà soạn kịch lỗi lạc người Anh Shakespeare viết lại
“Romeo và Juliet” vào thế kỷ 17. Nhưng huyền thoại về tình yêu ngây thơ và mơ
mộng của hai người trẻ tuổi đã bắt nguồn ở Verona từ hơn ngàn năm
trước đó và đã có mặt trên những truyện ngắn, kịch, thơ của nhiều tác giả khác
trên thế giới trước khi Shakespeare ra đời. Bức tường gần cổng vào nhà đầy
những dòng chữ nguệch ngoạc của những kẻ đang yêu đến thăm nhà cô gái xinh đẹp,
tưởng nhớ một trong những câu chuyện tình lãng mạn nhất lịch sử nhân loại với
kết thúc bi thương do thù hận gia đình. Tôi thích thú đọc chữ “Nhà Juliet” bằng
nhiều thứ tiếng trong bảng đá đặt trước nhà, ngộ ra “Juliet’s house” trong
tiếng Anh nghe rất “chuyên nghiệp” như đang trong một phi vụ làm ăn, “Juliethaus”
tiếng Đức nghe đanh thép làm mất hết vẻ lãng mạn, “Maison de Juliette” tiếng
Pháp nghe cũng khá êm đềm, nhưng chỉ tiếng Ý “Casa di Julietta” mới du dương và
thi vị nhất, chỉ bản thân chữ đó cũng đủ làm ta mơ màng hơn cả một bài thơ.
Nhà
Juliet lớn những không đồ sộ mà rất xinh xắn, xây bằng gạch nâu xưa đã tróc
vôi, những vòm cửa cong cong như trong truyện cổ và ban công nhỏ xíu giản dị.
Tôi trả ba euro để được vào trong, trèo lên ban công nhỏ đáng yêu nhìn xuống
bức tường dây leo rậm rạp xanh um, tưởng tượng chàng Romeo đẹp trai vẫy tay bên
dưới sân. Tôi dụi mắt, không tin vào mắt mình vì có ai đang vẫy tay với tôi bên
dưới thật, hay là duyên nợ chăng? Nhưng tôi thất vọng ngay khi nhận ra người
vẫy tay là anh chàng Hà Lan đang đi cùng cô bạn gái tôi gặp trên xe buýt hôm
qua. Tôi trèo xuống, Romeo rủ: “Ăn trưa ít nên đói bụng quá. Đi ăn thêm
không?”.
Như đã
viết trong bài “Ăn Ý”, đồ ăn ở đây chỗ nào cũng ngon và đầy hương vị.
Chúng tôi chỉ ăn đồ nguội mua trong một quầy thức ăn giản dị, nhưng món bánh mì
tròn kẹp giăm bông và củ cải chua làm ai cũng tấm tắc khen. Tôi ra ngoài quảng
trường Roman Arena nhấm nháp món tráng miệng bánh gừng, làm tôi nhớ lại
Alastair ở nhà hay kể chuyện thiếu nhi về anh chàng người bánh gừng
(Gingerbread man) chạy từ lò nướng trốn bà cụ nướng bánh: “Run, run as fast as
you can. You can’t catch me, I’m a gingerbread man”. “Chạy, chạy nhanh hết sức
đi. Cũng không bắt được tôi đâu, tôi là người bánh gừng.”
Roman
Arena, một trong những công trình vĩ đại nhất châu Âu, là đầu trường La Mã được
xây dựng từ thế kỷ thứ một sau công nguyên, vào năm cuối cùng của triều đại
Augustus. Kỳ công đến nỗi trận động đất dữ dội vào thế kỷ 12 tại đây chỉ phá
hỏng được một phần bên ngoài. Khi xưa nơi này đã diễn ra nhiều cuộc chiến của
các dũng sĩ giác đấu tương tự những cảnh hoành tráng mà ai từng xem bộ phim
Gladiator khó có thể quên. Đến thế kỷ 18, đấu trường xây hình elip bằng đá cẩm
thạch hồng dài gần 150 m ấy được chuyển thành một nơi nhẹ nhàng hơn nhiều: thay
vì những cuộc cưỡi ngựa đấu thương là những vở nhạc kịch êm đềm du dương rất Ý.
Ngày nay, Roman Arena là nơi tổ chức hòa nhạc và opera thu hút hàng chục ngàn
khán giả mỗi đêm. Vậy mà khi tôi đến, tôi chẳng thấy áp phích giới thiệu chương
trình nào, chỉ có một poster quảng cáo lớn bằng một tòa nhà của hãng Lycra có
ảnh một cô gái mặc bikini thật hấp dẫn, quả là một ví dụ sống động cho cổ xưa
chen lẫn hiện đại.
Tôi
ngồi nhâm nhi bánh gừng, chợt nghe tiếng nhạc trong vắt đâu đây; quay lại, thấy
một nghệ sĩ đường phố trong trang phục quí tộc xưa đang biểu diễn nhạc nước pha
lê: khi ông huơ tay trên những chiếc ly cốc thuỷ tinh đủ kích cỡ hình thù đựng
nước lọc, những âm thanh tinh khiết vang lên như một bản nhạc êm đềm.
Tôi còn
lang thang nữa qua phố G Mazzini mua bức tranh khắc nổi hình cô gái múa balê
của một người đàn ông Nam Tư, những bánh xà bông thơm nức từ các cửa hiệu nhỏ
xinh, rồi đi lạc trong những con phố có mái vòm arcade, những tu viện, giáo
đường, nhà thờ trầm mặc, những pháo đài cổ có đôi chim bồ câu đứng gù. Tranh
thủ trở lại quảng trường Piazza Braf ngắm du khách và người địa phương lười
biếng ăn cioccolato (sôcôla) và crostata (bánh trái cây nướng) mới mua được từ
những pasticceria xung quanh. Sau rốt, tôi tạt vào một quán cà phê khuất nẻo,
nghe cô chủ và những khách người địa phương trong quán nhiệt tình chỉ tôi caffè
lungo và caffè Americano gần như là một loại, còn capuccino phải được uống ấm
chứ không quá nóng bỏng sẽ làm mất đi độ ngọt tự nhiên của sữa và độ mịn của
bọt (Lạy trời, cả đời tôi không tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ tinh
tế đến mức này).
Tôi đi
bộ một mình về chỗ trọ sau một ngày lang thang mỏi chân băng qua cây cầu cong
cong đỏm dáng ban sáng với những ngôi nhà xưa mái ngói ửng hồng có những ô cửa
sổ hình chữ nhật soi bóng xuống sông Adige trong xanh. Xung quanh vắng lặng đến
khó tin, có lẽ tất cả du khách đã ở hết khu trung tâm thành phố. Những cây tùng
cây bách vẫn reo trên mái nhà và những sườn đồi thoai thoải, nhưng cảnh hoàng
hôn buông xuống đẹp huy hoàng hơn ban sáng gấp nhiều lần. Ánh mặt trời miền Bắc
nước Ý nhuộm cảnh vật một màu óng ả như tơ tằm, như mật, như dầu ô liu nguyên
chất, như vàng ròng, hắt xuống mặt nước lăn tăn lấp loáng. Tôi nhìn buổi
chiều Verona mơ màng, quên mình đang ở một xứ sở có thực.
Song
tiếng xe Vespa rồ ga của cô nàng có gương mặt thanh thoát như thiên thần đang
đội nón bảo hiểm phóng vù vù làm tôi giật nảy mình, nhận ra đã đến con hẻm nhỏ
dẫn vào nhà trọ biệt thự Francescatti. Và chợt hiểu mình không phải đang ở
trong truyện cổ tích mà đang ở Ý, “thủ phủ” của những quái xế chạy xe ẩu nhất
thế giới. Nhưng có hề chi, đối với tôi Verona vẫn mãi là phố xá mơ màng với
những ngôi nhà mái ngói thường vôi in vết thời gian, ban công xinh xinh nhà
Juliet và cảnh hoàng hôn nhuộm dòng sông Adige vàng óng ả làm “có người lòng
như nắng qua đèo”[11].
[11] Lời một bài hát của Trịnh Công
Sơn.