Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 03

Áo:

Giáng sinh trắng

Bước ra khỏi ga xe lửa Innsbruck,
trước mắt tôi ngập tràn những tuyết là tuyết, phủ trắng rặng núi Alps hùng vĩ
nước Áo phía xa và nhỏ giọt xuống những cây dẻ trụi lá vươn cành khẳng khiu lên
nền trời xám nhạt như câu hát “ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ”, và
câu hát “về ru mình trong giấc ngủ vừa…”.

Sáng
nay, khi Alastair chở tôi ra sân bay London Stansted, mưa quất rát rạt vào cửa
kính xe, anh bảo “Vậy là năm nay ở miền Nam không có tuyết rồi, Uyên thấy chưa,
trời đang ‘ráng’ đổ tuyết mà có được đâu, chỉ toàn nước mưa!”.

Radio
lúc đó chuyển sang bài “Wake up! It’s a beautiful morning!” (Dậy đi! Thật là một buổi
sáng đẹp biết bao!) làm cả hai chúng tôi cùng bật cười vì cảnh vật ngoài trời
trái ngược hẳn. Bầu trời nặng trĩu, giận dữ trút hàng vạn xô nước xuống những
chiếc xe đang chạy vùn vụt trên đường. Alastair lại chậc lưỡi tiếc rẻ “Uyên
sướng quá, nghỉ Noel ở Áo tha hồ trượt tuyết nhé! Lại còn được gặp bạn trai.”

Chỉ còn
hai ngày nữa đến giáng sinh, không khí lễ hội ở Áo đã tràn ngập. Mới bốn giờ
chiều nhưng trời mùa đông châu Âu sập tối nhanh, đã không nhìn thấy rõ mặt
người, đèn trang trí trên cây thông trước cửa những ngôi nhà gỗ xinh xắn bật
sáng nhấp nháy. Trên ống khói những quán rượu còn có cả ông già Noel bằng bông
to bằng người thật đang lồm cồm tìm đường chui xuống, miệng cười vui vẻ và giỏ
quà nặng trĩu trên vai.

Đâu đó
từ một cửa sổ bên kia đường vẳng ra một bản nhạc thánh thót của Mozart, nhạc sĩ
thiên tài người “địa phương” (Mozart sinh ra ởSalzburg chỉ
cách Innsbruck hai tiếng đồng hồ xe lửa), ngân vang trong buổi chiều
như những giọt tuyết rơi lên ngón tay tinh khiết. Tôi vốn không biết nghe nhạc
cổ điển, nhưng vào buổi tối chập choạng ở thành phố xinh đẹp vùng Tirol này,
tiếng nhạc làm tôi ngẩn ngơ mãi cho đến khi một chiếc xe buýt ngừng lại nơi
trạm tôi đang đứng chờ. Tôi hăm hở kéo vali và ba lô lên xe, tôi sẽ
ở Innsbruck một mình tối nay trước khi sang Feldkirch nghỉ lễ giáng
sinh cùng gia đình Daniel.

Tôi
không muốn kể lại vì sao tôi đã bị mất cắp trên chuyến xe buýt ấy, toàn bộ ba
lô trong có hộ chiếu, hai máy ảnh, thẻ sinh viên, 150 euro và rất nhiều quà
Noel cho gia đình anh. Cảm giác bàng hoàng khi khám phá ra điều ấy làm tôi giận
đến nghẹt thở. (Sau này xem phim “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” bản mới
của Disney, đoạn nhà khoa học khờ khạo người Anh Phileas Fogg bị lừa lấy cắp
hết hành lý ở San Francisco ai cũng cười rộ lên trong khi tôi buồn thiu vì nhớ
lại hoàn cảnh tệ hại tương tự của tôi ở Innsbruck).

Tôi
không còn một mẩu giấy tờ tùy thân; thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng mang theo để
rút tiền cũng mất nốt và trong túi chỉ còn lại vài euro tiền xu đủ để ra buồng
điện thoại công cộng gọi về ngân hàng ở Anh báo hủy thẻ.

Anh
chàng cảnh sát trẻ ở đồn cảnh sát thành phố có khuôn mặt hiền lành, hai má bầu
bầu phúc hậu. Anh chăm chú nghe những câu nói rời rạc vô nghĩa của tôi, ân cần
“Trông cô không được khỏe. Chúng tôi đã ghi lại những gì cô nói và sẽ cố gắng,
nhưng có lẽ cô nên về nghỉ, sáng mai quay lại đây sẽ bình tĩnh hơn.” Rồi thấy vẻ hoảng loạn của
tôi, anh từ tốn: “Ngày mai khi cô trình bày rõ hơn, chúng tôi sẽ cấp một biên
bản cảnh sát, có nó cô sẽ làm lại được hộ chiếu.”, ngưng một chút, anh bảo “Tôi
có Internet ở đây, cô có muốn email cho công ty bảo hiểm du lịch hay ai đó
không?”

Tôi mở
hộp thư, thấy có một email của Daniel. Anh vẫn còn đang ở Zurich, dặn dò
tôi giữ ấm và vẽ ra thật nhiều dự định trang trí cây thông, đắp người tuyết
trong khoảng sân sau nhà. Email của anh làm tôi tủi thân, lại nhớ ban sáng ở
sân bay, tôi quay lại còn thấy Alastair đứng nhìn theo tôi khuất sau màn mưa
nước Anh mịt mù.

Tôi
muốn khóc nhưng không khóc được, tim thắt lại cảm giác tê buốt khó tả khi thấy
mình quả “khôn nhà dại chợ”, chỉ giỏi ăn hiếp bạn bè người thân trong khi ra
đường bị người ta lừa quá dễ dàng. Tôi cúi xuống, gõ mail trả lời anh "Bị
mất cắp ở Innsbruck. Gọi điện cho em ở nhà nghỉ, số điện thoại... "
rồi buồn bã chào anh cảnh sát, kéo chiếc vali còn lại trên tuyết lạo xạo dưới
chân.

Bây giờ
tôi mới thấy lạnh, cái lạnh xuyên qua mấy lớp áo dày thấm vào da thịt làm tôi
run rẩy, những ngón tay tê cóng. Tiếc rẻ những ngày cuối năm ở Sài Gòn mát mẻ
27-28 độ đã xa, tôi quấn thêm một lớp khăn lông, lẩn thẩn vừa đi vừa nghĩ có
khi nào vì không còn hộ chiếu nữa sẽ không về được Việt Nam, không về được cả
Anh nữa, phải ở lại đây rửa chén chẳng hạn?

Viễn
cảnh đó làm tôi nhìn mùa đông nước Áo không còn thấy xinh đẹp nữa, tuyết ban
nãy nhìn trắng muốt mịn màng là thế, bây giờ dưới ánh đèn đường vàng trông rõ
vết bánh xe hơi, vết giày để lại những đường xám đen. Con bạn thân đanh đá của
tôi, biết chuyện này thế nào cũng sưng sỉa "Dập mặt chưa em? Cuộc sống
không phải lúc nào cũng dễ đoán trước như kết quả quốc gia nào nhiều huy chương
vàng nhất mỗi kỳ SEA Games đâu!". Tôi ngẫm nghĩ, có lẽ tôi đã "dập
mặt" thật.

oOo

Tôi ngủ
một giấc rời rạc. Giật mình dậy chỉ mới hơn ba giờ, nhưng nhớ lại những gì xảy
ra hôm qua tôi buồn quá không ngủ lại được nữa, nằm chong mắt đến sáng. Tối hôm
trước về đến chỗ ở, tôi không còn một xu dính túi theo đúng nghĩa đen. Bà chủ
nhà nghỉ nhìn tôi ái ngại, hỏi bằng tiếng Đức mà vốn liếng ít ỏi của tôi hiểu
bà hỏi đã ăn gì chưa.

Lúc đó
tôi mới nhớ mình chưa có gì vào bụng từ sáng: chuyến bay bị trễ, mấy tiếng đồng
hồ trên xe lửa cộng với sự việc vừa xảy ra làm tôi mệt mỏi, như thể vừa mới
xong một chuyến đi dài, rất dài, về nhà thấy cửa khóa trái im ỉm mà mình lại
quên không mang theo chìa khóa.

Tôi gọi
món súp trứng và được mang lại một chén súp thật to có nguyên quả trứng gà nóng
sốt, rắc rau mùi xắt nhuyễn, bà xua tay nhất định không lấy tiền. Tôi cảm ơn
bà, vừa ăn vừa quan sát xung quanh bằng cặp mắt buồn rầu. Ở bàn bên cạnh hình
như có tiệc sinh nhật, mọi người có vẻ là dân ở đây, đang cười nói vui vẻ không
chú ý đến tôi lôi thôi lếch thếch. Phía sau lưng tôi, những du khách người Bắc
Âu đang trò chuyện với nhau ríu rít như chim hót. Tự nhiên tôi thèm được như họ
quá chừng.

Bà chủ
bước đến, nhìn tôi bằng cặp mắt xanh thẳm, nói gì đó tôi không hiểu rồi quay
sang nói to với bàn đang có tiệc sinh nhật. Không biết bà nói gì mà một cô gái
tóc vàng khoảng hai mươi tám, hai mươi chín tuổi quay qua tôi nói bằng tiếng
Anh: "Bà đây nói cô bị mất cắp, nhờ chúng tôi xem có giúp được gì cho cô
không. Tôi biết tiếng Anh, nếu cần gì tôi sẵn sàng giúp."

Tôi
mừng rỡ, buông muỗng súp đang ăn xuống "Vậy hả? Chỉ dùm em văn phòng Lost
& Found đi." Cô gái tên Sylvia bước hẳn sang bàn tôi hỏi han tường tận
rồi hứa sẽ dẫn đến văn phòng Lost & Found và cả đồn cảnh sát ngày mai.

Daniel
gọi điện đến cho ông chủ nhà nghỉ, dặn ông đưa trước cho tôi hai trăm euro dùng
tạm để anh chuyển tiền về trả ông sau, rồi an ủi tôi đang mếu máo "Mọi
việc sẽ ổn thôi mà! Ngày mai gặp lại sẽ đền, chịu chưa?".

oOo

Tôi hi
vọng kẻ cắp sau khi lấy hết tiền bạc và đồ quý giá sẽ ném ba lô có giấy tờ và hộ chiếu của tôi
đâu đó, có người nhặt được mang đến văn phòng Lost & Found. Nhưng ở đó
người ta tìm mãi không thấy ba lô tôi đâu nên tôi buồn bã để lại địa chỉ email
và số điện thoại rồi đến đồn cảnh sát.

Anh cảnh sát trẻ có khuôn mặt bầu bầu tôi gặp hôm qua
không thấy đâu, người trực không nói tiếng Anh lưu loát và tôi thật biết ơn
Sylvia đã sốt sắng phiên dịch cho tôi trong suốt hơn một tiếng đồng hồ ở đó,
nơi ông cảnh sát già cắm cúi gõ máy vi tính lạch cạch, hỏi đi hỏi lại những chi
tiết rời rạc trong câu chuyện chiều hôm qua trên chuyến xe.

Hai đầu
gối tôi như muốn khuỵu xuống vì mệt và thiếu ngủ, lại phải cố gắng nhớ lại
những điều chỉ muốn quên đi. Khuôn mặt Sylvia những khi quay sang tôi thỉnh
thoảng lại mờ nhạt như từ một nơi nào đó rất xa, tiếng nói của tôi nghe cũng xa
xăm như của ai khác. Tôi cầm tờ biên bản ông cảnh sát vừa in ra đưa, gấp lại giữ
khư khư như bùa hộ mệnh. Sylvia cảm ơn ông rồi kéo tay áo tôi "Có biên bản
rồi, hi vọng lấy được tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm, em có mua bảo hiểm
du lịch chứ? Chỉ tiếc nhất hộ chiếu, chắc là nhiều kỉ niệm hả?"

Để cảm
ơn, tôi mời cô vào một quán nước ven đường. Innsbruck rất đẹp, những
ngôi nhà cổ hẹp sơn màu pastel tươi tắn trong tuyết trắng phau. Bây giờ là mùa
đông, mấy tháng trước đây những ô cửa sổ và bao lơn bằng gỗ vùng Tirol này hẳn
nở đầy hoa tươi như trong những tấm postcard của Innsbruck tôi từng xem, và vỉa
hè hẳn cũng tràn ngập những bộ bàn ghế kê san sát với những người dân địa
phương thong thả uống trà, nhấm nháp bánh ngọt và đọc báo.

Chúng
tôi ngồi xuống một bàn gần lò sưởi kiểu xưa, những trái thông khô nổ lép bép
bắn những tia lửa li ti và thanh củi gộc lớn đang cháy đỏ rực tỏa hơi ấm khắp
gian phòng. Tôi nhìn quanh, nghĩ bụng nếu có khoai lang bỏ vào than nướng thì
ngon biết mấy.

Chúng
tôi uống cà phê khói bốc nghi ngút kèm những chiếc bánh còn nóng hổi thơm phức
mùi bơ. Bên ngoài cửa sổ, dòng người đi mua sắm vẫn tấp nập. Một chú bé chừng
hai tuổi, má tròn đỏ au như hai trái táo chín, được mẹ đẩy trên xe cứ nhất định
đòi xuống đi bộ trên tuyết rồi khóc lè nhè. Mấy cô gái trẻ xem chừng là học
sinh cấp ba tay xách nách mang những giỏ giấy lớn đựng đầy quả châu, dây kim
tuyến và những ngôi sao vàng sao bạc.

Tôi
không buồn không vui, nhìn thành phố một cách hờ hững. Chỉ vài tiếng đồng hồ
nữa tôi sẽ lên tàu về với Feldkirch, một thị xã nhỏ ngái ngủ ở miền Tây nước Áo
gần biên giới Thụy Sĩ, bỏ những kỷ niệm buồn ở đây lại đằng sau. Sau những ngày
dài dằng dặc chờ đợi, ở nhà Daniel, tôi sẽ có một giáng sinh trắng (white
Christmas) đúng nghĩa với tuyết trắng xóa đồi núi cánh đồng, sẽ buộc những dải
lụa đủ màu lên cây thông, ăn gà tây quay nhồi nấm hương và cá tươi mới bắt được
ở hồ Constance nấu súp.

Chuyến
tàu OBB trước đêm giáng sinh chật như nêm. Tôi lên tàu trễ phải đứng chen chúc
ngay lối đi giữa các khoang cùng những sinh viên trẻ về nhà nghỉ đông và những
người đi làm mặt đồ vét xách laptop lịch sự.

Đứng
mỏi chân, tôi ngồi thu lu lên vali, thỉnh thoảng phải đứng dậy nép qua một bên
cho người soát vé đi ngang, ông chẳng buồn kiểm tra vé chúng tôi mà đi thẳng
qua các khoang xe lửa, có lẽ vì thấy mọi người không có chỗ ngồi tội nghiệp.
Tôi ngồi gặm bánh mì mới mua được với giăm bông xắt mỏng cho nhiều ớt cay xè,
vừa ăn vừa buồn thiu (mãi sau này tôi có mua loại bánh mì tương tự về mới được
Daniel cho biết loại này còn sống, phải đem nướng trong lò trước khi ăn).

Trời
xanh biếc. Những ngôi nhà gỗ xinh xắn như hộp diêm tuyết phủ dày, xôm xốp mịn
màng trắng muốt trên mái trông như những ngôi nhà trang trí trên bánh Buche de
Noel. Rặng núiAlps nổi tiếng thế giới chập chùng và những cánh đồng cũng
ngập tràn tuyết phủ, trông đẹp như những tấm thiệp giáng sinh, đẹp hư hư thực
thực. Cảnh đẹp làm “trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ” tôi đứng dậy
tì mặt vào khung kính cửa sổ tàu, nhìn làng mạc miền quê êm đềm như tranh vẽ
vút qua.

Tuyết
bắt đầu rơi trở lại, ban đầu còn lất phất, sau nặng hạt dần. Những bông tuyết
li ti bay xiên như những giọt nước mắt bị gió thổi bạt đi. Chỉ còn vài tiếng
nữa đến giáng sinh, khi tàu ghé vào một ga xép nhỏ dọc đường, cửa tàu mở ra và
không gian tràn ngập bản “Silent night” bằng tiếng địa phương da diết. Bản nhạc
này đến nay đã nổi tiếng thế giới, cứ mỗi độ Noel lại vang lên từ những khu phố
Manhattan hào nhoáng trong lòng New York nhộn nhịp sôi nổi tới những nhà thờ
trong một ngôi làng Việt Nam xa xôi hẻo lánh, nhưng mấy ai biết được nó ra đời
mấy trăm năm trước từ nước Áo yên ả thanh bình đẹp như tranh vẽ mùa đông?

Khi
Daniel đón tôi ở sân ga chở về nhà ba mẹ anh, trên con phố xa xôi dẫn lên đèo
phủ đầy tuyết của đất nước mơ màng ấy, tôi lại nghe lại bài hát này lần nữa.
Những câu hát giáng sinh tôi không hiểu hết lời từ radio trên xe bỗng ngân lên
trong tôi như những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên tuyết rồi tan đi, tan
đi...

Tôi
muốn gửi những lời cảm ơn chân thành nhất của tôi đến Sylvia ở Innsbruck đã dẫn
tôi đi lấy chứng nhận của cảnh sát; Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh tại Vienna,
đặc biệt là cô Ruth-Sinclair Giám đốc Hội đồng Anh ở Áo ngay cả khi đang đi
nghỉ cũng dành nhiều thời gian giúp đỡ tôi tận tình trong việc lấy lại giấy
thông hành về lại Anh; cũng như chú Thomas và Daniel đã chở tôi đi suốt mấy
ngày liền để làm lại giấy tờ.

Cũng
xin nhắc nhở các bạn độc giả khi đi du lịch ở đâu cũng phải mua bảo hiểm du
lịch, nhưng quan trọng nhất phải giữ hộ chiếu kỹ “như giữ con ngươi trong mắt
mình”, phải mất hộ chiếu một lần ở nước ngoài mới biết được khổ sở đến chừng
nào bạn ạ!

Hoài Vienna…

Daniel và tôi đi Vienna vào những
ngày cuối năm, khi tuyết rơi trắng xóa khắp miền Tây nước Áo nhưng ở thủ đô
không có một giọt tuyết nào, chỉ có gió thổi lùa vào sáu, bảy lớp áo đủ làm
lạnh run cầm cập.

Bạn
trai tôi[5] Daniel
là người Áo nhưng học ở Thụy Sĩ.
Lần cuối cùng anh đến Vienna cũng đã cách đây mấy năm, còn tôi chưa
từng đến đây lần nào. Vậy nên sau bữa ăn sáng kiểu Viennese với cà phê nóng
hổi, bánh mì và thịt nguội ở nhà Thomas - chú ruột của anh, chúng tôi lấy lại
sức sau hơn bảy tiếng đồng hồ trên xe lửa và háo hức muốn đi thăm thành phố
ngay.

[5] Bây giờ đã thành “bạn trai cũ của
tôi”.

Cuốn
Rough guide trong phần giới
thiệu vềVienna đã viết: “Những du khách lần đầu đếnVienna đều vẽ sẵn
trong đầu hình ảnh một nơi lãng mạn với những hoài cổ Habsburg và âm hưởng
nhạc.” Thật vậy, khi chú Thomas chở hai đứa tôi đi vòng quanh thành phố, qua
những công trình kiến trúc kiểu Baroque từ thế kỉ 18 đẹp như mơ bên những cây
mùa đông trụi lá, tôi thốt lên: “Trời, giống như đang xem chương trình vòng
quanh thế giới trên TV vậy.” Daniel cười: “Chừng nào tới TP.HCM chắc tôi cũng
nói vậy.”, còn ở đây cảnh có gì đẹp đâu? Đúng là người ta chỉ quý những gì mình
không có.


Ringstrasse, nơi tập trung hầu hết những địa danh nổi tiếng của thành phố, tôi
đặc biệt thích lâu đài Hoàng gia (Hofburg), một khu phức hợp tượng trưng cho
văn hóa và di sản Vienna được xây từ năm 1275 với mười chín sân, mười tám cánh
rộng mênh mông. Gia đình hoàng gia Áo đã ở đây suốt sáu thế kỷ: từ thời Rudolf
đệ nhất năm 1279 đến Charles đệ nhất năm 1918. Những cỗ xe ngựa chở khách du
lịch đi vòng quanh thành phố nằm chờ ở đây, gợi nhớ đến những bộ phim về châu
Âu thời xa xưa.

Trong
chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler vềVienna và tuyên bố “mối liên hệ
giữa nước Áo và nước Đức phát xít” tại Hofburg. (Hitler là người gốc Áo nhưng
bạn chớ dại dột đề cập chuyện ấy với người địa phương vì người Áo rất xấu hổ về
điều này. Vả lại Áo là quê hương của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khác
để nhắc đến như nhà phân tâm học Sigmund Freud hay các thiên tài âm nhạc
Mozart, Strauss, Beethoven,…).

Mùa hè,
những quán cà phê còn kê bàn ghế ra ngoài đường - đúng kiểu cà phê al fresco
châu Âu, nhưng với cái lạnh 2 độ C có lẽ không ai thích ngồi uống cà phê ngoài
phố. Ở khu phố đi bộ Karntnerstrasse với những nghệ sĩ lang thang chơi guitar,
violon và kèn trumpet, tôi bật cười khi bắt gặp một quán bar tên Loos (trong
tiếng lóng của người Anh, loo có nghĩa là toilet). Sau tôi mới biết đây là một
quán bar nổi tiếng được kiến trúc sư người Mỹ Adolf Loos, một trong những nghệ
sĩ theo trường phái nghệ thuật mới (Art-Nouveau), vẽ kiểu vào năm 1980.

Khu phố
đi bộ Kohlamrkt - có nghĩa là chợ Than vì ở đây trước là nơi bán than (cách đặt
tên khác nào phố Hàng Than của 36 phố phường Hà Nội) - chẳng hề đen đúa như tên
gọi, ngược lại những con đường ở đây sạch sẽ và sang trọng hơn đâu hết! Ở cuối
Kohlmart là quảng trường Michaelerplatz, nơi có tòa nhà Looshaus xây dựng vào
năm 1911 cũng của KTS Adolf Loos, bây giờ là trụ sở ngân hàng. Cựu hoàng đế Áo
Frank Joseph rất ghét tòa nhà này và gọi những cửa sổ ở đây là “cửa sổ không có
lông mày” (vì những cửa sổ kiểu Loos không có những hình chạm khắc trang trí
bên ngoài như những kiến trúc Vienna khác). Dân địa phương cũng không
mấy ưa công trình kiến trúc mới Haas Haus do KTS Hans Hollein thiết kế, được
khai trương năm 1990, còn sách du lịch Lonely Planet gọi đây là tòa nhà “hiện
đại một cách không biết xấu hổ” (unashamedly modern), một phần cũng vì nó được
xây đối diện nhà thờ Thánh Stephansdom (Stephansdom), một nơi có ý nghĩa với
Vienna tương tự như tháp Effel ở Paris vậy.

Phía
đông Stephansdom là những con hẻm còn giữ lại dấu ấn nguyên thủy của thành phố, đặc biệt
tòa nhà số 8 đường Raubensteingasse là nơi Mozart qua đời khi đang sáng tác bản
Lễ cầu hồn (Requiem). Vienna là cái nôi âm nhạc cổ điển, xuất xứ của điệu Valse
dìu dặt, và người dân ở đây rất tự hào với những dấu ấn âm nhạc như tòa nhà
Opera nổi tiếng thế giới, bộ sưu tập nhạc cụ cổ, nhà hát lớn… Bên cạnh đó còn
có những ngôi nhà nơi các thiên tài âm nhạc như Beethoven, Haydn, Mozart,
Schubert… sống và sáng tác những bản nhạc bất hủ, trong đó không thể không nhắc
tới Johan Strauss với khúc luân vũ bất tử An der schonen, blauen Donau, được
biết đến ở Việt Nam với cái tên Dòng sông xanh.

Tôi đến
sông Danube (sông Donau theo tiếng địa phương) vào buổi trưa ngày
cuối năm 2004. Gió thổi hắt từ nước sông lạnh buốt và con sông mùa đông không
xanh màu da trời như trong bài hát. Sông Danube dài 2.840 km uốn lượn qua nhiều
nước châu Âu, nhưng với bản nhạc của Strauss, trong trí nhớ nhiều người đó là
con sông xanh của thủ đô nước Áo mà thôi.

Đêm
cuối năm, chúng tôi đi dạo từ Spiegelgasse, khu phố yên tĩnh treo đầy đèn hình
sao và bông tuyết về lại Stephansplatz. Hàng trăm ngàn người
dân Vienna và khách du lịch chen chúc tại đây xem pháo hoa bắn lên
nền trời những đường lượn rực rỡ mừng năm mới. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa
tôi sẽ phải lên chuyến bay đầu tiên từ Vienna về London vào
sáng sớm ngày đầu năm 2005. Những hình ảnh pháo hoa vào lúc nửa đêm, những ngôi
nhà cổ, thánh đường uy nghiêm, xe ngựa, sông Danube và những hoài cổ
Habsurg sẽ còn theo tôi cho đến khi tôi quay lại nơi đây lần nữa.

Người ở thành phố lạ, ngày cuối
năm…[6]

[6] Truyện ngắn của Phan Triều Hải.

Daniel hỏi tôi: “Có muốn ăn kem
không?”. Với cái lạnh gần 0 độ C, xem ra ý kiến này khá điên nhưng tôi hào hứng
hưởng ứng ngay. Chúng tôi vừa ăn kem que vừa dạo ở nhà thờ thành Stephans tại
trung tâm thủ đô Vienna của Áo, nơi những cỗ xe ngựa dừng chân chờ khách làm
tôi nhớ tới lời một bài hát: “Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say…”

Nhưng
đây là một ngày không như mọi ngày, hôm nay là ngày cuối năm, tôi đang ở một
thành phố lạ, với bạn trai mỗi năm chỉ gặp mấy lần, và đây là ngày cuối cùng
tôi ở đây.

Chúng
tôi đến Naschmarkt, khu chợ lớn nhấtVienna, với những hàng ăn bốc khói nghi
ngút và mùi thức ăn thơm lừng. Bên cạnh những thẩu ôliu ngâm giấm đặc trưng
Vienna có cả mứt tết nhập từ Trung Quốc, Thái Lan phục vụ cho cộng đồng người châu Á.
Không khí ở đây làm tôi nhớ đến ngày 30 tết ở Việt Nam, cũng những dòng người
hối hả mua sắm cho kịp bữa tiệc đêm cuối năm, cũng những người bán mong bán sớm
hết hàng để còn kịp về với gia đình.

Chợ
Naschmarkt khá dài, khi chúng tôi đi hết chợ, vừa nhấm nháp những món lạ như
salad trứng cá hay pho
mát sữa cừu… rồi đi bộ ngược lại, quán hàng đã dọn gần hết, chỉ còn lá bánh, vỏ
trái cây… vương trên những sọt rác bên góc chợ. Tự nhiên tôi thấy mệt mỏi như
một người sắp phải đi đâu rất xa, có lẽ những buổi chạy ngược xuôi làm lại hộ
chiếu đã vắt kiệt sức lực. Tôi bảo anh: “Mình về đi, ở đây nhìn buồn quá.”, Daniel nhìn tôi, lạ lẫm:
“Sao buồn, sắp qua năm mới rồi, phải vui chứ?”.

Những
có lẽ Vienna không phải là nơi người ta đến để vui như Amsterdam hay Barcelona. Thành phố này luôn làm tôi nhớ
tới thời hoàng kim của hoàng gia châu Âu những thế kỉ trước. Đó là kiến trúc kiểu Gothic, Baroque
và Roman, những cung điện, dinh thự tráng lệ bên cây trụi lá vươn cành khẳng
khiu lên nền trời cuối đông, và dàn đồng ca nhà thờ với những đứa trẻ giọng hát
trong vắt như thiên thần. Một nghệ sĩ lang thang ngồi ở khu phố Karntnerstrasse
chơi bản nhạc valse nổi tiếng của Johan Strauss An der schonen, blauen Donau
(Trên con sông Danube xanh xinh đẹp) làm tôi sực nhớ mình chưa đến đây như dự
định.

Tôi bảo
anh: “Đến sông Danube nhé!”, và chúng tôi đi. Tôi thích cảm giác mới
mẻ này, cảm giác ngày cuối năm ở một nơi lạ, không có gì phải lo nghĩ, muốn đi
đâu, làm gì cũng được. Có lẽ tất cả du khách đang đội mũ ấm trùm kín tai hớn hở
đến thăm lâu đài Schloss Schonbrunn lộng lẫy, có hình trang trí dạng cuộn sơn
son thiếp vàng, những hình vẽ frescoes bay bướm trên tường và đèn treo pha lê
lóng lánh; hay phố Do Thái Judenplatz với giáo đường cổ; hoặc xuýt xoa uống cà
phê Vienna nóng bỏng có lớp kem tươi mịn màng trong những Kaffeehauser ấm áp
khi bên ngoài gió lạnh tím tái môi. Chúng tôi là những người hiếm hoi đến sông
Danube vắng vẻ ở ngoại thành Vienna, khi mưa phùn mùa đông bay lất phất và
gió thổi từ mặt sông xuyên qua mấy lớp áo run lẩy bẩy. Con thuyền độc mộc bằng
gỗ xù xì neo cạnh bờ vắng lặng, đàn thiên nga bơi im lìm như những nàng công
chúa cô đơn bên lau sậy mùa đông, vừa bơi vừa ngước nhìn nền trời xám. Daniel
cười: “Không đẹp như bài hát phải không? Sắp phải về rồi chứ không lần sau mình
ra ngoại ô xa nữa, ở đó sông rộng, đẹp lắm.” Câu nói làm tôi mường tượng ngay
đến những ngôi làng xinh đẹp vùng Wachau và thung lũng sông Danube lãng
mạn yên bình, với rặng núi xanh thoai thoải và vườn nho trải dài trên sườn dốc
đứng bên dòng sông lững lờ trôi qua những tu viện, giáo đường, lâu đài và dấu
tích thành quách xưa.

Trên xe
điện, anh bảo: “À quên, tối nay ở quảng trường thành phố không bắn pháo hoa
nhiều như dự định đâu.”. Tôi thất vọng: “Sao vậy?”. “Thành phố quyết định dành
số tiền đó ủng hộ gia đình nạn nhân động đất Tsunami.”. Tôi thở dài, nhớ lại
thước phim chiếu những bãi biển, ngôi làng tan hoang và những người dân với
khuôn mặt thất thần, mà ở ngay cạnh nước tôi chứ đâu xa.

Đêm
cuối năm, dòng người đổ về quảng trường Stephansplatz ngày càng nhiều (sau tôi
được biết ở trung tâm thành phố lúc 12 giờ đêm có đến 600.000 dân địa phương
lẫn khách du lịch). Pháo bắn đì đùng khắp nơi càng làm tôi nhớ những ngày xưa ở
quê nửa đêm dậy đón giao thừa. Mặc dù được cho biết pháo này chỉ gây tiếng nổ
thôi chứ không làm bỏng da hay bị thương, tôi vẫn sợ giật bắn người mỗi khi bọn
trẻ con ném pháo xung quanh. Mặc dù thành phố không tài trợ bắn pháo hoa, vẫn
có những công ty và cá nhân tự túc mua pháo hoa mừng năm mới. Giữa khuya, tôi
đứng với Daniel trên thềm lát đá giữa biển người hớn hở ngước nhìn nơi pháo hoa
đủ màu bắn lên nền trời làm cả thành phố sáng rực. Nhưng tôi buồn. Mấy tiếng
đồng hồ nữa thôi tôi phải ra sân bay đi chuyến đầu tiên của năm. Một dòng người
chen chúc đi ngang làm tôi ngã dúi đụng phải người đứng trước mặt, cô quay lại,
nhìn tôi cười thông cảm.

Mới vài
ngày trước thôi, chúng tôi đến Vienna từ Feldkirch - quê Daniel, một thành phố
nhỏ tĩnh lặng và ngái ngủ miền Tây nước Áo cách thủ đô bảy tiếng đồng hồ - vào
sáng sớm, khi Daniel một tay lôi vali một tay nắm tay tôi kéo đi từ trạm xe lửa
đến nơi chú anh đứng đón, còn tôi mắt nhắm mắt mở nhìn thành phố lạ ẩn hiện lờ
mờ trong sương. Tôi rời Vienna cũng vào sáng sớm, khi trời còn tối
đen, nhưng tôi không nhìn nơi đây với cặp mắt một du khách đến thăm lần đầu mà
của một người sống ở đây rất lâu nay phải đi xa.

Daniel
lái xe đưa tôi ra sân bay. Chúng tôi gần như không nói gì suốt thời gian ngồi
trên xe. Nhiều lúc tôi nghi ngờ mối quan hệ từ xa của mình chẳng đi đến đâu và
than vãn mình kém may mắn. Nhưng bây giờ tôi thấy mình quả thật không muốn gì
hơn: bạn trai tôi thức dậy từ ba giờ rưỡi sáng đưa tôi đi, còn ở đầu kia châu
Âu, Alastair dậy từ 5 giờ sáng từ bữa tiệc khuya cuối năm lái xe hàng chục dặm
đón tôi ở dân bay London về ăn tết với gia đình anh, “Ngày đầu năm mà, Uyên về
nhà ba mẹ tôi chơi, đừng về Southampton không có ai buồn lắm.”

Sân bay
vắn hoe, có lẽ chuyến bay của tôi là chuyến bay duy nhất lúc này (vì giá rẻ,
nếu bay những chuyến sau giá đắt gấp ba, bốn lần). Tôi bảo Daniel chừng nào đi
làm có nhiều tiền nhất định phải bay những chuyến tử tế để anh không phải dậy
sớm ngày đầu năm vừa lái xe vừa dụi mắt nữa. Nhưng anh nhún vai cười: “Không
sao! Như thế này mới có cái để nhớ chứ.”

Bên
ngoài sân bay trời vẫn còn tối đen và mưa lâm thâm. Một vài bóng người chạy vội
vã từ bãi đậu xe vào sân bay, ướt lướt thướt. Tự nhiên tôi nhớ đến một truyện
ngắn tôi đọc từ những ngày xa xưa: “Tôi không mong đợi ngày này, nhưng nó cũng
đến. Không có gì khác với hôm qua, vẫn rét, vẫn mưa, những đã là ngày của một
năm mới rồi.”[7]

[7] Truyện ngắn của Phan Triều Hải.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3