Hỏa ngục - Chương 031 + 032 + 033
Chương 31
Tiến sĩ Elizabeth Sinskey cảm
thấy lúc này những cơn buồn nôn và chóng mặt đang đến nhanh hơn. Bà ngồi rũ
người trên băng ghế sau chiếc xe thùng đỗ trước Cung điện Pitti. Người lính
ngồi bên cạnh bà đang quan sát bà với vẻ càng lúc càng lo lắng.
Trước đó một lúc, bộ đàm của
người lính này kêu sột soạt - chuyện gì đó liên quan đến một phòng trưng bày
trang phục - khiến cho Elizabeth bừng tỉnh khỏi trạng thái đầu óc tối tăm. Bà
mơ thấy con quái vật có cặp mắt xanh lè.
Bà như quay trở lại căn phòng
tối om tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, lắng nghe những lời say sưa
điên rồ của kẻ lạ mặt bí ẩn mời bà tới đó. Người đàn ông nhìn không rõ ấy đi đi
lại lại phía trước căn phòng - một cái bóng cao lêu nghêu in bóng lên hình
chiếu rùng rợn lúc nhúc những con người trần truồng đang hấp hối, lấy cảm từ
Hỏa ngục của Dante.
“Cần ai đó đảm nhận cuộc
chiến này”, nhân vật ấy kết luận, “hoặc đây chính là tương lai của chúng ta.
Toán học khẳng định điều này. Loài người giờ đang trôi nổi trong cõi luyện ngục
của thái độ lần khần, thiếu quyết đoán và lòng tham cá nhân… nhưng những tầng
địa ngục đang chờ đợi, ngay dưới chân chúng ta, đợi để nuốt lấy tất cả chúng
ta”.
Elizabeth vẫn quay cuồng
trước những ý tưởng kinh khủng mà người đàn ông này vừa nói ra trước mặt bà. Bà
không thể chịu đựng được thêm và đứng bật dậy. “Những gì ông gợi ý là...”
“Lựa chọn còn lại duy nhất
của chúng ta”, người đàn ông ngắt lời.
“Thực tế”, bà đáp, “tôi sẽ
phải nói rằng, đó là ‘phạm tội’!”
Người đàn ông nhún vai.
“Đường tới thiên đàng phải đi qua địa ngục. Dante đã dạy chúng ta như vậy.”
“Ông điên rồi!”
“Điên ư?”, người đàn ông lặp
lại, nghe như bị tổn thương. “Tôi ư? Tôi không nghĩ vậy. Điên rồ là KẺ [1] đăm
đăm nhìn xuống vực thẳm và không chịu tin rằng nó đang tồn tại ở đó. Điên rồ là
một con đà điểu rúc đầu vào trong bao cát trong khi cả bầy linh cẩu đang tiến
gần xung quanh.”
[1]: Ở đây có sự chơi chữ. Trong bản gốc tiếng Anh,
nhân vật dùng từ “WHO” vừa mang nghĩ “người nào, kẻ nào” đồng thời là tên viết
tắt của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trước khi Elizabeth kịp bênh
vực tổ chức của mình thì người đàn ông đã đổi hình ảnh trên màn hình.
“Và nói đến linh cẩu”, ông ta
nói, chỉ vào hình ảnh mới. “Đây chính là bầy linh cẩu hiện đang bao vây loài
người... và chúng đang tiến lại gần rất nhanh.”
Elizabeth kinh ngạc nhìn hình
ảnh quen thuộc trước mắt bà. Đó là một biểu đồ do WHO công bố trong năm trước,
mô tả vấn đề môi trường chính yếu mà WHO cho rằng có tác động lớn nhất đên ý tế
toàn cầu.
Danh sách này gồm:
Nhu cầu về nước sạch, nhiệt
độ bề mặt toàn cầu, suy thoái tầng ozone, tiêu thụ các nguồn tài nguyên đại
dương, tuyệt chủng giống loài, nồng độ CO2, nạn phá rừng, và mực nước biển toàn
cầu.
Tất cả những chỉ số tiêu cực
này đều tăng trong thế kỷ qua. Nhưng giờ đây, tất cả đều đang tăng vọt với tốc
độ đáng kinh ngạc.
Elizabeth luôn có những phản
ứng tương tự mỗi lần bà nhìn thấy biểu đồ này – một cảm giác bất lực. Bà là nhà
khoa học, tin vào sự hữu ích của các số liệu thống kê, và biểu đồ này đã vẽ lên
bức tranh đáng sợ không phải về tương lai xa vời... mà là một tương lai rất
gần.
Đã nhiều lần trong cuộc đời
mình, Elizabeth Sinskey bị ám ảnh vì không còn khả năng có con. Nhưng, khi nhìn
thấy biểu đồ, bà gần như cảm thấy nhẹ nhõm vì đã không sinh ra một đứa trẻ trên
cõi đời này.
Đây là tương lai cho con của ta ư?
“Trong năm mươi năm qua”, người đàn ông cao kều nói, “tội lỗi của chúng ta
chống lại Mẹ Thiên nhiên tăng lên kinh khủng”. Ông ta ngừng lại. “Tôi lo sợ cho
linh hồn loài người. Khi WHO công bố biểu đồ này, các chính trị gia, những kẻ
quyền lực, và các nhà hoạt động môi trường của thế giới vội triệu tập những hội
nghị khẩn, tất cả đều cố gắng đánh giá xem vấn đề trong số này nghiêm trọng
nhất và thực tế chúng ta có thể hy vọng giải quyết được những gì. Kết quả? Ở
phương diện kín đáo, họ vò đầu bứt tai và khóc lóc. Ở phương diện công khai, họ
trấn an chúng ta rằng họ đang tìm kiếm các giải pháp nhưng đây vốn là những vấn
đề phức tạp.”
“Những vấn đề này vốn phức tạp!”
“Với vẩn!”, người đàn ông ngắt lời. “Bà thừa biết rằng biểu đồ này mô tả
mối quan hệ đơn giản nhất - một hàm số dựa trên một biến số duy nhất! Mọi đường
trên biểu đồ này đều tăng lên trong mối tương quan trực tiếp chỉ với một giá
trị - cái giá trị tất cả mọi người đều sợ phải thảo luận. Dân số toàn cầu!”
“Trên thực tế, tôi nghĩ điều đó hơi...”
“Hơi phức tạp hơn phải không? Thực tế, không hề! Chẳng có gì đơn giản. Nếu
bà muốn có thêm nước sạch bình quân đầu người, bà cần có số người ít hơn trên
trái đất. Nếu bà muốn giảm lượng khí thải xe cộ, bà cần lái ít xe hơn. Nếu bà
muốn các đại dương lại đầy ắp cá, bà cần ít người ăn cá hơn!”
Ông ta nhìn bà chòng chọc, giọng điệu trở nên sôi nổi hơn. “Hãy mở to mắt ra đi! Chúng ta đang trên bờ vực diệt
vong của nhân loại, và các nhà lãnh đạo thế giới đang ngồi trong phòng họp để
mất thời gian với những nghiên cứu về điện mặt trời, tái chế, và xe hơi hybrid
đúng không? Lẽ nào bà - một phụ nữ có trình độ khoa học - lại không nhìn ra
điều đó? Suy thoái tầng ozone, thiếu nước, và ô nhiễm không phải là dịch bệnh -
chúng chỉ là những triệu chứng. Căn bệnh là tình trạng quá tải dân số thế giới,
chúng ta sẽ chẳng làm được gì hơn là dán một miếng băng gạc lên khối u ác tính
đang phát triển trên rất nhanh.”
“Ông xem loài người như một
căn bệnh ung thư ư?”, Elizabeth vặn hỏi.
“Ung thư đơn giản là một tế
bào mạnh khỏe tái tạo vượt ngoài tầm kiểm soát. Tôi cho rằng bà thấy ý tưởng
của tôi là khó chịu, nhưng tôi có thể cam đoan bà sẽ thấy những phương án khác
còn kém mỹ miều hơn rất nhiều khi điều đó xảy ra. Nếu chúng ta không hành động
dũng cảm thì...”
“Dũng cảm ư?”, bà lắp bắp.
“Dũng cảm không phải là từ ông đang tìm kiếm. Phải là điên rồ!”
“Tiến sĩ Sinskey”, người đàn
ông nói, giọng bình tĩnh đến kỳ lạ. “Tôi mời riêng bà đến đây bởi vì tôi hy
vọng rằng bà - một tiếng nói khôn ngoan của Tổ chức Y tế Thế giới - có thể sẵn
lòng hợp tác với tôi và triển khai một giải pháp khả thi.”
Elizabeth trợn mắt nhìn không
sao tin nổi. “Ông nghĩ Tổ chức Y tế Thế giới sẽ hợp tác với ông… triển khai một
ý tưởng như thế này sao?”
“Nói thật là đúng thế?”, ông
ta nói. “Tổ chức của bà gồm những bác sĩ, và khi các bác sĩ có bệnh nhân bị
hoại tử, họ không do dự cắt bỏ chân của người đó để cứu mạng anh ta. Đôi khi,
quy trình hành động duy nhất là giải pháp ít tàn nhẫn hơn.”
“Chuyện này hoàn toàn khác!”
“Không. Chuyện này cũng giống
hệt. Sự khác biệt duy nhất là quy mô.”
Elizabeth cảm thấy nghe đến
đây đã quá đủ. Bà đứng phắt dậy. “Tôi phải đi để kịp máy bay.”
Người đàn ông cao kều tiến
một bước đầy hăm dọa về phía bà, chặn lối ra. “Xin nói thẳng. Dù có sự hợp tác
của bà hay không, tôi cũng có thể tự mình triển khai ý tưởng này rất dễ dàng.”
“Xin nói thẳng”, bà đáp trả.
“Tôi coi như việc này là một lời đe dọa khủng bố và sẽ giải quyết nó theo cách
như thế.” Bà rút điện thoại ra.
Người đàn ông cười phá lên.
“Bà sẽ bảo rằng tôi nói những điều chỉ mang tính giả thuyết thôi ư? Thật tiếc,
bà sẽ phải đợi mới thực hiện được cuộc gọi. Căn phòng này được che chắn bằng
điện tử. Điện thoại của bà sẽ không có tín hiệu đâu.”
Ta không cần tín hiệu, kẻ
điên rồ ạ. Elizabeth giơ điện thoại lên, và khi người đàn ông chưa kịp nhận ra
chuyện gì xảy ra thì bà đã chụp ảnh gương mặt ông ta. Ánh đèn flash phản chiếu
đôi mắt xanh lè của ông ta, trong khoảnh khắc, bà nghĩ ông ta trông rất quen.
“Dù ông là ai”, bà nói, “ông
cũng đã phạm một sai lầm khi gọi tôi tới đây. Ngay khi tôi tới sân bay, tôi sẽ
biết ông là ai, và ông sẽ có tên trong danh sách theo dõi tại WHO, CDC và ECDC
với tư cách một cách một kẻ khủng bố sinh học tiềm năng. Chúng tôi sẽ cho người
theo sát ông ngày đêm. Nếu ông tìm cách mua chất liệu, chúng tôi sẽ biết. Nếu
ông xây dựng một phòng thí nghiệm, chúng tôi sẽ biết. Không có chỗ nào cho ông
ẩn nấp cả”.
Người đàn ông đứng im phăng
phắc một lúc, như thể ông ta định nhào tới tới chiếc điện thoại của bà. Cuối
cùng, ông ta chùng xuống và bước sang bên cùng với nụ cười nham hiểm kỳ quái.
“Vậy có vẻ như màn khiêu vũ của chúng ta đã bắt đầu.”
Chương 32
Il Corridoio Vasariano - hành
lang Vasari - được Giorgio Vasari thiết kế năm 1564 theo lệnh của người đứng
đầu gia tộc Medici, Đại Công tước Cosimo I, để tạo thành một lối đi an toàn từ
tư dinh của ngài tại Cung điện Pitti tới trụ sở hành chính nằm ở Cung điện
Vecchio bên kia sông Arno.
Tương tự như đường hầm
Passetto nổi tiếng của tòa thánh Vantican, Hành lang Vasari là một lối đi bí
mật hoàn hảo. Nó kéo dài gần một ki-lô-mét từ góc phía đông của vườn Boboli tới
trung tâm của cung điện cũ, chạy ngang qua cầu Ponte Vecchio và uốn lượn qua
Bảo tàng Uffizi.
Ngày nay Hành lang Vasari vẫn
là một nơi trú ẩn an toàn, mặc dù không phải cho các quý tộc nhà Medici mà là
cho các tác phẩm nghệ thuật. Với dãy tường bảo vệ dường như vô tận, hành lang
chính là chỗ cất giữ vô vàn bức tranh hiếm hoi đổ về từ Bảo tàng Uffizi nổi
tiếng thế giới, nơi hành lang này chạy ngang qua.
Langdon đã đi vào đó vài năm
trước trong một chuyến du lịch riêng. Chiều hôm ấy, anh đã dừng lại để chiêm
ngưỡng kho tranh đẹp lạ thường trong hành lang, bao gồm cả bộ sưu tập chân dung
tự họa đồ sộ nhất thế giới. Anh cũng dừng lại vài lần để ngó qua những ô cửa
quan sát của hành lang, nơi mọi khách bộ hành có thể phán đoán được lộ trình
của mình dọc theo lối đi nằm ở trên cao này.
Tuy nhiên, sáng hôm nay,
Langdon và Sienna di chuyển qua hành lang bằng cách chạy, mong chóng thoát khỏi
những kẻ đang truy đuổi họ ở đầu bên kia càng xa càng tốt. Langdon tự hỏi sẽ
mất bao lâu để người ta phát hiện ra anh chàng bảo vệ bị trói. Đường hầm trải
dài hun hút trước mắt, Langdon cảm thấy mỗi bước đi lại dẫn họ tới gần thứ họ
đang tìm kiếm.
Cerca trova… cặp mắt chết
chóc… và một câu trả lời xem kẻ nào đang truy đuổi mình.
Tiếng động cơ của chiếc trực
thăng không người lái lúc này nghe xa tít phía sau họ. Càng đi sâu vào đường
hầm, Langdon càng nhớ ra lối đi này quả thật là một công trình kiến trúc đầy
tham vọng. Nằm cao hơn thành phố gần hết chiều dài của nói, Hành lang Vasari
giống như một con rắn lớn, uốn mình qua những tòa nhà, suốt từ Cung điện Pitti,
vượt qua sông Arno, chạy vào trung tâm thành cổ Florence. Lối đi hẹp, quét vôi
trắng dường như trải dài vô tận, thỉnh thoảng mới hơi rẽ sang trái hoặc phải để
tránh vật cản, nhưng luôn luôn tiến về phía đông… qua sông Arno.
Bất ngờ có những tiếng âm
vang phía trước họ, ngay trong hành lang, và Sienna dừng phắt lại. Langdon cũng
đứng lại, bình thản đặt một bàn tay lên vai cô, ra hiệu về phía ô cửa quan sát
gần đó.
Khách du lịch ngay bên dưới.
Langdon và Sienna tiến lại
phía ô cửa và nhìn ra, lúc này họ đang ở phía trên Ponte Vecchio - cây cầu đá
thời Trung cổ có chức năng như lối đi cho khách bộ hành tiến vào thành cổ. Bên
dưới họ, những vị khách du lịch đầu tiên trong ngày đang thích thú tận hưởng
phiên chợ họp ngay trên cầu, mở ra kể từ những năm 1400. Ngày hôm nay, những
người bán hàng chủ yêu là thợ kim hoàn và người làm đồ trang sức, nhưng không
phải lúc nào cũng như vậy. Ban đầu, cây cầu là nơi họp chợ bán thịt ngoài trời
rất lớn của Florence, nhưng năm 1593 những người bán thịt bị xua đuổi vì mùi
thịt ôi lọt vào Hành lang Vasari khiến khứu giác tinh tế của Đại Công tước vô
cùng khó chịu.
Đâu đó trên cây cầu phía
dưới, Langdon nhớ lại, chính là nơi một trong những tội ác khét tiếng nhất của
Florence từng xảy ra. Năm 1216, một quý tộc trẻ tuổi tên Buondelmonte đã vì tình
yêu đích thực mà từ chối cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt, và vì quyết định
đó, chàng đã bị giết một cách tàn bạo ngay trên cây cầu này.
Cái chết của chàng, từ lâu
vẫn được coi là “vụ án mạng đẫm máu nhất Florence”, vì nói tạo ra mối bất hòa
giữa hai phe chính trị đầy quyền thế - gia tộc Guelph và gia tộc Ghibelline.
Ngay sau đó, họ đã phát động chiến tranh huynh đệ tương tàn suốt nhiều thế kỷ.
Vì mối cừu thù chính trị này mà Dante phải rời khỏi Florence. Nhà thi hào đã
đau đớn đưa vào sự kiện đó vào Thần khúc: Ôi Buondelmonte, theo lời khuyên của
kẻ khác, chàng thoái thác lời hứa hôn của mình, và dẫn tới tội ác như vậy!
Ngày đó, có thể tìm thấy ba
tấm bảng riêng biệt gần vị trí vụ án mạng - mỗi tấm trích một dòng khác nhau từ
Khổ XVI trong Thiên đường của Dante. Một trong số đó nằm ở đầu cầu Ponte
Vecchio và đầy tính chất điềm báo thế này:
NHƯNG TRONG THỜI KỲ THÁI BÌNH
CUỐI CÙNG, ĐỊNH MỆNH ĐÃ MANG
TỚI CHO VỊ THẦN
GIÁM HỘ BẰNG ĐÁ BỊ THƯƠNG [1]
TRÊN CÂY CẦU
CỦA THÀNH PHỐ FLORENCE… MỘT
NẠN NHÂN.
[1]: Theo truyền thuyết, người La Mã thành lập thành
phố Florence vào thế kỷ I trước Công nguyên. Họ xây hẳn một đèn thờ lớn thờ
thần Chiến tranh (Mars) như là vị thần bảo vệ thành phố, cùng với một bức tượng
thần cưỡi ngựa. Sau này, khi người Thiên Chúa giáo đến Florence, một nhà thờ
được xây dựng và ngoại giáo bị bài trừ. Người dân Florence di chuyển tượng thần
Chiến tranh lên một cái bệ nằm bên sông Arno. Khi người Goth chiếm Florence, họ
xô đổ bức tượng xuống sông. Đến thế kỷ VIII sau Công nguyên, khi Charlemagne
xây lại thành phố, bức tượng được khôi phục và mặc dù đã hư hại, nó vẫn được
đặt trên một cây cột gần đầu phía bắc cầu Ponte Vecchio. Bức tượng “bị thương”
nhưng với người dân Florence, nó vẫn là biểu tượng cho sự bảo hộ của thần
thánh. Bức tượng tồn tại qua cả thời kỳ của Dante và bị nhấn chìm trở lại sông
Arno trong một trận lụt vào năm 1333.
Langdon rời mắt khỏi cây cầu,
nhìn xuống nước sông xám xịt. Ở phía đông, ngọn tháp lẻ loi của Cung điện
Vecchio nổi bật hẳn lên.
Mặc dù Langdon và Sienna mới
chỉ qua được nửa sông Arno, nhưng anh thấy rõ rằng họ đã vượt qua giới hạn quay
lại từ lâu.
***
Cách gần mười mét phía dưới,
trên nền đá cuội của cầu Ponte Vecchio, Vayentha sốt ruột quan sát đám đông qua
lại mà không thể ngờ được rằng cơ hội lập công chuộc tội duy nhất của ả, chỉ
vài phút trước đã đi qua ngay trên đầu.
Chương 33
Sâu trong khoang con tàu The
Mendacium đã buông neo, điều phối viên Knowlton ngồi một mình trong buồng của
mình, cố tập trung vào công việc nhưng không được. Đầy lo lắng, anh ta xem lại
đoạn video và suốt một giờ qua vẫn đang phân tích đoạn độc thoại dài chín phút
nửa thiên tài nửa điên cuồng.
Knowlton tua lại từ đầu, tìm
kiếm bất kỳ manh mối nào anh ta có thể bỏ sót. Anh ta bỏ qua tấm biển chìm dưới
nước… bỏ qua cái túi treo lơ lửng đựng đầy thứ chất lỏng màu nâu vàng đùng đục…
và tìm tới khoảnh khắc cái bóng có mũi chim xuất hiện – một cái bóng dị dạng in
lên vách hang đang nhỏ nước… được thắp một quầng sáng đỏ yếu ớt.
Knowlton lắng nghe giọng nói
đã bị bóp méo, cố giải mã thứ ngôn ngữ phức tạp. Đoạn độc thoại trôi qua khoảng
một nửa, cái bóng trên tường đột nhiên phình to hơn và âm thanh giọng nói tăng
hẳn.
“Địa ngục của Dante không
phải hư cấu… nó là lời tiên tri!
Nỗi thống khổ cùng cực. Những
bất hạnh giày vò. Đây là viễn cảnh của ngày mai.
Nhân loại, nếu không được kìm
hãm, sẽ giống như một đại dịch, một thứ ung thư… Dân số đang tăng lên qua mỗi
thế hệ kế tiếp nhau cho tới khi những tiện nghi trần tục từng nuôi dưỡng đức
hạnh và tình huynh đệ của chúng ta mai một thành hư không… khơi gợi những con
quái vật ngay trong chúng ta… tranh đấu sống mái để nuôi sống con cháu chúng
ta.
Đây chính là địa ngục chín
tầng của Dante.
Đây là những gì đang chờ đợi.
Khi tương lai lao thẳng vào
chúng ta, được tiếp sức bằng phép toán học kinh khủng của Malthus, chính là lúc
chúng ta chao đảo bên trên tầng địa ngục thứ nhất… chuẩn bị rơi xuống nhanh hơn
chúng ta hình dung.”
Knowlton cho dừng đoạn video.
Toán học của Malthus ư? Tìm kiếm nhanh trên Internet cung cấp cho anh ta thông
tin về một nhà toán học kiêm nhân khẩu học nổi bật người Anh ở thế kỷ XIX có
tên Thomas Robert Malthus, người đã dự đoán sự sụp đổ tất yếu trên toàn cầu do
tình trạng quá tải dân số.
Knowlton lo sợ khi thấy tiểu
sử Malthus còn có cả một đoạn trích bi quan từ cuốn sách Luận về nguyên tắc dân
số của ông.
“Sức mạnh của dân số vượt xa
sức mạnh tạo ra sinh kế cho con người trên trái đất, đến mức tình trạng chết
yểu sẽ viếng thăm loài người dưới một hình thức nào đó. Những thói xấu của loài
người chính là tác nhân tích cực cho việc giảm dân số. Nhiều nhan nhản, chúng
là điềm báo trước cho sự hủy diệt, và thường tự chúng sẽ hoàn tất công việc
kinh khủng ấy. Nhưng nếu chúng thất bại trong cuộc chiến tiêu diệt này, mùa đau
ốm, các căn bệnh, trận dịch, và dịch hạch sẽ tràn tới mạnh mẽ và quét một lúc
hàng nghìn hàng vạn người. Nếu thành công vẫn chưa trọn vẹn, nạn đói không thể
tránh khỏi sẽ lén theo sau, và bằng một đòn khủng khiếp sẽ đưa dân số về tương
ứng với lương thực của thế giới.”
Tim đập thình thịch, Knowlton
nhìn lại hình ảnh đang tạm dừng của bóng đen có mũi hình mỏ chim.
Nhân loại, nếu không được kìm
hãm, sẽ giống như một thứ ung thư.
Nếu không được kìm hãm.
Knowlton không thích cách nói đó lắm.
Ngón tay đầy do dự, anh ta
cho đoạn video chạy tiếp.
Giọng nói bị bóp méo tiếp tục
vang lên.
“Không làm gì tức là đón chào
địa ngục của Dante… chật chội và đói khát, đắm đuối trong Tội lỗi.
Và ta mạnh dạn hành động.
Một số kẻ sẽ co rúm lại vì sợ
hãi, nhưng sự cứu rỗi nào cũng có giá của nó.
Sẽ có ngày thế giới hiểu rõ
sự hy sinh cao cả của ta.
Vì ta là Cứu rỗi.
Ta là Vong linh.
Ta là cảnh cửa đi vào kỷ nguyên Hậu loại người.”