Hỏa ngục - Chương 000

KÍNH TẶNG CHA MẸ TÔI…

Lời cảm ơn

Xin gửi lời cảm ơn chân thành
và khiêm nhường nhất của tôi tới:

Đầu tiên và trên hết là người
bạn thân cũng là biên tập viên của tôi, Jason Kaufman, vì sự tận tâm và tài
năng… nhưng chủ yếu là vì khiếu hài hước bất tận của anh ấy.

Người vợ tuyệt vời của tôi,
Blythe, vì tình yêu và lòng kiên nhẫn của cô ấy với quá trình viết lách, và
cũng vì những bản năng siêu đẳng và sự vô tư của cô ấy với tư cách là một biên
tập viên ở vị trí “tiền tuyến”.

Đại diện không biết mệt mỏi
và cũng là người bạn tin cậy của tôi, Heide Lange, vì đã dẫn dắt thành thạo
nhiều cuộc trò chuyện ở nhiều quốc gia và về nhiều chủ đề hơn cả những gì tôi
biết. Tôi mãi mãi biết ơn những kỹ năng và nghị lực của cô ấy.

Xin cảm ơn toàn bộ đội ngũ
nhân viên ở Doubleday vì lòng nhiệt thành, sự sáng tạo và nỗ lực đối với các
cuốn sách của tôi. Đặc biệt cảm ơn Suzanne Herz (vì phải đảm nhiệm quá nhiều
vai trò... và đã đảm nhận rất thành công), Bill Thomas, Michael Windsor, Judy
Jacoby, Joe Gallagher, Rob Bloom, Nora Reichard, Beth Meister, Maria Carella,
Lorraine Hyland. Và cũng cảm ơn sự ủng hộ không ngừng của Sonny Mehta, Tony
Chirico, Kathy Trager, Anne Messitte, và Markus Dohle. Cảm ơn những con người
phi thường thuộc phòng kinh doanh của Nhà xuất bản Random… Các bạn quá là vô
đối!

Cảm ơn luật sư uyên bác của
tôi, Michael Rudell, vì bản năng hoàn hảo tuyệt vời trong giải quyết tất cả các
vấn đề, cả lớn và nhỏ, cũng như vì tình bạn của anh ấy.

Cảm ơn trợ lý không thể thay
thế của tôi, Susan Morehouse, vì thái độ làm việc và sự bền bỉ của cô ấy. Thiếu
cô ấy, mọi thứ sẽ rơi vào hỗn loạn.

Xin cảm ơn tất cả bạn bè của
tôi ở Transworld, đặc biệt là Bill Scott-Kerr vì sức sáng tạo, sự ủng hộ và
khuyến khích của anh ấy, và cả Gail Rebukc vì vai trò lãnh đạo siêu việt của cô
ấy.

Cảm ơn Nhà xuất bản của tôi ở
Ý, Mondadori, đặc biệt là Ricky Cavallero, Poera Cusani, Giovanni Dutto,
Antonio Franchini, và Claudia Scheu, và Nhà xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ Altin
Kitaplar, đặc biệt là Oya Alpar, Erden Heper, và Batu Bozkurt, vì sự giúp đỡ
đặc biệt liên quan tới các địa danh trong cuốn sách này.

Cảm ơn các nhà xuất bản tuyệt
vời khác trên thế giới vì sự tận tụy, chăm chỉ và cam kết của họ.

Xin cảm ơn Leon Romero,
Montalvo và Luciano Guglielmi vì vai trò quản lý rất ấn tượng của họ đối với
công việc dịch thuật ở London và Milan.

Xin gửi lời cảm ơn của tôi
tới Tiến sĩ Marta Alvarez Gonzalez vì đã dành rất nhiều thời gian với chúng tôi
ở Florence, và đã mang sức sống tới cho nghệ thuật và kiến trúc của thành phố.

Cảm ơn Maurizio Pimponi, con
người có một không hai, vì tất cả những gì anh ấy đã làm để trợ giúp chuyến đi
của chúng tôi tới nước Ý.

Xin chân thành cảm ơn tất cả
các nhà sử học, hướng dẫn viên, và các chuyên gia đã dành nhiều thời gian với
tôi ở Florence và Venice, chia sẻ kiến thức của họ: Giovanna Rao và Eugenia Antonucci
ở Thư viện Medicea Laurenziana, Serena Pini và đội ngũ nhân viên ở Cung diện
Vecchio, Giovanna Giusti ở Phòng trưng bày Uffizi, Barbara Fedeli ở Nhà rửa tội
và III Duomo, Ettore Vito và Massimo Bisson tại Thánh đường St. Mark, Giorgio
Tagliaferro tại Cung Doge, Isabella Di Lenardo, Elizabeth Carroll Consavari, và
Elena Svalduz ở Venice, Annalisa Bruni và đội ngũ nhân viên ở Thư viện Quốc gia
Marciana, và tới nhiều người khác mà tôi không thể nhắc đến trong bản danh sách
ngắn gọn này.

Cảm ơn Rachael Dillon Fried
và Stephanie Delman ở Cơ quan Đại diện Sanford J. Greenburger vì tất cả những
gì họ đã làm cả ở Mỹ và ở nước ngoài.

Xin được cảm ơn những bộ óc
phi thường của Tiến sĩ George Abraham, Tiến sĩ John Treanor, và Tiến sĩ Bob
Helm vì kiến thức khoa học chuyên môn của họ.

Chân thành cảm ơn các độc giả
đầu tiên của tôi, những người đã đưa ra quan điểm của mình: Greg Brown, Dick và
Connie Brown, Rebecca Kaufman, Jerry và Olivia Kaufman, John Chaffee.

Cảm ơn chuyên gia web Alex
Cannon, người đã cùng với nhóm cộng sự ở Xưởng Truyền thông Sanborn giữ cho mọi
thứ hoạt động suôn sẻ trong thế giới trực tuyến.

Cảm ơn Judd và Kathy Gregg đã
dành cho tôi không gian yên tĩnh trong khuôn viên Green Gables để tôi viết
những Chương cuối của cuốn sách này.

Cảm ơn những nguồn trực tuyến
tuyệt vời của Dự án Princeton Dante, Digital Dante tại Đại học Columbia, và The
World of Dante.

NHỮNG NƠI TĂM TỐI NHẤT CỦA
ĐỊA NGỤC DÀNH RIÊNG

CHO NHỮNG KẺ GIỮ THÁI ĐỘ
TRUNG DUNG

TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG ĐẠO
ĐỨC

Cơ sở thực tế

Mọi thông tin tham khảo bằng
hình ảnh, minh họa, văn học, khoa học, và lịch sử trong cuốn tiểu thuyết này
đều có thật.

“Consortium” là một tổ chức
tư nhân có văn phòng đặt tại bảy quốc gia. Tên của tổ chức đã được thay đổi vì
những lý do an ninh và quyền riêng tư.

Hỏa ngục (Inferno) là thế
giới địa ngục được mô tả trong trường ca Thần khúc (The pine Comedy) của
Dante Alighieri. Bản trường ca này khắc họa địa ngục như một vương quốc có cấu
trúc phức tạp, là nơi cư ngụ của những thực thể được cho là “vong linh” – những
linh hồn vô hình bị mắc kẹt giữa chốn dương gian và cõi chết.

Khúc dạo đầu

Ta là vong linh.

Qua thành phố buồn đau, ta lẩn tránh.

Qua nỗi thống khổ vĩnh hằng, ta trốn chạy.

Ta lê bước dọc bờ sông Arno, thở không ra hơi… rẽ trái vào Via dei
Castellani, lần lên phía bắc, lẩn vào bóng râm của tòa nhà Uffizi (1).

(1) Uffizi Gallery là bảo tàng ở
Florence, một trong những bảo tàng nghệ thuật lâu đời và nổi tiếng nhất. Tòa
nhà được Giorgio Vasari xây dựng năm 1560 làm văn phòng cho các quan tòa - vì
thế mà thành tên gọi “uffizi” (tức “office” hay “văn phòng”). (Chú thích trong
sách này là của dịch giả).

Và chúng vẫn truy lùng ta.

Giờ thì đã nghe rõ bước chân của chúng hơn khi mà chúng quyết tâm săn đuổi
đến cùng.

Chúng săn lùng ta đã nhiều năm ròng. Sự đeo bám dai dẳng của chúng khiến ta
phải ở dưới hầm… buộc ta phải sống trong cõi luyện hồn… quằn quại bên dưới mặt
đất như một con quái vật âm phủ.

Ta là vong linh.

Ở trên mặt đất lúc này, ta nhướng mắt nhìn về phương bắc, nhưng không thể
tìm thấy con đường thẳng tới sự cứu rỗi… vì dãy núi Apennine che lấy tia sáng
đầu tiên của buổi bình minh.

Ta đi qua phía sau tòa nhà có ngọn tháp với những lỗ châu mai và đồng hồ
chỉ có một kim… lách qua những người bán hàng rong buổi sớm ở Quảng trường San
Firenze, tiếng rao khàn khàn của họ còn nồng nặc mùi lampredotto và ô liu
nướng. Băng qua trước Bảo tàng Bargello (2), ta cắt sang mé tây về phía cầu
thang xoắn ốc của Tu viện Badia (3) và đến ngay trước cánh cổng sắt ở dưới chân
cầu thang.

(2) Cung điện Bargello, còn gọi
là cung điện Nhân Dân (Palazzo del Popolo) vốn là trại lính và nhà tù, nay là
bảo tàng nghệ thuật ở Florence, Ý. Đây là công trình công cộng cổ nhất
Florence, được xây dựng năm 1255. Năm 1574, gia tộc Medici cho cảnh sát trưởng
(bargello) của Florence đóng trụ sở tại tòa nhà này, vì thế thành tên gọi. Từ
năm 1865, Bargello trở thành bảo tàng quốc gia (Museo Nazionale del Bargello)
trưng bày bộ sưu tập lớn nhất về điêu khắc Gothic và Phục Hưng ở Ý (thế kỷ
XVI-XVII).

(3) Badia Fiorentina là tu viện
kiêm nhà thờ trên phố Via Del Proconsolo ở trung tâm Florence. Người ta cho
rằng thi hào Dante, tác giả Thần khúc, lớn lên ngay bên kia phố trong ngôi nhà
được xây lại năm 1910 làm Bảo tàng Dante. Hiện nay, Badia là giáo đoàn của các
tu sĩ và nữ tu dòng Tín hữu Gerusalemme, với các buổi cầu kinh hằng chiều lúc 6
giờ.

Đến đây, phải gạt bỏ sau lưng mọi sự do dự.

Ta vặn tay nắm và bước vào lối đi ta biết rõ sẽ không có đường trở lại. Ta
hối thúc đôi chân nặng như chì bước lên dãy cầu thang hẹp… leo lên theo chiều
xoắn ốc trên những bậc thang bằng đá cẩm thạch mềm, lỗ chỗ và sứt mẻ.

Từ phía dưới vang lên những giọng nói. Đang van nài.

Chúng đang ở phía sau ta, không nhượng bộ, xáp lại gần.

Chúng không hiểu chuyện gì sắp đến… cũng như những gì ta đã làm cho chúng!

Đúng là mảnh đất bạc bẽo!

Khi ta leo lên, tầm nhìn trở nên khó khăn… Những thân hình đầy dục vọng
quằn quại trong làn mưa dữ đội, các linh hồn tham lam ngoi ngóp trong phân
thối, những kẻ xấu xa xảo trá đông cứng trong vòng tay băng giá của quỷ Satan.

Ta trèo lên mấy bậc thang cuối cùng và lên đến đỉnh, loạng choạng ngã vào
bầu không khí ẩm ướt buổi sớm. Ta lao tới bức tường cao hơn đầu người, nhìn qua
những kẽ hở. Xa phía dưới là thành phố thiêng liêng, nơi ta đã phải tìm cách
trốn tránh những kẻ đày ải ta.

Những giọng nói vang lên, xáp lại gần phía sau lưng ta. “Những điều ông vừa
làm thật điên rồ!”

Điên rồ dung dưỡng điên rồ.

“Vì tình yêu của Chúa!”, chúng gào lên, “Hãy nói cho chúng tôi biết ông
giấu nó ở đâu!”.

Nhưng chính vì tình yêu của Chúa, ta sẽ không nói.

Giờ ta đứng, bị dồn vào chân tường, lưng tựa vào lớp đá lạnh. Chúng nhìn
xoáy vào đôi mắt xanh trong veo của ta, và nét mặt chúng sầm lại, không còn vẻ
phỉnh phờ, mà là hăm dọa. “Ông biết chúng tôi có phương pháp của mình mà. Chúng
tôi có thể buộc ông nói nó ở đâu.”

Vì lý do đó, ta đã qua nửa chặng đường lên thiên đàng.

Chẳng cần báo trước, ta xoay người và rướn lên, bấu những ngón tay vào gờ
tường cao, đu mình lên, bò trên hai gối, rồi đứng dậy… chênh vênh trên vách
tường. Xin hãy dẫn dắt ta, Virgil yêu quý, vượt qua khoảng không trống rỗng.

Chúng ngạc nhiên, nhào tới trước như muốn tóm lấy chân ta, nhưng lại sợ
rằng chúng sẽ làm ta mất thăng bằng và ngã nhào xuống. Giờ thì chúng van xin,
nỗi tuyệt vọng lặng câm, nhưng ta xoay lưng lại phía chúng. Ta biết mình phải
làm gì.

Phía dưới ta, xa tít đến chóng mặt, những mái ngói đỏ chạy dài như một biển
lửa chốn thôn quê, chiếu sáng mảnh đất thanh sạch nôi nhửng người khổng lồ từng
dạo bước… Giotto, Donatello, Brunelleschi, Michelangelo, Botticelli.

Ta nhích từng ngón chân tới mép tường.

“Xuống đây đi!”, chúng gào lên. “Vẫn còn chưa quá muộn mà!”

Ôi, những kẻ ngu dốt ngang ngạnh! Các ngươi không nhìn thấy tương lai ư?
Các ngươi không hiểu thấu vẻ huy hoàng ở tác phẩm sáng tạo của ta ư? Sự thiết
yếu ư?

Ta sẽ vui vẻ thực hiện sự hy sinh tối thượng này… và bằng việc đó, ta sẽ
dập tắt hy vọng cuối cùng của các người hòng tìm ra những gì các người đang
lùng kiếm.

Các ngươi sẽ chẳng bao giờ kịp tìm thấy nó đâu.

Sâu dưới kia hàng trăm mét, quảng trường rải đá cuội như một ốc đảo yên
bình mời gọi. Ta làm sao đợi thêm được nữa… trong khi thời gian chính là thứ
hàng hóa cho dù có bộn tiền ta cũng không thể mua được.

Trong vài giây cuối cùng, ta phóng tầm mắt xuống quảng trường, và nhìn thấy
một cảnh tượng khiến ta giật mình.

Ta nhìn thấy gương mặt nàng.

Từ trong bóng râm, nàng đang ngước lên nhìn ta. Đôi mắt nàng u sầu, nhưng
trong đôi mắt ấy, ta cảm nhận được sự tôn kính dành cho những gì ta đã hoàn
thành. Nàng hiểu ta không còn lựa chọn nào khác. Vì tình yêu với Nhân loại, ta
phải bảo vệ kiệt tác của mình.

Ngay lúc này nó vẫn phát triển… chờ đợi… âm ỉ bên dưới làn nước màu đỏ máu
của cái đầm chẳng bao giờ phản chiếu những ánh sao.

Ta rời mắt khỏi mắt nàng và nhìn về phía chân trời. Phía trên thế giới đau
khổ này, ta nói lời cầu khẩn cuối cùng.

Hỡi Chúa kính yêu, con cầu xin thế giới ghi nhớ tên con không phải như một
kẻ tội đồ đáng ghê tởm, mà như một vị cứu tinh vẻ vang, người biết thật sự là
như vậy. Con cầu xin Nhân loại sẽ hiểu món quà con để lại phía sau.

Món quà của con là tương lai.

Món quà của con là sự cứu rỗi.

Món quà của con là Hỏa ngục.

Nói xong, ta thầm khấn amen… và gieo bước chân cuối cùng vào khoảng không
thăm thẳm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3