Cuộc đời của Lê-nin - Chương 57 - 58 - 59 - 60

BA VIÊN ĐẠN HÈN MẠT

Vla-đi-mia I-lích cùng với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na
và Ma-ri-a I-li-nhít-na ăn sáng ở nhà bếp. Họ có một phòng ăn trong nhà riêng ở
khu Cơ-rem-li. Nhưng họ chỉ sử dụng nơi đó khi có ai ghé đến uống trà và bàn
công việc. Còn khi chỉ có mình họ, không có người ngoài, họ đứng quanh chiếc
bàn con ở nhà bếp. Rất đơn giản. Bên cạnh bếp lò. Với tay một cái là tới ấm nước
nóng.

Hôm đó là thứ sáu. Ở Mát-xcơ-va có quy định: vào các ngày
thứ sáu, vào những ngày thứ sáu, các ủy viên Ban chấp hành Trung ương và các ủy
viên nhân dân phải đi phát biểu tại các cuộc họp của công nhân. Thành ủy
Mát-xcơ-va gửi trước giấy đi đường cho Vla-đi-mia I-lích.

Đột nhiên từ Pê-tơ-rô-grát gửi đến bức điện. Phòng điện
báo của Chính phủ đặt ở hành lang của Hộ đồng dân ủy làm việc suốt ngày đêm, vì
vậy bức điện đó được đưa ngay cho Vla-di-mia I-lích.

Từ Pê-tơ-rô-grát báo tin rằng đồng chí U-rít-xki, chủ tịch
ủy ban đặc biệt của Pê-tơ-rô- grát phụ trách đấu tranh chống thế lực phản cách
mạng đã bị ám hại. Một lát sau, từ thành ủy của Mát-xcơ-va có điện thoại:

- Thưa đồng chí Vla-đi-mia I-lích, Thành ủy Mát-xccơ-va
khuyên đồng chí hôm nay đừng đi phát biểu.

- Còn có tin gì nữa không? - Vla-đi-mia I-lích cau mày.

- Nguy hiểm, thưa đồng chí Lê-nin. Thế lực phản cách mạng
đã trở nên liều lĩnh.

- Chà, các ông nội của tôi ơi, sợ chó sói thì đừng có vào
rừng.

Và Người treo ống điện thoại lên.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na liếc nhìn Ma-ri-a
I-li-nhít-na.

-
Vô-lô-đi-a, hôm nay anh đừng đi. Xin anh hãy giữ mình.

- Được,
để xem sao, - Vla-đi-mia I-lích trả lời qua quýt rồi đi vội vào phòng làm việc.

U-rít-xki
đã bị sát hại. Trước đó một ít, người bôn-sê-vích nổi tiếng khác,
Vô-lô-đa-rơ-xki, cũng bị sát hại. Thế lực phản cách mạng đã theo dõi các ủy
viên Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ.

Nhưng
chẳng lẽ Vla-đi-mia I-lích có thể không đi đến với các công nhân? Công nhân
đang đợi Người.

Chiếc
xe ô tô tới. Người lái xe tên là Ghin thường xuyên trở Lê-nin và hôm nay cũng
lái xe cho Người. Hôm nay Vla-đi-mia I-lích tham gia hai cuộc phát biểu ở hai
khu vực khác nhau. Và đến tối còn có cuộc họp của Hội đồng dân ủy.

- Tôi sẽ
phát biểu trước công nhân, và sẽ kịp tới dự phiên họp của Hội đồng dân ủy, -
Vla-đi-mia I-lích nói.

Ghin chỉ
lắc đầu.

- Thưa
đồng chí Vla-đi-mia I-lích, đồng chí lấy đâu nhiều sức như vậy?

Ghin chở
Lê-nin tới phố Xéc-pu-khốp, tới nhà máy của Mi-khen-xôn trước đây. Vla-đi-mia
I-lích cũng đã từng tới đây...

Công
nhân tụ tập trong phân xưởng làm lựu đạn, trong tòa nhà lớn bằng gỗ mới được
xây dựng. Mọi người đứng ngồi cạnh những máy cái và ở các lối đi. Những bộ mặt
đều nghiêm nghị. Trong các cặp mắt lộ rõ sự chú ý đặc biệt.

Lê-nin
nói về cuộc nội chiến, về cuộc đấu tranh chống bọn bạch vệ.

Còn
công nhân của phân xưởng này đã chế tạo ra lựu đạn để chống bọn bạch vệ. Nếu cần
thì họ cũng sẽ đi chiến đấu.

Lê-nin
đã thấy: không, dù sao thì công nhân cũng sẽ không bỏ nhà máy của mình, chính
quyền của mình cho bọn tư sản.

- Đồng
chí Ghin ạ, sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ đấy. Giai cấp công nhân, giống
như bình ắc-quy, truyền cho ta thêm nghị lực.

Cuộc
mít tinh kết thúc. Lê-nin bị công nhân vây chặt, vội đi ra khỏi phân xưởng.
Ghin lập tức mở máy đặt sẵn tốc độ. Người lái xe rất thận trọng. Kìa, đám người
rất đông! Đang là thời kỳ không yên tĩnh. Người lái xe đã biết về vụ sát hại
U-rít-xki. Anh muốn Vla-đi-mia I-lích mau mau ngồi lên xe... Nhưng mọi người
không để cho Người đi. Những câu hỏi dồn dập tung ra từ tứ phía. Vla-đi-mia
I-lích như trẻ ra, nhanh nhẹn trả lời công nhân. Đột nhiên... có tiếng nổ phát
ra. Cái gì thế? Tiếng súng ư? Vla-đi-mia I-lích không nhận ra ngay. Có cái gì đụng
vào cánh tay trái. Người lảo đảo. Thêm một phát súng nữa. Ở cổ thấy đau nhói.
Vla-đi-mia I-lích bắt đầu nghiêng hẳn đi. Một viên đạn thứ ba soẹt vào lưng áo
bành tô.

Lê-nin
ngã gục.

- Lê-nin
bị giết rồi! - những tiếng kêu sợ hãi vang lên trong đám đông.

Một mụ
đàn bà mặt hẹp, có cái nhìn khả nghi, ném xuống đất khẩu súng brao-ninh rồi vội
chuồn khỏi sân. Mọi người chạy bắt mụ sát nhân thuộc phần tử phản cách mạng.

-
Vla-đi-mia I-lích! - Ghin gọi. - Đồng chí Lê-nin!

- Về
nhà, - Vla-đi-mia I-lích mấp máy cặp môi nhợt nhạt.

Mấy người
công nhân đỡ Người dậy, giúp đặt Người ngồi lên xe. Trong đám đông bắt đầu im lặng
như tờ. Có cảm giác như mọi người đều nghe thấy từng hơi thở của Lê-nin.

Ghin phóng
xe hết tốc độ về điện Cơ-rem-li.

-
Vla-đi-mia I-lích, chúng tôi sẽ đưa đồng chí vào, - Ghin yêu cầu khi họ đi tới
gần ngôi nhà.

Vla-đi-mia
I-lích không muốn. Mặc dù bị đau đớn và áo sơ mi máu ướt đẫm, nhưng Người vẫn tự
đi, tựa vào Ghin và những người công nhân đi cùng. Người đi rất từ từ, im lặng.
Lên tầng gác thứ ba. Chiếc cầu thang sao mà dài và khó vậy! Những bậc dốc làm
sao...

Ma-ri-a I-li-nhít-na sợ hãi chạy ra đón.

-
Vô-lô-đi-a! Vô-lô-đi-a!

- Bị
thương nhẹ thôi... rồi sẽ khỏi, - Vla-đi-mia I-lích nói giọng khó nhọc. - Cứ
yên tâm, Ma-nhi-a-sa. Đừng làm Na-đi-a sợ hãi.

Na-đê-giơ-đa
Côn-xtan-ti-nốp-na không có nhà. Bà đang ở nơi làm việc.

Còn ở Hội
đồng dân ủy mọi người đã tụ tập đông đủ. Vì Vla-đi-mia I-lích đã dự định phiên
họp khai mạc vào lúc chín giờ. Mọi người đều biết Lê-nin yêu cầu đúng giờ. Lần
đầu tiên, lần duy nhất, Chủ tịch Hội đồng dân ủy tới muộn...

Mọi người
thận trọng đưa Lê-nin tới chiếc giường có phủ chiếc khăn kẻ ô vuông.
Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã giữ gìn chiếc khăn đó... Mọi người đặt
Vla-đi-mia I-lích nằm lên giường. Người yếu hẳn đi. Khuôn mặt trông vàng nhợt.

Các cửa
ra vào nhà ở đều mở toang. Các đồng chí đứng tụ tập thành đám đông trong cơn bối
rối và sợ hãi. Các bác sĩ tới.

- Thế
nào? - các đồng chí hỏi với niềm hi vọng. - Vla-đi-mia I-lích bị thương có nặng
không? Không nguy hiểm lắm chứ?

Người bị
thương nặng. Rất nguy hiểm...

Những
phút kéo dài mệt mỏi. Kia rồi, Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na từ nơi làm việc
trở về. Tại sao các cửa đều mở nhỉ? Tại sao lại nhiều người ở nhà thế kia?

Một người
khẽ vuốt vai bà. Bà đã hiểu. Bà hỏi cộc lốc:

- Còn sống
không?

Tiếng
rên từ phòng Lê-nin vọng đến. Bà rướn thẳng người lên, với cặp mắt khô ráo,
không hề khóc lóc, bà bước vào gặp Vla-đi-mia I-lích. Người trông thấy bà, cố mỉm
cười:

- Không
sao cả, Na-đi-a, đối với người cách mạng đó là chuyện thường. Vết thương không
đáng kể, sẽ bình phục.

Rồi Người
nhắm mắt. Mạch của Ngươi giảm xuống. Trông Người mỗi lúc một yếu đi.

Có lẽ
nào Lê-nin sẽ chết?

VÀO NHỮNG NĂM KHÓ KHĂN NÀY

Ở hành lang của Hội đồng nhân dân ủy tiếng
máy điện báo kêu: ta-ta, ta-ta, ta-ta,… Phát - nhận, phát - nhận,… Một nhân
viên điện báo mặc áo lính nhận tấm băng đang chạy. Chăm chú đọc. Anh dịch mật
mã một cách hết sức vội vàng và chạy vội tới cuối hành lang, tới phòng ở của
Lê-nin.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na mở cửa. Anh
đưa bức điện cho bà xem.

- Hãy
chuyển ngay cho Vla-đi-mia I-lích, - bà nói.

“Vô-đô-li-a chắc sẽ vui khi nhận được tin
này do người lính đem tới”, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nghĩ bụng.

Họ biết anh ta từ hồi ở Xmôn-nưi. Vào những
ngày tháng Mười, chính phủ Xô-viết cần có những điện báo viên tin cẩn của mình.
Người lính này đã học nghề điện báo. Anh cùng với Chính phủ chuyển từ
Pê-tơ-rô-grát đến Mát-xcơ-va.

- Mang
vào đi, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na giục, và anh lính điện báo xúc động
trước sự tin cậy như vậy. Anh bước vào căn phòng nhỏ bé.

Ở đó có kê một chiếc giường hẹp phủ chiếc
khăn kẻ ô vuông. Cạnh giường, gần cửa sổ có kê một bàn giấy. Vla-đi-mia I-lích
đứng dọc bên bàn. Tay trái của Người bị quấn băng treo lên. Người gầy đi và
trông hốc hác, còn đại để vẫn như xưa. Cặp mắt vẫn sắc sảo, dáng đi vẫn nhanh
nhẹn.

Bức điện này là của các chiến sĩ Hồng quân
gửi đến.

“Vla-đi-mia I-lích thân mến! Việc chiếm
thành phố quê hương của đồng chí là để trả lời cho một vết thương của đồng chí,
còn đối với vết thương thứ hai, chúng tôi sẽ chiếm nốt thành phố Xa-ma-ra!”

- Rất cừ!
- Vla-đi-mia I-lích bỗng thốt lên. - Xin cám ơn, cám ơn! - Người cảm động nhắc
lại. Rồi đọc lại bức điện: - “Việc chiếm thành phố quê hương của đồng chí…”
Quân ta đã chiếm được thành phố Xim-biếc, đồng chí điện báo viên, nghe rõ
không? Một thắng lợi tuyệt vời, Na-đi-a, nghe rõ không?

Vla-đi-mia I-lích lập tức viết bức điện trả
lời. Người chúc mừng các chiến sĩ Hồng quân nhân thắng lợi này và cám ơn. Người
viết rằng việc chiếm thành phố Xim-biếc chính là chữa lành vết thương của Người.

- Đối với
tôi không có thứ thuốc nào tốt hơn tin này! Bây giờ sẽ mau chóng bình phục, -
Vla-đi-mia I-lích nói.

Và đúng như vậy, mấy ngày sau trên báo “Sự
thật” đăng thông báo của Hội đồng bác sĩ nói rằng sức khỏe của Vla-đi-mia
I-lích đã bình phục.

Các bác sĩ cho phép Lê-nin trở lại làm việc.

Bắt đầu thời kì nặng nề, khó khăn. Khối
An-ta-đa hiểu rằng đùa với Hồng quân rất nguy hiểm, và đã tăng thêm lực lượng…
Mười bốn nước can thiệp vào đất nước Xô-viết. Bọn bạch vệ và bọn cu-lắc đón
quân đội nước ngoài bằng bánh mì và muối(1). Chúng
bắt đầu làm theo sự chỉ huy của nước ngoài. Các trung đoàn bạch vệ được thành lập,
và tiến công chính quyền Xô-viết. Nước Nga đã trở thành pháo đài bị bao vây.

(1)Theo tục lệ đón khách quý - N.D.

- Trong
pháo đài bị bao vây, toàn bộ sinh hoạt cần phải theo nếp quân sự, - Lê-nin nói.

Các chuyên gia quân sự và các chỉ huy Hồng
quân thường xuyên đến gặp Lê-nin để báo cáo tình hình ngoài mặt trận và xin ý
kiến.

Lê-nin nói:

- Trong
thời kì nội chiến cần có những quy chế đặc biệt.

Người đề nghị áp dụng nghĩa vụ lao động đối
với mọi người. Tất cả mọi người xô-viết cần phải làm việc ở các nhà máy và công
xưởng, cơ quan, đồng ruộng, đường sắt. Tất cả mọi người xô-viết, hãy giúp đỡ Hồng
quân!

Hồng quân cần vũ khí. Các đồng chí công
nhân, hãy chế tạo vũ khí. Nhiều vũ khí hơn nữa.

Hồng quân cần quần áo, giày dép. Các đồng
chí công nhân, hãy may ủng áo va-rơ, áo choàng nhiều hơn nữa.

Các xưởng không kịp làm nhiều như vậy. Thiếu
da để may ủng, thiếu vải. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để cho nhân dân và Hồng
quân có đủ quần áo mặc?

Chính phủ và Đảng đã tuyên bố mở đợt thu thập quần áo của
nhân dân. Mọi người mang đến nơi thu thập những áo lông mặc ngoài, áo len dài
tay, khăn quàng len và bít tất.

Còn bọn tư
sản không muốn buông những của cải của mình ra. Hồng quân xa lạ đối với
bọn tư sản. Chúng không thương các chiến sĩ Hồng quân, không thương trẻ em. Mặc
cho rét.

- Cần tước
quần áo rét thừa của bọn tư sản. Chỉ để cho chúng mỗi người một chiếc áo bành
tô thôi, - Vla-đi-mia I-lích nói với Đơ-giéc-gin-xki. - Những người lao động đã
trao cho hết. Vậy thì bọn giàu có cũng phải chia sẻ.

Đơ-giéc-gin-xki là chủ tịch Ủy ban đặc biệt
toàn Nga đấu tranh chống phản cách mạng và chống phá hoại, gọi tắt là Tsê-ca.
Đơ-giéc-gin-xki phái các ủy viên Tsê-ca tới các nhà giàu thu thập quần áo và
giày dép. Sau đó đem phân phát cho những công nhân thiếu quần áo và giày dép.
Và gửi ra mặt trận cho Hồng quân.

Nhưng nạn đói là tai họa khủng khiếp nhất.
Đã từ lâu thực phẩm ở các thành phố phân phát phối tem phiếu. Nhưng hơi ít,
không đủ no.

Chính phủ Xô-viết đã ban hành một đạo luật
mới rất nghiêm khắc. Đạo luật mới đó là đạo luật phân phối lương thực. Cái đó
nghĩa là, những người nông dân bắt buộc phải trao cho nhà nước tất cả lúa mì thừa
và thực phẩm. Bột, tấm, thịt, bơ - tất cả những thứ đó đều trao cho Hồng quân,
công nhân và viên chức. Những người nông dân cảm thấy rất khó khăn, nhưng không
còn lối thoát nào khác.

Ở đất nước Xô-viết tiến hành chế độ phân phối
lương thực và thực hiện nghĩa vụ lao động đối với mọi người. Toàn dân làm việc
vì tiền tuyến. Thực phẩm được phân phối theo tem phiếu và quần áo thì được cấp
phát một cách hợp lí, bởi vì thực phẩm và quần áo quá ít. Giao thông vận tải hầu
như bị tê liệt. Xe lửa chỉ dùng để chở vũ khí và quân đội đi bảo vệ đất nước,
mà muốn đi phải có giấy đặc biệt. Tất cả chế độ đó Lê-nin gọi là chế độ cộng sản
thời chiến. Những năm khó khăn!

May mắn là vào những năm khó khăn này chúng
ta có Lê-nin.

CHUYỆN XẢY RA Ở XÔ-CÔN-NHI-KI

Vào lúc Vla-đi-mia I-lích đau yếu, cái chết
trong mấy ngày kè kè bên Người, Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã giấu sự sợ
hãi và buồn phiền, vẫn tỏ ra cứng rắn: tính cương nghị của bà khiến mọi người
phải ngạc nhiên.

Nhưng đến khi Vla-đi-mia I-lích bình phục
thì chính bà lại bị đau ốm. Và ốm khá nặng! Vì bị chấn động tinh thần nên bệnh
cũ lại tái phát. Bà đau tim, không thể đi lại, không ngủ được, khó thở. Các bác
sĩ nói rằng chỉ có không khí trong lành mới có thể có công hiệu.

Vào thời kì nặng nề này ở nước Nga chưa có
các nhà an dưỡng. Nhưng ở rừng Xô-côn-nhi-ki thuộc ngoại ô Mát-xcơ-va có mở một
trường dành cho các trẻ em ốm yếu. Trường đặt ở giữa công viên, không khí rất
trong lành!

Mọi người khuyên Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na
nên sống ở đấy.

Khi Lê-nin tới thăm trường, nơi
Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na sẽ tới, các em chạy ùa ra đón. Dẫn đầu là một
chú chó con chạy rất nhanh, đuôi cong lên.

- Ta làm
quen đi nào, tên chú là gì? - Vla-đi-mia I-lích hỏi.

- Tên nó
là Bốp-ca! - Bọn trẻ con vui sướng kêu lên.

- Ngài Bốp-sin-xki,
- Vla-đi-mia I-lích nói đùa.

Rồi Người đưa tay bắt tay Bốp-ca, còn Bốp-ca
thì giơ chân. Khi ấy bọn trẻ rất cảm phục. Chúng không biết dùng cái gì nữa làm
cho Vla-đi-mia I-lích ngạc nhiên. Chúng liền mang tới khoe một con vật khác được
mọi người yêu mến, con mèo Mu-xca. Thế là Lê-nin quyết định rằng Na-đê-giơ-đa
Côn-xtan-ti-nốp-na sống giữa bầy trẻ vui vẻ và linh lợi này sẽ cảm thấy dễ chịu.
Người đưa Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na tới trường này.

Lê-nin rất bận việc. Hàng ngày Người bận giải
quyết các công việc nhà nước đến tận đêm khuya. Mọi cái trong nhà nước đều được
xây dựng theo cách mới, và nên nhớ Lê-nin là người đứng đầu nhà nước ấy.

Nhưng vào buổi tối, dù sao thì Người cũng
dành ra được một giờ và bảo Ghin:

- Chúng
ta đi thăm Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na chứ?

Mùa đông đến. Tuyết rơi nhiều. Mát-xcơ-va bị
phủ tuyết. Những chiếc xe tải không kịp chở tuyết ra khỏi thành phố, tuyết chất
thành từng đống trên các đường phố cao xấp xỉ tòa nhà hai tầng.

Vào một ngày tháng Giêng năm 1919 đầy tuyết
như vậy, ở trường dựng cây thông Nô-en. Vla-đi-mia I-lích hứa tới xem cây thông
Nô-en. Gần tối Người cùng với Ma-ri-a I-li-nhít-na sửa soạn lên đường, đem theo
một bi-đông sữa cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na.

Chiếc ô-tô, cũng như mọi khi, do Ghin lái.
Và có thêm đồng chí bảo vệ Sê-ba-nốp cùng đi.

Hôm đó là ngày chủ nhật, người đi lại trên
các đường phố rất đông. Đường phố nào cũng đầy những đống tuyết, chỉ còn một lối
đi hẹp tựa như cái hào, đôi chỗ không thể đi được. Nhưng Ghin lái xe khéo dùng
mánh khóe luồn giữa đám người và những núi tuyết. Chiếc xe ô-tô vẫn cứ đi không
hề bị tắc đường.

Bỗng nhiên, cạnh lối vào Xô-côn-nhi-ki, gần
cầu đường sắt vắng vẻ có ba người đứng chặn đường.

- Đứng lại.
Không thì bắn!

Ghin định phóng qua, nhưng Vla-đi-mia
I-lích ra lệnh dừng lại. Vla-đi-mia I-lích tưởng rằng đó là công an. Thời chiến,
những công an bắt buộc phải theo dõi xem ai đi xe ô-tô ra ngoại thành. Còn họ
không mặc y phục công an, bởi vì thời đó chưa có y phục công an.

Chiếc xe dừng lại. Ba người đàn ông lực lưỡng
vây quanh chiếc xe. Mở toang cửa ra. Chĩa nòng súng lục vào:

- Ra
ngay!

Mọi người bước ra.

- Tôi là
Lê-nin, - Vla-đi-mia I-lích nói.

Người vẫn tưởng đó là những người công an.
Nhưng cái gì thế kia? Vào cùng một giây hai tên gí súng lục vào hai bên thái
dương Vla-đi-mia I-lích. Người cảm thấy có hơi thép lạnh toát của súng lục. Tên
thứ ba đội mũ lông cao, có bộ mặt nhợt nhạt càn rỡ, lục soát các túi rất nhanh.
Hắn giật lấy giấy vào Cơ-rem-li và khẩu súng brao-ninh nhỏ của Lê-nin.

- Các ông
có quyền gì? - Ma-ri-ra I-li-nhít-na hỏi với giọng tức giận. - Yêu cầu cho xem
giấy ủy nhiệm của các người.

- Chúng
tôi không cần phải có giấy ủy nhiệm ủy nhiếc gì hết. Chúng tôi có quyền làm tất
cả.

Bọn phỉ nhảy vào ô-tô, giơ súng lục dọa từ
xa và mở máy cho xe chạy. Chiếc xe biến mất. Tất cả chuyện đó xảy ra nhanh đến
nỗi không ai kịp hoàn hồn.

Vla-đi-mia I-lích phẫn uất, im lặng một
lát. Sau đó người quở trách:

- Thật là
nhục nhã! Chúng ta ngần này người mà để cho chúng cướp mất xe.

- Thưa
Vla-đi-mia I-lích! Tôi không bắn chúng nó, bởi vì sợ chúng bắn đồng chí! - Ghin
nói giọng sôi nổi.

- Đúng,
có lẽ, không dại gì mà gây sự, hai bên không cân sức tẹo nào, - Vla-đi-mia
I-lích tán thành.

Người đưa mắt nhìn đồng chí Sê-ba-nốp rồi
cười phá lên. Người có điệu cười dễ lây, khiến cho Ma-ri-a I-li-nhít-na và Ghin
cũng bật cười theo. Chỉ có một mình Sê-ba-nốp là đứng im không cười… tay vẫn cầm
bi-đông sữa.

- Thứ duy
nhất thoát khỏi tay bọn cướp! - Vla-đi-mia I-lích tươi cười nói.

Sê-ba-nốp vẫn lặng thinh vì xấu hổ. Nhưng
Vla-đi-mia I-lích chưa chịu thôi:

- Cám ơn,
mặc dù chỉ giữ được có sữa, dù sao thì bi-đông ấy cũng là thứ cần thiết.

Rồi tất cả vừa chế đùa Sê-ba-nốp: một tay sờ
súng trong túi với vẻ hơi choáng váng, một tay thì khư khư giữ chiếc bi-đông mắc
nạn, vừa bước vào hội đồng nhân dân quận ở gần cầu đường sắt Tại đó người ta kiếm
một chiếc xe ô-tô khác và chở Vla-đi-mia I-lích và Ma-ri-a I-li-nhít-na tới trường.
Và ngay lập tức báo tin cho Đơ-giéc-gin-ski về vụ cướp. Sau khi nhận được mệnh
lệnh, các ủy viên Ủy ban đặc biệt toàn Nga đấu tranh chống phản cách mạng và chống
phá hoại liền phân tán đi khắp Mat-xcơ-va lùng bọn kẻ cướp. Và một lát sau bọn
chúng đã bị tóm gọn.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đi lang
thang như một cái bóng từ cửa sổ này đến cửa sổ khác. Bà liếc nhìn vào khu vườn
mùa đông chìm trong đám tuyết sâu. Vì sao Vla-đi-mia I-lích tới chậm nhỉ? Chẳng
lẽ lại gặp tai nạn ư?

Sự lo lắng đã truyền đến lũ trẻ, tràn ngập
khắp trường. Kim đồng hồ chuyển động rất chậm.

Cuối cùng, một giọng nói vui sướng của ai
đó bỗng vang lên khắp nhà:

- Đến rồi!

Vla-đi-mia I-lích từ ngoài sân chạy vào. Áo
bành tô mặc không cài cúc, râu cằm và lông mày bị phủ lớp băng mỏng, cặp má hồng
lên.

- Ông già
Tuyết! - bọn trẻ reo lên, vây quanh vào bám lấy Người.

- Chào ông già Tuyết thân yêu, ông đã đem
ngày hội đến cho chúng cháu!

Vla-đi-mia I-lích khó khăn mới lọt qua đám
trẻ tới gặp Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na. Lúc đầu Người không muốn kể chuyện
đám phỉ, nhưng bà liếc nhìn Người với vẻ lo lắng đến nỗi trong lòng cảm thấy có
chuyện gì không ổn.

- Chuyện
nhỏ thôi, Na-di-u-sa, chuyện thực không đáng kể.

Bà tái mặt khi nghe kể về bọn cướp. Bà
không nói gì. Chỉ khe khẽ:

- Cám ơn
là còn sống.

Rồi bắt đầu
vui vẻ. Cây thông Nô-en xinh đẹp được trang trí những lá cờ xinh xinh, ngôi sao
kim tuyến và những đồ chơi tự làm lấy, vươn cao tới trần nhà. Rừng mùa đông và
lá nhọn tỏa hương thơm ngào ngạt. Bọn trẻ chơi đùa nhảy múa xung quanh cây
thông Nô-en. Vla-đi-mia I-lích cũng nhảy múa với các em. Các em hát, Vla-đi-mia
I-lích cũng hát. Rồi bắt đầu chơi trò mèo bắt chuột. Chơi trò bịt mắt bắt dê.
Chơi ú tim. Vui chơi thật thỏa thích. Đã là ngày hội thì phải thật sự là ngày hội!

Còn
Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na, sau khi biết rằng hai giờ trước đây Vla-đi-mia
I-lích đứng sát miệng súng lục của bọn phỉ, cách cái chết chỉ không đầy gang tấc,
đã nhìn Người, ngắm nghía và tự hào nghĩ bụng: “Anh là người dũng cảm, nhưng
cũng rất hồn nhiên.”

NHỮNG TỔN THẤT CAY ĐẮNG

Lại có một đoàn tàu đi từ Pê-tơ-rô-grát tới Mát-xcơ-va.
Vla-đi-mia I-lích lại đi tàu hỏa. Cùng đi có bà chị ruột An-na
I-li-nhít-na. Hồi đó là tháng ba năm
1919. Ban đêm. Chiếc đèn dầu nhỏ chiếu sáng lờ mờ, toa tàu rung rung. Bánh xe nện
đều đều buồn bã.

An-na I-li-nhít-na
ngồi xo ro ở một góc. Họ đi chôn cất Mác-cơ Ti-mô-phê-ê-vích, chồng của An-na
I-li-nhít-na.

Tai họa mới đè nặng lên đất nước Nga. Bệnh tật giết hại
nhiều người đã lan tràn khắp các thành phố và làng mạc, đường sắt và nhà ga-những
nơi có rận mang bệnh sốt phát ban tới. Nhiều người chết vì bệnh sốt phát ban. Bệnh
viện ít, thầy thuốc ít, thuốc men ít.

Mác-cơ tới Pê-tơ-rô-grát trong một chuyến đi công tác và
đã chết vì bệnh sốt phát ban trong vài ngày. Ở nghĩa trang Vôn-cốp lại có thêm
một ngôi mộ thứ ba nằm ngay bên cạnh hai ngôi mộ người thân, dưới bóng cây bạch
dương thân trắng.

An-na
I-li-nhít-na ngồi xo vai, trùm chiếc khăn san. Nỗi đau khổ đã làm cho bà sững sờ.

Vla-đi-mia I-lích lấy bàn tay âu yếm vuốt mái tóc đã bắt
đầu bạc của bà.

… Nhiều năm tươi sáng và đau khổ đã gắn bó với Mác-cơ. Thời
trẻ ông là bạn của Xa-sa. Xa-sa bị
tử hình. Mác-cơ đã bước vào gia đình họ. Là
một người thông minh, chân thành, ông đã trở nên gần gũi và cần thiết đối với tất
cả mọi người biết dường nào!

- Là người cộng sản chân chính, anh rất cần thiết cho
cách mạng! - Vla-đi-mia I-lích nói.

Trái tim của An-na I-li-nhít-na bị xé ra vì đau đớn,
nhưng bà tự hào nhắc lại:

- Mác-cơ là người cộng sản chân chính.

Đoàn tàu lao nhanh băng qua bóng đêm. Cánh rừng tháng ba
trơ trụi như một hàng rào đen chạy dài dọc theo nền đường sắt. Những làng lợp
mái tranh vùn vụt hiện ra ở phía trước. Những cột khói nhà máy vươn cao lặng lẽ.
Không tỏa khói. Ngày càng ít nhà máy và công xưởng hoạt động. Nguyên liệu thiếu.
Nhiên liệu không có. Các công xưởng ngừng sản xuất. Tình trạng rối loạn.

“Chúng ta càng cảm thấy đau đớn trước việc mất những người
bạn tin cẩn, nhất là vào lúc khó khăn gian khổ này”, - Vla-đi-mia I-lích nghĩ bụng.

Ở Mát-xcơ-va một nỗi đau khổ mới đang chờ đợi. I-a-cốp
Mi-khai-lô-vích Xvéc-lốp, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương toàn Nga bị bệnh
cúm Tây Ban Nha quật ngã. Từ ở đâu đó, từ đất nước Tây Ban Nha, một căn bệnh
chưa từng có đã bay tới như một cơn gió lốc. Nó đã giết hại hàng ngàn sinh mạng
một cách không thương tiếc, bệnh sốt phát ban cũng đã từng sát hại hàng ngàn
người. Rồi nạn đói, cuộc nội chiến. Những tai họa liên tiếp. Trên các báo chí
nước ngoài người ta viết xỏ: chính quyền Xô-viết sắp đến ngày tận số.

Vla-đi-mia I-lích bóp trán suy nghĩ. Thật là khó khăn.

Chỉ cầu sao cho Xvéc-lốp qua khỏi căn bệnh! Hai người
cùng làm việc với nhau, ý hợp tâm đầu!

“I-a-cốp Mi-khai-lô-vích, cần phải làm xong…” -
Vla-đi-mia I-lích nói về việc gì đó.

Xvéc-lốp bình tĩnh đáp:

“Xong rồi”.

“Cái gì xong rồi?”

“Đã làm xong rồi, thưa Vla-đi-mia I-lích.”

“Đồng chí đã kịp làm xong từ lúc nào, I-a-cốp
Mi-khai-lô-vích? Chúng ta hầu như chưa nói với nhau về việc đó.”

“Hầu như…” - Xvéc-lốp cười.

Đồng chí có khả năng hiểu câu nói nửa chừng. Lê-nin thích
tính tháo vát của Xvéc-lốp, tinh thần cách mạng, đầu óc biết bao quát công việc
Nhà nước.

Các bác sĩ không cho phép Vla-đi-mia I-lích tới thăm bệnh
nhân. Bệnh cúm dễ lây.

Vla-đi-mia I-lích không nghe. Người vẫn tới thăm người đồng
chí. Và cảm thấy thật là khủng khiếp.

Chẳng lẽ đó là Xvéc-lốp ư? Con người gầy võ này nằm gối đầu
trên gối trắng, chân tay bất động, chiếc mũi nhọn hoắt. Râu cằm mọc dài ra,
khuôn mặt nom già đi và xa lạ. Cặp mắt trũng xuống. Đồng chí ở trạng thái hôn
mê.

Vla-đi-mia I-lích ngồi xuống cạnh giường. “Đồng chí, người
đáng tin cậy, có tài, đừng bỏ ta mà đi!” - Vla-đi-mia I-lích nghĩ bụng.

Hình ảnh của đồng chí, một người trẻ khỏe - nên nhớ là
Xvéc-lốp mới ba mươi ba tuổi! - vẫn còn đọng trong trí nhớ Lê-nin. Đồng chí
luôn luôn là người giàu nghị lực, yêu đời, dũng cảm. Thậm chí Vla-đi-mia I-lích
không thể hình dung nổi Xvéc-lốp lại sợ nguy cơ khủng khiếp nhất này. Đồng chí
biết nói chuyện với nhân dân, biết kêu gọi động viên nhân dân tham gia công tác
cách mạng.

Cặp lông mi động đậy, Xvéc-lốp mở mắt. Đồng chí nhìn
Lê-nin xa xôi, trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Một nụ cười có vẻ ai oán và
đau khổ làm động đậy cặp môi. Vla-đi-mia I-lích nắm lấy bàn tay gầy như que củi
của đồng chí. Nước mắt đọng trong cổ họng.

Lê-nin cúi đầu bước ra.

Mấy phút sau Xvéc-lốp không còn nữa. Đồng chí tỉnh lại
trong chốc lát trước khi chết, dường như để nhìn Lê-nin. Bằng cái nhìn như muốn
nói: Chào vĩnh biệt. Rồi đồng chí vĩnh viễn bỏ đi.

Vla-đi-mia I-lích không bao giờ quên người giúp việc
không biết mệt mỏi của mình trong những năm đầu khó khăn gian khổ xây dựng xã hội
Xô-viết và cuộc sống mới.

… Cuộc sống vẫn tiếp tục. Cần phải bảo vệ, củng cố xã hội
xô-viết. Lê-nin đề nghị cử Mi-khai-in I-va-nô-vích Ca-li-nin làm Chủ tịch Ban
chấp hành Trung ương toàn Nga thay Xvéc-lốp.

Ca-li-nin xuất thân là con một gia đình nông dân ở tỉnh
Tơ-véc-xcai-a. Đồng chí làm công nhân ở các nhà máy Pê-téc-bua. Lê-nin biết rõ
người mình đề cử. Mi-khai-in I-va-nô-vích là một người cộng sản tốt, một người
tốt và thông minh: mọi người đều mến đồng chí.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3