Cuộc đời của Lê-nin - Chương 44 - 45 - 46 - 47

NGÀY HÔM TRƯỚC CỦA CÁCH MẠNG

Mấy hôm
sau, Ra-khi-a tới đưa Vla-đi-mia I-lích đến dự một cuộc họp bí mật. Trời đã
khuya. Các cửa hàng đều đóng cửa. Ở gần một ngôi nhà có treo tấm viển vẽ chiếc
bánh mì hình số tám vàng óng, chứng tỏ đó là cửa hiệu bánh mì. Cửa khóa chặt.
Các cửa sổ dều đóng kín. Nhưng có một cái “đuôi” dài, chủ yếu là đàn bà, đầu
chít khăn, đứng co ro vì quá lạnh. Họ kiên nhẫn đứng chờ. Cạnh các cửa hiệu bán
bánh mì khác cũng vậy. Thành phố Pê-tơ-rô-grát vào buổi tối đầy rẫy những hàng
người buồn rầu, thầm lặng. Đã từ lâu bánh mì bán theo tem phiếu. Một nửa phun,
đôi khi một phần tư phun một ngày. Cần phải kịp chiếm chỗ. Nếu chậm thì có tiền
cũng không sao mua nổi một mẩu bánh. Những người đàn bà đứng nối đuôi nhau cạnh
các cửa hiệu bánh mì suốt đêm.

Họ thật là vất vả! Chồng, con họ đều ở ngoài mặt trận. Vì
cuộc chiến tranh với quân Đức vẫn kéo dài. Chồng con họ bị đày ải ở các mặt trận
và chết một cách vô ích.

- Ở nhà cũng chẳng có chuyên gì hay ho cả. - Ra-khi-a
nói. - Bọn chủ đóng các nhà máy. Các nhà máy ngừng hoạt động. Thất nghiệp.

Tình hình trong nước rất nguy khốn. Xe lửa đi lại khó
khăn. Bảng giờ tàu chạy thường bị hủy bỏ. Tàu không chở than và nguyên liệu tới
các nhà máy. Không chở bánh mì tới các thành phố.

- Còn chờ đợi giừ nữa? - Ra-khi-a nói.

- Người bôn-sê-vích cần phải biết làm gì, - Vla-đi-mia
I-lích đáp giọng gay gắt. - Không chờ đợi, mà cần phải làm cuộc cách mạng công
nhân.

Ngay từ đầu cuộc cách mạng tháng Hai, Lê-nin đã thuyết phục:
cần phải cố gắng làm thế nào để các Xô-viết trở thành của bôn-sê-vích. Khi đó
giai cấp công nhân sẽ có thể nắm chính quyền bằng con đường hòa bình. Nhưng bọn
men-sê-vích không đồng ý, đã ngăn cản.

Bây giờ mọi cái đều đã thay đổi. Đã đến lúc phải nắm chính
quyền bằng khởi nghĩa vũ trang. Không được chậm trễ!

Vào buổi tối tháng Mười hôm đó các ủy viên Ban chấp hành
Trung ương Đảng tới dự cuộc họp bí mật. Mọi người đều biết rằng Lê-nin sẽ đến.
Đã từ lâu họ không gặp Lê-nin và bây giờ chờ đợi với niềm hi vọng. Người thay đổi
hẳn vì mang bộ tóc giả. Nhưng giọng nói, những ý nghĩ, những lời kêu gọi và ý
chí vẫn là của Lê-nin.

Cần phải chuẩn bị khởi nghĩ vũ trang! Lôi kéo binh lính về
phía công nhân. Phải những người bôn-sê-vích mạnh nhất tới các khu vực khác nhau
và các thành phố khác. Vũ trang chắc chắn hơn cho các đội Cận vệ đỏ ở các nhà
máy và công xưởng. Cử những người chỉ huy thông minh vào các đội.

Quy định chính xác khi bắt đầu giờ phút quyết địnhcác đội
Cận vệ đỏ sẽ hành quân đến đâu.

Để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, cần phải thành lập Ủy ban
quân sự các mạng.

Đây là
kế hoạch do Lê-nin vạch ra. Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận. Một kế
hoạch rất hay. Mọi điều đều đúng đắn, rõ ràng. Tất cả đều tán thành.

Nhưng
chỉ có hai ủy viên Bân chấp hành Trung ương Đảng phản đối. Họ vẫn mệnh danh là
những người bôn-sê-vích. Họ điên cuồng tranh cãi chống lại cuộc khởi nghĩa của
giai cấp vô sản, không tán thành mưu kế vĩ đại của Lê-nin, của Đảng. Những kẻ
phản bội ấy là ai vậy? Di-nô-vi-ép và Ca-mê-nhép.

Di-nô-vi-ép
và Ca-mê-nhép biết lí luận. Họ là những diễn giả có tài. Nhưng khi đụng tới cuộc
khởi nghĩa thì họ lại trở nên hèn nhát.

- Lẽ
nào giai cấp công nhân lại có thể điều khiển nổi nhà nước? Di-nô-vi-ép và
Ca-mê-nhép không tin.

Và bây
giờ đây, trong giây phút quyết định, họ đã chống lại cuộc khởi nghĩa. Chưa đủ,
trên một tờ báo men-sê-vích họ kể rằng những người bôn-sê-vích đang chuẩn bị cuộc
khởi nghĩa. Ở đâu, như thế nào, khi nào - Di-nô-vi-ép và Ca-mê-nhép đã tiết lộ
tất cả, đã nói hết với Chính phủ lâm thời. Còn về bản thân thì họ nói thẳng:
chúng tôi chống lại cuộc khởi nghĩa.

Họ tiết
lộ với giai cấp tư sản về các đồng chí của mình. Không, họ không phải là đồng
chí nữa!

“Tôi
nói thẳng rằng tôi không coi hai người đó là đồng chí nữa… - Vla-đi-mia I-lích
tức giận viết. - … Thời kì khó khăn. Nhiệm vụ nặng nề. Sự phản bội nghiêm trọng.”

Nhưng
Lê-nin không dao động. Cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra. Ban chấp hành Trung ương Đảng
đã khẩn trương bắt tay vào việc chuẩn bị cuộc khởi nghĩa.

ĐẾN XMÔN-NƯI

Trên bờ
sông Nê-va ở Pê-téc-bua, nơi dòng sông quay ngoắt và chuyển hướng về phía hồ
La-đo-gia, ngày xưa có sân Xmô-li-a-nôi (sân nhựa). Người ta nấu nhựa bằng các
thùng lớn và trữ nhựa ở đây để cho ngành đóng tàu. Còn những xưởng đóng tàu thì
nằm ở phía bên kia sông Nê-va.

Sau đó ở
chỗ sân X mô-li-a-nôi xây dựng lên một tu viện, tiếp đó là học viện dành cho
các cô gái quí tộc. Một tòa nhà nghiêm trang ba tầng chạy dài dần một phần tư dặm,
có nhiều cột tròn, cầu thang bằng đá cẩm thạch và cửa ra vào rộng rãi bên dưới
những vòm cuốn. Học viện có tên gọi Xmôn-nưi vì trước kia nới đây là sân
Xmô-li-a-nôi.

Vào năm
một ngàn chín trăm mười bảy, sau khi lật đổ Nga hoàng, nữ sinh giải tán về các
gia đình, còn học viện Xmôn-nưi thì biến thành trụ sở của Xô-viết đại biểu công
nhân và binh sĩ Pê-tơ-rô-grát. Ủy ban quân sự cách mạng cũng đóng ở Xmôn-nưi.

Ủy ban
quân sự cách mạng giữ liên lạc với tất cả các nhà máy, tổ chức ở các nhà máy những
đội Cận vệ đỏ để tham gia chiến đấu. Hai mươi ngàn công nhân Pê-tơ-rô-grát được
vũ trang và sẵn sàng chờ lệnh: bắt đầu khởi nghĩa! Ủy ban quân sự cách mạng cử
các chính ủy bôn-sê-vích tới gặp các thủy thủ hạm đội Ban-tích để tuyên truyền
chống lại chính phủ tư sản và các sĩ quan hải quân. Các thủy thủ đều mong muốn
chiến đấu. Toàn bộ các trung đoàn binh sĩ chuyển sang phía những người
bôn-sê-vích và Ủy ban quân sự cách mạng.

Còn
Chính phủ lâm thời thì sao? Chính phủ lâm thời sợ những người bôn-sê-vích và
công nhân.

“Cấm
công nhân mang vũ khí! - Chính phủ lâm thời ra lệnh nghiêm khắc. - Bắt tất cả
các ủy viên của Ủy ban! Tìm bằng được Lê-nin, giam vào ngục thất.”

Và dĩ
nhiên Chính phủ lâm thời không ngồi bó tay, mà bằng mọi cách cố gắng tập trung
lực lượng chống lại những người bôn-sê-vích và công nhân, kéo quân đội của mình
về bao vây Pê-tơ-rô-grát.

Lê-nin
đã viết cho các đồng chí ở Ban chấp hành Trung ương rằng không được trì hoãn cuộc
khởi nghĩa nữa! Giờ phút quyết định đã đến.

Ngày
hai mươi tư tháng mười Vla-đi-mia I-lích lại gửi một bức thư nữa cho Ban chấp
hành Trung ương. Phô-pha-nô-va đi tới Ban chấp hành Trung ương Đảng đem thư trả
lwoif về. Khi đó Lê-nin chưa được phép ra khỏi nơi ở bí mật. Bất kì một tên sĩ
quan nào cũng có thể bắn hoặc chém Người, nếu như nhìn thấy Người ở ngoài đường
phố.

Ban chấp
hành Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của Vla-đi-mia I-lích đã tiến hành những
công việc chuẩn bị cuối cùng cho trận đánh quyết định. Nhưng thời hạn chính xác
của cuộc khởi nghĩa vẫn chưa định.

Ngày
mai, 25 tháng mười, tại Xmôn-nưi khai mạc Đại hội lần thứ II các Xô-viết. Các đại
biểu từ tất cả các thành phố đã tói Pê-tơ-rô-grát.

“Cần phải
bắt đầu cuộc khởi nghĩa hôm nay, trước khi khai mạc Đại hội, - Vla-đi-mia
I-lích nghĩ bụng. - Lật đổ Chính phủ lâm thời và ngày mai chuyển giao chính quyền
cho các Xô-viết.”

Lê-nin
đã nghĩ như vậy. Nhưng thì giờ vẫn cứ trôi qua. Lê-nin gửi một bức thư nữa cho
Ban chấp hành Trung ương và trong lòng rất lo lắng. Sống trong căn phòng quét
vôi trắng ở phố Xéc-đô-bôn-xcai-a lúc này, Người cảm thấy thật là nặng nề. Ngay
cả việc đi lại trong đó cũng không được tự do: qua bức tường có thể nghe thấy
tiếng động của bước chân. Người ta sẽ bảo: ai đi lại ở nhà Phô-pha-nô-va thế?...

Đến tối
Phô-pha-nô-va mới trở về. Vla-đi-mia I-lích hồi hộp đón bà.

- Xin đồng
chí chuyển hộ một bức thư nữa. Ngay bây giờ, ngay lập tức, xin đừng cởi áo ngoài
nữa. Tôi sẽ đưa ngay bây giờ…

Rồi Người
đi nhanh về phòng mình viết một bức thư gửi các ủy viên Ban chấp hành Trung
ương:

“Các đồng
chí!

Tôi viết
những dòng này vào tối ngày 24, tình hình thật vô cùng nguy cấp. Rất rõ ràng là
giờ đây mà trì hoãn cuộc khởi nghĩa là chết.”

Tiếp
theo, người viết rằng cần phải bắt đầu ngay ngày hôm nay, lật đổ Chính phủ lâm
thời, nắm lấy chính quyền. Lịch sử sẽ không dung thứ, nếu như chúng ta không
quyết định làm hôm nay. Ngày mai có thể đã muộn. Hôm nay là thời hạn cuối cùng
và dứt khoát.

- Đồng
chí đưa bức thư này thật nhanh! - Lê-nin giục Phô-pha-nô-va.

Rồi Người
ở lại nhà một mình. Thật không yên tâm chút nào! Người ngồi xuống, lắng nghe
cái gì đó. HÌnh như chờ đợi cái gì đó.

Đột
nhiên ở cửa vang lên tiếng chuông. Người liên lạc Ra-khi-a đã tới.

- Trong
thành phố đang có chuyện, thưa Vla-đi-mia I-lích!

Đây là chuyện đã xảy ra trong thành phố. Buổi
tối hôm đó trời ẩm ướt và khó chịu. Gió mạnh thổi từng cơn từ phía sông Nê-va.
Sương mù nặng nề bao phủ các đường phố. Những bông tuyết ẩm ướt rơi xuống.

Hoặc mưa bụi bắt đầu rắc đều. Nhưng mọi người
vẫn tụ tập thành từng nhóm ở khắp đó đây bên dưới các cổng. Một chiếc ô-tô vận
tải chạy vút qua chở đầy binh sĩ hoặc công nhân tay cầm súng ống. Ở đâu đấy
vang lên tiến súng trường đùng đoàng và tiếng súng máy giòn giã. Rồi lại im lặng,
lại lo âu.

Cạnh những chiếc cầu có đốt những đống lửa, những
đội viên Cận vệ đỏ đứng gác. Ban ngày Chính phủ lâm thời đã ra lệnh cắt tất cả
các cầu trên sông Nê-va. Bọn học sinh sĩ quan phi ngựa đến, đuổi những người đi
bộ khỏi các cầu, chặn việc đi lại. Nhưng chúng chỉ mới cắt được một phần chiếc
cầu Ni-cô-lai-ép. Quân ta đã kịp thời kéo đến, đuổi bọn học sinh sĩ quan đi.

Nếu bọn học sinh sĩ quan cắt được các cầu thì
thật là tai họa: tất cả các quân sĩ sẽ bị cắt rời từng mảng. Khi đó từng toán học
sinh sĩ quan sẽ có thể đánh bại những công nhân cách mạng.

Đấy là những điều đồng chí liên lạc Ra-khi-a
đã kể cho Vla-đi-mia I-lích.

Vla-đi-mia I-lích im lặng lắng nghe. Sau một hồi
ngồi im, Người đứng vụt dậy khỏi ghế, không nói một lời, lấy bộ tóc giả cũ
trong ngăn ra. “Người định làm gì vậy?” - Ra-khi-a lo lắng. Đảng đã giao cho
anh, một công nhân bôn-sê-vích, bảo vệ Lê-nin.

- Đồng
chí đi đâu thế,Vla-đi-mia I-lích?

- Phải
lập tức đến Xmôn-nưi! - Vla-đi-mia I-lích trả lời dứt khoát.

- Khéo
người ta giết đồng chí mất. Ta sẽ gặp phải bọn học sinh sĩ quan, chúng sẽ bắn.

Vla-đi-mia
I-lích không tranh luận. Người đứng trước gương tự khoác lấy bộ tóc giả lên đầu,
mặc chiếc áo bành tô cũ. Ra-khi-a hiểu rằng khuyên can cũng vô ích, và chính
anh cũng sửa soạn cùng đi.

Họ nghĩ
cách băng má thêm cho Vla-đi-mia I-lích, làm ra vẻ như là đau răng, khi đó khó
lòng mà nhận ra ngay được nữa.

Rồi họ
ra khỏi nhà. Vla-đi-mia I-lích đi tới Xmôn-nưi.

BẮT ĐẦU

Đi tới
Xmôn-nưi-nói thì nghe có vẻ dễ lắm. Từ phố Xéc-đô-bôn-xcai-a đến Xmôn-nưi dài
mười dặm! Không trông thấy, không nghe thấy tiếng tàu điện. Mọi người đều lẩn
trốn hết. Trời tối đen như mực không nhìn thấy gì cả. Bên dưới chân, bùn và tuyết
tan lép nhép. Gió tạt vào mặt.

Vla-đi-mia
I-lích đi bộ, hơi cúi đầu, ngực hướng về phía gió. Ra-khi-a tuy có đôi chân
dài, vẫn khó đi theo kịp Người.

- Đứng
lại, đứng lại! - Ra-khi-a kêu thật to, khi nhìn thấy tàu điện đang chạy về bến
xe điện. Rất may. Chỉ mong sao đi được nửa đường thôi.

Vla-đi-mia
I-lích nhìn chăm chú vào bóng tối, vào đêm thu dày đặc. Một chiếc xe ô-tô vận tải
chở đầy binh sĩ có vũ trang chạy ngang với tàu điện, rồi phóng lên phía trước.
Một chiếc nữa vượt qua.

- Ngày
hôm nay bọn tư sản sẽ gay đấy, - một người nào đó nói.

- Chúng
tôi rẽ vào trạm đỗ xe đây, xin mời quý khách xuống xe, - cô bán vé tuyên bố.

Vla-đi-mia
I-lích và Ra-khi-a lại bước đi trên những đường phố vắng vẻ ban đêm. Chỉ mong
sao đừng đụng phải bọn học sinh sĩ quan!

Nhưng vừa
đúng lúc đó nghe thấy tiếng vó ngựa nện lộp bộp trên đá sỏi. Hai tên học sinh
sĩ quan cưỡi ngựa tới.

- Giấy
thông hành!

Một tên
kìm dây cương. Con ngựa chúi cổ xuống, nhảy chồm lên.

- Giấy
thông hành! - tên học sinh sĩ quan hỏi lại một lần nữa và cho ngựa sấn lại gần
Ra-khi-a.

Hai tên
học sinh sĩ quan không để ý tới ông già. Ông ta thì có quái gì mà lấy? Ông già
băng má rảo bước đi ngang qua con ngựa nhảy chồm lên.

- Giấy
thông hành gì cơ? - Ra-khi-a giả vờ ngây ngô, viện cớ loanh quanh thoái thác, cố
tranh thủ thời gian để Lê-nin đi xa. - Tôi không biết lấy giấy thông hành ở đâu
cả. Và để làm gì kia chứ? Không có giấy thông hành thì cũng rõ là dân thợ rồi.

Tên học
sinh sĩ quan vung roi da lên kèm theo câu chửi rủa.

- Thôi,
mặc xác nó, - tên đi cùng can.

Hai tên
học sinh sĩ quan phi ngựa đi tiếp. Ra-khi-a vội vàng rảo bước đuổi lịp
Vla-đi-mia I-lích. Anh đã sờ sẵn khẩu súng lục ở trong túi. Anh không chịu để bị
đánh.

- Cám
ơn, - Vla-đi-mia I-lích nói gọn.

Cái bãi
lớn ở trước Xmôn-nưi bị con đường lát cắt ngang và trên đó có mọc lơ thơ những
cây non và bụi thưa. Ở đó rất đông người và ồn ào. Những đống lửa cháy bừng bừng.
Tia lửa bắn lên trời thành những chùm nhỏ. Anh em binh sĩ giậm chân bên cạnh những
đống lửa sưởi ấm. Những chiếc xe vận tải nói tiếp nhau chạy đến. Nhưng thủy thủ
và công nhân từ các xe nhảy xuống. Người đổ về Xmôn-nưi ùn ùn. Không thấy những
chiếc áo bành tô và những chiếc mũ phớt của các ông chủ. Chỉ toàn là những dân
thường.

Từ phía
bãi vọng đến khẩu lệnh:

- Chỉnh
đốn đội ngũ.

Nghe thấy
những tiếng gọi:

- Công
nhân xưởng Pu-chi-lốp đâu? Trả lời đi, công nhân xưởng Pu-chi-lốp!

- Anh
em ơi, có thấy công nhân xưởng Xê-mi-an-nhi-cốp đâu không?

Đám
đông xôn xao. Khắp cả bãi đều chuyển động. Cạnh Xmôn-nưi có đặt những cỗ súng lớn.
Những lính gác canh giữ các lối vào. Cửa sổ của tất cả ba tầng nhà dài của viện
Xmôn-nưi đều sáng rực. Cảnh tượng Xmôn-nưi sáng rực ánh đèn cùng với những con
người bị kích động, ánh mắt ngời sáng, mới hùng vĩ làm sao. Phía sau lưng họ
tua tủa những họng súng trường.

Vla-đi-mia
I-lích vô cùng xúc động. Đã đến cái ngày Người vẫn hằng mong ước.

Vla-đi-mia
I-lích và Ra-khi-a được vào Xmôn-nưi, vì Ra-khi-a đã có sẵn giấy phép vào cửa.

Vla-đi-mia
I-lích mặc chiếc áo bành tô mở phanh, hai tay đút túi, quên bỏ bộ tóc giả ông
già và cứ thế đi rất nhanh dọc theo hành lang đông người, chật những hòm súng đạn.
Người chạy lên tầng ba, vào phòng của Ủy ban quân sự cách mạng.

Tất cả
các ủy viên của Ủy ban đều có mặt. Đang có phiên họp. Kẻ đứng, người ngồi.

Thư ký
ghi biên bản. Phiên họp đã diễn ra nửa ngày rồi. Mọi người bàn bạc kế hoạch tấn
công.

Những
người liên lạc của đội Cận vệ đỏ, của các đơn vị bộ đội và các nhà máy liên tục
chạy vào.

Lê-nin
bước vào. Bỏ mũ cát-két ra. Bộ tóc giả cũng được bỏ ra cùng với chiếc mũ. Bỏ ra
mãi mãi. Bộ tóc đó đã làm tròn nhiệm vụ rồi.

- Lê-nin! - tất cả đè nhận ra.

Chủ tịch
Ủy ban quân sự cách mạng Ni-cô-lai I-lích Pốt-vôi-xki, dáng người gầy gò, cặp mắt
sưng lên vì thiếu ngủ, lao về phía Lê-nin:

-
Vla-đi-mia I-lích!

Đồng
chí rất vui mừng vì Vla-đi-mia I-lích đến. Dường như Lê-nin đã tiếp thêm sức mạnh
và lòng dũng cảm. Pốt-vôi-xki nóng lòng chờ đợi những gì Lê-nin sẽ phát biểu.

- Sự chậm
trễ chẳng khác gì đi vào chỗ chết vậy! - Vla-đi-mia I-lích nói nhanh, giọng dứt
khoát. - Cần phải chiếm lấy sở dây thép, trạm điện thoại, các nhà ga, cầu cống.
Không được chậm trễ. Ngay bây giờ. Ngay đêm nay.

Những
người liên lạc chạy vào phòng của Ủy ban quân sự cách mạng, của ban tham mưu
cách mạng, nơi Lê-nin vừa tới.

-
Lê-nin đã đến! Lê-nin! - tiếng reo hò bay đi khắp Xmoon-nưi.

Những
người liên lạc đi vào nhận mệnh lệnh. Ủy ban quân sự cách mạng ra lệnh chiếm sở
dây thép, trạm điện thoại, các nhà ga, cầu cống. Chiếm tất cả các cơ quan của
chính phủ.

- Đội Cận
vệ đỏ, chỉnh đốn hàng ngũ! - có tiếng hô vang lên trễn bãi ở phía trước Xmôn-nưi.

Những đống
lửa cháy bùng bùng. Những chiếc xe ô-tô- vận tải chở đầy công nhân có vũ trang
lao nhanh vào bóng tối và màn đêm tháng mười lất phất mưa. Các binh sĩ và thủy
thủ cũng rời đi.

Đêm 24
rạng ngày 25 tháng Mười giai cấp vô sản có vũ trang và những đội quân cách mạng
đã nắm trong tay Pê-tơ-rô-grát, kinh đô của nước Nga.

Cuộc
cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại đã thành công.

CHIẾM
CUNG ĐIỆN MÙA ĐÔNG

Chính
phủ lâm thời cùng với bọn bảo vệ vẫn cố thủ Cung điện Mùa đông. Một mặt chính của
của cung điện Mùa đông thông ra sông Nê-va. Còn một mặt chính nữa trông ra phía
quảng trường Cung điện rộng thênh thang. Những cột tròn màu trắng và những bức
tượng trang điểm cho Cung điện. Trên mặt tường nhô lên khỏi mái nhà nổi lên những
bức tượng và những cái bình đồ sộ. Con chim đại bàng mạ vàng giương đôi cánh
phía trên ngọn tháp, trước đây còn có lá quốc kỳ Nga hoàng bay phấp phới trên cột
cờ. Trước đây các Nga hoàng đều sống ở Cung điện Mùa đông này.

Lê-nin
nói với Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng:

- Toàn
bộ Pê-tơ-rô-grát đã ở trong tay chúng ta, nhưng Cung điện Mùa đông vẫn chưa chiếm
được. Cần phải lập tức chiếm Cung điện Mùa đông và bắt Chính phủ lâm thời.

- Chúng
tôi sẵn sàng tiến công! - Pốt-vôi-xki đáp.

Hăm
nhăm tháng Mười, vào buổi sáng đầu tiên của cách mạng tháng Mười, mọi người đọc
lời kêu gọi “Gửi các công dân nước Nga”.

Lê-nin
viết rằng Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ, chính quyền đã chuyển vào tay các
Xô-viết. Cách mạng đã thắng lợi.

Đúng là
mọi việc đã diễn ra như vậy. Chính phủ lâm thời không còn chính quyền nào cả,
các bộ trưởng của nó vẫn cố thủ ở Cung điện Mùa đông.

- Thế
là thế nào? - Lê-nin nghiêm khắc nói với Pốt-vôi-xki.

- Hôm
nay Cung điện Mùa đông sẽ thuộc về chúng ta! - chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng
đáp. Đồng chí chạy ra khỏi Xmôn-nưi và phóng xe ô-tô đi kiểm tra kế hoạch chiếm
Cung điện Mùa đông.

Các đội
Cận vệ đỏ và các trung đoàn cách mạng nhận được lệnh: bao vây Cung điện Mùa
đông!

Công
nhân và binh sĩ đã chiếm tất cả các đại lộ và đường phố cạnh Cung điện Mùa
đông. Bao vây chặt Cung điện. Đại bác lăn bánh ầm ầm, chiếm lĩnh các trận địa.
Những ngư lôi hạm từ từ đi vào sông Nê-va, nhằm về phía Cung điện Mùa đông. Các
tàu dàn hàng ra và thả neo.

Chiếc
tuần dương hạm “Rạng đông” có ba ống khói, thành tàu màu trắng nẹp đồng, chĩa
miệng súng về phía Cung điện Mùa đông. Cung điện đã bị vây hãm. Sự việc đó xảy
ra vào đêm 26 tháng mười năm 1917.

Mọi người
còn nhớ ngày chủ nhật đẫm máu năm 1905. Ở đây, trước Cung điện này, trên quảng
trường rộng thênh thang, những đám công nhân kéo đến tụ họp. Họ từ tất cả các
nhà máy và công xưởng của Pê-téc-bua đi đến gặp Nga hoàng một cách hòa bình và
mang theo ảnh thánh. “Tâu Hoàng thượng, mong Người hãy cứu giúp, chúng con
không còn sức để chịu đựng nữa, chúng con sưng phù vì đói.”

Hàng
ngàn công nhân đã bị giết và bị thương vào ngày chủ nhật hôm đó ở quảng trường,
trước Cung điện Mùa đông.

Tháng
Mười năm 1917 đã đến. Bây giờ công nhân tới đây không mang theo ảnh thánh nữa.

Cung điện
Mùa đông, hãy liệu hồn!

- Chúng
ta sẽ kéo dài bao lâu nữa? - đám binh sĩ lo lắng và chửi bới. - Ai chỉ huy
chúng ta?

Các
chính ủy và các ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng đi ô-tô và đi ngựa tới các tuyến
binh sĩ.

- Các đồng
chí, hãy chịu khó chút nữa, chúng ta đang tập hợp lực lượng đông hơn để đánh bọn
tư sản không cựa vào đâu được. Đồng chí Lê-nin đang chỉ huy cuộc khởi nghĩa.

-
Lê-nin! - tiếng reo hò bay đi khắp các tuyến binh sĩ và công nhân. - Anh em ơi,
đồng chí Lê-nin đang chỉ huy cuộc khởi nghĩa.

Lê-nin ở
Xmôn-nưi liên tục nhận được các báo cáo gửi tới nói về tình hình bao vây Cung
điện Mùa đông. Lê-nin cầm bút chì cúi xuống vạch kế hoạch. Ở các đường phố này
cần bố trí các đơn vị nào. Trung đoàn nào chốt ở đây… Cần phải tăng thêm người
đến đây. Các thủy thủ từ Crôn- xtát đã tới. Tuần dương hạm “Rạng đông” đã sẵn
sàng.

- Các đồng
chí, đến giờ rồi. Bắt đầu tấn công! - Lê-nin ra lệnh.

Buổi tối
lạnh lẽo đã buông xuống thành phố. Các ngôi nhà cửa đóng then cài lẩn khuất
trong bóng đêm. Những chiếc cửa sổ tối om nom có vẻ xa lạ. Trên các đường phố
có đốt những đống lửa. Gió đem theo khói làm cay mắt, xua đuổi những đám mây
đen nặng nề trên thành phố.

Đám
binh sĩ ngày càng tiến gần quảng trường Cung điện.

Cung điện
Mùa đông cũng không ngủ, cũng chuẩn bị hco trận đánh trả. Bọn học sinh sĩ quan
lấy củi chất thành các ụ chiến đấu. Các lối ra vào Cung điện bị ngăn lại. Những
khẩu súng máy đặt giữa các ụ chiến đấu.

Sự im lặng
khủng khiếp bao trùm xung quanh Cung điện Mùa đông.

Một người
đi xe đạp máy từ X môn-nưi tới. Lại một phái viên của Lê-nin đến trao lệnh cho Ủy
ban quân sự cách mạng.

- Hãy lập
tức mở đợt tấn công. Phải chiếm bằng được Cung điện Mùa đông. Đến giờ rồi.

Và thế
là trong bóng tối, trong sự im lặng ban đêm bỗng phát ra tiếng nổ xé tai trên
sông Nê-va làm rung trời chuyển đất. Tiếng vang lặp lại hồi lâu: u ùng, u ùng…

Đó là
phát súng pháo hiệu của chiến hạm “Rạng đông”. Hiệu lệnh: bắt đầu tấn công.

Đám
binh sĩ và các đội viên Cận vệ đỏ, tựa như một lớp sóng trào lên, lao thẳng về
phía Cung điện Mùa đông. Các chiến sĩ người người lớp lớp xông lên như vũ bão.
Từ các đường phố lân cận pháo binh cũng nổ súng. Súng máy nổ giòn giã. Một chiếc
xe bọc sắt gầm rú chạy ra quảng trường Cung điện, tưới lửa vào các ụ chiến đấu
bằng củi chắn Cung điện Mùa đông. Bọn học sinh sĩ quan vứt súng ống, tháo chạy
vào Cung điện.

- U-ra!
- những đội viên Cận vệ đỏ và đám binh sĩ vừa gào thét vừa truy kích bọn học
sinh sĩ quan và bọn sĩ quan.

- U-ra!
- họ hất tung các thanh củi, trèo lên các ụ chiến đấu, nhảy sang phía bên kia,
rồi chạy rất nhanh.

- U-ra!
Cuộc cách mạng của công nhân muôn năm!

Các đội
Cận vệ đỏ ập vào Cung điện. Và… họ bị hoa mắt trước cảnh xa hoa lộng lẫy, giàu
sang tráng lệ. Các hành lang, các
phòng đều bóng loáng.

Hàng
trăm gian phòng lớn nhỏ. Những chùm đèn bằng pha-lê, nhung và lụa, những bức
tranh và tượng, đồ gỗ quý, gương.

Một đội
viên Cận vệ đỏ lấy lưỡi lê đâm vào chiếc gương khung mạ vàng. Mãnh gương bẵn
tung tóe kêu loảng xoảng.

- Ngốc
thế? - có tiếng quát tháo anh đội viên Cận vệ đỏ. - Bây giờ đó không phải là
tài sản của Nga hoàng nữa, mà là của chúng ta, của nhân dân rồi.

- Các đồng
chí, hãy tôn trọng quy chế cách mạng! - người chỉ huy các đội trèo lên chiếc ghế
tựa bọc nhung tuyên truyền.

Các đội
viên Cận vệ đỏ và đám binh sĩ tiếp tục tiến sâu vào, từ phòng nọ sang phòng
kia. Súng trường chĩa về phía trước, tay đặt lên cò súng. Những người chỉ huy
dũng cảm nhất đi đầu… Những người phục vụ trong Cung điện mặc chế phục màu xanh
có viền sợ hãi lui về phía sau. Các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời đổ dồn vào
một phòng lớn. Bọn học sinh sĩ quan bảo vệ họ.

- Anh
em học sinh sĩ quan, hãy nộp vũ khí ngay. Các ông bộ trưởng, các ông đã bị bắt.

Đêm đã
khuya, nhưng ở Xmôn-nưi tất cả các cửa sổ đèn vẫn sáng. Mọi người tụ tập thành
đám dông trên các cầu thang, các hành lang và trong các phòng. Tất cả đều hồi hộp
nóng lòng chờ đợi tin tức. Chuyện gì đang xảy ra trên quảng trường Cung điện?
Cuộc chiến đấu đang diễn ra như thế nào?


Lê-nin, người trông mong nhiều nhất, hiện đang có mặt ở X môn-nưi. Với vẻ mặt
bình tĩnh, Người chủ trì một cuộc hội nghị.

Có tiếng
gót giày nện mạnh, Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng Pốt-vôi-xki bước vào.
Gương mặt đanh lại vì gió rét tháng Mười. Đồng chí giơ tay chào theo lối quân sự:

- Thưa
đồng chí Lê-nin! Báo cáo, đã chiếm được Cung điện Mùa đông. - Lê-nin đứng phắt
dậy, đi lại gần và ôm chặt Pốt-vôi-xki.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3