Hồ Quý Ly - Chương 05 - Phần 1
Chương 5: Trần Khát Chân
1
Trại Mai nằm ở phía
Nam kinh đô Thăng Long, nơi có những con đường lớn đi về các phủ, trấn, lộ phía
nam như phủ Thiên Trường, lộ Thanh Hoa, lộ Diễn Châu v.v...
Trại Mai ở giữa
cánh đồng rộng, có một con đường nhỏ dẫn vào. Mùa xuân, mới bắt đầu đến quãng
đường rẽ, ta đã trông thấy một rừng mai trắng ngát, phớt màu xanh, màu của những
cây mai trổ hoa và mầu của những mầm lá non.
Trại Mai là thái ấp
của thượng tướng quân Trần Khát Chân (ngày nay dân Thăng Long còn nhận ra dấu vết
của vùng thái ấp qua các địa danh làng Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động, chợ Mơ,
phố Bạch Mai v.v..) Khi Trần Khát Chân giết được Chế Bồng Nga, cứu nguy cho xã
tắc, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông liền phong cho ông tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu.
Đất phong hầu của ông chính là vùng Mơ này. Trước khi Thượng tướng đến ở, vùng
nam Thăng Long đã có cây mơ đặc sản. Thiên hạ đã gọi dân vùng đó là Kẻ Mơ.
Chỗ gò đất cao mà
thượng tướng định xây cất dinh thự có một lão nông đã ở từ lâu. Căn nhà chỉ là
chiếc lều cỏ ông lão làm ruộng, thêm nghề chăn vịt, nhưng cũng như dân trong
vùng, ông vẫn có một vườn mai nhỏ cạnh nhà. Đặc biệt, trước căn lều của ông cụ,
có hai cây mai cổ thụ mà dân kẻ Mơ vẫn gọi là hai cây mai tổ. Hai cây mai già
thuộc loại mai hiếm. Cây đã đẹp, quả lại ngon. Thường thường, cây mai chỉ sống
vài chục năm là giỏi, nhưng nhờ chất đất đặc biệt ở ngôi gò và nhờ sự chăm sóc
khéo léo của ông cụ, nên đôi lão mai đã sống trên dưới trăm tuổi mà cành lá vẫn
xum xuê tươi tốt. Hôm thượng tướng đến thăm đất, ông cụ nói:
- Hai cây lão mai
này của các cụ tôi để lại, bao nhiêu tuổi rồi chẳng rõ. Chỉ biết lúc tôi còn
bé, chúng trông đã già côi như thế này rồi. Được cái già cỗi nhưng vẫn còn
tráng kiện. Mỗi năm hai cây cũng cho được bốn thúng quả. Quả to bằng ngón chân
cái, ăn vào ngăm ngăm vị đắng, chẳng chua lắm, cũng chẳng ngọt lắm, đặc biệt,
hương của nó cứ ngát mãi trong miệng, dư vị đậm đà kéo dài. Dân làng vẫn xin giống
nó về trồng, vì thế mới gọi là hai cây mai tổ.
Ông lão nói, mắt
long lanh hãnh diện. Thượng tướng cười:
- Cụ mới nói, tôi
đã thấy thèm.
- Bẩm đức ông, tôi
lại học được ở các cụ tôi cách làm rượu mai. Nhà vẫn có hơn chục cái vò sành
chuyên dùng ngâm rượu. Chọn những quả mai lành lặn nhất, đẹp mã nhất, không
xanh mà cũng không chín, cho vào vò rồi đổ ngập rượu. Đậy chặt bằng nút lá chuối
khô. Chôn sâu dưới đất, càng để lâu càng ngon.
Ông lão vào nhà, lấy
cái thuổng ra vườn đào một vò rượu mai:
- Bẩm tướng quân,
đây là vò rượu đã chôn mười năm, vò rượu để chờ khách quý. Nếu chưa gặp khách
quý, đến lúc sắp chết tôi mới đào lên để uống, trước khi về chầu tiên tổ cho
thơm tho mát mẻ. - Ông lão rót rượu ra chiếc bát, rượu sóng sánh vàng như mật
ong, hương mai thơm nức khu vườn. Thượng tướng không nỡ hưởng của quý, cố chối
từ. Ông lão bèn nói:
- Thượng tướng là
quý nhân, người có công giúp trăm họ thoát nạn đao binh... Chính gia đình tôi
cũng được nhờ. Tôi có ba người con trai. Hai người đi lính chết trận bởi tay
quân Chiêm. Nay chỉ còn thằng út lấy vợ làng bên. Từ nay dân chúng không còn sợ
quân Chiêm ra quấy rối Thăng Long nữa.
Trần Khát Chân nghe
vậy không nỡ từ chối. Ông bưng bát rượu sóng sánh mầu hổ phách lên miệng, uống
một hơi. Uống xong, suốt ngày hôm ấy trong miệng còn phảng phất hương mai.
Thượng tướng bèn
cho xây nhà trên quả gò cao đó. Vẫn để nguyên hai cây lão mai quý báu. Cụ lão
nông được thượng tướng tuyển dụng làm người chăm sóc vườn tược trong thái ấp.
Trước kia phải bận lo việc mưu sinh, còn bây giờ ông lão tha hồ thỏa thích chăm
lo việc làm vườn, đó là công việc lão hằng mê mẩn. Lão mê mẩn nhất hạng cây
mai. Cây mai đẹp vì dáng, vì hoa, vì quả còn vì lá của nó. Có giống mai lùn,
xòe ra như cái nơm, trẻ con lẫm chẫm với tay cũng bứt được quả. Có giống mai
cao thanh mảnh. Mùa đông, cành khô gầy trụi lá, mà hoa lại tíu tít ken dày. Cây
mai lúc đó trông như một cành khô với ngàn vạn con bướm trắng xinh xinh nối
đuôi bám vào nhau. Hoa mai nói là trắng nhưng thực ra nhiều mầu. Có thứ phau
như tuyết, có thứ phớt hồng, có thứ màu hoàng yến, có thứ trắng đốm vàng hoặc
điểm tia hồng, có thứ màu ngà vương gia...
Nhưng bao giờ ông
lão Mai cũng có thể tự hào về hai cây lão mai truyền thế của gia đình mình. Mùa
đông, khi lá mai rụng hết, những nụ mai không biết ẩn nấp từ đâu bỗng đột nhiên
đồng loạt chồi lên ở khắp mọi cành, cứ như thể một phép lạ đã mời đón chúng về
chen chúc gọi xuân. Khác với loại mai thường, hai cây lão mai nụ rất to, mà hoa
cũng rất to. Lúc mãn khai, hoa nở gần to bằng con bướm, những con bướm nhỏ trắng
tinh khiết và mong manh. Quan thượng tướng thường ngồi ngây ngất hàng giờ ở
hiên nhà để ngắm đôi lão mai tỏa trắng làm sáng cả vùng sân. Ông hay lim dim
con mắt để tận hưởng mùi thơm thoảng của mai, mùi thơm mà chỉ khi nhắm mắt, định
thần, ta mới cảm nhận thấy.
Ông Lão Mai xin thượng
tướng cho phép trồng hẳn một vườn mai mới ở phía hữu dinh thất. Phía bên tả sẽ
trồng một vườn cây ăn quả khác. Bởi vì, mai thuộc loạt cây âm hàn ra quả vào
mùa đông lạnh, cần phải hài hòa cân đối bằng một vườn cây mùa hạ, những thứ cây
thuộc về dương hỏa. Thượng tướng nghe vậy rất đẹp lòng, cho phép ông già được
tùy ý trồng cây.
Lão Mai vội vã lặn
lội đi tìm giống cây quý ở khắp nơi đem về ươm trồng. Có thứ gieo hạt. Có thứ đánh
cả cây to về trồng ngay. Có bận, ông già đem cả một đoàn thuyền vào tận suối Đục
vùng Hương Tích, đánh những cây mai lớn mọc hoang ở những thung lũng sâu trong
rừng, lấy lạt chằng buộc giữ nguyên những bồng đất to đem xuống thuyền chở về
trồng. Đó là những gốc mai đặc biệt có dáng đẹp, hoặc quả thơm ngon. Chỉ ba năm
sau, vườn mai của thượng tướng đã nổi danh khắp kinh thành Thăng Long. Những bậc
tao nhân mặc khách đều đã ít nhất một lần đến thăm vườn mai.
Hồ Nguyên Trừng là
người đầu tiên phát hiện ra vườn mai. Lạc vào đó, ông như mê mẩn tâm thần. Trần
Khát Chân sai gia nhân bày tiệc giữa vườn, đãi khách. Rượu đã đành là rượu mai.
Còn thức nhắm Nguyên Trừng đề nghị cất hết mọi sơn hào hải vị; ông chỉ xin đem
ra toàn những quả mai: quả mai vàng Hương Tích thoáng ngọt, thoáng chua; quả
mai xanh xứ Lạng nhần nhận đáng nhưng hương lại nồng nàn; có thứ quả nửa mai nửa
đào, lấy giống từ núi cao giáp giới vùng Vân Quý phương Bắc, cắn vào miệng, nước
ứa ra thơm lừng, cuối cùng là thứ tiểu mai, chín rồi mà quả vẫn xanh rờn nhỏ
xíu, ăn vào lúc đầu thấy đắng, nhai kĩ sau thành vị ngọt... Đó là bữa tiệc nhớ
đời Nguyên Trừng đi đâu cũng nói với mọi người như vậy.
Thượng tướng nhân
lúc tửu hứng, đọc bài thơ Giang Mai (Cây Mai trên sông) của Đỗ Phủ:
Tháng chạp nhụy mai vừa hé
Sang năm mai nở đầy cành
Vẫn biết ý xuân xinh đẹp
Riêng lòng lữ khách buồn tênh
Cây và tuyết cùng một sắc
Gió trên sông, sóng bồng bềnh
Vườn cũ nào đâu còn thấy
Núi Vu Cao một màu xanh.
Nguyên Trừng khen
thú vị, bèn sai gia nhân lấy bút, giấy ra vẽ một cây mai trên một mỏm núi. Dưới
núi, một dòng sông, một lá thuyền. Trừng ngẫu hứng vẽ, phóng bút rất nhanh, chỉ
một loáng đã xong. Cạnh bức tranh đề hai câu thơ:
Lạc tới chiêm bao mai một nhánh
Muốn đem tặng bạn, khó vô ngần
Khát Chân cười ha hả,
ông thích cái ý tặng bạn một nhành mai, cả trong cơn mơ, một ý thơ phóng
khoáng, kỳ thú, như ông nói.
Trừng hỏi:
- Huynh có biết hai
câu thơ này của ai không?
- Xin chịu.
- Đó là hai câu cuối
trong bài thơ Tảo Mai (Hoa mai sớm) của ông thiền sư Trần Nhân Tông, lúc ngài
tu hành trên núi Yên Tử.
Từ bữa tiệc vườn
mai nhớ đời ấy, Nguyên Trừng và Khát Chân luôn luôn đi lại với nhau.
Và cũng từ đó, mỗi
độ xuân về, quan thượng tướng lại mở tiệc trong Vườn Mai, và đặt tên là tiệc “Đại
Mai.”
Mùa Xuân năm Giáp
Tuất (1394), thời tiết ấm áp, báo hiệu năm ấy sẽ phong quang hòa cốc, nên thượng
tướng Khát Chân mở tiệc Đại Mai to hơn mọi năm. Năm ấy, sức khỏe thượng hoàng
Nghệ Tông đã yếu lắm. Thượng tướng mời thượng hoàng đến dự tiệc xuân. Nghệ Tông
đã bảy mươi tư tuổi, gần đến ngày hội thề, chợt thấy trong người dễ chịu, ông
nhận lời đến dự. Dĩ nhiên, quan bình chương, tức thái sư Quý Ly, phải là khách
danh dự số hai.
Trại Mai treo đèn kết
hoa, nhộn nhịp đón khách quý Những chiếc đèn lồng bàng gấm đủ mầu lộng lẫy được
đem treo ở trước sân, trên hai cây lão mai, Nghệ Hoàng phấn chấn, tinh thần hơn
hẳn mọi ngày. Ngài bảo:
- Ta đã ban cho
quan bình chương tranh “tứ phụ” nay cũng ban cho quan thượng tướng tranh “nhị
hùng” để tỏ lòng ưu ái hiền tài của ta. Thái sư là tể phụ của con trai ta, sau
này sẽ thay ta bảo ban cho quan gia mọi việc chính sự. Còn khanh là bậc tướng
giỏi, sau này sẽ là cây cột trụ giữ yên bờ cõi.
Thượng tướng quỳ xuống
tạ ơn. Ông vua già sai lấy hai bức tranh võ tướng: thứ nhất là bức vua Lê Đại
Hành phá Tống bình Chiêm, thứ hai là bức Trần Bình Trọng “Thà làm quỷ nước Nam
còn hơn làm vương đất Bắc.” Thượng tướng tay nâng hai bức tranh, rưng rưng nước
mắt. Ông khóc vì ông là cháu chắt của vua Lê Đại Hành và của tướng Lê Bình Trọng.
Khi phá quân Nguyên, Bình Trọng sa vào tay giặc đã không hàng, đức vua Trần
Nhân Tông đánh giá cao lòng trung liệt đó nên đã ban cho quốc tính. Từ đó dòng
họ Lê nhà ông đổi sang họ Trần. Và tên ông mới thành Trần Khát Chân. Cái ý ngầm
của Nghệ Tông đã rành rành. Làm sao ông không cảm kích.
Nghệ Hoàng nhấp ly
rượu mai, cắn quả mai thơm rồi nói:
- Tiệc Đại Mai, rừng
mai, rồi cả hai cây lão mai của khanh, quả danh bất hư truyền.
Rồi ngài sai lấy gấm
vàng và bút lớn ra, viết một bức trướng. Nghệ Hoàng vốn tài văn học, nổi tiếng
chữ viết bất phàm. Tấm trướng như rồng bay phượng múa:
Gương trung dũng rạng
chiếu ngàn thu
Chí anh hùng nêu
danh muôn thuở
Nghệ Hoàng quay
sang thái sư Quý Ly, nói:
- Khanh là người giỏi
thơ quốc ngữ, sao lại không nhân bữa tiệc làm một bài thơ tặng thượng tướng.
Thái sư nhấp hớp rượu,
ngẫm nghĩ một lát rồi viết một bài thơ trên giấy vân bạch:
Cây mai già! Cây mai già!
Bình ngọc rượu lừng hương
Mỗi độ xuân qua,
Mai nở chật vườn.
Cây mai già
Cánh hoa ngọc ngà
Dầu dãi tuyết sương.
Đã lâu rồi sao vẫn lặng tanh
Kẻ trượng phu sao phụ chí bình sinh?
2
Thế kỷ XIII Đại Việt
ba lần chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên hung bạo. Nhưng ngay sau đó, thế kỷ XIV
nhất là nửa sau của nó, Đại Việt trở nên suy yếu, làm mồi cho sự tấn công liên
miên của người Chiêm Thành phương Nam. Vào thời kỳ đó, có thể nói quân Chiêm ra
vào tấn công Đại Việt như đi chợ, muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn rút lúc nào
thì rút.
Tính từ khi vua Nghệ
Tông dẹp loạn Dương Nhật Lễ, chiến tranh Chiêm - Việt xảy ra mười lần, hầu hết
quân Việt bị thua.
Sau trận đại bại của
quân Việt năm Đinh Tỵ (1377), khi vua Duệ Tông đem mười hai vạn quân vào thành
Đồ Bàn, đại quân tan tác. Duệ Tông tử trận, từ đó Đại Việt hoàn toàn mất hết
nhuệ khí, quân Việt từ chỗ khinh thường quân Chiêm, đã quay ngược trở lại, trở
nên sợ hãi quân Chiêm. Còn quân Chiêm từ chỗ nhút nhát, sau chiến thắng, đã trở
thành đội quân thiện chiến, gan dạ.
Quân Chiêm, dưới sự
chỉ huy của thiên tài quân sự Chế Bồng Nga, thường đem quân ra đánh phá nước ta
vào mùa gió nồm nam. Bình thường họ đánh phá cướp bóc các tỉnh miền Trung:
Thanh đô trấn, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Khi thời cơ thuận tiện, Chế đem
quân ra tận kinh đô Thăng Long cướp phá.
Vua Nghệ Tông tính
tình nhu hòa, vô cùng sợ người Chiêm. Nghệ Tông sợ hãi đến nỗi đem tất cả mồ mả
cha ông chuyển về làng Yên Sinh ở Đông Triều. Lại đem chôn giấu vàng bạc, tiền
đồng và của quý vào trong núi đá.
Trong vòng hai mươi
năm, từ năm 1370 đến năm 1390, quân Chiêm Thành đã xâm nhập đốt phá Thăng Long
bốn lần. Lần thứ nhất, ngay sau khi Nghệ Tông mới lên ngôi. Đại Việt sử ký còn
ghi:
“Tháng ba nhuận năm
Tân Hợi (1371), người Chiêm thành sang cướp phá, tiến quân vào từ cửa biển Đại
An, tiến thẳng đến kinh sư. Dụ binh của giặc đến bến Thái Tổ, phường Phục Cổ
(ngày nay khoảng phố Nguyên Du). Vua đi thuyền sang Đông Ngàn lánh giặc. Ngày
27, quân Chiêm vào Thăng Long, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái đẹp, vàng bạc
châu báu đem về... Giặc đốt cung điện đồ thư trụi cả...
Lần đốt phá Thăng
Long thứ hai của quân Chiêm xảy ra năm 1377.
Lần đốt phá Thăng
Long thứ ba xảy ra năm Mậu Ngọ (1378).
Lần đốt phá Thăng
Long thứ tư, quân Chiêm tiến hành vào năm Quý Hợi (1383). Sử cũ ghi:
‘Quý Ly phải sai
nghĩa đệ là Nguyễn Đa Phương dựng rào trại quanh kinh thành ngày đêm canh giữ.’”
Nghệ Hoàng sợ hãi,
xuống thuyền ngự định sang Đông Ngàn lánh nạn. Có người nho sinh Nguyễn Mộng
Hoa ra bến sông, lội xuống nước níu thuyền vua, xin thượng hoàng ở lại đánh giặc.
Thượng hoàng bảo:
- Ta cũng giống như
Bái Công, Hán Cao Tổ; còn Chế Bồng Nga chẳng khác nào Hạng Võ. Thua được; bên
chạy bên đuổi là lẽ thường tình. Kẻ kia hung hăng, còn ta mềm dẻo, cũng lại là
lẽ thường tình. Chỉ đến phút cuối ai được ai thua rõ ràng mới quan trọng.
Thực ra, Chế Bồng
Nga không chỉ là một con người hung hăng, hữu dũng vô mưu. Nói công bằng, ông
ta là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng cuối cùng của người Chiêm Thành.
Đêm đã tàn, đã thưa
thớt ánh sao, đột nhiên một ngôi sao băng bỗng lóe lên rực rỡ trên bầu trời
Chiêm Thành. Ông ta như một khắc tinh đối với Nghệ Hoàng. Ông ta đã vây hãm khốn
đốn Đại Việt, đã hủy diệt nốt những năng lượng cuối cùng của dòng họ Trần, đã một
thời leo lên đến tột đỉnh vinh quang. Nhưng một ngôi sao dù sáng đến thế nào,
cuối cùng cũng phải đi hết con đường xạ quang của nó. Cả cơ đồ nhà Trần, cả đến
sự nghiệp rực rỡ của Chế Bồng Nga, cuối cùng cũng phải kết thúc như vậy mà
thôi.
Lần vật lộn khốc liệt
cuối cùng giữa Chế Bồng Nga và quân Đại Việt là lần thứ năm quân Chiêm Thành định
ra cướp phá Thăng Long. Lần này, họ Chế chuẩn bị rất chu đáo.
Trước tiên, về mặt
chính trị và ngoại giao, họ Chế đã tiến hành cô lập Đại Việt. Năm 1370, Chế Bồng
Nga đem cống nhà Minh voi, hổ và các sản vật phương Nam. Năm 1372, sau khi đánh
bại Đại Việt, Chế lại mang lễ vật sang nhà Minh, vừa báo tin thắng trận, vừa
xin vua Minh cung cấp vũ khí. Năm 1386, Chế sai con trai sang chúc thọ Minh
Thái Tổ, y đã được nhà Minh tiếp đãi long trọng.
Trong khi ấy, nhà
Minh lại giả trá, lặp lại thủ đoạn xưa cũ mà nhà Nguyên đã dùng, họ mượn đường
Đại Việt đi đánh Chiêm Thành. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương yêu cầu Đại Việt
phải đem cống voi, và đặt các trạm ở dọc đường suốt từ biên giới Trung Việt cho
tới Nghệ An. Chuyện này ta không đáp ứng, nhà Minh cũng không trách cứ. Nhưng về
thực chất, có lẽ đằng sau những cử chỉ ấy đã có sự bàn ngầm giữa nhà Minh và
Chiêm Thành. Họ toan tính muốn xóa sổ Đại Việt bằng cách đánh từ hai đầu.
Đang lúc quân Minh
còn rập rình ở biên giới, thì Chế Bồng Nga đã đem đại quân tiến vào Đại Việt.
Đó là năm Canh Ngọ
(1390), tình hình Đại Việt lúc đó, ngoài nước cũng như trong nước đều hết sức rối
ren. Nghệ Tông đã hơn bảy mươi tuổi. Vua con Trần Thuận Tông vừa mới lên ngôi.
Tất cả quyền hành bấy giờ đã hoàn toàn nằm trong tay Thái sư Quý Ly.
Nhìn toàn cục, có
thể nói số phận Đại Việt đang như ngàn cân treo sợi tóc. Phía Bắc quân Minh rập
rình ở biên giới. Phía Nam, quân Chế Bồng Nga ào ạt tràn vào. Trong nước có ba
cuộc nổi loạn: ở Thanh Hóa, Nguyễn Kỵ xưng vương tại Nông Cống, Nguyễn Thanh
xưng vương ở Sông Lương. Sát kinh đô, nhà sư Phạm Sư Ôn đã tập hợp được ba vạn
quân ở lộ Quốc Oai.
Quan đứng đầu Thanh
Hóa là tôn thất Trần Nguyên Diệu đã ra hàng Chế Bồng Nga.
Họ Chế, qua báo cáo
của Trần Nguyên Diệu, đã nắm chắc tình hình Đại Việt. Ông ta vui mừng:
- Thời cơ đã đến. Vận
số Đại Việt đã hết. Phen này diệt xong Thăng Long, sẽ giao Quý Ly cho ông xử tội.
Sẽ phong ông làm vua. Sẽ giống như nhà Tống và nước Liêu nước Hạ. Đại Việt và
Chiêm Thành sẽ kết anh em.
Nguyên Diệu nhất nhất
đều đồng ý với họ Chế. Vua Chiêm liền chọn Thanh Hóa là vùng tấn công đầu tiên.
Sở dĩ Chế Bồng Nga chọn Thanh Hóa vì nơi đó là đất phong của Trần Nguyên Diệu,
vả lại Nguyễn Kỵ và Nguyễn Thanh nổi loạn nên chính quyền ở Thanh đô trấn hầu
như đã tan rã.
Nghe tin Thanh Hóa
nổi loạn và Chế Bồng Nga đã đem quân sang xâm lấn, Lê Quý Ly vội đem quân đến
vùng này.
Cũng cần phải nói
thêm, lần này Chế Bồng Nga xuất quân, sau khi Đại Việt xảy ra cuộc chính biến lớn.
Phe bảo thủ do Trần Phế Đế chủ trương định tiêu diệt Quý Ly song thất bại. Phe
canh tân, do Quý Ly cầm đầu thực lực rất mạnh. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vẫn
hoàn toàn dựa vào phe Quý Ly. Nghệ Tông không thích những sự xáo trộn, cho rằng
Phế Đế làm vua như vậy sẽ gây chia rẽ và suy yếu đất nước. Quý Ly lại khéo kích
động vào tình cảm hơn kém giữa con và cháu, nên cuối cùng Nghệ Tông truất Phế Đế
là cháu để lập con là Trần Thuận Tông lên ngôi vua.