Nguyệt mãn kinh hoa (Quyển 1) - Chương 01 - Phần 1
Chương 1
Bảo Khâm ở trong khoang thuyền vỏn vẹn mười
mét vuông này đã được bảy ngày.
Đoàn đưa dâu Thất Công chúa chật kín hai
chiếc thuyền lớn, a hoàn đi theo cũng phải hơn trăm người, đồ cưới chất đầy
khoang, nặng tới mức chiếc thuyền như muốn chìm xuống.
Bảo Khâm thật ra cũng chỉ là đằng thiếp[1] đi
theo Công chúa, có riêng một khoang thuyền đáng lẽ nên lấy làm hài lòng, nhưng
nàng vẫn rất ấm ức.
[1] Cô nương đi
theo người có địa vị cao hơn sang nhà chồng làm thiếp, làm lẻ, giống như “của hồi môn”,
giá trị thấp.
Ngoài cửa có tiếng bước chân nhè nhẹ vọng
vào, tiếp đó là tiếng thị nữ Nhã Lan: “Tiểu thư đã khá hơn chưa? Nô tỳ mới lĩnh
một ít hoa quả, mời tiểu thư dùng!”
Nhã Lan là thị nữ được vú nuôi bên cạnh
Thất Công chúa an bài, dịu dàng hòa nhã, dù với một đằng thiếp nhỏ nhoi như
nàng cũng vô cùng kính cẩn.
Vốn dĩ bên cạnh Bảo Khâm có hai a hoàn hầu
hạ, đều là người của Hình gia và rất đáng tin, nhưng trước lúc khởi hành, sư
huynh đã điều họ đi, đổi thành người của Thất Công chúa. Như vậy khi đến Tần
quốc, không ai có thể biết được thân phận thật của nàng.
Nghĩ đến đây, Bảo Khâm khẽ thở dài, dù đã
cố gắng mỉm cười nhưng vẫn cảm thấy bất lực vô cùng.
Thế sự vô thường, có ai ngờ một tháng trước
còn là Chung tiểu tướng quân anh dũng trên sa trường, giờ nàng đã phải thay tên
đổi họ, trở thành đằng thiếp nơi xứ người. Hơn nữa người mà nàng phải hầu hạ
lại là Tần Quân vương, kẻ đã giao chiến liên miên với nước nàng từ nhiều năm
nay.
“Tiểu thư...” Nhã Lan không nghe thấy tiếng
trả lời, sợ Bảo Khâm lại ngất xỉu trong khoang thuyền như lần trước, bèn gọi
lớn hơn, tay gõ lên cửa.
Lúc này Bảo Khâm mới hoàn hồn, quay ra đáp:
“Không cần đâu, ta thấy hơi mệt, muốn ngủ một lát.”
[Chúc bạn
đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Tuy họ đã đi được bảy ngày nhưng vẫn đang ở
trong địa phận nước Trịnh, nếu ông trời không có mắt để người khác nhận ra
nàng, chẳng phải bao kế hoạch và nhẫn nhịn bấy lâu đều trở thành trò cười sao.
Hơn nữa, lần này nàng giả chết ra đi còn có rất nhiều bằng hữu, thuộc hạ cũ
giúp đỡ, nếu gặp bất trắc tất liên lụy đến họ.
Bảo Khâm tức giận vỗ mạnh xuống ván giường
“rầm” một tiếng, mọi uất hận trong lòng trút hết ra ngoài theo chưởng này.
Tên hôn quân nước Trịnh đáng hận, hắn nghe
kẻ gian gièm pha mà không phân biệt tốt xấu đúng sai, không màng an nguy chốn
biên thùy, đổ oan cho trung thần, để kẻ địch tiến vào địa giới khiến đất nước
nguy nan. Càng đáng hận hơn là đám gian thần vì lợi ích cá nhân mà cấu kết với
giặc, đem cả giang sơn tươi đẹp này tặng không cho người ngoài.
Nếu nàng còn ở Hồng Cốc quan, chỉ cần dùng
uy thế Chung gia hô một tiếng, sẽ có ngàn vạn binh sĩ không tiếc thân mình, đổ
máu nơi sa trường để bảo vệ xã tắc nước Trịnh.
Mấy thứ nào là phản quốc, tham ô, thật quá
nực cười! Nếu không phải năm ấy phụ thân nàng hi sinh trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, nếu
không phải tình cảnh khó khăn, nàng là nữ nhi, sao phải bất chấp tính mạng để
chỉ huy đội quân Tây Bắc?
Cho dù từ nhỏ Bảo Khâm được dạy dỗ như nam
nhi, nhưng bản chất vẫn là một cô nương yếu đuối. Cả đời phụ thân luôn hi vọng
đến tuổi cập kê nàng sẽ phục hồi thân phận, sau đó kết duyên cùng một người
trung hậu hiền hòa, chăm chồng dạy con, sống cuộc đời bình lặng.
Tên hôn quân kia chưa từng nghĩ rằng nàng
là phận nữ nhi, dù vào nước Tấn thì làm được gì chứ?
Cũng tốt, dù tên hôn quân kia không biết
chuyện này, nhưng chỉ dựa vào vài phong thư mà kết tội Bảo Khâm, vậy bao năm
nàng chinh chiến chốn sa trường, đem tính mạng phó thác trên lưng ngựa cùng
những tướng sĩ kia thì sao?
Rốt cục chỉ tự chuốc lấy thất bại, lui
quân, hỗn loạn, đem những cô nương yếu đuối đi hòa thân, khiến bọn họ còn trẻ
đẹp như hoa đã phải hầu hạ lão Hoàng đế nước Tần hơn năm chục tuổi. Thật là vô
dụng! Vô liêm sỉ!
Nghĩ đến đây, lồng ngực Bảo Khâm dâng lên
cảm giác khó chịu, phút chốc không kiềm chế nổi, nàng phun ra một ngụm máu
tươi. Khoang thuyền nhỏ ngập tràn mùi tanh ngọt.
Độc dược cung cấm quả nhiên rất hiệu
nghiệm, đã qua nhiều ngày như vậy, uống nhiều thuốc như thế mà vẫn chưa loại bỏ
hết độc tố còn sót lại. Bảo Khâm cười lạnh, thuận tay lấy chiếc khăn đặt dưới
gối lau đi vết máu trên miệng. Nàng cầm chén trà đã nguội ngắt đặt bên giường
uống một ngụm, trong lòng mới thấy dễ chịu đôi chút.
Cơ thể này xem như đã bị hủy hoại.
Nàng ngày trước khỏe mạnh bao nhiêu thì giờ
ốm yếu bấy nhiêu, gò má hồng nhuận trở nên xanh xao không sức sống, đi vài bước
chân, đọc vài quyển sách đã thấy không chịu nổi, thậm chí còn mỏng manh hơn các
thiên kim tiểu thư được nuông chiều từ bé. Trong đám đằng thiếp, nàng là kẻ “ốm
yếu bệnh tật” nhất.
Cũng chính vì vậy, “Đại tiểu thư Hình gia”
như nàng mới không bị chú ý.
Từ kinh đô nước Trịnh đến Phong thành –
kinh đô nước Tần, phải đi thuyền gần một tháng. Với sức khỏe của Đại tiểu thư
Hình gia, sợ rằng không trụ nổi đến nơi. Trên thuyền bắt đầu có người lén lút
dị nghị.
Bảo Khâm tuy nằm trên giường nhưng mắt vẫn
tinh, tai vẫn thính, nghe được những lời này chỉ cười trừ không đáp. Nhã Lan là
người thành thật hiếm có, một lòng chăm sóc nàng, sợ có gì sơ suất xảy ra.
Nhưng Bảo Khâm đối với Nhã Lan vẫn mang thái độ lạnh lùng xa cách. Nha hoàn
Bành Xuân phòng kế bên luôn thấy bất bình thay nàng ta.
Trong khoang có cánh cửa sổ nhỏ, sợ Bảo
Khâm bị nhiễm lạnh vì gió lùa nên Nhã Lan luôn đóng kín, chỉ thỉnh thoảng mở hé
một chút để nàng hít thở không khí.
Thừa dịp bên ngoài gió êm sóng lặng, Nhã
Lan mới cẩn thận mở cửa sổ ra.
Bảo Khâm trở mình nhìn Nhã Lan, khẽ hỏi:
“Đi đến đâu rồi?”
“Dạ thưa, đã ra khỏi biên giới nước Trịnh.”
Nhã Lan đáp, lòng mang nỗi buồn ly biệt man mác.
Dưới chân đã không còn là cố quốc, từ nay
về sau họ phải sống cuộc đời cô đơn nơi đất khách quê người, xa xôi vạn dặm,
không được nhìn thấy nụ cười người thân, không còn nghe thấy thanh âm quê nhà,
đến bầu không khí hít thở cũng trở nên xa lạ.
“Đã tới nước Tần rồi sao?” Bảo Khâm nhẹ
nhàng cảm thán, giọng nói mang theo nhiều cảm xúc phức tạp, tưởng như là thở
phào nhẹ nhõm, nhưng lại có chút bất đắc dĩ và tự giễu. Lúc này nàng không
giống với ngày thường, mệt mỏi đến mức không buồn nói chuyện. Nhã Lan quay đầu
lại, hoảng hốt khi nhìn thấy Bảo Khâm đã ngồi dậy tự lúc nào.
“Sao tiểu thư lại dậy?” Nhã Lan bỏ hết đống
đồ trong tay tới đỡ nàng.
“Ta không sao.” Bảo Khâm nhíu mày, xoay
người vịn cánh tay Nhã Lan, cẩn thận bước xuống giường. “Ta muốn ra ngoài hóng
gió, em đỡ ta nhé!”
Nhã Lan nhất thời bối rối, do dự: “Vương
thái y nói tiểu thư không khỏe, tốt nhất nên nằm trên giường dưỡng bệnh.”
“Chỉ ra ngoài ngồi một lát thôi, không sao
đâu.” Bảo Khâm thản nhiên nhìn nàng, giọng nói rất nhẹ. Nhưng không biết vì
sao, Nhã Lan cảm thấy đôi mắt bình thản của Bảo Khâm như có thứ sức mạnh vô
hạn, khiến nàng không thể khước từ.
Đã vào đầu thu nhưng tiết trời vẫn oi bức,
hơi nóng bốc lên theo từng trận gió trên sông thổi vào. Bảo Khâm buộc phải thay
áo, đội mũ tránh gió, để Nhã Lan từ từ đỡ ra ngoài mạn thuyền. Võ công nàng vẫn
còn, tai mắt vẫn nhanh nhạy nhưng lực bất tòng tâm, không thể làm gì được với
thân thể đã bị tàn phá này.
Bên ngoài vắng người, thi thoảng có mấy a
hoàn vội vã chạy qua, những người còn lại đều ở trong khoang thuyền tránh nắng.
Những đằng thiếp này đều là thiên kim tiểu thư, ngày thường được nâng niu chiều
chuộng, làm sao chịu nổi cái nóng như thiêu ở ngoài.
Mấy a hoàn nhìn thấy Bảo Khâm và Nhã Lan
đều rất ngạc nhiên nhưng vì Bảo Khâm luôn ở trong phòng, không tiếp xúc với ai
nên họ cũng chỉ đứng ngó từ xa, không dám cất tiếng chào hỏi.
Trên mặt sông trống trải, ngoài hai chiếc
thuyền lớn đi hòa thân, bên cạnh có vài ba chiếc thuyền đánh cá nhỏ chậm rãi
lướt qua, thi thoảng có vài loại thủy điểu[2] bay ngang, “soạt”
một tiếng, vạch ra một đường vòng cung dài, lưu lại dấu tích trên mặt nước mênh
mông.
[2] Các loài chim
có thể bơi trên mặt nước, như ngỗng, vịt trời...
Bên bờ là rừng cây xanh um tươi tốt, không
giống những hàng dương liễu lòa xòa thường thấy ở nước Trịnh. Mỗi thân cây ở
đây đều cao lớn sum suê, tràn đầy nhựa sống, cành lá vươn dài như có sức sống
tiềm tàng mãnh liệt, giống những người dân nàng nhìn thấy ở Hồng Cốc quan, dù
là người nước Trịnh hay nước Tần, bất kể chiến loạn hay nghèo khổ, họ vẫn luôn
kiên trì sống tiếp.
Bảo Khâm biết con đường sau này còn nhiều
khó khăn, nhưng đây là sự lựa chọn tốt nhất. Để giúp nàng rời kinh, mấy vị sư
huynh đã phải tốn rất nhiều công sức, nếu không vừa vặn đúng dịp Thất Công chúa
đi hòa thân, chỉ sợ hiện giờ nàng vẫn ở trong hầm ngầm hậu hoa viên Hình gia,
không thấy ánh mặt trời.
Đằng thiếp à? Bảo Khâm cười khổ, ngày trước
nàng luôn cảm thấy từ này cách mình rất xa, phụ thân không nạp thiếp, các tướng
lĩnh quân Tây Bắc đa số không nạp thiếp. Hễ ra chiến trường, mọi sự sống chết
đều giao phó cho ông trời, lấy vợ sinh con đã là ước mơ xa xôi, ai dám dây vào
ba thứ chuyện tình cảm, chẳng phải là hại người khác sao.
Trên mạn thuyền, gió lớn từng trận thổi
qua, nàng bắt đầu cảm thấy khó chịu, ho khan mấy tiếng. Nhã Lan nhanh chóng
khoác thêm áo cho nàng, nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Tiểu thư, chúng ta về phòng
thôi, ngoài này gió lớn lắm.”
Ngày trước trong quân đội, Bảo Khâm luôn
nghe đám binh sĩ thô kệch bàn luận về các tiểu thư kinh thành yếu đuối mảnh
mai, một cơn gió có thể thổi ngã, đi vài bước thở không ra hơi, khi đó nàng còn
vỗ bàn cười ha hả, không ngờ có ngày lại báo ứng lên bản thân. Bây giờ nàng mới
thấy làm người phải nhân hậu.
Bảo Khâm ra hiệu cho Nhã Lan không muốn
khoác áo choàng, khó khăn lê từng bước vào phòng. Trong này không có gió nhưng
lại âm u lạnh lẽo, vừa hẹp vừa chật chội, còn khó chịu hơn bên ngoài.
Nhã Lan nhanh nhẹn dâng trà, nhẹ nhàng nói:
“Tiểu thư uống nước đi. Người có muốn ngủ một lát không, đến tối nô tỳ gọi người
dậy dùng bữa.”
Bảo Khâm không muốn cả ngày nằm ì trên
giường, nhưng thân bất do kỷ, mới đứng bên ngoài một lát mà hô hấp đã khó khăn.
Nàng gật đầu với Nhã Lan, uống trà xong cứ thế leo lên giường.
Thoáng chốc đã sẩm tối, khi nàng tỉnh dậy
mặt trời đã khuất núi. Nhã Lan kính cẩn đứng hầu bên cạnh, thấy nàng thức giấc
bèn nhanh chóng lấy nước mang khăn qua, dịu dàng nói: “Tiểu thư tỉnh thật đúng
lúc, còn một khắc nữa là đến giờ cơm. Người dùng bữa trong này hay ra đại
sảnh?”
“Sao cơ?” Bảo Khâm vừa tỉnh, đầu óc vẫn còn
mơ màng, ngẩng đầu mờ mịt nhìn nàng ta.
Nhã Lan giải thích: “Hôm nay đã tiến vào
biên giới nước Tần, Thất Công chúa mời các vị tiểu thư cùng ra ngoài dùng bữa.
Nhưng tiểu thư không khỏe, nếu không muốn đi, chắc chắn Thất Công chúa sẽ không
trách đâu.”
Thất Công chúa không nói gì nhưng kẻ dưới
sẽ để ý. Bọn nô tài đó quen thói sợ kẻ mạnh, nạt kẻ yếu, mới vài ngày nàng nằm
giường không ra ngoài mà bọn chúng đã tỏ ra thờ ơ, cơm nước thường xuyên bị cắt
xén. Bảo Khâm tuy ăn ít, nhưng với tính cách của nàng, sao có thể chấp nhận bị
kẻ khác lấn lướt.
“Đi thôi!” Bảo Khâm rời chăn bước xuống
giường, ngáp một cái, nói với Nhã Lan: “Trang điểm giúp ta.”
Bảo Khâm giả trai mười tám năm, do bị hãm
hại mà giờ phải ở trên thuyền, trở về thân phận nữ nhi. Nhã Lan có đôi tay khéo
léo trời sinh, chỗ tô chỗ vẽ, khuôn mặt trắng bệch trong gương biến đổi thật
nhanh, trở nên có sức sống hơn.
Do được nuôi như nam nhi, hàng lông mày của
Bảo Khâm toát lên khí khái hơn người, lộ vẻ nhanh nhẹn khẳng khái, chỉ là cơ
thể có độc nên tinh thần không tốt, hàng lông mày sắc bén cũng trở nên dịu dàng
hơn, trông cũng có vài phần nhi nữ.
Nhưng dù gì nàng cũng ở trong quân binh
nhiều năm, hành động cử chỉ đều mang khí phách thoải mái của các bậc trượng
phu, may mà giờ đi lại không thuận tiện, bằng không chỉ cần nàng sải bước cũng
đủ khiến các a hoàn, bà vú phải trợn tròn con mắt.
“Tiểu thư thật đẹp.” Trang điểm xong, Nhã
Lan nhìn mỹ nhân như họa trong gương, cảm thán: “Bàng Xuân bên kia lúc nào cũng
khen Lưu tiểu thư hoa nhường nguyệt thẹn, đúng là ấu trĩ. Nếu nàng ta nhìn thấy
người, không chừng sẽ nói là tiên nữ hạ phàm cũng nên.”
Đây là lần đầu tiên có người khen Bảo Khâm
xinh đẹp. Dù sao nàng cũng là nữ nhi, nghe những lời này trong lòng cảm thấy
phấn khởi, khóe miệng khẽ cong lên. Trước kia ở trong quân đội, đám đàn ông
luôn cười chê, nói nàng trông giống các cô nương, vì thế nàng còn gây gổ với
bọn họ. Sau đó, trải qua nhiều trận chiến, biết bao kẻ địch đã chết dưới tay
nàng, dần dần không ai dám nói những lời như vậy nữa...
“Ngắm kĩ thì tiểu thư và Thất Công chúa có
nhiều nét giống nhau.” Nhã Lan nhìn hình bóng Bảo Khâm trong gương, nghĩ rồi
nói: “Cằm và miệng, thật sự giống y như đúc.”
“Thật sao?”
Cũng không có gì lạ, mẫu thân của Thất Công
chúa – Chung Quý phi đã qua đời là cô họ của nàng, những người mang dòng máu
Chung gia đều có cằm nhọn giống nhau. May mà Bảo Khâm lớn lên ở Tây Bắc, chỉ về
kinh có bốn lần nên chưa từng gặp Thất Công chúa, bằng không khi chạm mặt khó
tránh khỏi bị lộ.
Nhã Lan đưa chiếc váy dài bằng lụa màu xanh
nhạt cho nàng thay, sợ chủ nhân lạnh, lại khoác thêm chiếc áo màu vàng tơ lên
vai Bảo Khâm, phía dưới áo thêu hoa tường vi nhỏ màu lam, trông xinh đẹp vô
cùng.
Nàng ra khỏi cửa, hoàng hôn buông xuống
khiến tiết trời mát mẻ hơn, Bảo Khâm đi chầm chậm, mệt mỏi đã bớt nhiều.
Thất Công chúa ở trên khoang lầu ba. Thân
phận của nàng ta không như những người khác, đồ đạc trang trí trong phòng Bảo
Khâm cũng không thể sánh bằng. Nhưng trước giờ nàng không quan tâm mấy thứ này,
sau khi vào đại sảnh bèn tìm một chỗ không gây chú ý mà yên lặng, an phận thủ
thường.
Trong phòng có một số đằng thiếp khác, đều
là những mỹ nhân mặt hoa da phấn, lanh lợi đáng yêu. Họ nhìn thấy nàng, lén lút
liếc mắt với nhau, kẻ cười nhạo, người bĩu môi. Với quan niệm thẩm mĩ của nước
Trịnh, Bảo Khâm tuy ngũ quan tinh xảo, diễm lệ đoan trang, nhưng dáng người hơi
cao lớn, mà họ lại thích những mỹ nhân mảnh mai xinh xắn, tú lệ mong manh.
Nhưng chốc lát tất cả đều lặng im, không
còn ai cười nổi nữa. Thất Công chúa chầm chậm bước vào trong sự vây quanh của
nhiều người, ngẩng đầu lên nhìn, khoan nói đến tướng mạo, thân hình cao lớn của
nàng cũng y hệt Bảo Khâm.
Không biết Thất Công chúa là người kiệm lời
hay không giỏi nói chuyện, sau khi vào đại sảnh, nàng ta vẫy vẫy tay lệnh cho
các đằng thiếp đứng dậy, sau đó yên lặng ngồi xuống. Người hầu nhanh chóng đưa
đồ ăn lên, Thất Công chúa chưa nói những lời xã giao đã động vài đũa rồi ngừng.