Tơ Đồng Rỏ Máu - Chương 36
Chương 36: Rừng sâu tìm mộ.
Một cảnh sát hình sự của ban chỉ huy báo
cáo với Ba Du Sinh, lúc nãy thấy Na Lan đứng dựa vào ô tô đọc một tập tài liệu
khá dày. Ba Du Sinh lập tức nghĩ đến tập tài liệu photo hồ sơ bệnh án của Mễ
Trị Văn do Kim Thạc đưa cho Na Lan từ trước, anh bảo cảnh sát dân sự ở hiện
trường thử đi tìm tập tài liệu đó. Quả nhiên họ đã tìm thấy nó trên một đống đổ
nát gần đường Hoa Sơn.
Chắc là Na Lan quá vội, và bị uy hiếp
phải đi khỏi hiện trường đang được khám nghiệm này, nếu không sẽ không phải ném
đám tài liệu này đi.
Lòng anh như thắt lại.
Dù biết rằng có lẽ đã quá muộn nhưng anh
vẫn điều động toàn bộ lực lượng cảnh sát đang có mặt phong tỏa toàn bộ khu vực
và các ngả đường lân cận. Máy in của ban chỉ huy lâm thời in ra hơn ba mươi tấm
ảnh Na Lan, các chiến sĩ cầm ảnh rồi đi đến các khu dân cư và khu thương mại
quanh đây, hỏi xem có ai nhìn thấy cô gái trong ảnh không.
Ba Du Sinh nhận được điện thoại của cảnh
sát giám sát Mễ Trị Văn, nói rằng lão vẫn nằm trên giường bệnh, ngủ say.
Ba Du Sinh hơi yên tâm, anh dặn dò đồng
nghiệp nỗ lực tìm kiếm, sao đó lên xe phóng về khu tập thể của Trần Ngọc Đống.
Căn hộ của Trần Ngọc Đống chưa thể gọi
là gọn gàng sạch sẽ nhưng không lộn xộn và không hề có dấu vết vật lộn. Anh
nhận ra máy tính của Trần Ngọc Đống đang ở trạng thái tạm nghỉ, bèn nhấp một
phím đánh thức.
Trên màn hình hiện lên tấm ảnh phóng to,
mũi tên đang chỉ vào chữ “Lan” phồn thể trên bức tranh thủy mặc hoa lan treo
trong phòng làm việc của Chu Trường Lộ.
Lẽ nào Chu Trường Lộ là hung thủ đích
thực của vụ “ngón tay khăn máu”?
Và Na Lan cũng là mục tiêu cần xử lý?
Ba Du Sinh gọi điện cho Kim Thạc vẫn
đang có mặt ở hiện trường nhà khách Thông Giang cũ. Kim Thạc nghe xong lập tức
điều động hai nhóm hành động, một nhóm chạy về văn phòng giám đốc bệnh viện Phổ
Nhân, một nhóm chạy đến nhà Chu Trường Lộ, tuy cả hai anh đều biết rằng nếu Chu
Trường Lộ đúng là hung thủ, nếu Na Lan đã bị lão bắt cóc thì lão không thể ngồi
nhà chờ chịu trói.
Ba Du Sinh lại tiếp tục suy ngẫm. Anh
tin rằng nếu Trần Ngọc Đống gặp bất trắc thì không xảy ra ở nhà. Trần Ngọc Đống
đã bàn bạc với Na Lan về khả năng Chu Trường Lộ là hung thủ, thì bước tiếp theo
họ sẽ làm gì? Anh từng cộng tác với Trần Ngọc Đống, biết rõ Trần Ngọc Đống
thuộc mẫu người hành động nhanh nhẹn dứt khoát, rất có thể đã tự đi tìm Chu
Trường Lộ rồi.
Ba Du Sinh bèn nói với đồng nghiệp cùng
đi, “Bây giờ chúng ta đi xem băng camera giám sát của khu tập thể!”
Trong băng, Ba Du Sinh nhìn thấy chiếc
taxi chạy ra khỏi cổng khu tập thể vào khoảng thời gian di động của Trần Ngọc
Đống liên lạc với ban chỉ huy khám nghiệm hiện trường khu hầm phòng không bỏ
hoang.
Anh cảnh sát ghi lại biển số xe rồi lập
tức liên hệ với công ty taxi.
Đúng như Ba Du Sinh dự đoán, công ty
taxi không có chiếc xe đó.
Biển số giả, ai khéo tay có thể làm lấy,
ai vụng về thì ra chợ đen mua với giá ngàn đồng trở lại.
Chiếc xe ấy đã chạy đi đâu?
Nếu người lái xe là Chu Trường Lộ thì ai
bắt cóc Na Lan? Ba Du Sinh thấy rất khó hiểu, Trần Ngọc Đống và Na Lan gần như
đồng thời biến mất, Chu Trường Lộ chỉ đi chiếc xe cà tàng, dù khứ hồi chạy như
điên thì cũng không thể bắt cả hai con mồi.
Kẻ tòng phạm với Chu Trường Lộ là ai?
Ba Du Sinh lại gọi điện cho cảnh sát
đang giám sát Mễ Trị Văn ở bệnh viện Phổ Nhân, anh ta báo cáo, đã vào tận
giường kiểm tra, lão vẫn đang ngủ say.
Anh cảnh sát đi cùng cầm máy tính bảng
đến, kết nối với ghi chép về các cuộc gọi qua lại trên di động của Na Lan, của
Chu Trường Lộ và của Trần Ngọc Đống.
Ba Du Sinh xem ghi chép liên lạc của Na
Lan, kinh ngạc nhận ra liên lạc cuối cùng của cô không phải với Trần Ngọc Đống
mà là những tin nhắn, Ba Du Sinh yêu cầu tra cứu số máy nhắn đến, dù anh biết
sẽ không thể cho kết quả.
Lúc ở hiện trường Na Lan đàm thoại với
Trần Ngọc Đống hai lần, trước đó là điện thoại với Sở Hoài Sơn, trước đó nữa là
điện thoại với Ba Du Sinh cho biết phán đoán của cô về công ty Thông Giang, và
sớm hơn nữa là đàm thoại rất lâu với Sở Hoài Sơn.
Sở Hoài Sơn! Sao mình lại quên mất cao
nhân này? Nếu cho anh ta biết tình hình thì rất có thể anh ta sẽ có chiêu lạ.
Gần đây Ba Du Sinh đã nghe không ít phản
hồi về Sở Hoài Sơn, Na Lan quá đỗi khâm phục, Trần Ngọc Đống cũng hết lời khen
ngợi. Nếu là ngày thường thì anh không gọi cho Sở Hoài Sơn vào lúc tờ mờ sáng
như thế này, nhưng hiện này là lúc rất bất thường, đành xin lỗi vậy. Anh gọi
vào di động của Sở Hoài Sơn.
Không có hồi âm.
Anh lại gọi vào máy để bàn của nhà họ
Sở, cũng không ai nhấc máy.
Hay là chính Sở Hoài Sơn cũng đã gặp bất
trắc?
Anh biết dì Tư của nhà ấy luôn theo sát
anh chàng mắc chứng sợ đám đông này, và không thể đi ra ngoài vào lúc tờ mờ
sáng. Anh gọi điện cho cảnh sát khu Văn Viên đề nghị đến tận nhà họ xem sao.
Mười phút sau các đồng nghiệp ở khu Văn
Viên cho anh biết tin mà anh đang rất lo, nhà họ Sở không một bóng người. Sau
mười phút nữa, cảnh sát Văn Viên lại gọi điện nói rằng, ở khu vực này không có
camera giám sát an ninh nhưng bảo vệ ở cổng có nhìn thấy Sở Hoài Sơn ra khỏi
khu chung cư vào lúc 9 giờ tối qua. Ba Du Sinh ngạc nhiên, “Đi một mình à?”
“Một mình. Nhưng kì lạ là sau đó ít nhất
thì dì Tư của anh ta cũng ra rồi lên taxi đi đâu đó.”
Một sợi chỉ tách đôi, hai người mất
tích.
Không thể là ngẫu nhiên!
Trán Ba Du Sinh lấm tấm mồ hôi. Anh lại
xem ghi chép điện thoại của Chu Trường Lộ, mục tiêu đã rõ, kẻ liên lạc với Chu
Trường Lộ nhiều nhất rất có thể là đồng bọn của lão.
Anh nhanh chóng nhận ra một số máy
thường xuyên liên lạc với Chu Trường Lộ, bèn đưa cho kĩ thuật viên, nhanh chóng
tìm ra chủ nhân của số máy đó là Đổng Bội Luân!
Nhưng Ba Du Sinh biết, manh mối này
chẳng có mấy ý nghĩa, vì Đổng Bội Luân và Chu Trường Lộ cùng khởi xướng và tổ
chức ra đoàn thể Tiếng Lòng chống lại bạo lực gia đình, tất nhiên họ hay liên
lạc điện thoại với nhau.
Nhưng anh vẫn gọi cho Đổng Bội Luân, một
công đôi việc, anh sẽ nhắc Đổng Bội Luân chú ý an toàn, mặt khác hỏi xem chị ta
có biết rõ Chu Trường Lộ không. Rất áy náy vì gọi điện làm phiền người khác vào
giờ này, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Chuông reo. Giọng Đổng Bội Luân, “Xin
chào.”
Ba Du Sinh hơi ngạc nhiên vì giọng Đổng
Bội Luân rất tỉnh táo, không có vẻ ngái ngủ vì bị đánh thức, thậm chí giống như
đang chở điện thoại gọi đến.
“Tôi là Ba Du Sinh ở Sở Công an, rất xin
lỗi vì khiến cô thức giấc.”
Đổng Bội Luân đáp, “Không sao, tôi đã
dậy, tôi quen ngủ sớm dậy sớm, cũng vì cần chăm sóc làn da.”
“Tôi gọi điện sớm thế này, vì mong cô sẽ
chú ý an toàn, và muốn tìm hiểu một chút về Chu Trường Lộ.”
“Thế ư?” Giọng Đổng Bội Luân có ý dè dặt
đề phòng.
Ba Du Sinh nói, “Chúng tôi đang muốn tìm
giám đốc Chu Trường Lộ nhưng ông ấy cứ như mất tích, không sao tìm được. Cô và
ông ta cùng làm các hoạt động, chắc đã tiếp xúc nhiều, tôi muốn hỏi rằng ngoài
chỗ ở và bệnh viện ra ông ta thường hay đến nơi nào nữa?”
“Sao lại nói ‘cứ như mất tích’?” Đổng
Bội Luân càng thêm nghi ngờ.
“Chúng tôi có lý do để cho rằng ông ấy
không mất tích thật, mà chỉ là không về nhà, không ở bệnh viện, và có thể đã đi
đến một nơi nào đó ít người biết.
Đổng Bội Luân nghĩ ngợi, rồi nói, “Tôi
rất ít khi nghe ông kể mình đi đâu. Ông ấy gây ra chuyện gì vậy?”
Ba Du Sinh thầm khâm phục sự nhạy bén
của Đổng Bội Luân, anh đành nói quấy quá, “Chúng tôi muốn tìm ông ấy để hỏi vài
điều liên quan đến vụ án... À, tiện đây xin hỏi, cô tác động để Mễ Trị Văn được
ra ngoài chữa bệnh có vì một lý do đặc biệt nào không, hay là Chu Trường Lộ
khuyên cô làm thế?”
Đổng Bội Luân im lặng một lúc, chắc là
câu này không dễ trả lời. Rồi mới nói, “Lẽ nào các vị ngờ rằng ông ấy và Mễ Trị
Văn...” Ngập ngừng giây lát, Đổng Bội Luân lựa chọn từ ngữ. “Các vị ngờ rằng
giữa hai người có quan hệ gì khác thường à?”
Ba Du Sinh thấy hơi sốt ruột, đang định
hỏi thì Đổng Bội Luân đã nói trước, “Tôi có thể nói cho anh biết ý đồ thực sự
của tôi nhưng mong anh đừng cười. Tôi bảo lãnh cho Mễ Trị Văn ra ngoài điều
trị, vì hy vọng rằng vào những ngày cuối cuộc đời tệ hại và bất hạnh, ông ta có
thể đóng góp phần nào cho xã hội, ít ra là về mặt y học. Bây giờ tôi trả lời
anh câu hỏi kia, đúng là Chu Trường Lộ có nói với tôi về tính đặc thù của con
bệnh Mễ Trị Văn, về tầm quan trọng đối với nghiên cứu y học. Nghe thế tôi hiểu
ngay, thật ra ông ta có thể trực tiếp bảo lãnh cho Mễ Trị Văn nhằm phục vụ
nghiên cứu, nhưng ông ta là phó giám đốc bệnh viện, nên e sẽ có người nói là
ông ta mở lối thoát cho tội phạm cưỡng dâm, nên ông ta gợi ý tôi đứng ra, thuần
túy chỉ vì muốn giữ ý... nhưng nay có vẻ như sự việc không hề đơn giản?”
Rất không đơn giản đâu!
Ba Du Sinh đáp, “Cảm ơn cô! Nếu cô nhớ
ra điều gì khác thì cứ liên lạc với chúng tôi.” Anh bổ sung một câu, “Cô hãy
chú ý an toàn.” Rồi tắt máy.
Gần như ngay sau đó Kim Thạc gọi cho
anh, đúng như dự đoán, Chu Trường Lộ không có nhà và cũng không ở bệnh viện.
Lão đang ở đâu? Na Lan và Trần Ngọc Đống
đang ở đâu?
Tại sao Sở Hoài Sơn và dì Tư của anh ta
cũng ra khỏi lô cốt an toàn của mình?
Ba Du Sinh hiếm khi thấy hoang mang, đó
là phẩm chất tốt của một cảnh sát hình sự có năng lực, nhưng lúc này anh thấy
chơi vơi hẫng hụt và thấp thoáng cảm giác tuyệt vọng. Từng phút từng giây trôi
đi, khả năng sống sót của những người bị hại cũng từng phút từng giây mất dần.
Anh biết, trong các thi thể của vụ án “ngón tay khăn máu” khai quật được đêm
nay không có Văn Nhược Phi, khiến tâm trạng anh bồn chồn không yên, anh cần
trấn tĩnh trở lại để suy nghĩ cho mạch lạc.
Suy nghĩ cho thật kĩ.
Một điều rất khó hiểu, Na Lan bị bắt cóc ngay gần ban chỉ huy
khai quật hiện trường mà không ai biết. Vậy chỉ có thể đoán rằng cô đã chủ động
rời khu vực.
Cũng có thể suy luận thêm rằng, người thôi thúc cô rời đi
phải là người mà cô tin cậy, hoặc có kẻ đã điều khiển từ xa ép cô phải đi.
Những mẩu tin nhắn lạ lùng!
Tập hồ sơ bệnh án bỏ lại bên đường!
Na Lan tự chui đầu vào rọ. Chuyện này nghe quen quen?
Ba Du Sinh dần nhớ lại vụ hai vợ chồng
Nghê Bồi Trung cùng chết một cách khó hiểu. Trước đó có kẻ gọi điện cho họ.
Bất cứ ai bằng lòng đi vào chốn hiểm
nguy, ngoài cố ý tìm đến cái chết ra, chỉ còn một khả năng nữa là họ đã bị uy
hiếp. Lúc này không thể xác định nội dung của các tin nhắn gửi đến Na Lan nhưng
có thể đoán gần đúng, chúng đe dọa buộc cô phải đi vào chốn hiểm nguy.
Tại sao Na Lan không nói với cảnh sát ở
hiện trường về tình thế nguy hiểm của mình, hoặc tại sao cô ấy không chuyển
phát những mẩu tin ấy cho anh? Phải có lý do. Cũng tức là sự uy hiếp kia rất dữ
dội. Tuy nhiên, anh đã hiểu về Na Lan, dù phải đi vào chốn hiểm nguy thì cô vẫn
để lại dấu vết.
Cô đã để lại dấu vết gì?
Anh quay sang hỏi đồng nghiệp, “Tập hồ
sơ bệnh án lúc nãy nhặt được ở hiện trường nào?”
Anh bắt đầu lật giở tập giấy photo hồ sơ
bệnh án của Mễ Trị Văn. Và nhanh chóng nhận ra một khoanh tròn bằng bút bi đỏ,
đóng khung con dấu họ tên “Chu Trường Lộ”.
Anh tiếp tục lật giở phía sau, có rất
nhiều khoanh tròn tương tự quanh ba chữ “Chu Trường Lộ”.
Bên ngoài một trong những khoanh tròn đỏ
ấy, có hai chữ “Huệ Sơn” viết nhanh.
Bút tích của Na Lan.
Họ bị bắt cóc đưa đi Huệ Sơn chăng?
Nhưng Huệ Sơn là vùng núi rộng mênh
mông, có hai đường quốc lộ chạy từ Giang Kinh vào, nên đi đường nào để tìm?
Chu Trường Lộ. Huệ Sơn.
Ba Du Sinh bảo, “Cậu mau tra cứu quê
quán, nơi sinh của Chu Trường Lộ. Tra xem quan hệ của ông ta với Huệ Sơn ra
sao. Và liên lạc với các công ty taxi lớn của Giang Kinh, hỏi về điểm đến của
các xe taxi đêm qua chở khách, hỏi xem có ai đi Huệ Sơn không, có ai chở khách
đi từ khu tập thể trường trung học trực thuộc Học viện Âm nhạc không.”
Ba Du Sinh lại gọi cho cảnh sát giám sát
Mễ Trị Văn ở khu buồng bệnh nhân nặng. Anh ta đến tận giường Mễ Trị Văn xem xét
rồi trả lời, lão vẫn đang ngủ li bì.
Vừa nghe xong thì di động của anh lại
rung lên. Anh nhìn vào máy, một số điện thoại quen thuộc. Đổng Bội Luân nói,
“Tôi nhớ ra một điều... một địa điểm Chu Trường Lộ có thể đến. Khi chúng tôi
hợp tác tổ chức đoàn thể, ông ấy thường nói về xuất phát điểm của tổ chức là để
ngăn chặn bạo lực xâm hại phụ nữ, vì chị gái ông ta từng bị chồng đánh đập đến
chết, còn kể ngày xưa nhà ông ấy nghèo khổ, cha mẹ mất sớm, sau khi chị gái
chết, ông ấy không có tiền tang ma đành làm theo tập quán của dân nghèo thôn
Huệ Sơn là đem chôn trong hang núi và đặt một tấm bia không chữ.”