37. Thời đại nối kết (Hết)

CHƯƠNG 31: Thời đại nối kết

Con người là những tế
bào xã hội. Chúng ta có mặt trên đời là hệ quả của những hành động của người
khác. Chúng ta sống sót không lệ thuộc vào kẻ khác. Cho dù thích hay không, thì
không có mấy phút giây trong cuộc sống chúng ta không nhờ cậy vào hành động của
người khác. Vì lý do này, không có gì ngạc nhiên khi hạnh phúc của chúng ta chỉ
có ý nghĩa khi xét trong mối tương quan với mọi người.

_DALAI LAMA

Lúc này là thời điểm
tốt nhất để làm quen và kết nối với mọi người. Xã hội năng động, nền kinh tế
năng động sẽ ngày càng phụ thuộc vào sự liên kết và gắn bó lẫn nhau. Nói cách
khác, khi mọi vật càng kết nối chặt chẽ với nhau, chúng ta càng lệ thuộc nhiều
hơn vào con người và những mối quan hệ nối kết.

Chủ nghĩa cá nhân mục
nát đã từng chi phối thế giới này trong thế kỉ 19 và 20. Nhưng thế kỉ 21 là sự
thống trị của cộng đồng và liên minh. Trong thời đại kĩ thuật số, khi mạng
Internet đã phá bỏ hàng rào địa lý để nối kết hàng trăm triệu người và máy tính
trên khắp hành tinh, thì chẳng còn lý do để sống và làm việc một cách cô lập.
Chúng ta phải nhận thức một lần nữa rằng thành công không phụ thuộc vào công
nghệ tiên tiến hay vốn tư bản dồi dào; thành công tùy thuộc vào mối quan hệ của
bạn và bản chất những mối quan hệ đó. Chúng ta nhận thức lại rằng chìa khóa
thật sự mang đến lợi nhuận là sự đồng thuận trong công việc với mọi người.

Chúng ta đã quá vất vả
để quay lại với sự thật cơ bản này. Những thay đổi, xu thế thời đại, công nghệ
mới của một thập kỉ qua đã lấn át yếu tố con người, dẫn đến các doanh nghiệp
đối xử với con người như những thông số kĩ thuật bit hay byte. Chúng ta đặt
niềm tin vào các thiết bị sáng loáng, các quy trình, cơ cấu tổ chức, giá cổ
phiếu. Khi những thứ này không đáp ứng mong đợi, chúng ta quay lại với bạn, và
tôi.

Trong cuộc sống có công
việc, trong công việc có cuộc sống, và cả hai đều liên quan đến con người.
“Phát minh vĩ đại nhất trong thế kỉ 21 sẽ không xuất hiện do công nghệ, mà
chính là nhờ mở rộng khái niệm con người,” nhà nghiên cứu John Naisbitt đã phát
biểu. Công nghệ đã chứng minh rằng nó không thay thế được mối quan hệ con
người; nó chỉ có thể bổ sung cho mối quan hệ này mà thôi. Bạn hãy nhìn xung
quanh mình để hiểu được cái nhìn mới về con người, cách chúng ta giao tiếp với
nhau. Sau đây là một ví dụ minh họa:

• Những xu hướng mới
nhất xuất phát từ các công cụ phần mềm nối mạng xã hội và những dịch vụ như
Spoke Software, Plaxo, Ryze, và LinkedIn. Người ta ngày càng khám phá ra nhiều
cách để sử dụng công nghệ nối kết con người trong tình bạn và niềm tin. Có
người đã gọi đây là cách mạng xã hội.

• Blog cũng là một phần
trong xu thế này; blog cho phép cá nhân chia sẻ nội dung riêng của mình đến
hàng triệu người khác. Những cộng đồng tự chủ này đang nở rộ. Trong tương lai,
khi thương hiệu cá nhân ngày càng được củng cố trong nền kinh tế, blog sẽ được
xem là bản tự bạch của mỗi người.

• Các nhà khoa học xã
hội đã khám phá nhiều điều thú vị về quyền năng của mạng lưới xã hội. Những kết
quả nghiên cứu gần đây chứng minh rằng những người có nối kết sâu rộng thường
sống thọ hơn và khỏe hơn. Trong những cộng đồng người có nối kết, trường học
hoạt động tốt hơn, tỉ lệ tội phạm thấp hơn, và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao
hơn. Nối kết con người không đơn giản chỉ là chiến lược nghề nghiệp; nó được
xem là một trong những cách hiệu quả nhất để góp phần nâng cao sức khỏe xã hội
và công dân.

• Liên đoàn hay đội
nhóm kiểu truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục. Khi phong trào thuê ngoài
mang công việc ra khỏi nước Mỹ ngày càng tăng, nhiều người trong chúng ta
chuyển sang làm việc tự do, và vì vậy cần sức mạnh đoàn kết thể hiện qua tấm
thẻ thành viên của các tổ chức. Chúng ta chuyển lòng trung thành và niềm tin từ
công ty sang bạn bè.

Trên đây chỉ là một số
ví dụ của một trào lưu mới. Chúng ta đang trong giai đoạn hình thành một kỉ
nguyên mới về kết nối và cộng đồng. Giờ đây bạn đã được trang bị kĩ năng và
kiến thức để sống sót trong môi trường mới. Nhưng để làm gì chứ? Bạn sống sót
như thế nào đây? Thế nào là một cuộc sống kết nối thật sự?

Dĩ nhiên, trong chúng
ta có những người đánh giá thành công dựa trên tiền bạc hay chức vụ. Có những
người lại khoe khoang danh tiếng hay kiến thức của mình. Đối với những người
khác, thành công là những bữa tiệc tối tuyệt vời do họ tổ chức hay những nối
kết đáng khao khát mà họ vừa thiết lập được.

Nhưng thành công theo
định nghĩa này nghe vẫn hời hợt lắm. Thay vì sống chung quanh gia đình hạnh
phúc và bạn bè thân thiết, chẳng lẽ bạn chỉ có đồng nghiệp với khách hàng?

Sớm hay muộn, dưới hình
thức này hay khác, chúng ta cũng sẽ tự hỏi mình những câu này. Ngoài ra, chúng
ta còn nhìn lại cuộc sống mình và tự hỏi, đâu là những di sản mình để lại cho
đời sau? Mình dã làm được việc gì có ý nghĩa?

Nếu bạn muốn người ta
nhớ đến mình như một người nối kết thì bạn phải đóng góp – cho bạn bè, gia
đình, cho công ty, cho cộng đồng, và quan trọng hơn, cho thế giới – bằng cách
tận dụng những nối kết và tài năng mà bạn có.

Bạn không thể hình dung
có những sự kiện bình thường nhưng làm bạn phải nhìn lại mình và tự hỏi định
hướng tương lai của mình là gì, và mình đánh giá những yếu tố nào là quan trọng
nhất. Tôi còn nhớ khi mình còn là một anh thanh niên, tôi mơ ước được có một
chiếc sơ mi Brooks Brothers của riêng mình. Trong suốt thời thơ ấu của mình,
tôi toàn phải mặc những chiếc áo được thừa hưởng từ người khác, hoặc là từ
những đám trẻ con của khách hàng tại tiệm giặt của mẹ tôi, hoặc mua lại từ
những cửa hàng đồ cũ. Tôi luôn nghĩ đến một ngày tôi có thể đường hoàng đi vào
tiệm để mua một chiếc ao sơ mi Brooks Brothers mới tinh. Đó sẽ là một ngày
trọng đại của tôi.

Và rồi ngày đó cũng
đến. Tôi đã khoảng hơn hai mươi và đầy tự hào dùng tiền của mình mua một chiếc
sơ mi Brooks Brothers đẹp nhất, đắt nhất. Ngày hôm sau tôi mặc chiếc áo đi làm
như thể nó là một chiếc áo
choàng đính đá quý hiếm từ thời nữ hoàngVictoria. Sau đó tôi cũng phải đem nó
đi giặt. Tôi còn nhớ lúc lấy áo ra khỏi máy giặt thì – trời ơi – chiếc áo mất
hai cái nút rồi. Tôi không nói đùa đâu. Rồi tự hỏi mình, đây là những gì mình
mong đợi cả cuộc đời sao?

Rabbi Harold Kushner,
một diễn giả và tác giả nổi tiếng đã từng viết rằng: “Tâm hồn chúng ta không
khao khát danh vọng, của cải, hay quyền lực. Những thứ đó mang đến cùng với nó
rất nhiều vấn đề. Tâm hồn chúng ta khao khát ý nghĩa, cảm giác chúng ta đã tìm
ra cách sống một cuộc đời có ý nghĩa để làm thay đổi thế giới theo hướng tốt
đẹp hơn mỗi khi chúng ta đi qua.”

Thật tình tôi còn làm
mất thêm mấy cái nút tương tự nữa thì tôi mới thật sự đặt câu hỏi về ý nghĩa
cuộc sống, rằng tâm hồn tôi đang khao khát điều gì.

Thời điểm này cuối cùng
cũng đến với tôi trong giai đoạn mà tôi gọi là cách mạng cá nhân. Cách mạng đôi
khi khởi đầu tại một nơi không ai ngờ, với những anh hùng không trông đợi. Bạn
có thể tưởng tượng được rằng một ông già Ấn Độ nhỏ bé nói giọng rất khó nghe
lại có khả năng thách đố tôi về ý nghĩa cuộc sống và làm thế nào tôi sẽ đạt
được chúng. Bạn có thể tưởng tượng là khi tôi không làm gì cả và câm lặng suốt mười ngày, thay vì làm mọi
thứ cùng một lúc, tôi đã làm thay đổi cuộc đời mình?

Tia lửa cách mạng đầu
tiên xảy ra cho tôi tại Thụy Sĩ, khi tôi đang tham dự Diễn đàn kinh tế thế
giới, tham gia một buổi nói chuyện được nhiều người đăng ký có tựa đề đơn giản
là “Hạnh phúc.” Gian phòng đầy nghẹt những người giàu có và thế lực trên thế
giới – dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngoài kia còn nhiều người cũng đã từng trải
qua cảm giác bị mất chiếc nút như tôi.

Chúng tôi tụ tập lại để
nghe bài diễn thuyết của một người đàn ông thấp người, mập mạp nhưng thể hiện
sự hạnh phúc thật sự tên là S.N.Goenka. Ông kể về quá trình tìm thấy sức khỏe
và hạnh phúc bằng phương pháp thiền theo kiểu truyền thống Vipassana.

Goenka chậm chạp tiến
về bục phát biểu và từ đó thu hút sự chú ý của khán giả trong suốt một giờ.
Theo từng lời nói của ông, chúng tôi bị cuốn vào một thế giới khác, bị buộc
phải đối mặt với cảm giác thiếu thốn, căng thẳng, mất cân bằng vốn vẫn quen
thuộc trong đời sống thành công của mình.

Không một lời nào nhắc
đến kinh doanh. Ông không nhắc đến bảng cân đối kế toán hay những mối liên hệ
quyền lực. Hạnh phúc, theo lời ông, không liên quan đến số tiền chúng ta kiếm
được hay cách chúng ta kiếm tiền.

Trên thế giới này chỉ
có một nơi để tìm sự bình yên, sự hòa hợp thật sự. Đó chính là bên trong tâm
hồn ta, Goenka nói. Rất nhiều người trong số chúng ta đã hiểu rõ thế giới kinh
doanh, nhưng đúng là chúng ta chưa hiểu rõ tâm hồn và trí óc của mình.

Ông nói tiếp rằng có
một cách để đặt những câu hỏi cần thiết và trở thành người chủ trí óc mình.
Vipassana, ông nói, là một phương pháp thiền giúp chúng ta “nhận biết sự vật
theo đúng bản chất của nó.” Đây là một phương pháp tìm bình yên tâm hồn, đánh
đuổi sợ hãi ra khỏi trái tim, giúp chúng ta thêm can đảm để mình thật sự là
mình. Goenka mô tả khóa học kéo dài mười ngày, trong đó người học phải ngồi hàng giờ trong im lặng,
không nhìn, không viết, không giao tiếp với bất cứ ai ngoại trừ người hướng dẫn
vào cuối ngày.

Tất cả đều tùy thuộc
vào bản thân. Chúng ta phải tìm từ bên trong tâm hồn mình làm cách nào để sống
cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc. Chúng ta cần phải đặt những câu hỏi cần thiết và
dành giời gian để tìm kiếm và lắng nghe.

Mặc dù tôi không biết
trong số khán giả hôm đó có bao nhiêu người thật sự muốn học Vipassana, nhưng
tôi biết Goenka đã chạm đến tận đáy lòng chúng tôi. Ông làm cho chúng tôi cảm
thấy, ít nhất là ngay lúc đó, rằng chúng tôi có khả năng điều khiển cuộc đời
mình, rằng cuộc đời chúng tôi có thể làm thay đổi thế giới, rằng chúng tôi có
thể học cách hạnh phúc nếu chúng tôi biết dành thời gian lắng nghe tiếng nói
tâm hồn mình.

Tôi cảm thấy rất kích
động và lâng lâng, nhưng tôi không chắc mình có bao giờ tham gia học Vipassana.
Mười ngày liền không điện thoại, không ăn trưa với mọi người, không nói
chuyện... mười ngày. Không bao giờ. Tôi không đào đâu ra thời gian.

Rồi bỗng dưng tôi có
nhiều thời gian đến mức không biết làm gì. Sau khi tôi rời Starwood, thêm mấy
chiếc nút áo đã rơi mất và tôi cần được sáng tỏ - và hạnh phúc.

Cho đến tận lúc đó, tôi
cứ nghĩ mình không có thời gian, không đủ can đảm để dành mười ngày tự soi xét mình.
Nhưng sau cùng tôi cũng tham gia khóa học Vipasana, và học được cách lần đầu
tiên trong đời giảm tốc độ lại và thật sự lắng nghe. Trong quá trình học, tôi
đã loại bỏ được nhiều, mặc dù chưa phải là toàn bộ - những suy nghĩ rằng tôi
phải, hay nên, làm cái này, cái kia.

Nếu bạn quyết tâm đi
tìm niềm đam mê của mình, ngọn lửa xanh đam mê, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Câu trả lời mà tôi tìm thấy sau những giờ thiền định đã giúp tôi đánh giá lại
ước muốn theo đuổi danh vọng, tiền bạc và chuyển sang một yếu tố khác mà tôi
biết rằng quan trọng hơn nhiều: mối quan hệ.

Vipassana dĩ nhiên
khong phải là phương pháp duy nhất để làm sáng tỏ cuộc đời bạn, nhưng chúng ta
ít khi dành thời gian và không gian cần thiết để hiểu rõ hơn con người mình và
những ước muốn của cuộc đời minh. Tại sao tôi – và nhiều người khác cũng thông
minh tài giỏi không kém cạnh gì – lại để cuộc đời mình đi vào bế tắc như thế?
Đó là vì chúng ta quên đặt ra cho mình những câu hỏi quan trọng: Nguồn đam mê
của bạn là gì? Những điều gì làm bạn hạnh phúc thật sự? Bạn có thể làm gì để
tạo sự khác biệt?

Khi tôi kết thúc khóa
học thiền, và quay về với đời sống thường nhật, tôi thấy mình giống một cậu bé
lạc vào cửa hàng bánh kẹo. Tôi có rất nhiều người mà tôi muốn gặp! Có rất nhiều
người tôi muốn giúp đỡ! Theo đuổi thành công có thể là một quá trình thú vị,
đầy hân hoan, nếu bạn biết mục đích ý nghĩa của nó.

Chúng ta được dạy rằng
cuộc đời là quá trình chinh chiến, là một hành trình kết thúc bằng tình yêu, ý
nghĩa, và một tài khoản kha khá giúp ta sống sung túc những năm cuối đời. Thực
tế, cuộc đời không có kết thúc, không có điểm cuối, cuộc chinh chiến không lúc
nào dừng lại. Không có một chức danh nào, hay một chiếc áo Brooks Brothers nào,
hay số tiền nào có thể đạt được gọi là đích đến. Cũng vì vậy mà nhiều khi bạn
đạt được mục đích nhưng bạn lại buồn còn nhiều hơn thất bại.

Một cuộc đời nhiều kết
nối giúp bạn có cái nhìn khác. Cuộc sống không phải là một cuộc chinh chiến mà
là một cái chăn ghép mảnh thật to. Chúng ta tìm thấy ý nghĩa, thấy tình yêu, sự
thịnh vượng khi chúng ta chung tay thắt chặt những nỗ lực táo bạo của mình để
giúp mọi người tìm thấy con đường cho cuộc đời họ. Mối quan hệ chúng ta thiết
lập giống như một hình mẫu phức tạp và liên tục.

Trong bộ phim How
to make an American Quilt
có một câu nói rất dễ thương có thể tóm gọn
triết lý này: “Những người trẻ yêu nhau tìm sự hoàn hảo. Những người già yêu
nhau khâu chỉ cùng nhau và tìm thấy nét đẹp trong những mẫu hình họ ghép nên.”

Bạn sẽ để lại gì với
chiếc chăn ghép mảnh của mình? Người ta sẽ nhớ gì về bạn? Những câu hỏi này có
thể được xem là thước đo dành cho những ai muốn tạo sự khác biệt, sống không
chỉ là sống. Chẳng có gì sai trái nếu bạn muốn là người giỏi nhất trên thế
giới miễn là bạn phải nhớ rằng bạn cũng cần đóng góp nhiều nhất cho thế giới.

Nên nhớ rằng tình yêu,
kiến thức, sự hỗ trợ chứ không phải là những tài khoản ngân hàng sẽ teo tóp lại
nếu bạn sử dụng quá mức. Sáng tạo mang đến sáng tạo, tiền bạc đem lại tiền bạc,
kiến thức tích góp kiến thức, và bạn bè giới thiệu bạn bè. Và quan trọng hơn,
cho là đền đáp. Quy luật tự nhiên về sự nhân rộng chưa bao giờ thể hiện rõ ràng
hơn lúc này trong thời đại nối kết, khi thế giới vận hành càng ngày càng tuân
thủ các nguyên tắc mạng lưới.

Vị trí xã hội hiện nay
của bạn, kiến thức hiện nay của bạn, tất cả đều là kết quả của những ý tưởng,
những kinh nghiệm, những con người bạn đã tiếp xúc trong cuộc đời, có thể trực
tiếp, có thể thông qua sách vở, âm nhạc, email, hay có thể từ các nền văn hóa
khác. Bạn không thể nào ngồi đây ghi sổ khi mọi thứ được nhân rộng với tốc độ
chóng mặt. Bạn hãy quyết định rằng từ ngày hôm nay trở đi bạn sẽ thực hiện
những nối kết để tích góp kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ giúp bạn tiến gần
hơn đến mục đích của mình. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu
sách.]

Nhưng trước hết hãy
thành thật với bản thân. Bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian để làm quen và cho đi
trước khi nhận lại? Bạn có bao nhiêu người đỡ đầu? Bạn đã đỡ đầu được cho bao
nhiêu người? Bạn thích làm những gì? Bạn muốn mục đích của đời mình là gì? Bạn
muốn mời ai tham gia vào mạng lưới của mình?

Theo kinh nghiệm bản
thân, tôi có thể nói rằng câu trả lời sẽ làm bạn rất ngạc nhiên đấy. Những điểm
quan trọng có thể không dính dáng gì đến công việc, công ty, hay một công nghệ
mới nào cả. Điểm quan trọng chính là con người. Tất cả hoàn toàn tùy thuộc
chúng ta, cùng chung sức với những người chúng ta yêu quý, để xây dựng một thế
giới đúng như ý mình. Nhà nhân loại học Margaret Mead đã từng phát biểu: “Đừng
nghi ngờ khả năng thay đổi thế giới của một nhóm người có suy nghĩ, có quyết
tâm. Thực tế, họ là người duy nhất có thể thay đổi thế giới.” Tôi hi vọng bạn
đã có đủ những công cụ để biến điều này thành hiện thực. Nhưng bạn không thể
làm một mình được. Chúng ta đang sống chung trên một thế giới. Hãy để mạng lưới
của bạn đóng góp phần của họ.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – Du Ca – tranghcic

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3