Bị thiêu sống - Chương 06
ASSAD
Tôi
là người duy nhất chạy đến và kêu lên khi con ngựa trượt chân khiến nó ngã.
Hình ảnh đứa em trai luôn hiện hữu trước mắt tôi: nó mặc sơ mi xanh lục với
nhiều màu sắc và vì trời có gió nên cái áo cứ bay phất phới phía sau. Nó ngồi
trên yên ngựa trông thật đẹp. Tôi yêu nó đến mức hình ảnh nó không bao giờ rời
xa tôi.
Hình
như tôi còn thương yêu nó nhiều hơn sau cái chết của Hanan. Tôi hoàn toàn phục
tùng nó. Tôi không sợ nó, không sợ nó làm tôi đau... Có lẽ vì tôi lớn tuổi hơn
nó chăng? Hay vì nó thân với tôi hơn những chị em khác? Tuy thế, nó cũng đã
đánh chúng tôi khi cha tôi vắng nhà. Có lần nó đánh cả mẹ tôi. Nó và mẹ tôi cãi
nhau, nó nắm tóc mẹ tôi giật mạnh và mẹ tôi khóc... Tôi trông thấy rất rõ hình
ảnh hai người lúc ấy nhưng tôi không nhớ nguyên nhân dẫn đến cuộc cãi vã đó.
Đối với tôi, tập hợp các hình ảnh và tìm ý nghĩa của chúng luôn là một việc rất
khó khăn. Như thể kí ức về quãng đời sống trên đất nước Palestine của tôi đã
phân tán thành nhiều mảnh nhỏ khi tôi gây dựng cuộc sống mới tại châu Âu.
Ngày
nay, điều đó nghe có vẻ khó hiểu, sau những gì em trai tôi đã làm, nhưng hồi ấy,
một khi cơn khiếp đảm đã qua đi, tôi chắc chắn không hình dung được rằng Hanan
đã chết. Chỉ mãi đến hôm nay, khi thấy cảnh tượng ấy vụt hiện ra trong kí ức, tôi
mới nhận ra là mình không thể nghĩ đến chuyện gì khác. Bằng cách nối kết các sự
việc lại với nhau một cách có lôgic và sau một khoảng thời gian đủ xa. Một mặt,
cha mẹ tôi không có mặt ở đó, vì mỗi lần có một bi kịch xảy ra, nghĩa là mỗi
khi có một người con gái bị gia đình khép vào tội chết thì duy nhất kẻ được chỉ
định thi hành bản án là có mặt ở nhà. Sau đó, tôi không bao giờ gặp lại Hanan.
Không bao giờ. Buổi tối hôm ấy, Assad đã nổi điên lên, cảm thấy nhục nhã vì
không được ở bên vợ khi vợ sinh con, vì thái độ của bố mẹ vợ. Có phải tin về
cái chết của đứa con mà Assad đang mong đợi đã đến từ chiếc điện thoại ấy?
Hanan có nói sai điều gì với Assad không? Tôi không biết. Nhưng hành động hung
bạo đối với đàn bà con gái trong nhà cha mẹ tôi và trong làng nói chung vẫn
thường xuyên tái diễn và là chuyện cơm bữa. Và tôi quá đỗi yêu thương Assad.
Cha tôi càng căm ghét đứa con trai ấy bao nhiêu, thì tôi càng yêu quý thằng em
trai duy nhất ấy bấy nhiêu.
Tôi
còn nhớ ngày nó lấy vợ như một ngày lễ tuyệt vời. Có lẽ đó thực sự là kỉ niệm
vui duy nhất trong quá khứ đầy ắp những chuyện điên rồ ấy. Dạo đó tôi khoảng
mười tám tuổi và đang già cỗi. Tôi thậm chí đã từ chối tham dự một lễ cưới khác
vì biết rõ bọn con gái sẽ chế nhạo tôi ra mặt. Những lời nhận xét ác ý, những
cú huých khuỷu tay, những tiếng cười không mấy tự nhiên của chúng khi trông
thấy tôi đi qua. Và tôi đã khóc suốt buổi. Nhiều khi dắt đàn cừu đi trong làng,
tôi cũng cảm thấy xấu hổ và sợ ánh mắt người khác. Tôi chẳng hơn gì bà hàng xóm
có cái đốm trong tròng mắt mà chẳng ai thèm ngó đến. Mẹ đã cho phép tôi không
đi dự tiệc cưới của con bé hàng xóm, bà đã hiểu nỗi thất vọng của tôi. Chính
lúc ấy, tôi đã đám nói thẳng với cha tôi: “Nhưng đó là lỗi của cha! Cha để con
đi lấy chồng đi chứ!” Ông vẫn không muốn nghe và tôi nhận mấy cú bạt tai: “Phải
đợi chị mày lấy chồng trước đã! Thôi xéo ngay đi!” Tôi đã nói với ông một lần
và không có lần thứ hai.
Nhưng
đến lễ cưới của em tôi thì cả nhà đều vui mừng và tôi còn vui hơn nữa. Cô dâu
tên là Fatma và tôi không hiểu tại sao cô ta lại đến từ một gia đình xa lạ, từ
một làng khác. Có phải vì ở quanh chúng tôi không có gia đình nào có con gái
đến tuổi lấy chồng không? Cha tôi đã thuê ôtô để đi đón dâu, một xe cho cánh
phụ nữ và một xe cho cánh đàn ông, và xe chở đàn ông đi trước, dĩ nhiên phải
như thế.
Phải
vượt qua nhiều dãy núi, và mỗi lần qua một khúc quanh, cánh phụ nữ lại reo mừng
tạ ơn Đấng Tối cao đã phù hộ để xe không bị lăn xuống vực, đường đi vô cùng
nguy hiểm! Cảnh vật chẳng khác nào sa mạc, đường không được trải nhựa chỉ có
đất vừa đen vừa khô và bánh của chiếc xe chở cánh đàn ông tạo thành một đám mây
bụi mù phía trước chúng tôi. Nhưng tất cả đều nhảy múa. Tôi có một cái trống
cơm kẹp giữa hai đầu gối và tôi vỗ trống theo nhịp với những tiếng hò reo của
phụ nữ. Tôi cũng nhảy, với chiếc khăn trùm đầu, rôi rất giỏi về khoản đó. Mọi
người ai cũng nhảy múa, ai cũng vui vẻ, chỉ riêng bác tài xế là không!
Lễ
cưới của em trai tôi to hơn của chị gái. Vợ Assad trẻ, đẹp, dáng người nhỏ bé, và
có nước da rất sậm. Cô ta không còn là trẻ con mà suýt soát tuổi với Assad.
Trong làng, ai cũng có vẻ hơi chế nhạo cha mẹ tôi vì Assad đã “buộc” phải cưới
một đứa con gái thuộc độ “chín” và lại là một đứa con gái lạ. Lẽ ra thì phải
cưới một đứa trẻ tuổi hơn, cưới một đứa con gái bằng tuổi là một chuyện không
bình thường! Và tại sao lại đi tìm ở một nơi khác? Nhưng Fatma là một đứa con
gái rất đẹp và may mắn là có đông anh em trai. Cha tôi đã bỏ ra rất nhiều vàng
để hỏi cô ta cho Assad. Cô ta có rất nhiều đồ trang sức.
Lễ
cưới kéo dài suốt ba ngày, ngày nào cũng nhảy múa và đãi tiệc tưng bừng. Trên
đường về, tôi còn nhớ bác tài xế đã dừng xe giữa đường và chúng tôi lại tiếp
tục nhảy múa. Tôi còn thấy hình ảnh tôi trong chiếc khăn trùm và vỗ chiếc trống
cơm, lòng tôi hân hoan và tôi tự hào về Assad. Đối với chúng tôi nó được xem
như là Chúa Trời, và thật lạ, tình yêu thương mà tôi dành cho nó không chịu rời
xa tôi. Nó là người duy nhất mà tôi không thù ghét được, cả những khi nó đánh
tôi, và cả những khi nó đánh vợ nó, cả những khi nó trở thành kẻ sát nhân.
Trong
mắt tôi, nó là Assad ahouta, Assad cao quý, Assad em trai
tôi. Assad ahouta. Mỗi khi ra đồng làm việc, không bao giờ tôi
quên chào nó: “Chào em trai Assad!” Một sự tôn sùng thực sự. Khi còn bé, chúng
tôi đã chia sẻ với nhau nhiều thứ. Bây giờ nó lấy vợ, nó sống với vợ trong ngôi
nhà của chúng tôi, tôi lại tiếp tục phục vụ nó. Nếu thiếu nước nóng để tắm, tôi
lập tức đi đun nước, tôi lau chùi bồn tắm, tôi giặt giũ và sắp sẵn quần áo cho
nó. Nếu nó cần tôi sẽ khâu vá trước khi mang để vào chỗ cũ.
Thông
thường, có lẽ tôi không nên yêu thương và chăm sóc nó với tình cảm như vậy. Vì
nó cũng giống hệt những người đàn ông khác. Cưới nhau chưa được mấy ngày, Fatma
đã bị Assad đánh và chạy về nhà cha mẹ đẻ khiến Assad bị mất mặt. Và trái với
thông lệ, cha mẹ Fatma không buộc con gái quay lại nhà chồng ngay trong ngày
hôm ấy. Có lẽ họ giàu có hơn, tân tiến hơn chúng tôi hoặc có lẽ họ quá yêu con
gái họ vì Fatma là con gái duy nhất của họ, tôi cũng không biết nữa. Tôi cho
rằng những bất đồng giữa cha tôi và Assad bắt đầu từ những chuyện đó. Em trai
tôi muốn lấy cô gái ở một làng khác, nó bắt cha tôi phải bỏ ra rất nhiều vàng
và kết quả là cô vợ ấy đã bị sẩy thai thay vì sinh ra một đứa con trai và cô ta
lại còn bỏ về nhà cha mẹ để cả gia đình chúng tôi mang nhục! Tôi không được
tham dự vào những cuộc họp gia đình, hiển nhiên là thế, và trí nhớ tôi cũng
không lưu giữ điều gì để chứng minh cho những suy diễn của tôi hôm nay, nhưng
tôi nhớ rất rõ việc cha tôi bê sọt đá lên sân thượng và lần lượt ném hết hòn đá
này đến hòn đá khác xuống đầu Assad. Và tôi vẫn nhớ cái tủ mà em trai tôi mang
ra chặn cửa phòng nó để ngăn không cho cha tôi vào. Có lẽ Assad định giành cả
ngôi nhà này cho mình và nó xử sự như thể nó đã là chủ nhà rồi. Tôi cho là cha
tôi không muốn Assad có một quyền lực gì trong nhà. Ông không muốn bị nó tước
mất quyền hành và chiếm đoạt tiền bạc của mình.
Cha
tôi thường bảo Assad: “Mày vẫn còn là một đứa trẻ con!”
Càng
tự tin và càng được chúng tôi nuông chiều, Assad càng chống đối quyết liệt hơn.
Nó là vua trong nhà, và ở đất nước chúng tôi, không bao giờ được nói với một
người đàn ông rằng anh ta vẫn là một đứa trẻ con. Đó là một câu nhục mạ hết sức
nặng nề! Lúc ấy Assad đã hét lên: “Nhà này cũng là nhà tôi!” Cha tôi không chịu
được câu nói ấy. Trong làng mọi người vẫn tự hỏi không biết Fatma đã làm điều
gì sai quấy, tại sao cô ta lại bỏ về nhà cha mẹ đẻ thường xuyên như vậy? Hay là
cô ta đã bị bắt gặp với một người đàn ông khác? Trong trường hợp như thế những
lời ngồi lê đôi mách lan đi rất nhanh. Người ta kháo nhau đủ chuyến xấu về
Fatma, nhưng không có chuyện nào đúng cả. Fatma là một cô gái dễ thương. Nhưng
khổ một nỗi, nếu ai đó nói, dù chỉ một câu: “Con bé ấy hư hỏng đấy”, thì đối
với cả làng, Fatma sẽ là đứa hư hỏng và thế là xong đời cô ta, người ta sẽ có
cái nhìn không tốt về cô ta.
Mẹ
tôi rất khổ sở vì những chuyện ấy. Thỉnh thoảng bà cũng gắng sức làm cho cha
tôi bớt giận khi thấy ông cứ gây sự với Assad.
-
Sao ông lại làm như thế? Để cho nó yên!
-
Tao đang muốn giết nó đây! Mày mà tìm cách bảo vệ nó thì cứ liệu hồn!
Tôi
đã trông thấy Fatma nằm dưới đất và bị Assad giơ chân đá vào lưng. Một hôm, tôi
trông thấy một bên mắt cô ta đỏ quạch còn mặt thì tái xanh. Nhưng không ai nói
hay làm gì được. Bị kẹt giữa thói quen hung hãn của người cha và cậu em trai, chúng
tôi chỉ còn cách tìm chỗ trốn để không bị ăn đòn.
Không
biết Assad có yêu vợ nó không? Tình yêu đối với tôi vào dạo ấy là một điều
huyền bí. Ở đất nước tôi, người ta chỉ nói đến chuyện làm đám cưới chứ không
nói đến tình yêu. Chỉ có chuyện vâng lời và phục tùng tuyệt đối chứ không có
tình yêu nam nữ. Chỉ có quan hệ tình dục bắt buộc giữa một cô gái còn trinh
được người chồng mua về. Nếu không như thế, sẽ bị bỏ quên hoặc phải chết. Vậy
tình yêu ở đâu?
Tuy
nhiên, tôi cũng nhớ trong làng có một người phụ nữ sống cùng chồng và các con
trong một ngôi nhà đẹp nhất. Mọi người đều biết đến họ vì sự xa hoa của ngôi
nhà và sự giàu có của họ. Con cái của họ đều được đến trường. Đó là một đại gia
đình vì các thành viên chỉ lấy người trong họ. Nhà họ chỗ nào cũng lát gạch
vuông. Thậm chí cả lối đi bên ngoài cũng lát gạch vuông. Với lối đi ở những ngôi
nhà khác, người ta chỉ rải đá răm hoặc cát, đôi khi có tráng một lớp nhựa
đường. Nhưng ở đây lại có một lối đi rất đẹp với hàng cây trồng phía trước. Họ
có một thợ làm vườn phụ trách việc chăm sóc khu vườn và khoảng sân có hàng rào
sắt uốn sáng lóa như vàng. Đứng từ xa người ta đã phải chú ý đến ngôi nhà. Ở
đất nước tôi, tất cả những gì sáng lóa đều được ưa thích. Ai mà có một chiếc
răng vàng thì được coi là giàu! Và đã giàu thì phải khoe ra. Ngôi nhà ấy rất hiện
đại, hoàn toàn mới, và bên trong trông rất tráng lệ. Lúc nào cũng có hai, ba
chiếc ôtô trước nhà. Tôi không bao giờ đi vào trong đó, dĩ nhiên là thế, nhưng
mỗi lần dắt đàn cừu ngang qua, tôi đâm ra mơ mộng. Người chủ ngôi nhà tên là
Hassan, một người cao to, nước da ngăm đen, vẻ sang trọng. Vợ chồng nhà ấy rất
gắn bó với nhau, lúc nào cũng ở bên nhau. Chị vợ đang mang thai đôi. Nhưng
không may, việc sinh nở không được vuông tròn, hai đứa bé song sinh được cứu
sống nhưng thai phụ lại chết. Cầu xin linh hồn chị được yên nghỉ vì chị còn rất
trẻ. Đó là đám tang duy nhất tôi được nhìn thấy trong làng. Điều khiến tôi cảm
động và ngạc nhiên là tất cả người thân trong gia đình đi sau chiếc cáng khiêng
người quá cố đều khóc, anh chồng khóc nhiều hơn cả. Do quá đau buồn, trong lúc
đi sau xác vợ, anh ta đã xé rách nhiều áo sơ mi dài truyền thống. Bà mẹ cũng xé
nhiều áo váy của bà. Tôi thấy hai bầu vú để trần của người đàn bà có tuổi ấy
rơi thõng xuống chỗ bụng bà ta, giữa những mảnh áo bị xé rách. Tôi chưa bao giờ
nhìn thấy một cảnh tượng nào buồn như thế. Người phụ nữ được mang đi chôn kia
từng được thương yêu, cái chết của chị ta đã khiến cả gia đình, và cả mọi người
trong làng phải thương tiếc.
Có
phải tôi đã có mặt trong số những người cùng làng đi xem đám tang hay tôi đã
nhìn thấy quang cảnh đám tang từ trên sân thượng nhà tôi? Có lẽ từ trên sân
thượng, vì hồi ấy tôi còn quá bé. Nhưng tôi đã khóc. Có rất đông người. Họ đi
chầm chậm trong làng. Và người đàn ông mà tôi nhìn thấy đang tỏ ra đau đớn, đang
xé áo sơ mi của anh ta, và tôi không bao giờ quên người đàn ông ấy. Với những
tiếng gào thét vì tình yêu dành cho vợ mà anh ta trở nên đẹp vô cùng.
Đúng
là một người đàn ông chân chính và đáng nể.
Ông
bà ngoại và cậu tôi cũng ở trong làng. Và ông ngoại tôi (tên ông là Mounther)
lúc nào cũng chải chuốt. Vóc người ông cao lớn, cậu tôi cũng vậy, ông luôn cạo
râu tươm tất, ăn mặc chỉnh tề, cả khi mặc y phục truyền thống. Lúc nào ông cũng
có tràng hạt trên tay và những ngón tay dài lần hết hạt này tới hạt khác. Thỉnh
thoảng ông đến nhà ngồi hút ống điếu với cha tôi và hai người có vẻ rất tâm
đắc. Nhưng một hôm, mẹ tôi bỏ nhà về ngủ ở nhà ông bà vì bị cha tôi đánh. Bà bỏ
chúng tôi ở lại một mình với ông ta. Ở đất nước chúng tôi, khi bỏ đi như thế, người
phụ nữ không thể mang theo con cái. Dù gái hay trai, chúng vẫn phải ở lại với
cha chúng. Và tôi càng lớn lên, cha càng hay đánh mẹ, mẹ tôi càng hay bỏ về nhà
ông bà. Chính ông ngoại đã phải bắt mẹ tôi quay trở lại. Đôi khi mẹ tôi bỏ đi
suốt một tuần, đôi khi chỉ một ngày hoặc một đêm. Có lần, bà đã bỏ đi ít nhất
gần một tháng và ông ngoại tôi không còn muốn nói chuyện với cha tôi nữa.
Tôi
tin rằng nếu mẹ tôi có chết đi thì bà cũng không bao giờ có được một đám tang
như người phụ nữ ấy và cha tôi cũng sẽ không kêu khóc và xé rách áo như ông
Hassan. Ông không yêu mẹ tôi.
Lẽ
ra tôi phải tự thuyết phục mình rằng ở đất nước tôi, hoặc chính xác hơn trong
gia đình tôi, tình yêu là một khái niệm không hề tồn tại. Rốt cuộc, tôi chỉ có
mỗi đứa em trai để yêu thương mặc dù nó hung hăng, và thỉnh thoảng hay nổi
khùng vô cớ. Các chị tôi cũng yêu thương nó. Chị Noura không còn ở nhà, chị Kaênat
cũng như tôi, chị che chở bênh vực nó, và mỗi khi trông thấy nó cưỡi ngựa là
chị vỗ tay tán thưởng.
***
Trừ
hai đứa em còn bé chưa thể nghĩ tới chuyện lấy chồng, ở nhà chỉ còn lại chúng
tôi. Hai gái già. Về phần chị Kaênat, tôi có cảm tưởng chị đã cam chịu số phận.
Chị không xấu, nhưng... không đẹp lắm và không tươi cười. Chị khác hẳn tôi.
Cùng là hai đứa con gái nhà quê ăn mặc hơi xoàng xĩnh, tóc tai không được chải
chuốt... nhưng tôi nhỏ người và thon thả hơn, còn chị thì to ngang với bộ ngực
quá khổ. Ở đất nước chúng tôi, đàn ông thích phụ nữ chắc da chắc thịt nhưng
không chấp nhận một bộ ngực quá to. Chị không có nét gì quyến rũ. Chị cảm thấy
buồn vì chuyện đó nhưng không thể trở nên đẹp hơn. Chị cũng ăn những thức ăn
như tôi nhưng chị lại phì ra, đó đâu phải là lỗi ở chị. Và dù thế nào đi nữa, cả
chị và tôi đều không thể nào làm cho mình đẹp hơn những gì mà Đấng Tối cao đã
tạo ra. Mà làm bằng cách nào và với những gì? Không áo đẹp, lúc nào cũng mặc
chiếc quần vải màu trắng hoặc xám, không trang điểm, không đồ trang sức. Và
luôn bị nhốt như hai ả gà mái già, mỗi lần lùa đàn cừu ra khỏi nhà, chúng tôi
lại phải đi nép vào tường, đếm từng bước, cắm mặt xuống đất.
Nếu
chị Kaênat không còn hy vọng gì và chắn mất lối đi lấy chồng của tôi, thì tôi
biết, dù sao vẫn có một người đàn ông đến hỏi tôi. Mẹ tôi bảo: “Bố thằng Faiez
đã đến nhà ta để hỏi mày cho con trai lão. Nhưng lúc này, chưa thể bàn đến việc
đám cưới được. Phải chờ chị mày xong đã.”
Từ
đó, tôi luôn tưởng tượng rằng anh đang đợi tôi, và rằng anh đang sốt ruột vì sự
từ chối của cha mẹ tôi.
Em
trai tôi biết anh. Họ ở đối diện nhà chúng tôi phía bên kia đường. Họ không
phải là nông dân như chúng tôi nên họ không làm việc ngoài vườn nhiều như chúng
tôi. Cha mẹ anh sinh được ba người còn trai và chỉ còn Faiez là chưa lấy vợ.
Nhà ấy không có con gái, vì thế không cần phải xây tường bao xung quanh mà chỉ
có một hàng rào rất đẹp và cổng không bao giờ khóa. Tường nhà màu hồng và chiếc
ôtô lúc nào cũng đỗ trước cửa nhà có màu ghi.
Faiez
làm việc trong thành phố. Tôi không biết anh làm nghề gì nhưng tôi nghĩ anh làm
việc trong một văn phòng nào đấy như cậu tôi. Dù sao đi nữa, anh trông cũng khá
hơn chồng của chị cả tôi nhiều. Hussein lúc nào cũng phải mặc quần áo công nhân,
không bao giờ sạch sẽ và người Hussein có mùi hôi.
Faiez
đó là sự thanh lịch, với một chiếc ôtô bốn chỗ rất đẹp vẫn nổ máy đều đặn mỗi
sáng.
Thế
là tôi bắt đầu rình mò chiếc ôtô để được trông thấy Faiez. Vị trí quan sát tốt
nhất là trên sân thượng, nơi tôi vẫn lên giũ tấm thảm lông cừu, hái nho và phơi
quần áo. Chỉ cần cẩn thận một chút là lúc nào tôi cũng có thể tìm ra một công
việc gì đó để làm trên ấy.
Trước
tiên, tôi nhận thấy bao giờ anh cũng đỗ xe ở cùng một chỗ, cách cửa nhà mấy
bước. Do không thể đứng quá lâu trên sân thượng để đoán xem mấy giờ anh ra khỏi
nhà nên phải mất mấy ngày tôi mới biết được là anh đi làm vào khoảng bảy giờ
sáng, lúc đấy tôi rất dễ tìm ra một công việc gì đó để làm trên sân thượng.
Lần
đầu tiên nhìn thấy anh, tôi đã gặp may. Tôi nhanh tay cọ rửa chuồng gia súc rồi
đi lấy bó cỏ thật khô mang về cho con cừu cái đang ốm và sắp trở dạ. Tôi đang
đứng cách đó hai ba bước với bó rơm trong tay thì anh bước ra. Trông cũng lịch
sự như cậu tôi, mặc âu phục, đi giày buộc dây rất đẹp với hai màu đen và nâu
nhạt, tay xách cặp đựng giấy tờ, tóc thật đen, nước da ngăm đen và điệu bộ oai
vệ.
Tôi
cúi đầu, giấu mặt trong đống rơm. Tôi lắng nghe bước chân anh cho đến lúc anh
ra đến ôtô, rồi tiếng cửa xe đóng sầm lại, tiếng máy nổ và tiếng lốp xe lăn
trên sỏi kêu lạo xạo. Tôi chỉ dám ngẩng đầu lên khi chiếc xe đã đi xa và tôi
đợi cho đến khi nó khuất hẳn. Tôi nghe tim đập rộn ràng trong lồng ngực. Hai
chân tôi run run. Và tôi tự nhủ: “Mình muốn có người đàn ông ấy làm chồng mình.
Mình yêu anh ấy. Mình muốn anh ấy, mình muốn anh ấy...”
Nhưng
làm thế nào? Làm thế nào để van xin anh đích thân đến xin cha tôi quyết định
cho làm lễ cưới? Trước tiên phải nói chuyện với anh như thế nào? Con gái không
được nói chuyện với con trai. Cũng không được nhìn thẳng vào mặt người ta.
Không được tìm cách đến gần. Dù người đàn ông ấy có muốn hỏi mình làm vợ đi
chăng nữa thì anh ta cũng không phải là người có quyền quyết định. Người có
quyền quyết định là cha tôi, bao giờ cũng là ông ấy và ông ấy sẽ giết tôi nếu
biết tôi đã dềnh dàng ôm bó rơm đứng lại một phút trên đường để lôi kéo sự chú
ý của Faiez.
Ngày
ấy, tôi không dám hy vọng nhiều, nhưng tôi chỉ muốn anh nhìn tôi và biết tôi
đang đợi anh. Thế là, tôi quyết định làm bất cứ điều gì đó để được lén lút gặp
anh và nói chuyện với anh. Tôi nhất định liều một phen, dù biết rằng nếu bị bắt
gặp, tôi có thể sẽ bị ném đá hoặc đánh bằng gậy cho đến chết. Tôi không muốn
đợi hết tháng này sang năm nọ nữa, không muốn đợi đến ngày chị Kaênat rời nhà
chúng tôi. Như thế thật bất công. Tôi không muốn bị già thêm nữa, không muốn
thành chủ đề đàm tiếu của cả làng. Tôi không muốn đánh mất hy vọng được đi cùng
một người đàn ông đến một nơi nào đó, được thoát khỏi sự đàn áp hung bạo của
cha tôi.
Mỗi
sáng và mỗi chiều, tôi sẽ lên sân thượng để ngóng đợi người đàn ông trong mộng
của tôi, đợi cho đến lúc anh ngước mắt nhìn tôi và ra hiệu cho tôi. Bằng một nụ
cười. Nếu không như thế, tôi chắc chắn anh sẽ đi hỏi một đứa con gái khác trong
làng hoặc ở làng khác. Và sẽ có một ngày, tôi sẽ nhìn thấy một phụ nữ thay tôi
được lên chiếc ôtô ấy.
Cô
ta sẽ cướp Faiez của tôi.