Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 47 - 48

Chương
47. Gạ tình lấy việc làm

NN, nữ, 18 tuổi, sinh viên trường dạy nghề

Bốn năm trước, bố mẹ tôi đầu tiên
là ly thân; rồi hai người lần lượt kí vào tờ đơn ly hôn. Mẹ tôi, một người phụ nữ
không nơi nương tựa, đã đặt lên vai mình gánh nặng cuộc sống của cả hai mẹ con.
Mẹ cắn chặt răng, âm thầm làm việc nhà, sửa chữa đồ điện, thay bóng đèn hỏng trong
nhà. Thu nhập ít ỏi của mẹ không đủ để chi trả cho số tiền học phí đắt đỏ của tôi,
vì thế mà mẹ phải đi làm thuê ở khắp nơi. Mẹ bươn chải ở bên ngoài, chấp nhận làm
tất cả mọi việc, chỉ để chi trả số tiền học phí lên đến vài chục ngàn nhân dân tệ
của tôi. Mẹ yêu tôi vô cùng, với mẹ tôi là tất cả!

Một buổi sáng thứ Năm, tôi gọi điện thoại từ trường về
cho mẹ, nói không may đã làm gãy mất gọng kính rồi và bảo mẹ nhanh chóng mua cho
tôi một chiếc kính mới. Mẹ không nói thêm câu gì, liền cúp máy xuống và đến gặp
tôi. Hai mẹ con hẹn sẽ gặp nhau tại bến xe buýt. Tôi đợi khoảng nửa tiếng mới thấy
mẹ đến. Mẹ xuống xe; nhìn thấy tôi, mẹ liền chạy lại, tóc mẹ bay bay trong gió,
tôi bỗng nhiên thấy mẹ già đi rất nhiều. Mẹ cầm chiếc kính hỏng của tôi lên xem,
nói sẽ sửa được nên vội vàng bắt xe buýt vào trung tâm thành phố.

Tôi trở về lớp học mà không sao tập trung nghe giảng
được. Đột nhiên, tôi nghe thấy cô giáo gọi tên tôi. Tôi ngẩng đầu lên thì thấy mẹ
tôi tay cầm chiếc kính vừa sửa xong đang tươi cười đứng bên ngoài cửa lớp. Cả lớp
tôi bắt đầu xì xầm bàn tán, tôi vội vã chạy ra ngoài, kéo mẹ ra một chỗ cách xa
phòng học để tránh những ánh mắt dòm ngó của các bạn. Đại khái là vì tôi sĩ diện,
không muốn bạn bè nhìn thấy bộ dạng lao động vất vả của mẹ.

Mẹ không để ý đến hành động của tôi vừa rồi, liền cầm
chiếc kính vừa mới sửa xong gài lên hai bên tai tôi và nở nụ cười tươi rói. Nhìn
thấy nụ cười của mẹ, tự nhiên mắt tôi lại thấy cay cay. Mẹ về, tôi nhìn bóng mẹ
đang khuất dần sau cánh cổng, lại không thể kìm được nước mắt...

Tôi cảm thấy rất xấu hổ; nhìn thấy mẹ làm việc vất vả,
ngày một già đi mà mình lại không thể giúp đỡ được gì cho mẹ. Hằng ngày, tôi không
thể làm việc nhà đỡ mẹ, bởi vì mỗi tháng tôi chỉ được về nhà có bốn lần. Tôi cũng
không thể kiếm tiền đỡ đần mẹ được, bởi vì tôi vẫn còn đi học. Việc duy nhất mà
tôi có thể làm là chăm chỉ học hành, đây cũng là điều mà mẹ tôi muốn thấy ở tôi.
Mỗi khi tôi đạt được kết quả cao trong học tập, tôi lại được nhìn thấy nụ cười mãn
nguyện của mẹ. Nhưng những cơ hội được nhìn thấy nụ cười này của mẹ lại rất ít.
Tôi thừa nhận bản thân mình rất chăm chỉ, nhưng thành tích của tôi lại không hề
xứng đáng với mồ hôi và công sức mà tôi bỏ ra. Tôi hận mình vô dụng, ngay cả an
ủi mẹ bằng những việc cỏn con này mà tôi cũng không làm xong. Kể từ học kì hai năm
lớp một cho đến nay, chưa bao giờ tôi được khoe với mẹ một bài kiểm tra đạt điểm
tuyệt đối. Mỗi lần giơ bảng điểm cho mẹ xem, tôi lại cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Mẹ
giấu nỗi thất vọng vào tận sâu trong lòng, an ủi tôi: “Không lo, lần sau cố gắng
hơn là được!”. Mỗi lần tôi học bài đến tận khuya, mẹ lại ân cần bê một bát điểm
tâm đến cho tôi, nhẹ nhàng dặn dò tôi nhớ đi ngủ sớm. Sau khi đi thi hết cấp hai
về, tôi khóc không thành tiếng. Mẹ khuyên tôi, khuyên mãi đến khi ngay cả mẹ cũng
trào nước mắt. Hai mẹ con tôi cứ thế ôm nhau mà khóc, dường như nước mắt chính là
liều thuốc an ủi tốt nhất của chúng tôi!

Năm đó, cả thành phố chỉ có hơn một phần ba học sinh
cấp hai đủ điều kiện được lên cấp ba. Trong số đó không có tôi. Mẹ hỏi ý kiến của
tôi, tôi nói tôi không muốn thi cử gì nữa nên sẽ không đi học lại. Tôi sợ sẽ mình
sẽ lại làm lãng phí tiền bạc và công sức một năm lao động vất vả của mẹ. Mẹ hỏi
tôi hay là đi học nghề. Tôi im lặng không nói. Với trình độ của tôi hiện giờ, tôi
có thể làm được việc gì cơ chứ? Một đứa học sinh cấp hai, chẳng biết làm gì ngoài
việc học, đi học nghề là con đường duy nhất của tôi hiện giờ. Mẹ hy vọng rằng học
ngành kế toán đang nổi này sẽ giúp tôi sau này có nhiều cơ hội tìm được việc làm
hơn. Kể từ đó, để lo liệu số tiền học phí cho tôi, mẹ lại càng vất vả...

Hết giờ học, cô giáo thông báo sang tháng chúng tôi sẽ
phải đi các đơn vị thực tập. Mọi người đều tỏ ra rất vui mừng, vì dù sao việc này
cũng dễ chịu hơn nhiều so với việc phải ngồi học ở trên lớp.

Khi tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ đến
công ty T thực tập, mắt mẹ sáng lên, mẹ nói: “Đấy là một công ty tốt đấy, con phải
ngoan ngoãn, chăm chỉ và làm việc thật tốt, để lại ấn tượng tốt cho người ta, biết
đâu sau này khi con tốt nghiệp, lại đúng lúc người ta đang cần người...”.

Công ty T không có nhiều tiền như mọi người đồn đại,
nhưng dù sao đó cũng là một công ty lớn, có thể tạo cho người ta cảm giác ổn định.
Những nhân viên trong công ty không để ý nhiều đến tôi, ngoài việc bảo tôi làm các
việc vặt, họ chẳng bao giờ cho tôi động vào các công việc chuyên môn. Tôi cảm thấy
hơi thất vọng. Nghe các bạn nói, nhà trường đã phải nộp cho mỗi đơn vị mà chúng
tôi đến thực tập một khoản “phí thực tập” không nhỏ. Mà phí thực tập này lại được
trích từ một phần tiền học phí của chúng tôi. Đúng lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng thì
giám đốc bộ phận họ Hứa gọi tôi đến giúp việc. Tôi rất vui vẻ nhận lời, vì tôi muốn
học được thêm các kiến thức chuyên ngành. Giám đốc Hứa cho tôi làm công việc của
một thư kí, vì thư kí của giám đốc xin nghỉ đẻ. Tôi rất vui sướng và cố gắng làm
việc thật cẩn thận. Thế nhưng dù đã cố gắng hết sức tôi vẫn thường xuyên để xảy
ra sai sót. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì khả năng thực tế của tôi quá kém. Giám đốc
Hứa là một người rất bình dị và dễ gần. Nghe tôi kể về hoàn cảnh gia đình, giám
đốc Hứa tỏ ra rất cảm động và nói: “Em cố gắng học tập, năm sau ra trường, anh sẽ
cố giữ cho em một vị trí trong công ty!”. Tôi nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc,
tại sao mình lại may mắn gặp được một người tốt như vậy?

Mẹ tôi nghe tin này cũng hết sức vui mừng, liên tục cảm
ơn trời vì trên đời này vẫn còn có người tốt. Thế nhưng, thái độ ngày càng thân
mật của giám đốc Hứa đối với tôi khiến cho tôi rất khó chịu. Rồi một hôm, anh ta
nói thích tôi. Trong lòng tôi cảm thấy rất khó chịu; nếu như là người khác thì tôi
đã sớm mắng cho một trận rồi. Nhưng tôi lại không dám làm thế với anh ta, bởi vì
dù sao tôi vẫn phải nhờ cậy vào anh ta mà. Tôi đành phải ỡm ờ nói: “Nếu anh ly hôn,
sau khi tốt nghiệp em sẽ theo anh!”. Thực ra trong lòng tôi biết, giám đốc Hứa có
quan hệ thân mật với nhiều nhân viên nữ trong công ty T và cả ở công ty khác nữa.
Tôi làm sao có thể chấp nhận một người đàn ông như vậy được? Giám đốc Hứa thấy tôi
không thuận theo ý mình liền thay đổi thái độ. Sau khi đợt thực tập kết thúc, anh
ta viết lên tờ báo cáo thực tập của tôi đúng hai chữ: “Tạm được”. Tôi nghĩ, chuyện
công việc năm sau của tôi thế là tan tành rồi. Tôi không dám nói chuyện này với
mẹ, tôi không muốn mẹ lo lắng thêm.

Cứ nghĩ đến chuyện công việc năm
sau, tôi lại thấy vô cùng lo lắng, tự trách mình quá vô dụng. Tôi thậm chí còn cảm
thấy hơi hối hận: nếu lúc đó tôi đồng ý anh ta, đợi cho đến khi công việc của tôi
được dàn xếp ổn thỏa rồi tôi sẽ rời bỏ anh ta. Vậy thì... Tôi tự trách mình vì đã
có những suy nghĩ sai lầm và bỉ ổi đến thế. Nhưng nếu để mẹ có thể sống một cuộc
sống tốt hơn, tại sao tôi lại không thể hi sinh bản thân mình một chút? Tôi cảm
thấy mình đang thật sự rất mâu thuẫn...

NN là một cô bé rất hiểu chuyện, nhưng cũng
có phần hơi ấu trĩ. Hiện nay, cô bé vẫn còn chưa bước ra khỏi cánh cổng trường học,
vẫn chưa bước vào cuộc cạnh tranh thực sự, tại sao lại tình nguyện biến mình thành
một món hàng giao dịch? Hơn nữa, cô bé lại cho rằng mình có thể khống chế mọi chuyện,
phải chăng là cô bé quá đỗi ngây thơ? Tôi cảm thấy may mắn thay cho NN, may mà ngày
hôm đó cô bé đã không đồng ý làm như những gì cô bé đang nghĩ, nếu không, tôi e
là sự tổn thương và mất mát mà cô bé phải chịu đựng quả thật khó mà tưởng tượng
được, thậm chí còn gây tổn thương rất lớn cho người mẹ sớm hôm vất vả của cô bé.

Tình trạng việc làm trong xã hội ngày nay
đang vô cùng khó khăn, các sinh viên trong các trường dạy nghề thường không có nhiều
lợi thế khi tìm việc làm. Đây là hiện thực. Nhưng NN không được để mất đi niềm tin,
bởi tuổi trẻ là một tài sản vô cùng quý báu. Khi còn trẻ, chỉ cần thật lòng mong
muốn thì con người ta có thể nâng cao trình độ và khả năng của mình rất nhanh. Tôi
hy vọng NN sẽ không mải mê suy xét đến vấn đề tìm kế sinh nhai vào năm sau; tồn
tại là điều quan trọng, nhưng phát triển là vấn đề quan trọng hơn. Chỉ cần NN chịu
khó động não, không ngừng phấn đấu vươn lên thì chắc chắn con đường phía trước sẽ
rộng mở chờ đón cô bé!

Chương
48. Mạnh dạn đưa ra yêu cầu của bạn

Ngô Nại, nữ, 15 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi thường xuyên than thở mình thật
khổ. Năm nay tôi mười lăm tuổi, đang học lớp chín. Tôi từng có những năm tháng ấu
thơ hạnh phúc. Lúc đó, tôi là một đứa con gái thích làm nũng; anh cả và anh hai
của tôi rất thích bế tôi đi chơi khắp mọi nơi. Còn nhớ có một lần, hai anh tôi cùng
với một đám trẻ con chạy lên sườn dốc chơi đánh cầu. Ngồi nhìn mọi người chơi chán,
tôi liền một mình chạy lung tung trên sườn dốc rồi không may ngã lăn xuống sườn
dốc. Sợ quá, tôi khóc ầm lên, các anh vội vàng bế tôi lên, thế nhưng tôi rất giận
vì ban nãy họ đã bỏ tôi ngồi một mình, thế nên cứ khóc cho đến khi khàn đặc cả tiếng.
Cuối cùng, hai anh tôi bị bố mẹ mắng cho một trận nên thân.

Lúc sinh tôi, bố mẹ tôi đã bốn mươi tuổi rồi, vì thế
hai anh đều lớn hơn tôi nhiều. Có người nói hai anh cứ như chú của tôi vậy. Cũng
chính vì lẽ đó mà khi còn nhỏ, ở nhà tôi vẫn được mọi người chiều chuộng như một
cô công chúa bé nhỏ.

Vài năm sau, anh cả tôi xa nhà đi học đại học ở tận Bắc
Kinh xa xôi. Không lâu sau, anh hai cũng thi đỗ vào một trường trung cấp ở nơi khác.
Trong nhà bỗng chốc trở nên vô cùng yên ắng, khiến tôi cảm thấy không thể quen được.
Mặc dù vậy, gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc. Mỗi khi đến kì nghỉ là hai anh lại về
nhà đoàn tụ. Hai anh ngồi trên giường nói chuyện với mẹ, tôi tinh nghịch chạy qua
chạy lại, hai anh chỉ xoa xoa đầu tôi và cười rất tươi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình
rất nghèo khó, nhưng ai nấy đều cảm thấy rất hạnh phúc.

Biến cố trong gia đình xuất phát từ anh hai tôi. Người
anh hai sống nội tâm của tôi gặp phải mâu thuẫn ở trường nên mắc bệnh tâm thần phân
liệt, phải về nhà dưỡng bệnh. Chuyện này đã gây ra một cú sốc lớn cho gia đình tôi.
Bố mẹ tôi vì quá lo lắng mà già đi rất nhiều; từ một con bé chỉ biết làm nũng tôi
đã trở thành một đứa con gái biết giúp đỡ bố mẹ. Cả nhà đều lo lắng cho anh hai;
gánh nặng tinh thần như hòn đá tảng đè lên ngực tôi. Lúc đó, người anh cả chuẩn
bị tốt nghiệp đại học chính là trụ cột của cả gia đình. Tôi rất hy vọng anh tôi
có thể về đây công tác, giúp bố mẹ giảm bớt gánh nặng, dù sao thì bố mẹ tôi cũng
đã lớn tuổi rồi.

Nhưng cuối cùng, tôi vô cùng thất vọng khi biết anh cả
quyết định ở lại Bắc Kinh làm việc. Anh yêu một chị học cùng trường, chính là chị
dâu của tôi bây giờ. Chị dâu muốn ở lại Bắc Kinh, thế nên cả hai ở lại đó, không
về quê nữa. Bố mẹ tôi chẳng hề trách móc gì anh cả, còn nói anh cả tôi làm vậy là
đúng, còn trẻ nên lấy sự nghiệp làm trọng. Nhưng tôi lại thầm cảm thấy rất thất
vọng về anh cả. Tục ngữ có câu: “Lấy vợ quên mẹ”, tôi cảm thấy câu này quả không
sai.

Anh cả tôi vừa ổn định ở Bắc Kinh, thu nhập cũng không
cao, nhưng anh vẫn gửi tiền về nhà đều đặn. Bố mẹ tôi không nỡ tiêu tiền của anh
cả, thế nên đã đem gửi hết vào ngân hàng, sẽ gửi cho anh cả khi anh cưới vợ. Cả
nhà tôi sống hết sức tiết kiệm. Bệnh của anh hai ngày càng nặng khiến bố mẹ tôi
rất buồn; những phiền muộn trong cuộc sống làm cho bố mẹ tôi già đi nhiều. Tôi cảm
thấy gia đình tôi thật quá bất hạnh, tôi cũng ít khi cảm thấy nhẹ nhõm, thành tích
học tập cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Anh trai tôi làm đám cưới ở Bắc Kinh. Đám cưới của anh
có rất ít người đến dự. Anh cùng chị dâu mở một công ty riêng, cả hai đều rất bận
rộn. Hai anh chị kết hôn đã mấy năm mà chưa dám sinh con, chị dâu nói hai anh chị
ngày nào cũng như đi đánh trận, làm sao mà mang con theo được. Bố mẹ tôi rất áy
náy, thấy có lỗi với hai anh chị; nếu không phải vì anh hai mắc bệnh thì ông bà
đã có thể lên chăm cháu cho anh chị rồi. Thực ra cách nghĩ của tôi khác với bố mẹ.
Tôi thấy bố mẹ đã già rồi, cả đời cực khổ, bây giờ con cái đã trưởng thành, bố mẹ
nên được nghỉ ngơi, hưởng phúc mới phải. Thế nhưng anh hai tôi...

Công xưởng nơi bố mẹ tôi làm việc trước đây làm ăn ngày
một xuống dốc, lương hưu của bố mẹ ngày càng ít đi. Chi tiêu trong nhà rất tốn kém,
anh hai hiện nay không thể làm việc, lại còn phải chữa bệnh; tôi cũng đang đi học.
Tôi cảm thấy nếp nhăn hằn trên trán bố mẹ ngày càng sâu hơn, ngày nào bố mẹ cũng
buồn phiền vì chuyện tiền bạc. Tôi rất muốn mình có thể đi làm ngay lập tức để kiếm
tiền nuôi cả gia đình. Đáng tiếc là hiện giờ tôi chưa thể làm được. Bố tôi vì muốn
kiếm thêm chút tiền nên đã đến làm thuê cho một xưởng sửa chữa ô tô. Nhưng mới đi
làm được một tháng thì bố tôi phát bệnh vì làm việc quá sức. Nhìn hoàn cảnh gia
đình quá thê thảm, tôi bèn nén nước mắt viết thư cho anh cả và chị dâu, hy vọng
anh chị có thể tranh thủ thời gian về thăm nhà và giúp đỡ bố mẹ được phần nào.

Rất lâu sau đó, tôi mới nhận được thư hồi âm của chị
dâu. Trong thư có viết, công ty của anh chị ấy hiện giờ làm ăn không được tốt, nợ
nần đầm đìa, vô cùng khó khăn, vì thế anh chị không thể giúp đỡ nhiều cho gia đình,
cũng không có thời gian về thăm nhà. Tôi xem qua rồi xé nát bức thư. Trong lòng
tôi bỗng nhiên cảm thấy nguội lạnh, gia đình hạnh phúc năm nào giờ đã không còn
nữa.

Tôi cũng sắp tốt nghiệp rồi. Tôi không muốn học tiếp
lên trung học, kinh tế gia đình không cho phép tôi học lên cao. Tôi cũng từng nghĩ
sẽ thi vào một trường trung cấp để có thể sớm đi làm giúp đỡ bố mẹ; nhưng nghe các
thầy cô giáo nói, học trung cấp ra rất khó xin việc, ngay cả sinh viên chính quy
của các trường đại học cũng còn khó xin được việc. Tôi nhẩm tính, cho dù tôi có
học đến thạc sĩ thì cũng phải mất đến mười năm nữa mới có thể tốt nghiệp được. Mười
năm ấy đối với tôi là một khoảng thời gian quá dài!

Mặc dù rất giận anh cả nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến anh,
trông ngóng anh quay về. Tối đó, tôi nằm mơ thấy anh tôi đeo ba lô về nhà, còn đưa
cho bố mẹ tôi rất nhiều tiền... Thế nhưng, sau khi tôi tỉnh lại, tất cả đều tan
biến hết!

Tôi không biết bản thân mình nên làm gì. Mặc dù bố mẹ
không cho phép tôi lo lắng về những chuyện trong nhà, nhưng tôi đã mười lăm tuổi
rồi, tại sao lại không thể lo lắng cho gia đình cơ chứ?

Với hoàn cảnh gia đình của Ngô Nại hiện giờ,
chỉ có bản thân cô bé và người anh cả mới có đủ sức để thay đổi. Cô bé Ngô Nại mới
mười lăm tuổi đã biết có trách nhiệm với bố mẹ và gia đình như vậy thật khiến người
khác phải cảm động! Thế nhưng, xét cho cùng thì khả năng của Ngô Nại có hạn; cho
dù cô bé có cố gắng hết sức thì kết quả cũng không mấy khả quan!

Ngô Nại nên một lần nữa cầu cứu anh cả. Có
thể bức thư lần trước là ý kiến của cá nhân chị dâu của bạn chứ anh cả bạn hoàn
toàn không biết gì. Có khi nào Ngô Nại đã hiểu nhầm anh cả mình? Còn một điểm mà
Ngô Nại phải hiểu, đó là cho dù xét về tình hay về lí thì anh cả của bạn cũng phải
có một phần trách nhiệm không thể chối bỏ với gia đình bạn. Xét về tình, anh cả
là do bố mẹ bạn nuôi dưỡng, thế nên bây giờ, khi anh cả đã trưởng thành, cần phải
có tấm lòng hiếu thảo, phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Còn xét về lí, “Luật hôn nhân”
của nước ta có quy định con cái trưởng thành phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phụng
dưỡng bố mẹ. Nếu như bố mẹ mất sức lao động, anh em trong gia đình phải có trách
nhiệm nuôi dưỡng các em chưa đủ tuổi vị thành niên trong nhà. Xét tình hình của
anh bạn hiện giờ, mặc dù công ty làm ăn khó khăn, nhưng anh bạn vẫn có khả năng
hỗ trợ cho kinh tế gia đình. Chính vì thế mà Ngô Nại cứ thẳng thắn đưa ra yêu cầu
đối với anh cả!

Cho dù là có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn mong
Ngô Nại có thể hoàn thành được việc học tập của mình!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3