Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 35 - 36
Chương 35. Bình tĩnh chấp nhận bản thân
Thu Lệ, nữ, 20 tuổi, nhân viên kinh doanh
Năm nay tôi hai mươi tuổi, vẫn chưa
xác định rõ mục tiêu cho cuộc sống. Trước đây, khi còn học cấp hai, tôi mơ ước có
thể trở thành sinh viên trường sư phạm, nhưng kết quả là tôi thi không đỗ, đành
phải vào học tại một trường dạy nghề. Đỗ trường nào thì cũng là đỗ, nên tôi vẫn
rất vui vẻ. Thế nhưng đúng là không ai đoán trước được ý trời. Tôi vừa nhập học
không được bao lâu thì bố tôi qua đời vì căn bệnh ung thư phổi. Hoàn cảnh gia đình
tôi vốn đã không sung túc nay lại càng trở nên khó khăn hơn. Vì gia cảnh khó khăn,
tôi đành phải thôi học và đi làm ở một xí nghiệp nhỏ.
Gia đình tôi là một gia đình bất hạnh. Ngay từ khi tôi
còn nhỏ, trong nhà tôi đã xảy ra rất nhiều chuyện không may. Những chuyện đó trước
nay tôi đều giữ kín trong lòng, không kể với bất cứ ai.
Khi còn nhỏ, tôi thường ở với mẹ;
bố tôi và hai chị gái sống ở nơi khác. Nói một cách chính xác hơn là bố mẹ tôi có
mâu thuẫn nên đã ly thân. Mọi người trong thôn đều nói mẹ tôi mắc bệnh thần kinh.
Bố tôi và chị cả tôi khi cãi nhau với mẹ cũng thường mắng mẹ như vậy. Năm hai mươi
tuổi, chị tôi yêu một anh cùng thôn. Sau khi yêu nhau một thời gian, người đó không
yêu chị tôi nữa, anh ta chê chị tôi không biết may vá. Nhưng chị tôi vẫn thích anh
chàng đó, hơn nữa, trong thôn của tôi, một người con gái mà yêu đến hai lần thì
sẽ mất hết danh dự. Chính vì thế chị tôi không muốn chia tay với anh ta, suốt ngày
cầu xin anh ta quay lại với mình. Sự chân thành của chị tôi đối với anh ta chỉ đổi
lấy sự khinh bỉ của nhà anh ta với gia đình tôi. Mẹ anh ta mắng chị tôi không có
liêm sỉ, đũa mốc đòi chòi mâm son. Bị sỉ nhục nặng nề, suốt một thời gian dài chị
tôi cứ đờ đẫn như người mất hồn; người trong thôn còn bảo chị mắc bệnh tâm thần.
Bố tôi phải dẫn chị tôi đến bệnh viện tỉnh mới chữa khỏi bệnh cho chị.
Chị tôi yêu đến ba lần, nhưng lần nào cũng như lần nào,
chị đều bị bỏ rơi đến mức phát điên. Cũng may, cuối cùng thì chị tôi cũng được gả
cho người ta. Nhưng trước đám cưới, cả nhà đều giấu anh rể bệnh tình của chị, về
sau chị tôi phát bệnh, anh rể tôi căm hận cả gia đình tôi, đối xử với chị tôi cũng
chẳng ra gì, thậm chí có lúc còn đánh đập chị nữa. Chị tôi sống mà như chết rồi!
Đó là chuyện của chị cả tôi. Tôi
còn có một người chị nữa, chị ấy rất gầy gò, nhưng mọi người trong thôn đều nói
chị là người xinh nhất trong ba chị em. Chị hai ít nói, nhưng có tấm lòng nhân hậu,
được mọi người trong thôn rất yêu quý. Nhưng đến năm tôi mười một tuổi, chị tôi
mắc bệnh máu trắng và qua đời.
Năm tôi mười sáu tuổi, bố tôi cũng qua đời, gia đình
tôi tan tác. Mẹ tôi nhờ người giới thiệu đi làm thuê trong thành phố. Tôi cũng rời
bỏ trường học và đi làm kiếm tiền. Các món nợ dần dần cũng vơi đi, hai mẹ con tôi
coi như được sống hai năm khá yên ổn. Nhưng rồi tai họa lại một lần nữa giáng xuống
đầu tôi, tôi bị mắc căn bệnh giống như chị cả.
Trước ngày phát bệnh, tôi chỉ cảm
thấy rất đau đầu, thế nên liền xin nghỉ làm. Về đến nhà, tôi không biết gì nữa cả.
Tôi hôn mê ba ngày liền, đến khi tỉnh lại, đầu óc tôi không sao tự kiểm soát được,
tôi làm gì ngay cả bản thân tôi cũng không biết. Đó là những việc hết sức kinh khủng,
tôi thật sự không muốn nhớ lại nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi chỉ cảm thấy những điều
đang xảy ra thật quá tàn nhẫn đối với tôi. Có người nói tôi là con điên. Tôi thấy
người ta nói đúng và chỉ muốn tự sát cho xong, không còn mặt mũi nào mà sống trên
đời này nữa. Thế nhưng tôi lại không có dũng khí để kết thúc cuộc sống của mình,
đành phải dày mặt trước sự dè bỉu của người khác.
Người xưa có câu: “Đại nạn không chết, ắt có phúc về
sau”, thế nhưng cơn sóng này chưa qua cơn sóng lớn hơn đã ập đến. Lần này tôi vướng
vào chuyện tình yêu với một gã sở khanh. Sau khi có được trinh tiết của tôi, hắn
đã vứt bỏ tôi không thương tiếc. Đối mặt với sự thực phũ phàng, tôi đành phải nuốt
nỗi đau đớn vào trong lòng.
Tôi cũng là đứa có nhan sắc nên
đang có khá nhiều chàng trai theo đuổi, thế nhưng tôi đều một mực cự tuyệt họ. Họ
thích tôi là bởi chưa hiểu rõ về tôi, nếu biết sự thật rồi, chắc chắn họ sẽ lại
bỏ rơi tôi. Tôi không muốn rắc thêm muối lên vết thương đang rỉ máu của mình, trái
tim đã tan nát của tôi không còn cách nào có thể đối mặt với cuộc đời này nữa. Giờ
đây tôi chỉ còn lại phần xác mà thôi, tôi thực sự muốn đi tu...
Hiện tại, mối lo lắng lớn nhất của
tôi chính là căn bệnh khủng khiếp kia. Cả ngày tôi buồn phiền vì chuyện này. Tôi
từng nhắc nhở mình phải quên đi nhưng mọi nỗ lực của tôi đều thất bại. Vì hoàn cảnh
gia đình, vì căn bệnh quái ác của bản thân nên tôi cảm thấy cực kì tự ti và bi quan,
không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Tôi thường cảm thấy mọi người nhìn mình bằng
đôi mắt kì quái và thi nhau nói xấu sau lưng tôi. Tôi không có lấy một người bạn
thân, không có ai nói cho tôi biết tôi phải làm thế nào để đối mặt với những ngày
tháng còn lại. Không có ai giúp đỡ được tôi. Tôi sắp không chịu nổi nữa rồi!
Con người khi mắc bệnh thường không thể tự
kiểm soát được, vì thế có thể sẽ nói ra những điều không hay, gây ra những chuyện
không tốt. Nhưng không phải vì thế mà bạn phải tự trách bản thân hoặc cảm thấy nhục
nhã. Nếu như có người cười nhạo bạn, thì họ mới là người sai chứ không phải là bạn.
Họ cười nhạo người bệnh, chứng tỏ họ là những người không có tấm lòng đồng cảm.
Tuy nhiên, tôi tin rằng cho dù Thu Lệ đã từng nói hay làm điều gì thì cũng chỉ là
sự phản ánh nhận thức tiềm tàng của bạn và cũng là nhận thức tiềm tàng của mỗi người
mà thôi. Bình thường, mọi người sẽ giấu kín những chuyện này nhưng Thu Lệ lại nói
ra những điều đó. Xét cho cùng thì cũng đâu có gì đáng phải xấu hổ.
Căn bệnh của Thu Lệ có thể là do di truyền, nhưng cũng có thể là do tác động của
chị cả gây ra. Nếu không may mắc bệnh này, bạn cũng không nên quá sợ hãi. Chỉ cần
giữ cho tinh thần luôn ổn định, Thu Lệ sẽ không khác gì một người bình thường, cũng
có thể có được một cuộc sống hạnh phúc như bao người khác. Nếu gặp được người con
trai yêu bạn thực sự, bạn nên nói thật bệnh tình của mình cho người ấy biết. Nếu
anh ta không chê bạn, chứng tỏ anh ta thực sự yêu bạn, sau này anh ta sẽ không đối
xử tệ với bạn và sẽ chăm sóc bạn tử tế. Còn nếu đối phương bỏ bạn chỉ vì bệnh tình
của bạn, vậy thì cứ để anh ta đi, để anh ta bỏ chạy trước còn hơn để đến sau này.
Nếu đã không giữ được người ta thì hà tất phải buồn phiền làm gì?
Muốn người khác chấp nhận bạn, đầu tiên bạn
phải thật bình tĩnh để tiếp nhận chính bản thân
mình đã!
Chương
36. Bài vở không phải là hổ báo
Tương Tương, nữ, 14 tuổi, học sinh cấp hai
Tôi là một nữ sinh cấp hai. Khi học cấp một, thành tích
học tập của tôi tương đối tốt. Bố mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên tôi. Sau
khi lên cấp hai, không biết tự lúc nào tôi bị học lệch; các môn như ngữ văn, ngoại
ngữ tôi thường đạt chín mươi điểm trở lên; thế nhưng các môn toán học, vật lí thì
chưa bao giờ vượt quá tám mươi điểm. Chính vì thế mà tổng điểm của tôi thường bị
kéo xuống. Tôi cảm thấy rất buồn. Thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở tôi là
không được học lệch như vậy. Cô giáo tôi nói: “Mặc dù em thi đại học khoa văn, nhưng
môn toán cũng được tính vào tổng điểm thi. Nếu như để một môn làm ảnh hưởng đến
thành tích chung thì quả thật rất đáng tiếc! Hơn nữa, năm sau em còn phải đối mặt
với kì thi hết cấp đấy!”. Mà ai cũng biết, thi hết cấp bao giờ cũng có môn toán,
còn có cả vật lí nữa. Nghĩ đến đây, tôi thấy đầu mình như muốn nổ tung ra.
Cô giáo còn nói, năm nay là năm học quan trọng của cấp
hai; có được lên cấp ba hay không còn phải chờ kết quả học tập của năm nay quyết
định. Tôi rất muốn học môn lí tốt hơn, thế nhưng, nói ra thật xấu hổ. Hằng ngày
cứ đến giờ ôn bài, chuẩn bị bài mới của môn lí là tôi lại mang môn văn ra học say
sưa. Lúc nào tôi cũng hoàn thành bài tập ngữ văn trước rồi mới ép bản thân hoàn
thành bài tập lí. Tôi thừa biết mình không nên làm vậy, nhưng lúc nào tôi học văn
có hứng thú hơn và bản thân tôi rất ghét môn lí. Nghe chị họ tôi nói, học đại học
khoa văn không phải học môn lí. Tôi nghĩ nếu có một ngày mình được lên đại học,
như vậy chẳng phải là đã được giải phóng khỏi môn lí rồi hay sao? Khi kiểm tra,
nếu là kiểm tra văn, tôi chẳng hề căng thẳng, vì tôi biết chắc mình sẽ đứng đầu
lớp. Ngược lại, nếu kiểm tra môn lí, trước ngày kiểm tra tôi không sao ngủ được,
chợp mắt được một lúc là lại như nằm mơ thấy ác mộng, mơ thấy bài thi của tôi bị
sai be bét. Cơn ác mộng đáng sợ khiến tôi tỉnh giấc rồi mà vẫn còn cảm thấy kinh
hãi.
Nhưng điều làm tôi cảm thấy bất an nhất vẫn là thái độ
của bố mẹ. Mỗi lần đi họp phụ huynh là bố mẹ tôi như bị “ép” phải đi vậy. Khi bố
mẹ về, tôi lại nghĩ rằng bố mẹ sẽ mắng cho tôi một trận (như thế tôi còn cảm thấy
dễ chịu hơn). Thế nhưng bố mẹ tôi chẳng nói gì cả, để tôi tự giày vò bản thân. Lúc
lên cấp hai, tôi thi không tốt, bố mẹ mắng tôi, thậm chí mẹ còn đánh tôi nữa. Lúc
đó tôi thấy rất ghét bố mẹ. Nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy bấy lâu nay bố mẹ đã
gửi gắm vào tôi rất nhiều hy vọng. Bây giờ bố mẹ không quản tôi như xưa nữa, cũng
không mắng mỏ tôi. Nhưng điều đó lại khiến cho tôi càng buồn bã hơn.
Bố mẹ ngày càng lạnh nhạt với tôi. Ngày trước mẹ thường
sắm hết đồ dùng học tập cần thiết cho tôi; nhưng bây giờ thì không; tôi nói với
mẹ rằng tôi thiếu com pa, mẹ sẽ đưa tiền cho tôi tự mua; tôi nói muốn có một chiếc
áo khoác gió vì các bạn khác trong lớp đều có, mẹ tôi lạnh lùng nói tại sao không
chịu ganh đua học tập với các bạn? Cứ như vậy, tôi muốn mua gì cũng không nói với
bố mẹ nữa; có lúc tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi tin rằng nếu
không phải vì chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà nước thì bố mẹ tôi đã sinh
một đứa con khác rồi, bởi vì họ đã hoàn toàn thất vọng về tôi. Có lẽ bây giờ bố
mẹ đang rất hối hận vì đã sinh ra một đứa con gái kém cỏi như tôi...
Mấy ngày hôm nay, bố mẹ đột nhiên thay đổi thái độ, quan
tâm đến tôi nhiều hơn, không còn lạnh nhạt như trước nữa. Thậm chí, bố còn mua cho
tôi một lọ nước xúc miệng, mỗi ngày mẹ tôi đều rót cho tôi một bát thuốc, nói rằng
để đề phòng bệnh cảm cúm. Bố mẹ luôn tươi cười với tôi. Tôi biết sự thay đổi thái
độ của bố mẹ có liên quan đến cuộc họp phụ huynh mấy ngày trước. Cô giáo tôi đã
tuyên bố còn nửa học kì nữa là tiến hành phân lớp, kết quả của các bài kiểm tra
sắp tới sẽ là tiêu chuẩn để phân loại học sinh. Sở dĩ bố mẹ tôi làm như vậy là vì
họ đang cố gửi gắm tia hy vọng cuối cùng vào tôi. Thế nhưng tôi chẳng có chút tin
tưởng nào vào bản thân. Tôi biết làm thế nào để không học lệch đây? Còn nữa, liệu
bố mẹ tôi có yêu thương tôi thật lòng hay không? Tôi biết phải làm gì để có thể
vượt qua nửa năm gian khổ này đây?
Cũng giống như khi mình
đang đi trên một con đường thông thoáng, chỉ một giây không chú ý là có thể đi nhầm
vào ngõ cụt. Đây có phải là cảm giác của Tương Tương đối với chuyện học hành vào
lúc này không? Phải làm sao đây? Nếu như cứ cắm đầu đi về phía trước, nhất định
sẽ đâm sầm vào vách đá; chi bằng hãy rẽ sang một lối khác, thậm chí là lùi lại vài
bước cũng được; biết đâu sẽ tìm thấy một ngã rẽ đi ra đường lớn.
Nếu như đã biết mình học lệch, vậy thì bạn
hãy nhanh chóng chấn chỉnh lại tình hình học tập của mình. Bạn hãy coi trọng những
môn học trước đây bạn đã bỏ quên, hãy coi những môn học khó nhằn đó như những người
bạn trước nay bạn hững hờ, giờ dành cho họ sự quan tâm và bù đắp đặc biệt, chắc
chắn họ sẽ không còn xa cách với bạn nữa. Đương nhiên, trong thời gian học bù kiến
thức, bạn cần phải có phương pháp học tập đúng đắn. Chương trình học tập trong giai
đoạn tiểu học và trung học có sự khác biệt tương đối lớn. Những học sinh thích nghi
nhanh sẽ có sự tiến bộ rõ rệt. Đối với những học sinh như Tương Tương, nguyên nhân
chủ yếu là do chưa tìm được phương pháp học tập đúng đắn. Nếu cần thiết, bạn có
thể mua thêm một số sách giới thiệu phương pháp học tập để tham khảo.
Bài vở trong giai đoạn cấp hai không phải
quá nhiều, những kiến thức mà bạn đã bỏ sót thực ra rất dễ để học bù lại, chính
vì thế Tương Tương không cần phải lo lắng quá. Tôi cho rằng, bố mẹ của Tương Tương
không giống như bạn nghĩ. Cũng giống như một giáo viên không nỡ trách mắng một học
sinh đang tự trách bản thân, bố mẹ khi nhìn thấy thái độ tự trách bản thân của con
cái cũng sẽ không nỡ buông lời trách móc nữa. Con cái lớn khôn rồi, đương nhiên
bố mẹ cũng không thể chăm sóc chu đáo, từng li từng tí như khi con còn nhỏ được.
Chính vì thế, những cảm giác của Tương Tương về thái độ của bố mẹ mình phần lớn
là do sự mất tự tin vào bản thân mà gây ra những áp lực về tâm lí.
Bây giờ, điều đầu tiên mà Tương Tương cần
làm là chỉnh đốn lại tâm lí của mình, lấy lại sự tự tin cho bản thân. Tiếp đó, bạn
cần điều chỉnh lại tình hình học tập của mình. Tôi tin rằng không bao lâu nữa, Tương
Tương sẽ lại có mặt trong danh sách các học sinh ưu tú của lớp!