Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 07 - 08
Chương 7. Phút lầm lỡ của thần đồng
Hoành Hoành, 16 tuổi, học sinh cấp hai
Ông nội tôi là một nhà khoa học được nhiều
người kính trọng. Bố mẹ tôi hồi còn trẻ đã tình nguyện về nông thôn sản xuất, mãi
đến năm ba mươi tuổi mới thi vào đại học. Bố mẹ tôi luôn tiếc nuối về thời thanh
xuân đã bị bỏ lỡ nên gửi gắm toàn bộ hy vọng vào tôi, mong tôi lớn lên có thể trở
thành một nhà khoa học kiệt xuất như ông nội. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã đem
chuyện ông nội từng học tập và nghiên cứu vất vả như thế nào kể cho tôi nghe, để
lại cho tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Khi tôi vừa mới biết nói, bố đã dạy
tôi đọc thơ. Trong một buổi diễn văn nghệ của làng, tôi, khi đó mới là một đứa bé
mới hai tuổi, đã được mẹ đưa lên sân khấu. Tôi đọc liền tù tì hơn chục bài thơ nổi
tiếng, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay như sấm dậy. Sau khi chương trình kết
thúc, các phóng viên còn thi nhau đến nhà phỏng vấn và chụp ảnh tôi. Mỗi khi mẹ
bế tôi ra ngoài là y như rằng lại có người kêu tôi đọc thơ cho họ nghe. Lúc đó tôi
cảm thấy rất thích đọc thơ, cũng rất thích nghe người lớn cười khi nghe tôi đọc.
Lớn hơn một chút, tài năng của tôi không chỉ dừng lại ở việc đọc thơ. Bố còn dạy
tôi một số phép toán cộng trừ đơn giản. Lúc đó tôi đã có thể tính toán tiền hàng
cho mấy bà bán rau ngoài chợ dù mới chỉ năm tuổi và chưa đi học. Vì thế chuyện tôi
có thể tính toán rất giỏi trở thành một tin sốt dẻo trong làng.
Mẹ dẫn tôi đến trường đăng kí học với mong
muốn tôi sớm thành tài. Thế nhưng trường học lúc đó không nhận với lí do tôi chưa
đủ tuổi. Mẹ liền yêu cầu các thầy cô đố tôi những bài toán lớp hai. Chẳng mấy chốc
tôi đã giải xong, và đương nhiên tôi đã trở thành một học sinh đặc biệt của nhà
trường, được ưu tiên lên thẳng lớp hai. Tôi học hết tiểu học rất thuận lợi, thậm
chí còn trở thành “con cưng” của thầy hiệu trưởng. Do tôi còn nhỏ tuổi mà thành
tích học tập lại rất xuất sắc nên các bạn ai cũng nhường nhịn tôi, làm cho tích
cách của tôi có phần kiêu ngạo và ích kỉ. Tuy nhiên lúc đó tôi hoàn toàn không ý
thức được điều này.
Lên lớp sáu, thành tích của tôi vẫn xuất
sắc như hồi học cấp một. Chính vì vậy mà tôi càng kiêu ngạo hơn. Thế nhưng lên lớp
bảy, tôi bỗng nhiên cảm thấy bài vở trở nên khó khăn hơn. Tôi không còn giành được
vị trí thứ nhất trong lớp nữa, rất nhiều bạn học dần dần vượt qua tôi. Lớp tôi học
là lớp chọn, học sinh đều là những học sinh xuất sắc. Chính vì vậy mà ở đây tôi
không được “đãi ngộ” đặc biệt như hồi còn học tiểu học nữa. Có vài lần, tôi chọc
giận các bạn học cùng lớp và họ đã vây quanh định đánh cho tôi một trận. Tôi vô
cùng sợ hãi vì từ trước đến nay chưa gặp phải tình cảnh này bao giờ. Tôi bứt rứt
trong lòng, không hiểu mình đã làm gì khiến người khác nổi giận. Thực ra không phải
tôi cố tình làm hại hay chọc giận ai, nhưng kết quả là lần nào tôi cũng bị các bạn
đánh cho một trận. Cuối năm lớp bảy, tôi đã trở thành một học sinh cá biệt trong
lớp. Cô giáo thường xuyên phê bình tôi lười lao động, vô tổ chức, vô kỉ luật...
Tôi vô cùng lo lắng, đến mức không biết mình phải làm thế nào nữa. Kết quả học tập
của tôi bắt đầu sa sút nghiêm trọng.
Nhưng bố mẹ hoàn toàn không quan tâm đến
nỗi khổ trong lòng tôi, họ chỉ nhìn vào bảng thành tích học tập mà phán xét. Tôi
đã làm cho họ rất thất vọng. Mặc dù không đánh mắng tôi nhưng bố mẹ lại bàn nhau
ngay trước mặt tôi rằng sẽ sinh cho tôi một đứa em. Nghe bố mẹ nói vậy tôi thấy
rất uất ức, cảm giác mình giống như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Năm đó, ông nội tôi qua
đời ở Bắc Kinh. Có thể nói đây là một cú sốc lớn đối với tôi. Mặc dù bình thường
hai ông cháu ít có cơ hội gặp mặt nhưng mỗi lần ông nội viết thư cho tôi, tôi lại
cảm thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Ông thường nhắc nhở tôi không nên mải học hành
mà để ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông còn nói, thanh niên phải thường xuyên ra ngoài
tìm hiểu thế giới xung quanh, không nên chỉ biết chúi đầu vào sách vở. Bố mẹ tôi
không bao giờ nói với tôi những điều này. Tôi đau khổ nhận ra rằng, mình chỉ là
một công cụ của bố mẹ. Khi tôi có thể làm bố mẹ nở mày nở mặt thì họ hết mực yêu
thương và chiều chuộng tôi. Khi tôi không thể làm như vậy được nữa thì cũng là lúc
họ chán ghét tôi.
Năm cuối cấp, bố mẹ và thầy cô giáo đều răn
đe rằng thi hết cấp là cái mốc quyết định cuộc đời của mỗi người. Bản thân tôi cũng
hiểu được điều này. Tôi ra sức học hành và cuối cùng tôi cũng lọt được vào tốp hai
mươi của lớp. Nhưng do lớp tôi là lớp chọn nên phải đến tám mươi phần trăm các bạn
học sinh đều thi tốt và đạt thành tích cao của trường, đương nhiên tôi cũng ở trong
số đó. Trường tôi là một trường điểm của thành phố, tỉ lệ học sinh đỗ đại học rất
cao. Vì thế tôi ước tính, ba năm nữa, để thi được vào một trường đại học không phải
là điều quá khó khăn với tôi. Thế nhưng bố mẹ lại muốn tôi có thể thi đậu vào trường
đại học mà ông nội tôi từng theo học. Có lẽ tôi sẽ làm bố mẹ thất vọng mất.
Năm tôi học lớp mười, trường tôi chọn ra
mười học sinh xuất sắc để đào tạo đặc biệt. Những học sinh này được học hết chương
trình cấp ba trước các học sinh khác một năm, sau đó sẽ trực tiếp đăng ký thi vào
lớp chuyên ngành khoa học. Tôi không lọt vào tốp mười người xuất sắc này. Vì chuyện
này mà mẹ tôi buồn rầu không nói năng gì. Thực ra đối với tôi, chuyện này chẳng
có gì là to tát, tôi thừa hiểu khả năng của mình có hạn, không thể lọt vào danh
sách những học sinh xuất sắc này được.
Một lần tình cờ, tôi vào một quán internet
gần trường. Tôi đã phát hiện ra rất nhiều trò điện tử thú vị. Thế nên sau đó tôi
thường xuyên lui tới quán internet. Mỗi lần đến tôi đều đi một mình, vì tôi không
có người bạn nào cùng sở thích với tôi. Tôi nhanh chóng kết bạn với một số người
tôi gặp trong quán, họ đều rất khâm phục “tài năng” chơi điện tử của tôi, ngay đến
ông chủ quán cũng không ngớt lời khen ngợi tôi, còn nói tôi là “nhân tài máy tính”.
Ông ta nói thật có lí. Chỉ cần ngồi vào máy tính là tôi cảm thấy vô cùng thích thú,
cầm con chuột trong tay và điều khiển thật linh hoạt... Tôi biết Bill Gates - một
thiên tài về máy tính thường xuyên trốn học khi còn nhỏ. Tôi rất muốn có thể đi
theo con đường của Bill Gates, nhưng tôi biết bố mẹ tôi sẽ không bao giờ cho phép.
Chẳng may bố mẹ phát hiện ra tôi thường đến đây chơi điện tử chắc sẽ đánh cho tôi
nhừ đòn.
Trong suốt thời gian đó, ngay cả trong giấc
mơ tôi cũng mong mình có một chiếc máy vi tính. Một hôm, nhân lúc bố đang vui, tôi
liền đưa ra nguyện vọng này. Đương nhiên tôi phải nói với bố là tôi muốn tìm hiểu
một số vấn đề về máy tính. Bố tôi hỏi ý kiến của mẹ. Thế rồi bố mẹ quyết định sau
khi tôi thi đỗ đại học sẽ mua cho tôi một chiếc máy vi tính. Lí do bố mẹ đưa ra
để không mua máy vi tính cho tôi lúc này là “thi đại học có thi về máy tính đâu”.
Tôi vô cùng thất vọng. Đầu óc tôi quay cuồng, và thế là tôi đã gây ra một chuyện
tày đình...
Hôm đó, tôi đến nhà cô ruột để tìm cậu em
họ đi chơi. Em họ tôi lúc đó đang ngồi làm bài tập ở trong phòng. Tôi muốn mượn
máy điện tử của nó chơi cho đỡ nhớ. Nhưng do mải học nên nó bảo tôi tự đi tìm mà
chơi. Tôi mở ngăn kéo lục tìm, bỗng nhiên tôi phát hiện ra một cái phong bì thư
dày cộp. Tôi đoán chắc rằng trong phong bì thư này có tiền. Lúc đó đầu óc tôi bị
mê muội, nghĩ bụng cầm chỗ tiền này đi chắc chắn mình sẽ mua được máy tính mang
về. Nghĩ đến đó, không biết thần xui quỷ khiến thế nào mà tôi đã nhét vội phong
bì tiền kia vào túi.
Tôi lo lắng đi thẳng về nhà. Tôi trốn ở trong
phòng, lén lút mở phong bì ra xem. Tôi đếm qua qua, thấy có tận ba nghìn hai trăm
nhân dân tệ. Tôi giật mình, một số tiền quá lớn đối với một thằng nhóc như tôi!
Nghĩ một hồi lâu, tôi bắt đầu cảm thấy hối hận. Bởi vì nếu muốn mua máy tính, nhất
định phải được sự đồng ý của bố mẹ tôi. Nếu tôi đột nhiên đem máy tính về, nhất
định họ sẽ hỏi cho bằng được tiền mua máy từ đâu mà có. Lúc đó tôi biết ăn nói làm
sao? Tôi vô cùng hoảng loạn, không biết phải làm thế nào? Liệu tôi có nên âm thầm
trả lại tiền về chỗ cũ? Nhưng tôi sợ chẳng may sự việc bị bại lộ, thế có khác nào
tôi đã chữa lợn lành thành lợn què? Hay là giấu chỗ tiền kia đi để tiêu dần dần?
Gần đây tôi thường xuyên ngồi quán internet nên lúc nào trong túi cũng hết tiền.
Tôi thật sự không biết phải làm thế nào nữa?
Hoành Hoành không biết rằng hành động của mình là vi phạm pháp luật.
Nếu nguời bị mất cắp báo lên công an thì Hoành Hoành ít nhất sẽ phải chịu mức án
ba năm tù. Tôi dám chắc rằng Hoành Hoành là một người thiếu hiểu biết về pháp luật.
Nếu như hiểu biết về pháp luật thì có lẽ cậu ấy đã không ăn cắp tiền. Thế nhưng,
đó không phải là lí do để biện minh.
Hoành Hoành nên lập tức trả lại tiền cho cô mình, đồng thời cũng nên
nói rõ nguyên nhân. Dù sao cũng là người trong gia đình, tôi nghĩ cô của Hoành Hoành
sẽ tha thứ cho hành vi sai trái này của cậu bé. Còn nếu muốn giấu chỗ tiền này đi
để tiêu dần, chẳng may chuyện vỡ lở ra, chắc chắn sẽ không có ai tha thứ cho Hoành
Hoành cả! Thậm chí nếu như cô của Hoành Hoành báo chuyện này lên cảnh sát, chắc
chắn cậu ấy sẽ trở thành một tội phạm, kết quả sẽ ra sao thì bản thân Hoành Hoành
có thể tự đoán ra được!
Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh, cần
phải quan tâm đến cả những suy nghĩ và tình cảm của con cái thay vì chỉ quan tâm
đến tình hình học tập của chúng mà thôi.
Chương 8. Nỗi ấm ức của Tiểu Hàn
Tiểu Hàn, nữ, 17 tuổi, sinh viên cao đẳng
Tôi là cô bé đang ở độ tuổi dậy thì. Cũng
giống như các bạn nữ khác, tôi thích mơ mộng, thích làm đẹp. Thế nhưng tôi không
có tiền để thỏa mãn việc làm đẹp. Tôi không biết bố mẹ đẻ của mình là ai, tôi lớn
lên nhờ bàn tay chăm sóc của bà ngoại. Trong mắt tôi, bà ngoại vừa là bà, vừa là
mẹ. Hai bà cháu tôi sống trong một căn nhà chật chội và tối tăm, cửa sổ rất nhỏ,
hơn nữa lại bị một ngôi nhà cao tầng khác che hết cả ánh sáng mặt trời. Mùa đông,
trong nhà lạnh cóng như ở trong nhà băng, mùa hè lại nóng như trong lồng hấp, mùa
mưa nước dột lênh láng khắp nhà. Tôi đã lớn lên trong một ngôi nhà như vậy đấy!
Khi còn nhỏ, tôi cũng luôn luôn sống vui vẻ. Tôi thường chơi đùa với mấy người bạn
trong xóm. Lúc đó, chẳng có ai để ý xem tôi mặc cái gì, tôi có xinh hay không. Bà
ngoại tôi thường dậy từ sáng sớm tinh sương. Hằng ngày bà đều phải làm tất cả việc
nhà, còn phải giặt chăn màn thuê cho người ta để kiếm chút tiền ít ỏi nuôi tôi khôn
lớn. Mặc dù nhà nghèo nhưng tình yêu thương của bà ngoại đã biến tôi thành một cô
bé vui tươi và hồn nhiên.
Đến tuổi đi học, bà cố gắng cho tôi đến trường
như bao bạn bè cùng trang lứa. Ở trường, tôi cũng chăm chỉ học tập, nhờ đó mà kết
quả của tôi trong lớp cũng không đến nỗi tồi. Cô giáo thường xuyên biểu dương tôi
trước lớp, cô lấy tôi làm gương cho các bạn học khác: “Các em nhìn xem, nhà bạn
ấy nghèo nhưng bạn ấy vẫn học giỏi!”. Mặc dù cô giáo không có ý khinh thường nhưng
tôi vẫn cảm thấy có đôi chút chạnh lòng. Cái mác “con nhà nghèo” như đã được dán
chặt lên người tôi vậy. Tôi bắt đầu nhận lời đến chơi nhà bạn bè và sững sờ trước
những căn phòng sáng sủa và đẹp đẽ. Những căn phòng đó tôi không bao giờ có thể
nhìn thấy trong xóm nghèo của mình. Tôi còn được ăn rất nhiều đồ ăn ngon nữa. Thực
ra đó chỉ là những món đồ ăn vặt bình thường của trẻ con, nhưng trước đó tôi vẫn
chưa từng được nếm thử. Tôi cảm thấy môi trường học tập ở trường tiểu học rất tốt,
từ thầy cô cho đến các bạn học sinh, không ai có tư tưởng khinh miệt người nghèo,
ngược lại, các bạn trong lớp đều rất khâm phục tôi vì tôi có thành tích xuất sắc
trong học tập (tôi cũng không biết là ngoài khả năng học tập ra, mình còn có khả
năng nào nữa không). Cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên giúp đỡ tôi về mặt kinh
tế, cho tôi mượn sách đọc, tặng tôi một vài bộ quần áo cũ... Lúc đó vì còn nhỏ tuổi
nên tôi không hề cảm thấy buồn rầu hay xấu hổ khi nhận quà từ mọi người xung quanh,
vả lại cũng không ai có ý khinh thường tôi (có lẽ đó mới là nguyên nhân chính).
Thế nhưng khi lên cấp ba, mọi thứ hoàn toàn
thay đổi. Trường cấp ba này không chỉ nhận học sinh từ trường cấp hai nơi tôi đã
học mà còn nhận cả những học sinh từ các trường khác. Lâu dần, tôi phát hiện ra
học sinh ở trường này thích ăn diện và thích nói chuyện về hàng hiệu. Mỗi lần như
vậy, tôi đều nhẹ nhàng tách ra khỏi đám đông. Thế nhưng họ vẫn nhìn chằm chằm vào
tôi mà cười nhạo. Họ nói tôi không biết làm đẹp, không biết ăn diện, quần áo chẳng
có phong cách gì cả... Tôi im lặng không nói gì, thà để chúng nghĩ rằng tôi không
biết cách ăn mặc, quần áo lỗi mốt... còn hơn là để chúng biết được hoàn cảnh nghèo
khó của mình. Bà ngoại tôi tuổi tác ngày càng cao, không còn đủ sức để đi giặt chăn
màn thuê cho người khác mà phải đi nhặt rác để tích cóp từng đồng.
Tôi vẫn vùi đầu vào sách vở như lúc còn học
cấp một. ở trên lớp, tôi không muốn lãng phí dù chỉ một giây một phút nào, tôi làm
bài tập ngay khi tan học. Có như vậy khi về nhà tôi mới có thể giúp đỡ bà những
chuyện lặt vặt. Cũng may là ở lớp tôi các thầy cô giáo vẫn luôn coi trọng kết quả
học tập của học sinh. Kết quả học tập của tôi luôn đứng đầu lớp nên các thầy cô
ai nấy đều rất hài lòng. Sau khi tốt nghiệp, tôi không chút do dự, đăng kí thi vào
trường cao đẳng sư phạm. Các thầy cô giáo đều tiếc cho tôi, ai cũng mong tôi sẽ
thi đại học. Nhưng tôi biết mình không có duyên với đại học, tôi muốn có thể nhanh
chóng đi làm. Hơn nữa, trường sư phạm thường không thu tiền học phí, sau này lại
được phân công công tác.
Nói thì vậy, nhưng nếu tôi đi học sẽ lại
tăng thêm gánh nặng chi tiêu cho bà ngoại. Tôi cố gắng tìm vài mối dạy thêm nhằm
kiếm chút tiền đỡ đần cho bà, nhưng điều này quả thật không đơn giản. Tôi đành phải
thắt lưng buộc bụng, cố gắng tiết kiệm tối đa mọi khoản chi tiêu cá nhân. Nào ngờ
điều này lại gây chướng mắt cho những bạn học cùng lớp với tôi. Họ thậm chí còn
ăn diện và chải chuốt hơn nhiều so với những người bạn thuở cấp ba của tôi. Họ đứng
cả ngày trước gương để ngắm nghía, thậm chí còn nhịn ăn để mua quần áo, mỹ phẩm.
Tôi phải thừa nhận rằng cuộc sống của sinh viên phong phú và thú vị hơn nhiều, nhưng
tất cả những sự hào nhoáng này đều không thuộc về thế giới của tôi. Có một lần,
lớp tôi tập hát để biểu diễn mừng ngày Quốc khánh. Cô giáo nói đội ngũ của lớp không
đồng đều nên sẽ bỏ bớt hai, ba người. Và người đầu tiên bị loại khỏi đội hình là
tôi. Hôm đó, tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Trở về kí túc, tôi soi mình trong gương:
bộ quần áo lỗi mốt, làn da khô ráp, tóc tai rối bời... Tôi cảm thấy có đôi chút
ấm ức, nếu như tôi có tiền, tôi sẽ mua được quần áo đẹp, kem dưỡng da cao cấp, đồ
trang sức đắt tiền, và tôi cũng sẽ trở nên xinh đẹp như bao nhiêu cô gái khác.
Học kì đầu tiên kết thúc, tôi giành được
năm mươi tệ tiền học bổng. Tôi vô cùng phấn khởi, vội vàng mang tiền về đưa cho
bà ngoại, nhưng bà bảo tôi hãy cầm tiền và đi mua một chiếc váy liền. Bà nói bà
biết từ lâu tôi đã thích có một chiếc váy như vậy. Bà ngoại là người hiểu tôi nhất,
đúng là từ lâu rồi tôi đã thích có một chiếc váy liền, đến nằm mơ tôi cũng thấy
mình được mặc một chiếc váy màu xanh có viền cổ màu trắng tinh khiết. Nhưng nhìn
dáng bà vất vả giặt quần áo thuê kiếm tiền, trong lòng tôi vô cùng xót xa, không
biết bà phải giặt cho người ta bao nhiêu quần áo mới có thể kiếm được năm mươi tệ
này. Cuối cùng, tôi quyết định đưa tiền cho bà ngoại.
Rồi học kì hai cũng tới, tôi vui vẻ quay
lại trường học. Nhưng không lâu sau, phòng của tôi xảy ra mất cắp. Hôm đó tôi trở
về phòng sau giờ học và chuẩn bị đến nhà ăn mua cơm. Bỗng nhiên có người la lên
rằng mình bị mất tiền. Thế là tất cả mọi người trong phòng liền giở ví tiền hoặc
mở ngăn kéo của mình ra kiểm tra. Tất cả mọi người trong phòng đều bị mất tiền,
chỉ riêng tôi là không. Mọi người nhìn chăm chăm vào tôi đầy dò xét, nghi ngờ. Tôi
hốt hoảng thanh minh: “Không phải tớ, tớ không lấy trộm tiền của mọi người...”.
Có người cười nhạt và mỉa mai: “Hứ! Không biết kẻ nghèo hèn nào lại đi ăn cắp từng
hào, từng hào của người khác...”. Tôi chặn người đó lại và nói: “Bạn nói cho rõ
ràng, ai là kẻ nghèo hèn!”.
May mà có người chạy đến can ngăn hai chúng
tôi kịp thời. Lần đầu tiên tôi có cảm giác mình bị xúc phạm nặng nề. Tất cả bọn
họ đều nghi ngờ tôi, tôi thật sự không thể chịu đựng nổi cái cảm giác này. Hôm đó,
tôi không còn tâm trí nào mà ăn cơm nữa. Tôi ngồi thẫn thờ nghĩ ngợi: Không biết
ai đã lấy trộm tiền của mọi người? Tại sao chỉ có mình tôi không bị mất tiền? Tại
tôi quá nghèo chăng? Tôi nghĩ mãi mà không ra. Đầu óc tôi quay cuồng, tôi chửi thầm
trong bụng tên trộm đáng ghét đã làm tôi bị mang tiếng oan. Tôi cũng giận cả những
người bạn cùng phòng, tại sao họ lại có thể nghi ngờ tôi ăn cắp cơ chứ?
Không ai thèm để ý đến tôi. Tôi cũng chẳng
thèm để ý đến điều đó nữa. Tôi chưa từng nghĩ rằng: cái nghèo lại có thể gây cho
tôi những tổn thương lớn về danh dự như vậy...
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự trong sạch của Tiểu Hàn, tôi cũng hiểu
được sự ấm ức trong lòng bạn. Chỉ có điều tôi không tán thành việc bạn chỉ biết
trách móc người khác. Nghèo không có gì đáng xấu hổ. Tiểu Hàn nên tự hào vì sự cần
cù và hiểu biết của mình. Trước tiên, bạn nên vượt qua sự tự ti trong lòng, như
vậy mới không bị gục ngã trước những đả kích của bạn bè. Chỉ khi nào bạn thật sự
bình tĩnh, bạn mới có thể làm theo sự mách bảo của lí trí, nhờ đó mới có được cách
giải quyết thích đáng mọi chuyện, xoay chuyển tình huống theo hướng có lợi cho bản
thân. Nói đến đây, tôi cũng muốn nhắc nhở bạn rằng, bạn đã phân tích kĩ càng việc
mất cắp lần này chưa? Liệu rằng có ai ăn cắp rồi cố tình bày trò để chuyển sự nghi
ngờ của mọi người sang bạn hay không? Biết đâu được kẻ cắp lại chính là một trong
số những người kêu bị mất tiền? Đương nhiên đây chỉ là những suy đoán của tôi mà
thôi. Tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn rằng, mỗi khi gặp chuyện không hay, bạn nên bình
tĩnh và hãy dùng cái đầu để suy nghĩ!