Sự Hiền Hòa Của Sói - Phần 03

Những tia nắng đầu tiên trong ngày chiếu rọi xuống ba người cưỡi ngựa từ hướng tây đến. Họ đã đi trong nhiều tiếng đồng hồ, và cảm thấy dễ chịu với ánh nắng, nhất là đối với người đi sau cùng. Donald Moody thấy ánh sáng nhá nhem khiến cho đôi mắt kém của mình mệt nhọc thêm; dù cho đã cố ấn gọng kính sát vào sống mũi, anh vẫn thấy thế giới đơn sắc chứa đầy những hình thù mờ mịt, xa xăm và huyền ảo. Tay anh đều tê cứng và buốt lạnh cho dù anh đang mặc những lớp len và áo choàng da lót lông thú bên trong. Donald hít thở không khí thoáng đãng, ngọt ngào; khác hẳn với không khí ở Glasgow, vốn vào mùa này trong năm xám xịt và lạnh căm. Không khí trong lành đến nỗi ánh mặt trời trông như chiếu lan xa hơn; khi mặt trời vừa ló dạng khỏi đường chân trời, cái bóng của ba người luôn bám theo họ.

Con ngựa của Donald chạy vấp váp sát với người chạy trước, chúc mũi vào hai chân sau con ngựa trước, bị cái đuôi quất trúng.

Người chạy trước kêu lên: “Chết tiệt, Moody.” Con ngựa của Donald tiếp tục hoặc rơi về phía sau hoặc húc vào mông ngựa của Mackinley.

“Xin lỗi ông.” Donald kéo giật dây cương và con ngựa dỏng hai vành tai lên. Con thú đã được mua từ một người Pháp và có vẻ như nó được di truyền thiên kiến chống người Anh.

Con ngựa của Mackinley rất ngoan hiền, giống như con ngựa chạy trước nó. Nhưng Donald luôn bị nhắc nhở vì tính non nớt - anh chỉ mới sống ở Canada được hơn một năm và vẫn chưa thấm nhuần nghi thức phải phép của Công ty. Chưa ai từng cảnh báo trước cho anh, vì họ thích nhìn anh lếch thếch theo sau, sa vào các vũng lầy và làm cư dân địa phương phiền hà. Không phải hai người kia có ác ý, nhưng rõ ràng đó là cách thức ở đây: người tay mơ nhất phải cố học việc bằng cách làm trò cười cho người khác. Phần lớn nhân viên của Công ty có học thức, lòng can đảm và tinh thần phiêu lưu, thấy cuộc sống mình ở một đất nước bao la có phần nhàm chán. Có những hiểm nguy (như người ta vẫn thường quảng bá), nhưng đó là mối hiểm nguy do thời tiết giá lạnh chứ không phải như là chiến đấu tay không với thú dữ hoặc với người bản địa thù địch. Cuộc sống hàng ngày của họ chỉ là sự chịu đựng vặt vãnh - chịu đựng cái lạnh, đêm tối, sự đơn điệu, và thói uống các loại rượu xấu. Từ lúc đầu, Donald đã nhận ra rằng gia nhập Công ty giống như là bị đưa vào trại khổ sai, chỉ có điều là thêm công việc giấy tờ.

Người cưỡi ngựa chạy trước, Mackinley, là quản trị viên ở Pháo đài Edgar, và dẫn đầu là một nhân viên người bản địa, Jacob, luôn muốn tháp tùng Donald đi khắp nơi mặc cho anh này cảm thấy ngượng nghịu. Donald không quan tâm lắm đối với Mackinley, người thích mỉa mai và lừa phỉnh - phương pháp hai gọng kềm để phát hiện sự phê phán mà ông luôn nghi ngờ mọi phía. Anh đoán rằng Mackinley hay cáu bẳn như thế bởi vì ông cảm thấy tự ti về địa vị xã hội so với thuộc hạ của mình, kể cả Donald, và thường cảnh giác để nhận ra dấu hiệu thiếu tôn trọng. Donald biết rằng nếu Mackinley không quan tâm đến những chuyện ấy thì ông ta được tôn trọng hơn, nhưng bây giờ ông khó mà thay đổi tính nết. Về phần Donald, anh nhận ra rằng Mackinley và mấy người khác xem mình chỉ là một kế toán viên, tuy hữu dụng nhưng không phải là mẫu người thích phiêu lưu trong vùng hoang dã theo cách sống xưa kia.

Khi lên tàu ra đi từ Glasgow đến nơi định cư, anh muốn được tự chủ, và để mặc ai nghĩ về mình thế nào cũng được. Nhưng thật ra anh đã cố tìm cách cải thiện hình ảnh của mình trong con mắt của họ. Anh cố chịu đựng loại rượu nấu theo cách thô lậu mà người ta uống hàng ngày, tuy rằng anh không ưa thích gì cả. Khi mới đến, anh lịch sự nhấp ít rượu rum mà người ta chắt ra từ các vại hôi hám, thầm nghĩ mình chưa bao giờ nếm loại rượu nào có hương vị kinh tởm đến thế. Mấy nhân viên khác để ý thấy anh muốn kiêng khem, nên họ để mặc anh một mình rồi cùng nhau vừa chén tạc chén thù vừa bù khú với những câu chuyện lê thê, chán ngắt và cùng đùa cợt với những chuyện vui cười được kể đi kể lại. Donald cố chịu đựng tình trạng này trong một thời gian, rồi đến lúc cảm thấy cô đơn đến mức anh không còn chịu nổi nữa. Lần đầu tiên anh bị say xỉn một cách sống động, đám thanh niên hoan hô, vỗ lưng anh khi anh nôn mửa trên hai đầu gối. Qua nạn buồn nôn và nơi chốn ẩm ướt hôi hám, Donald tìm thấy một không khí ấm tình: anh là một thành viên - cuối cùng họ đã chấp nhận anh là người trong đám họ. Nhưng, tuy loại rượu rum đối với anh không còn có hương vị tồi tệ nữa, anh có cảm tưởng những người khác đối xử với anh trong vẻ chịu đựng thích thú. Anh vẫn còn là một kế toán viên cấp thấp.

Một ý tưởng thông minh khác mà anh muốn tự chứng tỏ là tổ chức một trận bóng bầu dục. Nói chung thì đây là một thảm họa, nhưng từ đó lóe lên một tia hy vọng giúp anh ngồi vững vàng hơn trên yên ngựa.

Pháo đài Edgar là một trong những trạm mậu dịch có tính văn minh trong số phần lớn các trạm của Công ty. Nó nằm ven bờ Ngũ Đại Hồ, gồm một số tòa nhà xây bằng gỗ phía sau một vách đá dốc đứng - tất cả được che chắn cách biệt với quang cảnh của những hòn đảo và một vịnh phía sau một vòng đai cây vân sam. Nhưng sắc thái làm cho Pháo đài Edgar có tính văn minh là các khu định cư nằm kề cận bên nhau, khu gần nhất là Caulfield bên bờ Sông Dove. Cư dân Caulfield cảm thấy hạnh phúc được sống gần trạm mậu dịch có nhiều hàng hóa nhập từ Anh quốc và có nhiều nhân viên Công ty khỏe mạnh. Các thương nhân cũng cảm thấy vui khi làm việc gần Caulfield có nhiều phụ nữ da trắng nói tiếng Anh vốn thỉnh thoảng có thể làm đẹp cho những buổi khiêu vũ và những quan hệ xã hội khác - như các trận đấu bóng bầu dục.

Vào buổi sáng của trận đấu, Donald thấy mình trở nên bồn chồn. Các chàng trai thì đầu óc bần thần, mắt lờ đờ sau một chầu nhậu nhẹt, còn Donald cảm thấy bất an khi thấy một nhóm khách mời đi đến. Anh càng bất an hơn khi gặp gỡ họ - một ông có nét mặt nghiêm khắc như là cha cố thích giảng đạo, cùng hai cô con gái của ông phấn khích vì được các anh trai trẻ độc thân vây quanh.

Hai cô con gái nhà Knox ngắm nhìn các diễn tiến một cách lịch sự, hoàn toàn thấy lạ lẫm. Người cha tìm cách giải thích cho hai con luật chơi theo cách ông hiểu khi đi đến Pháo đài Edgar, nhưng sự hiểu biết thô thiển của ông chỉ khiến cho hai cô con gái hoang mang thêm. Các cầu thủ chạy lòng vòng trên sân bóng theo từng đám lộn xộn; quả bóng (một khối nặng nề do bà vợ một công nhân tải hàng khâu vá tạo thành) thì chìm lấp mà không ai theo dõi được.

Khi trận đấu tiếp diễn, tinh thần càng u tối thêm. Có vẻ như đội của Donald đã toa rập với nhau để cách ly anh khỏi cuộc chơi, luôn phớt lờ lời anh kêu gọi chuyền bóng cho mình. Donald chạy lên chạy xuống, hy vọng các cô gái không nghĩ mình là kẻ dư thừa, khi quả bóng lăn về phía anh, từng lọn lông thú trong quả bóng rơi ra lả tả. Anh nhặt quả bóng chạy lên tìm cơ hội ghi bàn, nhất quyết đặt dấu ấn cho mình, nhưng rồi thấy mình nằm trên mặt sân, mệt đứt hơi. Jacob đoạt lấy quả bóng và chạy đi. Donald đuổi theo, nhất quyết không muốn bỏ lỡ cơ hội. Anh phóng mình đến Jacob trong động thái tranh cướp quyết liệt nhưng hợp lệ. Một cầu thủ to lớn nhặt lấy quả bóng và ghi bàn.

Vẫn nằm trên mặt sân, từ cổ họng Donald thốt lên tiếng hoan hô chiến thắng. Anh nhấc lên hai bàn tay ấm và sẫm màu từ bụng mình, và Jacob đứng phía trên anh với một con dao trên tay, thần sắc anh này chầm chậm chuyển thành vẻ kinh dị.

Cuối cùng, khán giả nhận ra có chuyện không hay. Các cầu thủ tụ tập chung quanh Donald trong khi anh tỏ vẻ bối rối. Anh thấy vị quan tòa cúi xuống nhìn mình với vẻ lo lắng.

“... chỉ bị thương tí xíu. Tai nạn... trong lúc tranh bóng...”

Jacob lộ vẻ khổ sở, nước mắt lăn dài trên má. Knox xem xét vết thương: “Maria, đưa cho cha khăn choàng.”

Maria, cô gái xấu hơn trong hai chị em, xé ra tấm khăn choàng, nhưng Donald nhìn chăm chăm khuôn mặt Susannah đang cúi xuống khi tấm khăn choàng được quấn quanh vết thương.

Anh bắt đầu có cảm giác đau nhức trong bụng, và nhận biết thân người mình trở lạnh. Trận đấu bị quên lãng, các cầu thủ đứng tụ tập một cách ngượng nghịu, hút dọc tẩu. Nhưng Donald bắt gặp ánh mắt của Susannah bày tỏ mối quan ngại, và thấy rằng mình không còn màng đến kết quả trận đấu, hoặc liệu mình đã tỏ lộ tính chất thô lỗ hay dũng mãnh, hoặc thậm chí cũng không màng máu anh đã thấm qua chiếc áo choàng và đang sậm màu. Anh đã biết yêu.

Vết thương mang đến hệ quả kỳ lạ là làm cho Jacob trở thành người bạn sinh tử của anh. Một ngày sau trận đấu, Jacob đi đến bên giường của Donald, rơi nước mắt tỏ ý ăn năn sâu sắc. Vì uống rượu nên anh này mới làm thế; anh đã bị ma ám, và sẽ chuộc lỗi đối với vết thương bằng cách chăm sóc cho Donald ngày nào mà anh chưa phải đi công tác xa. Donald cảm động, và khi anh mỉm cười với vẻ tha thứ và chìa bàn tay ra, Jacob mỉm cười lại với anh. Có lẽ đó là nụ cười của tình bạn thật sự mà anh nhận được ở xứ sở này.

Donald bước loạng choạng khi rời lưng ngựa và cố giúp máu lưu thông điều hòa trong tay chân. Anh bất đắc dĩ có ấn tượng với ngôi nhà rộng và thanh lịch nơi họ vừa đến; đặc biệt nghĩ về Susannah, và nghĩ ngôi nhà còn khiến cho cô xa cách với anh đến đâu.

Nhưng Knox bước ra và nở nụ cười nồng hậu, rồi nhìn Jacob với vẻ lo lắng không cần che giấu, ông hỏi: “Người hướng đạo[7] của các anh đây hở?”

[7] Người hướng đạo: người Da Đỏ có năng khiếu đặc biệt định hướng đường đi trong rừng, theo dấu chân người và thú... nên thường được người da trắng thuê đi dẫn đường. Câu hỏi ở đây có ý khinh rẻ, vì Knox thấy Jacob là người Da Đỏ nên cho rằng anh này không có tài năng đặc biệt gì khác.

“Đây là Jacob,” Donald đáp, cảm thấy đôi má nóng bừng, nhưng Jacob không có vẻ bị xúc phạm.

Mackinley cáu bẳn nói thêm: “Bạn tốt của Moody.”

Vị quan tòa cảm thấy khó hiểu, vì ông hầu như chắc chắn rằng lần trước mình thấy anh chàng là lúc chàng ta đâm con dao vào bụng Donald. Ông nghĩ mình đã nhìn lầm.

Knox kể cho họ những gì ông biết và Donald ghi chép lại. Không cần mất thời giờ nhiều đã ghi xong các sự kiện nắm bắt được. Họ ngầm hiểu rằng không có hy vọng tìm ra hung thủ trừ khi có người trông thấy chuyện gì đó, nhưng trong một cộng đồng như thế này thì người ta luôn nói có người nọ trông thấy chuyện kia; ngồi lê đôi mách luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các cộng đồng nhỏ.

Khi họ đứng dậy để chuẩn bị đi xem hiện trường, Donald xếp những tờ giấy mới phía trên các trang ghi chú của mình và vuốt cho thẳng thắn bằng một cái kẹp. Anh không mong chờ tham gia việc này và hy vọng mình không mất thể diện nếu bị chứng buồn nôn hoặc là - anh dằn vặt với chính mình khi tưởng tượng ra tình huống xấu nhất - nếu anh bật khóc thì sao? Anh chưa từng trông thấy một thi hài, ngay cả thi hài ông nội của mình. Anh tưởng tượng với nỗi kinh dị pha cảm giác thích thú sự trêu chọc mà mình sẽ phải chịu đựng, tuy rằng chuyện này khó xảy ra. Anh sẽ không bao giờ quên được; anh sẽ trở về Glasgow mai danh ẩn tích, có lẽ sẽ sống với một tên khác...

Trong tâm trạng chộn rộn như thế, chuyến đi đến ngôi nhà gỗ diễn ra chớp nhoáng.

***

Thomas Sturrock có ý nghĩ là tin tức lan truyền nhanh chóng trong mấy ngày này. Ngay cả khi không có đường xe, đường tàu hỏa, tin tức hoặc lời đồn đại mù mờ kháo nhau giữa các anh chị em, tin tức đều lan truyền như tia chớp qua những quãng đường dài. Đó là một hiện tượng lạ lùng, và người ta có thể được lợi nếu để ý đến một đầu óc cần mẫn như đầu óc của ông. Có lẽ là một bản thảo ngắn chăng? Tờ Globe hoặc tờ Star có thể quan tâm đến tin tức có nội dung hay như thế.

Trong mấy năm gần đây, ông đã cho phép nghĩ rằng mình đã trở nên dễ thương theo tuổi tác. Tóc ông đã bạc, được chải ngược từ một vầng trán cao và vòng quanh hai vành tai. Áo choàng của ông thuộc kiểu cổ xưa nhưng được may cắt chỉnh tề và trông khá ngông nghênh, có màu lam đậm tương hợp với đôi mắt vốn vẫn chưa nhòe mờ hơn so với ba mươi năm trước. Quần ông trông thẳng nếp. Khuôn mặt sắc nét như chim ưng, được bào mòn một cách dễ chịu nhờ nếp sống dã ngoại. Có một tấm gương soi mang những đốm lỗ chỗ và mờ mờ treo trên bức tường đối diện, và nó nhắc cho ông rằng, ngay cả trong những tình huống căng thẳng này, ông là hình ảnh hiếm hoi của một người đàn ông. Tính phù hoa bí mật này, mà ông tự ban cho mình một cách hiếm hoi như là một niềm vui nho nhỏ (và quan trọng hơn, không mất tiền), khiến cho ông mỉm cười với mình. Trong khi nhấm nháp cà phê lạnh, ông thầm nói với bóng hình mình trong tấm gương: “Mi chắc chắn là một ông già kỳ quặc.”

Thomas Sturrock được giao cho công việc thường ngày là ngồi trong một quán cà phê hơi tồi tàn (quán này có tên Rising Sun - Mặt trời Mọc), uống một ly cà phê mất cả một hoặc hai giờ đồng hồ. Ông nhận ra rằng mình đã tỏ ra trầm ngâm vì tin tức và lời đồn đại từ một nơi nào đó, sau khi đã nghe được cuộc trò chuyện sau lưng mình. Không phải là nghe lén - ông không bao giờ hạ mình làm việc này - nhưng có cái gì đó khiến cho luồng tư tưởng lan man của ông phải chú ý, và bây giờ ông cố tìm hiểu xem chuyện gì đã lôi cuốn mình... Đúng rồi, Caulfield, có người nào đó nhắc đến Caulfield. Vốn có đầu óc và quần áo vẫn sắc nét như bao giờ, Sturrock quen biết với một người ở đó, dù trong một thời gian ông không gặp lại.

“Họ bảo chưa từng thấy chuyện nào như vậy. Máu đẫm cả người, vương vãi trên tường và mọi thứ... hẳn là do bọn cướp bóc Da Đỏ...”

(À, không trách bất kỳ ai được đã lắng nghe cuộc trò chuyện như thế.)

“Để cho thối rữa trong ngôi nhà… qua nhiều ngày. Ruồi nhặng bò chung quanh dầy đặc. Hãy tưởng tượng mùi hôi thối ra sao.”

Người kia tỏ ý đồng tình.

“Không có động cơ nào cả, không món gì bị lấy đi. Bị giết trong giấc ngủ.”

“Mẹ kiếp, tình hình đang trở nên tệ hại như ở Mỹ. Chiến tranh và cách mạng xảy ra cứ mỗi năm phút.”

“Hẳn có thể là kẻ đào ngũ ấy, phải không?”

“Mấy nhà buôn sinh lôi thôi, đối phó với mọi chuyện... Hẳn là người nước ngoài, ta không bao giờ biết được...”

“Chúng ta sẽ ra sao đây...”

Vân vân. Vân vân.

Đến lúc này, Sturrock càng chú ý thêm. Sau khi nghĩ ngợi lan man thêm ít phút, ông không nhịn được nữa.

“Xin lỗi, hai ông...”

Có những ánh mắt mà ông muốn làm ngơ khi ông quay qua hai người đàn ông: xét theo loại quần áo rẻ tiền nhưng phô trương và thái độ hạ cấp thì họ hẳn là mấy con buôn hay đi đây đó.

“Tôi thật tình xin lỗi. Tôi biết chen vào câu chuyện của người khác là sự quấy rầy tệ hại, nhưng tôi có mối quan tâm cá nhân đến chuyện hai ông vừa bàn. Hai ông biết chứ, tôi có quan hệ làm ăn với một nhà buôn sống gần Caulfield, và tôi chẳng đặng đừng chú ý đến chuyện các ông mô tả - rất sống động - một vụ việc đặc biệt gây sốc và thê thảm. Hiển nhiên là tôi chẳng đặng đừng có mối quan ngại đối với câu chuyện, và tôi chỉ mong rằng nó không liên quan đến người tôi quen...”

Cả hai người đi buôn đều không giỏi đối ứng nên cảm thấy bất ngờ với lời lẽ hùng biện như thế, vốn ít khi thốt ra giữa bốn bức tường của quán Rising Sun. Người kể chuyện định thần trước, nhìn xuống khuy măng sét của Sturrock đang lủng lẳng phía sau ghế ngồi. Sturrock lập tức hiểu ra ý nghĩa của tia nhìn, cộng với cái đầu nghiêng xuống, một thoáng suy nghĩ, rồi nhìn lên khuôn mặt của mình.

Người kia vừa tính toán lợi lộc về tài chính từ việc bán thông tin - không lớn lắm, xét qua loại khuy măng sét, cho dù ngữ âm Mỹ miền Đông cho thấy có triển vọng nào đó. Anh ta thở dài, nhưng vẫn không giấu vẻ vui mừng tự nhiên khi loan tin xấu: “Gần Caulfield hả?”

“Vâng. Tôi nghĩ anh ấy sống trong một trang trại nhỏ hay đại loại như vậy, địa danh được gọi là Sông... tên con chim hoặc con thú, dường như là thế.”

“Sông Dove.”

“Vâng, đúng rồi. Sông Dove.”

Người đàn ông liếc qua bạn đồng hành của mình: “Nhà buôn đó, có phải là người Pháp không?”

Sturrock cảm thấy lạnh xương sống. Hai người nhận ra điều này trên khuôn mặt ông. Không cần thiết phải nói gì thêm.

“Một nhà buôn người Pháp ở Sông Dove bị sát hại. Tôi không rõ có nhà buôn người Pháp nào khác hay không.”

“Tôi nghĩ không có. Ông có... tình cờ nghe qua cái tên nào không?”

“Nhất thời tôi không nhớ ra - chỉ nhớ đó là tên Pháp.”

“Người tôi quen có tên Laurent Jammet.”

Đôi mắt người đàn ông lộ vẻ vui mừng: “Tôi lấy làm buồn thật sự là vậy, vì tôi nghĩ đó là cái tên người ta nhắc tới.”

Sturrock rơi vào cơn im lặng bất thường. Trong cuộc đời dài, ông đã đối phó với nhiều cơn sốc, và đầu óc ông đã nghĩ đến tác động của tin tức này. Hiển nhiên là thê thảm đối với Jammet. Ít nhất là đáng lo đối với anh ta. Bởi vì có một vụ làm ăn còn dang dở ở đó mà ông muốn tiến hành, chỉ chờ khi có đủ điều kiện tài chính. Bây giờ Jammet đã chết, phải tiến hành càng sớm càng tốt, nếu không cơ hội sẽ vĩnh viễn qua đi.

Hẳn ông đã lộ vẻ thật sự bị sốc nặng, bởi vì một lúc sau, khi nhìn xuống ông thấy một cốc cà phê và một ly rượu bourbon đã được đặt trên mặt bàn. Hai người đi buôn đang nhìn ông với vẻ quan tâm thật sự - một tin tức về chuyện bạo lực đã là đáng phấn khích, nhưng đằng này lại chạm trán một người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm kịch - còn gì hay hơn nữa? Tin tức này có giá trị vài bữa ăn tối.

Sturrock run rẩy đưa tay cầm ly rượu.

Một trong hai người nhận xét: “Ông có vẻ như người đưa ma.”

Nhận ra mình cần phải làm gì, Sturrock ngập ngừng kể lại câu chuyện buồn về một món quà đã hứa cho người vợ đang bệnh, và một món nợ chưa trả xong. Thật ra ông không lập gia đình, nhưng có vẻ như hai người lữ hành không màng đến. Đến một lúc, ông dựa vào thành bàn, đôi mắt dõi theo một đĩa thịt hầm đang được đưa ngang qua, và hai phút sau một bữa tối với thịt nướng được dọn lên trước mặt. Ông thật sự nghĩ (không phải là lần thứ nhất) mình đánh mất năng khiếu cố hữu - đáng lẽ ông phải là nhà văn viết tiểu thuyết lãng mạn, vì đã dễ dàng dựng lên câu chuyện về một người vợ đang bị ho hen. Khi cuối cùng ông nghĩ mình đã trọng thưởng cho họ (không ai có thể kết án ông không hào phóng với trí tưởng tượng), ông bắt tay với họ và rời khỏi quán cà phê.

Trời đã về chiều và ngày đang trốn chạy ở chân trời phía tây. Ông chầm chậm bước về phòng trọ, đầu óc bận rộn về việc làm thế nào tìm ra số tiền để đi Caulfield, vì đấy là việc cần làm để nuôi dưỡng giấc mơ của ông.

Có lẽ còn có một người ở Toronto vẫn còn kiên nhẫn đối với ông, và nếu ông tiếp xúc với bà đúng cách, bà có thể cho ông vay khoảng hai mươi đô. Vì vậy, đến cuối đường ông rẽ về hướng khu vực trong lành dọc bờ hồ.

***

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3