Sự Hiền Hòa Của Sói - Phần 01
Mất tích
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Lần cuối cùng tôi gặp Laurent Jammet là khi
anh đứng trong cửa hàng của Ông Scott với xác một con chó sói vắt ngang vai.
Tôi đang tìm mua ít kim may, còn anh ấy đến để thu tiền thưởng. Scott đòi phải
có nguyên cái xác con thú, vì đã có lần bị một người Mỹ lừa bịp bằng cách mang
đến cặp vành tai rồi nhận tiền thưởng, sau đấy mang đến bộ vuốt để nhận thêm
một đô la, rồi cuối cùng là cái đuôi. Lúc ấy là vào mùa đông nên những phần cơ
thể con thú còn tươi, nhưng nhiều người đã biết đến mánh khóe này, thế nên
Scott tỏ ra ghét cay ghét đắng. Vì vậy khi tôi bước vào cửa hàng thì vật đầu
tiên tôi thấy là cái đầu con chó sói. Lưỡi con thú thè ra, cửa miệng bị kéo lại
trong bộ dạng như là nhăn nhó. Dù đã cố trấn tĩnh, tôi vẫn cảm thấy chùn bước.
Scott lớn tiếng la lên, còn Jammet thì ríu rít xin lỗi. Khó mà giận dữ với
Jammet, vốn là con người dễ mến lại thêm thương tật phải đi khập khiễng. Rồi
cái xác con chó sói được đưa vào ở đâu đấy phía sau cửa hàng, và khi tôi đang
nhìn quanh quất, họ bắt đầu tranh cãi về tấm da thú cũ rích treo phía trên
khung cửa cái. Jammet đùa cợt đề nghị Scott nên thay bằng tấm da mới. Phía dưới
tấm da là hàng chữ “Canis lupus[1] (đực),
chó sói đầu tiên bắt được ở Thị trấn Caulfield, 11 tháng Hai, 1860”.
[1] Canis lupus: là tên khoa
học của loài chó sói lông xám.
Hàng chữ cho bạn biết đôi điều về John Scott, chỉ
ra ông ta có thái độ khoe khoang như là người hiểu biết, cho mình là quan
trọng, không tôn trọng sự thật. Chắc chắn đấy không phải là con chó sói đầu
tiên người ta bắt được ở vùng này, và nói đúng hơn cũng không có thị trấn nào
mang tên Caulfield, tuy rằng ông ta mong muốn có thị trấn như vậy, vì như thế
sẽ có Hội đồng thị trấn còn ông có thể làm Thị trưởng.
“Dù sao chăng nữa, đấy là con sói cái. Con đực
có lông quanh cổ đậm hơn, và thân hình to hơn. Con này là rất nhỏ.”
Jammet biết rõ về đề tài mình đang nói, vì anh
đã bắt được nhiều chó sói hơn bất kỳ ai khác tôi đã từng quen biết. Anh mỉm
cười cho thấy mình không có ý xúc phạm, nhưng Scott cảm thấy bị xúc phạm và cáu
giận như thể câu nói ấy là không phải phép!
“Anh Jammet, anh nhớ rõ hơn tôi phải không?”
Jammet nhún vai. Vì vào năm 1860 anh không có
mặt ở đây, và cũng vì là người Pháp, không giống như bọn chúng tôi, nên anh
phải dè chừng.
Đến lúc ấy, tôi bước đến quầy phục vụ, nói:
“Ông Scott ạ, tôi nghĩ đấy là con sói cái. Tôi còn nhớ rõ người mang xác nó vào
nói đàn con của nó tru suốt đêm.”
Và tôi còn nhớ cách Scott nắm hai chân sau kéo
lê cái xác ra bên ngoài cửa hàng cho mọi người cùng há hốc nhìn. Trước đấy tôi
chưa từng trông thấy chó sói, và tôi lấy làm ngạc nhiên vì cái xác trông nhỏ bé.
Con thú bị treo lên với đầu mũi chĩa xuống mặt đất, đôi mắt nhắm nghiền như là
bị xấu hổ. Người lớn chế nhạo cái xác, trẻ em vui cười, đứa này thách đứa kia
thò tay vào miệng cái xác. Chúng đứng gần cái xác rồi cười đùa với nhau.
Đôi mắt nhỏ, tròng màu xanh lam nhạt của Scott
hướng đến tôi, không hiểu đấy là thái độ đương đầu vì tôi đã về hùa với một
người nước ngoài, hoặc đơn giản chỉ là đương đầu.
Doc Wade, người đã mang cái xác con sói kia
đến để lĩnh thưởng rồi chết đuối mùa xuân năm sau, nói như thể nghi ngờ suy xét
của Scott: “Nhìn xem ông ấy kìa...”
Jammet nhún vai và nheo mắt với tôi: “À, thế
đó...”
Theo cách nào đấy - mà tôi nghĩ Scott mào đầu
- chúng tôi nói chuyện với nhau về các cô gái tội nghiệp ấy, như cách người ta
vẫn làm thế khi nói về chó sói. Dù có nhiều phụ nữ gặp số phận không may ở đây
(tôi biết qua một số), các “cô gái tội nghiệp” là để chỉ hai người - hai chị em
nhà Seton, đã mất tích nhiều năm về trước. Chúng tôi có ít phút thoải mái, trò
chuyện không đâu vào đâu, rồi thình lình chuông cửa reo vang và Bà Knox bước
vào. Laurent Jammet nhận lấy đồng đô la tiền thưởng, cúi đầu chào tôi và Bà
Knox, rồi rời đi. Chuông cửa vẫn còn reo một hồi dài sau khi anh bước ra ngoài.
Chỉ có thế, không có gì là quan trọng cả. Đấy
là lần cuối cùng tôi gặp anh.
Laurent Jammet là người hàng xóm gần gũi với
tôi nhất. Dù vậy, cuộc đời anh vẫn là bí ẩn đối với chúng tôi. Tôi thường thắc
mắc làm thế nào anh đi săn chó sói với chân bước khập khiễng, và rồi có người
nói cho tôi biết anh dùng thịt nai tẩm strychnine[2] để
bẫy chó sói. Cần có kỹ năng lần theo vết chân con sói bị ngộ độc để đi tìm xác
của nó. Nhưng tôi không hiểu rõ; theo những gì tôi được biết thì có vẻ như đấy
không phải là môn săn thú.
[2] Strychnine: một chất độc
được trích từ cây mã tiền, thường được dùng làm bả chuột, dùng với liều lượng
đúng mức trong y khoa là thuốc gây kích thích và thuốc bổ.
Tôi biết chó sói đã tiếp thu được bài học là cần
ở ngoài tầm bắn của súng trường Winchester, thế nên chúng không phải hoàn toàn
ngu dốt, nhưng chúng không tinh khôn đến mức từ chối món quà thực phẩm, và liệu
có nên theo dõi dấu vết con vật vô phúc cho đến điểm cuối cùng hay không? Còn
có những điểm bất thường về anh ấy: nhiều chuyến đi dài ngày vào những vùng đất
xa lạ; gặp gỡ những kẻ xa lạ kín tiếng tìm đến anh; và những giây phút ngắn
ngủi tỏ ra hào phóng, trái ngược hẳn với ngôi nhà gỗ xác xơ. Chúng tôi biết anh
ấy quê ở Québec. Chúng tôi biết anh ấy theo Công giáo, mặc dù anh không đi lễ
nhà thờ hoặc xưng tội thường xuyên (tuy anh có làm những việc này trong thời
gian vắng mặt lâu ngày). Anh là người lễ phép và vui tính, cho dù anh không có
bạn bè nào đặc biệt, và giữ khoảng cách với mọi người. Tôi dám nói anh là người
đẹp trai, với mái tóc và đôi mắt hầu như đen tuyền, và cử chỉ trông như anh vừa
nở nụ cười mỉm hoặc sắp cười mỉm. Anh không kết hôn và không cho thấy ý định
kết hôn, nhưng tôi nhận xét là có một số đàn ông cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống
một mình, đặc biệt khi họ có những thói quen luộm thuộm và bất thường.
Một số người thu hút nỗi ghen tị vẩn vơ và
hoàn toàn không có ác ý. Jammet là một người như thế, lười biếng và tốt bụng,
người sống mà không phải tất bật hoặc nỗ lực. Tôi nghĩ anh được may mắn, bởi vì
có vẻ như anh không lo lắng gì đến những chuyện khiến cho đám người còn lại bọn
tôi phải bạc đầu. Anh không có tóc bạc, nhưng anh có một quá khứ mà anh giữ cho
riêng mình. Tôi đoán anh hình dung mình có một tương lai, nhưng anh không thật
sự hình dung như thế. Có lẽ anh khoảng bốn mươi tuổi. Đấy là tuổi mà anh có thể
sống thọ được.
Đấy là một buổi sáng thứ Năm vào giữa tháng
Mười một, khoảng hai tuần sau cuộc gặp gỡ ở cửa hàng. Tôi đi dọc con đường từ
nhà trong tâm trạng chán ngấy, đang cẩn thận chuẩn bị cho bài giảng của mình.
Thường thì tôi cất tiếng tập giảng bài - một trong những thói quen kỳ lạ thường
diễn ra trên mấy khoảnh rừng hẻo lánh. Con đường - thật ra chỉ là một đường mòn
do móng thú kéo và bánh xe tạo ra - đi theo con sông với một loạt những thác
nước nhỏ. Trong các tán cây, từng mảng rong rêu lấp lánh dưới ánh mặt trời. Lá
vàng phủ mặt đất, khô giòn vì sương giá trong đêm, vỡ vụn dưới chân tôi, tiếng
xì xào báo hiệu mùa đông sắp về. Bầu trời xanh ngắt. Tôi bước vội trong nỗi bực
dọc, ngẩng cao đầu. Có lẽ làm như thế tạo cho tôi bề ngoài tươi vui.
Ngôi nhà gỗ của Jammet nằm ngăn cách với bờ
sông bởi một trảng cỏ dại mà người ta có thể xem đấy là thảm cỏ sân vườn. Tường
của ngôi nhà được lắp ghép bằng gỗ súc còn nguyên cả vỏ cây, phai màu theo năm
tháng cho đến lúc cả ngôi nhà trông trắng xám và lùi xùi, như là một vật thể
sống chứ không phải là nơi cư ngụ. Nó là cái gì đấy còn sót lại từ thuở xa xưa:
cánh cửa là tấm da nai được căng ra giữa một khung gỗ; các cửa sổ được lót bằng
da cừu còn dính lớp mỡ. Anh hẳn phải rét run vào mùa đông. Đấy không phải là
nơi chốn mà các phụ nữ vùng Sông Dove muốn đến thăm, còn riêng tôi đã nhiều
tháng không đến đây, nhưng bây giờ tôi không biết đi đâu khác.
Không có dấu hiệu sự sống bên trong, nhưng
cánh cửa khép hờ; tấm da nai lấm bẩn vì bàn tay người. Tôi cất tiếng gọi, rồi
gỗ lên thành tường. Không có tiếng đáp trả, nên tôi hé nhìn vào trong, và khi
đôi mắt đã làm quen với bóng tối, tôi nhận ra Jammet, thoải mái như khi ở nhà,
và theo đúng cung cách, đang nằm ngủ trên giường vào giờ này buổi sáng. Tôi
suýt bước ra ngoài lúc ấy vì nghĩ không ích gì phải đánh thức anh, nhưng vì
chán nản mà tôi thêm quyết tâm. Tôi không muốn đi cả quãng đường đến đây mà
không nên chuyện gì cả.
Tôi cất tiếng, mà đầu óc nghĩ đấy như là cách
nói hoạt bát kèm nỗi bực dọc: “Anh Jammet, xin lỗi phải làm phiền anh, nhưng
tôi phải hỏi...”
Laurent Jammet đang êm đềm nằm ngủ. Vòng quanh
cổ anh là chiếc khăn quấn cổ màu đỏ mà anh vẫn thường dùng khi đi săn, với mục
đích để các thợ săn khác không nhìn nhầm anh là một con gấu mà bắn anh. Một bàn
chân anh thò ra khỏi cạnh giường, trong chiếc bít tất bẩn thỉu. Chiếc khăn quấn
cổ màu đỏ nằm trên mặt bàn... Tôi đã nắm lấy cánh cửa. Thình lình, mọi thứ từ
tình trạng bình thường thay đổi hoàn toàn: ruồi nhặng bay quanh bữa tiệc cuối
thu; chiếc khăn quấn cổ màu đỏ không phải vòng quanh cổ anh, không thể được,
bởi vì nó đang nằm trên mặt bàn, và điều này có nghĩa là...
Tôi kêu lên “Ôi! Không!”, và tiếng nói khiến
cho tôi cảm thấy sốc trong ngôi nhà gỗ tĩnh lặng.
Tôi bám lấy cánh cửa, cố trấn tĩnh mà không bỏ
chạy, mặc dù trong tích tắc kế tôi nhận ra mình không cử động được dù có muốn.
Màu đỏ quanh cổ Jammet đã thấm vào tấm nệm từ
một vết cắt. Một vết cắt. Tôi thở dốc, như thể vừa chạy bộ. Khung cửa là vật
quan trọng nhất trên đời bây giờ. Không có nó, tôi không biết phải làm gì.
Chiếc khăn quấn cổ màu đỏ đã không phục vụ mục
đích. Nó đã không ngăn chặn được cái chết của anh.
Tôi không giả vờ làm người có can đảm, và thật
ra từ lâu đã từ bỏ ý nghĩ cho rằng mình có phẩm chất đặc biệt, nhưng tôi thấy
ngạc nhiên vì đã tỏ ra bình tĩnh mà nhìn quanh ngôi nhà. Ý nghĩ đầu tiên của
tôi là Jammet đã tự hủy hoại đời anh, nhưng hai tay anh không cầm vật gì cả, và
không thấy món vũ khí nào chung quanh. Một bàn tay buông thõng khỏi mặt giường.
Đầu óc tôi không có ý nghĩ nào khiến cho tôi sợ hãi. Tôi biết chắc rằng bất kỳ
ai gây ra việc này đã đi xa - ngôi nhà trống trơn. Ngay cả thi hài nằm trên
giường cũng trống trơn. Thi hài không còn có tính chất gì cả - vẻ tươi vui và
luộm thuộm, tài bắn súng chính xác, tính hào phóng và chai lì - tất cả đã ra đi.
Có một điểm khác mà tôi không đặng đừng phải
chú ý, vì khuôn mặt anh quay đi một ít khỏi tầm mắt tôi. Tôi không muốn nhìn
khuôn mặt nhưng nó hiện diện ở đấy, và nó xác định rằng tôi đã miễn cưỡng chấp
nhận - rằng số phận của Laurent Jammet là một trong số những chuyện trên đời mà
người ta không hề biết rõ. Đây không phải là tai nạn, mà cũng không phải là vụ
tự tử. Anh đã bị thanh toán.
Cuối cùng, dù có lẽ chỉ là vài giây đồng hồ
sau đấy, tôi bước ra ngoài rồi đóng cánh cửa lại, và khi không còn nhìn thấy
anh nữa thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cả ngày hôm ấy và nhiều ngày sau, bàn tay
phải của tôi bị tê nhức vì đã nắm chặt lấy khung cửa, như thể tôi đã cố bóp nát
tấm gỗ giữa các ngón tay mình, như cách người ta nhồi bột.
***
Chúng tôi sống ở vùng Sông Dove, bên bờ bắc
của Vịnh Georgian. Hai vợ chồng tôi đã từ Scotland di cư đến đây khoảng mười
năm trước, vì lý do giống như nhiều người khác. Một triệu rưỡi người đã đến Bắc
Mỹ chỉ trong vài năm, nhưng tuy số người có cao, tuy họ chen chúc kín mít trên
nhiều con tàu khiến cho bạn nghĩ Tân Thế giới không có đủ đất cho họ sống,
nhưng khi đến Halifax và Montreal chúng tôi đã tản đi khắp hướng giống như
những chi lưu của một con sông, rồi từng người mất hút trong vùng hoang dã.
Miền đất này nuốt chửng lấy chúng tôi, mà vẫn còn như đói khát muốn nuốt thêm
người. Chúng tôi khai phá rừng để canh tác, đặt địa danh theo những thứ gì
chúng tôi đã trông thấy - một con chim, một con thú - hoặc tên của những thị
trấn quê nhà chúng tôi; những gợi nhớ đầy tình cảm về mấy vùng đất không có
tình cảm đối với chúng tôi. Bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi chứng tỏ rằng mình
không thể bỏ lại thứ gì sau lưng. Bạn mang theo mình mọi thứ, dù muốn hay không.
Khoảng mười năm trước, vùng đất chỉ có cây cối
chứ không có thứ gì khác, ở phía bắc là loại đất trung bình, không có đầm lầy
và không có sỏi đá, nơi mà thậm chí liễu và thông cũng không mọc nổi. Nhưng ở
vùng dọc con sông, đất mềm và sâu, cây rừng chung quanh xanh thẫm hầu như có
màu đen, bầu không khí tĩnh lặng tạo cảm giác sâu thẳm và mênh mông như bầu
trời. Khi nhìn thấy quang cảnh này lần đầu tiên, phản ứng đầu tiên của tôi là
bật khóc, cỗ xe ngựa chở chúng tôi kêu lạch cạch, và tôi luôn vương vấn với ý
nghĩ rằng dù cho mình có kêu to đến đâu thì chỉ có tiếng gió đáp lại. Tuy thế,
nếu có mục đích là tìm kiếm sự bình an và tĩnh lặng, thì chúng tôi đã thành
công. Chồng tôi chờ cho cơn kích động của tôi lắng xuống, rồi nói với nụ cười
cứng cỏi: “Ở ngoài này không có gì lớn lao hơn Thượng đế.”
Nếu bạn tin như thế thì có vẻ đấy là điều chắc
chắn.
Dần dà tôi cảm thấy quen thuộc với không gian
tĩnh lặng và bầu không khí loãng làm cho mọi thứ có vẻ như sáng sủa và sắc nét
hơn là ở quê nhà. Thậm chí tôi còn mến thích. Và tôi đặt tên cho vùng này, vì
không ai biết nó có tên gì: Sông Dove.
Bản thân tôi vẫn còn tình cảm ủy mị.
Những người khác cũng đến định cư. Rồi John
Scott xây nên một nhà máy xay xát gần cửa sông. Sau khi đã bỏ ra nhiều tiền cho
nhà máy và thấy có khung cảnh đẹp, ông quyết định sống luôn ở đây. Bằng cách
nào đấy, việc này khởi đầu cho sở thích sống gần bờ sông, mà chúng tôi không
giải thích được vì đã định cư ở vùng thượng nguồn chính vì để né tránh các cơn
giông tố gào thét khi vùng Vịnh có vẻ như biến thành một đại dương cuồng nộ chỉ
chực cướp lại vùng đất mà chúng tôi đã tự tiện đến định cư. Nhưng Caulfield
(lại chuyện tình cảm nữa; quê của Scott là ở Dumfriesshire) có đặc tính mà Sông
Dove không bao giờ có được - bởi vì đất có nhiều tầng còn rừng thì thưa thớt,
và bởi vì Scott đã mở một cửa hiệu tạp hóa khiến cho cuộc sống trong miền rừng
vùng xa được thuận tiện hơn rất nhiều. Bây giờ có một cộng đồng gồm trên một
trăm cư dân - một sự pha trộn lạ kỳ giữa người Scotland và người Bắc Mỹ. Và
thêm Laurent Jammet. Anh này đã cư ngụ ở đây không lâu lắm, và hẳn đã không bao
giờ dời đến đây nếu anh không chiếm được một khoảnh đất mà không ai khác muốn
đụng đến.
Bốn năm trước, anh mua một nông trại ở đoạn hạ
lưu con sông. Trong một thời gian, người chủ trước (một ông già Scotland) đã bỏ
hoang nông trại này. Doc Wade đến miền Sông Dove để tìm mua đất giá rẻ, nơi mà
ông không chịu ảnh hưởng bởi những người cứ muốn xét nét ông - em gái và em rể
giàu có của ông sống ở Toronto. Người ta gọi ông là Doc[3],
dù ông chẳng phải là bác sĩ gì cả, mà chỉ là một người có văn hóa vốn chưa tìm
thấy nơi chốn ở Tân Thế giới đánh giá cao tài năng đa dạng nhưng mù mờ của ông.
Điều không may là Sông Dove không thuộc hàng ngoại lệ mà ông đang tìm kiếm. Như
nhiều người đã nhận ra, làm trang trại là cách chậm rãi nhưng chắc chắn để bạn
bị phá sản, sức khỏe bị hao mòn, tinh thần đâm ra chán nản. Công việc quá nặng
nhọc so với tuổi tác của ông, và ông không có hứng thú. Năng suất hoa màu của
ông kém cỏi, đàn lợn của ông chạy lang thang trong rừng, mái ngôi nhà gỗ của
ông bốc cháy. Một buổi chiều, ông leo lên tảng đá tạo nên cầu tàu thiên nhiên
trước ngôi nhà, rồi sau đấy người ta tìm thấy ông nằm sâu dưới ghềnh dốc đứng
mang tên Horsehead (do người Canada vì thiếu óc tưởng tượng nên cứ đặt địa danh
đúng theo hình dạng của đỉnh dốc trông giống đầu ngựa). Một số người nói rằng
sau những phiền muộn trong cuộc đời thì cái chết như thế giúp giải thoát cho
ông. Những người khác gọi đó là một thảm kịch - một thứ thảm kịch nhỏ trong gia
đình diễn ra đầy rẫy khắp vùng.
[3] Doc: tiếng thân mật để
gọi bác sĩ, như cách người Việt gọi “đốc tờ”.
Tôi nghĩ mình đã tưởng tượng theo cách khác.
Cũng như phần lớn đàn ông, Wade thích uống rượu. Một đêm nọ, khi không còn tiền
và đã cạn whisky, khi không còn việc gì để làm trên trần thế này, ông đi xuống
bờ sông, nhìn ngắm dòng nước lạnh và đen chảy xiết. Tôi tưởng tượng ông nhìn
lên bầu trời lần cuối cùng, cảm nhận con sông đang cuồn cuộn lôi kéo mình, rồi
buông mình vào lòng khoan dung vĩnh hằng của dòng nước.
Sau đấy, có lời đồn đại trong vùng rằng mảnh
đất ấy mang đến vận xui xẻo, nhưng có giá hạ và Jammet không phải là người tin
dị đoan, tuy rằng có lẽ anh nên tin. Lúc trước, anh phụ trách chuyên chở hàng
hóa cho Công ty, và ngã xuống dưới một chiếc ca nô trong khi đang kéo nó qua
một ghềnh thác. Tai nạn khiến cho anh phải đi khập khiễng, và họ trả một khoản
đền bù cho anh. Có vẻ như anh cảm thấy biết ơn đối với tai nạn chứ không trách
móc, vì nhờ nó mà anh có đủ tiền để mua đất. Anh thích nói mình là con người
biếng nhác, và chắc chắn là anh không làm công việc của trang trại mà phần lớn
đàn ông không thể tránh được. Anh bán đi phần lớn đất của Wade rồi sinh sống
bằng cách săn chó sói để lĩnh thưởng và buôn bán lặt vặt. Mỗi mùa xuân đều có
từng đoàn người đến từ miền tây-bắc xa xôi với thuyền ca nô và ba lô. Họ thấy
anh là người buôn bán tâm đắc với họ.
Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi đang gõ cửa một
trong những ngôi nhà lớn nhất tại Caulfield. Tôi co dãn các ngón bàn tay phải
trong khi chờ lời đáp trả - các ngón tay như thể gấp lại thành một thứ móng
vuốt.
Ông Knox có nước da màu xám xấu xí khiến cho
tôi nghĩ đến loại thuốc nước chữa chứng khó tiêu, có khổ người cao và gầy,
khuôn mặt nhìn nghiêng hình lưỡi cày như thể sẵn sàng bổ xuống kẻ vô lại - là
đặc tính hữu ích đối với một vị quan tòa. Thình lình tôi cảm thấy thân người
mình rỗng không như thể cả tuần chưa ăn gì.
“À, Bà Ross... một niềm vui bất ngờ...”
Nói đúng ra, ông có vẻ hoảng hốt khi thấy tôi.
Có lẽ đối với ai ông cũng nhìn như thế, nhưng tôi có cảm tưởng như ông biết về
tôi nhiều hơn là tôi thích, và như thế ông biết tôi không phải là mẫu người mà
ông muốn các con gái của mình giao du.
“Ông Knox... Tôi e đây không phải là chuyện
vui. Có một... một tai nạn kinh khủng.”
Đoán ra có đề tài phong phú để buôn chuyện,
một phút sau Bà Knox đi vào, và tôi kể cho hai người về sự kiện xảy ra trong
ngôi nhà gỗ bên bờ sông. Bà Knox nắm chặt lấy cây thánh giá nhỏ ở cổ họng. Knox
tiếp nhận tin với vẻ điềm tĩnh, nhưng có lúc quay mặt đi, rồi quay lại, mà tôi
có cảm tưởng như ông đã sửa tư thái cho đúng mực - hung hãn, nghiêm nghị, quyết
đoán, đại loại như thế.
Bà Knox ngồi kế bên tôi, bóp lấy bàn tay tôi
trong khi tôi cố kiềm chế rút tay về: “Nghĩ mà xem, lần cuối tôi thấy anh ấy là
ở cửa hiệu lúc đó. Anh ấy trông rất...”
Tôi gật đầu đồng ý, thầm nghĩ làm thế nào
chúng tôi đã rơi vào sự im lặng với mặc cảm phạm tội. Sau nhiều câu bày tỏ lòng
cảm thông bị sốc và lời khuyên đối với tinh thần bị khủng hoảng, bà chạy ra để
báo tin cho hai cô con gái theo cách thức thích hợp (nói cách khác, có nhiều
chi tiết hơn là nếu người cha cùng hiện diện). Ông Knox phái người đi Fort
Edgar (Pháo đài Edgar) để gọi vài nhân viên Công ty đến. Ông quay đi để tôi
ngắm nhìn quang cảnh, rồi trở lại nói mình đã cho đi gọi John Scott (người làm
chủ cửa hiệu và nhà máy xay xát, cùng vài kho chứa hàng và nhiều đất đai) để
cùng ông đi xem xét ngôi nhà và ngăn chặn việc “xâm nhập” cho đến khi đại diện
của Công ty đến. Đấy là từ ngữ ông dùng, và tôi cảm nhận ý phê phán nào đấy.
Không phải là ông phiền trách tôi đã khám phá ra thi hài, nhưng tôi chắc chắn
ông lấy làm tiếc rằng người vợ một nông dân đã làm xáo trộn hiện trường trước
khi ông có cơ hội hành xử tài năng vượt trội của ông. Nhưng tôi còn cảm nhận
một vẻ gì khác trong con người của ông, ngoài ý chê bai - đấy là nỗi phấn
khích, ông thấy mình có cơ hội để tỏa sáng trong một thảm kịch có tính cấp bách
hơn là bất kỳ thảm kịch nào khác trong vùng rừng xa xôi: ông sẽ đứng ra điều
tra. Tôi đoán ông kéo theo Scott để vụ việc mang tính chính thức và có nhân
chứng xác nhận thiên tài của ông, và cũng vì tuổi tác cùng tài sản của Scott
tạo cho ông một vị thế. Việc này không liên quan gì đến trí thông minh - Scott
là bằng chứng sống cho thấy người giàu có không nhất thiết phải giỏi hơn hoặc
nhanh trí hơn những người còn lại trong chúng tôi.
Chúng tôi ngược dòng sông để đi đến cái bẫy
của Knox. Vì lẽ ngôi nhà gỗ của Jammet ở gần nhà tôi, họ không thể ngăn tôi đi
theo họ, và vì lẽ chúng tôi đi đến ngôi nhà của anh ấy trước, tôi ngỏ ý cùng đi
với họ.
Knox nhíu mày theo cách lo lắng của bậc cha
chú: “Bà hẳn đã mệt nhọc sau cú sốc kinh khủng. Tôi nhất quyết khuyên bà trở về
nhà nghỉ ngơi.”
Scott thêm: “Chúng tôi có thể nhận ra bất cứ
cái gì bà đã nhìn thấy.” Và ông có ý nói họ còn nhận ra nhiều hơn thế nữa.
Tôi quay lưng về phía Scott - không ích gì mà
tranh luận với một vài hạng người - để trao đổi với Knox. Tôi nhận ra rằng Knox
cảm thấy bị sỉ nhục vì bản chất phụ nữ lại mang ý nghĩ đối mặt với cảnh kinh
khủng ấy lần nữa. Nhưng lòng tôi đã nhất quyết chống lại ý tưởng của ông cho
rằng chỉ có một mình ông là người rút ra được kết luận đúng đắn. Hoặc có lẽ vì
tôi không thích người ta bảo ban tôi phải làm gì. Tôi bảo mình có thể nói với
họ liệu có cái gì đã bị xáo trộn, mà họ không thể phủ nhận, và dù sao chăng
nữa, họ không thể làm cách nào khác nếu không lôi kéo tôi về và nhốt tôi trong
nhà mình.
Khí hậu mùa thu mát mẻ, nhưng có mùi ẩm mốc
nhẹ khi Knox mở cánh cửa. Tôi đã không để ý đến mùi này. Knox bước vào, thở qua
miệng và đặt các ngón tay lên bàn tay của Jammet rồi cho biết thi hài đã lạnh.
Hai người nhỏ nhẹ trao đổi với nhau, hầu như là thì thầm. Tôi hiểu ra: nói lớn
tiếng là tỏ ra thô lỗ. Scott rút ra một quyển sổ tay và ghi chép lời của Knox
trong khi ông này quan sát vị trí của thi hài, nhiệt độ của bếp, cách bài trí
vật dụng trong gian phòng. Rồi Knox đứng một lúc mà không làm gì cả, nhưng vẫn
cố ra vẻ có chủ đích - một tai nạn của môn cơ thể học mà tôi chú tâm quan sát.
Có vài dấu chân trên nền nhà phủ bụi, nhưng không có vật lạ, không có vũ khí
loại nào. Đầu mối duy nhất là vết thương trông dễ sợ vòng quanh đầu của Jammet.
Knox nghĩ hung thủ có thể là một người Da Đỏ sống ngoài vòng pháp luật. Scott
đồng ý: không người da trắng nào có hành động dã man như thế. Tôi nhớ đến khuôn
mặt của vợ ông mùa đông rồi, sưng vù và bầm tím mà bà nói mình đã ngã trên một
phiến băng, nhưng ai cũng biết sự thật.
Hai người đàn ông đi lên lầu để vào phòng kia.
Tôi có thể nhận ra họ đang đi đến đâu qua tiếng răng rắc khi bàn chân họ dẫm
lên mặt sàn gỗ và qua màn bụi rơi xuống bắt lấy ánh sáng. Bụi rơi trên thi hài
Jammet, phủ nhẹ một lớp trên gò má anh, giống như bông tuyết. Bụi rơi trên đôi
mắt còn mở của anh và tôi không thể quay mặt đi. Tôi muốn ra về và dẹp bỏ mọi
chuyện, bảo họ phải ngưng làm xáo trộn các thứ, nhưng tôi không làm được gì cả.
Tôi không có can đảm chạm đến anh.
Khi họ quay xuống, dùng khăn tay phủi lớp bụi
trên quần, Knox nói: “Trong nhiều ngày qua không có ai bước lên đó.” Ông đã
mang một tấm vải sạch từ tầng trên, giũ ra, khiến cho nhiều hạt bụi bay quanh
gian phòng như một đàn ong dưới ánh mặt trời.
Ông phủ tấm vải lên thi hài trên giường: “Này,
làm thế để ngăn ruồi nhặng.” Ông nói với giọng điệu tự mãn, dù cho bất kỳ người
dốt nát nào cũng có thể thấy việc này là không đúng.
Chúng tôi - hoặc hai người đàn ông thì đúng
hơn - nghĩ rằng không thể làm gì thêm. Khi ra về, Knox khép lại cánh cửa rồi
dùng một sợi kẽm và một viên sáp để giữ cánh cửa được đóng kín, đấy là một chi
tiết gây ấn tượng, cho dù tôi không muốn nhìn nhận.
***