Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 09 - Phần 1
Chương 9
Chúng ta vĩ đại, và - tôi sắp nói ra trong nỗi sợ hãi - phát triển vũ bão!
- John Caldwell Calhoun[1], 1817
[1] John Caldwell Calhoun (1782-1850): một chính khách Mỹ nổi tiếng. Ông giữ chức Phó tổng thống Mỹ từ 1825-1832.
Thỉnh thoảng tôi xỉn với Eustace Conway. Đó là một trong những điều tôi thích làm với anh. Ừ thì đó là một trong những điều tôi thích làm với hầu hết mọi người, nhưng tôi đặc biệt ưa làm thế với Eustace. Bởi vì có một mức độ thanh thản nào đó mà rượu mang đến cho anh - những đặc tính xoa dịu của rượu phát huy tác dụng, tôi nghĩ thế - để vùi đi những ngọn lửa nội tâm. Cơn say giúp dập tắt những bếp lò rừng rực trong anh trong một lát, điều này giúp ta đứng được gần anh mà không bị cháy sém vì những ngọn lửa tham vọng của anh và không bị bỏng rộp dưới sức nóng lan tỏa của những nỗi lo âu và niềm tin và động lực của cá nhân anh. Với một chút whiskey trong cơ thể, Eustace Conway dịu nguội đi, trở nên vui vẻ hơn, nhẹ nhàng hơn, giống... Judson Conway hơn.
Với một chút whiskey, ta có thể yêu cầu Eustace kể những câu chuyện hay nhất của anh, và anh sẽ hò reo trong vui sướng khi nhớ lại những câu chuyện ấy. Anh sẽ nhại bất cứ chất giọng nào và kể những câu chuyện kỳ lạ nhất.
Anh sẽ cười ầm lên với những câu đùa ngớ ngẩn nhất của tôi. Khi Eustace Conway uống rượu, rất có thể anh sẽ khoe khoang bản thân bằng cách chêm vào lời nói những từ ngữ hiện đại phi-Eustace mà anh đã thu lượm được qua nhiều năm, kiểu như “blah blah blah,” hay “Cô tuyệt bỏ xừ!” hay “Ngon cả đôi đường,” hay - tôi thích nhất - khi được khen, “Thế thiên hạ mới trả tôi cả xấp Benjamin[2] chứ!”
[2] Tiếng lóng củaỹ hiện đại dùng để chỉ tờ 100 đô, vì trên tờ tiền này có in hình Tổng thống Benjamin Franklin (1706-1790).
“Thế đấy, một hè nọ tôi đang đi bộ vòng quanh Công viên Quốc gia Glacier,” anh nói, chẳng bao lâu sau khi chai rượu được khui, và tôi sẽ mỉm cười ngả người ra trước sẵn sàng lắng nghe. “Tôi đang ở cao hơn vành đai cây nhiều, đang băng qua vành đai tuyết. Chẳng ai biết tôi ở đâu, mà tôi thậm chí cũng không đi trên đường mòn; ngút tầm mắt chỉ là một rặng núi phủ đầy băng tuyết, cả hai bên là sườn dốc thẳng đứng. Tất nhiên, tôi không có bất cứ một trang bị tử tế nào; tôi lên đó chơi cho vui thôi. Thế là tôi cứ đi, rồi đột nhiên tôi trượt chân. Chỗ đó dốc kinh lên được, khiến tôi bị trượt ngay xuống sườn núi, nằm ngửa mặt lên trời lao nhanh trên lớp băng mỏng. Hầu hết những người đi bộ lên đây đều mang theo một cái rìu phá băng, nhưng tôi không có cái nào nên không thể níu mình lại được. Tất cả những gì tôi có thể cố làm là ghì người hết sức xuống cái ba lô để giữ mình trượt chậm lại, nhưng chẳng ích gì. Tôi cắm gót giày vào băng, nhưng cũng chẳng ích gì nốt! Thế rồi tuyết và băng biến thành sỏi và đá lở, và tôi đang lao bình bịch bình bịch bình bịch qua những phiến đá nhẵn với vận tốc tối đa. Tôi cứ thế trượt đi trượt đi, và tôi nghĩ, Lần này thì mình chết chắc! và rồi - THỊCH. Tôi va đánh rầm rồi dừng khựng lại. Cái khỉ gì thế nhỉ? Tôi nhấc đầu lên và nhận ra mình vừa mới đâm vào một con la chết. Thề có Chúa! Đây là một la chết toi chết giẫm! Đây là xác ướp đông lạnh của một con la, và nó lại là thứ đã chặn cú trượt của tôi. Chầm chậm tôi đứng dậy nhìn qua con la và thấy, ở ngay đó, bên kia tấm thân nó là một vách đá dựng đứng đâm thẳng xuống khoảng sáu trăm mét vào giữa lòng Công viên Quốc gia Glacier. Tôi cất tiếng cười vang, cười mãi, gần như ôm ghì con la. Trời ơi, con la chết này là người anh hùng của tôi. Nếu tôi rơi xuống đó, thậm chí sẽ chẳng có ai tìm thấy xác tôi! Nghìn năm nữa cũng không tìm thấy, cho đến khi những người đi bộ nào đó tình cờ thấy và rồi viết một bài ra trò về tôi cho tờ National Geographic!”
Thêm vài ngụm rượu nữa, thế là Eustace sẽ kể chuyện Dorothy Hamilton, người phụ nữ da đen chạy từ trong một tiệm đồ ăn nhanh ở vùng nông thôn Georgia ra khi Kỵ sĩ Đường trường phi qua, vẫy tạp dề rồi hôn mấy anh em nhà Conway và đòi được nói vào nhật ký ghi âm của họ. Bà biết Kỵ sĩ Đường trường đang phi ngựa cả chặng đường tới California - bà đã xem họ trên ti vi - và bà có một thông điệp nhiệt liệt dành cho bờ Tây: “Xin chàoooo tất cả các bạn lướt sóng ngoài biển khơi California!” Eustace khào khào trong căn nhà gỗ của mình, dồn hết sức nhại giọng nói đầy vui sướng của người phụ nữ này. “Đây là lời chào hoành tráng từ người bạn của chúng ta, Dorothy Hamilton, cô gái trong tiệm GÀ!”
Một đêm tuyết rơi, Eustace và tôi đi bộ xuống thung lũng để thăm những người hàng xóm già Appalachia thân mến, Will và Betty Jo Hicks. Will và Eustace bắt đầu nói về khẩu súng săn “hai-lòng” nào đó mà Will vẫn hay sử dụng. Tôi cố lắng tai nghe, nhưng rồi cũng như bao lần khác đến nhà Hicks, tôi nhận ra rằng mình không thể hiểu lấy một phần mười số từ mà Will Hicks lè nhè nói. Ông luôn nói “hit” thay vì “it” và “far” thay vì “fire” và “vee-hickle” thay vì “car”, ngoài ra tôi không thể giải mã được nhiều hơn thế là bao. Giữa những chỗ răng sún và lối nói trại kiểu nông thôn và kiểu luyến láy của ông, cách nói của ông vẫn còn là một bí ẩn đối với tôi.
Quay trở lại gian nhà gỗ của Eustace tối hôm đó, vừa uống chai whiskey tôi vừa phàn nàn, “Tôi chẳng tài nào hiểu nổi giọng Appalachia quái quỷ ấy. Làm sao anh giao tiếp được với ông Will nhỉ? Tôi nghĩ chắc tôi cần học thứ ngôn ngữ-Appa đó cụ thể hơn một chút.”
Eustace la lên, “Nè cô! Cô chỉ cần nghe-Apipa kỹ hơn!”
“Tôi không biết nữa, Eustace. Tôi nghĩ chẳng mấy chốc tôi sẽ Appa-ngay thôi và sẽ hiểu được những người như Will Hicks.”
“Ôi, không! Ông già thôn quê đó chỉ đang cố dạy cô nghiên cứu-Appa!”
“Tôi nghĩ chúng ta có thể thảo luận Appa-ngày sau,” tôi nói, cười khúc khích.
“Không phải cô đang ngặt nghẽo cười-Appa ông cụ Will Hicks đấy chứ?” Eustace nói.
Tới đó thì cả hai chúng tôi cùng ngặt nghẽo cười-Appa đến rung cả cái đầu ngốc nghếch của mình. Eustace đã ngà ngà, nụ cười rộng mở của anh đang sáng bừng lên trong ánh lửa, và tôi thích nhìn thấy anh như thế. Tôi cầu trời mình có thêm mười chai rượu nữa và cũng chừng đó tiếng đồng hồ ngồi trong căn nhà gỗ ấm áp này để vui thú quan sát Eustace Conway dẹp chương trình khắc nghiệt của mình đi mà nghỉ ngơi-Appa thả phanh lấy một lần
Tôi nói, “Ở bên anh những lúc như thế này thấy vui vẻ hơn rất nhiều, Eustace ạ. Anh nên cho mọi người thấy mặt này trong con người mình thường xuyên hơn.”
“Tôi biết, tôi biết. Patience cũng thường nói với tôi như thế. Cô ấy bảo những người học việc sẽ không sợ tôi triền miên nếu tôi để cho họ thấy mặt thoải mái và vui vẻ trong tôi. Tôi thậm chí đã tính chuyện cố gắng nghĩ cách làm như thế. Có lẽ mỗi sáng trước khi chúng tôi bắt tay vào việc, tôi nên bắt đầu hình thành thói quen có năm phút tự do thoải mái vui vẻ.”
“Năm phút thoải mái vui vẻ ấy à Eustace? Chính xác năm phút sao? Không phải bốn? Không phải sáu?”
“Àaa...” Anh ôm đầu mình lắc qua lắc lại. “Tôi biết, tôi biết, tôi biết... thật điên rồ. Thấy chuyện này ra sao với tôi chưa? Thấy chuyện này thế nào trong não tôi chưa?”
“Này, Eustace Conway,” tôi nói, “cuộc đời chẳng thật dễ dàng phải không?”
Anh mỉm cười quyến rũ và nốc thêm một hơi rượu dài. “Tôi chưa bao giờ thấy dễ.”
***
Vẫn tồn tại tham vọng trong con người Eustace. Anh vẫn chưa xong. Thời còn thật sự trẻ trung, thời lần đầu đi bộ quanh Đảo Rùa với cô bạn gái Valarie, anh đã chỉ ra, như thể đang đọc từ một bản thiết kế, những gì anh sẽ làm cho lãnh thổ của mình. Nhà ở đây, cầu ở kia, một cái bếp, một đồng cỏ, một bãi thả gia súc. Và anh đã kiến tạo nơi này như thế. Giờ đây trên khắp mảnh đất của anh, đứng sừng sững đó, rành rành có thật, là bằng chứng cho những gì Eustace đã thấy trong tâm trí ngay từ phút đầu. Nhà, cầu, bếp - đâu ra đấy.
Tôi nhớ đã đứng cùng Eustace nhìn ra một bãi đất gần như trơ trụi lần đầu tôi tới Đảo Rùa. Nó chỉ là một cánh đồng đầy bùn lầy và gộc cây, nhưng Eustace nói, “Lần tới cô đến đây, sẽ có một khu chuồng trại thật lớn ở giữa bãi đất đó. Cô không thấy được sao? Cô không thể hình dung ra cỏ đang mọc xanh mơn mởn và đàn ngựa đứng nhởn nha vô cùng đẹp xung quanh đây à?” Lần sau đó khi tôi lên Đảo Rùa, thật như thể có phép màu, ngay chính giữa bãi đất ấy mọc lên một khu chuồng trại to lớn tuyệt vời, cỏ mọc xanh mơn mởn, và đàn ngựa đang đứng nhởn nha vô cùng đẹp mắt xung quanh. Eustace đưa tôi lên một ngọn đồi để cho tôi một cái nhìn bao quát hơn về nơi này, rồi anh nhìn quanh và nói, “Một ngày nào đó sẽ có một vườn cây ăn quả ở ngay đây.”
Và tôi biết người đàn ông ấy đủ rõ để chắc chắn rằng sẽ đúng là như thế.
Thế nên, không, anh chưa xong với Đảo Rùa. Anh muốn xây một thư viện, và anh đang tìm mua một cái máy cưa lớn để tự sản xuất gỗ xẻ. Và rồi còn có ngôi nhà mơ ước, ngôi nhà nơi anh sẽ sống. Bởi vì sau tất cả ngần ấy thời gian - sau hơn hai mươi năm trong rừng thẳm, sau khi vắt kiệt sức mình để giành được một nghìn mẫu đất, sau khi đã xây dựng mười mấy công trình trên lãnh thổ của mình - Eustace vẫn chưa có một mái nhà cho riêng anh. Trong suốt mười bảy năm, anh sống trong lều vải. Rồi anh sống hai năm trong gác xép của một kho dụng cụ. Và gần đây anh bắt đầu sống trong một ngôi nhà gỗ đơn sơ nhỏ bé mà anh gọi là Nhà Khách - một chốn công cộng hoàn toàn, ở đó vào mùa đông khi nhà bếp ngoài trời đóng cửa thì tất cả những người học việc và khách khứa đều tới tụ tập mỗi ngày hai lần để ăn uống. Với một người luôn tuyên bố khao khát sự riêng biệt hơn bất cứ thứ gì, Eustace chưa bao giờ cho bản thân mình một nơi riêng tư thật sự ở Đảo Rùa. Tất cả những cái khác, từ đàn lợn cho tới người học việc cho tới dụng cụ cho tới sách vở, phải có nhà có cửa cho chúng trước.
Nhưng có một mái nhà anh đã thiết kế trong đầu suốt mấy chục năm. Và bởi vậy ta có thể tin chắc rằng một ngày nào đó nó sẽ ra đời. Anh đã thiết kế những bản vẽ đầu tiên về căn nhà đó khi anh ở Alaska, bị mắc lại trên một hòn đảo trong hai ngày trời, chờ cho biển động lắng dịu xuống đủ để có thể an toàn chèo xuồng kayak trở lại đất liền. Và một chiều nọ khi tôi hỏi xem liệu anh có thể miêu tả chi tiết ngôi nhà đó cho tôi, anh bảo, “Ồ, được chứ.”
“Triết lý nền tảng của ngôi nhà mơ ước của tôi,” anh bắt đầu, “rất giống với cảm nhận của tôi về ngựa của mình - ta vượt lên trên cảm giác cần thiết bởi vì ta có một tình yêu cái đẹp. Ngôi nhà này hơi phô trương, nhưng tôi sẽ không đánh đổi chất lượng lấy bất cứ thứ gì. Nếu tôi muốn đá phiến lợp mái, tôi sẽ có đá phiến lợp mái. Cũng như thế với kính mài cạnh, đồ trang trí bằng đồng, đồ sắt rèn thủ công - bất cứ thứ gì tôi muốn. Ngôi nhà sẽ được xây với những tấm gỗ xẻ rộng, và tôi đã chọn sẵn một ố tấm như thế từ các khu rừng quanh đây. Những khúc gỗ thật lớn và rất nhiều đá, mọi thứ phải chắc và bền.
“Khi tôi mở cửa trước, cái đầu tiên tôi sẽ thấy là một đài nước bằng đá cao hơn mười mét, với một bể nước bằng đá dưới đáy. Đài nước hoạt động nhờ điện mặt trời, nhưng đồng thời cũng được đun nóng nên góp phần sưởi ấm ngôi nhà. Sàn nhà sẽ bằng đá phiến hoặc đá lát, loại nào đó tạo cảm giác dễ chịu cho mắt và chân. Phòng khách nhìn thẳng lên trần nhà kiểu thánh đường cao mười hai mét. Sâu trong gian phòng đó sẽ có một lò sưởi tròn bằng đá thụt sâu hơn sàn, với những chiếc ghế đá dài xây hẳn vào trong đó. Tôi sẽ nhóm lửa trong đó, rồi những đêm đông bạn bè tôi có thể đến sưởi mình sưởi lưng sưởi mông trên những phiến đá ấm áp đó. Bên trái gian phòng rộng lớn ấy là cánh cửa dẫn đến gian xưởng của tôi, rộng tầm bốn chục mét vuông. Tường ngoài thật ra chỉ là hai cánh cửa khổng lồ lắp vào những cái bản lề bằng sắt dài một mét rưỡi có thể mở toang ra ngoài trời, như thế để khi làm việc trong xưởng vào mùa hè tôi sẽ có không khí, ánh nắng và tiếng chim hót.
“Bên cạnh phòng lớn là hai phòng bằng kính. Một phòng là nhà kính, nhờ nó tôi sẽ có vô số rau xanh tươi quanh năm. Phòng còn lại là phòng ăn, đơn giản và hoàn hảo. Có một nơi dành cho mọi thứ, y như trên một con tàu. Một bàn gỗ rộng, nhiều ghế dài và một chiếc ghế quây tròn. Và cửa sổ ở khắp mọi nơi để tôi có thể nhìn xuống thung lũng, ở đó tôi sẽ thấy chuồng trại, bãi chăn thả và vườn tược. Phía sau lối vào phòng ăn là cánh cửa dẫn tới nhà bếp. Quầy bếp bằng đá cẩm thạch, tủ bếp làm thủ công với móc cửa làm bằng gạc nai, giá mở, bếp lò đun củi - nhưng cũng có cả bếp ga. Những cái bồn rửa với cả nước nóng và nước lạnh, hoàn toàn dùng năng lượng mặt trời, rồi tất cả những thứ làm thủ công này, những thứ tự rèn lấy nọ và bộ đồ bếp bằng gang. Và còn có một cánh cửa khác dẫn tới khu bếp ngoài trời, ở đó tôi có thể nấu nướng ăn uống vào mùa hè, với thềm có mái che, một bộ bàn ghế, nhiều bồn rửa ngoài trời có vòi nước, giá để đồ và bếp lò, nhờ thế tôi không phải liên tục vào nhà lấy thứ nọ thứ kia. Khu thềm nhìn ra một con dốc tuyệt đẹp trong hẻm núi, và có lẽ sẽ có hệ thống đèn thắp bằng khí prôpan chiếu sáng ngoài đó.
“Trên gác là hai phòng ngủ nhỏ áp mái và - cái này có thể nhìn thấy từ phòng lớn - một ban công mở ra từ phòng ngủ chính. Phòng ngủ chính bằng kích thước của gian xưởng phía dưới, nhưng nó sẽ không hoàn toàn đóng khung. Chỉ là một không gian mở, sạch và đẹp. Cuối sảnh từ phòng ngủ chính là một nhà vệ sinh tự hoại, một phòng tắm hơi và các phòng ngủ áp mái. Còn có cả một hàng hiên để ngủ ngoài trời với một cái ở đó, nhưng nếu tôi phải ngủ trong nhà thì sẽ có một chiếc giường thật lớn với ô cửa sổ áp trần phía trên để đêm nào tôi cũng có thể ngắm sao trời. Và, tất nhiên, sẽ có những phòng đựng áo quần khổng lồ.
“Khắp nơi trong nhà tôi sẽ là các tác phẩm nghệ thuật. Trên các ban công sẽ treo những tấm thảm của người Navajo. Nó sẽ hơi giống với phong cách Santa Fe mà ngày nay mọi người rất ưa chuộng, nhưng đầy ắp giá trị nghệ thuật đích thực - không phải thứ nghệ-thuật-rởm mà người ta sưu tầm về chỉ vì người ta không biết gì hơn. Ngôi nhà này sẽ có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, rất nhiều ánh sáng rất nhiều không gian, thanh bình, an toàn, kín đáo, khắp cả ba mặt, tiện dụng và tuyệt đẹp. Để tôi bảo cô, tờ Architectural Digest chắc chắn sẽ thích đặt tay vào nơi này. Và tôi biết tôi có thể tự mình xây dựng nó, nhưng tôi thậm chí sẽ không động thổ chừng nào chưa có vợ, bởi vì sẽ thật ngu xuẩn nếu tôi xây ngôi nhà này mà không có người phụ nữ phù hợp bên cạnh.”