Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 07 - Phần 3
Một ngày kỳ diệu! Eustace sợ sẽ là thô lỗ và tục tĩu khi nói với người đàn ông Texas này rằng thật sướng khi cảm nhận con ngựa giữa hai chân anh trong chuyến phi thử ấy, thật khoái cảm và rung động khi Hobo căng mình băng qua đồng cỏ “như một kẻ chuyên thách thức bẩm sinh, như tên lửa,” rằng anh không thể không nghĩ rằng chẳng có gì trên thế gian này khiến anh cảm thấy sướng đến thế giữa hai chân mình, có lẽ chỉ ngoại trừ tấm thân Carla...
Anh mua Hobo liền tay và thế là người ngựa phóng đi. Eustace và con ngựa phi thường này có một sự tương tác vô cùng kỳ thú, ngay từ ngày đầu tiên. Như Eustace sau này sẽ nói, “Tất cả những gì tôi phải làm là nghĩ, và tôi có thể nói ra suy nghĩ đó nhanh bao nhiêu thì Hobo có thể đáp ứng nhanh bấy nhiêu.” Đây là con vật mà rốt cuộc cũng vừa ý Eustace - một người bạn đường chân chính, một con vật muốn đi. Hobo là một phần thêm vào rất tuyệt vời. Kỵ sĩ Đường trường cần một con ngựa dẫn đầu hăm hở như Hobo để giữ đà cho họ. Đôi khi chẳng dễ gì còn mãi nhiệt tình. Tất cả họ - ngựa và người cưỡi ngựa - đều bị thương, căng thẳng và kiệt sức. Ví như chuyện này, Judson luôn bắn một phát súng ăn mừng khi họ vượt qua biên giới các bang, nhưng một hôm tai nạn thật khủng khiếp đã xảy ra, khi anh làm thế ở biên giới giữa Arizona-New Mexico thì ngựa của Eustace hoảng sợ lồng lên ném Eustace xuống đất. Ngày hôm đó Eustace không cưỡi Hobo hay Hasty mà đang cưỡi thử một con ngựa họ mới mua - Blackie, một con lai nòi ngựa thảo nguyên bất kham dũng mãnh, loài vốn rõ là chẳng ưa gì súng ống. Khi Judson khai hỏa, con ngựa nổi cơn tam bành làm Eustace té chúi mũi xuống một tảng đá toạc cả da đầu. Anh bị thương nặng, đầu óc quay cuồng, mỗi bước chân đều khiến anh co giật, nhưng anh quấn một miếng băng quanh chỗ bầm máu rồi cứ thế phi tiếp, bởi vì “Tôi phải làm gì chứ? Không tiếp tục sao?”
Đây không phải chuyện phi ngựa cho vui. Không phải họ đang thảnh thơi rong ruổi xuyên nước Mỹ. Họ đang ngốn bao dặm trường, điều đó đồng nghĩa họ lúc nào cũng mệt mỏi. Họ đói và đau nhức. Họ cãi nhau. Đáng buồn là điều ngược lại với những gì Eustace mong mỏi từ chuyến đi này lại đang diễn ra. Anh đã khao khát thắt chặt mối quan hệ với Judson, nhưng thay vì thế, Judson đang càng ngày càng mất dần thái độ tôn thờ người hùng đối với anh trai. Judson muốn được vui trong hành trình này, và thấy bực mình vì Eustace cứ khăng khăng giữ nguyên tốc độ, một tốc độ không bao giờ cho phép họ có thời gian dừng lại để thưởng thức cảnh vật xung quanh.
“Tôi có thể nói gì về Eustace?” Judson sau này có hỏi. “Lúc nào anh ấy cũng phải là Ernest Shaton(2) chết tiệt, thiết lập mọi kỷ lục thế giới, nhanh nhất trong chuyện này và giỏi nhất trong chuyện nọ. Anh ấy chẳng bao giờ ngơi nghỉ và thưởng thức. Đó không phải lý do mà Susan và tôi tham gia chuyến đi.”
(2) Ernest Shackleton (1874 – 1922): nhà thám hiểm đến Ireland, ông dẫn đầu bốn cuộc thám hiểm đến Nam Cực.
Hành trình đi xuyên đất nước đang biến thành một bức tranh sơn dầu khổng lồ mà trên đó sự khác biệt giữa hai anh em Conway được nhấn đậm. Một bên là Eustace - được những câu chuyện thần thoại cổ xưa về các anh hùng và định mệnh thúc giục. Và bên cạnh anh là Judson - được điều khiển bởi khao khát có một khoảng thời gian vui vẻ và được trang bị một cảm quan hoàn toàn hiện đại về vai trò của con người trong thế giới này. Chính nhờ cảm quan tự thức ưu việt này của Judson Conway (tiện thể xin nói, một cảm quan mà anh chia sẻ được với hầu như tất cả người Mỹ hiện đại ngoại trừ anh trai anh) mà anh có thể đùa, “Này, giờ em đã là một chàng cao bồi đích thực rồi!” khi anh khai hỏa khẩu súng sáu của mình. Judson phi ngựa xuyên nước Mỹ bởi vì anh biết rằng xưa kia người ta vốn hay làm những việc kiểu này và bởi vì thật quyến rũ và vui thú khi giả bộ là một biểu tượng. Eustace cưỡi ngựa xuyên nước Mỹ bởi vì anh muốn cái biểu tượng ấy sống. Đối với Judson đó là một trò chơi thú vị; đối với Eustace, đó là một nỗ lực hết sức nghiêm túc.
“Susan và tôi chắc sẽ vui lắm nếu đi với nửa vận tốc hiện tại để có thêm thời gian lang thang ngửi hoa,” Judson nói.
“Đâu phải vì tôi chạy năm mươi dặm một ngày mà tôi không thể ngửi hoa,” Eustace phản đối. “Tôi có ngửi hoa khi phi ngang qua đấy chứ! Và tôi ngửi được hơn người khác năm mươi dặm hoa. Thứ nhất, chúng tôi cần tốc độ đó trên hành trình này bởi vì kế hoạch đã định - Judson và Susan phải quay lại với công việc của hai đứa, thế nên chúng tôi đâu có vô khối thời gian để tới California. Hơn nữa, tôi muốn biết khả năng của chúng tôi tới đâu. Cả ngựa lẫn người. Tôi muốn thúc bách, nghiên cứu kỹ lưỡng, thách thức, khuất phục địa hạt cái khả dĩ. Tôi muốn đặt những giới hạn của chứng tôi dưới kính hiển vi và nhìn chúng, hiểu rõ chúng, và khước từ chúng. Nghe này, cái chuyện mình có được thoải mái hay thậm chí có niềm vui trên lộ trình này hay không chẳng hề với tôi. Khi tôi có một cái đích, khi tôi đang đứng giữa một thách thức như thế này, tôi không cần những thứ người khác cần. Tôi không cần ngủ hay ăn hay ấm hay khô ráo. Khi không ăn không ngủ thì tôi có thể sống mà chẳng lệ thuộc vào cái gì.”
“Thế gọi là chết, Eustace,” tôi nói.
“Không,” anh cười tươi. “Thế gọi là sống.”
Khó mà thấy được làm sao sự khẩn thiết này lại phù hợp với triết lý sống kiểu thiền của Eustace trong sự hài hòa tuyệt đối với nhịp điệu dịu êm của tự nhiên, trong sự “hành như thủy”. Hành trình này rõ ràng không phải là chuyện hành như thủy; nó là chuyện vắt kiệt lực phi ngựa xuyên đất nước. Và tác động là không hề yên ả. Những người đồng hành của Eustace khó lòng chịu nổi quyết tâm không suy chuyển của anh. Judson đâm ra đêm nào trong chuyến đi cũng uống rượu như một cách để làm dịu ảnh hưởng từ sự dữ dội của người anh.
“Tôi biết Eustace ghét nhìn thấy tôi say xỉn lơ mơ,” anh nói, “nhưng có thế thì tôi mới khỏi phát rồ.”
Eustace luôn gay gắt và sự lãnh đạo của anh thường mang tính đàn áp, nhưng anh luôn bảo vệ mọi quyết định của mình, thậm chí cho tới bây giờ. “Mọi người không hiểu - Judson và Susan đã không hiểu - rằng chẳng phải ngẫu nhiên khi chúng tôi đi được chừng ấy dặm đường mà bản thân và gia súc không hề gặp thương vong gì nghiêm trọng. Tôi biết nhiều người đã cố phi ngựa xuyên nước Mỹ và rồi rối bời hết cả lên - ngựa bị thương, đồ đạc bị ăn trộm, bị trấn lột, bị đánh, bị xe đâm. Điều đó đã không xảy ra với chúng tôi, bởi vì tôi cực kỳ cảnh giác. Mỗi ngày tôi ra hàng nghìn quyết định cá nhân, mỗi quyết định lại thu hẹp một phần tỉ lệ gặp rắc rối. Nếu tôi quyết định băng qua đường, điều đó là có lý do. Nếu tôi có thể chỉnh một tí cho con ngựa đi trên bãi cỏ thay vì trên sỏi dù chỉ được bốn bước thôi tôi cũng sẽ làm, tránh cho chân ngựa sự va chạm mạnh trong bốn bước.
“Vào cuối ngày, khi chúng tôi đang tìm chỗ cắm trại bộ não máy tính của tôi sẽ góp khởi động và đánh giá từng khả năng, nhập vào khoảng ba chục sự kiện bất ngờ mà không ai khác xem xét đến. Đồng cỏ này gần kiểu khu dân cư nào vậy? Có đường thoát hiểm nào phía sau đồng cỏ này không trong trường hợp chúng ta cần chạy vội? Có dây điện rơi trên mặt đất dễ khiến ngựa quấn phải không? Bên kia đường liệu có cỏ tươi lôi cuốn bọn ngựa cắm đầu băng qua đường lớn lúc nửa đêm để rồi bị xe đâm không? Từ ngoài đường mọi người có nhìn thấy chúng ta rồi dừng lại hỏi xem chúng ta đang làm gì và tiêu phí năng lượng của chúng ta trong khi chúng ta cần chăm sóc ngựa không? Judson và Susan không bao giờ thấy được quá trình này. Chúng cứ luôn miệng nói, 'Chỗ này thế nào anh Eustace? Chỗ này có vẻ là địa điểm cắm trại được đấy'. Và tôi nói, 'Không, không, không' mà chẳng buồn giải thích tại sao.”
Judson và Susan, vốn sẵn bực mình dưới sự chỉ huy của Eustace, nổi loạn ở Arizona. Họ thực sự chia ngả trên đường đi. Ngày hôm đó, Judson và Susan muốn rời đường lớn để thực hiện lộ trình hoang dã hơn, phi thẳng xuống đi tắt qua hẻm núi chông gai hứa hẹn một cuộc phiêu lưu ra trò trên mọi địa hình. Eustace ngăn cản. Anh muốn tiếp tục trên đường lớn, một chặng phi đều đều và kém thú vị hơn sẽ khiến ngựa phải đi thêm nhiều dặm, nhưng bớt phải chịu tác động mạnh hơn đáng kể. Kỵ sĩ Đường trường mở một cuộc họp nhóm.
“Như thế không an toàn,” Eustace nói. “Ta không thể biết mình sẽ đụng phải cái gì dưới đó. Ta có thể gặp một vách núi hoặc một con sông không thể vượt qua và đành phải quay lại đường cũ mất mười dặm, mất cả ngày trời. Ta có thể bị chết. Ta không có bản đồ hay bất kỳ thông tin khả tín nào. Ta sẽ gặp phải đá lở hoặc đường mòn gập ghềnh hoặc những con lạch nguy hiểm sẽ hạ gục ngựa của ta. Lũ thú của chúng ta vốn đã bị vắt kiệt sức rồi; đòi hỏi điều này ở chúng thật quá tàn nhẫn. Làm vậy là liều mạng quá nguy hiểm.”
“Bọn em chán cưỡi ngựa trên đường lớn lắm rồi,” Judson phàn nàn. “Bọn em tham gia chuyến đi này bởi vì bọn em muốn nhìn ngắm đất nước, và đây là cơ hội để bọn em về với thiên nhiên. Bọn em muốn phóng khoáng hơn, sống chênh vênh thử thách hơn.”
Họ bỏ phiếu, và tất nhiên Judson và Susan thắng. Eustace không lay chuyển. “Anh nhất định không là không,” anh nói. “Các em có thể đi đường mòn qua hẻm núi nếu các em muốn, nhưng anh không tham gia.”
Đó là một khoảnh khắc tan hoang trong lòng Judson. Họ đã ra quy ước trước khi khởi hành chuyến đi này rằng mọi chuyện sẽ phải tuân thủ nguyên tắc dân chủ; nếu có xảy ra tranh cãi về bước đi tiếp theo của hành trình, ý kiến đa số sẽ quyết định. Đáng ra họ không bao giờ chia rẽ bởi bất đồng quan điểm, thế mà giờ họ đang làm đúng điều đó. Trên hành trình hai nghìn năm trăm dặm phi thường này, có một khoảng ngắt quãng ba mươi dặm đáng buồn ở giữa lòng đất nước nơi những người đồng hành khăng khít phải chia lìa bởi họ không thể đạt tới đồng thuận.
“Em đã nghĩ chúng ta lẽ ra phải là một đội,” Judson nói với anh trai.
Và Eustace trả lời, “Anh rất vui được là một đội chừng nào chúng ta luôn làm những điều anh biết là đúng.”
Judson và Susan phi thẳng xuống hẻm núi.
“Đó là ngày lạnh nhất trong cả hành trình ấy,” Judson nhớ lại. “Cảnh trí thiên nhiên hoang dã. Chúng tôi phi ngựa qua những con sông nước ngập tới bụng ngựa và chúng tôi phi ngựa qua những tháp đá dựng đứng cổ xưa. Chúng tôi say mê từng giây từng phút trong chặng đường ấy, cười đùa và ca hát không ngừng. Đó là tất cả những gì tôi đã từng mường tượng về chuyến đi này. Chúng tôi thấy mình như những kẻ lang bạt thời xưa. Và Eustace đã bỏ lỡ tất cả.”
“Khi quay trở lại, ngựa của hai đứa nó đều tập tễnh mệt mỏi,” Eustace nhớ lại. “Chúng đáng lẽ chẳng bao giờ nên xuống dưới đó. Chúng có thể chết, hoặc có thể chúng đã hủy hoại ngựa. Tôi đã đúng.”
Từ đó trở đi, Judson quyết định im miệng mà làm theo sự chỉ huy của Eustace, bởi vì chịu quy phục sẽ bình yên hơn cãi nhau. Nhưng khi phi ngựa bên cạnh anh trai, Judson chịu đựng một cảm giác kinh khủng rằng sau chuyện này họ sẽ không bao giờ được như trước nữa.
Họ tới được Thái Bình Dương vào lễ Phục sinh đúng như đã định. Không bỏ cuộc và không chết chóc. Họ phi xuyên qua San Diego tới nơi họ có thể ngửi thấy mùi biển cả. Khi đi hết con đường lớn cuối cùng và đến bờ biển, Eustace cưỡi ngựa phi thẳng vào sóng nước, như thể anh muốn cưỡi Hobo phi một mạch tới Trung Hoa. Anh đầm đìa nước mắt, vẫn đầy thôi thúc.
Judson và Susan thì không. Họ đã cạn kiệt với chuyến đi tàn bạo này rồi. Nó đã kết thúc, và họ rất vui mừng. Judson đi thẳng tới chỗ có người. Anh phi ngựa thẳng vào một quán bar và ngồi - trên lưng ngựa! nhiều giờ liền, xoay xoay khẩu súng sáu và kể vô khối chuyện trong khi các vị khách xúm đông xúm đỏ quanh anh và tay bartender đưa cho anh hết chầu này tới chầu khác, về phần Susan, cô buộc ngựa ngoài quán bar và lặng lẽ đi vào giữa đám đông mà không ai đặc biệt chú ý.
Tuần sau đó họ ở lại San Diego, nơi hai bà mẹ của bọn họ tới thăm. Bà Conway và bà Klimkowski muốn đưa mấy thanh niên đi quanh thành phố để cho họ xem Sea World và tham quan sở thú và ăn trong những tiệm thượng hạng. Judson và Susan vô cùng sung sướng vì được chiều chuộng, nhưng Eustace tránh xa mọi người, im lặng và rầu rĩ.
“Tôi chẳng hiểu sao họ có thể giũ bỏ nó như thế,” về sau Eustace có nói. “Tôi muốn nói với bọn họ, 'Này, hai người vừa mới có trải nghiệm phi thường với ngựa của mình thế mà các người có thể quên sao? Ngày hôm trước các người đang sống cuộc đời vô cùng mãnh liệt mà đến ngày hôm sau các người đã có thể phóc lên ô tô để đi kiếm một tiệm đồ ăn nhanh Tastee-Freez chết giẫm sao? Như thể chuyện kia chưa từng xảy ra?' Họ có vẻ chẳng mảy may bận lòng.”
Anh trải qua một tuần cô đơn ủ rũ, ngày nào cũng phi ngựa từ sáng tới tối, đi lên đi xuống bãi biển. Các bạn đồng hành của anh thường hỏi, “Anh chưa ớn cưỡi ngựa à?” Không. Không bao giờ. Eustace cưỡi ngựa dọc bãi biển hàng giờ, ngẫm nghĩ về chuyến đi, nhìn xuống cái giới hạn không thể chối cãi của Thái Bình Dương, và đối diện với hiện thực địa lý của Vận mệnh Hiển nhiên của cá nhân anh: rằng chẳng còn nơi nào khác để đi. Đất nước tận cùng ở đây. Thế là hết. Giá như một lục địa khác sẽ xuất hiện ngoài biển khơi kia để anh chinh phục cả nó...
Họ lái xe moóc chở ngựa về lại Bắc Carolina. Cho lũ ngựa được nghỉ ngơi thoải mái. Có thể Eustace không cần thư giãn sau hành trình, nhưng anh nhất quyết để Hobo thân yêu thư giãn một thời gian.
Thế là Hobo có một kỳ nghỉ thoải mái trên xe moóc, đi một mạch về nhà ở Bắc Carolina như một ngôi sao. Về đến Đảo Rùa, Eustace cho con ngựa nhởn nha mấy tháng ngoài đồng cỏ để dưỡng sức rồi họ mới lại bắt đầu tiếp tục phi cùng nhau. Tất nhiên, cưỡi ngựa ở Đảo Rùa sẽ rất khác so với ở trên đường trước đây. Giờ anh cần Hobo cho việc nông trang hơn là vì tốc độ. Anh cần cưỡi Hobo khi anh đi ra ngoài để khảo sát đất đai và anh cần buộc Hobo vào để giúp kéo gỗ và kéo x trượt chất đầy công cụ. Họ làm việc rất chăm chỉ và hiệu quả cùng nhau. Sự đáng yêu của Hobo thậm chí còn nổi bật hơn tốc độ của nó.
Và rồi, một hôm, nhiều tháng sau khi hành trình Kỵ sĩ Đường trường kết thúc, Eustace quyết định rằng anh và Hobo xứng đáng một chuyến rong chơi kiểu cổ. Thế là họ khởi hành, rời xa căng thẳng mệt mỏi cùng sự huyên náo của Đảo Rùa và phi lên núi. Họ trèo lên mãi cho tới một đồng cỏ trên cao, Eustace nhớ ở đó anh đã thả dây cương và dang rộng cánh tay để mặc cho Hobo tự do chạy trong niềm vui sướng thuần khiết của nó giữa không khí trong lành trên cao.
Họ phi ngựa trở lại nhà, lặng lẽ và hạnh phúc. Nhưng khi họ đã thấp thoáng thấy chuồng ngựa, Hobo trượt ngã. Nó vấp phải một viên đá nhỏ. Khó có thể gọi đó là một tai nạn, chuyện thật quá nhỏ nhặt. Con ngựa đẹp đẽ này, con vật đã phi xuyên lục địa mà không hề bị thương hay than thở, con vật có thể trèo đá lở và những sườn dốc Appalachia thẳng đứng mà không do dự một giây và luôn phản ứng hết sức thông minh và hăm hở trước dù một dấu hiệu giao tiếp mờ nhạt nhất của Eustace, chỉ vấp phải một viên đá tầm thường. Hobo bước ngắn là lạ và gãy chân, và xương đùi sắp gãy đôi.
“Không,” Eustace kêu lên, nhảy xuống ngựa. “Không, làm ơn, đừng…”
Hobo không thể dồn chút sức nặng nào lên cái chân đó. Nó bối rối và cứ ngoái lại để nhìn cái chân bị thương. Rồi nhìn Eustace, hy vọng một câu trả lời xem có chuyện gì không hay. Eustace để Hobo lại đó một mình và chạy về văn phòng để gọi điện trong niềm tuyệt vọng cho các bậc thầy, ông già miền núi Hoy Moretz và anh chàng tín đồ dòng Mennonnite Johnny Ruhl. Anh gọi cho mọi bác sĩ thú y anh biết, và mọi bác sĩ chuyên về ngựa, nhưng khi anh miêu tả sự tình, tất cả những gì họ có thể làm là xác nhận điều anh vốn biết rõ rồi: chẳng thể làm được gì nữa cả. Eustace sẽ phải bắn người bạn của mình. Sau tất cả những gì họ đã trải qua cùng nhau, để chuyện này xảy ra vào một buổi chiều tươi đẹp ở nhà, khi họ đã thoáng thấy chuồng ngựa...