Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 01 - Phần 2

Gottfried Duden[8], một người Đức du hí tới miền Tây vào năm 1824 để xác định vùng đất phù hợp cho những gia đình Đức muốn di cư tới Mỹ, kinh ngạc viết thư về quê nhà: “Ở Bắc Mỹ, các công trình xây dựng mà ở các nước châu u phải mất hàng thế kỷ mới xong thì chỉ trong vòng vài năm là xong, nhờ sự hợp tác tự nguyện của các cá nhân.” Ví dụ như, vào thời điểm Duden viếng thăm, nông dân bang Ohio đang bận rộn đào con kênh dài 230 dặm mà không có sự trợ giúp của một kỹ sư có bằng cấp nào. Duden đã thấy “những thành phố tuyệt đẹp” phát triển thịnh vượng tại nơi mà hai năm trước thậm chí không có lấy một thị trấn nào. Ông thấy những con đường mớ những cây cầu mới, “hàng nghìn trang trại mới”, và “thêm một trăm tàu thủy”, tất cả đều mới tinh, làm thủ công, thiết kế khéo léo, và hoạt động hoàn hảo. Người Đàn Ông Mỹ cần một việc gì đó phải hoàn thành chăng? Chà, có gì đâu, anh ta chỉ việc làm cho chuyện đó thành sự thật.

[8] Gottfried Duden (1789-1856): một nhà văn Đức di cư tới Mỹ vào đầu thế kỷ mười chín. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Report of a journey to the western states of North America (Ghi chép về một chuyến đi tới các bang phía Tây của miền Bắc nước Mỹ).

Khái niệm về công dân Tân Thế Giới giỏi giang và táo bạo này là một ý tưởng thật hấp dẫn. Isabel Bird, nhà văn viết du ký người Anh, nổi tiếng có giọng văn điềm đạm và khách quan, dường như không tài nào ngăn nổi mình xuýt xoa đầy phấn khích khi hỏi chuyện những người đàn ông vạm vỡ cường tráng mà cô liên tục gặp trong suốt hành trình trên đất Mỹ vào những năm 1850:

“Quả thực chẳng thể nào đưa ra một ý niệm về 'Người Đàn Ông Miền Tây' với bất kỳ ai chưa từng thấy ít nhất một người làm hình mẫu... cao lớn, đẹp trai, ngực nở vòng cung và dáng người lực lưỡng, mũi khoằm, đôi mắt xám sắc bén, tóc và râu quai nón màu nâu quăn tít. Họ mặc áo khoác da, quần da ống bó, đi ủng to thêu hoa văn ở mũi và gắn đinh thúc ngựa bằng bạc, chít trên đầu tấm vải đỏ khâu bằng chỉ vàng óng ánh đã hơi xỉn màu rõ ràng là món quà của những người đẹp đem lòng yêu diện mạo điển trai và tác phong bạt mạng của những tay thợ săn này. Nơi nào họ hiện diện, nơi ấy sự tẻ ngắt không còn; họ biết kể chuyện; huýt sáo theo nhạc, ca hát… Tâm hồn ngập tràn thanh thản, vui tươi, họ kể những câu chuyện sinh động về đời sống miền Tây, lịch lãm trong phong cách và tự do như ngọn gió.”

Này! Tôi không sống vào thời đó. Khó mà biết những lời hoa mỹ này dựa trên sự thực mấy phần còn mấy phần là sản phẩm của một tờ báo ngoại quốc đầy phấn khích hăm hở chứng thực Thứ Mới Tuyệt Diệu (New Big Thing) này. Tuy nhiên, điều tôi biết chắc chắn là chúng tôi, những người Mỹ, đón nhận lời tán dương đó. Chúng tôi đón nhận và đặt nó thêm vào bàn tiệc thịnh soạn đã bày sẵn với những truyền thuyết nội sinh trong lòng nước Mỹ cho tới khi chúng tôi chế biến được một khái niệm vô cùng phổ biến về chuyện Người Đàn Ông Mỹ là ai và Người Đàn Ông Mỹ đã hình thành như thế nào. Anh ta là Pecos Bill[9]. Anh ta là Paul Bunyan[10]. Anh ta đổi dòng chảy của sông ngòi với sự giúp sức của con bò mộng to khỏe, anh ta dùng rắn chuông làm dây cương để thuần ngựa hoang, và anh ta là người hùng có quyền năng vô hạn được tạo ra thông qua mối giao hảo đầy tính khai minh với vùng biên. Ai cũng biết điều đó.

[9] Pesco Bill: nhân vật truyền thuyết dân gian Mỹ, một anh chàng cao bồi điển hình.

[10] Paul Bunyan: nhân vật truyền thuyết dân gian Mỹ, một người khổng lồ có khả năng đốn củi đặc biệt, phi thường.

Vậy nên Frederick Jackson Tumer không phải là người duy nhất thấy bức xúc khi vào năm 1890 có tin từ Bộ Thống kê Dân số là vùng biên giới nước Mỹ đột ngột chính thức đóng cửa. Tuy nhiên ông là người đầu tiên đặt ra câu hỏi sự bế quan này có ảnh hưởng thế nào tới những thế hệ tương lai. Nỗi bức xúc của ông nhân rộng; những trăn trở của ông lan xa. Không có vùng hoang dã làm mảnh đất thực nghiệm, rồi đây những cậu bé của chúng ta sẽ thành cái gì?

Ồ, chúng có thể thành ra bạc nhược, hư đốn, suy đồi.

Lạy Chúa, chúng có thể trở thành người châu Âu.

Tôi gặp Eustace Conway lần đầu tại thành phố New York. Đó là năm 1993.

Tôi gặp Eustace thông qua Judson, em trai anh, một chàng cao bồi. Judson và tôi từng làm việc cùng nhau ở một nông trại trên vùng núi Wyoming. Thời ấy tôi hai mươi hai tuổi, thể hiện cứ như mình là một cô nàng cao bồi miền Tây - kể cũng làm bộ hơi thái quá, bởi cái sự thật phiền hà là tôi đã từng là vận động viên khúc côn cầu trên cỏ thời còn ở Connecticut. Nhưng tôi đến Wyoming bởi vì tôi đang tìm kiếm một nền giáo dục và một sự chân thực mà tôi nghĩ không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu ngoại trừ vùng biên nước Mỹ hay những gì còn lại của vùng biên

Tôi tìm kiếm vùng biên nước Mỹ này hăm hở chẳng khác gì cha mẹ tôi từng tìm kiếm hai thập kỷ trước, khi họ tậu ba mẫu đất ở New England và làm như mình là những người khai khẩn - chúng tôi nuôi gà, dê và ong, tự trồng lấy mọi loại lương thực cho gia đình, tự may áo quần, gội đầu trong thùng nước mưa, và sưởi ấm căn nhà (chỉ có hai phòng) nhờ củi tự tay bổ lấy. Cha mẹ tôi cố hết sức dưỡng dục hai chị em tôi trong môi trường khắc nghiệt kiểu thế kỷ mười chín, mặc dù chúng tôi đang sống trong những năm cuối thời Reagan tại một trong những khu dân cư giàu có nhất Connecticut và trang trại nhỏ biệt lập kiểu vùng biên của chúng tôi thực ra nằm ngay bên một xa lộ chính cách câu lạc bộ của giới nhà giàu chưa tới hai cây số.

Nhưng mà, thế thì có sao? Chị gái và tôi được khuyến khích không để tâm tới thực tế này. Chúng tôi mặc váy tự khâu mà đi hái quả những cây mâm xôi mọc trong mương rãnh dọc con đường đó trong khi ô tô ào ào phóng qua và xe tải mười tám bánh chạy qua làm rung chuyển cả mặt đất.

Chúng tôi tới trường với dấu vết của công việc buổi sáng là sữa dê khô trên ống tay áo. Chúng tôi được dạy không quan tâm nhiều đến những giá trị của bối cảnh văn hóa bao quanh mà tập trung vào nguyên lý cổ xưa và thiêng liêng hơn của người Mỹ: Khả năng xoay xở chỉ đứng sau lòng ngoan đạo thôi.

Thế nên có lẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi, bước sang tuổi hai mươi hai, tôi quyết định mình sẽ không thỏa mãn với việc tiếp tục học hành trường lớp hay ổn định cuộc sống bằng một nghề đáng kính nào đó. Tôi có những nguyện vọng khác. Tôi muốn tìm hiểu những giới hạn của khả năng xoay xở của chính mình, và những giới hạn ấy, tôi tin mình chỉ có thể tìm ra ở một nơi như Wyoming. Tôi được khởi hứng từ hình mẫu là cha mẹ mình và bởi lời khuyên nhủ đầy khích lệ của Walt Whitman[11] dành cho thanh niên Mỹ thế kỷ mười chín: “Không tiến lên từ sách vở nữa! Hãy tiến lên từ đất nước của chính bạn! Hãy đi tới miền Tây và miền Nam! Sống giữa những người đàn ông, với tinh thần của những người đàn ông! Thuần ngựa, trở thành kẻ thiện xạ xuất sắc và tay chèo tráng kiện…”

[11] Walt Whitman (1819-1892): nhà thơ, nhà báo, nhà viết tiểu luận, nhà văn

Nói cách khác, tôi tới Wyoming để kiến tạo một người đàn ông trong chính mình.

Tôi yêu công việc nông trại. Tôi nấu ăn dọc đường. Tôi phi ngựa vào vùng hoang dã, tôi ngồi quanh lửa trại, tôi uống rượu rồi kể chuyện và chửi thề bằng giọng phát âm không chuẩn[12] và về cơ bản là khoác lên mình một phong cách chân thực giả hiệu điển hình. Khi có người lạ nào ở Wyoming hỏi tôi từ đâu tới, tôi sẽ nói, “Lubbock, Texas.” Chỉ cần không ai đặt thêm câu hỏi nào nữa thì nói chung tôi được chấp nhận là một cô nàng cao bồi đích thực. Những tay cao bồi khác ở nông trại thậm chí còn đặt một cái tên cao bồi thứ thiệt cho tôi. Tất cả bọn họ gọi tôi là Blaze.

[12] Nguyên văn “droppin’ all my g’s”. Ở đây có nghĩa là những tay cao bồi thường nuốt âm “g” trong các từ có đuôi “ing”.

Nhưng chỉ vì tôi yêu cầu họ làm vậy.

Tôi là một kẻ giả hiệu trăm phần trăm. Nhưng sự giả hiệu này, tôi biện hộ, đơn giản là quyền của tôi và là đặc quyền của một công dân Mỹ trẻ tuổi. Tôi đang đi theo truyền thống của đất nước. Tôi không giả tạo gì hơn so với Teddy Roosevelt[13] một thế kỷ trước, khi ông rời thành phố New York như một cậu công tử bột được nâng niu chiều chuộng mà thẳng tiến tới miền Tây để rồi trở thành một thanh niên tráng kiện. Ông viết gửi về nhà những lá thư hầu hết đầy tự mãn và tự thức, khoe khoang về các trải nghiệm gian truân cũng như quần áo cực kỳ nam tính của mình. (“Anh sẽ kinh ngạc khi thấy tôi cho mà xem,” Roosevelt viết cho một người bạn sống ở miền Đông, “đội chiếc mũ vành rộng này, mặc áo da hoẵng đính cườm và có tua rua, quần da ngựa hoặc quần ống bó, đi ủng da bò có dây thắt làm bằng thừng bện và gắn đinh thúc ngựa bằng bạc.”) Tôi biết lá thư này. Chính tôi cũng đã viết những lá thư như thế hàng tá lần, cho hàng tá người. (“Tuần trước con mới mua một đôi bốt da rắn,” từ nông trại tôi viết về cho cha mẹ vào năm 1991, “thế mà giờ con đã vầy nát nó khi làm việc trong bãi chăn thả gia súc, nhưng trời ạ, nó là để dùng vào việc này mà.”)

[13] Theodor Roosevelt (1858-1919): Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, nổi tiếng không chỉ bởi nhiều thành tựu chính trị mà còn bởi vẻ nam tính như những tay cao bồi. Dân chúng thường gọi ông là Teddy.

Tôi gặp Judson Conway ngày đầu tôi tới nông trại. Anh là thứ đầu tiên tôi để ý tới sau cả chặng đường dài chạy xe lên vùng núi Wyoming hùng vĩ đó, và tôi tựa hồ như đã phải lòng anh. Tôi không yêu Judson theo kiểu “Mình cưới nhau đi!” Tôi yêu anh theo kiểu “Ôi chao ơi!” Bởi vì khoảnh khắc ấy Judson Conway trông thế này: mảnh khảnh, đẹp trai, khuôn mặt hơi khuất dưới chiếc mũ cao bồi, và bụi bặm một cách cực kỳ quyến rũ. Tất cả những gì anh phải làm là đi dạo bên tôi với dáng vẻ phong trần đầy gợi cảm (thể hiện phong cách Hollywood kinh điển kiểu Xin lỗi quý cô, tôi vừa xuống ngựa sau chặng đường dài), tôi lập tức trở thành một tín đồ.

Tôi bị Judson cuốn hút bởi vì tôi là một cô gái mà anh thì quá đẹp trong khi tôi đâu có đui chột gì, nhưng tôi còn nhận thấy ở anh một sự tương đồng gần gũi. Giống như tôi, Judson hai mươi hai tuổi và cũng là một kẻ giả hiệu trăm phần trăm. Anh cũng chẳng phải dân miền Tây thứ thiệt gì hơn so với người bạn mới Blaze của anh. Và cả hai chúng tôi cũng không phải dân miền Tây thứ thiệt gì hơn so với Frank Brown, một chàng cao bồi hai mươi hai tuổi khác làm việc tại nông trại. Anh là chàng sinh viên từ bang Massachusetts đến, hiện thời lấy biệt danh là Buck. Và rồi cả Hank nữa, tay cao bồi đội trưởng của chúng tôi, kẻ mà cứ đến giờ phi ngựa ra ngoài đồng là lại hét lên, “tất cả các cậu, quất ngựa thôi!”, ấy thế mà hóa ra bố anh là tổng chưởng lý bang Utah. Tất cả chúng tôi đóng chung một màn trình diễn.

Nhưng Judson là người tôi yêu mến nhất, bởi vì anh có màn trình diễn ngon lành hơn bất kỳ ai. Anh có chút lợi thế văn hóa là ít nhất cũng sinh trưởng ở miền Nam nên anh có thể nói giọng lè nhè. Anh tuyệt không chê vào đâu được. Walt Whitman hẳn phải mê đắm cách Judson đang sống. Anh có tài thiện xạ và thành thạo thuật chèo thuyền, nhưng đồng thời anh cũng đã từng ngồi trong toa chở hàng hoặc quá giang trên thùng sau xe tải để đi chu du khắp nước Mỹ, đã hôn bao cô gái ở khắp mọi nơi, đã học được cách trở thành người kể chuyện tuyệt vời và tay thợ săn cự phách. Và là một kỵ sĩ cừ khôi! Anh đã tự học nhiều thủ thuật như đu lên mình ngựa và nhảy phóc xuống khi ngựa đang chạy, và rất nhiều trò tiêu khiển khác không hoàn toàn có ích cho công việc nông trại nhưng vô cùng thú vị.

Anh và tôi đã có khoảng thời gian hai năm liền vui vẻ làm việc bên nhau ở Wyoming đó, sau đấy mỗi chúng tôi đi con đường riêng của mình. Nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Như một người lính đẹp trong cuộc Nội chiến, Judson kiên trì trao đổi thư một cách hùng hồn và thủy chung qua đường bưu điện. Không bao giờ gọi; luôn là viết. Và anh có bao nhiêu điều để viết, bởi vì đây là cuộc đời tuyệt diệu mà anh đã tạo dựng cho chính mình: anh dành trọn mùa xuân đi săn chim bồ câu ở quê nhà Bắc Carolina, mùa hè làm người hướng dẫn câu cá ở Alaska, mùa thu làm người hướng dẫn săn nai sừng tấm ở Wyoming, còn mùa đông thì giúp du khách bắt cá biển nhiệt đới tại quần đảo Florida.

“Dốc lòng học cách câu cá biển và hy vọng nhận được công việc trên tàu thuê bao” anh viết cho tôi, trong lần đầu tới Florida. “Tôi đang ở cùng với đôi vợ chồng mà có lần tôi dẫn đi cưỡi ngựa ở Wyoming. Trò chuyện qua lại, và giờ tôi ở đây… Đang dành rất nhiều thời gian ở Vườn Quốc gia Everglades, ngắm chim và vật nhau với cá sấu.”

“Không phải kiếm sống,” anh viết, trong lần đầu tới Alaska, “đơn giản là sống.”

Judson luôn hứa một khi nào đó anh sẽ tới thăm tôi ở thành phố New York nơi tôi chuyển tới sống từ dạo ấy. (“Sông Hudson có cá không?”) Nhưng nhiều năm rồi anh không tạt qua, và tôi cũng không khi nào thực sự mong đợi anh tới. (“Lấy chồng chưa vậy?” cuối cùng anh viết, sau một lá thư dài của tôi. “Chắc là tôi đã đợi quá lâu mà không tới thăm...”) Và rồi một hôm, nhiều năm sau lần cuối chúng tôi nói chuyện trực tiếp, anh gọi điện. Bản thân điều này thật đáng kinh ngạc. Judson không sử dụng điện thoại, không đâu, chừng nào còn có bao nhiêu con tem rất đẹp để dùng. Nhưng cuộc gọi rất khẩn. Anh bảo với tôi anh sẽ bay tới New York ngày hôm sau, để viếng thăm. Chỉ là ý thích bất chợt thôi, anh nói. Chỉ muốn xem một thành phố lớn trồng như thế nào, anh nói. Và rồi anh cũng nói thêm là anh trai anh, Eustace, sẽ đi cùng.

Quả nhiên, sáng hôm sau anh em nhà Conway đến. Họ bước ra khỏi chiếc taxi màu vàng ngay trước căn hộ tôi ở và tạo ra một hình ảnh thật hết sức tương phản, kỳ quặc. Một Judson điển trai, giống như một chàng thanh niên trong “Bonanza”[14]. Còn kia, ngay bên cạnh anh, là anh trai anh, Davy Fuckin' Crockett[1.

[14] Bonanza: series truyền hình nổi tiếng về miền Tây của đài NBC, Mỹ, chiếu suốt từ 1959 tới 1973.

[15] David Crockett (1786-1836]: nhà chính trị, người anh hùng của vùng biên nước Mỹ. Ông nổi tiếng hơn với tên David Crockett và sau này là biệt hiệu “Chúa tể vùng biên hoang dã.”

Tôi biết đây là Davy Fuckin' Crockett bởi đó là cái tên mà ai trên phố New York cũng liền cất tiếng gọi gã trai đó.

“Ôi trời ơi! Davy Fuckin' Crockett đấy!”

“Xem Davy Fuckin' Crockett này!”

“Vua của vùng biên hoang dã, quỷ thần ơi!”

Tất nhiên một số người New York nhầm anh với Daniel Fuckin' Boone[16], nhưng ai cũng có gì đó để nói về vị khách kỳ lạ này, một kẻ lẳng lặng đi qua những con phố Manhattan, mặc đồ da hoẵng tự khâu và giắt một con dao cực kỳ ấn tượng nơi thắt lưng.

[16] Daniel Boone (1734-1820): một trong những người khai khẩn tiên phong vĩ đại nhất nước Mỹ.

Davy Fuckin' Crockett.

Vậy đấy, tôi đã gặp Eustace Conway như thế.

Trong suốt hai ngày sau đó, trên khung nền chẳng tương thích của thành phố New York, tôi được nghe toàn bộ cuộc đời Eustace Conway. Một đêm, Judson, Eustace và tôi đi uống ở một quán bar tuềnh toàng tại khu East Village, và trong khi Judson say sưa khiêu vũ với các cô gái xinh đẹp và tỉ tê những mẩu chuyện ly kỳ về cuộc đời trên trang trại ở Wyoming, Eustace ngồi trong một góc với tôi và khẽ khàng giải thích mười bảy năm qua anh đã sống trong một túp lều chóp nhọn, ẩn mình ở phía Nam dãy Appalachia thuộc Bắc Carolina như thế nào. Anh gọi nhà mình là Đảo Rùa, theo tên con rùa tráng kiện trong truyền thuyết sáng thế của thổ dân châu Mỹ đã mang trên lưng mình toàn bộ sức nặng của trái đất. Eustace kể với tôi, anh sở hữu một ngàn mẫu đất trong khu rừng đó - một vùng lòng chảo được rào chắn hoàn hảo và bất khả xâm phạm, với một đường phân nước[17] được bảo vệ.

[17] Đường phân nước: đường trên vùng đất cao nơi các dòng suối ở một bên chảy vào một con sông hoặc biển, còn suối ở phía bên kia chảy vào một con sông hoặc biển khác.

Tôi cảm thấy thật lạ làm sao một người chuyên ăn thịt thú có túi và chùi đít bằng lá rừng lại có thể xoay xở có được một ngàn mẫu đất vùng hoang dã nguyên sơ. Nhưng như về sau tôi khám phá ra, Eustace Conway là một người đàn ông khôn ngoan vô cùng. Theo thời gian, anh đã tích lũy dần dần phần đất đó nhờ chỗ tiền anh kiếm được bằng cách đi tới các trường học địa phương mà trò chuyện với đám học trò đầy háo hức nghe về chuyện ăn thịt thú có túi và chùi đít bằng lá. Đất đai, anh tuyên bố, là phí tổn lớn duy nhất trong đời anh. Mọi thứ khác mà anh cần anh đều có thể làm ra, xây nên, nuôi trồng, hoặc giết. Anh săn bắn để có thức ăn, uống nước từ mặt đất, tự làm ra quần áo...

Eustace bảo với tôi là mọi người có xu hướng lãng mạn hóa lối sống của anh. Bởi vì khi mọi người lần đầu hỏi anh làm gì để sống, bao giờ anh cũng trả lời, “Tôi sống trong rừng.” Mọi người bèn hết sức mơ mộng mà thốt lên rằng, “Ôi! Rừng! Rừng! Tôi thích rừng lắm!” cứ như thể Eustace dành cả đời mình để nhấm sương từ hoa cỏ vậy. Nhưng đó không phải là kiểu sống trong rừng mà Eustace Conway muốn nói.

Mấy năm trước có chuyện thế này. Trong chuyến ra ngoài săn hươu nai vào mùa đông, anh bỗng thấy một con hoẵng tám đốm tuyệt đẹp đang phóng qua bụi cây. Anh bắn. Con hoẵng ngã xuống. Không biết mình đã giết chết con vật chưa, anh chờ hồi lâu xem liệu nó có thể gượng dậy mà cố chạy chăng. Không hề cựa quậy. Chầm chậm, khe khẽ, Eustace rón rén bước tới chỗ mà con vật đã ngã xuống thì thấy con hoẵng thật lớn, nằm nghiêng, thoi thóp thở, hơi máu đỏ lòm thoát ra từ mũi. Đôi mắt của con vật động đậy; nó vẫn còn sống.

“Dậy đi, người anh em!” Eustace quát lên. “Dậy đi để tao kết liễu mày!”

Con vật không nhúc nhích. Eustace không muốn phải nhìn nó nằm đó, vẫn còn sống và bị thương, nhung anh cũng không muốn bắn thẳng vào cái đầu xinh đẹp của nó, vậy nên anh rút con dao giắt ở thắt lưng ra đâm vào tĩnh mạch cảnh của con hoẵng. Con hoẵng giãy bật dậy, vẫn còn sống mạnh, và quật nhanh bộ gạc. Eustace nắm lấy những nhánh gạc, vẫn cầm chặt dao, và cả người lẫn thú bắt đầu một trận vật lộn, bật qua bật lại bụi cây, lăn xuống đồi, con hoẵng đâm nhào, Eustace cố lái những nhánh gạc nặng trịch của nó vào cây cối và đá tảng. Cuối cùng, anh thả một tay ra và dùng dao cứa ngang cổ con hoẵng, cắt rách toạc các tĩnh mạch, động mạch và khí quản. Nhưng con hoẵng vẫn tiếp tục chiến đấu, cho tới khi Eustace vùi được mặt nó xuống đất, dận gối lên đầu nó làm nghẹt thở con vật đang giãy chết. Sau đó anh vục hai tay vào cổ con vật rồi quẹt máu khắp mặt mình, vừa khóc vừa cười và dâng một lời cầu nguyện tạ ơn ngây ngất lên vũ trụ về sự hùng tráng phi thường của con vật, kẻ đã vô cùng quả cảm dâng hiến đời mình để duy trì sự sống của chính anh.

Đó mới là ý nghĩa của sống trong rừng đối với Eustace Conway.

Buổi sáng sau hôm nói chuyện trong quán bar, tôi đưa anh em nhà Conway đi dạo qua Công viên Quảng trường Tompkins. Ở đó, tôi lạc mất Eustace. Tôi tìm không thấy anh đâu cả, và tôi bắt đầu lo lắng, sợ rằng một khi không ở trong môi trường của mình, anh sẽ không xoay xở được và có thể bị hại. Nhưng khi tôi tìm được Eustace, anh đang trò chuyện rất vui vẻ với băng nhóm buôn ma túy đáng sợ bậc nhất mà ta chẳng bao giờ muốn đụng mặt. Bọn họ đã gạ Eustace Conway mua cocain và anh lịch sự từ chối, tuy nhiên anh lại đang trò chuyện với họ về những chủ đề khác.

“Này, anh bạn,” đám buôn ma túy đang hỏi anh khi tôi đi tới, “anh mua cái áo chết tiệt đó ở đâu thế?

Eustace giải thích với đám buôn ma túy rằng thực ra áo này anh không mua; anh tự làm ra nó. Bằng da nai. Anh miêu tả chính xác mình đã bắn con nai như thế nào bằng một cây súng hỏa mai màu đen, lột da con nai (“bằng chính con dao này!”), dùng óc của chính con nai ấy để làm mềm da, rồi khâu da lại thành chiếc áo, dùng gân dọc xương sống con nai làm chỉ. Anh bảo đám buôn ma túy rằng đó không phải việc quá khó, bọn chúng cũng làm được thôi. Và nếu bọn chúng tới thăm Đảo Rùa nhà anh trong núi, anh sẽ dạy bọn chúng đủ kiểu tuyệt diệu để sống được trong môi trường tự nhiên.

Tôi lên tiếng, “Eustace, chúng ta đi thôi.”

Mấy kẻ buôn ma túy bắt tay anh và nói, “Mẹ kiếp, Hustice. Anh thật khác người.”

Nhưng đó là cách Eustace vẫn luôn tác động tới cả thế giới - tận dụng mọi cơ hội để dạy mọi người về tự nhiên.

Điều đó cho thấy Eustace không chỉ là một tu sĩ hay một kẻ hippy hay ngay cả là một survivalist, kẻ muốn chứng minh khả năng sống sót của bản thân trong vùng hoang dã. Anh không sống trong rừng vì anh trốn tránh chúng ta, hay vì anh đang trồng loại cỏ kỳ diệu, hay vì anh đang tàng trữ súng ống cho cuộc chiến tranh chủng tộc sắp nổ ra. Anh sống trong rừng vì anh thuộc về nơi ấy. Không chỉ thế, anh còn cố thuyết phục người khác vào rừng sống cùng anh, bởi vì anh tin đó là thiên chức đặc biệt của mình - là cứu lấy linh hồn chung của dân tộc chúng ta bằng cách giúp người Mỹ làm quen lại với khái niệm về mối tương thông có tính khai minh giữa họ với vùng biên. Điều đó cho thấy Eustace Conway tin anh là Người Mang Sứ Mệnh.

Eustace sáng lập ra Đảo Rùa - vũ trụ hoàn hảo rộng một ngàn mẫu do chính anh thiết kế - như phương tiện dạy dỗ căn bản, một trường đại học thực tế, một tu viện hoang dã. Bởi vì, sau những năm nghiên cứu các xã hội nguyên thủy và sau vô số kinh nghiệm thay đổi bản thân trong thế giới hoang dã, Eustace đã hình thành được một chủ thuyết mạnh mẽ. Anh tin chắc rằng cách duy nhất để nước Mỹ hiện đại có thể bắt tay vào đảo ngược lại sự mục nát, thói tham lam và tình trạng bất ổn cố hữu là cảm nhận niềm hân hoan sảng khoái vô bờ có được từ những cuộc gặp gỡ trực diện với cái mà anh gọi là “nghệ thuật đỉnh cao và sự thần thánh của thiên nhiên

Anh tin rằng người Mỹ chúng ta, qua sự phấn đấu không ngừng để đạt được lợi ích vật chất, đang tiêu diệt mất vẻ đẹp hoang dã và khai trí của môi trường đích thực và thay thế vẻ đẹp đó bằng một “môi trường” an toàn nhưng hoàn toàn giả tạo. Điều Eustace thấy là một xã hội có thể nói là đang dần dần tự phá hủy bản thân bằng chính tài tháo vát thái quá của mình. Thông minh, đầy tham vọng, và luôn luôn tìm kiếm hiệu suất cao hơn, người Mỹ chúng ta, trong vòng hai thế kỷ ngắn ngủi, đã sáng tạo ra cả một thế giới tiện dụng bất tận cho mình. Những nhu cầu căn bản của con người - thức ăn, quần áo, nhà cửa, giải trí, giao thông vận tải, và thậm chí cả thú vui nhục cảm những thứ đó, con người không còn cần phải đích thân làm ra hay trọng thị hay thậm chí là hiểu nữa. Tất cả những thứ này giờ đây đã có sẵn cho chúng ta, chỉ cần có tiền là mua được. Hay thẻ tín dụng. Có nghĩa là không ai cần biết cách làm ra bất cứ thứ gì nữa, ngoại trừ một kỹ năng hạn hẹp duy nhất giúp kiếm đủ tiền để trang trải cho những tiện ích và dịch vụ của cuộc sống hiện đại.

Nhưng bằng cách thay thế mọi thách thức bằng một giải pháp đơn giản, chúng ta dường như đã đánh mất cái gì đó, và Eustace không phải là người duy nhất cảm thấy nỗi mất mát đó. Chúng ta là những con người ngày càng bị trầm uất và hay âu lo - mà chẳng vì điều gì cả. Có thể cho rằng tất cả tiện ích này được chúng ta tiếp nhận là để tiết kiệm thời gian cho chúng ta. Nhưng thời gian để làm gì? Sau khi đã sáng tạo ra một hệ thống lo cho mọi nhu cầu mà không đòi hỏi ở chúng ta quá nhiều nỗ lực hay sức lao động, giờ đây chúng ta có thể lấp đầy những giờ ấy bằng...?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3