Máu Lạnh - Phần IV - Chương 1

Phần 4: Cái

Vẻ trang nghiêm nhà nước và nét gia đình xởi lởi cùng tồn tại trên tầng
năm của Tòa án hạt Finney. Trại giam của hạt ở đây cho ra chất lượng hàng đầu,
còn Dinh Cảnh sát trưởng, một tòa nhà trông thích mắt nằm tách biệt với nhà tù
bởi những cánh cổng sắt và một hành lang ngắn thì cho chất lượng thứ nhì.

Tháng Giêng năm 1960, người cư ngụ trong Dinh Cảnh sát trưởng trên thực
tế lại không phải cảnh sát trưởng, Earl Robinson, mà là phó cảnh sát trưởng
cùng vợ, Wendle và Josephine (“Josie”) Meier. Vợ chồng Meier lấy nhau đã hơn
hai chục năm, rất giống nhau: vóc người cao lớn, dư thừa cân nặng và sức lực,
bàn tay rộng bè, khuôn mặt hiền lành, vuông vức và bình tĩnh - điều sau này
đúng với bà Meier hơn, một phụ nữ trực tính và thực tế tuy vậy hình như lại
được một niềm thanh thoát bí ẩn nào đó thắp sáng ở bên trong. Với tư cách bạn
đời của phó cảnh sát trưởng giờ giấc của bà rất là dài; giữa khoảng từ năm giờ
sáng, khi bà bắt đầu một ngày bằng việc đọc một chương Kinh Thánh cho đến mười
giờ tối, giờ đi ngủ, bà nấu ăn, khâu vá cho tù, mạng, giặt giũ quần áo cho tù,
chăm sóc ông chồng hết mức, và dọn dẹp căn hộ năm phòng đầy những cái đệm tú ụ
xen lẫn với những cái ghế xếp cùng những tấm rèm cửa sổ bằng đăng ten màu kem.
Nhà Meier có một con gái, con một, lấy chồng và sống ở Kansas City cho nên hai
vợ chồng sống một mình hoặc, như bà Meier sửa lại một cách chính xác, “Một
mình, trừ phi có ai vào ngồi ở trong xà lim phụ nữ.”

Trại giam có sáu buồng: buồng thứ sáu dành cho nữ tù, thực tế là một đơn
vị riêng biệt nằm ở trong Dinh Cảnh sát trưởng - trên thực tế là nó áp sát với
bếp nhà Meier. “Nhưng,” bà Josie Meir nói “không hề gì với tôi. Tôi lại thích
có người ở bên. Có người để mà trò chuyện trong khi làm bếp. Hầu hết các bà các
cô ở đấy, mình rồi cũng đến lúc thấy tiếc cho họ. Dĩ nhiên Hickock và Smith thì
khác. Như tôi biết đến nay thì Perry Smith là người đàn ông đầu tiên đến ở
trong xà lim nữ tù. Lý do là họ muốn giữ hắn và Hickock cách ly nhau cho tới
khi xét xử. Buổi chiều họ đưa hắn tới, tôi làm sáu cái bánh táo, nướng mấy ổ
bánh mì và suốt thời gian đó cứ theo dõi mọi sự diễn ra trên quảng trường dưới
kia. Cửa sổ bếp tôi mở nhìn xuống quảng trường, không đâu ông có thể nhìn được
rõ hơn đấy. Tôi không
đánh giá được lượng đám đông nhưng tôi đồ phải đến mấy trăm con người chờ xem
những đứa giết cả nhà Clutter. Bản thân tôi chưa gặp người nào của nhà này,
nhưng nghe chuyện về họ thì họ chắc phải là người tử tế lắm. Việc xảy ra với họ
khó lòng mà tha thứ được, tôi biết nhà tôi lo không rõ đám đông có thể làm gì
khi trông thấy mặt mấy tên kia. Ông ấy sợ có ai đó lại có sức len vào chỗ
chúng. Cho nên tôi hết cả hồn vía khi thấy xe hơi đến, thấy các phóng viên, cả
đám nhà báo vừa chạy vừa xô đẩy, nhưng lúc đó đã tối, đã quá sáu giờ, rét căm
căm - quá nửa đám đông đã chịu thua mà bỏ về nhà. Những ai còn lại thì chẳng la
ó gì đâu. Chỉ xem thôi.

Sau
đó, khi họ đưa đám kia lên gác rồi, người đầu tiên tôi trông thấy là Hickock.
Hắn mặc quần mỏng và chỉ có một cái sơ mi vải cũ kỹ. Thật ngạc nhiên là sao hắn
lại không bị viêm phổi, trời thì lạnh thế kia. Nhưng nom hắn ốm đau ra mặt.
Nhợt như con ma. Chà, hắn đã phải trải qua một điều kinh khủng còn gì - bị cả
một đám người lạ mặt nhìn ngó, phải đi lẫn vào trong người ta, mà người ta lại
biết mình là ai, mình đã làm gì. Rồi họ đưa Smith lên. Tôi đã chuẩn bị bữa tối
sẵn sàng cho họ ăn trong xà lim rồi, xúp nóng, cà phê và bánh kẹp thịt, bánh
táo. Bình thường chúng tôi cho ăn đúng có hai bữa một ngày. Điểm tâm lúc bảy
rưỡi, bốn rưỡi chiều thì bữa chính. Nhưng tôi không muốn những tay này đi ngủ
bụng lép kẹp; không có chuyện đó thì hình như họ cũng đã kiệt quệ lắm rồi.
Nhưng khi tôi đem bữa tối lên cho Smith, hắn lại bảo không đói. Hắn đang nhìn
qua cửa sổ xà lim nữ. Đứng quay lưng vào tôi. Cửa sổ ấy nhìn ra cũng quang cảnh
như nhìn từ cửa sổ bếp nhà tôi: cây cối, quảng trường và các mái nhà. Tôi bảo
hắn, ‘Hãy ăn lấy một ít xúp, nấu với rau mà, không phải đồ hộp đâu. Tôi nấu
đấy. Cả bánh táo cũng vậy.’ Khoảng giờ sau, tôi trở lại khay thì hắn chẳng đụng
đến một tí tẹo nào. Vẫn đứng bên cửa sổ. Từ ban nãy tới giờ. Trời tuyết và tôi
nhớ là đã nói tuyết đầu mùa đấy, mãi mới đây thôi ta hãy còn có một mùa thu
thật đẹp thật dài. Và giờ thì tuyết đã đến. Rồi tôi hỏi có món nào hắn thích ăn
không; nếu hắn thích thì hôm sau tôi sẽ làm cho hắn. Hắn quay lại nhìn tôi. Ngờ
vực, tuồng như tôi đang giễu hắn không bằng. Rồi hắn nói gì đến một bộ phim -
hắn có cái lối nói nhẹ nhàng, gần như thì thào vậy. Muốn biết tôi đã xem bộ
phim chưa. Tôi quên tên nhưng đằng nào thì tôi cũng chưa xem: không thích xi nê
lắm. Hắn nói bộ phim ấy kể chuyện thời Kinh Thánh, trong đó có cảnh một người
đàn ông bị ném từ ban công xuống, quẳng cho một đám đàn ông đàn bà xé anh ta ra
từng mảnh. Hắn nói khi thấy đám đông trên quảng trường hắn đã nhớ lại chuyện
đó. Người đàn ông bị xé ra từng mảnh. Và cái ý nghĩ là họ có thể làm như thế
với hắn. Nói hắn sợ đến nỗi bụng bây giờ vẫn còn đau, cho nên hắn không ăn
được. Dĩ nhiên hắn sai, tôi đã bảo hắn như vậy - không ai định hành hạ hắn đâu,
bất kể hắn đã làm cái gì; người ở quanh đây không giống như ở trong phim.

Chúng
tôi nói chuyện qua loa, hắn rất ngượng nghịu, nhưng một lúc sau hắn nói, ‘Có
một thứ tôi thật sự thích là cơm Tây Ban Nha.’ Thế là tôi hứa làm cho hắn một
ít và hắn cười, kiểu như là cười, và tôi dám chắc rằng hắn không phải là người
xấu xa nhất mà tôi từng gặp. Đêm đó, khi đi ngủ, tôi đã nói như thế với nhà
tôi. Nhưng Wendle cười hô hố. Nhà tôi là một trong những người đầu tiên có mặt
ở hiện trường sau khi phát hiện ra vụ án mạng. Ông ấy nói giá mà tôi có ở đấy
lúc họ tìm thấy mấy cái xác nhà Clutter. Chừng đó có thể tôi tự đánh giá lấy là
ông Smith nhẹ nhàng
lịch thiệp
như thế nào. Hắn
ta và bạn hắn, Hickock ấy. Nhà tôi nói bọn hắn có thể moi cả tim của bà ra mà
không hề chớp mắt tí nào đâu. Cái ấy thì chẳng phủ nhận được rồi - làm sao phủ
nhận được, bốn người bị chết cơ mà. Và tôi nằm đó trằn trọc, nghĩ liệu có đứa
nào trong bọn hắn day dứt về việc đó không nhỉ - khi họ nghĩ đến bốn nấm mồ
ấy.”

Một
tháng đã trôi qua, và một tháng nữa, gần như ngày nào cũng có tuyết rơi vào lúc
nào đó. Tuyết phủ trắng xóa cánh đồng lúa mì hung hung đỏ, chất đống trên đường
phố và làm cho chúng im lìm.

Những
cành cao nhất của một cây du nặng trĩu tuyết quệt vào cửa sổ xà lim nữ. Sóc
sống ở trên cây du này, và sau nhiều tuần mua chuộc chúng bằng những thứ thừa
của bữa điểm tâm, Perry đã dụ được một con ra khỏi cành cây mà đi lên bậu cửa
sổ, vào lọt qua chấn song. Đó là một con sóc đực có bộ lông màu nâu pha chút
tim tím. Perry gọi nó là Đỏ, và Đỏ mau chóng an cư, rõ ràng bằng lòng chia sẻ
cảnh bị giam cầm với người bạn. Perry dạy nó nhiều trò: chơi với một quả bóng
bằng giấy vo tròn, đứng trên hai chân sau xin ăn, vắt vẻo trên vai Perry. Tất
cả những cái đó giúp hắn qua ngày, nhưng vẫn còn nhiều giờ dài dằng dặc người
tù cần phải cho tiêu đi. Hắn không được phép đọc báo còn những tạp chí bà Meier
cho mượn, những tờ cũ rích, Làm nội trợ tốtMcCall’s thì
hắn ngán. Nhưng hắn tìm ra việc để làm: giũa móng tay bằng một miếng giấy ráp,
đánh móng tay thành màu hồng bóng có ánh bạc; chải đi chải lại bộ tóc rảy nước
hoa thơm lừng; đánh răng ba bốn lần một ngày; cạo râu và tắm vòi sen gần như
thường xuyên. Hắn giữ cho căn xà lim - gồm một góc vệ sinh, một chỗ tắm vòi
sen, một cái giường nho nhỏ, một cái ghế, một cái bàn cũng sạch sẽ gọn gàng như
người hắn. Hắn tự hào về một câu bà Meier khen hắn. “Xem này!” bà nói, tay chỉ
vào giường ngủ của hắn. “Xem cái chăn này! Anh có thể đánh đáo được đấy.” Nhưng
phần lớn những lúc thức hắn toàn ngồi ở bàn; hắn ăn ở đó, chính ở đó hắn ngồi
ký họa bức chân dung con Đỏ, vẽ những bông hoa, mặt Giê-su và mặt, thân những
người đàn bà tưởng tượng; và chính ở đó, trên những tờ giấy kẻ ngang rẻ tiền,
hắn đã ghi, như ghi nhật ký, những việc xảy ra hằng ngày.

Thứ Năm, mồng 7 tháng Giêng. Dewey ở đây. Mang một tút thuốc lá đến. Cả
những bản sao đánh máy lời khai của tôi để cho tôi ký. Tôi từ chối
.

“Lời
khai,” một tài liệu bảy mươi tám trang mà hắn đã đọc cho nhân viên tốc ký của
Tòa án hạt Finney ghi, thuật lại những lời tự thú của hắn với Alwin Dewey và
Clarence Duntz. Nói về việc gặp Perry Smith vào cái ngày đặc biệt ấy, Dewey nhớ
lại rằng ông rất ngạc nhiên thấy Perry từ chối ký vào lời khai. “Cái đó không
quan trọng: tôi vẫn có thể chứng thực với tòa về lời thú tội bằng miệng của hắn
với Duntz và tôi. Dĩ nhiên Hickock đã cho chúng tôi một bản thú tội có ký tên
khi chúng tôi còn ở Las Vegas - bản khai trong đó lên án Smith đã giết cả bốn
người. Nhưng tôi thắc mắc. Tôi đã hỏi Perry tại sao hắn lại đổi ý. Hắn nói,
‘Mọi điều trong lời khai của tôi đều chính xác, trừ hai chi tiết. Nếu ông cho
tôi chữa lại hai chỗ đó thì tôi sẽ ký.’ Được, tôi có thể đoán được hai chỗ mà
hắn nói. Vì chỗ khác nhau nghiêm trọng giữa lời khai của hắn và của Hickock là
hắn phủ nhận chuyện một mình hắn hạ sát cả nhà Clutter. Cho tới nay hắn vẫn thề
rằng Hickock đã giết Nancy và mẹ cô.


tôi đoán đúng - hắn muốn sửa chính là sửa chỗ đó: thừa nhận rằng Hickock đã nói
sự thật và hắn, Perry Smith, chính là kẻ đã bắn và giết cả nhà Clutter. Hắn bảo
hắn nói dối chuyện đó là vì, theo lời hắn, ‘Tôi muốn trả đũa Dick vì nó là một
đứa nhát gan đến thế. Nôn tóe hết ruột gan lên cái sàn nhà khốn khiếp.’ Còn lý
do để bây giờ hắn quyết định chữa lại cho đúng lời khai không phải là vì hắn
thình lình cảm thấy tử tế với Dick hơn. Hắn làm thế là vì cái tình của hắn đối
với bố mẹ Dick - hắn nói hắn buồn cho mẹ Dick. Hắn bảo ‘Bà ấy thực sự là người
hiền hậu dịu dàng. Bà ấy sẽ dễ chịu hơn nếu biết Dick không hề bóp cò súng.
Không có hắn thì toàn bộ vụ này đã không xảy ra, theo nghĩa nào đó thì phần lớn
là lỗi của hắn nhưng sự thật vẫn cứ là chính tôi đã giết họ.’ Nhưng tôi không
chắc là mình lại đi tin điều này. Không tin đến độ cho hắn sửa lời khai. Như
tôi nói, chúng ta không thể chỉ lệ thuộc vào một lời khai chính thức của Smith
để chứng minh cho bất cứ phần nào của vụ án này. Có hay không có lời khai ấy, những
gì chúng tôi đã có trong tay cũng đã đủ cho hai đứa nó bị treo cổ mười lần
rồi.”

Việc
thu hồi cái rađiô và cặp ống nhòm mà hai kẻ giết người đã ăn cắp ở nhà Clutter
sau đó đem đi cầm ở Mexico City (ở đó, nhân viên KBI là Harold Nye, bay đến chỉ
nhằm mục đích này, đã dò ra được chúng tại một hiệu cầm đồ) là hai trong các
yếu tố góp phần vào niềm tin của Dewey. Hơn nữa, trong khi đọc lời khai cho
người ta tốc ký, Smith đã để lộ ra sự thật về các bằng chứng có hiệu lực khác.
“Chúng tôi lên xa lộ và đi về phía Tây,” hắn nói, trong quá trình tả lại những
việc Hickock và hắn đã làm sau khi tẩu thoát khỏi nơi diễn ra vụ án. “Lái xe
như điên, Dick lái. Tôi nghĩ cả hai đứa lúc đó đều rất bốc. Tôi bốc. Cực bốc.
Mà đồng thời cũng rất thư thái. Cười hoài mãi không thôi, cả hai thằng; thình
lình mọi chuyện xem ra lại rất vui - tôi chẳng hiểu tại sao, vui là vui thế
thôi. Nhưng khẩu súng đang rỏ máu, áo quần tôi vấy máu, có cả máu trên tóc tôi.
Cho nên chúng tôi quẹo vào một con đường quê, lái đi chừng trăm dặm cho đến khi
ra đến đồng cỏ. Có thể nghe thấy tiếng chồn hoang. Chúng tôi hút thuốc, và Dick
pha trò về mấy chuyện đã xảy ra ở chỗ kia. Tôi xuống xe, bơm một ít nước ở
trong phuy nước ra để rửa sạch máu trên nòng súng. Rồi tôi đào một cái hố ở
dưới đất bằng con dao săn của Dick, con dao tôi đã dùng với ông Clutter, rồi
chôn mấy vỏ đạn rỗng vào trong đó cùng với chỗ băng dính và dây ni lông còn
lại. Sau đó chúng tôi lái đi đến quốc lộ 83, đi về phía Đông tới Kansas City và
Olathe. Khoảng rạng sáng Dick dừng lại ở một nơi dành cho người ta đi picnic:
cái mà họ gọi là chỗ nghỉ ngơi - ở đó có chỗ cho mình đốt lửa. Chúng tôi gầy
một đống lửa rồi đốt các thứ. Mấy đôi găng tay đã đi và áo sơ mi của tôi. Dick
nói hắn ước gì có một con bò để quay ăn, hắn nói chưa bao giờ đói thế này.
Chúng tôi đến Olathe thì trời gần trưa. Dick thả tôi xuống khách sạn rồi về nhà
ăn bữa tối với gia đình. Vâng, hắn mang con dao theo. Cả khẩu súng nữa.”

Các
nhân viên KBI được tung đến nhà Hickock đã tìm thấy con dao trong một hộp đựng
đồ nghề câu cá còn khẩu súng săn vẫn dựa thoải mái lên tường bếp. (Bố Hickock,
ông không chịu tin rằng “thằng bé” nhà ông lại dính vào một “vụ giết người
khủng khiếp” như thế, nhấn mạnh rằng khẩu súng chưa từng ra khỏi nhà từ tuần
đầu tháng Mười một, do đó không thể là vũ khí gây án), về các vỏ đạn rỗng, dây
thừng và băng dán thì đều đã lấy lại được nhờ sự giúp đỡ của Virgil Pietz, một
nhân viên của sở Giao thông Công chánh hạt, tại khu vực mà Perry Smith đã chỉ
ra anh này dùng một máy san đường chuyên dụng để rà cạo mặt đất từng ly một cho
tới khi moi ra được các món đã bị chôn vùi kia. Vậy là tấm lưới đã hoàn toàn
khép kín; nay KBI đã thu thập được bằng chứng về một vụ án rõ như ban ngày, vì
các xét nghiệm đã xác định rằng vỏ đạn đều được bắn ra từ khẩu súng săn của
Hickock, chỗ dây thừng và băng dính là cùng một gốc với vật liệu đã dùng để
trói và làm im miệng các nạn nhân.

Thứ Hai, 11 tháng Giêng. Có một luật sư. Ông Fleming. Ông già thắt cà
vạt đỏ
.

Được
các bị cáo cho hay họ không có tiền thuê luật sư theo luật định cho nên tòa án,
do Thẩm phán Roland H. Tate làm đại diện, đã chỉ định hai luật sư sở tại, ông
Arthur Fleming và ông Harrison Smith bào chữa cho hai gã. Fleming bảy mươi mốt
tuổi, nguyên thị trưởng Garden City, một người thấp lùn đeo những cái cà vạt khá
lạ mắt làm cho bề ngoài vô vị của ông trở nên sinh động hẳn lên, thì cưỡng lại
việc chỉ định này. “Tôi không muốn cãi cho tụi đó,” ông nói với thẩm phán.
“Nhưng nếu tòa thấy tôi hợp với việc đó thì dĩ nhiên tôi không còn lựa chọn
nào.” Luật sư đại diện cho Hickock, Harrison Smith, bốn mươi lăm, cao trên
thước tám, chơi golf, nhận nhiệm vụ với thái độ cam chịu: “Đằng nào cũng phải
có người làm việc đó, tôi sẽ cố hết sức mình. Nhưng tôi e việc này sẽ khiến cho
dân quanh đây chẳng ưa gì tôi đâu.”

Thứ Sáu, 15 tháng Giêng. Bà Meier đang chơi piano trong bếp nhà bà và
tôi nghe nói chưởng lý của hạt sẽ cố vận động án tử hình. “Người giàu đi với
người giàu. Thằng nghèo thì cứ thằng nghèo mà chơi.”

Khi
trả lời báo giới, chưởng lý của hạt, Duane West, một thanh niên hai tám tuổi
nhưng nom như bốn mấy hay thậm chí ngoài năm chục, đẫy đà và tham vọng, đã nói,
“Nếu đưa vụ án ra trước bồi thẩm đoàn mà tìm ra được chúng là thủ phạm, tôi sẽ
yêu cầu tuyên án tử hình. Nếu bên bị khước từ thẳng bồi thẩm đoàn mà tự thú
nhận mình có tội trước chánh án, tôi sẽ yêu cầu chánh án ban phán quyết tử
hình. Đây là một vấn đề mà tôi biết mình có nghĩa vụ quyết định, và tôi đã
không hề khinh suất khi quyết định. Tôi cảm thấy, xét tính chất tàn bạo của vụ
án và sự độc ác hoàn toàn không có chút lòng nhân, cho các bị cáo này hưởng án
tử hình chính là cách duy nhất để bảo vệ dân chúng một cách trọn vẹn, tuyệt
đối. Điều này đặc biệt đúng vì ở Kansas những kẻ nào không có khả năng giữ lời
hứa không tái phạm thì không có tư cách hưởng cái món tù chung thân. Những
người bị kết án tù chung thân trên thực tế thảy đều chịu án bình quân chưa tới
mười lăm năm.”

Thứ Tư, 20 tháng Giêng. Được yêu cầu giám định qua máy dò nói dối liên
quan đến cái vụ Walker
.

Một
vụ án như vụ Clutter, tội ác ở tầm cỡ to lớn như thế, đã khơi dậy sự quan tâm
của giới pháp luật ở khắp mọi nơi, đặc biệt là các điều tra viên đã từng gánh
vác các vụ án tương tự mà chưa được phá, bởi vì luôn có khả năng là giải được
một bí mật thì cũng sẽ giải luôn được một bí mật khác. Trong số nhiều sĩ quan
thắc mắc về các sự kiện ở Garden City có cảnh sát trưởng của hạt Sarasota,
Florida, Osprey thuộc hạt này, một cơ ngơi đánh cá không xa Tampa, nơi mà cảnh
bốn người ở một trại chăn nuôi hẻo lánh bị tàn sát đã được Smith đọc thấy trên
một tờ báo của Miami vào ngày lễ Nôen, sau tấn thảm kịch nhà Clutter hơn một
tháng chút ít. Các nạn nhân cũng lại là bốn thành viên của một gia đình: một
cặp vợ chồng trẻ, ông bà Clifford Walker cùng hai đứa con, một trai một gái,
tất cả đều bị bắn vào đầu bằng súng. Mặc dù vào đêm 19 tháng Mười hai năm ấy
hai tên giết nhà Clutter đang qua đêm ở khách sạn Tallahassee, song do không có
bất kỳ một đầu mối nào nên cũng dễ hiểu là cảnh sát trưởng Osprey đành phải
thẩm vấn hai gã và cho tiến hành kiểm tra bằng máy dò nói dối. Hickock bằng
lòng cho kiểm tra và Smith cũng vậy, Smith bảo nhà chức trách ở Kansas, “Lúc
đấy tôi đã để ý và bảo Dick, tớ đánh cuộc là cái làm trò này chắc hẳn đã đọc
báo về chuyện Kansas. Đúng là đồ ngu.” Kết quả kiểm tra là phủ định hoàn toàn,
này làm nhụt chí cảnh sát trưởng Osprey cũng như Al Dewey, người vốn không tin
vào những sự trùng hợp đặc biệt. Kẻ giết gia đình Walker cho đến nay vẫn không
thể biết là ai.

Chủ nhật, 31 tháng Giêng. Bố Dick đang ở đây thăm nom Dick. Chào khi
thấy ông đi qua
(cửa xà lim) nhưng ông
cứ đi. Có thể ông không nghe thấy tôi. Qua bà
(Meier) biết rằng bà (Hickock) không đến vì bà thấy khổ
quá. Tuyết rơi giống như con nhà thổ. Đêm qua mơ thấy lên Alaska với bố - tỉnh
dậy trong một vũng nước đái lạnh ngắt.

Ông
Hickock ở lại ba tiếng với con trai. Sau đó ông băng qua tuyết đi bộ thẳng đến
ga Garden City, một ông già mòn mỏi vì làm lụng, gù còng xuống và gầy quắt lại
vì bệnh ung thư sẽ giết ông trong vài tháng nữa. Ở ga, trong khi chờ chuyến tàu
hồi hương, ông nói với một phóng viên: “Ừ thì tôi đã gặp Dick. Hai bố con nói
chuyện nhiều. Và tôi có thể bảo đảm với ông là chuyện không như thiên hạ nói
đâu. Hay như là đã đem bày lên mặt báo, chả có gì giống như vậy hết. Mấy đứa
này không đến cái nhà đó với ý định làm càn. Con trai tôi thì không. Nó có thể
có vài ba mặt xấu nhưng không thể nào tồi tệ đến thế cả. Smitty mới là đứa như
thế. Dick bảo là khi Smitty đánh người đó (ông Clutter) và cắt cổ ông ta thì nó còn không biết cơ
mà. Dick lúc ấy thậm chí không phải ở cùng một buồng với Smitty. Nó chỉ chạy
vào khi nghe thấy tiếng họ vật lộn. Dick đang cầm súng săn và nó tả cho tôi
nghe thế này: ‘Smitty giằng súng của con mà bắn bể đầu ông đó.’ Rồi nó bảo, ‘Bố
ạ, lẽ ra con phải giằng lấy súng mà bắn chết thằng Smitty đi cơ. Giết nó đi trước
khi nó giết mấy người còn lại. Nếu con làm thế thì con đã ở vào thế tốt hơn bây
giờ.’ Tôi cũng nghĩ vậy. Cứ như thế này, cứ cái kiểu người ta cảm thấy như thế
này thì nó chẳng có cơ may nào. Ho sẽ treo cổ cả hai thôi. Và,” ông già nói
thêm, mệt mỏi và tuyệt vọng lóe lên trong mắt, “có đứa con trai bị treo cổ,
biết nó sắp bị tới nơi rồi, chẳng có gì tồi tệ hơn có thể xảy ra với một con
người.”

Cả
bố lẫn chị Perry Smith đều không thư từ hay thăm nom gì hắn. Tex John Smith thì
viện cớ đang bận tìm vàng đâu đó ở Alaska! Tuy các nhà chức trách mặc dù rất cố
gắng nhưng không làm sao biết được nơi ông ta đang ở. Bà chị nói với các điều
tra viên rằng bà sợ đứa em trai, và xin họ chớ cho nó biết địa chỉ hiện tại của
bà. (Khi được báo tin này, Smith nhếch mép cười nói, ‘Tôi ước gì bà ấy có mặt ở
cái nhà đó ngày hôm ấy. Cảnh tượng ngọt ngào phải biết!’)

Trừ
con sóc, trừ ông bà Meier và Fleming, ông luật sư thảng hoặc đến gặp để tư vấn
cho hắn, Perry rất cô đơn. Hắn nhớ Dick. Hay nghĩ đến Dick, một hôm
hắn viết trong quyển nhật ký tự làm lấy như vậy. Từ khi chúng bị bắt, chúng
không được phép giao lưu với nhau, và ngoài tự do ra thì điều hắn khao khát
nhất là nói chuyện với Dick, lại ở với Dick. Dick không phải là “tảng đá rắn
câng” như từng có dạo hắn nghĩ về bạn hắn: “thực tế”, “nam tính”, “một chàng
trai gan lì thực sự”; nay thì Dick đã tự chứng tỏ là “khá yếu đuối và nông
cạn”, “một thằng nhát cáy”. Nhưng lúc này, trong tất cả mọi người ở thế gian
này, đó là người thân nhất của hắn, vì ít ra chúng cùng thuộc về một kiểu,
những anh em cùng nòi nhà Cain; tách khỏi Dick, Perry cảm thấy mình “hoàn toàn
cô độc. Giống như ai đó tràn ngập đau buồn. Một ai đó mà chỉ thằng nào ngu lắm
nó mới dính vào.”

Nhưng
rồi một buổi sáng giữa tháng Hai, Perry nhận được một bức thư. Đóng dấu bưu
điện bang Massachusetts. Thư viết:

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3