Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 10 - Chương 08 + 09
Phần
X
Chương
- 8 -
Bogutsarovo, trước khi công tước
Andrey đến ở, vẫn là một điền trang không được các chủ nhân lưu tâm đến, và
nông dân ở đấy cũng khác hẳn ở Lưxye Gorư. Khác cả về giọng nói, cả về cách ăn
mặc và cả về phong tục, tập quán. Người ta gọi họ là dân thảo nguyên. Lão công
tước thường khen họ có sức chịu đựng dẻo dai trong lao động những khi họ đến
Lưxye Gorư gặt hái giúp hay đào ao đào hào, nhưng vẫn không ưa họ vì cái tính
thô lỗ man rợ của họ.
- Nhưng việc cải cách của công tước
Andrey khi đến ở đây như lập nhà thương, mở trường học: giảm địa tô đã không
làm dịu bớt phong tục mà trái lại còn tăng thêm những nét thô bạo trong tính
cách của họ mà lão công tước gọi là dã man. Trong đám dân này bao giờ cũng có
những tin đồn đại mơ hồ, khi thì đồn là người ta sắp biến họ thành lính cô-dắc
hết, khi thì là người ta sắp bắt họ theo một tôn giáo mới, khi họ lại nói đến
những chỉ dụ của Sa hoàng đến lời tuyên thệ với hoàng đế Pavel năm 1797 cho cho
rằng ngay từ dạo ấy Sa hoàng đã ra lệnh giải phóng họ nhưng lệnh này đã bị các
trang chủ ỉm đi, khi thì họ nói rằng trong bảy năm nữa, Piotr Fiodorovich(1) sẽ
lên ngôi, mọi người sẽ tự do và mọi sự sẽ đơn giản đến nỗi không còn có gì nữa
cả. Những lời đồn đại về chiến tranh, về Bonaparte và cuộc xâm lăng đối với họ
lẫn lộn với những khái niệm không kém mơ hồ về Ma vương phản Cơ đốc, về ngày
tận thế và về tự do tuyệt đối.
(1)
Tức Pior đệ tam (1728-1762) một ông vua bị truất phế mà nông dân thường cho là
một bậc minh quân. Tuy Piort đã bị ám sát (do âm muu của hoàng hậu Ekaterina),
họ vẫn tin rằng ông ta còn lẩn khuất trong nước mà mưu toan khôi phục ngôi báu.
Quanh Bogutsarovo có những ấp trại
to, hoặc của nhà vua, hoặc của các trang chủ mà cư dân đều là nông dân tá
điền(2). Trang chủ ở hẳn trong vùng này rất hiếm, gia nhân và nông dân biết chữ
cũng rất ít, và những trào lưu bí ẩn trong đời sống dân gian Nga mà người đương
thời không hiểu được nguyên nhân và ý nghĩa, thì ở đây lại rõ rệt và mạnh mẽ
hơn ở đâu hết.
Cũng vì vậy mà hai mươi năm trước
trong đám quần chúng ấy đã nổi lên một phong trào di cư đến những dòng sông
huyền bí nào đấy và họ đồn là nước nóng quanh năm. Hàng trăm nông dân, có cả
những người ở Bogutsarovo bỗng dưng bán gia súc, mang gia đình đi đến một nơi
nào ở miền đông nam. Như những đàn chim vượt đại dương bay đến những miền xa
lạ, họ cùng vợ con ra đi đến những miền mà trong bọn họ chưa từng ai đặt chân
đến bao giờ. Họ tự chuộc lại tự do từng người một: cũng có kẻ thì trốn trú, rồi
kéo thành từng đoàn, đi bộ hay đi xe, họ kéo nhau về miền những dòng sông nước
nóng. Nhiều người trong bọn họ bị bắt, bị đày đi Xibir nhiều người chết đói,
chết rét dọc đường, nhiều người tự ý trở về, rồi phong trào tự nhiên lắng dần
đi cũng như đã tự nhiên bột phát ra, không có nguyên do gì rõ rệt cả. Nhưng những
trào lưu ngấm ngầm vẫn chưa cạn dòng trong đám người ấy, nó lại bắt đầu dồn lại
thành một sinh lực mới sẵn sàng bộc lộ ra một cách chẳng kém lạ lùng, bất ngờ,
đồng thời đơn giản, tự nhiên và mãnh liệt.
2.
Tức nông dân tự do, làm ruộng lĩnh canh và nộp địa tô cho trang chủ, khác với
nông nô thuộc quyền sở hữu của trang chủ.
Những ai vào khoảng năm 1812 này
sống gần gũi nhân dân, đều cảm thấy các luồng ngầm này đang tác động rất mạnh
và sắp đến ngày bột phát.
Alpatyts đến Bogutsarovo trước khi
lão công tước chết mấy ngày, đã nhận thấy vẻ náo động trong đám nhân dân và
thấy rằng trái với nhân dân vùng Lưxye Gorư đã bỏ hết làng mạc cho quân cô-dắc
cướp phá trong phạm vi sáu mươi dặm đường kính để tản cư hết, thì ở
Bogutsarovo, vùng thảo nguyên này, lại có tin đồn là nông dân đã liên lạc với
quân Pháp, nhận và truyền tay nhau những tờ truyền đơn của chúng và cứ ở lì tại
chỗ. Qua những người đầy tớ trung thành, Alpatyts biết rằng một tên Karp nào
đấy, một lão nông dân có ảnh hưởng trong làng, vừa đi chở một chuyến xe trưng
dụng của nhà chức trách và khi trở về đã phao tin là quân cô-dắc cướp phá những
làng mạc của dân cư để lại, còn quân Pháp thì không hề động chạm gì đến dân.
Alpatyts lại được biết là hôm qua một nông dân khác vừa mang từ ấp Vixloukhovo
do quân Pháp chiếm đóng về một tờ hiệu triệu của tướng Pháp báo cho nhân dân
biết rằng quân Pháp sẽ không làm gì thiệt hại đến họ và có cần lấy gì của dân
cũng sẽ trả tiền sòng phẳng, nếu họ ở lại. Để làm bằng chứng, hắn mang từ
Vixloukhovo về một tờ giấy bạc một trăm rúp mà quân Pháp đã chi trước cho hắn
về tiền bán cỏ ngựa (hắn không biết rằng đó là bạc giả).
Sau cùng, quan trọng hơn cả Alpatyts
biết rằng ngay hôm lão ta ra lệnh cho viên trưởng thôn trang sửa soạn xe để chở
hành lý cho công tước tiểu thư, thì vào buổi sáng dân làng đã họp lại và quyết
định không chịu đi, để chờ xem đã. Trong khi đó thì thời gian không nán đợi ai
hết. Ngày mười lăm tháng Tám hôm lão công tước chết, viên đô thống quý tộc khẩn
khoản yêu cầu tiểu thư Maria nội ngày hôm ấy phải đi ngay vì tình hình đã nguy
cấp lắm rồi ông ta bảo là sau ngày mười sáu thì ông ta không chịu trách nhiệm
về việc gì hết. Ông ta ra về tối hôm ấy và hẹn đến ngày hôm ấy đến dự lễ an
táng công tước. Nhưng rồi ông ta không đến vì được tin quân Pháp tiến bất ngờ,
ông ta chỉ kịp đem gia đình và những vật quý giá nhất chạy khỏi điền trang.
Gần ba mươi năm nay, Bogutsarovo vẫn
do viên trưởng thôn Dron cai quản; lão công tước gọi hắn là Dronuska. Dron vốn
thuộc cái hạng nông dân chắc nịch cả về thể chất lẫn tinh thần, khi bắt đầu có
tuổi thì để râu mọc xồm xoàm, rồi cứ thế không hề thay đổi gì nữa cho đến sáu,
bảy mươi, tóc không bạc lấy một sợi, răng không rụng lấy một chiếc, đã sáu mươi
tuổi mà lưng vẫn thẳng và người văn khoẻ chẳng khác hồi ba mươi.
Sau cuộc di cư đến những dòng sông
nước nóng mà lão ta cũng tham gia như mọi người, Dron được cử làm trưởng thôn
và, từ hai mươi ba năm nay, lão làm việc không thể chê trách vào đâu được.
Nông dân sợ lão hơn sợ trang chủ.
Các chủ nhân, lão công tước và công tước Andrey, và cả viên quản lý nữa đều mến
lão và gọi đùa lão là tổng trưởng. Suốt hai mươi ba năm trường, lão chẳng hề
say rượu và ốm đau một lần nào; dù sau những đêm thức suốt sáng hay những phen
làm việc nặng nhọc nhất, không bao giờ lão có vẻ gì là mỏi mệt, và tuy không
biết chữ, lão chưa bao giờ lầm lẫn về tiền bạc hay trong việc tính toán sổ bao
bột mà lão thường bán ra từng xe lớn, hay số bó lúa mì mà lão thu hoạch trên
mỗi mẫu đất Bogutsarovo.
Chính lão Dron là người mà Alpatyts
vừa từ ấp Lưxye Gorư đến đã gọi ra ngay hôm đám tang lão công tước; Alpatyts ra
lệnh phải sắp sẵn mười hai con ngựa chớ các xe của công tước tiểu thư và mười
tám cỗ xe để chở đồ đạc từ Bogutsarovo đi. Tuy dân Bogutsarovo chỉ là nông dân
tá điền nhưng theo ý Alpatyts thì lệnh ấy đưa ra cũng không gặp trở ngại gì vì
trong làng có tới hai trăm ba mươi nóc nhà mà cư dân thì đều khá giả cả. Nhưng
sau khi nghe lệnh, trưởng thôn Dron vẫn lặng thinh cúi mặt nhìn xuống đất.
Alpatyts kể cho Dron nghe tên những
người nông dân mà lão biết và ra lệnh trưng dụng xe của họ.
Dron trả lời là ngựa của các nhà ấy
đều đang đi chở cả, Alpatyts kể những tên nông dân khác. Theo Dron thì những
người này cũng không có ngựa; kẻ thì ngựa đã bị trưng dụng, kẻ thì ngựa đã mệt
lả không đi được nữa, kẻ thì ngựa thiếu cỏ ăn đã chết đói. Theo hắn thì không
những không thể kiếm được ngựa cho xe tải mà ngay ngựa cho xe của công tước
tiểu thư vẫn không sao kiếm được.
Alpatyts chăm chú nhìn Dron và cau
mày. Dron là một trưởng thôn gương mẫu thì Alpatyts cũng là một quản lý gương
mẫu, và không phải vô cớ mà lão được trông coi tất cả các điền trang của công
tước từ hai mươi năm nay. Alpatyts có cái khiếu rất nhạy có thể dùng trực giác
hiểu rõ ngay nhu cầu và bản năng của những người tiếp xúc với lão và vì thế lão
mới thành một quản lý đắc lực.
Liếc nhìn Dron một cái, Alpatyts đã
biết ngay là những câu trả lời của hắn không phản ánh ý nghĩ của hắn, mà phản
ánh tình hình tư tưởng chung của thôn Bogutsarovo mà viên trưởng thôn đã chịu
ảnh hưởng; nhưng đồng thời Alpatyts cũng biết rằng Dron đã giàu lên và đã bị cả
thôn ghét, nên phải lừng khừng giữa đôi bên trang chủ và nông dân. Apatyts thấy
rõ vẻ lưỡng lự ấy trong khoé nhìn của Dron, lão cau mày bước tới, nói:
- Này nghe tao bảo đây, Dron! Đừng
nói chuyện nhảm nhí nữa. Công tước đại nhân Andrey Nikolais đã ra lệnh riêng
cho ta là phải đưa cả làng đi, không được bỏ sót lại một ai theo giặc; về việc
ấy cũng đã có lệnh chỉ của Sa hoàng. Thế thì đứa nào ở lại là quân phản bội Sa
hoàng. Nghe chưa?
- Vâng, tôi nghe. - Dron đáp lại,
mắt vẫn không ngước lên. Câu trả lời ấy không làm cho Alpatyts vừa ý. - Vâng,
tuỳ ý ngài. - Dron buồn rầu đáp.
Alpatyts rút bàn tay ra khỏi áo,
nghiêm trang chỉ xuống đất chỗ Dron đứng và nói:
- Này. Dron, bỏ cái lối ấy đi. Không
những ta chỉ thấy rõ mồn một trong bụng người mà ta còn nhìn rõ suốt xuống đất
dưới chân người sâu tới ba ác-sin(3) kia đấy.
(3)
Một ác-sin bằng 0,324 mét.
Dron luống cuống liếc nhìn trộm
Alpatyts, rồi lại cúi mặt xuống.
- Bỏ hết tất cả những trò ngu xuẩn
này đi, bảo chúng nó sửa soạn mà đi Moskva và sáng mai đem xe đến chở đồ đạc
cho tiểu thư. Còn ngươi đừng có đi họp với chúng. Nghe chưa?
Dron bỗng quỳ thụp xuống chân
Alpatyts:
- Yakob Alpatyts! Xin ông bãi chức
cho tôi! Ông thu lại chìa khoá đi vì Chúa, xin ông miễn cho tôi cái chức trưởng
thôn.
- Thôi! Ta thấy suốt ba ác-sin dưới
chân ngươi rồi. - Alpatyts nghiêm nghị nhắc lại, vì biết rằng cái tài của lão
khéo nuôi ong, thạo gieo hạt và làm vừa lòng lão công tước trong hai mươi năm
đã làm cho lão nổi tiếng từ lâu là phù thuỷ cao tay và người ta thường cho là
các thầy phù thuỷ đều có tài nhìn xuyên xuống đất dưới chân người ta sâu ba
ác-sin.
Dron đứng dậy, muốn nói gì nữa,
nhưng Alpatyts không cho nói:
- Các ngươi đã bày ra những trò gì
thế? Hử?… Các ngươi nghĩ thế nào đấy? Hử?
- Tôi làm thế nào được bọn họ? -
Dron nói. Họ phát khùng lên cả rồi Tôi cũng đã bảo với họ rồi…
- Bảo cái gì? - Alpatyts nói. -
Chúng nó uống rượu à? - Lão hỏi gọn.
- Họ phát khùng lên cả, thưa ông
Yakov Alpatyts ạ, họ đã đem ra uống đến thùng thứ hai rồi.
- Vậy nghe ta bảo đây. Ta đi tìm
viên cảnh sát trưởng còn ngươi thì bảo chúng thôi ngay, và phải liệu cho có xe,
nghe chưa?
- Xin tuân lệnh.
Yakob Alpatyts không nói thêm gì
nữa. Lão sai khiến người lâu ngày nên biết rằng cách có hiệu lực nhất để bắt
người ta tuân lệnh mình là đừng để cho họ thấy mình nghi ngờ rằng họ có thể
không vâng lời. Bắt được Dron phải "tuân lệnh" một cách ngoan ngoãn
Yakob đã lấy làm đủ, nhưng lão biết rằng không gọt binh lực can thiệp thì khó
lòng mà có xe được.
Quả nhiên, đến tối xe chưa đến. Dân
làng lại họp nhau trước hàng rượu, quyết định đem ngựa giấu vào rừng và không
đưa đến. Gia nhân đã không cho công tước tiểu thư biết gì về việc ấy cả.
Alpatyts sai tháo gỡ những hành lý của lão chở trên các cỗ xe vừa đem từ Lưxye
Gorư đến, và ra lệnh lấy ngựa của các xe ấy thắng vào các xe của công tước tiểu
thư, rồi thân hành đi tìm nhà chức trách.
Phần
X
Chương
- 9 -
Chôn cất cha xong, công tước tiểu
thư Maria đóng cửa buồng không tiếp ai cả. Một nữ tỳ đến cạnh cửa báo là có
Alpatyts xin lệnh lên đường (lúc bấy giờ Alpatyts chưa nói chuyện với Dron).
Tiểu thư Maria đang nằm trên
đi-văng, nhổm dậy trả lời qua cánh cửa đóng là nàng sẽ không bao giờ đi đâu cả
và yêu cầu người ta để nàng được yên.
Các cửa sổ buồng nàng trông về phía
tây. Nằm trên đi-văng mặt úp vào tường, tay mân mê cái cúc trên gối da, nàng
chỉ nhìn thấy cái gối ấy và những ý nghĩ rối ren của nàng chỉ tập trung vào một
điều: cái chết không sao bù đắp lại được, và sự xấu xa, hèn hạ của tâm hồn mình
mà trước kia nàng không hề biết: nhưng đã lộ ra ngoài thời gian cha nàng ốm.
Nàng muốn cầu nguyện, nhưng không dám; trong tâm trạng lúc bấy giờ, nàng không
dám thưa gửi cầu xin Thượng đế cả. Nàng cứ nằm yên như thế một hồi lâu.
Mặt trời đã xuống thấp phía sau nhà,
và qua các cửa sổ mở rộng, ánh tà dương chiếu sáng gian buồng và một phần chiếc
gối da mà nàng đang nhìn. Dòng tư tưởng của nàng bỗng gián đoạn.
Nàng nhổm dậy như cái máy, sửa lại
mái tóc, đứng lên và đến gần cửa sổ, vô tình hít ngọn gió mát nhẹ của buổi
chiều quang đãng nhưng lộng gió.
"Phải, bây giờ mày tha hồ mà
ngắm cảnh trời chiều! Cha mất rồi chẳng còn ai quấy rầy nữa". - Nàng tự
nhủ rồi ngồi phịch xuống một cái ghế và cúi đầu tỳ xuống thành cửa sổ.
Có ai gọi nàng từ ngoài vườn, tiếng
gọi êm ái và dịu dàng, rồi có người hôn lên đầu nàng. Nàng ngẩng lên. Đó là cô
Burien, mặc áo tang đen có viền ren trắng. Cô Burien nhẹ nhàng bước đến, thở
dài ôm hôn công tước tiểu thư Maria, rồi bỗng khóc nức nở. Tiểu thư Maria liếc
nhìn cô Burien. Nàng nhớ lại tất cả những cuộc xung đột cũ tất cả lòng ghen tức
của nàng đối với cô Burien; nàng cũng nhớ lại rằng sau này, cha đã thay đổi hẳn
thái độ đối với cô ta, không thể chịu được sự có mặt của cô ta, cho nên nàng tự
nhủ rằng những điều mà trong thâm tâm nàng trách móc cô ta thật là bất công. "Vả
lại mình đã mong cha chết thì còn có thể phán xét ai được nữa" - Nàng thầm
nghĩ.
Bỗng nàng nghĩ đến tình cảnh cô
Burien, mà ít lâu nay nàng không cho gặp mặt nhưng vẫn phải lệ thuộc nàng, và
phải ở nhờ ăn gửi nhà người. Và nàng thấy thương hại con người ấy. Nàng nhìn
cô, một cái nhìn thăm hỏi dịu dàng, và chìa tay cho cô ta. Cô Burien liền bật
tiếng khóc, cầm tay nàng mà hôn, rồi nói đến nỗi thương tâm của nàng và cùng
nàng chia sẻ nỗi thương tâm ấy. Cô ta nói rằng niềm an ủi độc nhất trong nỗi
buồn của cô ta là tiểu thư. Cô ta nói tất cả những hiểu lầm trước kia đều phải
xoá sạch trước nỗi đau thương lớn lao này, rằng cô ta tự thấy lương tâm trong
sạch trước tất cả mọi người và ở trên kia trông xuống. Người cũng tỏ tấm lòng
thương yêu và biết ơn của cô. Công tước tiểu thư nghe mà không hiểu cô ta nói
gì, nhưng chốc chốc lại liếc nhìn và lắng tai nghe giọng nói của cô.
- Tiểu thư thân yêu ạ. - Cô Burien
im lặng một lát rồi lại nói. - Tình cảnh của tiểu thư thật là hiểm nghèo về hai
mặt. Em cũng hiểu là xưa nay tiểu thư không bao giờ có thể nghĩ đến mình, nhưng
vì lòng yêu mến tiểu thư mà em phải nghĩ đến việc ấy cho tiểu thư… Tiểu thư đã
gặp Alpatyts chưa? Ông ta đã trình bày về việc khởi hành chưa?
Công tước tiểu thư Maria không đáp.
Nàng không hiểu là ai phải đi và đi đâu. Nàng nghĩ: "Làm sao có thể lo
toan việc gì bây giờ? Chẳng phải rồi mọi việc rồi cũng đến thế cả thôi
sao?" và nàng không đáp.
- Maria thân yêu. - Cô Burien lại
nói. - Tiểu thư có biết là nguy đến nơi rồi không? Quân Pháp đang vây quanh
chúng ta; bây giờ mà đi thật là nguy hiểm. Đi thì thế nào cũng bị bắt mất và có
Chúa mới biết được…
Công tước tiểu thư Maria nhìn cô ta
mà chẳng hiểu là cô ta nói gì.
- Ồ! Giá có ai biết bây giờ đối với
tôi dù có thế nào cũng được!- Nàng nói. - Dĩ nhiên dù có thế nào tôi cũng không
muốn bỏ người mà đi… Alpatyts có nói với tôi về việc đi đứng gì đấy… Cô thu xếp
với ông ta, tôi thì không thể làm gì được, mà cũng không muốn gì cả không muốn
gì cả…
- Em đã bảo ông ta. Ông ta hy vọng
rằng chúng mình có thể lên đường ngày mai; nhưng em nghĩ rằng bây giờ nên ở lại
thì hơn. Vì, Maria thân yêu ạ, phải công nhận rằng dọc đường mà sa vào tay quân
địch hay vào tay nông dân nổi loạn thì thật là khúng khiếp.
Cô Burien rút từ cái túi con ra một
tờ hiệu triệu, in trên một thứ giấy khác hắn thứ giấy thường dùng để in các văn
kiện Nga, đó là tờ hiệu triệu của tướng Pháp Ramo khuyên dân chúng đừng bỏ nhà
mà đi, và cam đoan với họ là các nhà chức trách khác sẽ ủng hộ họ một cách chu
đáo. Cô Burien đưa tờ giấy cho công tước tiểu thư và nói thêm:
- Em nghĩ là nên ngỏ lời với vị
tướng này; chắc chắn là người ta đối với tiểu thư phải có sự kiêng nể xứng đáng
với địa vị tiểu thư.
Công tước tiểu thư Maria đọc tờ
giấy, và mếu máo khóc lên, nhưng mắt ráo hoảnh.
- Cô lấy tờ này ở đâu? - Nàng hỏi.
- Chắc là nghe tên em, họ đoán rằng
em là người Pháp. - Cô Burien đỏ mặt đáp.
Tay cầm tờ giấy, công tước tiểu thư
Maria rời cửa sổ và mặt tái mét, đi vào buồng làm việc cũ của công tước Andrey.
Nàng gọi:
- Dunasa, bảo Alpatyts vào đây, hay
là Dron, hay ai cũng được.
Nghe tiếng cô Burien nàng nói tiếp:
- Và bảo cô Amalya Karlova đừng vào
phòng tôi.
Rồi nàng tự nhủ: "Đi! Phải đi
ngay tức khắc! Tức khắc!". Nàng hoảng sợ khi nghĩ rằng mình có thể sa vào
tay quân Pháp. "Nếu công tước Andrey biết tin nàng bị quân Pháp bắt! Nếu
công tước biết nàng con gái của công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki, đi cầu
xin tướng quân Ramo bảo hộ và được hưởng những ân huệ của hắn!". Ý nghĩ ấy
làm nàng khiếp hãi, nàng đỏ mặt tía lại, run bắn cả người lên vì cơn tức giận
và lòng tự hào mà nàng chưa hề có bao giờ.
Tất cả những gì và nhất là tủi nhục
trong hoàn cảnh của nàng, bây giờ đã hiện lên rõ rệt. "Bọn quân Pháp ấy sẽ
đóng trong nhà này, tướng Ramo sẽ chiếm phòng làm việc của công tước Andrey, sẽ
lục và đọc thư từ giấy má của anh để tiêu khiển. Cô Burien sẽ nghênh tiếp trọng
thể vị quý khách của Bogutsarovo. Họ sẽ làm phúc dành cho ta một căn buồng con:
bọn lính tráng sẽ xúc phạm nấm mồ mới đắp của cha ta để cướp lấy huân chương và
bội tinh của người: chúng sẽ kể lại và bắt ta phải nghe những trận chúng thắng
quân Nga; chúng sẽ giả dối tỏ lòng thông cảm với nỗi đau của ta…" - Công
tước tiểu thư Maria thầm nghĩ, nhưng thật ra những ý nghĩ ấy không hẳn là của
nàng mà lại là của cha và anh nàng, những ý nghĩ mà nàng cảm thấy phải tuân
theo. Đối với bản thân nàng thì dù ở đâu cũng thế thôi dù nàng cũng gặp chuyện
gì cũng thế thôi, nàng có cần gì; nhưng nàng thấy mình đồng thời đại diện cho
người cha quá cố của nàng và cho công tước Andrey. Nàng bất giác cảm nghĩ bằng
những ý nghĩ của cha và anh nàng. Điều gì mà trong giờ phút này cha và anh nàng
phải nói, việc gì mà cha và anh nàng phải làm, nàng đều cho mình có bổn phận
phải nói và làm đúng như vậy. Vào thư phòng của công tước Andrey, nàng cố gắng
hình dung một cách thấu đáo những tư tưởng của anh để suy nghĩ đến tình cảm của
mình.
Những đòi hỏi của cuộc sống mà nàng
tưởng đã bị loại trừ hết từ khi cha nàng chết thì nay lại hiện lên trước mặt
nàng với một sức mạnh chưa từng thấy và hoàn toàn làm chủ tâm trí.
Xúc động, mặt đỏ bừng, nàng đi đi
lại lại trong phòng, khi thì gọi Alpatyts, khi thì gọi Mikhail Ivanyts, khi thì
gọi Tikhon, khi thì gọi Dron, Dunyasa, u già, và tất cả các đầy tớ gái đều
không biết nói gì với nàng để có thể xác nhận hay đính chính những lời của cô
Burien. Alpatyts thì không có nhà, đang đi mời các nhà chức trách.
Một lát sau ông kiến trúc sư Mikhail
Ivanyts vào, nhưng mắt còn ngái ngủ, ông ta cũng không biết gì mà nói với nàng
cả. Nàng hỏi gì ông ta cũng trả lời bằng cái nụ cười tán thành mà ông ta đã
quen dùng suốt mười lăm năm trời để trả lời lão công tước, cái nụ cười ưng
thuận vẫn khiến cho ông ta khỏi phải bày tỏ ý kiến bằng lời, thành thử rút cục
chẳng biết đích xác ý ông ta thế nào cả. Đến lượt Tikhon, người hầu buồng già
cũng được gọi vào; mặt lão gầy đét, dài thườn thượt, mang dấu vết của một nỗi
buồn không sao khuây khoả được: hỏi câu gì lão cũng đáp: "Xin vâng
ạ", và khi nhìn công tước tiểu thư Maria, lão phải khó khăn lăm mới nén
nổi những tiếng nức nở.
Cuối cùng trưởng thôn Dron bước vào,
và sau khi vái chào rất kính cẩn, lão dừng lại ở ngưỡng cửa.
Công tước tiểu thư Maria nói, trong
lòng tin chắc là đang nói với một người thân, với Dronuska ngày trước, cứ hàng
năm một lần đi chợ phiên Vyzma là thế nào cũng mua về cho nàng những chiếc bánh
ngọt đặc biệt, miệng cười tay đưa. Nàng nói: "Dronuska, bây giờ sau cái
tang của chúng ta…" - Rồi nàng im bặt, không đủ sức nói tiếp.
- Chúng ta đều ở trong tay Chúa. -
Dron thở dài nói.
Hai người im lặng một lát.
- Dronuska ạ, Alpatyts đi vắng, tôi
chẳng còn biết hỏi ai. Họ nói bây giờ tôi không thể đi được, có đúng không?
- Vì lẽ gì tiểu thư lại không đi
được, thưa công tước tiểu thư, có thể đi được chứ.
- Người ta bảo tôi là đi rất nguy
hiểm, vì có thể gặp quân địch. Bác Dronuska, tôi chẳng biết làm thế nào được,
tôi chẳng hiểu gì hết, tôi chẳng có ai quanh tôi cả. Tôi muốn đi ngay đêm nay
hay sáng mai, thật sớm.
Dron làm thinh và lén nhìn công tước
tiểu thư.
- Không kiếm được ngựa, - Lão nói, -
Tôi cũng đã bảo với Yakob Alpatyts.
- Tại sao vậy? - Công tước tiểu thư
hỏi.
- Tất cả đều là sự trừng phạt của
Chúa. Ngựa ngày trước con thì bị quân đội trưng dụng, con thì chết; Ấy năm nay
còn như thế. Không những không có gì cho ngựa ăn, mà ngay đến người như chúng
tôi e rồi cũng chết đói cả. Chưa chi mà đã có kẻ ba ngày không được một miếng.
Chẳng còn gì nữa cả, chúng tôi đã bị người ta làm cho khánh kiệt rồi.
Công tước tiểu thư Maria chăm chú
lắng nghe những điều lão nói.
- Nông dân khánh kiệt cả rồi à? Họ
không có bánh àn à? - Nàng hỏi.
- Họ chết đói thì còn làm thế nào mà
còn nghĩ đến xe với cộ được nữa? - Dron nói.
- Nhưng tại sao bác chẳng bảo gì cả,
Dronuska. Ta không thể giúp cho họ sao? Tôi sẽ cố hết sức… - Công tước tiểu thư
Maria lấy làm lạ rằng những lúc này, lòng nàng đau khổ đến như thế nào, mà lại
còn có thể có kẻ giàu và người nghèo, và kẻ giàu lại có thể bỏ mặc không giúp
người nghèo. Nàng nhớ mang máng và có nghe nói là thường thường ở các điền
trang lúc nào cũng có một kho lúa mì để dành riêng cho trang chủ, thỉnh thoảng
cũng có đem phát cho nông dân. Nàng lại biết rằng cha nàng và anh nàng sẽ không
đời nào từ chối giúp đỡ nông dân trong cảnh túng bấn, nàng chỉ ngại là không
tìm đủ những lời lẽ cần thiết để ra lệnh phát lúa mì như ý nàng muốn. Nàng lấy
làm mừng là đã có được một duyên cớ để lo lắng ân cần đối với người khác, một
duyên cớ cho phép nàng quên nỗi thương tâm của mình mà không thấy hổ thẹn. Nàng
bảo Dron nói cặn kẽ xem nông dân cần những gì và hỏi lão về các kho dự trữ Ở
Bogutsarovo.
- Có phải ở đây có kho lúa mì của
nhà chủ, không nhỉ? Kho của anh tôi ấy mà?
- Kho lúa mì của nhà chủ còn nguyên
vẹn. - Dron kiêu hãnh đáp. - Công tước của chúng tôi không cho lệnh chúng tôi
đem bán.
- Đem chia cho nông dân, họ cần bao
nhiêu thì chia hết cho họ bấy nhiêu: tôi thay mặt anh tôi mà cho phép bác phân
phát. - Công tước tiểu thư Maria nói.
Dron chẳng nói chẳng rằng, chỉ buồn
rầu thở ra một tiếng rõ dài.
- Đem chia cho họ đi, nếu có đủ để
chia cho mọi người. Chia hết đi. Thay mặt anh tôi, ra lệnh phân phát. Và nói
cho họ biết là cái gì là của chúng tôi thì tức cũng là của họ. Giúp họ thì
chúng tôi không tiếc gì hết. Nói cho rõ như vậy.
Dron nhìn chằm chặp vào công tước
tiểu thư Maria trong khi nàng nói.
- Vì Chúa, xin tiểu thư cách chức
tôi đi, tiểu thư bảo người đến. Chúng tôi xin nộp lại chìa khoá. Tôi đã hầu hạ
ba nằm trời không dám làm điều gì sai trái, lạy Chúa, xin tiểu thư cho tôi được
cáo lui.
Công tước tiểu thư Maria không hiểu
lão xin gì và lão xin từ bỏ cái gì. Nàng trả lời là nàng không bao giờ nghi ngờ
gì lòng trung thành tận tuỵ của lão và cả nàng sẵn sàng làm mọi cách để giúp
lão và giúp nông dân.