Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 10 - Chương 05 + 06
Phần
X
Chương
- 5 -
Trong vô số những cách phân loại có
thể dùng cho các hiện tượng của cuộc sống, ta có thể phân biệt những cách sống
mà nội dung chiếm ưu thế với những cách sống mà hình thức chiếm ưu thế.
Trái với cuộc sống ở thôn quê. Ở thị
trấn. Ở các tỉnh, ngay cả ở
Moskva nữa, cuộc sống ở Petersburg,
nhất là ở các phòng khách thính, có thể xếp vào loại thứ hai.
Từ năm 1805, nước ta có hoà hiếu rồi
lại xung đột với Bonaparte, chúng ta có lập ra những hiến pháp rồi lại bỏ đi,
nhưng phòng khách của Anna Pavlovna và phòng khách của Elen y nguyên như cũ:
phòng khách của Anna Pavlovna vẫn hệt như cách đây bảy năm và phòng khách của
Elen cũng như dăm năm trước. Ở nhà Anna Pavlovna, bao giờ người ta cũng sửng
sốt khi nói đến những thành công của Bonaparte và thái độ ân cần của các vị vua
ở châu Âu đối với một âm mưu quỷ quyệt nhằm mục đích duy nhất là làm cho nhóm
triều thần mà Anna Pavlovna là đại biểu phải bực bội lo âu. Trái lại, ở nhà
Elen, người mà bản thân Rumiansev cũng hạ cố tới thăm và cho là một người đàn
bà thông minh lỗi lạc, thì năm 1808 cũng như năm 1812, người ta bao giờ cũng
say sưa nói đến cái dân tộc vĩ đại và con người vĩ đại, người ta than phiền về
việc nước Nga đã đoạn tuyệt với Pháp, và theo ý kiến những người tụ họp ở nhà
Elen thì việc này phải chấm dứt bằng một hoà ước.
Trong thời gian gần đây, sau khi
hoàng đế đã rời quân đội về Petersburg, thì trong hai phòng khách thính đối lập
này đã xảy ra một vài sự náo động, và cả hai bên đều có những hành động biểu lộ
thái độ chống đối nhau, nhưng xu hướng chính trị của hai nhóm vẫn không thay
đổi. Trong nhóm giao tế của Anna Pavlovna, người ta chỉ tiếp những người Pháp
thuộc phái quân chủ chính thống sâu sắc, và biểu lộ tư tưởng ái quốc bằng cách
nói rằng không nên đi xem kịch Pháp và việc chi phí cho một đoàn kịch như thế
là tốn kém bằng nuôi cả một quân đoàn. Người ta háo hức theo dõi những tin tức
chiến sự và phao những tin tức đáng mừng nhất cho quân đội ta.
Trong nhóm của Elen, tức là nhóm
Rumiansev, nhóm thân Pháp, người ta phủ nhận những tin đồn đại về hành động tàn
ác của quân địch và về tính chất khốc liệt của chiến tranh; người ta bàn bạc về
tất cả những cố gắng của Napoléon để đi đến thương thuyết. Trong nhóm này,
người ta công kích những kẻ đã quá vội vàng khuyên nhà vua dời triều đình và
những trường nữ học ở dưới quyên bảo trợ của hoàng thái hậu đến Kazan. Nói
chung, trong phòng khách của Elen tất cả chiến sự chỉ là những cuộc thị uy vô
nghĩa chẳng bao lâu sẽ đưa đến hoà bình, và ý kiến chiếm ưu thể ở đây là ý kiến
của Bilibin, lúc này đang ở Petersburg và là một vị khách năng lui tới phòng
khách của Elen (hễ ai đã là người thông minh đều phải đến đây). Ý kiến ấy cho
rằng cái quyết định vấn đề không phải thuốc súng mà là những con người chế ra
thuốc súng. Trong nhóm này người ta chế nhạo một cách hóm hỉnh và rất thông
minh, tuy vẫn rất thận trọng, cái nhiệt tình yêu nước của Moskva (tin này cùng
đến Petersburg một lúc với việc hoàng đế trở về Petersburg).
Trong nhóm của Anna Pavlovna thì
trái lại, người ta ca ngợi nhiệt tình ấy và nói đến nó như Pavlovna nói về các
cổ nhân. Công tước Vaxili vẫn giữ chức vụ quan trọng như trước, là cái khâu nốỉ
liền hai nhóm. Ông ta thường lui tới nhà bà bạn quý tôn tức Anna Pavlovna, đến
thăm phòng khách thích ngoại giao của con gái, và nhiều khi, vì cứ luôn đi lại
giữa hai phe, ông đâm ra lẫn lộn nói với nhà Elen những điều đáng lý phải nói ở
nhà Anna Pavlovna, và ngược lại cũng thế.
Hoàng đế về Petersburg được ít lâu
thì ở nhà Anna Pavlovna, khi nói đến tình hình chiến tranh, công tước Vaxili đã
phê phán nghiêm khắc Barclay de Tolly và băn khoăn tự hỏi không biết ai sẽ được
bổ nhiệm làm tổng tư lệnh. Một người khách ở đây mà người ta thường gọi là một
người rất có giá trị kể lại rằng hôm nay ông ta thấy quan tư lệnh dân quân
Petersburg là Kutuzov vừa mới được bầu lên, chủ toạ việc đón tiếp dân quân ở
điện tài chính, và đánh bạo dự đoán rằng Kutuzov sẽ có thể là con người đáp ứng
mọi yêu cầu.
Anna Pavlovna buồn rầu mỉm cười và
nhận xét rằng từ trước đến nay Kutuzov chỉ làm hoàng đếg bực mình. Công tước
Vaxili ngắt lời Anna Pavlovna như thế này:
- Thì tôi đã nói đi nói lại mãi với
hội nghị quý tộc nhưng người ta không nghe. Tôi đã bảo việc cử ông ta làm tư
lệnh dân quân không làm hoàng đế đẹp lòng. Nhưng họ không nghe lời tôi. Vẫn cái
thói chống đối ấy. - Ông ta nói tiếp. - Chống đối ai mới được chứ? Chẳng qua
chỉ vì chúng ta muốn bắt chước cái thứ nhiệt tình ngu ngốc của dân Moskva… -
Công tước Vaxili nói, lúng túng trong một phút vì quên rằng đáng lý phải chế
nhạo nhiệt tình của dân Moskva ở nhà Elen, còn ở nhà Anna Pavlovna thì phải ca
ngợi kia. Nhưng ông ta lại chữa lại ngay. - Bá tước Kutuzov, vị tướng già nhất
của nước Nga mà ngồi trong viện quốc vụ thì thử hỏi có hợp hay không, chẳng qua
rồi ông ta cũng uổng công mà thôi. Làm sao lại có thể cử làm tổng tư lệnh một
con người không thể cưỡi ngựa, ngồi trong hội nghị thì ngủ gật, đã thế đạo đức
lại hết sức tồi. Ở Bucarest ông ta đã nổi tiếng lắm đấy. Tôi không nói đến năng
lực của ông ta nhưng làm thế nào lại có thể cử một ông già lụ khụ và đui mù,
phải, đúng là mù làm tổng tư lệnh trong tình hình như thế này. Ông tưởng mù!
Đẹp mặt nhỉ! Ông ta không thấy gì hết! Ông ta chỉ giỏi chơi bịt mắt bắt dê!…
Quả thật ông ta chẳng thấy gì hết.
Không ai cãi lại.
Ngày hai mươi bốn tháng Bảy những
điều đó là hoàn toàn có lý Nhưng ngày hai mươi chín tháng Bảy, Kutuzov được
phong tước công. Ông ta được phong tước công có nghĩa là người ta muốn gạt ông
ta ra, cho nên ý kiến của công tước Vaxili vẫn tỏ ra đúng đắn, tuy bây giờ ông
không phát biểu nó ra sốt sắng như trước. Nhưng ngày mồng tám tháng Tám một hội
đồng gồm có thống chế Xaltykov, Arakseyev, Vyazmitinov, Lopukhin và Kochubey
họp lại đề bàn về việc quân. Hội đồng kết luận rằng sở dĩ vừa qua quân ta thất
bại và vì quyền chỉ huy không thống nhất và mặc dầu biết rằng Kutuzov không
được hoàng đế ưa thích, sau khi thảo luận một lát, hội đồng vẫn đề nghị cử
Kutuzov làm tổng tư lệnh. Và cũng trong ngày hôm ấy, Kutuzov được bổ nhiệm làm
tổng tư lệnh quân đội và thống đốc tất cả các đất đai do quân đội chiếm đóng.
Ngày mồng chín tháng tám, công tước
Vaxili lại gặp "con người rất có giá trị" ở nhà Anna Pavlovna.
"con người rất có giá trị" đang ve vãn Anna Pavlovna vì ông ta muốn
được bổ nhiệm làm giám đốc một trường nữ học… Công tước Vaxili bước vào phòng,
với vẻ đắc thắng của một người đã đạt được điều mà mình mong muốn.
- Này, ông có biết cái tin quan
trọng vừa rồi không, công tước Kutuzov nay là nguyên soái rồi. Thôi thế là mọi
sự bất đồng ý kiến đều chấm dứt. Tôi thật hả dạ, vui lòng. Bây giờ mới có được
một con người xứng đáng. - Ông ta vừa nói vừa đưa mắt nhìn cử toạ, vẻ quan
trọng và nghiêm nghị. Tuy đang mong muốn leo lên cái địa vị mà ông đang chạy
chọt, " con người rất có giá trị" vẫn không thể nào cưỡng lại ý muốn
lưu ý công tước Vaxili rằng trước kia công tước nghĩ khác. Làm như thế là thiếu
lịch sự đối với công tước Vaxili, cũng như đối với Anna Pavlovna là người đã
đón cái tin ấy một cách niềm nở, nhưng ông không sao nén nổi.
- Nhưng thưa công tước, người ta bảo
ông ta mù kia mà? - "con người rất có giá trị", ý muốn nhắc cho công
tước Vaxili nhớ đến những lời mà bản thân công tước đã nói.
- Thôi đi, ông ta thấy rõ ra phết
đấy! - Công tước Vaxili nói nhanh, giọng trầm trầm, vừa nói vừa ho húng hắng
như thường lệ mỗi khi ông giải quyết một việc khó khăn. - Ồ, ông ta nhìn rõ ra
phết! - Công tước Vaxili nhắc lại. - Có một điều làm tôi bằng lòng nhất. - Ông
ta nói tiếp. - Đó là chính hoàng đế đã cho ông ta nằm toàn quyền chỉ huy tất cả
các đạo quân, thống đốc tất cả các lãnh thổ, một quyền mà xưa nay không có vị
tổng tư lệnh nào có được. Bây giờ ông ta là một ông vua thứ hai, - Công tước
Vaxili kết luận, miệng nở một nụ cười đắc thắng.
- Xin Chúa phù hộ, xin Chúa phù hộ.
- Anna Pavlovna nói-.
"Con người rất có giá trị"
còn non nớt ngây thơ trong xâ hội cung đình, muốn lấy lòng Anna Pavlovna, liền
nói lại ý kiến trước đây của bà ta về vấn đề này:
"Nghe nói hoàng đế giao quyền
lực ấy cho ông ta một cách miễn cưỡng. Nghe nói Người đỏ mặt như một cô con gái
nghe đọc truyện tiếu lâm khi Người nói với Kutuzov: "Hoàng đế và tổ quốc
trao cho khanh vinh dự này" có lẽ trong thâm tâm người không tán thành
lắm!"
- Ồ, không phải đâu, không phải đâu.
- Công tước Vaxili hăm hở nói chen vào. Bây giờ ông ta yêu quý Kutuzov hơn ai
hết.
Theo ý công tước Vaxili thì không
những Kutuzov là một người hoàn toàn, mà mọi người còn sùng bái ông ta nữa là
khác.
- Không, không thể nào làm như thế
bởi vì hoàng đế trước đây đã biết giá trị ông ta rất rõ.
Anna Pavlovna nói:
- Mong sao Chúa để cho Kutuzov nắm
lấy thực quyền một mình không để cho bất kì ai thọc gậy vào bánh xe, phải, thọc
gậy bánh xe!
Công tước Vaxili hiểu ngay mấy chữ
"bất kì ai" ở đây ám chỉ người nào. Ông thì thào:
- Tôi biết đích xác Kutuzov đã đưa
ra một điều kiện nhất quyết là thái tử sẽ không ở trong quân đội. Phu nhân có
biết tướng quân nói gì với hoàng đế không?
Và công tước Vaxili nhắc lại những
lời nghe đâu chính Kutuzov đã nói gì với nhà vua: "Tôi không thể trừng
phạt thái tử làm sai, cũng không thể nào khen thưởng nếu thái tử đúng". Ô,
công tước Kutuzov là con người thông minh tuyệt trần. Tôi đã biết rõ công tước
từ lâu.
- Thậm chí người ta còn nói rằng. -
"Con người rất có giá trị" đệm thêm (ông ta vốn thiếu cái lịch duyệt
của những bậc triều thần) - Điện hạ đã nêu lên một điều kiện tuyệt đối là hoàng
đế sẽ không thân hành đến với quân đội.
Ông ta vừa nói điều đó thì công tước
Vaxili và Anna Pavlovna đều quay mặt đi và đưa mắt nhìn nhau, buồn rầu thở dài
về chỗ ông này ngây thơ quá!
Phần
X
Chương
- 6 -
Trong khi tất cả những việc ấy diễn
ra ở Petersburg thì quân Pháp đã tiến quá Smolensk và càng ngày càng đến gần
Moskva. Sử gia chuyên viết về Napoléon là Tyer, - Cũng như các sử gia khác
chuyên viết về Napoléon, muốn thanh minh cho vị anh hùng của họ, chủ trương
rằng Napoléon đã bị nhử đến tận chân thành Moskva, trái với ý muốn của ông.
Typer có lý, cũng như tất cả các sử gia cố cắt nghĩa các sự kiện lịch sử bằng ý
chí của một cá nhân đều có lý cả; Typer cũng có lý ngang với các sử gia Nga đã
khẳng định rằng Napoléon đã bị nhử đến Moskva do sự khéo léo của các tưởng Nga.
Ở đây, theo luật hồi tưởng, tất cả quá khứ không những đã chuẩn bị cho việc xảy
ra, mà lại còn có hiện tượng tương hỗ cho sự việc càng thêm rối ren. Một người
cao cờ thua một ván thì tin chắc chắn và thành thật rằng mình thua là do một
nước cờ đi lầm; anh ta tìm cái lầm lỗi ấy ở lúc mới nhập cuộc mà quên rằng suốt
ván cờ anh ta còn để lỡ nhiều nước nữa, và không một nước cờ nào của anh ta
hoàn thiện cả. Anh ta chỉ để ý đến cái lỗi ấy vì nó đã bị đối thú lợi dụng. Còn
phức tạp hơn thế biết mấy là cuộc cờ chiến tranh, bởi vì chiến tranh diễn ra trong
những hoàn cảnh thời gian nhất định, và trong hoàn cảnh ấy không phải một ý chí
duy nhất điều khiển được các bộ máy vô tri, mà mọi việc xảy ra là do sự đụng
chạm giữa vô số ý chí cá nhân.
Tiến quá Smolensk, Napoléon muốn
giao chiến với quân Nga ở bên kia Dorogobuie trước Viazma, rồi trước Txarevo
Zaimits; nhưng do không biết bao nhiêu việc xảy ra, quân Nga đã không thể giao
chiến được trước khi lùi đến Borodino cách Moskva một trăm mười hai dặm. Qua
Viazma, Napoléon ra lệnh cho quân tiến thẳng đến Moskva.
Moskva, chốn kinh đô Á đông của đế
quốc rộng lớn ấy, thành phố thiêng liêng của các dân tộc thân thuộc Alekxandr,
Moskva với vô số nhà thờ giống như những ngôi chùa Trung Quốc. Thành Moskva kia
không để cho trí tưởng tượng của Napoléon yên tĩnh lấy được một chút. Trên
chặng đường từ Viazma đến Txarevo Zaimits, Napoléon cưỡi con ngựa kiệu lông tía
thắt đuôi, theo hộ giá có đội cận vệ, một đoàn tuỳ tùng, nhiều thị đồng và sĩ
quan phụ tá Tham mưu trưởng Bertie ở lại sau để hỏi cung một người Nga vừa bị
quân kỵ mã bắt làm tù binh. Cùng với viên thông ngôn Lơlorm Didvil, ông ta phi
ngựa theo kịp Napoléon và dừng lại, vẻ mặt hơn hở.
- Thế nào? - Napoléon hỏi.
- Một tên cô-dắc của Platov, nó nói
rằng đạo quân của Platov đang bắt liên lạc với đại quân Nga, và Kutuzov đã được
phong chức tổng tư lệnh. Tên ấy thông minh và lém lỉnh lắm!
Napoléon mlm cười bảo cấp cho người
cô-dắc ấy một con ngựa và dẫn hắn đến. Ông ta muốn tự mình hỏi chuyện hắn.
Mấy sĩ quan phụ tá liền phi ngựa đi
và một giờ sau. Lavuruska, người nông nô mà Denixov đã nhường lại cho Roxtov,
đến ra mắt Napoléon, mình mặc quân phục lính cần vụ, ngồi trên yên ngựa của kỵ
binh Pháp, với bộ mặt vui vẻ tinh quái của một người say rượu.
Napoléon bảo hắn rong ngựa đi bước
một bên cạnh và hỏi:
- Anh là cô-dắc?
- Thưa đại nhân, vâng ạ!
Tyer thuật lại đoạn này có viết:
"Người cô-dắc không hiểu mình đang đi với ai, vì vẻ giản dị của Napoléon
không mảy may làm cho bộ óc quen tưởng tượng theo kiểu phương Đông có thể nghĩ
rằng mình đang ở trước mặt một đế vương. Hắn nói chuyện về cuộc chiến tranh
đang diễn ra một cách hết sức suồng sã, song thật ra Lavuruska, hôm qua vì quá
chén mà quên không làm thức ăn cho chủ nên bị đòn, sau được sai vào các làng
mua gà vịt thì lại đi ăn cắp lương thực của dân rồi bị quân Pháp bắt. Lavuruska
thuộc hạng những tên gia nô xấc láo và thô lỗ, đã nếm đủ mùi đời, nên vẫn nghĩ
rằng bổn phận của chúng là trong bất cứ việc gì cũng phải hành động một cách
hèn hạ và gian trá, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để hầu hạ chủ, có đủ khôn ngoan
để đoán ra tất cả những ý nghĩ xấu xa của chủ, nhất là những ý nghĩ hám danh và
ty tiện.
Đến trước Napoléon mà hắn nhận ra
ngay một cách rất dễ dàng, Lavuruska vẫn không mảy may xúc động và chỉ cố hết
sức làm cho các ông chủ mới ấy được vừa lòng.
Hắn biết rất rõ rằng người đứng đó
chính là Napoléon. Nhưng Napoléon đứng đó cũng không làm cho hắn lúng túng hơn
là Roxtov hay viên đội kỵ binh đã đánh đòn hắn, vì cả viên đội lẫn Napoléon đều
không thể làm gì được hắn.
Hắn khai hết những điều hắn đã nghe
lỏm được trong các câu chuyện mà bọn sĩ quan hầu cận nói với nhau; và trong đó
có nhiều điều đúng sự thật. Nhưng khi Napoléon hỏi rằng người Nga có cho là họ
sẽ thắng được Bonaparte không thì hắn nheo nheo đôi mắt lại suy nghĩ một lát.
Hắn cho rằng câu hỏi này là một cái
bẫy tinh vi, cũng như những kẻ thuộc loại như hắn thường nghĩ rằng lúc nào và ở
đâu người ta cũng bẫy họ cả. Hắn nhăn mặt và đứng im. Rồi vẻ trầm ngâm, hắn
nói:
- Nghĩa là hai bên có giao chiến… và
giao chiến cho chóng, thì đúng thế đấy. Nhưng nếu để quá ba ngày… thì sau đó…
vậy nghĩa là công chuyện còn kéo dài.
Lời hắn nói được dịch lại cho
Napoléon như sau:
- Nếu đánh nhau trước ba ngày thì
quân Pháp thắng, nhưng nếu để lâu hơn thì có trời biết được là sẽ ra sao.
Lơlorm Didvil mỉm cười dịch lại câu
này cho Napoléon nghe. Napoléon không cười, - Tuy lúc bấy giờ ông ta đang vui
thích rõ rệt, - và hắn nhắc lại câu vừa nói.
Lavuruska hiểu ý, liền nói tiếp, vờ
không biết Napoléon là ai, cốt đề cho Napoléon cười:
- Chúng tôi biết các Ngài có
Bonaparte, khắp thiên hạ ai ai ông ta cũng thắng tuốt, nhưng với chúng tôi thì
lại khác… - Thật tình chính hắn cũng chẳng hiểu từ đâu cái giọng khoác lác yêu
nước lại lọt vào câu nói của hắn như vậy. Viên thông ngôn lại dịch cho Napoléon
và bỏ lửng phía sau của câu nói. Napoléon mỉm cười.
Về việc ấy Tyer có viết: "Tên
cô-dắc trẻ tuổi làm cho người đối thoại chí tôn của hắn phải mỉm cười".
Yên lặng đi vài bước, Napoléon quay
lại bảo Bertie rằng ông ta muốn cho Lavuruska biết người vừa nói chuyện với hắn
chính là hoàng đế. - vị hoàng đế đã ghi tên các kim tự tháp cái đại danh vinh
quang và bất tử của mình, - Để xem tin ấy tác động đến "đứa con của sông
Đông" ấy như thế nào.
Tin ấy được truyền đến Lavuruska.
Lavuruska biết rằng người ta muốn
làm cho hắn túng túng, lại biết là Napoléon tưởng hắn rất sợ; để lấy lòng các
chủ mới, hắn liền vờ kinh ngạc, khiếp sợ, tròn xoe đôi mắt và đổi sang cái vẻ
mặt mà hắn thường có những khi người ta mang hắn ra đánh đòn. Tyer viết:
"Người phiên dịch của Napoléon vừa nói xong, thì chàng cô-dắc ngẩn người
ra không nói được một lời nào nữa và vừa đi vừa trố mắt nhìn vào nhà chinh phục
mà đại danh đã lang lừng đến tận hắn, qua các thảo nguyên phương Đông. Tất cả
cái lém lỉnh hắn đột nhiên tắc nghẽn lại, nhường chỗ cho hắn, Napoléon ra lệnh
thả cho hắn tự do như người ta thả một con chim về đồng nội, quê hương của
nó".
Napoléon tiếp tục đi, vừa đi vừa mơ
tưởng đến thành Moskva nơi đang làm cho trí tưởng tượng của ông ta say đắm,
trong khi con chim mà người ta thả về đồng nội, quê hương của nó phi ngựa về các
đồn tiền tiêu, vừa phi vừa bịa đặt trước những việc không hề xảy ra để kể lại
cho quân ta nghe. Còn những việc hắn đã gặp thật thì hắn giấu hết, vì hắn cho
rằng những việc ấy không đáng thuật lại thành chuyện. Hắn trở về với quân
cô-dắc, hỏi thăm trung đoàn của hắn thuộc chi đoàn của Platov và tối hôm ãy thì
hắn tìm được chủ là Nikolai Roxtov đang đóng ở Yankovo. Nikolai vừa lên ngựa để
cùng Ilya đi dạo chơi các làng lẫn cận, liền cho Lavuruska cưỡi ngựa đi theo.