Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 9 - Chương 10 + 11
Phần
IX
Chương
- 10 -
Bức thư này chưa được trao đến tay
hoàng thượng, thì trong một bữa tiệc Barclay cho Bolkonxki biết rằng nhà vua
muốn gặp riêng công tước Andrey đệ hỏi chàng về tình hình bên Thổ Nhĩ Kỳ, nên
sáu giờ tối hôm nay công tước Andrey phải có mặt ở đại bản doanh của Benrigxen.
Cũng vào hôm ấy ở bản doanh của
hoàng thượng có tin Napoléon đã tiến hành một cuộc hành quân mới có thể nguy
hiểm cho quân đội ta (tin này về sau mới biết là không đúng). Và ngay sáng hôm
ấy, đại tá Miso đưa hoàng thượng đi xem xét các công sự ở Drissa và chứng minh
cho ngài thấy rõ rằng những công sự này, công trình do Pful xây dựng và cho đến
nay vẫn là một kiệt tác về chiến thuật sẽ làm cho Napoléon đại bại, thật ra chỉ
là một công trình vô nghĩa lý và sẽ làm cho quân đội Nga diệt vong.
Công tước Andrey đến đại bản doanh
của Benrigxen đóng ở một ngôi nhà nhỏ ngay bên bờ sông. Lúc bấy giờ cũng như
hoàng thượng đều không ở đấy, nhưng Tsemysev, sĩ quan hành dinh ngự tiền, tiếp
Bolkonxki và cho chàng biết rằng hôm nay hoàng thượng đã cùng tướng Benrigxen
và hầu tước Paolutsi đi ra xem xét hai lần các công trình doanh trại Drissa:
lúc bấy giờ người ta đã bắt đầu hoài nghi nhiều về lợi thế của doanh trại này.
Tsemysev đang ngồi bên cửa sổ gian
phòng thữ nhất, tay cầm một quyển tiểu thuyết Pháp. Gian phòng này trước kia
hình như là một phòng khiêu vũ; trong phòng còn có một chiếc đại phong cầm chất
đấy những thảm, trong góc phòng có đặt một chiếc giường xếp của viên sĩ quan
phụ tá của Benrigxen. Viên sĩ quan phụ tá ấy, đang ngủ gật trên chiếc giường đã
xếp lại, có vẻ mệt rã rời, chắc là vì tiệc tùng hoặc làm việc quá nhiều. Trong
phòng có hai cửa sổ lớn, một cửa dẫn sang căn phòng bên phải. Từ khung cửa thứ
nhất đưa ra tiếng mấy người đang nói chuyện bằng tiếng Đức, thỉnh thoảng có
chen cả tiếng Pháp. Ở đấy, trong gian phòng khách cũ đang có cuộc họp. Theo ý
muốn của nhà vua, thì đây không phải là một phiên họp của hội đồng quân sự (nhà
vua vốn thích những tình trạng không rạch ròi), mà chỉ là một cuộc họp mặt của
một số nhân vật mà nhà vua muốn biết ý kiến về những khó khăn sắp tới. Đó không
phải là một hội đồng quân sự, mà dường như chỉ là một thứ hội nghị bàn bạc giữa
một số người được lựa chọn, nhằm soi sáng một số vấn đề cho cá nhân hoàng
thượng.
Trong số những người được mời vào
cái thứ hội đồng nửa vời này có viên tướng Thuỵ Điển Armfeld, viên tướng hành
dinh Voltoxoghen, Vintxigherot, người mà Napoléon gọi là một thần dân Pháp đào
tẩu, Miso, Tolly, một người chẳng có chút gì dính dáng đến quân sự là bá tước
Stain, và cuối cùng có cả Pful, vốn là mấu chốt của toàn bộ công việc như công
tước Andrey đã từng nghe nói. Công tước Andrey có dịp nhìn kỹ ông ta, vì chàng
vừa đến một chốc thì Pful cũng đến và bước vào phòng khách sau khi dừng lại một
phút để nói chuyện với Tsemysev. Pful mặc một bộ quân phục Nga của cấp tướng
may rất xấu, chẳng vừa vặn tí nào, trông như người giả trang. Thoạt nhìn, công
tước Andrey có cảm tưởng như đã từng quen ông ta, tuy chàng chưa gặp lần nào.
Trong con người ông ta có cả Vairother, có cả Mack, cả Smitch và những viên
tướng lý thuyết gia khác của Đức mà công tước Andrey đã có dịp gặp năm 1805;
nhưng Pful trông điển hình hơn cả. Công tước Andrey chưa từng thấy một người
Đức nào có đủ tất cả những đặc tính của các lý thuyết gia Đức như vậy.
Pful người thấp, rất gầy, nhưng
xương to, tạng người thô và khoẻ, xương bả vai lộ rõ. Mặt ông ta rất nhiều nếp
nhăn, mắt sâu hoắm. Ở phía trước, hai bên thái dương, tóc ông ta hình như đã
được lấy bàn chải vuốt qua loa một cách vội vàng, còn phía sau thì nhô lên lởm
chởm thành những nhóm trong rất ngây ngô. Ông ta bước vào phòng, mắt nhìn ra vẻ
lo lắng và bực tức, dường như tất cả những gì trong gian phòng lớn mà ông vừa
bước vào đều làm cho ông lo sợ. Pful vụng về đưa tay giữ gươm, quay sang
Tsemysev dùng tiếng Đức hỏi xem hoàng thượng hiện ở đâu. Có thể thấy rằng ông
chỉ muốn đi qua các phòng, chấm dứt những cuộc chào hỏi cho thật nhanh để ngồi
xuống trước bàn làm việc với mấy tấm địa đồ, là nơi ông cảm thấy đắc địa nhất
ông ta vội gật đầu sau khi nghe Tsemysev trả lời và mỉm cười mỉa mai khi nghe
Tsemysev nói hoàng thượng hiện đang đi xem xét các công sự mà chính ông ta,
Pful đã thiết kế theo lý thuyết của mình.
Pful càu nhàu cất cái giọng trầm nói
lẩm bẩm một mình, như những người Đức giàu lòng tự tin vẫn làm: Đồ ngu… hay:
Bao nhiêu công chuyện đều hỏng bét… hay: Rồi sẽ đẹp mặt lắm đấy… Công tước
Andrey không nghe rõ ông ta nói những gì, và toan đi qua, nhưng Tsemysev giới
thiệu công tước Andrey với Pful, nói thêm rằng chàng vừa ở Thổ Nhĩ Kỳ về: ở
đây, như mọi người đều biết, chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Pful chỉ hơi
liếc mắt nhìn, không hẳn là nhìn công tước Andrey, mà nhìn qua chàng thì đúng
hơn, vừa cười vừa nói: "Chiến tranh bên ấy chắc phải là một cuộc chiến
tranh rất hay ho và chiến thuật đấy nhỉ!", nói đoạn ông cất tiếng cười gằn
ngạo mạn rồi bước vào gian phòng có tiếng bàn cãi vẳng ra.
Có thể thấy rằng Pful thường ngày
vẫn hay mỉa mai một cách chua chát, nhưng hôm nay ông ta lại càng chua chát hơn
vì người ta dám đi xem xét và phê phán công sự của ông ta mà không mời ông ta
cùng đi.
Chỉ một phút gặp gỡ ngắn ngủi này
thôi cũng đủ để công tước Andrey có được một khái niệm rõ rệt về nhân vật này,
nhờ những kinh nghiệm của chàng từ dạo ở Austerlix. Pful là một trong những con
người có một lòng tự tin bất đi bất dịch, không phương cứu chữa, đến mức sẵn
sàng tuẫn đạo mà chỉ có người Đức mới có thể có cái lòng tự tin căn cứ trên một
quan niệm trừu tượng. - Căn cứ trên khoa học, nghĩa là trên cái ảo tướng cho
rằng mình biết được chân lý tuyệt đối. Người Pháp tự tin vì họ hiểu rằng về
tinh thần cũng như về thể chất họ có một sức quyến rũ không sao cưỡng lại được,
đối với đàn ông hay đối với đàn bà cũng vậy. Người Anh tự tin vì cho rằng mình
là công dân của nước được tổ chức hoàn chỉnh nhất trên thế giới và do đó, một
khi đã làm người Anh thì tất phải biết mình cần phải làm gì, và tất cả những gì
mà mình định làm nhất định phải hay, phải tốt. Người Ý tự tin vì họ dễ cảm xúc
và dễ quên cả mình lẫn người khác. Người Nga tự tin chính là vì họ không tin
rằng người ta có thể biết một điều gì cho đến nơi đến chốn. Người Đức tự tin
một cách thậm tệ hơn cả, ngoan cố hơn cả và khả ố hơn cả, vì họ tưởng rằng mình
biết chân lý, nghĩa là cái khoa học do chính họ bày đặt ra mà họ coi là chân lý
tuyệt đối. Pful hiển nhiên là một người như vậy. Ông ta đã rút ra lịch sử chinh
phạt của Fridrich Đại đế, và tất cả những gì mà ông ra gặp trong lịch sử chiến
tranh cận đại, ông ta đều có cảm tưởng là vô nghĩa lý, là man rợ, là những cuộc
xung đột loạn ẩu trong đó cả hai bên đều phạm nhiều sai lầm đến nỗi những cuộc
chiến tranh đó không thể gọi là chiến tranh được: Nó không phù hợp với lý
thuyết và không thể dùng làm đối tượng khoa học được.
Năm 1806, Pful là trong những người
soạn ra kế hoạch tác chiến của cuộc chiến tranh kết thúc bằng hai trận Jena và
Auertet; những kết quả của cuộc chiến tranh này không hề chứng minh cho ông ta
thấy một tý nào rằng lý thuyết của mình không đúng. Trái lại, theo quan niệm
của ông thì sở dĩ thất bại clủ là vì người ta đã làm sai cái lý thuyết của ông,
và với giọng nói mỉa mai vui vẻ đặc biệt của ông, ông nói: "Thì tôi đã nói
là công chuyện sẽ đi đời nhà ma cả mà lại".
Pful thuộc vào số những nhà lý
thuyết yêu thích lý thuyết của mình đến nỗi quên mất rằng mục đích của lý
thuyết là để đem dùng vào thực tiễn; vì yêu thích lý thuyết cho nên ông thù
ghét mọi thứ thực tiễn và một mục không thèm biết đến nó. Thậm chí, ông ta còn
lấy làm mừng là đã thất trận, vì cuộc thất trận này do làm sai lý thuyết mà ra,
và như vậy chỉ càng chứng minh rằng lý thuyết của ông ta là đúng.
Ông ta nói mấy lời với công tước Andrey
và Tsemysev về cuộc chiến tranh hiện nay với cái vẻ như đã biết trước rằng mọi
việc đều sẽ hư hỏng, nhưng thậm chí cũng không lấy gì làm phiền lòng về điều
đó, những chòm tóc không chải lởm chởm sau gáy và hai chòm tóc mai chải vội bên
thái dương nói lên điều đó một cách đặc biệt hùng hồn.
Ông ta bước sang phòng bên và lập
tức từ gian phòng ấy vọng ra tiếng nói trầm trầm và cáu kỉnh của ông ta.
Phần
IX
Chương
- 11 -
Công tước Andrey đang nhìn theo hút
bóng Pful thì bá tước Bennigxe đã hấp tấp bước vào và gật đầu chào Bolkonxki,
nhưng không dừng lại, cứ tiếp tục đi thẳng vào phòng làm việc, vừa đi vừa dặn
dò điều gì đó với viên sĩ quan phụ tá ông ta. Nhà vua đang đi sau ông ta, nên
ông ta vội vàng đón ngài. Tsemysev và công tước Andrey ra thềm. Nhà vua xuống
ngựa một cách uể oải. Hầu tước Paolutsi đang nói gì với hoàng thượng. Hoàng
thượng nghiêng đầu bên trái, vẻ không bằng lòng, lắng nghe ông ta nói cái gì
hăng hái lắm. Hoàng thượng bước, tới, hình như muốn chấm dứt câu chuyện, nhưng
người Ý đỏ mặt tía tai lên vì kích động, quên cả nghi thức, cứ đi theo nói
tiếp:
- Còn như người ta đã đề nghị dựng
doanh trại Drissa này. - Paolutsi nói trong khi nhà vua bước lên bậc thềm. Khi
trông thấy công tước Andrey, nhà vua nhìn chàng nhưng không nhận ra.
- Tâu hoàng thượng, còn như người
đã… - Paolutsi nói tiếp một cách tuyệt vọng, dường như không sao đủ sức kìm
mình được nữa, - Đã đề nghị hạ trại Drissa thì theo tôi chỉ có thể cho vào nhà
thương điên hay cho lên giá xử giảo, không còn cách nào khác.
Chưa nghe hết và làm như không nghe
thấy những lời của người Ý nói, nhà vua đã nhận ra Bolkonxki liền ôn tồn nói
với chàng:
- Rất vui lòng được gặp ông, ông vào
phòng đợi tôi một lát nhé!
Nhà vua đi vào phòng giấy. Công tước
Piotr Mikhailovich Volkonxki giữ một chức vụ gần như là tham mưu trưởng của
hoàng thượng. Volkonxki từ trong phòng giấy bước ra, đưa bản đồ vào phòng khách
và trải lên bàn, rồi phổ biến những vấn đề mà ông ta muốn nghe ý kiến của những
vị có mặt tại đây. Số là đêm hôm qua vừa nhận được một tin (tin này về sau mới
biết là có không đúng) cho rằng Pháp đang tiến quan vòng qua trại Drissa.
Người bắt đầu nói trước tiên là
tướng Armfeld. Ông ta đột nhiên đề ra một phương sách nhằm khắc phục những khó
khăn hiện nay, một cách bố quân hoàn toàn mới lạ, nhưng không dựa vào một cơ sở
nào cả (ngoài ý muốn tỏ rõ cho người ta thấy rằng ông ta cũng có thể có ý
kiến): ông ta đề nghị tập trung quân đội và bố trí cách xa hai con đường
Petersburg và Moskva để đợi quân địch. Hẳn là kế hoạch này đã được Armfeld soạn
từ lâu và bây giờ ông ta mang nó ra trình bày không hẳn với mục đích giải đáp
những vấn đề ấy, mà là với mục đích lợi dụng thời cơ đến trình bày nó. Đó là
một trong những đề nghị khác, nếu người ta không hề có một khái niệm gì về tính
chất cuộc chiến tranh sẽ có. Một vài người bác lại ý kiến ông ta, một vài người
khác bênh vực ý kiến ấy.
Viên đại tá Tolly trẻ tuổi bác bỏ ý
kiến của viên tướng Thuỵ Điển hăng hơn những người khác, và trong khi tranh cãi
ông ta rút ra từ túi áo bên sườn ra một quyển vở viết chi chít những chữ và xin
phép đọc. Trong bản thuyết trình rườm rà ấy, Tolly đề nghị một kế hoạch tác
chiến khác, trái ngược hẳn với kế hoạch của Armfeld cũng như của Pful. Paolutsi
bác lại Tolly và đưa ra kế hoạch tiến quân và tấn công. Theo lời ông ta thì chỉ
có làm như vậy chúng ta mới có thể thoát khỏi tình trạng nghi hoặc và thoát
khỏi cái bẫy sập (ông ta gọi trại Drissa là cái bẫy sập), hiện nay. Trong khi
họ tranh cãi thì Pful và người phiên dịch của ông ta là Voltxoghen (cái đầu của
Pful trong triều đình) đều lặng thinh. Pful chỉ thở phì phì ra vẻ khinh bỉ và
ngoảnh mặt đi, tỏ ra mình không bao giờ hạ mình xuống cãi vã với những ý kiến
ngu xuẩn mà mình đang phải nghe.
Nhưng khi công tước Volkonxki, bấy
giờ điều khiển cuộc tranh luận, mời ông ta phát biểu ý kiến, Pful chỉ nói:
- Hỏi tôi làm gì? Tướng quân Armfeld
đã đề nghị một vị trí rất tốt, hậu phương để hở ra cả - Hoặc như lối tấn công
của vị tướng ý đây hay lắm, hoặc rút lui, cũng tối! Hỏi tôi làm gì? - Pful nói.
- Thì các ngài còn biết rõ hơn tôi nhiều mà.
Nhưng khi Volkonxki cau mày nói rằng
ông ta thay mặt hoàng thượng mà hỏi, thì Pful đứng dậy và bỗng nhiên sôi nổi
hẳn lên, bắt đầu nói:
- Người ta làm hỏng hết rồi, làm rối
hết rồi, ai cũng biết rõ hơn tôi, thế rồi bây giờ lại hỏi ý kiến tôi. Sửa chữa
thế nào à? Chẳng có gì phải sửa chữa cả. Phải làm cho thật đúng những điều tôi
đã đề ra, - Ông ta vừa nói vừa gõ mấy ngón tay xương xẩu xuống bàn, - Khó khăn
ở chỗ nào? Nhảm nhí. Trò trẻ con!
Đoạn ông ta đến cạnh bản đồ và bắt
đầu nói rất nhanh, vừa nói đoạn vừa gõ ngón tay gầy guộc lên tấm bản đồ và
chứng minh rằng không có một sự tình cờ nào có thể làm cho trại Drissa kém phần
lợi hại, rằng mọi việc đều đã được dự tính trước và nếu quả quân địch đi vòng
qua trại này thì nhất định sẽ bị tiêu diệt.
Paolutsi, vốn không biết tiếng Đức,
nên dùng tiếng Pháp hỏi ông ta. Vokltxoghen liền đến viện trợ cho quan thầy (vì
Pful nói tiếng Pháp kém), và dịch những lời ông ta nói ra tiếng Pháp,
Vokltxoghen chật vật lắm mới theo kịp Pful lúc bấy giờ đang nói rất nhanh và chứng
minh rằng tất cả mọi việc, tất cả, không những tất cả những việc đã xảy ra cũng
vậy, tất cả đều được dự tính trong bản kế hoạch của ông ta, và sở dĩ bây giờ có
những sự khó khăn phát sinh ra, thì đó hoàn toàn chỉ là người làm ta không được
đúng tất cả những điều ông đã dặn. Ông ta luôn cười gằn một cách mỉa mai trong
khi chứng minh, và cuối cùng ông ta thôi chứng minh, với một thái độ khinh bỉ
như một nhà toán học không thèm dùng nhiều biện pháp klểm tra một bài khi bài
tính đã được chứng minh là đúng. Vokltxoghen đỡ lời Pful và tiếp tục trình bày
ý kiến của ông ta bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng lại nói với Pful: "Thưa
đại nhân có phải thế không ạ?". Pful, như một người nổi nóng ở giữa trận
tiển bắn bừa vào quân mình, giận giữ quát luôn cả Vokltxoghen:
- Phải rồi chứ còn gì nữa, sao lại
cứ phải giải thích mãi những cái ấy!
Paolutsi và Miso đồng thanh tấn công
Pful bằng tiếng Pháp, Armfeld đùng tiếng Đức nói với Pful. Tolly dùng tiếng Nga
cắt nghĩa cho công tước Volkhonxki. Công tước Andrey im lặng nghe và quan sát.
Trong tất cả các nhân vật đang tranh
luận thì Pful, con người quả quyết tự tin một cách phi lý đã đi đến chỗ hằn học
ấy, là người gây được nhiều thiện cảm hơn cả trong lòng công tước Andrey. Hiển
nhiên là trong tất cả những người có mặt ở đây chỉ có ông ta là không mưu cầu
điều gì cho bản thân mình, cũng không có ý thù hằn ai, mà chỉ muốn có một điều.
- Làm sao thực hiện được cái kế hoạch soạn theo một lý thuyết mà ông ta đã dày
công hàng bao nhiêu năm nay mới sáng lập được. Pful thật lố bịch và mỉa mai đến
khó chịu, nhưng đồng thời ông cũng làm cho người ta bất giác, thấy kính trọng
vì lòng trung thành vô hạn đối với tư cách của mình, Ngoài ra, qua tất cả những
lời phát biểu của các nhân vật có mặt, trừ một mình Pful, đều thấy có một nét
chung mà trong phiên hội đồng quân sự năm 1805 cũng thấy có. Đó là một nỗi sợ
hãi tuy đã cố được che dấu đi, nhưng vẫn để lộ tính chất hoảng loạn trước thiên
tài của Napoléon, một lòng sợ hãi lộ ra trong từng lời phản bác.
Napoléon cũng có thể đánh tới; họ
đưa tên tuổi khủng khiếp của Napoléon ra để bác bỏ ý kiến của nhau. Chỉ có một
mình Pful có vẻ như xem Napoléon cũng là một kẻ man rợ như tất cả những người
chống đối lý thuyết của ông ta. Nhưng ngoài cảm giác kính trọng ra, Pful còn
làm cho công tước Andrey có cảm giác thương hại nữa. Cứ theo cái giọng của các
triều thần dùng khi nói với ông ta, cứ theo những điều mà Paollutsi đã dám nói
với hoàng thượng và nhất là cứ bám theo cách ăn nói có vẻ hơi tuyệt vọng của
Pful, có thể thấy rằng những người khác biết và chính ông ta cũng cảm thấy là
ngày thất sủng của ông đã gần đến. Và mặc dầu cái vẻ tự tin và lối mỉa mai cáu
kính theo kiểu Đức của ông ta, trông ông ta vẫn thảm hại, với món tóc mai chải
sát trên thái dương và những chỏm tóc lởm chởm sau gáy. Có thể thấy rằng tuy
ông ta cố che giấu điều gì đó dưới một vẻ bực tức và khinh bỉ, ông ta vẫn khổ
tâm vì bây giờ cái cơ hội duy nhất để kiểm nghiệm lý thuyết của mình trên quy
mô lớn và chứng minh cho cả thế giới thấy rằng nó đúng đắn cái cơ hội ấy đang
lọt ra khỏi tay ông ta.
Cuộc tranh luận kéo dài khá lâu, và
nó càng kéo dài thì người ta càng hăng tiết lên, đi đến chỗ quát tháo và lăng
mạ cá nhân, và càng ít có khả năng rút ra một kết luận chung nào qua tất cả
những điều đã nói. Công tước Andrey trong khi lắng nghe những lời bàn cãi bằng
nhiều thứ tiếng, những lời đề nghị, những kế hoạch, những lời phản bác, những
tiếng quát tháo, chỉ thấy ngạc nhiên về tất cả những điều họ nói. Những ý nghĩ
đã từng đến với chàng từ lâu đã rất nhiều lần trong thời gian chàng hoạt động quân
sự, những ý nghĩ cho rằng không có và không thể có cái gì gọi là thiên tài quân
sự, bây giờ chàng đã thấy nó có đủ tính chất hiển nhiên của một chân lý tuyệt
đối. "Làm sao có thể có một lý thuyết và một khoa học trong một công việc
mà ta không biết và không thể xác định sức mạnh của những lực lượng tham chiến?
Chưa có ai và không có ai biết được sau một ngày vị trí của quân mình và của
quân địch sẽ ra sao, và cũng không ai có thể biết được một đội quân này hay một
đội quân kia mạnh hay yếu ra sao".
Đôi khi, nếu ở phía trước không có
một thằng hèn nhát kêu lên: "Ta bị cắt đứt rồi?", và bỏ chạy, mà có
một người gan dạ, vui vẻ, hô lên "Ura!" - Thì một đội quân năm nghìn
người cũng đáng giá một đội quân ba vạn người, như ở Songraben, và đôi khi năm
nghìn vạn quân có thể bỏ chạy trước một đội quân tám nghìn người như ở
Austerlix.
Làm sao có thể có được một khoa học
trong một công việc. - vả chăng công việc thực tiên nào cũng vậy thôi. - Trong
đó chẳng có thể xác định được điều gì và mọi việc lệ thuộc vào vô số điều kiện,
mà tầm quan trọng của những điều kiện ấy thì chỉ lộ rõ trong một phút chẳng ai
biết lúc nào sẽ đến. Amlfeld nói rằng quân ta bị cắt đứt, còn Paolutsi thì nói
rằng cái bất lợi của trại Drissa là ở chỗ có một con sông ở sau lưng còn Pful
lại nói rằng lợi thế của nó hoặc ích ở chỗ ấy. Tolly đề ra một kế hoạch,
Armfeld lại đề ra một kế hoạch khác; và tất cả các kế hoạch ấy đều hay mà cũng
đều dở, và tất cả những đề nghị ấy lợi hại ra sao thì chỉ khi nào chiến sự diễn
ra mới có thể biết rõ được. Và tại sao ai cũng nói: Thiên tài quân sự. Chả nhẽ
một con người biết ra lệnh chở bánh mì khô đến cho đúng lúc và bảo người này đi
sang trái, người kia đi sang phải cho kịp thời, lại là một thiên tài ư? Chẳng
qua vì có những tướng tá có danh vọng và có quyền bính, và vì họ có những đám
người ti tiện nịnh hót kẻ có quyền, gắn cho họ những phẩm chất thiên tài mà kỳ
thực họ không có, cho nên người ta mới gọi là thiên tài.
Trái lại, những tướng lĩnh ưu tú mà
ta biết, thì đều là những người khờ khạo hay đãng trí. Người giỏi nhất trong
bọn là Bagration. - Chính Napoléon công nhận như vậy. Còn bản thân Bonaparte
thì sao! Ta có thể nhớ vẻ mặt tự mãn và thiển cận của ông ra trên chiến trường
Austerlix. Một viên tướng giỏi không những không cần thiên tài và những phẩm chất
cao cả nhất, tốt đẹp nhất của con người: tình thương, hồn thơ, ân tình và sự
hoài nghi triết học. Một viên tướng giỏi phải thiển cận, tin chắc rằng việc
mình làm là rất quan trọng (nếu không sẽ không có đủ kiên nhẫn), và có như thế
thì mới có thể là một nhà cẩm quân gan dạ. Cái mà nhà quân sự kỵ nhất là nhân
tình, là lòng thương người, lòng trắc ẩn, là khả năng cân nhắc xem cái gì là
công bằng, cái gì là không công băng. Chẳng có gì là lạ nếu từ thời cổ xưa
người ta đã bịa ra cái thuyết thiên tài, bới vì những kẻ gọi là thiên tài đó có
thế lực. Công lao của một thắng lợi quân sự không phải là của họ, nó lệ thuộc
vào người lính đứng trong hàng ngũ kêu lên: "Bỏ mẹ rồi!" hay
"Ura!". Và chỉ có đứng trong hàng ngũ mới có thể phục vụ với lòng tin
chắc chắn rằng mình có ích.
Công tước Andrey suy nghĩ như vậy
trong khi nghe họ tranh luận, và mãi đến khi Paolutsi gọi chàng và khi mọi
người đã giải tán, chàng mới sực tỉnh.
Trong cuộc duyệt binh ngày hôm sau
nhà vua hỏi công tước Andrey xem chàng muốn phục vụ ở đâu, thì công tước Andrey
không xin ở lại bên cạnh nhà vua, mà lại xin phép gia nhập quân đội dã chiến:
điều đó đã làm cho chàng vĩnh viễn mất uy tín trong giới triều đình.