Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển V - Chương 01 - 02 - 03

QUYỂN V: ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU

I

VỪA QUẠNH HIU VỪA GẦN DOANH TRẠI

Nỗi đau thương của Côdét bốn năm tháng
trước đây gay gắt và tái tê đến thế mà nay thì đang ở thời kỳ bình phục. Điều
đó chính nàng cũng không nhận thấy. Mùa xuân, cảnh vật, tuổi trẻ, tình yêu
thương đối với bố, chim ca, hoa nở đã gạn vào trong tâm hồn trinh trẻ, từng
ngày, từng giọt, một cái gì như chất quên lãng. Lửa lòng đã tắt ngấm rồi hay
chăng? Hay đó chỉ là những lớp tro phủ mặt? Thực tế là nàng hầu như chẳng còn
thấy chỗ nào bỏng buốt.

Bỗng một hôm, nàng nhớ tới Mariuytx.

- Ừ nhỉ! Nàng buột miệng. Ta không nghĩ
tới anh chàng đó nữa.

Cũng trong tuần lễ ấy, nàng để ý đến một
sĩ quan kỵ binh khá xinh đẹp đi qua trước cổng vườn; lưng ong, quân phục khá
đẹp, má phính thiếu nữ, kiếm bên hông, râu mép vuốt sáp, mũ sơn bóng. Ngoài ra:
tóc vàng, mắt xanh lồi, mặt tròn, khoa trương, ngạo nghễ, mủm mỉm; trái ngược
Mariuytx. Miệng ngậm xì gà. Côdét đoán chắc viên sĩ quan ấy thuộc trung đoàn
đóng ở doanh trại phố Babilôn.

Hôm sau nàng lại thấy hắn đi qua. Nàng
xem giờ.

Kể từ lúc ấy, có còn là sự ngẫu nhiên
nữa không? Hầu như hôm nào nàng cũng trông thấy hắn đi qua.

Bạn đồng ngũ của viên sĩ quan nhận thấy
ở đấy, trong cái vườn ít được sáng sủa, sau cánh cửa sắt cổ lỗ, một cô thiếu nữ
khá xinh đứng sẵn chờ viên sĩ quan đẹp trai đi qua. Viên sĩ quan ấy là Têôđuyn
Gilơnoócmăng, bạn đọc không còn lạ.

- Kìa! Họ nói với anh ta. Con bé ấy nó
liếc mày, trông kìa.

- Tao đâu có thì giờ nhìn tất cả những
đứa con gái nhìn tao, Têôđuyn đáp. Chính lúc đó là lúc Mariuytx lâm vào giai
đoạn hấp hối. Chàng than thở: “Ước gì ta được gặp lại nàng một chút trước khi
chết!” Nếu điều ước nguyện của chàng được thỏa mãn, nếu chính lúc đó chàng nhìn
thấy Côdét đang nhìn một kỵ binh thì hẳn chàng không nói được lời nào và trút
hơi thở cuối cùng.

Lỗi tại ai? Không tại ai cả.

Tính cách Mariuytx thuộc loại đắm sâu
vào sầu não và ở mãi trong đó. Côdét thuộc loại lặn vào rồi lại thoát ra.

Vả lại Côdét đang trải qua một giờ phút
nguy hiểm. Khi một thiếu nữ không người dìu dắt mơ mộng thì giấc mơ của họ tất
phải trải qua một giai đoạn mà quả tim của họ giống như cái tay của dây nho,
tới được đâu thì quấn đó, dù là trụ cẩm thạch hay cọc quán rượu cũng thế thôi.
Giờ phút chớp nhoáng và quyết định, nghiêm trọng đối với những cô gái mồ côi dù
giàu hay dù nghèo, bởi vì của cải cũng không cản được người ta chọn sai. Càng
có vị trí cao, càng dễ chọn phải người chồng không xứng đáng. Người chồng thực
sự không xứng đáng chính là ở tâm hồn của hắn. Có những chàng trai không tiếng
tăm, không tên tuổi, không thuộc thế phiệt, không trâm anh mà là một trụ cẩm
thạch chống đỡ cả một đền đài tình cảm và tư tưởng lớn; lại có những khách
phong lưu tự mãn, giàu sang, đi hài bóng, lời lẽ hoa mỹ, nhưng nhìn vào không
nhìn bên ngoài mà nhìn vào bên trong, nghĩa là cái phần dành cho vợ, thì thấy
chỉ là một khúc gỗ đần độn chìm lấp giữa những dục vọng dữ dội, trâng tráo,
nồng nặc hơi men; đúng là cây cọc quán rượu.

Có gì trong tâm hồn Côdét? Một niềm si
tình đã lắng xuống hay ngủ yên; tình yêu ở trạng thái bồng bềnh; một cái gì trong
trẻo, rực rỡ, xuống sâu một chút thì vẩn đục, sâu hơn nữa thì tối tăm. Hình ảnh
viên sĩ quan đẹp trai phản chiếu ở trên mặt. Ở sâu có một kỷ niệm gì không? - Ở
tận đáy ấy?

Có lẽ có. Côdét không biết.

Thế rồi xảy ra một sự kiện lạ.

II

CÔDÉT SỢ HÃI

Thượng tuần tháng tư, Giăng Vangiăng có
việc phải đi vắng. Người ta biết lâu lâu ông lại một lần đi như thế. Ông vắng
nhà một hai ngày, nhiều nhất là ba. Ông đi đâu thế? Chẳng ai biết, kể cả Côdét.

Chỉ có một lần, trong một chuyến đi như
vậy, Côdét cùng ngồi xe tiễn ông đến một ngõ cụt, ở đầu ngõ có biển đề: Ngõ La
Plăngsét. Đến đấy, ông bước xuống, còn chiếc xe ngựa thì đưa Côdét trở về phố
Babilôn. Thông thường Giăng Vangiăng đi vắng như vậy vào lúc trong nhà thiếu
tiền.

Lần ấy, ông vắng nhà. Hôm ra đi ông bảo:
ba ngày nữa bố về. Tối đến Côdét ở một mình trong phòng khách. Để giải buồn,
nàng mở dương cầm ra, vừa đệm đàn vừa hát, khúc Ơriăngtơ, có lẽ là khúc nhạc
hay nhất trong âm nhạc: Hỡi những người đi săn lạc lối trong rừng! Hát xong,
nàng ngồi nghĩ ngợi.

Bỗng nàng nghe hình như có tiếng chân
người bước ngoài vườn. Tất nhiên không phải bố nàng, vì bố nàng đi khỏi; cũng
không phải bà Tútxanh, bà ấy đã đi ngủ rồi. Bấy giờ là mười giờ tối.

Nàng bước đến cạnh cửa ván phòng khách
đang đóng kín, dán tai nghe ngóng.

Hình như là tiếng chân của một người đàn
ông đang rón rén từng bước.

Nàng vội chạy lên phòng nàng trên gác,
mở cái ô mắt cáo ở cạnh cửa ván, nhìn xuống vườn. Trăng rằm, sáng vằng vặc như
ban ngày.

Không có ai cả.

Nàng mở cửa sổ. Trong vườn yên tĩnh hoàn
toàn ngoài phố cũng vắng tanh như thường lệ.

Côdét cho mình nhầm. Nàng đã tưởng tượng
ra tiếng động ấy thôi. Đó là một ảo tưởng gây nên bởi ca khúc Uơbe u buồn và kỳ
diệu, mở ra trước mắt ta những đáy sâu rùng rợn, nó run rẩy như một khu rừng
khiến ta xây xẩm mặt mày, ở đó có tiếng cành khô răng rắc dưới bước chân lo
ngại của những người thợ săn thấp thoáng trong bóng hoàng hôn.

Rồi nàng không nghĩ tới nữa.

Vả lại Côdét không phải là người cả sợ.
Trong dòng máu nàng có huyết thống của người Bôhêmiêng và khách giang hồ chân
đất. Nàng là sơn ca chứ không phải bồ câu, chúng ta còn nhớ điều đó. Nàng bản
chất hoang dã và bạo dạn.

Hôm sau vừa tối nàng đi chơi ngoài vườn,
sớm hơn mọi lần. Giữa những ý nghĩ lộn xộn, nàng tưởng như chốc chốc lại nghe
có tiếng động giống như tiếng hôm qua, tiếng một người bước đi trong bóng tối
dưới lùm cây cách nàng không xa. Nhưng nàng lại nghĩ bụng: hai cành cây chuyển
động, lá chạm vào nhau sột soạt thì nghe cũng chẳng khác gì tiếng chân người
bước trên cỏ. Nên nàng không để ý đến. Và nàng cũng chẳng trông thấy gì.

Nàng ra khỏi chòm cây um tùm; còn bước
qua vạt cỏ xanh nữa là vào đến thềm nhà. Mặt trăng vừa mọc phía sau lưng, rải
bóng nàng lên nền cỏ.

Bỗng Côdét dừng lại hốt hoảng.

Bên cạnh bóng nàng, ánh trăng in rõ lên
mặt cỏ một cái bóng dữ tợn một cách lạ lùng, một cái bóng đội mũ nhọn. Trông
như một người đứng bên cạnh lùm cây, cách vài bước sau lưng Côdét.

Trong một phút nàng như sửng sốt không
nói, không kêu, không gọi, không cử động, cũng không quay đầu lại được.

Cuối cùng, nàng lấy hết can đảm, quả
quyết quay mặt lại.

Chẳng có ai cả.

Nàng nhìn xuống đất. Cái bóng đã biến
mất.

Nàng trở vào trong chòm cây, mạnh dạn
sục vào các chỗ kín, đi thẳng ra tận rào ở cổng, nhưng chẳng tìm thấy gì.

Nàng thấy lạnh cả người. Phải chăng vẫn
là ảo ảnh?

Quái, sao lại liên tiếp hai đêm liền?
Một ảo ảnh thì còn có lý chứ đến hai nghĩa là sao? Đáng lo nhất là cái bóng ấy
nhất định không là sao? Đáng lo nhất là cái bóng ấy nhất định không phải là ma.
Ma đời nào lại đội mũ nhọn.

Hôm sau, Giăng Vangiăng trở về. Côdét kể
ông nghe những điều nàng cho là tai nghe mắt thấy vừa rồi. Nàng ngỡ là ông sẽ
khuyên nàng yên lòng, ông sẽ nhún vai bảo nàng: “Con điên rồi đấy”.

Nhưng Giăng Vangiăng lại tỏ ra lo lắng.

- Chắc cũng phải có gì đây - ông nói.

Ông tìm cớ để nàng ngồi một mình, bỏ ra
ngoài vườn và nàng nhận thấy ông xem xét tỉ mỉ lại cái cửa song sắt.

Đêm hôm ấy, nàng thức dậy, lần này thì
chắc chắn là không sai, nàng nghe rõ mồn một tiếng người bước đi sát thềm cửa
sổ. Nàng sắp kêu to lên, thì bóng trăng chiếu sáng một bên mặt. Hóa ra bố nàng.

Nàng đi ngủ lại và nghĩ thầm: Bố lo lắng
thật!

Đêm ấy và cả hai đêm sau, Giăng Vangiăng
đều ra ngoài vườn, Côdét nhìn qua khe cửa thì thấy thế.

Đêm thứ ba, mặt trăng khuyết dần và càng
mọc muộn. Chừng một giờ khuya nàng nghe có tiếng cười phá lên và giọng nói của
bố gọi:

- Côdét.

Nàng vùng dậy, choàng áo ngủ và mở cửa
sổ. Bố nàng đứng dưới, trên đám cỏ.

- Bố gọi con dậy để cho con yên tâm.
Nhìn đây này. Cái bóng đội mũ nhọn của con đây.

Và ông chỉ cái bóng in trên mặt cỏ,
giống như bóng một người đội mũ nhọn. Đó là bóng của cái ông khói bằng tôn,
trên mái nhà bên hàng xóm, trên chóp có cái chụp nhọn.

Côdét phá lên cười, mọi giả thiết đáng
sợ nàng nghĩ ra đều sụp đổ và hôm sau, ngồi ăn cơm với bố, chuyện cái vườn ghê
rợn, vì có bóng ma của các ống tôn đi lại, làm cho nàng tươi cười.

Giăng Vangiăng trở lại bình tĩnh như
trước, phần Côdét, nàng không để ý thử xem cái ống khói có phải ở đúng hướng
cái bóng nàng đã thấy hay tưởng là có thấy và có phải mặt trăng ở đúng vào chỗ hôm
trước hay không. Nàng không tự hỏi tại sao lại có chuyện kỳ dị là một cái ống
khói lại sợ bị bắt quả tang và lẩn đi khi người ta nhìn bóng mình, vì hôm nọ,
rõ ràng là cái bóng đã biến mất khi Côdét quay lại. Tâm trí Côdét trong sáng
hoàn toàn. Sự chứng minh đã quá đầy đủ, đến nỗi, bây giờ có người bước đi thật
ngoài vườn ban đêm, nàng cũng cho đó là trí óc nàng bịa ra thôi.

Tuy vậy, ít hôm sau, một việc khác lại
xảy ra.

III

BÀ TÚTXANH LẠI BÀN THÊM VÀO

Ngoài vườn, cạnh hàng giậu sắt, có một
cái ghế đá, khuất sau một giàn cây, ở ngoài người tọc mạch không trông thấy,
nhưng thò tay vào cũng có thể với tới được.

Cũng tháng tư năm ấy, một buổi tối,
Giăng Vangiăng vừa đi chơi khỏi. Sau lúc mặt trời lặn, Côdét ra ngồi trên ghế
đó. Gió thổi trong lùm cây mát rượi. Côdét lặng im suy nghĩ. Một nỗi buồn ấy
thường đến với lòng người vào lúc hoàng hôn, không sao cưỡng lại được. Có lẽ là
do cái huyền bí của sự chết chóc mà người ta hé nhìn thấy trong lúc tranh tối
tranh sáng này chăng?

Có lẽ Phăngtin ở trong bóng tối ấy.

Côdét đứng lên, chậm rãi vòng quanh
vườn, bước đi trên mặt cỏ tươi, đẫm sương. Tâm thần bàng hoàng, nửa tỉnh, nửa
mơ, nàng lẩm bẩm:

- Đi dạo vườn giờ này phải có guốc mới
được, không thì dễ cảm lắm.

Nàng trở lại ghế ngồi.

Lúc ngồi xuống ghế, nàng để ý thấy một
hòn đá khá to đặt ở chỗ nàng vừa ngồi ban nãy.

Côdét nhìn hòn đá, tự hỏi như thế này
nghĩa là gì. Bỗng nàng nghĩ ra rằng hòn đá kia nhất định không phải một mình
đến đây được, tất phải có người đem đến đó, tất phải có một cánh tay luồn qua
hàng giậu. Ý nghĩ ấy làm nàng đâm sợ. Lần này thì sợ thật sự. Không còn nghi
ngờ gì nữa; hòn đá nằm đó. Nàng không chạm đến nó, bỏ chạy một mạch không
ngoảnh lại. Nàng trốn vào nhà, đóng ngay cửa lại, khóa chốt, cài then cẩn thận.
Nàng hỏi bà Tútxanh:

- Bố tôi đã về chưa?

- Chưa, cô ạ.

(Chúng tôi đã giới thiệu với độc giả một
lần là bà Tútxanh nói lắp. Xin phép cho chúng tôi không nhấn mạnh thêm. Chúng
tôi không muốn ghi âm một cái tật).

Giăng Vangiăng có thói quen trầm ngâm và
đi bách bộ ban đêm, thường về rất muộn.

- Bà Tútxanh - Côdét nói tiếp - bà vẫn
nhớ tối đến các cửa trông ra vườn, cài then và lèn chốt sắt vào khoen cẩn thận
đấy chứ?

- Ồ, cô cứ yên trí.

Bà Tútxanh không làm sai lời dặn bao
giờ, Côdét biết thế, nhưng cũng cứ dặn thêm:

- Với lại ở đây vắng lắm bà ạ!

- Phải đấy - bà Tútxanh nói - cô nói
đúng. Ở đây mà có ai nó ám sát thì thật là chết không kịp kêu! Thế mà ông chẳng
ngủ ở nhà cho. Nhưng mà chả sợ cô ạ, tôi đóng cửa sổ chặt như cửa nhà lao mà.
Trong nhà toàn đàn bà cả! Nghĩ đến mà rùng mình! Cô nghĩ coi; đêm khuya có
người vào buồng mình, bảo mình: Im! Rồi kề gươm mà cắt cổ mình. Ừ, chết cũng
chẳng sao, chết cũng được, trước sau cũng chết, nhưng nghĩ đến chuyện những kẻ
ấy họ sờ đến người mình, thì tởm quá. Với lại dao rựa của bọn ấy nữa, chắc là cắt
nhùn nhầy lắm! Trời ơi!

- Thôi, bà im đi, Côdét nói. Đi đóng cẩn
thận tất cả đi.

Màn kịch bà Tútxanh mới dựng lên tức
thời, có lẽ cả những bóng hình hôm trước vừa hiện lại trong trí nàng, làm cho
nàng hoảng sợ. Nàng cũng không dám mở miệng bảo bà Tútxanh: - Bà xem hòn đá ai
để trên ghế thử! Nàng sợ phải mở cửa ra vườn và sợ “có người” vào nhà. Nàng bảo
bà Tútxanh: - Bà xem hòn đá ai để trên ghế thế! Nàng sợ phải mở cửa ra vườn và
sợ “có người” vào nhà. Nàng bảo bà Tútxanh đóng thật cẩn thận tất cả các cửa
lớn cửa sổ, rồi đi xem khắp một lượt, từ dưới hầm lên tới trên gác. Xong nàng
mới về phòng riêng khóa trái cửa lại, cài then, nhìn dưới gầm giường, rồi mới
đi nằm, nhưng vẫn chập chờn ngủ không yên giấc. Suốt đêm hòn đá cứ hiện ra
trước mắt to như quả núi và đầy hang hốc.

Sáng hôm sau, mặt trời mọc. Côdét thức
dậy. Nhớ lại nỗi hoảng sợ tối hôm qua, nàng có cảm giác như một cơn mê. Cái đặc
điểm của buổi rạng đông là làm cho chúng ta phải phì cười về những nỗi lo sợ
của chúng ta trong đêm hôm trước. Mà hễ chúng ta lo sợ bao nhiêu thì chúng ta
lại phì cười bấy nhiêu. Côdét nghĩ thầm: - Đêm qua ta suy nghĩ đến những gì
nhỉ? Chẳng qua cũng như những bước chân ngoài vườn trong đêm tối tuần trước và
cũng như bóng cái ống khói bằng tôn. Bây giờ lại sinh nhút nhát rồi sao? Ánh
sáng ban mai sáng rực qua các khe cửa, làm cho nàng vững dạ; nàng quên hết, cả
hòn đá cũng tan nhòa trong trí.

- Chẳng có hòn đá nào trên ghế mà cũng
chẳng có người nào đội mũ ở trong vườn cả; thật là óc ta mơ với mộng.

Nàng bận áo ra vườn, chạy đến chỗ ghế
đá. Hòn đá vẫn còn nguyên chỗ cũ. Bỗng dưng nàng thấy lạnh toát mồ hôi.

Nhưng chỉ trong chốc lát. Hòn đá ấy đêm
qua làm nàng hoảng sợ, bây giờ thì chỉ khiến nàng thêm tò mò.

- Chà! Thì xem thử tí nào.

Nàng giở hòn đá lên. Dưới hòn đá có cái gì
gống như một phong thư.

Đúng là một phong bì giấy trắng. Côdét
cầm lên. Mặt này không có con dấu, mặt kia không có địa chỉ. Tuy vậy, không
phải là trống rỗng. Ở trong thấy có nhiều mảnh giấy.

Côdét lục trong phong bì. Trong lòng
nàng bây giờ không phải là sợ hãi, cũng không còn tò mò, mà là bắt đầu lo ngại,
nàng dốc phong bì ra: một quyển vở con, trang nào cũng đánh số và trang nào
cũng có mấy dòng chữ khá đẹp và thanh nhã.

Côdét tìm một cái tên nhưng chẳng có.
Thư này gửi cho ai? Chắc là cho nàng vì đã có bàn tay đem đến đặt trên ghế nàng
ngồi. Của ai thế? Phút chốc nàng bị thôi miên, nàng cố quay mặt không nhìn
những trang giấy nhỏ nhắn đang run trong tay nàng, nàng nhìn trời, nhìn đường
phố, nhìn dãy me keo tràn ngập ánh sáng, nhìn đàn bồ câu bay trên mái nhà bên
cạnh, rồi bỗng nhiên mắt nàng nhìn thẳng xuống quyển vở. Phải xem cho biết cái
gì trong đó.

Nàng đọc thấy những dòng này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3