Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển I - Chương 05

V

NHỮNG SỰ VIỆC LÀM NÊN LỊCH SỬ NHƯNG LỊCH
SỬ LẠI KHÔNG BIẾT ĐẾN

Vào cuối tháng tư mọi việc đều trở nên
trầm trọng. Tình hình từ chỗ lên men đã trở thành sôi sục. Từ 1830, rải rác đã
có đôi cuộc bạo động nhỏ, lẻ tẻ. Những cuộc bạo động ấy đều bị đàn áp ngay,
nhưng cũng lại mọc lên ngay, đó là dấu hiệu của một lò lửa to lớn đang bừng
bừng ở bên dưới, một cái gì ghê gớm đang ấp ủ. Người ta hé nhìn thấy những dấu
hiệu chưa rõ nét và còn lờ mờ của một cuộc cách mạng có thể nổ ra. Cả nước Pháp
nhìn vào Pari; Pari nhìn khu ngoại ô Xanh Ăngtoan. Khu ngoại ô Xanh Ăngtoan
được nung ngầm, bỗng sôi sục lên. Không khí các quán rượu phố Sarôn nghiêm
trang và ồn ào - hai tính từ ấy kết hợp để nói về một quán rượu thì cũng lạ
thật.

Ở đấy người ta đem vấn đề duy trì hay
lật đổ chính phủ ra bàn một cách ngang nhiên. Người ta thảo luận công khai cái
việc phải đánh hay nên ngồi yên.

Bên trong nhiều quán rượu người ta bắt
thợ thuyền thề “sẽ có mặt ngoài đường khi có tiếng báo động đầu tiên và sẽ
chiến đấu bất chấp quân thù đông hay ít”. Khi người thợ đã thề xong, một người
ngồi trong góc quán rượu cố ý nói oang oang: Nhớ nhé! Thề rồi đấy nhé!
khi người ta lên gác, họp nhau trong một phòng kín, cảnh tượng chẳng khác gì
những cuộc họp hội kín. Người ta bắt những người mới gia nhập tuyên thệ để giúp
ích cho họ và cho các gia trưởng. Lời thề như vậy đó.

Ở các phòng dưới người ta đọc các sách
“phiến loạn”. Theo lời một bản báo cáo bí mật đương thời, đó là những quyển
sách chửi chính phủ.

Ở các phòng ấy người ta nghe thấy những
lời như sau: - Tôi có biết tên các người chỉ huy đâu. Bọn tôi sẽ được biết ngày
khởi sự chỉ hai giờ trước khi hành động thôi. Một người thợ nói: chúng ta có ba
trăm người, mỗi người bỏ ra mười xu vị chi là một trăm năm mươi phơrăng để làm
đạn và thuốc súng. Một người khác nói: không sáu tháng, hai tháng gì hết. Không
đầy mười lăm hôm là chúng ta sẽ ngang sức với chính phủ. Với hai vạn rưỡi
người, ta có thể đối địch được. Một người nữa nói: - Tôi chẳng ngủ nghê gì, cứ
đêm là đúc đạn. - Thỉnh thoảng có những người “ăn bận đẹp đẽ như bọn tư sản”,
đến đây “làm bộ làm tịch”, ra vẻ “chỉ huy”, bắt tay những nhân vật quan trọng
nhất rồi bỏ đi. Không mấy khi họ ở quá mười phút. Người ta trao đổi những câu
chuyện đầy ý nghĩa: mật kế đã muồi, công việc đầy đủ. Tất cả đều nói nhặng xị
lên như thế, đó là lời một nhân chứng.

Người ta hăng đến nỗi, một hôm, đương ở
giữa quán ăn, một người thợ kêu to: Chúng ta không có vũ khí! Thì một người bạn
đáp ngay: Vũ khí ở trong tay binh lính ấy! Câu đáp đã vô tình nhại câu của
Bônapác tuyên bố với quân đội viễn chinh Pháp sang đánh Ý. Một bản báo cáo của
nhà chức trách, sau khi tường trình sự việc, nói thêm: “Khi có điều gì bí mật
hơn thế thì họ không đem ra nói với nhau ở đấy”. Người ta không hiểu họ còn giữ
bí mật điều gì nữa khi đã nói toạc ra tất cả như đã thấy trên kia.

Những cuộc họp đôi khi tổ chức có định
kỳ. Ở một vài hội nghị như thế, người dự không quá tám hay mười người, và đi
lại cũng chỉ những nhân vật ấy. Ở những cuộc họp khác thì ai cũng được vào
phòng họp, đông đến nỗi phải họp đứng. Người này họp vì nhiệt tình và say đắm!
Kẻ khác họp vì đó là con đường đưa tới có việc làm. Cũng như ở thời cách mạng,
trong các quán ấy có những người phụ nữ yêu nước ôm hôn những kẻ mới đến.

Nhiều sự việc có ý nghĩa nữa xuất hiện.

Có người vào quán rượu uống xong bỏ đi
ra, nói:

“Anh hàng rượu, chỗ tiền rượu này chính
quyền cách mạng sẽ trả cho anh”.

Ở quán rượu bên kia phố Larôn, có một
cuộc bầu cử những người cán bộ cách mạng. Hòm phiếu là một cái mũ công nhân.

Một số thợ họp ở nhà một thầy dạy kiếm
thuật ở phố Cốttơ. Ở đó có một bó khí giới gồm mã tấu gỗ, gậy, kiếm. Một hôm
người ta bóc trần mũi kiếm. Một người thợ nói: “Chúng tôi hai mươi lăm người,
nhưng tôi không được tính vì người ta coi tôi là một cái máy”. Cái máy ấy về
sau là Kênítxê.

Những việc tầm thường gì mà được tính
toán trước cũng trở nên có ý nghĩa lớn. Một người đàn bà quét ở trước cửa nhà
mình thóc mách với một người khác: Đã từ lâu rồi, người ta khẩn trương làm đạn.

Người ta thấy dán ngay ngoài phố những
bản tuyên bố kêu gọi quốc dân các quận. Một trong các bản ấy ký tên: Buyếctô,
bán rượu.

Một hôm ở cửa nhà một anh chàng rượu chợ
Dơnoa, một người có bộ râu quai nón với giọng nói người Ý, đứng lên một trụ vôi
đọc thật to một tờ giấy gì lạ lùng, có vẻ là một quyền lực huyền bí. Từng nhóm
người tụ họp chung quanh vỗ tay hoan nghênh. Các đoạn làm cho quần chúng cảm
động nhất được ghi chép lại như sau: “Chủ nghĩa của chúng ta bị ngăn cản, các
bản tuyên ngôn của chúng ta bị xé rách, các người đi dán áp phích của chúng ta
bị rình mò và bắt giam…” “Cái tai họa trong nghề bông vải đã chữa bệnh trung
dung cho chúng ta”. “Tương lai của các dân tộc là đội ngũ hèn hạ của chúng ta”.
“…Vấn đề đặt ra là thế này: hành động hay phản động? Cách mạng hay phản cách
mạng? Vì ở thời đại chúng ta, không thể có sự nằm ì hoặc bất động. Vì dân hay
chống lại dân, đó là vấn đề. Ngoài ra không còn vấn đề nào khác”. “Cái ngày
chúng tôi không thích hợp với các anh nữa thì hãy hạ bệ chúng tôi. Nhưng từ nay
cho đến lúc ấy, hãy giúp chúng tôi tiến lên”.

Các việc ấy đều xảy ra giữa ban ngày.

Nhiều việc quá táo tợn làm dân chúng đâm
nghi. Ngày 4 tháng tư năm 1832, ở góc phố Xanh tơ Mácgơrít, một người qua đường
leo lên cây trụ, thét lớn: Tôi là người phe Babớp đây.[175] Nhưng dân chúng thì thấy sau danh nghĩa Babớp là hình
dáng Gixkê.

[175] Theo chủ nghĩa vô chính phủ.

Hắn nói huyên thuyên. Hắn bảo:

“Đả đảo chế độ tư hữu! Bọn đối lập cánh tả là đồ hèn nhát, đồ
phản bội. Khi chúng muốn giành lẽ phải về mình thì chúng tuyên truyền cách
mạng. Nhưng dân chủ của chúng là chỉ để khỏi thất bại, còn khi muốn trốn đấu
tranh thì chúng lại theo quân chủ. Bọn cộng hòa là đồ con tườu. Đồng bào lao
động, đồng bào hãy coi chừng bọn cộng hòa”.

Một người thợ hét lớn:

- Ông đồng bào mật thám ơi, im cái mồm đi!

Tiếng thét ấy chấm dứt ngay bài diễn thuyết.

Nhiều chuyện bí ẩn xảy ra.

Vừa tối, có người thợ bắt gặp bên bờ kênh “một người ăn bận
chỉnh tề”, người ấy bảo: - Đồng bào, đi đâu đấy? - Thưa ông, người thợ đáp, tôi
không được biết ông là ai. - Tôi thì tôi biết anh lắm. Và người ấy thêm: anh đừng
sợ. Tôi là người ủy ban. Người ta nghi anh là người không chắc chắn lắm. Anh
nhớ là nếu anh phát giác điều gì thì có người để ý đến anh đấy nhé. Xong hắn
bắt tay người thợ và nói thêm khi bước đi: chúng ta sắp tới sẽ gặp nhau.

Cảnh sát theo dõi đã ghi được, không những trong các quán ăn
mà ngoài đường, rất nhiều mẩu đối thoại kỳ dị.

Một người thợ dệt bảo một người thợ mộc:

- Bác xin gia nhập mau đi.

- Tại sao?

- Sắp được nổ súng rồi bác ạ.

Hai người qua đường ăn mặc rách rưới hỏi và trả lời nhau mấy
câu thật đáng chú ý, nghe như rõ rệt là sắp có bạo động.

- Ai thống trị ta bây giờ?

- Ông Philip.

- Không phải, bọn tư bản thống trị ta…

Một lần khác, hai người đi qua, người ta bắt chợt người này
nói với người kia: chúng mình có một kế hoạch tấn công tài tình. Trong câu
chuyện thân mật giữa bốn người ngồi xổm trong cái hào ở một ngã tư, người ta
nghe thoáng được mấy lời như sau:

- Phải ra sức làm cho nó không còn đi dạo chơi trong Pari
nữa.

Nó là ai? Một bí mật đầy đe dọa.

“Những thủ lĩnh chính”, như ở ngoại ô người ta gọi, không ra
mặt. Người ta tin rằng họ họp nhau bàn bạc ở trong một cái quán gần mũi Xanh
Ơxtasơ. Người hội trưởng hội cứu tế thợ may tên là Ôgơ được coi là người trung
gian liên lạc giữa các thủ lĩnh và khu ngoại ô Xanh Ăngtoan. Tuy vậy vẫn còn mờ
mịt lắm chung quanh các thủ lĩnh ấy. Không có sự kiện chắc chắn nào có thể phủ
định câu trả lời ngang tàng của một bị cáo kia trước tòa án thượng viện. Tòa
hỏi:

- Thủ lĩnh của anh là ai?

- Tôi không có thủ lĩnh và cũng không thừa nhận ai là thủ
lĩnh. Tuy vậy, đó mới chỉ là những lời nói mơ hồ tuy rõ nghĩa, đôi lúc chỉ là
những câu nói trống không, những lời bàn tán, những tiếng đồn ra đồn vào. Lại
có nhiều dấu hiệu khác hiện ra.

Ở phố Rơidi, một người thợ mộc đóng đanh ghép ván để dựng cái
hàng rào quanh đám đất đang làm nhà, bắt được một đoạn thư đã xé nát nhưng còn
đọc được mấy dòng như sau:

“…Ủy ban cần phải có biện pháp để ngăn cản các hội này hội nọ
đến lấy người trong các trung đội…”

Và ở đoạn tái bút:

“Chúng tôi được tin ở phố Ngoại ô Poácxơnie nhà số 5 bis có
nhiều súng, khoảng năm, sáu nghìn khẩu, nằm trong tay một người lái súng và cất
giấu trong một cái sân. Trung đội hiện chưa có vũ khí”.

Đi mấy bước nữa, người thợ mộc nhặt được một mảnh giấy khác
cũng rách dở và càng có ý nghĩa hơn. Anh ta xúc động thuật lại cho mấy người
láng giềng nghe. Vì các tài liệu lạ lùng ấy có giá trị sử dụng cho nên chúng
tôi sao y nguyên dạng mảnh giấy mặt sau:

QCDE Hãy học thuộc lòng danh sách này.

Sau đó anh xé đi. Những người được thừa nhận cũng sẽ làm như
thế sau khi anh đã truyền lệnh cho họ.

Kính chào huynh đệ

U og a1 fe L

Những người có đọc mảnh giấy này mãi về sau mới biết rõ nghĩa
kia của bốn chữ hoa: Quinturions, Centurions, Décurions, Eclareurs và ý nghĩa
của những chữ U og a1 fe nó chỉ một ngày tháng, ngày 15 tháng 4 năm 1832. Dưới
mỗi chữ hoa, có ghi thêm nhiều tên kèm theo những chú dẫn tiêu biểu. Chẳng hạn:
- Q.Banơren 8 súng. 83 đạn. Người đáng tin cậy - C.Bubie 1 súng ngắn. 40 đạn. -
D.Rônlê 1 kiếm, 1 súng ngắn, 1 cân thuốc súng. - Tétxiê 1 mã tấu, 1 túi. B.
Đúng giờ khắc - Terơ - 8 súng. Can đảm…

Cuối cùng anh thợ mộc còn tìm thấy, cũng trong mảnh vườn kia,
một mảnh giấy thứ ba trên đó có cái danh sách bí mật này, viết bằng bút chì,
nhưng rất rõ:

Đơn vị Blăngsa. Acbrơxéc. 6

Bara. Xoadơ. Xan.ô - Côngtơ.

Kooxiuxkô. Ôbry người hàng thịt.

J.J.R

Caiiuytx Gracuyxông

Quyền xét duyệt. Đuyfông Fua.

Phái Girôngđanh đổ. Đécbác. Môbuyê

Oaxinhtơn - Panhxông, 1 súng ngắn, 86 đạn

Mácxâyde.

Chủ q. nhân dân., Misen - Canhcăngpoa - Mã tấu Hôsơ.

Mácxô - Platông - Acbrơxéc.

Vácsôvi - Tily, người rao báo Dân chúng.

Người thị dân lương thiện còn giữ được giấy này đã biết ý
nghĩa của nó. Hình như đây là bản danh sách trọn vẹn về những trung đội ở quận
4 của Hội Nhân Quyền với tên họ và địa chỉ những trung đội trưởng.

Ngày nay những sự việc bí mật ấy đã trở thành lịch sử cho nên
có thể công bố. Cần phải nhắc là Hội Nhân Quyền được thành lập sau ngày người
ta nhặt được mảnh giấy kia. Có lẽ đây chỉ là một bản phác họa.

Tuy nhiên đi sau lời nói, đi sau văn tự, những sự kiện cụ thể
bắt đầu xuất hiện

Phố Pôpanhcua, ở nhà một người bán hàng xén, cảnh sát bắt
được trong ngăn kéo bảy tờ giấy màu xám gấp làm tư theo chiều dài, ở trong lại
đựng hai mươi sáu mảnh vuông cùng thứ giấy ấy gấp thành hình viên đạn và một
mảnh giấy cứng có ghi như sau:

Diêm tiêu 12 lạng

Lưu hoàng 2 lạng

Thanh 2 lạng rưỡi

Nước 2 lạng.

Biên bản tịch thu còn xác nhận rằng ngăn kéo sặc mùi thuốc
súng.

Một người thợ nề buổi tối đi làm về, bỏ quên một cái hộp nhỏ
trên một cái ghế cạnh cầu Auxtéclít. Cái hộp được đưa vào đồn cảnh sát. Mở ra
thì thấy hai bài vẫn đáp in, ký tên Lahôchie, một bài hát nhan đề: Hỡi công
nhân hãy tập hợp lại, và một hộp sắt tây đựng đầy đạn.

Một người thợ uống rượu với bạn, thấy trong người nóng quá,
bảo bạn sờ thử, thì anh bạn chạm tay phải một khẩu súng ngắn cất dưới áo ngoài.

Trong một cái hố bên đại lộ, giữa Pe-Lase và cổng Tơrôn ở chỗ
vắng vẻ nhất, mấy đứa trẻ đương chơi chợt thấy dưới một đống dăm và vỏ khoai
một khuôn đúc đạn, một bàn giập vỏ đạn bằng gỗ, một đĩa thuốc súng săn và một
cái nồi gang có dấu vết chì nấu chảy.

Mấy người cảnh sát lúc năm giờ sáng bất thình lình vào nhà
một người tên là Pácđông - anh này sau làm đội viên trong trung đội chiến lũy
Meri và chết trong cuộc bạo động tháng Tư năm 1834. Họ thấy anh đứng bên
giường, tay cầm mấy vỏ đạn đang làm dở.

Vào giờ thợ thuyền đã ngủ cả, người ta bắt gặp hai người đang
đứng với nhau giữa cổng Picpuyta và cổng Sađăngtông, trên một ngõ hẻm giữa hai
bức tường, bên cạnh một cái quán có bày một bộ con lăn trước cửa. Người này rút
dưới áo khoác ra một cái súng ngắn đưa cho người kia. Khi đưa thì anh ta nhận
thấy mồ hôi ngực của mình có làm ẩm thuốc súng đi nhiều ít. Anh ta lên cò súng
và thêm thuốc vào ổ thuốc mồi. Thế rồi hai người chia tay nhau.

Một người tên là Gale khoe rằng ở nhà anh ta có bảy trăm viên
đạn và hăm bốn viên đá lửa, người này về sau chết ở phố Bôbua, trong vụ biến
tháng tư. Một hôm chính phủ được báo là khí giới đã được phân phát ở ngoại ô
cùng với hai mươi vạn viên đạn. Tuần sau lại ba vạn viên đạn nữa. Điều đáng chú
ý là cảnh sát không bắt được viên nào. Người ta kiểm duyệt một bức thư, thấy có
câu: “Sắp đến ngày mà chỉ trong bốn tiếng đồng hồ thôi sẽ có tám vạn người yêu
nước cầm khí giới.”

Sự ủ men này là công khai, có thể nó là khá trầm tĩnh. Cuộc
nổi dậy vần vũ một cách bình tĩnh trước mắt chính quyền. Cuộc khủng hoảng còn
đương ngấm ngầm nhưng cũng đã cảm thấy này rất là khác thường. Những người thị
dân thản nhiên bình luận với thợ thuyền về điều đang sửa soạn. Người ta nói:
Cuộc khởi nghĩa thế nào? Cũng như hỏi: bác gái thế nào?

Một anh bán bàn ghế ở Môrô hỏi: “Nào, bao giờ thì các anh
đánh đấy?”

Một anh chủ hiệu khác: “Sắp đánh rồi. Tôi biết. Tháng trước
các anh chỉ có mười lăm nghìn người, tháng này đã lên hăm nhăm nghìn”. Anh ta
hiến khẩu súng, một ông láng giềng biếu khẩu súng nhỏ mà trước ông muốn bán bảy
phơrăng.

Cơn sốt cách mạng lan dần. Không điểm nào ở Pari, không điểm
nào ở nước Pháp thoát khỏi. Mạch đập mạnh khắp nơi. Cũng như các màng mỏng mọc
trong cơ thể con người do một số bệnh tật, màng hội kín bắt đầu giăng khắp đất
nước. Từ hội những người bạn đang nửa công khai nửa bí mật, nảy ra hội nhân
quyền. Hội nhân quyền đã đề ngày tháng như sau vào một bản nhật lệnh: tháng Mưa
năm cộng hòa 40. Mặc dù có những bản án tòa thượng thẩm buộc nó phải giải tán,
nó vẫn tồn tại, nó không ngần ngại đặt cho các trung đội của nó những tên ý
nghĩa như:

Thương giáo

Chuông kẻng

Đại bác báo động

Mũ cộng hòa tự do

21 tháng giêng

Người nghèo

Người lang thang

Tiến lên

Rôbétxpic

Trình độ

Được đấy.

Hội nhân quyền đẻ ra hội hành động. Đó là những người sốt
ruột họ tự tách ra và chạy trước. Nhiều đoàn thể khác tìm cách tuyển người
trong các hội mẹ. Các chiến sĩ kêu ca về việc bị lôi đằng này kéo đằng kia.
Chẳng hạn hội Gôloa và Ủy ban tổ chức các thị trấn, hội đấu tranh cho Tự do báo
chí, hội vì Giáo dục nhân dân, hội chống thuế gián thu. Rồi thì hội những người
thợ bình đẳng trong đó có ba phái: phái Bình đẳng, phái Cộng sản, phái Cải
lương. Rồi Đạo quân Paxti một đám chiến sĩ được tổ chức theo kiểu quân đội: cứ
bốn người thì có một viên hạ sĩ chỉ huy, mười thì có một viên trung sĩ, hai
mươi thì có một thiếu úy, bốn mươi thì có một trung úy. Trong đạo quân đó họ
không biết nhau quá số năm người. Cách xếp đặt này kết hợp tính cẩn thận với sự
táo bạo, thấm nhuần thiên tài Vơnidơ. Ủy ban trung ương tức là cơ quan đầu não,
có hai cánh tay: hội hành động là Đạo quân Baxti. Một liên đoàn của những người
bảo vệ dòng vua chính thống, tên là Liên đoàn những tráng sĩ trung thành rục
rịch giữa những tổ chức dân chủ ấy. Họ bị tố giác và khai trừ.

Các hội thủ đô đâm chi nhánh ở các thành phố lớn. Lyông,
Năngtơ, Lilơ, Mácxây, đều có Hội nhân quyền. Hội Sácbônie, Hội những người tự
do. Thành phố Exơ có một tổ chức cách mạng lấy tên là La Cugốcđơ. Chúng tôi
từng nói đến tên ấy.

Ở Pari thì khu ngoại ô Xanh Mácxô nhốn nháo không kém khu
ngoại ô Xanh Ăngtoan và trường học cũng náo động như ngoại ô. Hiệu cà phê phố
Xanh Hyaxanh và hiệu cà phê Xếtbia phố Matuyaranh Xanh Giắc dùng làm nơi liên
lạc cho sinh viên Hội những người bạn ABC, chi nhánh của hội ái hữu Ăngiê và
của tổ chức La Cugốcđơ ở Exơ nhóm họp ở hiệu cà phê Muydanh. Cũng những thanh
niên ấy lại gặp nhau ở quán rượu Côranhtơ, gần phố Môngđêtua, như chúng tôi đã
nói. Những cuộc nhóm họp ấy được giữ kín. Nhiều cuộc họp khác lại rất mực công
khai. Người ta có thể nhận thấy họ táo bạo dường nào nếu được nghe một mảng
thẩm vẫn trong các vụ xét xử về sau: - Cuộc họp diễn ra ở đâu? - Ở phố hòa
bình. - Nhà ai? Ngoài đường phố. - Những đội nào có mặt? - Chỉ có một thôi -
Đội nào? Đội Manuyen. - Ai là đội trưởng? - Tôi - Anh quá non trẻ, không thể
một mình dám quyết định cái việc nghiêm trọng là tấn công chính phủ. Anh nhận
huấn thị từ đâu? - Từ Ủy ban trung ương.

Quân đội cũng nung lửa như nhân dân, như các vụ binh biến
Benpho, Luynêvin, Epinan sau này chứng thực. Người ta trông cậy vào các trung
đoàn 52, 5, 8, 37 và trung đoàn 20 khinh binh.

Ở tỉnh Buôcgônhơ và các thành phố miền Nam, người ta trồng
cây Tự do, tức là một gỗ chụp mũ nồi đỏ.

Tình thế là như vậy đấy.

Phố ngoại ô Xanh Ăngtoan, như chúng tôi đã nói lúc ban đầu,
đẩy tình thế ấy lên cao nhất và tình thế đó dễ cảm thấy nhất ở khu vực đó. Đúng
đó là chỗ nhói bên sườn.

Cái phố ngoại ô ấy đông như tổ kiến, cần cù lao động can đảm
và dễ nổi nóng như một tổ ong. Nó run lên trong chờ đợi và náo nức mong có một
chấn động. Sôi sục nhưng mà công việc làm ăn vẫn không gián đoạn. Không thể
hình dung được diện mạo linh hoạt mà âm thầm của khu phố ấy. Ở đấy có những cơ
cực thắt lòng núp dưới cái mái nhà ổ chuột; cũng có những trí tuệ nồng nhiệt và
hiếm có. Cơ cực cùng đường và thông minh tột bậc mà kết với nhau thì nguy hiểm.

Còn có những nguyên nhân khác làm cho khu ngoại ô Xanh
Ăngtoan rung động. Nó hứng các hậu quả của khủng hoảng thương mại, phá sản đình
công, thất nghiệp dính liền với các đại biến động chính trị. Thời cách mạng thì
bần cùng vừa là nhân vừa là quả. Bần cùng đánh tới thì cũng bị trả đòn. Cái đám
cư dân phố Xanh Ăngtoan có một nền đạo đức hiên ngang một tiềm nhiệt cao nhất
luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí, nhạy bùng nổ, căm giận, sâu sắc, ngún ngầm, cái
đám dân cư ấy tuồng như chỉ đợi một tàn lửa rơi xuống. Mỗi khi ngọn gió thời
cuộc đưa tới một tia lửa ở chân trời, người ta phải nghĩ tới phố Xanh Ăngtoan
và sự ngẫu nhiên khủng khiếp đã đặt ở cửa ngõ Pari cái kho chứa đạn thường và
tư tưởng như một kho chất nổ ấy.

Trong bức phác họa vừa rồi đã xuất hiện các quán ngoại ô
Ăngtoan, các quán ấy có tên tuổi trong lịch sử. Trong thời biến động, ở đấy
người ta say lời nhiều hơn là say rượu. Ở đấy lưu thông một số tư tưởng tiên
tri, một luồng không khí tương lai làm nở quả tim và lớn trí tuệ. Các quán
ngoại ô Ăngtoan giống như các quán ở đồi Avăngtanh đặt ngay trong hang của bà
đồng ngày xưa và thông với các nguồn khí thiêng. Các bàn uống rượu ở đấy hầu
như là một loại bàn ba chân của người đồng bóng, để ngồi uống thứ rượu mà người
xưa gọi là rượu của bà chúa thượng ngàn.

Ngoại ô Xanh Ăngtoan chẳng khác gì cái bể chứa đầy dân. Làn
sóng cách mạng chuyển động làm cho nó nứt rạn và từ chỗ nứt rạn ấy, chủ quyền
của dân chảy tháo ra. Chủ quyền ấy có thể làm bậy; nó cũng mắc sai lầm như mọi
thứ chủ quyền khác; nhưng dù có lầm đường lạc nẻo đi nữa, nó vẫn vĩ đại. Có thể
ví nó với người khổng lồ mù Anhgiăngxơ.

Năm 93, cứ tùy theo trào lưu tư tưởng tốt hay xấu, tùy theo
đó là một ngày cuồng tín hay một ngày hăng hái vì nghĩa, những đội quân xuất
phát từ ngoại ô Xanh Ăngtoan là những đội quân dã man, hay là những đám người
anh dũng.

Chúng tôi xin giải thích về tiếng dã man. Những ngày khai
sinh hỗn độn của cách mạng buổi đầu, những con người rách rưới dữ tợn này vùng
đứng lên. Họ vừa gào thét vừa giơ cao giáo mác. Họ muốn gì? Họ muốn chấm dứt
mọi thứ áp bức, mọi thứ hung bạo, mọi thứ chém giết, họ muốn người lớn có công
ăn việc làm, trẻ con được học hành, phụ nữ được có một đời sống xã hội dễ chịu,
họ muốn tự do, bình đẳng, bác ái, họ muốn xã hội này thành một cõi hạnh phúc,
họ muốn sự Tiến bộ. Và để đòi kỳ được cái vật thần thánh, hiền lành, dịu ngọt
và sự tiến bộ này, họ đã tay dao tay gậy, vừa gầm thét vừa xông lên, mình trần
thân trục, như điên như dại, chẳng kể một thứ gì. Họ là những kẻ dã man, đúng;
nhưng là kẻ dã man vì văn minh.

Họ nêu cao chính nghĩa một cách cuồng dại. Họ muốn bắt ép
nhân loại đi vào cõi cực lạc, dù bằng khủng bố và dọa nạt cũng không ngần ngại,
có vẻ là những người dã man, thật ra họ là những tay cứu khổ cứu nạn. Họ mang
mặt nạ đen tối đi đồi ánh sáng.

Chúng tôi đồng ý là họ hung tợn và đáng sợ, nhưng họ hung tợn
và đáng sợ vì việc tốt. Bên cạnh họ có những hạng người khác, mặt mày tươi
cười, toàn thân đầy vàng bạc, gấm vóc, chân đi tất tơ, giầy bóng, đầu đội mũ
giắt lông chim trắng, tay mang găng vàng. Bọn này đang chống tay lên một chiếc
bàn rải nhung bên cạnh cái lò sưởi bằng cẩm thạch và đang uốn ba tấc lưỡi để cố
giữ nguyên chế độ cũ, chế độ trung thế kỷ, chế đột thần quyền, giữ nguyên tình trạng
cuồng tín, ngu dốt tối tăm, giữ nguyên nô lệ, tử hình và chiến tranh. Chúng
cũng đang ca ngợi một cách nhỏ nhen và khéo léo cây gươm, giàn hỏa và máy chém.
Về phần chúng tôi, nếu phải lựa chọn giữa những người dã man vì văn minh trên
kia và những bọn văn minh trong dã man này thì chúng tôi lựa chọn những người
dã man.

Tuy vậy, nhờ trời, cũng có thể có một cách lựa chọn khác.
Chẳng có một sự nhào đổ chúc ngược nào là cần thiết cả, đổ tới phía trước hay
đổ ra phía sau cũng thế. Không độc tài, cũng không khủng bố! Chúng tôi muốn một
sự tiến bộ theo độ dốc từ từ, thoai thoải.

Chúa đã lo cho điều đó. Làm cho độ dốc dịu đi, đó là tất cả
đường lối chính trị của Chúa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3