Những người khốn khổ - PHẦN III - Quyển VI - Chương 01 - 02 - 03 - 04 - 05
QUYỂN VI:
HAI NGÔI SAO GẶP NHAU
I
BIẾM DANH: CÁCH HÌNH THÀNH CỦA TÊN TỘC HỌ
Mariuytx hồi ấy là một chàng trai xinh đẹp, người tầm thước,
tóc dày và đen nhánh, trán cao và thông minh, hai lỗ mũi rộng, say sưa, vẻ chân
thật và bình tĩnh: tất cả diện mạo tỏa ra một tinh thần tự cao, trầm tưởng và
thơ ngây. Trông nghiêng thì đường nét của chàng tròn trịa nhưng vẫn rắn rỏi.
Gương mặt chàng có cái dáng hiền dịu. Nhật-nhĩ-man đã qua con đường Andát Lôrên
mà thấm vào vẻ mặt Pháp. Gương mặt đó không mang góc cạnh, khiến người ta dễ
nhìn ra người Nhật-nhĩ-man giữa những người La Mã và đó cũng là điểm khác nhau
giữa giống sư tử và giống phượng hoàng. Chàng đang ở cái mùa đời mà trí tuệ của
con người có suy nghĩ gồm cả hai phần sâu sắc và thơ ngây bằng nhau. Gặp việc
quan trọng, chàng dễ ngớ người ra; nhưng khi quay được cái chìa khóa giải
quyết, thì chàng có thể trở thành rất cao sâu. Cử chỉ của chàng dè dặt, lạnh
lùng, lễ phép, ít cởi mở. Vì miệng chàng rất có duyên, môi thắm nhất, răng
trắng nhất thiên hạ, cho nên nụ cười của chàng sửa chữa được vẻ nghiêm nghị
trên mặt. Có lúc cái nụ cười say đắm ấy, phản lại một cách lạ lùng vầng trán trắng
trong. Mặt chàng nhỏ, nhưng cái nhìn thật lớn.
Trong thời kỳ túng thiếu nhất, chàng thấy mỗi khi chàng đi
qua, con gái ngoảnh lại nhìn, thế là chàng rảo bước đi nhanh hay trốn tránh,
lòng tê tái; chàng cho rằng họ cười bộ quần áo cũ của chàng; sự thực thì những
cô gái ấy nhìn chàng vì thấy chàng xinh trai và mơ ước thầm trong lòng.
Sự hiểu lầm thầm lặng về những cô qua đường xinh xắn ấy làm
cho chàng lạnh lùng, khó tính; chàng không để ý đến một phụ nữ nào vì lẽ rất dễ
hiểu là chàng lẩn tránh tất cả. Cuộc sống ấy cứ kéo dài mãi, Cuốcphêrắc cho
chàng là ngu độn.
Cuốcphêrắc còn bảo chàng: - Thôi mày đừng làm ra vẻ mô phạm
nữa (họ đã bắt đầu gọi nhau mày tao biểu hiện của tình bạn trẻ trung). Tao
khuyên mày bớt vùi đầu vào sách vở, hãy ngẩng nhìn bọn con gái một chút, họ
cũng có lắm cái hay, Mariuytx ạ. Cứ đỏ mặt và lẩn trốn hoài rồi mày đến thành
đần độn mất.
Nhiều khi Cuốcphêrắc gặp chàng chào:
- Kính chào ông tu viện trưởng.
Mỗi khi Cuốcphêrắc nói với Mariuytx tương tự như thế thì
Mariuytx tám ngày liền tránh không gặp một người đàn bà nào, trẻ hay già cũng
vậy và càng tránh Cuốcphêrắc.
Nhưng dưới gầm trời mênh mông, có hai người đàn bà mà
Mariuytx không tránh mặt và cũng không để ý tới. Đáng ra nếu ai bảo đó là đàn
bà thì chắc Mariuytx rất ngạc nhiên. Một người là mụ già có râu vẫn quét dọn
buồng chàng - Cuốcphêrắc thường nói đùa: thấy mụ người ở mang râu rồi, Mariuytx
không mang nữa - Người kia là một cô gái nhỏ mà Mariuytx gặp luôn nhưng không
nhìn bao giờ.
Từ hơn một năm nay, Mariuytx thấy trong vườn Luychxămbua, ở
cái lối đi vắng vẻ nhất, dọc theo bờ tường khu Ươm cây, một người đàn ông và
một cô gái nhỏ, lúc nào cũng ngồi với nhau trên một chiếc ghế dài ở đầu đường
ít người qua lại, về phía phố Uét. Mỗi lần đi chơi ở vườn Luychxămbua, ngẫu
nhiên - sự ngẫu nhiên của những người đi dạo để trầm tư - mà Mariuytx bước chân
vào cái lối đi ấy, bao giờ chàng cũng gặp hai người đó. Người đàn ông trạc độ
sáu mươi tuổi, có vẻ buồn rầu và nghiêm nghị, với cái vóc dáng khỏe mạnh và mệt
mỏi của con nhà lính đã giải ngũ; giá có đeo một cái huy chương thì Mariuytx
tin chắc là một sĩ quan về hưu. Trông ông ra vẻ hiền lành, nhưng khó đến gần,
ông không để mắt nhìn một ai cả. Ông mặc một cái quần xanh, một áo dài xanh,
đội một cái mũ rộng vành, lúc nào cũng như mới cả, một cái cà vạt đen và một
cái sơ mi của người quê-cơ (giáo sĩ của một giáo phái đạo Tin lành thịnh hành ở
Mỹ, Anh) nghĩa là trắng toát nhưng bằng vải thô. Một cô ả lẳng lơ một hôm qua
đấy nói: ông lão góa này trông cũng sạch mắt đấy. Tóc ông đã bạc cả.
Lần đầu tiên Mariuytx gặp cô gái đến cùng ông già ngồi trên
chiếc ghế quen thuộc của họ thì cô bé mới trạc độ mười ba, mười bốn tuổi, gầy
gầy đến nỗi trông ra xấu, vụng về, chẳng có ý vị gì, chỉ có đôi mắt hứa hẹn sẽ
khá đẹp. Nhưng đôi mắt đó lúc nào cũng mở to nhìn không chút e lệ cho nên khó
chịu. Quần áo thì nửa là bà già, nửa là trẻ con, kiểu quần áo của con gái ở nhà
tu, cái áo dài len thô màu đen, may cắt vụng. Hai người có vẻ là hai bố con.
Hai ba hôm Mariuytx để ý nhìn hai bố con người ấy, người bố
tuy già nhưng chưa ra vẻ ông lão, cô con gái thì chưa ra vẻ người lớn. Về sau
chàng không để ý đến họ nữa. Còn hai người đó thì hình như không trông thấy
Mariuytx, họ nói chuyện với nhau bình tĩnh, thản nhiên. Cô bé thì cười nói luôn
mồm, ông già ít nói, thỉnh thoảng đăm đăm nhìn cô bé với tất cả lòng trìu mến
khó tả của một người cha.
Theo thói quen, Mariuytx luôn luôn dạo chơi ở lối đi ấy.
Không lần nào chàng không gặp hai cha con ông già.
Sự việc diễn ra thế này.
Mariuytx thường hay đi từ đầu cái lối đi mà ở cuối lối có ghế
họ vẫn ngồi. Anh đi suốt dọc lối đó, qua mặt họ rồi lại quay trở lại cho đến
nơi xuất phát và cứ thế làm lại. Trong mỗi cuộc đi dạo chơi, anh đi đi lại lại
như vậy năm sáu lần và mỗi tuần anh đi dạo năm sáu bận. Nhưng chưa bao giờ anh
với họ trao đổi một lời chào hỏi. Nhân vật ấy và người con gái, mặc dù có vẻ
tránh con mắt mọi người, hoặc giả chính vì thế cũng nên, vẫn được năm sáu sinh
viên tự nhiên chú ý, những sinh viên thỉnh thoảng đi dạo chơi dọc lối khu Ươm,
bọn chăm học thì sau buổi lên lớp, bọn khác thì sau cuộc bi-a. Cuốcphêrắc ở
trong số những anh ham chơi, có quan sát họ một độ, sau thấy cô bé xấu xí, thì
vội vàng và cẩn thận lảng đi. Anh chạy trốn như người kỵ sĩ, dừng trước đà đao,
phóng lại một cái tên chế giễu. Cuốcphêrắc chú ý cái áo dài đen của cô bé và
mái tóc bạc của ông già, nên gọi cô gái là cô La Noa và ông già là ông Lơ Blăng
(cô Đen; ông Trắng); không ai biết tên họ hai cha con người ấy, cái tên biếm La
Noa và Lơ Blăng thành ra tên của họ. Bọn sinh viên bảo nhau: - Ồ! Ông Lơ Blăng
đã đến ngồi ghế rồi - Mariuytx cũng thuận mồm gọi ông già không quen ấy là ông
Lơ Blăng.
Chúng tôi cũng theo họ gọi ông Lơ Blăng cho tiện kể.
Hầu như hôm nào cũng vậy, Mariuytx gặp họ vào một giờ bất di
dịch ở cái ghế ấy, suốt năm đầu. Chàng thấy ông già người cũng dễ ưa, nhưng cô
bé mặt mày khó mến.
II
ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN
(Nguyên văn Latinh: Lux jacta est)
Năm thứ hai, là lúc câu chuyện của chúng ta đến quãng này, tự
nhiên Mariuytx không đi dạo chơi ở vườn Luychxămbua nữa. Chàng cũng chẳng biết
vì lẽ gì có sự thay đổi ấy. Sáu tháng liền chàng không để chân trên cái lối đi
cũ trong vườn. Nhưng một hôm, một buổi sáng hè tươi đẹp chàng lại tới đó.
Mariuytx thấy lòng vui vẻ trước cảnh trời tươi đẹp. Lòng chàng rộn rã những
tiếng chim hót trên cành và tươi sáng như những mảnh trời xanh sau kẽ lá.
Chàng tiến thẳng đến lối cũ của mình, đến cuối đường chàng
lại thấy, cũng trên cái ghế cũ, hai người quen thuộc. Đi gần đến nơi chàng nhận
rõ vẫn ông già ấy, không thay đổi gì, nhưng cô gái thì hình như không phải cô
bé năm trước. Cô gái bây giờ là một cô gái lớn và đẹp, có cái hình dáng xinh
xắn của người đàn bà mà vẫn còn vẻ thơ ngây của tuổi nhỏ, nàng đang ở cái tuổi
dậy thì thoáng qua, trong sáng: cái tuổi mười lăm. Mái tóc nàng hung nâu đẹp vô
cùng với những đường vân vàng óng ả, trán nàng trắng như cẩm thạch, má mơn mởn
như cánh hồng, thắm nhạt và trắng mượt mà, miệng xinh nở nụ cười trong sáng,
giọng nói êm như tiếng đàn, cái đầu đáng làm mẫu cho Raphanen vẽ Maria đặt trên
cái cổ mà Giăng Gugiông ưng tạc cho Vênuytx. Để tăng thêm vẻ hấp dẫn cho bộ mặt
xinh tươi ấy, cái mũi không đẹp nhưng mà xinh, cái mũi không thẳng, không cong,
không giống mũi người Ý cũng chẳng giống mũi người Hy, cái mũi của người thiếu
nữ thủ đô thông minh, thanh tao, trong trẻo và không mẫu mực làm cho họa sĩ
thất vọng và nhà thơ say mê.
Khi Mariuytx đi qua gần nàng, chàng không nhìn thấy mắt nàng,
vì mắt nàng luôn luôn nhìn xuống. Chàng chỉ trông thấy hàng mi hung nâu kín đáo
và e lệ.
Nhưng người thiếu nữ vẫn mỉm cười nghe ông già tóc bạc nói
chuyện; không gì đẹp bằng nụ cười khi đôi mắt e lệ nhìn xuống.
Lúc đầu Mariuytx cho rằng thiếu nữ là một cô con gái khác của
ông già, chắc hẳn là chị cô bé năm trước. Nhưng theo thói quen đi dạo, Mariuytx
lần sau lại đến gần chiếc ghế, chàng nhận rõ vẫn là cô bé năm trước. Sáu tháng
qua, cô gái nhỏ đã thành một thiếu nữ, thế thôi. Chuyện cũng rất thường. Có lúc
những cô gái nhỏ nở bừng ra như những đóa hồng. Hôm qua còn là trẻ con, hôm nay
đã làm cho người ta bối rối. Cô gái không những lớn lên, còn duyên dáng xinh
đẹp lên nữa. Tiết tháng tư, chỉ cần ba hôm là một cái cây phủ đầy hoa, sáu
tháng đủ cho cô kia khoác một lốt đẹp.
Một đôi khi có những người nghèo khổ, hèn mọn bỗng nhiên như
bừng tỉnh, từ nghèo hèn trở thành sang trọng, tiêu tiền như nước, rộng rãi, huy
hoàng. Đó là vì họ đã lĩnh được lợi tức. Kỳ lĩnh đến hôm qua. Cô thiếu nữ này
cũng vậy. Cô đã lĩnh được khoản lục cá nguyệt bổng.
Không phải là cô nữ sinh ký túc với cái mũ nhung xù, cái áo
len thô, đôi giầy học trò và bàn tay đỏ nữa. Nàng đẹp ra và lại thêm ý nhị, ăn
mặc thanh nhã, sang mà giản dị, không kiểu cách, nàng mặc một cái áo nhiễu đen,
một cái áo khoác cùng một thứ hàng, mũ trắng cũng bằng nhiễu. Đôi găng trắng để
lộ rõ bàn tay búp măng, đang mân mê một cái cán dù bằng ngà Trung Hoa, đôi giày
lụa nhỏ che đôi chân xinh xắn. Người nàng tỏa một mùi hương trẻ trung và thấm
thía.
Còn ông già thì vẫn không thay đổi gì.
Lần thứ hai, Mariuytx đến gần nàng, người thiếu nữ ngẩng mặt
lên; mắt nàng xanh thăm thẳm như da trời, nhưng trong cái màu trời xanh che đậy
đó vẫn còn ánh của tuổi thơ. Nàng thản nhiên nhìn Mariuytx cũng như nhìn đứa bé
đang chạy chơi dưới hàng cây sung hay chiếc bình cẩm thạch in bóng trên ghế
nàng ngồi; còn Mariuytx thì vẫn bước đi thơ thẩn nghĩ đến chuyện khác.
Chàng đi qua như vậy bốn năm lần nữa trước ghế của nàng,
nhưng chẳng hề quay đầu nhìn.
Những ngày sau, chàng vẫn dạo chơi ở vườn Luychxămbua, vẫn
gặp “ông bố và cô gái” nhưng không để ý đến nữa. Chàng không để ý đến người
thiếu nữ đẹp bây giờ cũng như không để ý đến cô gái nhỏ xấu trước kia. Chàng
vẫn theo thói quen đi gần sát chiếc ghế.
III
VÌ MỘT NGÀY XUÂN
Một hôm trời ấm, vườn Luychxămbua đầy bóng râm và ánh nắng,
trời trong vắt như có một toán thiên thần đã rửa sạch lúc sớm mai. Chim hót ríu
rít trong cành cây dẻ. Mariuytx mở rộng tâm hồn chào đón cảnh vật, chàng không
tư lự gì, hồn nhiên hít thở và tận hưởng cuộc sống. Chàng đi qua gần chiếc ghế
quen. Thiếu nữ ngẩng đầu nhìn chàng, hai cặp mắt gặp nhau.
Ánh mắt của thiếu nữ lần này ngụ ý gì? Mariuytx không sao nói
được. Không ngụ ý gì mà cũng là tất cả. Thật là một tia chớp lạ lùng.
Nàng cúi mặt, còn chàng thuận bước cứ đi.
Cặp mắt chàng vừa thấy không phải là cặp mắt thơ ngây chất
phác của trẻ con, nhưng là một cái vực thẳm huyền bí thoáng mở ra rồi khép lại.
Trong đời mỗi thiếu nữ đều có một đôi lần đôi mắt nhìn như
vậy. Tai họa cho người nào đứng đó.
Cái khóe mắt đầu tiên của một tâm hồn còn tự tìm mình ấy
chẳng khác gì ánh bình minh trên trời, một cái gì chói lọi và bí ẩn đang dâng
lên. Không sao tả được cái vẻ quyến rũ nguy hiểm của tia sáng bất ngờ vừa rọi
trên những bóng tối êm ái đáng yêu, sức quyến rũ của một thứ tình hôm nay còn
thơ ngây nhưng ngày mai sẽ say đắm. Đó là một thứ trìu mến mơ hồ, ngẫu nhiên
nảy nở và chờ đợi, là một cạm bẫy vô tình của tuổi thơ, không chủ tâm bẫy những
trái tim mà cũng không hay rằng có những trái tim đã vướng mắc. Một cô gái đồng
trinh với cái nhìn của một thiếu phụ.
Một khóe mắt như vậy rơi vào đâu chẳng khỏi gây nên mơ mộng.
Tất cả trong trắng, tất cả say mê chung đúc trong các tia sáng thần tiên có sức
quyến rũ mãnh liệt ấy, hơn tất cả những khóe mắt đưa tình tinh luyện của những
ả lẳng lơ, có phép nhiệm màu làm bừng nở trong đáy lòng người bông hoa ngào
ngạt hương thơm mà cũng ngấm ngầm chất độc: bông hoa tình ái.
Chiều hôm ấy, trở về gian phòng tồi tàn, Mariuytx nhìn lại
quần áo của mình và lần đầu tiên, chàng nhận thấy chàng lại có thể thô tục, vô
ý, ngớ ngẩn đến mức ấy, đi dạo chơi ở vườn Luychxămbua với bộ áo “hàng ngày”
ấy, một cái mũ nát, một đôi giầy phu xe, một cái quần đen bạc thếch ở đầu gối,
một cái áo đen khuỷu đã phai màu.
IV
BẮT ĐẦU TƯƠNG TƯ
Ngày hôm sau, đến giờ thường lệ, Mariuytx mở tủ lấy chiếc áo
mới, chiếc quần mới, chiếc mũ mới và đi đôi giầy mới, mặc tất cả bộ đồ đầy đủ
ấy, đeo găng tay, xa xỉ phẩm bậc nhất của chàng và đi đến vườn Luychxămbua.
Giữa đường chàng gặp Cuốcphêrắc nhưng làm như không nhìn
thấy. Cuốcphêrắc về nhà nói với bạn: tao vừa gặp cái mũ mới, chiếc áo mới của
Mariuytx và hắn ta ở trong đó. Chắc Mariuytx đi dự kỳ thi, trông nó đến ngớ ngẩn.
Đến vườn Luychxămbua, Mariuytx dạo một vòng xung quanh bể
nước, nhìn những con thiên nga lượn trên mặt nước, rồi đứng trầm ngâm rất lâu
trước pho tượng đầu đen những mốc và đã mất một bên hông. Gần bể nước có một
người tư sản trạc bốn mươi tuổi, bụng phệ, dắt tay một đứa nhỏ chừng năm tuổi,
ông ta bảo con: - “Con hãy nhớ phải tránh những điều quá trớn, nên ở lưng chừng
giữa chuyên chế và vô chính phủ”. Mariuytx để ý nghe người tư sản nói rồi chàng
lại đi vòng bể nước một lần nữa. Cuối cùng chàng tiến về phía cái “lối đi của
chàng”, lững thững, như có ý e ngại, hình như có cái gì lôi kéo chàng đi mà
cũng có cái gì cản chàng lại. Chàng vô tình không nhận thấy gì và tưởng rằng
cũng đi như mọi ngày thôi.
Bước vào lối đi, chàng thấy ở đầu kia, trên cái ghế quen
thuộc, ông Lơ Blăng và thiếu nữ. Chàng cài khuy áo lê đến tận cổ, ưỡn ngực cho
áo phẳng không nếp nhàu, nhìn khoái chá hai ống quần óng ánh tuyết len và tiến
về phía chiếc ghế dài. Cái dáng tiến lên của chàng như có vẻ tấn công và muốn
chinh phục; có thể nói chàng tiến đến chiếc ghế như Anniban tiến vào La Mã.
Nhưng chàng vẫn bước đi tự nhiên như vậy, óc nghĩ đến những
công việc đang làm. Chàng nghĩ đến quyển sách Khóa trình tú tài, chàng cho là
quyển sách thật ngớ ngẩn, những người soạn sách chắc ngu dốt đặc biệt vì họ
phân tích coi đó là kiệt tác của nhân loại ba bi kịch của Raxin và độc một hài
kịch của Môlie thôi. Đi gần đến chiếc ghế, chàng ưỡn ngực cho căng thẳng nếp áo
và đăm đăm nhìn thiếu nữ. Hình như tất cả một đầu lối đi vì nàng mà sáng rực lên
một ánh sáng lam mờ.
Càng tiến đến gần, chàng càng bước chậm lại. Đến một quãng,
cách cuối lối còn khá xa, chàng dừng lại và cũng không biết vì sao, chàng quay
trở lại. Chàng cũng không hề tự nhủ chàng đừng đi đến cuối lối. Thiếu nữ mới
thoáng thấy chàng ở xa và thoáng thấy cái vẻ lịch sự của chàng trong bộ áo mới.
Còn chàng thì bước đi rất ngay ngắn để cho ra vẻ, phòng khi có ai ở đằng sau
chú ý nhìn theo mình.
Mariuytx đi tới đầu kia lối đi, rồi quay trở lại và lần này
tiến đến gần chiếc ghế hơn. Chàng đến chỉ còn cách ba gốc cây, nhưng đến đấy
chàng bỗng thấy không thể tiến xa hơn nữa và chàng do dự. Chàng thấy hình như
thiếu nữ nghiêng mặt về phía chàng. Chàng gắng hết nghị lực, khắc phục do dự,
cương quyết tiến lên phía trước. Vài giây sau chàng đi qua chiếc ghế, ngay
ngắn, nghiêm nghị, đỏ mặt tía tai, không dám nhìn ngang, nhìn ngửa, tay đút
trong ngực áo như một chính khách. Khi chàng đi ngang qua “khẩu đại bác ở quảng
trường”, chàng thấy tim đập một cách dễ sợ. Thiếu nữ vẫn mặc chiếc áo nhiễu và
đội cái mũ nhiễu như hôm trước. Chàng nghe thấy giọng nói êm ái vô cùng chắc
phải là “tiếng của nàng”. Nàng nói chuyện tự nhiên như không có gì. Nàng xinh
quá, Mariuytx cảm thấy như vậy tuy chàng không dám nhìn nàng. Chàng chợt nghĩ
chắc nàng không thể không đem lòng yêu mến và kính trọng chàng, nếu nàng biết
rằng chính chàng là người đã làm bài nghị luận về Máccôt Ôbơrêgông đơ và Rôngđa
mà ông Phơrăngăngxoa đơ Đơnơsatô đã để ở đầu bàn Gin Bơlát và ký tên ông (tiểu
thuyết phong tục nổi tiếng của nhà văn Pháp Lesage thế kỷ XVII, XVIII).
Chàng vượt qua chiếc ghế, đi tới đầu lối đi cũng gần đấy, rồi
quay lại và đi qua trước mặt người đẹp. Lần này mặt chàng tái hẳn đi. Chàng
thấy trong người rất khó chịu. Chàng bước xa chiếc ghế, xa thiếu nữ, quay lưng
lại nàng, nhưng ngờ rằng nàng đang nhìn theo chàng, chàng bối rối, bước thấp
bước cao.
Chàng không muốn đến gần chiếc ghế nữa. Đến khoảng giữa lối
đi, chàng đứng lại và ngồi xuống, chưa bao giờ chàng ngồi như vậy, chàng nhìn
ngang và mơ hồ nghĩ từ trong đáy lòng rằng người mũ trắng và áo đen mà chàng
ngầm khen ngợi không thể không để ý đến chiếc quần còn óng ánh tuyết và chiếc
áo mới của chàng.
Mười lăm phút sau chàng đứng dậy như sắp lại đi về phía chiếc
ghế bao phủ hào quang, nhưng chàng đứng yên lặng. Đã mười lăm tháng rồi, lần
đầu tiên bây giờ Mariuytx mới nghĩ rằng có lẽ ông già hàng ngày vẫn ngồi trên
ghế kia với cô gái chắc cũng phải để ý đến chàng: chắc ông phải lấy làm lạ rằng
chàng luôn qua lại nơi này như vậy.
Cũng lần đầu tiên chàng cảm thấy sự bất kính của mình đối với
ông già lạ ấy khi gọi ông, tuy rằng chỉ gọi thầm, với cái tên hiệu ông Lơ
Blăng.
Chàng đứng như vậy mấy phút liền cúi đầu nhìn xuống, tay cầm
chiếc gậy nhỏ vẽ vẽ trên mặt cát. Rồi chàng ngoắt hẳn lại phía đối lập chỗ ông
Lơ Blăng và con gái, đi thẳng về nhà.
Hôm ấy chàng quên đi ăn, tám giờ tối chàng mới nhớ đến bữa,
vì muộn rồi không xuống phố Xanh Giắc được, chàng chỉ ăn một miếng bánh mì.
Chải xong chiếc áo ngoài, gấp cẩn thận rồi chàng mới lên
giường ngủ.
V
SÉT NỔ TRÊN ĐẦU MỤ BUGÔNG
Ngày hôm sau mụ Bugông kinh ngạc thấy Mariuytx lại mặc bộ áo
mới đi ra phố. Tên mụ trương nhà chính kiêm gác cổng, kiêm làm bếp ở cái nhà
nát Goócbô là Buyêcgông, nhưng cái ông mãnh Cuốcphêrắc chẳng tha ai, đã xuyên
tạc tên mụ và gọi là mụ Bugông.
Mariuytx lại đến vườn Luychxămbua nhưng chàng có rời ghế cũng
không đi quá quãng giữa lối đi. Chàng ngồi xuống ghế như hôm trước và từ xa
chàng vẫn nhìn thấy rõ ràng cái mũ trắng, cái áo đen và nhất là cái ánh sáng
xanh lam. Chàng không đi đâu cả và cứ ngồi đó cho đến lúc người ta đóng cổng
vườn Luychxămbua mới đứng dậy ra về. Chàng không thấy ông Lơ Blăng và cô con
gái đi về. Chàng đoán là họ đã ra về phía cổng phố Uet. Mấy tuần lễ sau, chàng
không nhớ chiều hôm ấy chàng ăn ở đâu.
Ngày hôm sau một tiếng sét nữa lại nổ trên đầu mụ Bugông,
Mariuytx lại mặc áo mới ra phố. Mụ kêu lên:
- Ba ngày liền.
Mụ cố theo dõi Mariuytx, nhưng Mariuytx đi nhanh và bước rất
dài. Đúng con hà mã đuổi theo con sơn dương. Chỉ hai phút là mất hút Mariuytx,
mụ trở về thở hết hơi, hen suyễn nổi lên, mụ căm giận lắm lẩm bẩm một mình:
ngày nào cũng diện áo mới và để cho người ta đuổi theo bở hơi tai thế này thì
quả là mất hết lương tri.
Mariuytx đến vườn Luýchxămbua.
Thiếu nữ đang ngồi với ông Lơ Blăng. Mariuytx cố lại gần hết
sức, làm bộ cầm quyển sách đọc, nhưng chàng cũng còn ở khá xa, rồi lại quay về
ngồi ở chiếc ghế cũ; chàng ngồi liền trong bốn tiếng đồng hồ nhìn những con
chim sẻ nhảy nhót như có ý chế giễu chàng.
Nửa tháng qua như vậy. Mariuytx đến vườn Luychxămbua không
phải để dạo chơi nữa nhưng để ngồi ở chỗ cũ, chàng cũng chẳng biết ngồi đấy để
làm gì.
Đến đấy, là chàng ngồi yên đấy, không cử động nữa. Sáng nào
chàng cũng thắng bộ áo mới nhưng không chường mặt, hết ngày này sang ngày khác.
Quả thật là nàng rất đẹp. Chỉ có một nhận xét có thể coi như
một lời phê bình là miệng nàng cười tươi mà cặp mắt thì lại buồn, làm cho vẻ
mặt có phần nào lạc điệu, thành đôi khi diện mạo hiền từ ấy có vẻ lạ lùng tuy
vẫn đẹp tươi.