Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển IV - Chương 01 - 02
QUYỂN IV: CĂN NHÀ NÁT GOÓCBÔ
I
ÔNG BIỆN LÝ GOÓCBÔ
Bốn mươi năm trước, khi người đi dạo
chơi một mình đưa chân vào những vùng hẻo lánh khu nhà thương Xanpêtơrie và đi
ngược lên dọc theo đại lộ đến tận cửa ô Itali, thì sẽ tới một khu nhà người ta
có thể nói rằng không còn là Pari nữa. Không phải là nơi hoang vắng, ở đây có
người qua lại; không phải là nông thôn vì ở đây có nhà và đường phố; không phải
là thành thị vì đường phố có những vết xe lõm sâu, đầy cỏ mọc, như ở trên những
đường trường; không phải vì xóm làng vì nhà cửa quá cao. Thế thì là cái gì vậy?
Là một khu dân cư mà không có ai ở, là một vùng vắng tanh mà lại có bóng người;
là một đại lộ của thủ đô, một phố của Pari, ban đêm ghê sợ hơn là giữa rừng,
ban ngày buồn thảm hơn là một bãi tha ma.
Đây là cái khu phố cũ chợ ngựa.
Người đi dạo chơi ấy nếu dấn bước xa hơn
bốn bức tường cổ khu chợ ngựa, nếu hắn ưng đi qua phố Pơti Băngkiê sau khi đã
đi qua một mảnh vườn nhà quê ở bên tay phải, có tường cao quây bốn phía, một
bãi cỏ có mấy đống vỏ sồi bao sừng sững như những cái lều của giống hải ly
khổng lồ, rồi qua một khu đất rào kín, ngổn ngang những thanh rầm, rui mới xẻ,
những đống gỗ đầu mẩu, những đống mùn cưa và vỏ bào, có một con chó đứng trên
sủa inh ỏi, rồi lại qua một bức tường thấp đã đổ nát với một cái cổng đen ảm
đạm, rêu phủ kín và khi mùa xuân đến thì lại đầy hoa, rồi đến cái quãng vắng
nhất, sẽ thấy một cái nhà ghê tởm, điêu tàn, với trên tường một dòng chữ lớn:
“Cấm dán yết thị” sau đó người dạo chơi không mục đích ấy sẽ tới góc phố Vinhơ
Xanh Mácxen, một vùng ít người biết đến. Ở đây, gần một xưởng máy và giữa hai
bức tường của hai khu vườn, hồi bấy giờ người ta thấy một cái nhà hát, lúc mới
trông thì chỉ bé như một cái nhà gianh nhưng thực ra nó to như một cái nhà thờ.
Ngoài đường chỉ trông thấy một cái đầu hồi, do đó mà tưởng nó nhỏ. Gần toàn bộ
cái nhà khuất mắt mọi người. Người ta chỉ trông thấy cái cửa ra vào và một cái
cửa sổ.
Cái nhà nát ấy chỉ có một tầng gác. Nhìn
kỹ cái nhà, thoạt đầu phải để ý chi tiết nổi bật này: cái cửa ra vào chỉ có thể
là của một nhà tồi tàn, còn cửa sổ nếu đục trong đá hoa chứ không phải đá xây
cất thường thì phải là cửa sổ của một tòa lâu đài. Cánh cửa thì chỉ là mấy tấm
ván đã mọt, ghép với như bằng mấy cái gióng ngang; trông chẳng khác gì thanh
củi. Cửa mở ngay sát một cái cầu thang gác dựng đứng với những bậc cao đầy bùn,
vôi tường và bụi, cũng rộng bằng bề rộng cái cửa ngoài phố trông chẳng khác gì
một cái thang dựng đứng mất hút giữa hai bức tường. Bên trên cánh cửa là một
cái khung cửa méo mó, có một tấm ván che, ở giữa đục một cái lỗ hổng hình tam
giác. Khi cánh cổng đóng thì cái lỗ hổng này vừa là cái cửa sổ trên trần nhà,
vừa là cái lỗ dòm ở cửa. Phía trong cửa, một cây bút vẽ đã vạch bằng mực hai
nét thành con số 52 và ở cái tấm ván bên trên cửa, cũng cái bút vẽ ấy đã vạch
con số 50. Thành ra người ta phân vân. Cái nhà số mấy đây? Bên trên cửa thì bảo
là số 50, bên trong cửa thì cãi lại: đây là số 52. Những mảnh giẻ màu bụi rủ
xuống từ cái khung nhỏ tam giác như là những tấm màn cửa.
Cái cửa sổ thì rộng, khá cao, có cửa
chớp và cửa kính với những ô kính to. Chỉ phải cái là những ô kính ấy mang
những thương tích đa dạng, có những băng giấy khéo dán muốn che đậy cái thương
tích nhưng cũng làm cho người ta để ý các vết thương, còn cánh cửa chớp, lỏng
lẻo như răng bà lão, thì đe dọa người ngoài đường hơn là che giữ người trong nhà.
Những thanh ván ngang cửa chớp đã mất ở vài chỗ và được thay thế bằng những
mảnh ván đóng đanh, theo chiều dọc, thành ra vừa là cửa chớp, vừa là cửa ván.
Cái cổng có vẻ ghê gớm ấy và cái cửa sổ
có vẻ tử tế ấy, tuy rằng mục nát kề sát nhau trên cùng một căn nhà, trông như
hai kẻ hành khất rách rưới cùng đi với nhau, sát cánh với hai vẻ mặt khác nhau
trong những tấm giẻ rách như nhau, một kẻ từ xưa vẫn là hành khất, một kẻ đã
từng là một nhà quý phái.
Cầu thang dẫn lên một gian nhà rất rộng,
trông giống như một cái kho mà người ta chữa thành nhà ở. Gian nhà ấy nối với
một đường ống, đó là một hành lang dài, bên phải bên trái có những buồng lớn bé
không đều, cũng không thể ở được, giống như những cửa hàng thợ hơn là những
buồng ở. Những buồng ấy có cửa sổ trông ra những khu đất hoang ở xung quanh.
Tất cả tối tăm, trông khó chịu, mờ nhạt, buồn bã, có vẻ tha ma và qua những kẽ
hở ở trên mái và ở cửa, có những tia sáng lạnh lọt xuống hay những ngọn gió rét
lùa vào. Một nét đặc biệt đáng chú ý và kỳ thú ta thường gặp trong những loại
nhà này, ấy là những con nhện khổng lồ.
Bên trái cửa ra vào, nhìn ra mặt đường,
cao ngang đầu người, có một cửa tò vò mà người ta đã bít lại còn như một cái ổ
vuông đầy những hòn đá mà trẻ con khi qua lại ném vào.
Một phần căn nhà này gần đây đã bị phá
hủy. Phần còn lại cũng có thể giúp ta mường tượng được trước kia cả cái nhà ấy
như thế nào. Toàn bộ cái nhà ấy tuổi chưa ngoài một trăm. Một trăm năm đối với
một nhà thờ là tuổi trẻ, nhưng là tuổi già đối với một cái nhà ở. Hình như nhà
ở của người đời cũng ngắn ngủi như đời người, còn nhà của Chúa thì cũng vĩnh
cửu như Chúa.
Những người phát thư của bưu điện gọi
cái nhà nát ấy là nhà số 50-52. Nhưng ở trong khu này người ta quen gọi nó là
nhà ông Goócbô.
Hãy kể xem vì đâu nó mang cái tên đó.
Những kẻ thích cóp nhặt các sự việc nhỏ
và xếp lại như một tập mẩu thực vật, đã ghim vào ký ức họ những niên đại thoáng
qua, chắc biết rằng ở thế kỷ trước, vào khoảng những năm 1770 có hai ông biện
lý ở tòa án Satơlê, một ông tên là Corbô, một ông tên là Rơna.[100]
[100] Corbeau: con quạ; Renard:
con cáo.
Hai cái tên đó La Phôngten[101] trước
kia đã nói đến. Cơ hội quả thật là rất tốt để cho giới tư pháp tha hồ cười cợt.
Thơ, vè chế nhạo, xuất hiện ngay tức khắc và truyền đi trong những tòa án ở
Pari. Có những câu thơ ít nhiều khập khiễng:
Trạng sư Quạ đỗ trên giấy má
Ngậm trong mồm một lá tịch biên
Đánh hơi trạng Cáo tới liền
Múa môi uốn lưỡi bẩm lên: “Thưa ngài…”
[101] La Fontaine: nhà ngụ ngôn nổi
tiếng nước Pháp, thế kỷ 17. Mấy câu thơ dưới nhại đoạn đầu bài ngụ ngôn “Cáo và
quạ” của ông.
Những câu chế giễu làm cho hai vị biện lý khó chịu và những
tiếng cười khúc khích đuổi theo họ, làm cho họ khó ngẩng cao đầu. Họ quyết định
tâu lên vua, nhờ nhà vua can thiệp. Họ dâng sớ lên Lui XV, đúng vào ngày, giờ
mà sứ thần của Giáo hoàng một bên và đức giáo chủ Đơ La Rôsơ Aymông một bên, đang
quỳ gối một cách kính cẩn nâng hai chiếc hài xỏ vào hai bàn chân trần của bà
Đuy Bari vừa ngủ dậy. Nhà vua đang cười lại được dịp cười thêm. Mặc hai vị giám
mục, hoàng thượng quay về hai ngài biện lý và cho phép hai ông thầy kiện ấy đổi
tên hay sửa tên một chút. Ông Corbô được phép nhà vua thêm một cái đuôi vào chữ
đầu tiên của ông và trở thành ông Goócbô. Ông Rơna thì không được may mắn bằng
vì chỉ được phép cho thêm chữ P ở trước chữ R của mình và mang tên mới là
Prơna, khiến cho cái tên sau này cũng tiêu biểu cho ông chẳng kém cái tên
trước.[102] Theo
người khu phố ấy truyền lại thì ông biện lý Goócbô là chủ cái nhà mang số 50-52
ở đại lộ bệnh viện này. Chính ông ấy cũng là người đã trổ cái cửa đồ sộ kia.
[102] Renard: con cáo, tiêu biểu cho
xảo quyệt. Prenard vốn không có chữ, nhưng nếu có thì có nghĩa là tên trộm cắp
đục khoét.
Do đó mà cái nhà hát bấy giờ có cái tên nhà ông Goócbô.
Ngay trước cửa số nhà 50-52, giữa những cây cối trên đại lộ
có một cây du đã chết đến ba phần tư. Hơi chếch cửa nhà này một chút là phố cửa
ô Gôbơlanh, lúc bấy giờ chưa có nhà ở, chưa có đá lát, cây trồng không hàng
lối, xanh tươi hay bẩn lấm tùy mùa, phố này dẫn thẳng đến hàng thành bao quanh
Pari; một xưởng máy gần đó bốc lên qua mái một mùi diêm sinh.
Cửa ô ngay ở gần đấy. Năm 1854 tường thành vẫn còn.
Chính cái cửa ô này gợi ra trong đầu óc những hình ảnh thê
thảm. Nó là con đường dẫn đến Bixetơrơ. Chính qua cửa ô ấy, dưới thời đế chế và
thời phục hưng, những tù tử hình được đưa về Pari ngày họ bị hành hình. Chính ở
đây vào khoảng năm 1829 đã xảy ra một vụ ám sát mệnh danh là “Vụ ám sát cửa ô
Phôngtennơblô” mà công lý đã không tìm ra được những thủ phạm. Vấn đề bi thảm
không được đưa ra ánh sáng, bí mật ghê sợ không được khám phá. Tiến thêm vài
bước nữa bạn sẽ tới cái phố tai họa Cơrulơbácbơ nơi mà Uynbasơ đã đâm chết cô
gái chăn dê ở Yvơry, giữa tiếng sấm rền như trong một vở bi kịch. Đi vài bước
nữa bạn sẽ tới những cây du, ghê tởm, bị chặt ngọn của cửa ô Xanh Giacơ. Đây là
mưu mẹo của các nhà ái quần, muốn che giấu cái máy chém ở nơi pháp trường ti
tiện và nhục nhã của một xã hội con buôn và thị dân. Cái xã hội đó đã lùi bước
trước cái án tử hình, không dám hủy bỏ nó một cách đại lượng, cũng không dám
duy trì nó một cách oai nghiêm.
Ba mươi bảy năm trước nếu không kể đến cái quảng trường của
cửa ô Xanh Giacơ lúc nào cũng ghê rợn này mà số phận đã định thì cái nơi vắng
vẻ, thê thảm nhất của cái vùng thê thảm này, đúng là cái nơi mà bây giờ cũng
chẳng vui hơn tí nào, cái nơi ta thấy ngôi nhà nát 50-52.
Những ngôi nhà thị dân mới bắt đầu xuất hiện ở đây khoảng hai
mươi lăm năm sau đó. Cái khu này vẫn u ám. Qua những ý nghĩ chết chóc mà cái
khu này khêu gợi, người ta cảm thấy mình đứng giữa cái vòm mái của bệnh viện
Xanpêtơrie[103] và
cửa ô Bixetơrơ mà người ta nhìn thấy ẩn hiện cái hàng rào. Nghĩa là giữa cái
điên dại của phụ nữ và cái điên dại của đàn ông.
[103] La Salpêtơrie: là một bệnh viện
cứu tế của nhà thờ đón những phụ nữ già bệnh tật và cả những phụ nữ mắc bệnh
thần kinh.
Phóng tầm mắt nhìn ra xa nhất cũng chỉ thấy những lò sát
sinh, bức tường thành và vài ba mặt tiền nhà máy hiếm hoi, giống như những trại
lính hay những tu viện. Đâu cũng thấy những túp lều gỗ ván, những đống vôi gạch
đổ nát, những bức tường cổ, đen như những tấm vải liệm người, những bức tường
mới trắng như những bức lụa phủ mặt. Khắp nơi những hàng cây song hành, những
ngôi nhà thẳng tắp kẻ chỉ, lạnh lẽo và những góc vuông buồn bã thê thảm. Không
có một cái mô cái gò nào, không có một nét kiến trúc tài tử nào, không có một
nếp gợn nào. Cả một khối lạnh lẽo như băng giá đều đặn, xấu đến kinh khủng.
Không có gì làm cho trái tim ta đau thắt lại như cái cân đối. Bởi vì cân đối là
chán ngán và chán ngán là gốc rễ của tang tóc. Tuyệt vọng biểu lộ bằng cái ngáp
dài. Người ta có thể tưởng tượng một cái gì ghê rợn hơn cõi địa ngục làm người
ta chịu đau khổ, ấy là cái địa ngục làm cho người ta buồn chán. Nếu cái địa
ngục ấy có thật thì đoạn đường này của đại lộ Bệnh viện có thể là con đường dẫn
đến đó.
Khi đêm bắt đầu xuống, khi ánh ngày bắt đầu đi, nhất là về
mùa đông khi gió lạnh hoàng hôn làm rung những lá hung đỏ cuối cùng của những
cây du, khi bóng tối dày đặc, không có một ánh sao hay là khi mặt trăng và gió
chọc thủng những đám mây, thì cái đại lộ này bỗng trở nên kinh khủng. Những
đường nét thẳng đâm sâu vào đêm tối và mất hút đi những khúc đường của vô tận.
Người qua đường không thể không nghĩ tới những cảnh treo cổ quen thuộc của vùng
này. Cái vắng vẻ của một nơi đã xảy ra bao nhiêu tội ác, thật có một cái gì ghê
rợn. Trong cái bóng tối đen này, người ta cảm thấy có những cạm bẫy, tất cả
những hình dáng mơ hồ của bóng tối đều đáng nghi đáng sợ và những khoảng vuông
trống rỗng ở giữa những bóng cây có vẻ là những huyệt chôn người. Ban ngày thì
xấu xí, chiều lại thê thảm, đến đêm quả ghê rợn.
Mùa nực, lúc sẩm tối người ta thấy ở một vài chỗ những bà già
ngồi dưới gốc cây du hay trên những tấm ghế dài mốc meo vì dầm mưa. Những bà
già ấy đôi khi cũng ngửa tay xin tiền.
Những cái khu phố có vẻ xưa chứ không cổ ấy bây giờ mỗi ngày
một thay đổi. Ngay hồi bấy giờ ai muốn biết cái khu phố ấy thì phải đến mau.
Mỗi ngày một nét của cái khu phố cũ nát ấy mất đi. Và bây giờ thì hai mươi năm
rồi, cái “bến” xe lửa đi Oóclêăng đã đặt tại đây, bên cạnh khu phố ngoại thành
cũ và nhào gọt cho nó thay đổi. Ở rìa một thủ đô, chỗ nào đặt một bến xe lửa
thì ở đó khai tử một khu ngoại ô và khai sinh một thành phố. Hình như xung
quanh những trung tâm hoạt động của các dân tộc, trong tiếng sấm rền của những
cái máy cực kỳ mạnh ấy, trong hơi thở của những con ngựa quái đản của văn minh
ngốn than và phun lửa, lòng đất đầy mầm sống rung động và mở ra để nuốt những
chỗ ở cũ của con người và làm hiện lên những chỗ ở mới. Những nhà cũ đổ xuống
và những nhà mới mọc lên.
Từ khi nhà ga Oóclêăng lấn chiếm đất đai của khu Xanhpêtơrie,
những phố cũ chật hẹp ở gần những phố Xanh Vichto và vườn Bách thảo, rung
chuyển mỗi ngày ba, bốn lần, vì những đoàn xe ngựa chở khách, xe ngựa con, xe
buýt chạy xuyên qua và trong một thời gian nhất định làm cho hai dãy nhà bên
trái bên phải lùi lại. Có nhiều sự việc nói ra thì lạ lùng nhưng lại rất chính
xác, cũng như có thể nói rất đúng, trong các thành phố lớn mặt trời làm cho các
mặt nhà quay về phía nam như sống dậy và lớn lên, cũng rất có thể nói rằng việc
qua lại thường xuyên của xe cộ làm cho các đường phố rộng ra. Những triệu chứng
của một cuộc sống mới thật rõ rệt. Trong cái khu phố tỉnh nhỏ có những ngõ
ngách hoang vu nhất này, nền đường bắt đầu bày ra, vỉa hè bắt đầu bò và kéo
dài, ngay ở những chỗ chưa có ai qua lại. Một buổi sáng, một buổi sáng đáng ghi
nhớ vào tháng 7 năm 1845, bỗng nhiên người ta thấy những cái nồi nấu nhựa đường
bốc khói. Ngày hôm ấy người ta có thể nói rằng văn minh đã đi đến phố Luôcxinơ
và Pari đã đi vào ô Xanh Mácxô.
II
TỔ DÀNH CHO CÚ VÀ BẠC MÁ
Giăng Vangiăng dừng lại ở trước cửa chính cái nhà nát Goócbô
ấy. Cũng như loại chim dữ, ông ta đã tìm chỗ xa vắng nhất để làm tổ.
Ông lục túi áo gi-lê, lấy một chiếc chìa khóa vạn năng mở
cửa, đi vào rồi đóng lại cẩn thận và leo lên thang gác, lưng vẫn cõng con
Côdét.
Lên hết cầu thang, ông móc túi lấy ra một chiếc chìa khóa
khác và mở một cửa khác. Cái phòng ông vừa vào là một gian phòng tồi tàn nhưng
khá rộng, về đồ đạc chỉ có một cái nệm đặt dưới đất, một chiếc bàn và mấy cái
ghế tựa. Một lò sưởi đặt ở góc, đang cháy, từ ngoài nhìn thấy than hồng. Ngọn
đèn đường soi lờ mờ cảnh nhà nghèo nàn ấy. Cuối phòng, có một cái buồng đặt một
chiếc giường giát cứng. Giăng Vangiăng mang con bé đặt nằm lên chiếc giường đó,
nó vẫn không tỉnh dậy.
Ông bật máy lửa đốt cây nến. Máy lửa, nến đều đặt sẵn trên
bàn từ trước. Cũng như tối hôm qua, Giăng Vangiăng ngắm Côdét với đôi mắt say
sưa trong đó vẻ nhân từ và niềm âu yếm như đến mức điên dại. Con bé bình tĩnh
tin cậy như người khỏe tuyệt đối hoặc như kẻ yếu vô cùng, trước đây đã ngủ
thiếp đi mà không cần biết mình đang ở nơi nào.
Giăng Vangiăng nghiêng mình hôn tay con bé đó.
Chín tháng trước, ông đã hôn tay người mẹ, lúc đó cũng vừa
ngủ.
Một niềm đau thương lẫn kính cẩn thắt gan thắt ruột tràn ngập
lòng ông.
Ông quỳ xuống bên cạnh giường Côdét.
Trời đã sáng rõ mà con bé còn ngủ. Ánh sáng nhợt nhạt mặt
trời tháng chạp xuyên qua cửa sổ, in lên trần nhà những vệt dài. Thình lình,
một chiếc xe chở đá chất nặng đi qua đại lộ làn chuyển căn nhà như một tiếng
sấm trời giông và làm rung động nó từ nền đến mái. Côdét bừng tỉnh, kêu:
- Vâng, thưa bà! Con đây! Con đây!
Và nó nhảy từ giường xuống, mắt còn nửa nhắm nửa mở vì ngái
ngủ. Nó đưa tay vào góc buồng, miệng nói:
- Chao ôi! Cái chổi của tôi đâu rồi?
Nó mở hẳn mắt và trông thấy gương mạt tươi cười của ông
Giăng. Nó nói:
- Ô! Này, mà thật! Con chào ông.
Khi niềm vui và hạnh phúc đến thì trẻ con tiếp nhận ngay,
tiếp nhận không kiểu cách bởi vì chính chúng là niềm vui và nguồn hạnh phúc.
Côdét nhìn thấy Catơrin ở cuối giường và vồ lấy. Nó vừa chơi
vừa hỏi ông Giăng hàng trăm câu hỏi:
- Đây là đâu? Pari có lớn không? Bà
Tênácđiê có quả là ở xa không? Bà có trở về không?… Đột nhiên, nó kêu: - Chao
ôi! Ở đây xinh quá!
Thật ra đây là căn nhà tồi tàn xấu xí.
Nhưng mà nó cảm thấy tự do. Lát sau nó nói tiếp:
- Con có phải quét nhà không?
- Con chơi đi - Giăng Vangiăng nói.
Ngày hôm đó trôi qua như vậy. Không cần
tìm hiểu gì hết, Côdét cảm thấy sung sướng không xiết kể giữa con búp bê đó và
ông già kia.